Announcement

Collapse
No announcement yet.

Phân tích:Thời sự thế giới hàng tuần ...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Phân tích:Thời sự thế giới hàng tuần ...

    Vụ thử hạt nhân Bắc Triều Tiên làm thay đổi thế cân bằng tại châu Á



    Truyền hình Bắc Triều Tiên chiếu địa điểm thử hạt nhân ngày 12/02/2013.

    REUTERS/Lee Ji-Eun/Yonhap

    Minh Anh-RFI

    Ngày 12/02/2013 vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân thứ ba. Vụ thử đã bị cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án. Mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên giờ đây trở nên lỗi thời. Séoul và Tokyo được đặt trong tình trạng báo động, trong khi đó Hoa Kỳ vẫn chờ đợi câu trả lời từ phía Trung Quốc, và một vụ thử khác có lẽ cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị.

    Trên đây là những nhận định chung của các báo Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc về sự kiện vừa qua. Đề tài đã được tuần báo Pháp Courrier International lần lượt trích đăng lại trên số báo ra tuần này.

    Đầu tiên hết, Courrier International phải để ý đến phản ứng của Hàn Quốc, người anh em phía Nam của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của tờ Kyonghyang Sinmun « Vụ thử hạt nhân vừa qua đang làm thay đổi cục diện ».

    Cho đến giờ phút này, vẫn chưa có người nào biết được các đặc tính kỹ thuật của vụ thử hạt nhân lần thứ ba. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thu nhỏ thành công bom hạt nhân. Như vậy, đối với Seoul, người anh em phía Bắc của mình đang tiến thêm một bước đến việc sở hữu các loại vũ khí thật sự có thể sử dụng được. Nhất là, nếu như vụ thử vừa qua đã sử dụng chất uranium được làm giàu, thì rõ ràng các lời đe dọa của Bình Nhưỡng kể từ giờ đã mang một dáng dấp khác hẳn. Tác động của vụ việc sẽ khó có thể mà đo lường được, đồng thời việc giải trừ hạt nhân sẽ không còn nằm trong chương trình nghị sự nữa.

    Đối với tờ báo Hàn Quốc, việc phóng thành công một tên lửa có tầm xa ước tính đến 10.000 km vào cuối năm 2012, cộng với sự kiện lần này cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đe doạ trực tiếp đến Hoa Kỳ. Và trong một chừng mực nào đó, Bình Nhưỡng có thể áp đặt các đòi hỏi của mình với Washington.

    Thế nhưng, tờ báo Hàn Quốc này cũng cho rằng thành công của vụ thử vừa qua không đủ để quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Đối với chính phủ Hàn Quốc, « sở hữu hạt nhân và được công nhận là cường quốc hạt nhân là hai chuyện khác nhau hoàn toàn », vì sẽ có rất nhiều quốc gia không muốn trao cho Bắc Triều Tiên quy chế này.

    Nhưng cộng đồng quốc tế cũnng phải nhìn nhận rằng hiện nay Bình Nhưỡng đang nắm trong tay công nghệ thật sự đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân. Do đó, các nước lân bang cần phải thay đổi phương pháp. Giải trừ hạt nhân không phải là chuyện dễ làm như mục đích ấn định ban đầu khi tiến hành các vòng đàm phán sáu bên vào năm 2002. Mà giờ đây phải làm sao ngăn chặn sự phát triển các khả năng hạt nhân cũng như việc xuất khẩu vũ khí hạt nhân của quốc gia ra các nước khác.

    Theo nhận định của một vị giáo sư thuộc trường đại học Yonsei tại Seoul qua vụ việc lần này, cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận thực tiễn hơn. Ông ủng hộ lập trường « ba không » do nhà khoa học Mỹ Siegfried Hecker đề xuất, đó là « Không có thêm quả bom nào nữa, không có quả bom nào tốt hơn nữa, không xuất khẩu » (« Three No : No more bomb, no better bomb, No Export ».

    Theo phân tích của phía chính phủ Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên nghĩ rằng việc tự trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có hiệu quả có lẽ sẽ mở rộng cho họ nhiều hơn các biên độ hoạt động. Nếu như vậy thì cộng đồng quốc tế không còn khả năng nào hết ngoài việc ngồi lại vào bàn đàm phán.

    Thế khó xử của Seoul

    Trong bối cảnh đó, Courrier International trích dẫn lại một bài viết đăng trên tờ Minjungui sori cho rằng nữ Tổng thống tân cử Hàn Quốc Park Geun Hye đang đứng hai lựa chọn khó khăn « trừng phạt » hay « đối thoại ».

    Tờ báo cho rằng sau vụ thử hạt nhân vừa qua, dường như bà Park Geun Hye ngày càng có hướng theo chiến lược bao vây chống lại Bình Nhưỡng. Nhiều chuyên gia Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên tỏ ra e ngại rất có thể nữ Tổng thống tân cử sẽ từ bỏ vai trò chủ đạo trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo. Theo họ, việc gia tăng trừng phạt và trấn áp sẽ không giúp giải quyết được việc giải trừ hạt nhân. Bởi vì « Bắc Triều Tiên luôn phản ứng lại bằng những hành động đáp trả còn mạnh hơn nữa ». Theo họ, chính phủ Hàn Quốc cần phải triển khai một chính sách dựa trên sự hòa hợp và hợp tác, đồng thời hãy để cho Hoa Kỳ tiếp tục đi theo chính sách đồng minh của họ.

    Đối các chuyên gia Hàn Quốc, trừng phạt của Liên Hiệp Quốc là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Seoul cũng phải tiếp tục nỗ lực nối lại đàm phán. Họ cho rằng cần phải có một không gian liên Triều, độc lập với vấn đề hạt nhân, chẳng hạn như ý tưởng tiến trình tạo niềm tin do bà Park Geun Hye đề xuất trong quá trình tranh cử. Nếu như bà từ bỏ ý tưởng đó, thì sau 5 năm cầm quyền, nữ Tổng thống tân cử sẽ nhìn thấy khả năng hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên được tăng cường thêm, mối nguy đối đầu quân sự sẽ càng gia tăng, và quan hệ Bắc-Nam cũng sẽ trở nên xấu thêm.

    Bom thu nhỏ là mối nguy thật sự cho Nhật Bản

    Đối với Nhật Bản, Courrier International trích dịch bài viết đăng trên tờ Nihon Keizai Shimbun nhận định rằng « quả bom được thu nhỏ lại đang trở thành một mối nguy hiểm thật sự ».

    Hiện tại, Bắc Triều Tiên sở hữu từ 100 cho đến 300 tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong. Cho đến giờ, các phân tích gia Hoa Kỳ vẫn đánh giá rằng các đầu đạn hạt nhân còn quá nặng để có thể gắn vào đầu tên lửa. Nếu đúng như thông báo của Bình Nhưỡng là đã thu nhỏ thành công quả bom, thì điều đó cho phép họ có thể trang bị các tên lửa Nodong của mình.

    Trong hoàn cảnh này, Nhật Bản buộc phải thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Vấn đề là, hai hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có trên đất và trên biển, với hệ thống chống ngư lôi Aegis được trang bị bằng các tên lửa và tên lửa đất đối không lại không đủ sức để chống chọi với Bắc Triều Tiên, trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công trên diện rộng.

    Như vây, nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Nhật Bản có thể dựa vào một điều khoản trong Hiến pháp quy định cho phép đáp trả với điều kiện tự vệ hợp pháp. Trong trường hợp đó, lại phát sinh thêm một khó khăn khác. Đó là các tên lửa Nodong của Bắc Triều Tiên là các tên lửa di động. Do đó, Nhật Bản khó có thể mà định vị được các bệ phóng.

    Tờ báo nhận định rằng, trong bối cảnh đó, nhất thiết Washington và Tokyo phải chứng tỏ sự nhất quán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng hiểu rõ tính chất vững chắc của « chiếc ô hạt nhân ». Chừng nào sự đảm bảo đó vẫn vững chãi, chừng ấy Bắc Triều Tiên không thể tự cho phép dựa vào kho vũ khí hạt nhân của mình để khiêu khích Nhật Bản hay Hàn Quốc.

    Cuối cùng, tờ báo cho rằng trong chiều hướng này, tThủ tướng Shinzo Abe nên tận dụng chuyến công du Hoa Kỳ sắp đến để đạt được sự đảm bảo từ phía ông Obama.

    Trung Quốc trả giá đắt trong việc mặc cả hạt nhân với Bình Nhưỡng

    Về phần Trung Quốc, tờ báo Hồng Kông Zhongguo Pinglun đăng một bài viết nhận định của một vị giáo sư Trung Quốc lại cho rằng « Giá phải trả cho mặc cả hạt nhân của Bình Nhưỡng quá đắt ». Bài viết đã bị chính quyền Bắc Kinh nhanh chóng kiểm duyệt.

    Theo tác giả bài viết, Trung Quốc cần phải chuẩn bị tinh thần cho điều tệ hại nhất. Nếu như Bắc Triều Tiên sụp đổ, trong trường hợp tốt nhất, người dân sẽ bỏ chạy sang Hàn Quốc. Bằng như ngược lại, một làn sóng di tản sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc. Dĩ nhiên, là Bắc Kinh không trông đợi điều đó xảy ra, nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần cho sự kiện đó. Bài viết cho rằng Trung Quốc cần phải phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và phải có các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.

    Nếu như Hoa Kỳ tìm đủ mọi cách để lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, kể cả thông qua con đường hợp pháp là thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép tấn công quân sự, thì đối với Trung Quốc điều đó có thể sẽ gây ra một thảm họa nhân loại.

    Hơn ai hết, Bắc Kinh hiểu rõ người đồng chí của mình có thể sử dụng nhân dân như một « lá chắn » nhằm bảo vệ bằng mọi giá quyền lực gia đình họ Kim. Bắc Kinh đã trả giá quá đắt cho các ý đồ đe dọa hạt nhân khác nhau của Bình Nhưỡng. Do đó, không có chuyện cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này phải bỏ rơi hoàn toàn người hàng xóm của mình, bởi vì Bắc Triều Tiên cũng là một quốc gia có chủ quyền và độc lập (và cũng không phải là đồng minh của Mỹ là một cái lợi đối với Trung Quốc). Hiệp ước hữu nghị đôi bên ràng buộc Trung Quốc với một trách nhiệm đặc biệt. Nhưng theo tác giả, Bắc Kinh cần phải tỏ rõ quan điểm của mình trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc rằng Trung Quốc không muốn gánh lấy trách nhiệm trước hành vi thiếu suy nghĩ của Bắc Triều Tiên.

    Trung Quốc dỡ bỏ các trại cải tạo



    Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên phương diên xã hội, tuần san l’Express cho biết việc Bắc Kinh thông báo « dỡ bỏ trại cải tạo » không đồng nghĩa với việc chấm dứt hoàn toàn các vụ bắt giữ vô cớ các tù nhân chính trị. L’Express nhận xét việc hủy bỏ các trại cải tạo được thành lập từ thời Mao Trạch Đông là một tín hiệu tiến bộ vào thời điểm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

    Được Mao Trạch Đông dựng lên vào năm 1957 nhằm trấn áp những người chống đối cách mạng, tại Trung Quốc hiện nay có đến khoảng 310 trại cải tạo. Chỉ tính riêng trong năm 2009, đã có hơn 190 ngàn người bị giam giữ mà không thông qua xét xử công khai.

    Một luật sư mà l’Express đánh giá là có uy tín trong nước, người luôn đấu tranh chống lại các trại cải tạo nhận định rằng « với việc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, đây chính là thời điểm cho cải cách ».

    Thế nhưng, nhiều tiếng nói chỉ trích chính phủ nhận định rằng việc xóa bỏ các trại cải tạo không có nghĩa là chấm dứt chuyện bắt giam vô cớ các nhà đối lập. Theo họ, chừng nào chính phủ vẫn chưa chấp nhận các lời chỉ trích hay chuyện phản đối nhà cầm quyền thì chừng ấy nhà nước vẫn tiếp tục bỏ tù bất kỳ ai họ nghi ngờ. Một ví dụ điển hình gần đây nhất là vụ một giáo sư đại học tại thành phố Hàng Châu đã bị giam vào bệnh viện tâm thần chỉ vì ông dám gợi nhắc lại vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 trong bài giảng.

    Con người sẽ bị nhấn chìm trong dầu hỏa ?

    Về kinh tế - năng lượng, tuần san Le Nouvel Observateur có bài đề tựa « Chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong dầu hỏa ? ». Bài viết cho rằng việc khám phá nhiều nguồn năng lượng mới làm tăng mức dự trữ thế giới, đe dọa thế độc tôn của các nước vùng Vịnh và sinh thái môi trường.

    Phải chăng là lý thuyết về « đỉnh điểm dầu hỏa » đã lỗi thời ?. Một báo cáo do trường Harvard Kennedy School cho rằng « các chuyên gia đã đánh giá quá thấp tiềm năng của loại dầu hỏa không theo quy ước”.

    Theo ước tính, chỉ riêng tại châu Mỹ, trữ lượng các nguồn năng lượng mới, chủ yếu là các nguồn dầu và khí đá phiến có thể sánh ngang bằng với trữ lượng năng lượng hóa thạch tại các nước Trung Đông. Khoa học công nghệ phát triển, nhất là với sự trợ giúp của các nghiên cứu địa chấn ba chiều, cho phép việc thăm dò các mỏ dầu mới ngày càng dễ dàng hơn. Một loạt các mỏ dầu mới được phát hiện tại nhiều bang của Mỹ và một số nước khác như Brazil, Arhentina, Angola hay Kenya… Nhất là năm 2012 ngành khai thác khí đá phiến tại Hoa Kỳ đã nở rộ, nhờ vào sự cải thiện của công nghệ khai thác qua phương pháp « gây nứt gãy bằng thủy lực ».

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bi quan nhất vẫn đánh giá rằng các nguồn năng lượng mới này sẽ không bù đắp hoàn toàn cho sự suy giảm không thể tránh khỏi của nguồn năng lượng truyền thống.

    Mặt khác, các chuyên gia còn lưu ý rằng không những việc khai thác các nguồn năng lượng mới rất ư tốn kém mà còn để lại nhiều tác động xấu cho môi trường, như tiêu thụ nhiều nước, gây ô nhiễm nguồn nước bề mặt và các con sông do việc sử dụng nhiều hóa chất phụ gia độc hại…

    Cuối cùng, các chuyên gia còn ước tính rằng, nhờ vào nguồn năng lượng khí đá phiến, vào năm 2030, Hoa Kỳ có thể vươn lên thành nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới. Như vậy, diện mạo năng lượng thế giới và thế cân băng địa chính trị rất có thể sẽ bị chao đảo. Các vùng có trữ lượng nhiều nhất có thể khai thác được không còn thuộc về Trung Đông nữa. Nhiều xu hướng mới bắt đầu lộ diện, như sự trỗi dậy của Canada, Brazil, Tây Phi hay như vùng Vịnh Mêhicô …

    Như vậy, sự lệ thuộc nhiều vào nguồn dầu hỏa của OPEP sẽ giảm xuống, thị trường dầu hỏa cũng hạ nhiệt bớt, và chí ít đối với Hoa Kỳ giảm bớt mối lo an ninh trên các con đường của Trung Đông.

    Bao nhiêu năm để tạo ra một triệu phú ?

    Mục câu hỏi phụ trên tạp chí Le Monde tuần này, có đăng một nghiên cứu do tờ tuần san The Economist Anh quốc thực hiện nhằm tìm hiểu « phải mất bao lâu để sản xuất ra một người giàu ? »

    Theo tờ báo Anh quốc này, thì một người Pháp phải mất trung bình đến 40 năm để có thể tích cóp được một triệu đô-la (tức khoảng 750.000 euro). Như vậy, đánh giá này xếp Pháp vào hàng thứ 7 trên thế giới, sau Thụy Sĩ và Đan Mạch, nhưng đứng trước Đức và Anh. Nghiên cứu của tuần san kinh tế Anh xếp Hoa Kỳ đứng đầu bảng, quốc gia tạo ra nhiều triệu phú nhất trên thế giới và có nhịp độ sản xuất nhanh nhất : chỉ cần có 20 năm là đủ.

    Nghị sĩ Anh sắp có bệnh viện tâm thần riêng

    Nhìn sang Anh quốc, Le Monde cho hay là « chính sách khắc khổ cũng làm cho chính khách bị bệnh ».

    Không chỉ chính sách khắc khổ làm cho tinh thần cử tri xuống dốc, mà ngay chính các chính khách cũng vậy, ngày càng có nhiều người bị trầm cảm và trở nên quá ưu tư. Tình trạng nghiêm trọng đến mức sắp tới đây, các thành viên của Hạ viện Anh sẽ có một cơ sở tâm thần riêng cho họ, đặt ngay trong cung điện Westminster bao gồm các dịch vụ liệu pháp hành vi, khám định kỳ do các chuyên gia của bệnh viện St Thomas thực hiện. Một ngân sách thường niên khoảng 25.000 bảng Anh cũng vừa được thông qua nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết cho các đại diện của nhân dân.
    Have a nice day!!

  • #2
    Phiên họp đầu tiên Quốc hội Trung Quốc thời Tập Cận Bình



    Ông Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo (REUTERS)

    Minh Anh - RFI



    Trung Quốc khai mạc phiên họp quốc hội đầu tiên thời Tập Cận Bình là chủ đề thời sự quốc tế được nhiều báo Pháp số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến. Nhật báo công giáo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất « Trung Quốc, một ê-kíp mới và thách thức bao la ».

    Ngoài việc công bố ban lãnh đạo mới, phiên họp Quốc hội lần này sẽ với tấn công vào nhiều vấn đề đau đầu như nạn tham nhũng tràn lan, ô nhiễm môi trường gia tăng đáng ngại và bất công xã hội tăng mạnh.

    Lời từ giã của thủ tướng Ôn Gia Bảo

    Lẽ dĩ nhiên các báo Pháp đều chú ý đến bài diễn văn từ giã của thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo. Theo đánh giá của các tờ báo thì bản tổng kết của thủ tướng mãn nhiệm là quá nghèo nàn so với thời ông Giang Trạch Dân lãnh đạo đất nước.

    Liberation với tựa đề thông báo châm biếm “Ôn Gia Bảo, một phiên họp Quốc hội và sau đó ‘tchao’” (nghĩa là “chào tạm biệt”). Thông qua bài diễn văn từ giã chính trường hôm qua 05/3/2013, thủ tướng mãn nhiệm thông báo tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

    Tờ báo cho biết ngân sách cho quốc phòng năm nay sẽ tăng thêm 10,7%, tăng gấp sáu lần so với năm 2002, tức 740 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 92 tỷ euro). Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá rằng mức tăng trên còn cao hơn nhiều so với thông báo đưa ra. Theo ước tính của International Assessment and Strategy Center, mức chi trên có thể lên đến 230 tỷ euro.

    Trong bài nhận định đề tựa « Tại Trung Quốc, thiện chí cải cách của ban lãnh đạo mới được thử nghiệm tại Quốc hội », báo Le Monde nhận thấy rằng không giống như thông lệ, thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo trong bài diễn văn từ giã không đưa ra các số liệu thống kê. Lần này ông chỉ liệt kê một loạt các công việc dang dở cần phải tiếp tục thực hiện như mở thêm phi trường mới, xây thêm đường xa lộ hay đường sắt. Ông đưa ra các dự đoán tăng trưởng kinh tế (7,5%), lạm phát (3,5%) và thất nghiệp (4,6%).

    Về điểm này, Les Echos có ý chê rằng “Ôn Gia Bảo rời chính trường với bản tổng kết yếu ớt”. Theo tờ báo, ngoài việc thông báo tăng ngân sách quốc phòng thêm 10,7% hay tăng mức chi chính sách xã hội lên 13,9%, ông Ôn Gia Bảo còn đề nghị thực hiện chính sách kích thích tiêu dùng nội địa như là một chiến lược kinh tế dài hạn.

    Thế nhưng, theo đánh giá của Les Echos thì lời đề nghị đó chẳng có gì là mới mẻ. Phần đông các đề xuất chủ đạo đã được nghe qua trong suốt hai nhiệm kỳ của ông.

    Trong bài diễn văn dài gần hai giờ, thủ tướng mãn nhiệm kêu gọi một sự tăng trưởng nên theo chất lượng hơn là số lượng, đồng thời khích lệ tích cực bảo vệ môi trường và gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo. Cuối cùng, ông Ôn Gia Bảo còn cảnh giác chống lại sự mất cân đối trong phát triển khi đề cập đến cách biệt thu nhập giữa thành thị - nông thông ngày càng lớn.

    Đối với Les Echos, các đề xuất của ông Ôn Gia Bảo chẳng qua chỉ là “rượu cũ bình mới”. Ngay cả các vấn đề được nêu lại phiên họp cũng vậy. Chuyện không khí ô nhiễm hay bất bình đẳng xã hội đã ngự trị trong suốt thập niên qua.

    Tuy nhiên, Les Echos nhận thấy là những ai mong đợi vén được bức màn bí mật về vị “Cha già Ôn Gia Bảo đáng kính” chỉ hoài công vô ích. Trong suốt một thập niên cầm quyền, Ôn Gia Bảo đã tô bóng hình ảnh của mình bằng các hành động giúp đỡ người khốn khó, như đến thăm những nơi xảy ra thiên tai hay như là người luôn đi đầu trong việc hô hào công bằng, đạo đức thậm chí là tự do ngôn luận trong hệ thống nhà nước kiểu Trung Quốc.

    Giờ đây, ông rời khỏi chính trường để lại một lời kêu gọi thay đổi cuối cùng với hương vị cay đắng. Từ nhiều năm nay, ông để ngỏ lại một câu hỏi không có câu trả lời cho các nhà phân tích: Ôn Gia Bảo là một diễn kịch cừ khôi hay là một nhà cải cách thực tâm đã không thể nào thực thi các tham vọng thay đổi của mình do tính ì của bộ máy chính trị Trung Quốc?

    Theo bài viết, câu hỏi trên còn trở nên gai góc hơn sau vụ tờ New York Times tiết lộ gia đình ông Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản kếch sù trị giá 2,7 tỷ đô-la. Đối với những kẻ không ưa thủ tướng mãn nhiệm, tiết lộ trên đã hạ bệ uy tín ông Ôn Gia Bảo. Đối với kẻ khác, rõ ràng tiết lộ này chứng tỏ cho thấy tiếng nói của ông không mấy được lắng nghe dù là từ ngay chính các người thân của mình. Mà không tề gia thì làm sao mà trị quốc.

    Bắc Kinh và Washington trừng phạt nhẹ Bình Nhưỡng

    Les Echos cho biết hôm qua, thứ ba 05/3/2013, Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận để áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Bắc Triều Tiên do vụ thứ tên lửa hạt nhân lần 3, xảy ra ngày 12/2/2013 vừa qua.

    Thỏa thuận trên mở đường cho việc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.Đây là lần thứ hai Bắc Kinh trừng phạt đồng minh của mình. Lần thứ nhất xảy ra sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo vào tháng 12 năm vừa qua.

    Tuy nhiên, Les Echos nhận định rằng đương nhiên các lệnh trừng phạt mới chỉ mang tính chất tượng trưng, nếu không thì Trung Quốc sẽ không chấp nhận. Theo nội dung dự thảo nghị quyết, các lệnh trừng phạt chủ yếu nhắm vào “các hoạt động bất chính” của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên như “các quan hệ ngân hàng và các hoạt động chuyển giao tiền bất hợp pháp”.

    Một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu châu Á lưu ý rằng “đây là lần đầu tiên quốc tế trừng phạt trên điểm này một cách thống nhất dù là trên phương diện tuyên bố chống lại Bình Nhưỡng”.

    Cũng theo vị chuyên gia đó, tác động của các lệnh trừng phạt mới này lên Bắc Triều Tiên cũng rất nhẹ, do bởi quốc gia này không có trao đổi ngoại thương với các nước nào khác ngoài Bắc Kinh, hay trong một chừng mực nào đó là với Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.

    Les Echos nhận định rằng, sự tiến bộ của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên lộ rõ tính hai mặt của chính quyền Bắc Kinh. Một mặt, Bình Nhưỡng là một công cụ gây phiền toái Nhật Bản và Hoa Kỳ rất hữu hiệu. Đồng thời, đây cũng là đồng minh duy nhất của Trung Quốc tại châu Á, cùng với Miến Điện.

    Bên cạnh đó, nếu như chương trình phát triển hạt nhân của quốc gia đồng minh có thể kích động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thì điều đó lại không nằm trong lợi ích của Trung Quốc.

    Theo Les Echos, Trung Quốc chiếm lĩnh đến 80% nền trao đổi ngoại thương của Bắc Hàn, cung cấp đến 90% nhu cầu năng lượng và 45% lương thực cho đất nước.

    Như vậy, về mặt lý thuyết, Bắc Kinh có trong tay đầy đủ các phương tiện để tạo áp lực cần thiết lên Bình Nhưỡng. Nhưng nếu bảo Trung Quốc làm hơn nữa dẫn đến sụp đổ chế độ là điều không thể. Bởi vì, nền kinh tế láng giền sụp đổ có nguy cơ khiến Bắc Kinh phải hứng chịu các làn sóng di tản.

    Qoros, nhãn hiệu xe hơi Trung Quốc muốn cạnh tranh với nhãn hiệu Đức Volksvagen



    Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, phụ trương kinh tế Le Figaro cho biết “Tại triển lãm xe hơi Genève, Qoros xe ô tô Trung Quốc muốn cạnh tranh với Volkswagen”.

    Để chuẩn bị cho cuộc triễn lãm ô-tô lớn và uy tín nhất thế giới sắp khai mạc tại Thụy Sĩ-Geneve, một nhãn hiệu khá mới lạ trong nền công nghiệp xe hơi, Qoros của Trung Quốc vừa chính thức thông báo hôm nay sẽ cho trưng bày ba mẫu ô-tô mới tại triễn lãm lần này. Đó là chiếc compact sedan Qoros 3 Sedan, 3 Cross Hybrid Concept và 3 Estate Concept.

    Đầy tham vọng, nhà sản xuất ô-tô trẻ tuổi này muốn « dọa » các nhà sản xuất xe hơi Đức, các hãng duy nhất chống lại được cuộc khủng hoảng.

    Tờ báo nhắc lại cách đây không lâu, các nhà sản xuất ô-tô non trẻ Trung Quốc mới tập tễnh vào nghề, vừa đặt chấn đến châu Âu đã gây cười trong công chúng. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ vụ crash tai nạn khi thử nghiệm vào năm 2007. Qoros là liên doanh giữa Chery Automobile (nhà sản xuất xe hơi tư nhân lớn nhất Trung Quốc) và Israel Corp. – một công ty đầu tư công nghiệp toàn cầu của Israel.

    Không chỉ dừng lại ở thị trường quốc nội, phó tổng giám đốc tập đoàn phân tích : « Trong thời gian đầu, chúng tôi sẽ hướng đến thị trường trong nước, sau đó tiến sang Đong Âu từ nay đến cuối năm và cuối cùng là Tây Âu từ nay đến cuối 2014, đầu 2015 ». Tập đoàn sẽ thỏa thuận với các nhà nhập khẩu để tạo một hệ thống đại lý.

    Chiếm lòng tin của người tiêu dùng

    Ban đầu, Qoros dự tính đặt tên xe là GQ3, nhưng sau vụ tranh chấp bản quyền với Audi không thành công về tên gọi này (tòa án của Đức buộc Qoros không được sử dụng tên GQ3 vì có mang ký tự Q), Qoros đành phải đổi tên xe thành 3 Sedan. Giám đốc điều hành cho hay : « Chúng tôi không nhắm vào BMW hay Mercedes, mà vào các nhãn hiệu Đức như Volksvagen ».

    Một chuyên gia của hãng nhận định : « Chúng tôi muốn rằng người tiêu dùng sẽ hài lòng về món tiền họ tiêu vì kiểu dáng đẹp, khoảng không bên trong và sự kết nối hài hòa của nó ». Giám đốc điều hành bán hàng và marketing nhận xét : « Ngày nay, giới tiêu dùng trẻ đã đón nhận hơn các nhãn hiệu châu Á. Sau người Nhật và Hàn Quốc thì nay kỷ nguyên của người Trung Hoa đã tới. »

    Ra đời vào năm 2007, Qoros đặt trụ sở ở Thường Thục (Changshu), một vùng đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp xe hơi đang phát triển nhanh của Trung Quốc. Với tiềm lực tài chính mạnh, Qoros không ngần ngại thuê các quan chức điều hành, thiết kế và chuyên gia xe hơi nước ngoài về làm việc, trong đó có Wolker Steinwascher (cựu giám đốc của VW chi nhánh Bắc Mỹ) và chuyên gia thiết kế, vốn là tác giả của Mini (tập đoàn BMW), cùng các nhóm tạo mẫu xe đến từ Ý.

    Tập đoàn dự tính chi một tỉ euro để xây dựng một xưởng sản xuất tại đây. Theo ước tính, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 150 ngàn chiếc xe ngay trong những năm đầu hoạt động và sau đó có thể tăng lên đến 450 ngàn chiếc nếu nhu cầu thị trường gia tăng. Hiện nay, tập đoàn đang tuyển dụng 1100 nhân viên và nhu cầu về nguồn nhân lực sẽ còn tăng lên từ 2000 đến 2500 từ nay đến cuối năm.

    Qoros được các nhà cạnh tranh đánh giá cao. Ông François Baron, giám đốc thăm dò thị trường Nisan Nhật nhận định : « Họ đã rất nỗ lực đầu tư. Họ kiên trì thì không có lý do nào họ không thành công mặc dù cần phải có thời gian. Họ có thể mang lại một điểm nhấn cho nhãn hiệu Trung Quốc trong thị trường xe hơi. »

    Hugo Chavez qua đời, hồi kết của kẻ khiêu khích

    Nhìn qua Nam Mỹ, Le Figaro quan tâm đến sự kiện “Hugo Chavez qua đời”. Tờ báo dành một trang lớn để phân tích và phác họa lại chân dung của nhà lãnh đạo Venezuela.

    Le Figaro viết rằng Hugo Chavez lúc còn sống rất thích xây dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo không thể nào kiểm soát được, ngông cuồng, không dự đoán trước được như việc ông ta bước vào phủ tổng thống năm 1999.

    Thế nhưng, thông qua nhật ký và lời kể của những người bạn thơ ấu, Hugo Chavez từ lúc còn rất trẻ, ông đã định hình cho mình một dự án để lãnh đạo đất nước.

    Bước vào quân ngũ năm 1971, ông được người anh cả, thành viên của Đảng cách mạng Venezuela dạy cho ông biết các khái niệm về tư tưởng cách mạng. Dần dà, ông có dịp tiếp xúc với các nhóm bí mật trong quân đội, những nhóm nuôi dưỡng các dự án lật đổ chính phủ đương thời.

    Về mặt tư tưởng chính trị, ông lấy Simon Bolivar làm thần tượng chủ nghĩa dân tộc, người phát triển nền dân chủ và bảo vệ kẻ yếu và người dân bản xứ.

    Năm 1983, ông thành lập phong trào cách mạng Bolivia 200 (gọi tắt là MBR 200). Năm 1992, Hugo Chavez tiến hành một cuộc đảo chánh vào ngày nhưng thất bại. Ông nhanh chóng hiểu ra rằng thời thế chưa thuộc về ông, nên ông chấp nhận đầu hàng, kêu gọi bằng hữu buông súng chờ đợi thời cơ chín muồi.

    Sau hai năm bị giam giữ, Hugo Chavez đã được hưởng ân xá vào năm 1994 từ tổng thống Rafael Caldera, người kế thừa tổng thống Carlos Andres Perez bị cách chức vì tội lạm dụng công quỹ.

    Hai năm sông lang thang đây đó khắp mọi miền đất nước, nhưng tham vọng chính trị không bao giờ nguội lạnh. Ông định cư tại thủ đô trong một căn hộ nhỏ với gia đình của một người bạn. Chính tại đây, người bạn già của ông đã dạy cho ông hiểu rằng chỉ qua lá phiếu ông mới có cơ may vào phủ tổng thống hơn là bằng bạo lực. Và bầu cử tổng thống năm 1998 đã mang lại cho ông một cơ hội để tham gia chính trường.

    Với những lời hứa xây dựng một Hiến pháp mới, chống tham nhũng và tăng lương, ông đã bước vào phủ tổng thống Miraflores với 56% phiếu bầu. Kể từ đó, đảng của ông liên tục dành chiến thắng trong các đợt trưng cầu dân ý, bầu cử hiến pháp, tổng thống, quốc hội. Phe đối lập hầu như bị đè bẹp, không thể nào phản ứng lại được.

    Kể từ khi giành thắng lợi đầu tiên vào năm 1998, Chavez luôn được lòng dân nhờ vào các chính sách xã hội, cải thiện đời sống của hàng triệu người dân bằng lợi nhuận thu được từ ngành dầu khí.

    Ngoài tham vọng chính trị lớn lao, Le Figaro cho rằng Hugo Chavez còn là một kẻ thích khiêu khích, diễn viên tồi, hiếu chiến, hay tạo bất ngờ và là một người rất thích dàn cảnh. Ông có hẳn một chương trình riêng trên đài truyền hình được phát sóng mỗi ngày và kéo dài nhiều giờ.

    Người xem có thể nghe ông ngâm thơ, hay hát một bản nhạc. Đặc biệt nhất là ông có thể bổ nhiệm nhân sự chính phủ hay sa thải một vị quan chức cao cấp. Và một điểm rất quen thuộc đối với người dân Venezuela là thói quen “quốc hữu hóa” các doanh nghiệp. Về mặt đối ngoại, Hugo Chavez nổi tiếng với những lời tuyên bố hiếu chiến hay đi ngược với cộng đồng quốc tế.

    Le Figaro viết rằng, sau ngần ấy năm cầm quyền, Hugo Chavez ra đi để lại cho đất nước một nền kinh tế suy yếu. Sản xuất dầu khí đình trệ do việc sa thải bừa bãi nhân viên, khai thác khí cũng ì ạch, các ngành công nghiệp như nhôm và xi-măng bị đình đốn kể từ khi ông cho quốc hữu hóa. Bất ổn gia tăng đến mức báo động và lạm phát đã tăng lên đến hơn 20%.

    Indonesia : giới trung lưu sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020

    Theo một cuộc điều tra gần đây của tập đoàn Boston Consulting vừa công bố hồi thư tư vừa qua, tại Indonesia, tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020, từ 74 triệu dân sang 141 triệu, tức là chiếm 53% dân số quốc gia. Đề tài này được tờ phụ san kinh tế báo Le Figaro phản ánh lại qua bài viết đề tựa “Indonesia : giới trung lưu sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020”

    Tiêu chí đánh giá sự giàu có của các hộ gia đình còn rất tương đối bởi vì một hộ được cho là khá giả có mức chi tiêu một tháng từ 7.5 triệu đến 2 triệu roupies. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của giai cấp này thể hiện sự năng động và thinh vượng của một quốc gia.

    Trong 4000 gia đình được phỏng vấn, 66% trong số họ thấy rằng cuộc sống của họ được cải thiện hơn rất nhiều so với thế hệ cha mẹ họ ; 71% đánh giá rằng khuynh hướng này sẽ còn tăng hơn trong các thế hệ sau ; 91% cảm thấy ổn định về mặt tài chính. Số liệu nêu trên còn cao hơn cả người dân Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Chính vì lẽ đó mà người nước ngoài ồ ạt đến đất nước này. Chỉ số PIB (tổng thu nhập quốc nội) trên quần đảo này chiếm 32%, tăng 22% so với năm ngoái.

    Để thể hiện sự phồn thịnh của đất nước mình, quốc đảo này đã không ngừng liên kết với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để xây dựng những công trình tầm cỡ như tàu điện ngầm tại Jakarta, dự án cầu nối liền hai đảo Java và Sumatra. Ngược lại, Mỹ và Châu Âu, mỗi bên chỉ chiếm một phần nhỏ,10% thị trường xây dựng. Nếu như số lượng công ty Pháp tại quần đảo này lên đến 450 vào năm 1998 thì nay chỉ còn lại 150, theo như nhận định của một doanh nhân tại đây.
    Have a nice day!!

    Comment


    • #3


      Nhằm khôi phục lại vinh quang của đế chế Trung Hoa thời xưa, Bắc Kinh lao vào chinh phục những lãnh thổ được cho là cần phải giành lại (AFP)

      Quấy nhiễu để lấn dần biển đảo : Cuộc chiến hao mòn khôn ngoan của Bắc Kinh

      Thụy My

      Thông tín viên nhật báo cánh tả Libération hôm nay trong bài viết mang tựa đề « Trung Quốc tiến ra biển » đã nhận định, chủ nghĩa bành trướng trên biển của Bắc Kinh làm các nước láng giềng lo ngại, và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo các chuyên gia, thì cuộc chiến tranh hao mòn để gặm nhấm biển đảo này rất là khôn ngoan.

      Nói về tham vọng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, tác giả nhận định từ nhiều năm qua, Bắc Kinh không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển cũng như trên đất liền. Trung Quốc phải đối đầu với điều được coi là « chính sách ngăn chặn » của Hoa Kỳ. Các nước láng giềng hết sức quan ngại trước sự hung hăng của Bắc Kinh trên đại dương, và Hoa Kỳ nhân đó đã củng cố sự hiện diện về ngoại giao và quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương – một chiến lược mà ông Barack Obama gọi là « xoay trục về phía châu Á ».

      Thế nhưng cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên theo cái nhìn của Bắc Kinh đã tạo một cái cớ tốt cho Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để chống lại cái thế đang lên của Trung Quốc.

      Tiến ra biển để thực hiện « giấc mơ Trung Hoa »

      Lợi ích chiến lược của Bắc Kinh nằm trong khuôn khổ « giấc mơ Trung Hoa » mà ông Tập Cận Bình đã trưng ra trước quốc dân, trong bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước hồi tháng Ba. Ông Tập đã gắn liền « giấc mơ » này với khái niệm « phục hưng Trung Quốc », nhằm khôi phục lại vinh quang và các biên giới của đế quốc Trung Hoa thời xa xưa. Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã lao vào một tiến trình chinh phục những lãnh thổ được cho là cần phải giành lại, theo kiểu vết dầu loang, một chiến thuật dường như là lấy từ Binh pháp của Tôn Tử.

      Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, hồi tháng 11/2012 là trung tâm của một cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại giữa Tokyo và Bắc Kinh. Các sản phẩm của Nhật bị tẩy chay, và đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh bị những người biểu tình vây hãm. Từ đó đến nay, mỗi ngày Bắc Kinh đều gởi tàu đến quấy nhiễu lực lượng tuần duyên Nhật xung quanh quần đảo này. Thậm chí một chiến hạm Trung Quốc còn chĩa radar định vị hỏa lực vào một tàu khu trục Nhật – tất nhiên là Bắc Kinh đã chối phăng sự kiện trên.

      Libération dẫn lời các chuyên gia cho rằng các vụ va chạm trên biển này có nguy cơ lớn dẫn đến những cuộc đụng độ. Hôm 13/12/2012, lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, một máy bay trinh sát Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản. Một phi đội Nhật lập tức bay lên truy đuổi, khiến người ta lo ngại một trận không chiến. Khu vực này được xem là « lãnh thổ chủ quyền cốt yếu » (tương tự như Tây Tạng), có nghĩa là quyền sở hữu nơi đây không thể tranh cãi.

      Bãi cạn Scarborough cũng là một đảo bị Trung Quốc yêu sách, nằm cách Philippines 160 km nhưng cách vùng duyên hải Trung Quốc đến 800 km. Mùa xuân năm ngoái, các chiến hạm Trung Quốc đã phong tỏa lối vào chính, khiến các ngư dân Philippines không thể vào được. Để phản ứng lại, Tokyo và Manila đã đứng chung một mặt trận, hợp tác với nhau trong lãnh vực quốc phòng. Những vụ đụng độ tương tự cũng diễn ra thường xuyên với Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng) và quần đảo Trường Sa (cùng bị Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền).

      Quấy nhiễu trên biển : Cuộc chiến tranh hao mòn khôn ngoan của Bắc Kinh

      Libération nhận định, những vụ đối đầu này chỉ là chương đầu tiên trong chiến dịch gặm nhấm đầy tham vọng, bởi vì Bắc Kinh yêu sách toàn bộ Biển Đông, trải dài từ duyên hải Indonesia cho đến Malaysia…cách Hoa lục đến hai ngàn cây số ! Khẳng định được kế thừa từ đế quốc Trung Hoa cũ, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã tái khẳng định chủ quyền bằng cách cho phát hành các hộ chiếu có in tấm bản đồ bao gồm « đường lưỡi bò ». Tuần rồi, một hạm đội xe lội nước Trung Quốc đã tập luyện đổ bộ lên một đảo san hô chỉ cách Malaysia có 80 km. Kuala Lumpur vốn hiền lành trước Bắc Kinh, cũng đã phải chau mày.

      Rõ ràng là Bắc Kinh đã làm các láng giềng rất lo sợ. « Từ thập niên 80, chiến lược quân sự của Trung Quốc dựa trên quan niệm biên giới chiến lược » - năm 2010, ông Shinzo Abe, nay đã trở thành Thủ tướng Nhật, giải thích như trên. Ông nói : « Ý tưởng này nói rõ là các đường biên giới và đặc khu kinh tế được xác định bởi quyền lực của một quốc gia. Kinh tế Trung Quốc càng lớn mạnh, thì vòng ảnh hưởng càng phải mở rộng. Một số cho rằng quan niệm này cũng tương đồng với Lebensraum (không gian cốt lõi) của Đức quốc xã ».

      Sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì trên thế giới, năm ngoái Trung Quốc đã cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên là Liêu Ninh. Nhưng về mặt chính thức thì Bắc Kinh vẫn rêu rao quan niệm « trỗi dậy hòa bình », và hầu như luôn gởi những tàu « dân sự » lên tuyến đầu để chiếm giữ các vùng biển yêu sách. Chuyên gia Stéphanie Kleine-Ahlbrandt của International Crisis Group (ICG) mới đây đã giải thích với tờ Los Angeles Times: « Đó là một chiến lược khôn ngoan, bởi vì Trung Quốc có thể đạt được việc kiểm soát một khu vực mà chẳng cần bắn ra phát súng nào ».

      Bài báo của Libération kết luận : Đôi khi tình hình cũng có khác. Tuần rồi, Việt Nam lên án Bắc Kinh là đã bắn vào một chiếc tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã chối bay, và không có gì chứng minh cho những lời kết án của Hà Nội. Chỉ có một điều chắc chắn là, Bắc Kinh đã lại dấn thêm được một bước về chủ quyền trên biển.

      Bắc Kinh gây chiến với Apple : Kiểm duyệt hay cạnh tranh ?

      Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, phụ tranh kinh tế của nhật báo cánh hữu Le Figaro đề cập đến « Chiến tranh công khai giữa Apple và Bắc Kinh ». Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi quần chúng Trung Quốc « chấm dứt sự ngạo mạn của Apple ».

      Tờ báo cho biết từ mấy ngày qua, nhãn hiệu trái táo đã là mục tiêu đánh phá ác liệt của báo chí nhà nước Trung Quốc, và một cuộc điều tra chính thức đã được mở ra về dịch vụ hậu mãi của tập đoàn Apple.

      Tất cả bắt đầu từ ngày 15/03/2013, nhân Ngày thế giới những người tiêu thụ. Theo truyền thống thì trong ngày này, kênh truyền hình nhà nước CCTV cho chiếu một chương trình rất được chờ đợi, tố cáo những thiếu sót của một số nhãn hiệu. Danh sách này được giữ bí mật đến giờ chót, và nhiều doanh nghiệp không bao giờ ngóc dậy nổi sau cú đòn tung ra vào giờ vàng.

      Năm nay, Volkswagen và Apple bị đưa lên đoạn đầu đài. Nhãn hiệu trái táo bị lên án là không đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc ngang bằng với các nước khác trong dịch vụ hậu mãi. Phối hợp với CCTV, Nhân dân Nhật báo, cơ quan của đảng Cộng sản mỗi ngày đều đăng một bài đả kích kịch liệt, kêu gọi đông đảo quần chúng « chấm dứt sự ngạo mạn chưa từng thấy của Apple ». Một viên chức của cơ quan quản lý công nghiệp và thương mại đòi hỏi « Chính quyền địa phương cần điều tra và trừng phạt những hoạt động bất hợp pháp ». Tập đoàn California đã bác bỏ những lời tố cáo này, khẳng định luôn chấp hành luật pháp Trung Quốc.

      Theo Le Figaro, thì rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã không bị lừa gạt. Họ nhìn thấy phía sau chiến dịch thô bạo này là một thủ đoạn quy mô của nhà nước. Những blogger nổi tiếng cho biết, họ nhận được khuyến cáo cần hùa theo đề tài này, vào ngày giờ cụ thể …

      Thế thì động cơ của vụ này là gì ? Một số người cho đây là việc tấn công vào máy chủ của Apple, vốn không bị Trung Quốc kiểm duyệt. Hoặc có thể là nhằm tạo đà cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc như Lenovo, Huawei, ZTE, vốn nghèo sáng tạo.

      Apple còn phải đối phó với các vụ kiện khác, chủ yếu là về sở hữu trí tuệ. Tuần rồi, công ty Trung Quốc Zhizhen đã kiện ra tòa án Thượng Hải, khẳng định Apple đã sao chép phần mềm nhận ra giọng nói của hệ thống Siri. Tại Bắc Kinh, tập đoàn sản xuất phim ảnh của nhà nước Shanghai Animated Film Studio kiện Apple là đã bán phim mà chưa có sự đồng ý của họ. Năm ngoái, nhãn hiệu trái táo cũng đã phải trả 60 triệu đô la cho nhà sản xuất máy tính Trung Quốc Proview để chấm dứt vụ thưa kiện về quyền sở hữu cái tên iPad.

      Le Figaro cho biết, nhiều nhà quan sát rất lo ngại trước chủ nghĩa cực đoan dân tộc về kinh tế khá thô bạo này. Cách đây hai năm, vấn đề kiểm duyệt đã được sử dụng để đánh vào tập đoàn Google, còn bây giờ thì Bắc Kinh viện những cớ khác để ngáng chân Apple. Còn những chiếc xe hơi Nhật đã phải trả giá cho vụ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một nhà ngoại giao nhận xét : « Cái cách tổ chức những chiến dịch kiểu này rất đáng ngại đối với các nhà đầu tư, đồng thời thiếu tôn trọng các quy định thương mại quốc tế ».

      Vì sao Bình Nhưỡng quá hung hăng ?

      « Bắc Triều Tiên gia tăng áp lực », đó là tựa đề bài báo của đặc phái viên Le Monde tại Seoul, về những đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, mà theo tờ báo là có thể gây ra những hậu quả nặng nề trong khu vực.

      Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở Seoul rất quan ngại trước nguy cơ leo thang chiến tranh, cũng như khả năng Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ tư. Theo Cheong Seong Chang của Viện Sejong, thì « cần phải quay lại với các nguyên tắc cơ bản của chế độ : chuyển từ tình trạng ngưng bắn sang hiệp ước hòa bình, đòi hỏi Mỹ đảm bảo an ninh, và bình thường hóa quan hệ với Washington – điều kiện cần thiết để được viện trợ ».

      Từ ngưng bắn thỏa thuận cách đây 60 năm sang hiệp ước hòa bình là một đòi hỏi lô-gích, nhưng phía sau đó, theo nhà phân tích Shim Jae Hoon, là như vậy « sẽ không còn lý do để duy trì quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, mở ra cánh cửa cho cuộc phiêu lưu của Bình Nhưỡng ».

      Le Monde cho rằng có nhiều nhân tố dẫn đến sự leo thang của Bắc Triều Tiên. Trước tiên là do Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt, rồi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho thành lập ủy ban điều tra, cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, và « sự kiên nhẫn chiến lược » của Washington, không có sáng kiến nào về cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên. Nhưng bên cạnh đó còn nhằm tái khẳng định sự độc lập trước Bắc Kinh – đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng.

      Nga « khủng bố » các tổ chức phi chính phủ như dưới thời Liên Xô

      Nhìn sang nước Nga, bài xã luận của Le Monde khi nói về đợt thanh tra rầm rộ các tổ chức phi chính phủ tại đây đã cho là một « xen trấn áp », mà cựu nhân viên mật vụ KGB, Vladimir Putin vốn quen thuộc, với mục đích là để gieo rắc sợ hãi.

      Tại các thành phố lớn của Nga, cảnh sát, tòa án, thuế vụ huy động hàng ngàn nhân viên để kiểm tra hàng trăm tổ chức phi chính phủ hoạt động trong mọi lãnh vực từ bảo vệ nhân quyền, sinh thái cho đến giáo dục, văn hóa. Human Rights Watch cho biết : « Đây là một đợt thanh tra quy mô chưa từng thấy tại Nga ».

      Các quỹ uy tín của Đức như Friedrich Ebert và Konrad Adenauer chuyên cấp học bổng, cũng như Alliance Française khuyến học tiếng Pháp, đều bị thanh tra. Tại tổ chức đấu tranh cho tự do Memorial của Nga, các nhân viên còn bị đòi xuất trình sổ tiêm chủng bệnh sởi, và giấy chứng nhận diệt chuột.

      Theo Matxcơva, thì đơn giản đây là việc áp dụng bộ luật được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, theo đó tất cả các hiệp hội có nhận tiền từ nước ngoài đều phải kê khai là « cơ quan ngoại quốc », nếu không những người phụ trách có thể bị cho đi cải tạo hai năm. Le Monde mỉa mai rằng vẫn là một « tiến bộ », vì dưới thời Stalin cái tội « nhân viên ngoại quốc » có thể dẫn đến án tử hình hoặc bị tống vào gu-lắc suốt đời.

      Tờ báo cho rằng ý đồ của Matxcơva là tái tạo « con người xô-viết », mẫu công dân luôn sợ hãi chính quyền, bị nhồi sọ nỗi sợ các « thế lực thù địch ». Không chỉ nhằm trấn áp các tổ chức phi chính phủ, mà còn đẩy người dân Nga khỏi vòng ảnh hưởng của ngoại quốc, đặc biệt là phương Tây.

      Một nước Nga ở đầu thế kỷ 21 đang bị giằng xé bởi sự thoái lui về chủ nghĩa dân tộc cực đoan được ông Putin nuôi dưỡng, và khát vọng mở cửa ra với thế giới của giai cấp trung lưu. Theo Le Monde, thì tốt nhất là khả năng thứ hai vượt trội lên xu hướng thứ nhất.
      Have a nice day!!

      Comment


      • #4
        Chiến lược phát triển hạt nhân và không gian của Trung Quốc





        Ba phi hành gia Trung Quốc trước khi lên tàu Thần Châu, ngày 16/06/2012.

        REUTERS

        Lê Phước

        Các nhà phân tích quân sự Mỹ không ngừng lo ngại về sự lớn mạnh của sức mạnh răn đe hạt nhân và các bước tiến vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc. Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 5 dành bài khá dài cho chủ đề này với hàng tựa : «Những tham vọng của Bắc Kinh làm xáo trộn bàn cờ hạt nhân và vũ trụ ».

        Tờ báo nhận định, bằng cách phát triển song song hạt nhân và khoa học vũ trụ, quân đội Trung Quốc không ngừng nâng cao tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả của mình, đến mức có thể làm đảo lộn cán cân hạt nhân thế giới.

        Trước tiên tờ báo nhắc đến công trạng của ông Tiền Ngọc Sâm, người được xem là cha đẻ của ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc. Có một chi tiết khá thú vị về nhân vật này, bởi vì hiện tại Mỹ đang quan ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ, trong khi ông Tiền Ngọc Sâm trước đây từng làm việc trong lĩnh vực này cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến năm 1950, ông Tiền bị cáo buộc theo cộng sản trong làn sóng chống cộng sản ở Mỹ, và ông bị quản thúc tại gia. Sau đó, năm 1955, ông bị Mỹ trục xuất về Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Mao Trạch Đông không bỏ qua cơ hội vàng nên đã lập tức trọng dụng Tiền Ngọc Sâm.

        Tài năng của Tiền Ngọc Sâm đến cỡ nào? Câu trả lời trước tiên có thể được tìm thấy thông qua lời nhận định sau đây của một quan chức Hải quân Hoa Kỳ khi ông Tiền bị trục xuất về Trung Quốc: Một mình Tiền Ngọc Sâm có thể tương đương từ 3 đến 5 sư đoàn.

        Tài năng đó cũng được thể hiện trong việc ông Tiền là người kiến tạo ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc, với việc Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 2 (DF-2) vào năm 1966, phóng thành công vệ tinh đầu tiên tên là Đông Phương Hồng lên quỹ đạo vào năm 1970. Đến năm 2003, với sự kiện phóng tàu Thần Châu lên vũ trụ, Trung Quốc đã chính thức trở thành nước thứ ba phóng thành công tàu vũ trụ có người lái…

        Mục tiêu vũ trụ sắp tới của Trung Quốc khá tham vọng. Le Monde Diplomatique cho biết, Trung Quốc đang xây dựng trạm không gian vũ trụ quốc tế « made in China » và sẽ khánh thành vào năm 2020. Nước này cũng đang phát triển một loại tên lửa phóng 130 tấn và đặt mục tiêu chinh phục Mặt Trăng vào năm 2025, phóng tàu có người lái lên sau Hỏa vào năm 2030. Các bước tiến vào vũ trụ của Trung Quốc gây quan ngại nhiều cho người Mỹ. Một học giả của Mỹ đã phải thốt lên : «Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát không gian bên ngoài bầu khí quyển ».

        Sức mạnh răn đe hạt nhân khổng lồ, nhưng bí mật

        Trung Quốc hiện là nước duy nhất trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) không công khai số lượng vũ khí hạt nhân mà mình sở hữu. Thế nhưng, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thì vào năm 2009, Trung Quốc có tổng số 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi đó theo một tổ chức quốc tế khác thì con số này là 240. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của trường đại học Georgestown vào năm 2011 thì Trung Quốc có tổng cộng đến 3.000 đầu đạn hạt nhân các loại. Số đầu đạt hạt nhân của Mỹ tổng cộng khoảng 5.000, trong đó 1.700 là đầu đạn chiến lược.

        Nghiên cứu nói trên cũng tiết lộ rằng, Trung Quốc đang sở hữu trong lòng đất một đường hầm dài đến 5.000 km. « Bức Vạn Lý Tường thành ngầm » này có thể được dùng cho việc vận chuyển và tàng trữ vũ khí hạt nhân và các đơn vị đặc nhiệm. Báo chí Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ… cũng đã đề cập đến thông tin này.

        Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phát triển thêm các đầu đạn hạt nhân mới và nhỏ hơn để lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu thể rắn thế hệ mới như DF-31A với tầm bắn 11.000 km…Trong năm 2011, Trung Quốc phóng 19 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có 18 vệ tinh phục vụ cho mục đích quốc phòng.

        Tham vọng hạt nhân của Trung Quốc có nguy cơ làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược giữa năm nước thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân. Nước Anh thì tuyên bố sẽ chỉ sở hữu 160 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Đối với Pháp, từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, nước này đã giảm phân nửa số đầu đạn hạt nhân và chỉ trong vòng 20 năm đã giảm phân nửa ngân sách dành cho phát triển sức mạnh răn đe hạt nhân. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tuyên bố từ đây đến năm 2010 sẽ giảm từ 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn dưới 1.000.

        Trong bối cảnh đó, Le Monde Diplomatique lo ngại nguy cơ Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào chạy đua vũ trang như trường hợp Mỹ và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh trước kia. Nguy cơ đó càng tăng lên khi nhìn vào thái độ chạy theo hạt nhân ở các nước láng giềng của Trung Quốc.

        Chỉ có con đường ngoại giao cho hồ sơ Bắc Triều Tiên



        Nhìn sang bán đảo Triều Tiên, Le Monde Diplomatique có bài nhận định mang tên : « Làm cách nào nói chuyện với Bình Nhưỡng ».

        Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un của chế độ Bình Nhưỡng đang tiếp tục theo đuổi chính sách của ông nội và cha mình, đó là phát triển Bắc Triều Tiên thành một nước « hùng mạnh và thịnh vượng », tức là có mục tiêu kép gắn sự phát triển kinh tế với việc tăng cường sức mạnh quân sự.

        Chính sách cứng rắn của Bình Nhưỡng hiện tại nằm trong dòng lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của Châu Á thế kỷ 20. Trước kia, Kim Nhật Thành đã lãnh đạo người Bắc Triều Tiên chiến đấu chống sự chiếm đóng của phát-xít Nhật, và chế độ Bình Nhưỡng đã được thành lập trên cơ sở đó. Nhà cầm quyền Bình Nhưỡng luôn bám vào đó để bảo vệ sự chính danh của chế độ và luôn đặt dân tộc trong trạng thái «chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc », làm cho người dân luôn có cảm giác rằng đất nước đang bị các thế lực thù địch bao vây.

        Khi có trong tay vũ khí hạt nhân thì chính quyền Bình Nhưỡng sẽ cảm thấy an tâm tránh được đe dọa hạt nhân từ Mỹ, trong khi trong thực tế đã 5 lần Mỹ đe dọa hạt nhân nước này. Từ mấy chục năm nay, chính quyền Bình Nhưỡng luôn đề cao sự cần thiết phải hy sinh để làm cho đất nước hùng mạnh nhằm đảm bảo chủ quyền dân tộc. Thế là, việc bám víu vào hạt nhân của Bình Nhưỡng là một việc được lòng dân và đảm bảo sự sống còn của chế độ. Bởi thế, buộc nước này từ bỏ hạt nhân, theo Le Monde Diplomatique, rõ ràng là không thể.

        Bàn về chính sách của các nước liên quan trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, tờ báo nhắc lại, trước kia, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề cao giải pháp ngoại giao, và vào năm 2000, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là bà Madeleine Albright đã đến công du Bình Nhưỡng. Khi ấy, một cuộc công du Bình Nhưỡng của Tổng thống Mỹ cũng được dự kiến. Thế rồi sau đó ông Georges Bush đắc cử vào Nhà Trắng, đã « quét sạch những thành quả » của người tiền nhiệm bằng các chính sách lên gân.

        Người Bắc Triều Tiên luôn có cảm giác bị ngoại bang đe dọa, trong khi đó việc Tổng thống Bush xếp Bắc Triều Tiên vào cái gọi là « Trục Ma Quỷ » đã khiến cho cảm giác bị đe dọa càng tăng lên. Rồi đến lượt mình, Tổng thống Obama lại theo chích sách « chờ thời » với Bình Nhưỡng, trong khi đó Hàn Quốc dưới thời Lee Myung Bak lại ngoại giao với miền Bắc theo kiểu « treo giá ngọc ».

        Trung Quốc thì không muốn Bắc Triều Tiên sụp đổ vì sợ kịch bản hai miền Triều Tiên thống nhất thì quân đội Mỹ có thể áp sát ranh giới Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra, theo Le Monde Diplomatique, chắc chắn Bắc Triều Tiên sẽ thua, nhưng trước khi thua thì với tiềm lực hạt nhân hiện có nước này cũng sẽ có thể gây tổn thất nặng nề cho miền Nam và cả Nhật Bản.

        Trong bối cảnh đó, theo tờ báo, nên tìm một giải pháp khác cho hồ sơ Triều Tiên thay cho biện pháp chỉ dựa vào trừng phạt và tẩy chay như hiện giờ - một chính sách chỉ có thể đẩy Bắc Triều Tiên vào con đường tăng cường phương tiện phòng thủ.

        Miến Điện : Ẩn số Aung San Suu Kyi ?

        Tuần san Le Nouvel Observateur nhìn sang một điểm nóng khác tại Châu Á là Miến Điện với bài : “Ảm đạm Mùa xuân Miến Điện”.

        Tờ báo dùng từ “Mùa xuân Miến Điện” ngụ ý chỉ tiến trình dân chủ tại đất nước này từ khi chế độ quân phiệt đổi thành dân sự vào năm 2011. Thế nhưng, con đường phía trước của Miến Điện còn lắm chông gai, và hiện tại đang nhức nhối với hồ sơ xung đột sắc tộc và tôn giáo. Người thiểu số theo Hồi giáo tại nước này đã và đang khổ sở bởi sự kỳ thị của người đa số theo Phật giáo.

        Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, thì niềm hy vọng duy nhất của người Miến Điện là lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi lại giữ im lặng đến ngạc nhiên. Bà vẫn không lên tiếng khi bị chính những người trong hàng ngũ của mình chỉ trích là “đồng lõa và suy sụp tinh thần”. Một cộng sự của bà than phiền: “Tôi không muốn tin rằng bà ta đã thay đổi, rằng bà ta đã trở thành con rối của phe quân đội, nhưng thật sự tôi không còn hiểu nổi bà ta nữa”.

        Vụ khủng bố Boston còn nhiều góc khuất

        Hai tuần sau vụ đánh bom tại Boston, Hoa Kỳ, cơ quan điều tra Mỹ vẫn chưa thể làm sáng tỏ vụ việc. Le Nouvel Observateur bàn về hồ sơ này với dòng tựa khá bắt mắt: “Boston: Ẩn số anh em nhà Tsarnaev”.

        Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2011, mật vụ Nga đã từng cảnh báo FBI và CIA về tiềm năng trở thành kẻ khủng bố của Tamerlan, tức người anh và là nhân vật chính trong số hai nghi phạm. Thế nhưng, hai cơ quan này của Mỹ đã không xem trọng lời cảnh báo. Rồi trong năm 2012, khi Tamerlan trở về Mỹ sau sáu tháng về quê thăm gia quyến ở Daguestan và Chechnya, nhà cầm quyền Mỹ cũng không quan tâm để ý gì.

        Hiện tại, tất cả chờ vào câu trả lời của người em trai còn sống sót là Djokhar, thế nhưng mức độ thành thật của người này tới đâu còn chưa biết. Về phần mẹ của hai tên nghi phạm, hiện bà ta đang sống ở Nga và quả quyết rằng con trai bà vô tội. Tuy nhiên theo các nhà điều tra, bà ta là người ủng hộ Thánh Chiến. Một nhóm điều tra cũng đã được cử đến Daguestan để gặp gỡ bà con họ hàng của anh em nhà Tsarnaev.

        Tờ báo cho biết, trước khi tiến hành khủng bố, Tamerlan đã gọi điện cho ai đó. Nhưng cho ai thì đến giờ vẫn chưa biết. Theo lời của nhiều thân nhân của Tamerlan, thì có thể cho một người tên Mischa, một người đã gặp Tamerlan vào năm 2009 ở Cambridge và đã biến Tamerlan thành tên khủng bố. Thế nhưng, khi được nhà báo đặt câu hỏi, thì người Armenia này phủ nhận mọi sự liên can.

        Còn nữa, cách đây hai năm, tại Cambridge, ở một địa điểm gần nhà Tamerlan, người ta tìm thấy xác bị cắt cổ của ba thanh niên làm nghề bán ma túy. Một trong số đó là bạn của Tamerlan. Một điều đáng để ý là trong đám tang của họ lại không có Tamerlan tham dự.

        Và còn nữa những điểm tối trong hồ sơ Boston gây khó khăn cho các nhà điều tra Mỹ và những lời chỉ trích đã vang lên như lời chỉ trích sau đây được Le Nouvel Observateur trích dẫn: “Một sự thất bại hoàn toàn của các cơ quan tình báo Mỹ”.

        Kinh tế thế giới khó khăn, thị trường vũ khí vẫn luôn thịnh vượng

        Khủng bố Boston và các vụ xả súng vào đám đông tại Mỹ đã làm cho cuộc tranh luận về quyền tự do sở hữu vũ khí cá nhân càng thêm sôi nổi. Trong không khí đó, Courrier International trích dẫn tờ nhật báo L’Unità tại Roma với dòng tựa đáng chú ý: «Thung lũng vũ khí không biết đến khủng hoảng ».

        Súng ngắn và súng trường vốn được xem là một « đặc sản » của nước Ý. Tờ báo cho biết, ngành công nghiệp sản xuất các loại vũ khí này của Ý ước tính đạt doanh số mỗi năm đến 5,2 tỉ euro. Ngành này liên tục tăng trưởng với quy mô chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Trong khi phương Tây phải quằn mình trong khủng hoảng thì ngành công nghiệp này lại phát triển tốt đẹp. Theo số liệu chính thức của nhà cầm quyền Ý, trong năm 2012, ngành công nghiệp vũ khí hạng nhẹ của nước này sản xuất đến 840 000 đơn vị sản phẩm, tức tăng 11% so với năm 2011.

        Tờ báo đặc biệt chú ý đến tỉnh Brescia thuộc vùng Lombardia miền bắc nước Ý, tập trung đến 90% các công ty sản xuất vũ khí hạng nhẹ của nước này. Trong khu vực này, tờ báo lại chú ý đến thung lũng Vall Trompia, nơi có một khu công nghiệp kéo dài đến 50 km và sản xuất 80% các loại vũ khí thuộc nhóm « vũ khí sử dụng cho các hoạt động thể thao, văn hóa, lịch sử và giải trí », tức các loại vũ khí không bị chi phối bởi nghị quyết quy định điều kiện xuất khẩu các loại vũ khí vừa được Liên Hiệp Quốc thông qua.

        Thị trường của vũ khí hạng nhẹ của Ý rất rộng lớn. Theo L’Unità, vũ khí « Made in Brescia » được bán ra trên thị trường Mỹ đã tăng gấp đôi vào năm 2012. Doanh số bán ra tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng ba năm. Liban cũng là nơi vũ khí sản xuất ở Brescia bán rất chạy, vì đây là nước mà chính quyền Assad và ngay cả lực lượng nổi dậy tại Syria tìm mua vũ khí. Maroc cũng được xem là một trong những thị trường lớn. Libya và Ai Cập trước đây cũng là bạn hàng chính của vũ khí Ý, nhưng đang dần bị « tước ngôi » bởi Mehicô và Nga. Bélarus, Nam Phi và Turkménistan cũng là một thị trường tiềm năng của vũ khí made in Brescia.

        Thụy Sĩ cũng là nhà sản xuất vũ khí lớn

        Cũng bàn về vũ khí hạng nhẹ, tuần san L’Express nhìn về anh bạn láng giềng của Ý là Thụy Sĩ.

        Tờ báo cho biết, ít ai có thể tin rằng, bên cạnh chocolat, thì vũ khí hạng nhẹ cũng là «một đặc sản » của Thụy Sĩ. Người dân nước này được quyền sở hữu vũ khí nóng. Hiện tại, Thụy Sĩ có khoảng 8 triệu dân, nhưng có đến 3,4 triệu vũ khí đang lưu hành trong dân. Với con số này, Thụy Sĩ được xem là nước thứ ba trên thế giới có người dân sở hữu vũ khí nhiều nhất, tức chỉ sau Mỹ và Yemen.

        Tuy nhiên, thời gian qua, nước này cũng biết đến nhiều vụ cá nhân dùng vũ khí nóng thanh toán lẫn nhau, hoặc là bắn vào đám đông như ở Mỹ. Vì thế, vấn đề siết chặt kiểm soát đang nổi lại tại Thụy Sĩ.Tuy vậy, L’Express cho hay, đa phần người Thụy Sĩ chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí.

        Có chăng một kiểu « ngoại giao mùi » ?

        Liên quan đến Ai Cập, tuần san Courrier International trích dẫn tờ nhật báo L’Orient-Le Jour tại Liban với dòng tựa khá dí dỏm : « Tổng thống của chúng ta có mùi hôi ».

        Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi không chỉ gặp rắc rối trong hồ sơ chính trị và kinh tế, mà còn đang là bia ngắm của một vấn đề hết sức tế nhị : Mùi hôi cơ thể. Sự việc bắt đầu từ một bloger 39 tuổi tại Ai Cập khi người này vô tình đọc được một thông tin trên tờ Al Diyar của Liban, theo đó các quan chức ngoại giao Đức đã đôi lần than phiền với một nhà ngoại giao Ai Cập về mùi hôi trên cơ thể của Tổng thống Morsi. Thế là cộng đồng Twitter tại Ai Cập bắt đầu nổi sóng với những lời chỉ trích gay gắt cũng như những lời bảo vệ tối đa dành cho Tổng thống Morsi.

        Các con vật có đồng tính ?

        Hồ sơ hôn nhân đồng tính dù được lưỡng viện Quốc hội thông qua, nhưng xã hội Pháp vẫn đang tranh luận sôi nổi. Tuần san L’Express đăng một lập luận đáng chú ý trong làn sóng tranh luận này với tựa đề : «Đồng tính vốn là tự nhiên ».

        Đồng tính không chỉ tồn tại ở loài người mà cả ở các loài động vật. Tác giả đề cập đến một quyển sách theo đó có đến 450 loài động vật có hiện tượng đồng tính như các loài cá heo, voi biển, khỉ, hươu, nai, sư tử…Trên cơ sở đó, tác giả kết luận : đồng tính là một hiện tượng tự nhiên, nên hôn nhân không chỉ được hiểu đơn thuần là chuyện sinh sản duy trì nòi giống, mà « Hôn nhân là tình yêu của một cá thể này dành cho cá thể khác ».
        Have a nice day!!

        Comment

        Working...
        X