Announcement

Collapse
No announcement yet.

PHÁ TAM GIANG: Giòng Nước Lợ Miền Trung....

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • PHÁ TAM GIANG: Giòng Nước Lợ Miền Trung....

    PHÁ TAM GIANG: Giòng Nước Lợ Miền Trung....




    [justify]Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm Phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích Phá Tam Giang khoảng 52 km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của bốn huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

    [/justify]


    Phá Tam Giang là một phá lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của cả nước. Phá Tam Giang, một trũng nước lớn nơi có 3 cửa sông hợp lưu trước khi chảy ra biển là Ô Lâu phía Bắc, sông Bồ và sông Hương phía Nam.

    Độ sâu của phá này từ 2–4 m, có nơi sâu tới 7 m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Hiện nay có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu qua Phá Tam Giang để có điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.

    PHÁ TAM GIANG TRONG VĂN HOÁ VIỆT NAM

    Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:

    Đường vô xứ Huế quanh quanh

    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

    Thương em anh cũng muốn vô

    Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...



    Giải thích: Phá Tam Giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách-nơi có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ-cho nên thương em mà không dám vô cớ là vậy.



    Vào thập niên 1970, trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc cho một bài thơ của Tô Thùy Yên và đặt tên bài hát là Chiều trên Phá Tam Giang. Bài hát có đoạn: "Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em. Nhớ sao là nhớ..."


    Chiều trên phá Tam Giang

    Anh sực nhớ em

    Nhớ bất tận

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi

    Như những mặt trời con thật dễ thương

    Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi

    Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích

    Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng

    Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại

    Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi

    Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi

    Một cành mai nhị độ

    Thấy tình yêu như vận hội tàn đời

    Để xé mình khỏi ác mộng

    Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân

    Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!


    Cái tên “Tam Giang” như gợi mở một vùng sông nước mênh mang lắm. Chẳng biết thuở xa xưa, vùng sóng nước này còn hoang sơ đến đâu mà để phải ghi dấu vào trong ca dao của người dân Huế như huyền thoại về một vùng đất hiểm địa “Thương em anh cũng muốn vô. Ngại Truông Nhà Hồ, ngại Phá Tam Giang”. Nếu được một lần du ngoạn bồng bềnh trên sóng nước Tam Giang, khám phá một hệ đầm phá được mệnh danh là kỳ vĩ nhất khu vực Đông Nam Á với những vẻ đẹp quyến rũ, bình yên của thiên nhiên và cuộc sống con người nơi đây, hẳn bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị đến khó quên trong đời.

    Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên Ca dao có câu:

    Thương em anh cũng muốn vô

    Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...


    Trên vùng Phá Tam Giang có làng chài Thái Dương Hạ cổ xưa hàng mấy trăm năm. Ngoài ra, còn có Đình làng Thái Dương Hạ là một tổ hợp vừa mang dáng vẻ Đình làng truyền thống Việt, vừa mang nét văn hoá đặc trưng trong trang trí Đền miếu của vùng đất Thừa Thiên- Huế, khá lộng lẫy, uy nghi, thờ Thành hoàng làng là ông Trương Quý Công (hay Thương Thiều), người Đàng Ngoài, đã có công dạy cho dân làng nghề đánh bắt cá và buôn bán ghe mành. Đình cứ 3 năm tổ chức Lễ hội Cầu ngư rất long trọng vào 12.1 âm lịch.


    Chiều trên Phá Tam Giang là một khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Phá hình như quá đỗi hiền hoà, thơ mộng trữ tình, không mang dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển có những con sóng lừng đầy hiểm nguy...

    MỘT HUYỀN THOẠI VỀ PHÁ TAM GIANG

    Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (ÐNNTC) trang 153 chép Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải có nghĩa là biển cạn, từ nam chí bắc dài 30 dặm, từ đông sang tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu - Thọ Lai (hệ thống sông Lương Ðiền) chảy xuống Phá về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả, sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn.

    Trong ca dao xưa ở Thừa Thiên – Huế có câu:

    Thương anh, em cũng muốn vô

    Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang


    Trong qua khứ, một số lý giải về ấn tượng “Sợ phá Tam giang” vì cho rằng “nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn” và đưa vào một số dẫn chứng về bài ca “ Cửa biển Tư Hiền “ với 3 ngọn sóng thần thường đánh đắm thuyền bè. Truyện kể Thái Tông hoàng đế từng đến đây chơi, trông thấy sóng yêu làm hại thuyền, nổi giận sai đem đại bác ra bắn, trúng được 2 ngọn sóng máu phun ra đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất; từ đấy thuyền bè đi lại không lo gì nữa, đến nay người ta còn ca tụng (ÐNNTC trang 147)

    Phá Tam giang thuộc huyện Quảng Ðiền. Quảng Ðiền là một địa danh có từ cách đây hơn 200 năm, nguyên là đất quận Nhật Nam thời thuộc Hán, sau là châu Lý của Chiêm Thành; thời nhà Trần là quận Trà Kệ thuộc châu Hóa; thời nhà Lê đổi thành huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

    Trong Ô Châu Cận Lục của Dương văn An viết vào đầu nửa thế kỷ XVI (1555) dưới thời Lê – Mạc thì vùng Quảng Ðiền - Phong Ðiền hiện nay nằm trong địa phận 2 huyện Kim Trà và huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

    Dưới thời nhà Nguyễn đổi Ðan Ðiền thành Quảng Ðiền (Ðại Nam Nhất Thống Chí trang 96). Hiện nay huyện Quảng Ðiền thuộc tỉnh Thừa Thiên, địa danh Ðan Ðiền xưa được mang ra đặt tên cho một cây cầu hiện nay ở thị trấn Sịa.

    Vùng đất Quảng Ðiền – Phong Ðiền là quê hương của nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử Việt Nam từ cổ tích cho đến nhân vật liệt nữ tăng đạo. Ða số thuộc vào thời các chúa Nguyễn như: Ông Nguyễn quang Tiền giữ chức Quản tiên phong thủy đạo, Ông Nguyễn văn Thành tổng trấn bắc thành thời Gia Long, Nguyễn Ðô, Nguyễn đình Ðức được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần , thượng thư Lương tiến Tường, Ðoàn văn phú, Ðặng văn Thêm, Lê văn Phú đều được thờ ở đền Hiền Lương, Lê phúc Sơn thờ ở đền Trung nghĩa; đặc biệt ông Thân văn Quyền được vua Minh Mệnh phái đi Pháp về sau giữ chức Bố chính tỉnh Ðịnh Tường cũng được thờ ở đó.

    Gương liệt nữ có bà Nguyễn thị Xuân…thủ tiết thờ chồng.

    Các di tích lịch sử của Quảng Ðiền gắn liền với các hoạt động lễ hội như đình Thủ Lễ gắn với hội vật, các điệu hò như mái nhì, hò ô, hò giã gạo được ưa chuộng trong dân gian; các trò chơi chọi gà, đua thuyền, kéo co, vật võ, bài chòi thường được tổ chức trong các dịp lễ, tết …

    Văn hóa ẩm thực đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa, bún bò, cháo cá dìa, trìa phá Tam giang và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tôm vùng nước lợ thì không có nơi nào phong phú hơn ở vùng đầm phá Tam giang, ngay cả chim nước như le le, vịt nước hay các loài lưỡng thê cũng vậy.

    Khí hậu ở Quảng Ðiền Tam Giang được phân thành hai mùa rõ rệt: Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng gió Tây Nam nên không khí khô nóng, oi bức. Mùa mưa từ tháng 9 năm trước đến tháng giêng năm sau. Tháng 9-10 thường kéo theo lũ lụt. Tháng 11 mưa kéo dài. Các tháng 7,8,9,10 thường hay có bão.

    Vùng đất mang nét đặc thù chung của nền văn hoá Huế, và cũng là nơi có nền văn hoá Chăm Pa, những di tích mang dấu ấn của một thời lịch sử như Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng. Những người con của Quảng Ðiền đã đi vào những trang sử hào hùng của quê hương đất nước như Ðặng Tất, Ðặng Dung, các nhà chí sĩ như Trần Thúc Nhẫn…

    HỆ SINH THÁI ĐỘNG VẬT ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI

    Hệ đầm Phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) có diện tích hơn 22.000 ha, giàu tài nguyên động, thực vật và được đánh giá là phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á. Khu vực này có tới 230 loài cá, tôm (trong đó có 30 loại tôm, cá có giá trị kinh tế), chiếm 1/3 sản lượng khai thác hàng năm của địa phương.

    Do co tinh da dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa, nguồn dinh dưỡng tại chỗ và sông suối tải vào phong phú mà hệ sinh thái động vật đầm phá rất giàu về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. Trong đó, động vật phù du có mật độ phân bố dao động từ 16.000 (cửa Thuận An, Tư Hiền) đến 67.967 (đầm Cầu Hai) và 73.722 (cửa sông Ô Lâu) ct/m3. Mật độ phân bố động vật đáy biến động theo mùa (mùa khô tăng lên), theo khu vực và đạt giá trị từ 575 (đầm Thủy Tú) đến 1.753 (cửa sông Ô Lâu) và 2.665 (đầm Cầu Hai) ct/m3.

    * Khu hệ động vật không xương sống (Invertebrata)



    - Ngành giun đốt: Trong ngành giun đốt ở đầm Phá Tam Giang - Cầu Hai hầu như chỉ gặp các loài (23 loài) của lớp giun nhiều tơ (Polychaeta): Namalycastis longicirris, Dendronereis arborifera, Nephthys oligobranchia, N. californiensis, N. polybranchia, Neanthes japonica. N. caudata, Ceratonereis mirabilis ...

    - Ngành nhuyễn thể: Kết quả điều tra cho thấy có 18 loài nhuyễn thể thuộc bộ chân bụng trung (Mesogastropoda), bộ chân rìu mang sợi (Filobranchia) và bộ chân rìu mang tấm (Eulamellibranchia), trong đó thành phần loài ưu trội thuộc về bộ chân rìu mang tấm. Đó là các loài: Terebrallia sulcata, Perna viridis, Meretrix meretrix, Sermyla tonartella, Mactra quadragularis, Sanguinolaria diphos, Anomalocardia producta, Limnoperna siamensis, Corbicula bocourti, C. moreletiana, Cyrenobatissa subsulcata...

    - Ngành chân khớp: Trong ngành chân khớp đã phát hiện các loài thuộc bộ râu ngành (Cladocera), bộ chân chèo (Copepoda) của giáp xác phù du (33 loài) và các bộ Amphipoda, Tanaidacea, Isopoda, Decapoda thuộc giáp xác bám đáy (12 loài). Một số loài tiêu biểu của giáp xác phù du và giáp xác bám đáy (giáp xác lớn Malaeostraca) như sau: Vietodiaphtomus hatinhensis, Diaphanosoma sarsii, Moina dubia (Cladocera), Sinocalanus lacvidactylus, Centropages brevifurcus, Mesocyclops leuckarti, Pseudodiaptomus sp., Bosmia longirostris, Harpacticus sp., (Copepoda), Kamaka palmata, Tachaea chinensis, Melita vietnamica, Grandidierella vietnamica, Cyathura truncata, Apseudes vietnamensis, Penaeus semisulcatus, Penaeus monodon, Metapenaeus ensis, Scylla serrata... (Malacostraca).



    Trong thủy vực đầm phá, động vật không xương sống thủy sinh phân bố thành ba nhóm loài theo độ mặn, trong đó nhóm loài nước lợ chiếm ưu thế, kế đến là nhóm loài gốc biển và sau cùng là các loài nước ngọt. Số lượng cá thể động vật phù du cao, trung bình từ 6.622 (thời kỳ 1998 - 2.000) đến 45.000 (thời kỳ 2001 - 2003) ct/m3. Mật độ phân bố động vật bám đáy ở đây cao hơn các thủy vực cùng loại của nước ta, trung bình đạt 1.300 ct/m3. Trong số động vật đáy của đầm phá, bộ Amphipoda chiếm ưu thế về số lượng, còn nhuyễn thể (Mollusca) lại vượt trội về khối lượng.

    * Khu hệ cá (Pisces)



    Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, thuộc 95 giống, 60 họ nằm trong 17 bộ khác nhau. Trong khu hệ cá đầm phá, ưu thế nhất thuộc bộ cá vược (Perciformes) gồm 30 họ (chiếm 50%) và 86 loài (chiếm 52,76%). Tiếp theo là bộ cá đối (Mugiliformes) với 14 loài (chiếm 8,95%), bộ cá chép (Cypriniformes) và bộ cá chình (Anguilliformes) mỗi bộ có 10 loài (chiếm 6,13%). Những bộ còn lại có số loài không nhiều vào khoảng được 5% tổng các loài cá đã điều tra ở đây. Nói chung khu hệ cá đầm phá nằm trong 4 nhóm sinh thái theo nguồn gốc (liên quan độ mặn) của chúng dưới đây:

    - Nhóm cá nước lợ: Có số loài đông nhất và là nhóm chủ yếu của khu hệ cá đầm phá. Đại diện nhóm này gồm các loài cá thuộc các họ: Clupeidae, Engraulidae (bộ Clupeiformes), Atherinidae (bộ Atheriniformes), Hemirhamphidae (bộ Beloniformes), Mugi1idae (bộ Muguiliformes), Theraponidae, Leiognathidae, Gobiidae, Siganidae (bộ Perciformes).

    - Nhóm cá nguồn gốc biển: Đa số thuộc bộ cá vược sống ở vùng biển nhiệt đới và có số lượng nhiều. Tuy nhiên, nhiều loài thuộc cá hẹp muối nên thường xuất hiện trong đầm phá vào mùa khô.

    - Nhóm cá nước ngọt: Nhóm sinh thái này có thành phần loài hạn chế, phân bố chủ yếu ven bờ Tây Nam (nơi có nước sông đổ vào). Trong mùa mưa lũ với độ mặn thấp (5-10‰) thường gặp tới 30 loài của các họ: Cyprinidae (bộ Cypriniformes), Notopteridae (bộ Osteoglossiformes), Clariidae (bộ Siluriformes), Symbranchidae (bộ Symbranchiformes), Anabantidae, Ophiocephalidae (bộ perciformes).

    - Nhóm cá di cư: Tùy thuộc giai đoạn sinh trưởng của cá thể, một số loài di cư đến các thủy vực khác vào từng thời gian nhất định hàng năm. Phần lớn các loài di cư vào đầm phá để kiếm mồi hoặc sinh sản như cá mòi cờ, cá đối lá, cá cơm biển... Một số khác thuộc cá nước ngọt như chình hoa sống ở khe suối miền đồi núi, cá đối mục, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng.

    Khu hệ cá đầm phá ở đây khá gần gũi với các khu hệ cá cửa sông Việt Nam, đặc biệt là cửa sông phía Bắc. Ở đây đã xác định được 23 loài cá có giá trị kinh tế. Các loài cho sản lượng cao là cá dầy (Cyprinus centralus), cá đối lá (Mugil kelaarti), cá đối mục (M. cephalus), cá dìa (Siganus guttatus), cá bống thệ (Oxyurichthys tentacularis), cá hanh (Sparus latus), cá hồng chấm (Lutianus johni), cá căng đàn (Therapon jarbua) ...

    * Khu hệ chim (Aves)



    Những kết quả khảo sát vừa qua cho phép bổ sung danh lục chim, phần lớn là chim nước, khá phong phú với 70 loài, trong đó có 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, 28 loài có giá trị kinh tế cao, 21 loài được ghi trong Danh lục chim bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng Châu Âu và 1 loài trong Sách đỏ Việt Nam. Nhờ có thảm thực vật đầm lầy gồm cỏ tranh, cỏ gà nước, lác, sú, chim nước tập trung với mật độ cao thành các sân chim tại 3 khu vực: cửa sông Ô Lâu, đầm Sam và cửa sông Đại Giang. Vào đông xuân số lượng chim lên tới 20.000 con. Có lúc đàn ngỗng trời trên 500 con, đàn vịt trời trên 1.000 con và đàn sâm cầm tới 2.000 - 3.000 con. Theo số liệu thống kê các loài chim ở đây chủ yếu nằm trong 7 bộ: bộ cò (Ciconiformes) bộ cắt (Falconiformes), bộ sếu (Gruiformes), bộ ngỗng (Anseriformes), bộ rẽ (Charadriiformes), bộ sả (Coraciformes), bộ sẻ (Passeriformes). Một số loài chim trong các bộ kể trên thuộc Danh lục chim bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng Châu Âu bao gồm: diệc lửa (Ardae purpurea), cò trắng (Egretta garzetta), cò ruồi (Bubulcus ibis), ó cá (Pandion haliaetus), cắt lưng hung (Falco tinmunculus), choi choi sông (Charadrius dubius), choi choi khoang cổ (C. alexandrius), choắt đốm đen (Tringa stagnatilis), choắt bụng xám (T. glareola), choắt nhỏ (T. hypoleucos), nhàn đen (Chilidonias hybrida), bồng chanh (Alcedo athis), nhạn bụng trắng (Hirundo rustica), chìa vôi vàng (Motacilla flava), chìa vôi trắng (M. alba), chim manh lớn (Anthus novaeseelandiae), bách thanh (Lanius schach), bách thanh nhỏ (L. collurioides), chích đầu nhọn mày đen (Acrocephalus istrigiceps), chích đầu nhọn phương Đông (A. orientalis), sẻ đồng ngực vàng (Emberiza aureola).

    DU LỊCH PHÁ TAM GIANG

    Tôi đã cùng gia đình đến vùng này nhân chuyến đi chơi miền Trung nắng nóng vào mùa hè 2016.

    Từ Huế, có hai đường đến Phá Tam Giang. Một đường ngay tại quốc lộ 1A, cách thành phố Huế 11km hoặc chạy zíc zắc trong các ngôi làng cổ của Huế, được ngắm những cánh đồng lúa và những rặng phi lao cao vun vút và ô.. la… la… Phá Tam Giang đang chào đón bạn.

    Tới Phá Tam Giang, bạn có thể lên phà tới làng chài Thái Dương Hạ. Đó là một ốc đảo nhỏ trên phá với bốn bề mênh mông nước, một làng chài cổ xưa hàng trăm năm vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay sẽ cho bạn những khám phá thú vị về văn hoá.

    Đình làng Thái Dương Hạ là một tổ hợp vừa mang dáng vẻ đình làng truyền thống Việt, vừa mang nét văn hóa đặc trưng trong trang trí đền miếu của vùng đất Thừa Thiên – Huế. Đình khá lộng lẫy, uy nghi, thờ Thành hoàng làng là ông Trương Quý Công (hay Thương Thiều), người Đàng Ngoài, đã có công dạy cho dân làng nghề đánh bắt cá và buôn bán ghe mành. Đình cứ 3 năm tổ chức Lễ hội Cầu ngư rất long trọng vào 12-1 âm lịch.

    Đời sống trên Phá Tam Giang cũng tấp nập rộn ràng và rất sinh động. Ngay từ đầu làng bạn sẽ nhận thấy các ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản với, tôm, cá, mực tươi rói được chuyển nhanh từ dưới thuyền lên chợ, rồi lại chuyển từ chợ xuống các thuyền buôn cá tôm khác đi khắp các chợ khác quanh vùng.


    Làng Thái Dương Hạ còn làm cho khách tới đây ngạc nhiên khi đứng trước “thành phố lăng”, nơi “cư ngụ” của người cõi âm trong làng, được xây cất như một ngôi biệt thự tí hon, trang trí hoa văn rất đẹp, có “ngôi nhà” còn được thắp đèn điện ngày đêm…Cuộc sống “Dương sao âm vậy” dường như đúng với mảnh đất này.

    Và tất nhiên, khi đến Phá Tam Giang, bạn không thể không thưởng thức đặc sản nơi đây. Cá, mực, tôm, ghẹ tươi roi rói và nháy tanh tách, thịt thơm ngọt. Món cá hấp đã ngon, ngao cũng không kém phần thơm ngọt dù ngao ở vùng phá này nhỏ hơn ngao ngoài biển. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay, nhưng ngọt, chắc và giá cả sẽ khiến bạn giật mình vì chỉ rẻ bằng nửa so với ghẹ ngoài biển.



    :caphe: MUSIC LINK: BÀI HÁT "VỀ PHÁ TAM GIANG"

    Còn gì tuyệt vời hơn, khi ngồi trên chiếc đò ngắm vẻ đẹp huyền ảo của hoàng hôn Phá Tam Giang vừa nhấm nháp hương vị đặc sản ngon tuyệt vời. Thời gian như lắng đọng với không gian !


    Composed by: Pham Khang (72KNN)

    ================================================== =======


    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    [justify]- Dr. Ta Thi Thanh Huong, Ph.D; RESOURCE ACCESS AND LIVELIHOOD RESILIENCE IN TAM GIANG LAGOON, VIETNAM; A Thesis Submitted to the Faculty of Graduate Studies of The University of Manitoba in partial fulfilment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy, 2006; Clayton H. Riddell Faculty of Environment, Earth, and Resources Natural Resources Institute; University of Manitoba Winnipeg, Manitoba, CANADA, R3T 2N2

    - Brown, C.A. and King, J.M. 2003. Tóm tắt phương pháp DRIFT. Nghiên cứu và Tư vấn Sinh thái nguồn nước miền Nam, Cape Town, Nam Phi.

    Trung tâm Kinh tế quốc tế Canberra và Sydney, 2002. Phân tích đói nghèo ở Việt Nam. Chuẩn bị cho Trung tâm Phát triển Quốc tế Úc.

    Trung tâm Công nghệ sinh học và môi trường Tài nguyên, 2002. Báo cáo tổng thể: Đánh giá tác động môi trường Dự án hồ chứa Tả Trạch. Đại học Huế, Vietnam.

    Dyson, M., Bergkamp, G., Scanlon, J. (eds) 2003. DÒNG CHẢY: Sự cần thiết của dòng chảy môi trường. IUCN, Gland, Thuỵ Sĩ và Cambridge, UK.

    - Trường Trung cấp Kinh tế Huế, 2004. Dự án Đánh giá đói nghèo có sự tham gia ở lưu vực sông Hương. Huế - Việt Nam.

    - JICA. 2001. Dự án Đánh giá tác động môi trường lưu vực sông Hồng (Đập Tả Trạch và đập ngăn mặn Thảo Long).

    - King JM, Tharme RE, De Villiers M (eds). 2000. Đánh giá dòng chảy môi trường ở các con sông: Sổ tay Phương pháp xây dựng khối. Ban Nghiên cứu về nước Báo cáo chuyển giao kỹ thuật No. TT131/00. Ban Nghiên cứu nước Pretoria. 340 trang.

    King JM, Brown CA, Sabet H. 2003. Phương pháp chính thể dựa trên kịch bản đối với những đánh giá dòng chảy môi trường của các con sông. Nghiên cứu về Sông và các Ứng dụng 19: 619-639.

    - Nghiem Tien Lam, 2004. Thuỷ văn sông Hương: Dự thảo báo cáo Đánh giá nhanh Dòng chảy môi trường.

    - Richter, B.D.; J.V. Baumgartner; R. Wigington; and D.P. Braun. 1997. Một dòng sông cần bao nhiêu nước? Sinh vật học nước ngọt 37: 231-249. Thị trần Cape, Nam Phi: Phòng nghiên cứu nước ngọt. Trường Đại học Cape Town.

    - Trần Đức Thạnh và nnk, Tiến hóa và động lực hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, NXB. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, 2010.

    - Nguyễn Đức Cự, Nguyễn Thị Phương Hoa, Đặc điểm địa hóa trầm tích đáy hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Hội thảo khoa học về đầm phá Thừa Thiên-Huế (1995) 34.
    [/justify]
    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing
Working...
X