Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhạc (34)Trần Truồng(34)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhạc (34)Trần Truồng(34)

    Nhạc "Trần Truồng"

    Cuối tuần gió Đông về lạnh căm, con chó con lại đổ bệnh nằm chèo queo, còn tôi ê ẩm cả người sau khi dọn dẹp cây cảnh để trốn cái lạnh. Một mình ở nhà chẳng muốn làm gì hơn là nghe nhạc cho thư giãn. Đi lòng vòng quanh nhà, đứng lên ngồi xuống, xoa bóp chân tay, lại táy máy mở laptop tìm kiếm những của mới vật lạ, cuối cùng bị thu hút vào những bản nhạc thịnh hành trên youtube. Đến lúc đó mới bật ngửa ra, sao âm nhạc thời nay quá "trần tục thô bỉ" đến thế này. Chỉ cần đọc những tựa đề nhạc "top hit" chọn lọc là muốn bịt mũi mà bỏ chạy thôi.

    Tốt Hơn Đừng Về

    Anh Bỏ Thuốc Em Sẽ Yêu

    Vợ Tuyệt Vời Nhất

    Ấn Nút...Nhớ Nhả Giấc Mơ

    Tội Cho Cô Gái Đó

    Cuộc Tình Một Đêm

    Yêu Người Cùng Giới

    Làm Từ Thiện Đâu Có Dễ

    Nhớ Làm Gì Một Người Như Anh

    Yêu Một Người Có Lẽ

    Ngốc

    Tâm Sự Với Người Lạ

    Thả Vào Mưa

    Tất Cả Sẽ Tốt Thôi

    Phía Sau Một Cô Gái

    Số Nhọ

    Việt Nam, Đi, Hôn và Yêu

    Lời Tự Sự

    Ai Rồi Cũng Khác

    Vì Người Không Xứng Đáng

    Hãy Ra Khỏi Người Đó Đi

    Mặc Kệ Em Đi

    Kết Thúc Vẫn Là Anh

    Anh Không Muốn Bất Công Với Em

    Hạnh Phúc Giấu Đi

    Làm Ơn Tránh Xa Người Yêu Tôi Ra

    Chốt Lại Em Muốn Chia Tay

    Chạy Đi Rồi Tình


    Những tựa đề như trên mà được cho là những "top hit", chắc có lẽ số người thính giả rất cao hâm mộ vể người ca sĩ trẻ đẹp, hay nhạc sĩ nổi danh, hay nội dung tâm lý hiếu kỳ. Tôi có vẻ bực bội tắt máy, vội dắt chú chó con ra ngoài đi bộ cho nguôi cơn giận chuyện tầm phào. Hai tay thọt trong túi áo, cơn gió lạnh làm tôi run bắn, nói không ra tiếng dù muốn nghêu ngao vài câu nhạc. Đành quay vòng về nhà, đi ra đi vào, đi lên đi xuống, vẫn chưa buông xả được những suy nghĩ về dòng nhạc phẩm văn chương quá siêu đẳng. Tôi đâm ra mê muội sân si, còn chú chó con lại chui vào trong chuồng nằm cho yên ấm.

    Thời xa xưa của bố tôi hay hát "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có con sông lơ lững vờn quanh..." , thật đơn sơ thanh bạch, lời lẽ bình dị không trau chuốt văn chương. Ngay cả thời các anh chị của tôi, âm điệu đã mới mẻ, ít nhiều lai căng âm hưởng tây phương. Nhưng âm nhạc thuở ấy sao du dương tha thiết, phóng đãng lãng mạn, yêu đương tình tứ của "Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo maỵ…” hay "Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly...". Ngay cả thời thanh thiếu niên của tôi, dòng nhạc kích động mới lạ hay vô cùng "Một Trăm Phần Trăm, Có Nhớ Đêm Nào, v.v..." . Xu hướng nhạc trẻ vẫn mang tính chất văn hóa nhân bản như "Mặt Trời Đen , Tôi muốn”, lời lẽ thật gần gũi với thiên nhiên an bình “Tôi muốn mình tìm đến thiên, tôi muốn sống như loài hoa hiền...”. Trong đó cũng có những khuynh hướng trừu tượng khó hiểu như "...Bàn tay thắp nến lên hai hàng...", " Lệ đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời...". Phần lớn chúng ta nghe bản nhạc, yêu thích cả nhạc và lời và biết hát nhiều chủ đề nhạc khác nhau.

    Trào lưu âm nhạc phát triển thịnh hành vào thập niên 60 và 70, có cả trăm nhạc sĩ nổi danh, viết cả ngàn nhạc phẩm giá trị để đời, với nhiều đề tài xu hướng khác nhau, nhiều tác phẩm còn vang dội cho đến nay. Phần lớn các nhạc sĩ nổi danh thời ấy đã quá cố, số còn lại cũng không còn tâm hồn và khả năng sáng tác các tác phẩm hay như xưa. Đồng thời xu hướng giới thưởng ngoạn cũng đã đổi thay theo thời đại, phần lớn các nhạc sĩ nổi danh hiện nay cũng chẳng còn hứng thú để có những sáng tác hay. Nếu có một tác phẩm độc đáo cũng chỉ hát đi hát lại vài lần, còn may mắn thì được làm đĩa nhạc CD kiếm tiền hay cho thiên hạ "copy".

    Đúng là giận quá đâm ra mất khôn. Tôi vào mở máy lại, tò mò mở từng bài nhạc ra nghe để hiểu biết thêm những cái hay vẻ đẹp của nó, không chừng có vài nhạc sĩ tài năng ẩn nấu trong dòng nhạc mới. Phải công nhận, lời nhạc rất trung thực "nghĩ sao nói dzậy người ơi" như “Giá như chưa từng quen, chưa quan tâm nhiều về nhau. Người yêu ơi, anh không thể nhớ mỗi lần cách xa…(Giá Như Chưa Từng Quen)”. Chỉ có cái "ghen" đã phải thở than “Vì ngày hôm qua anh đã thấy em ôm hôn một người. Như muốn cào xé nát tan trái tim anh…(Đừng Làm Anh Đau)”. Ngay cả một bài hát yêu chuộng ở hải ngoại "Yêu Một Người, Sống Bên Một Người", nghe xong bật ngửa sao mà tội nghiệp quá dzậy. Phải chi tác giả cho ra bài "Yêu Nhiều Người, Sống Bên Một Người" cho em nhờ với. Bởi vậy chuyện đời khó biết, thời đại hiện đại hại điện, yêu đương kiểu này dễ bị ăn đạn hay ly dị.

    Nội dung của các nhạc phẩm như trên có tính cách thị trường thuơng mại, "mì ăn liền", "không đụng hàng", “kích thích dục tính”. Từ đấy lại dậy lên phong trào “tự biên tự chế tự diễn”, "tự sự tự xướng tự hát", “tự đàn tự hòa tự tấu “, v.v… Phần lớn giai điệu thì phần lớn nha nhá lai nhạc Tàu Cộng hay Nam Hàn. Còn tiết điệu giống “nhạc nói" lúc thì chậm lúc thì nhanh, có khi chạy đua hút hơi, ít nhất cũng phải hét lên vài lần cho có cao trào. Làm cho ngươi nghe cảm thấy chẳng có một bản nhạc nào ra hồn cả. Do dó nghe chưa hết bài là muốn tắt, nghe xong không nhớ được dù chỉ một câu.

    Còn ca sĩ trẻ hiện nay tự động láy, tự động uốn éo, tự động lên xuống lả lướt, tự động rung rung nức nở, tự động hét rống không đúng chỗ... Thi nhau đổi giọng đổi giống đổi hàng cho dúng ca sĩ hạng nhất. Giọng nào được ăn khách là chắc chắn có được bắt chước giành hàng. Nghe các anh chị ấy hát, không thể nào chịu được vì cảm xúc quá hỗn loạn và truyền cảm. Nhưng lạ thay, lũ trẻ lại mê say các ca sĩ trẻ đẹp và nhớ phanh phách những bài nhạc "top hit" mê hồn này.

    Thôi! Ngồi suy nghĩ phân tích mãi, không chừng lại bứt dây động rừng sang phần văn hóa giáo dục, chỉ có tổn thuơng đến tử thuơng. Để kết luận, tôi dùng top hit nổi tiếng “Lời Tự Sự” (quá đã luôn!) "Lắng nghe tiếng thở dài của mình trong đêm, đôi tay nắm chặt để kiềm nước mắt rơi. Mạnh mẽ là thế nhưng chỉ là cố dối lòng. Chuyện lâu lắm rồi cho đến hiện tại tôi không thể quên...". Thật là “Lời Tự Sự” quá mạnh mẽ vượt qua cái đau khổ tình yêu; lối viết văn quá hay lạ, quá trung thực và quá trơ trẽn trần truồng.

    Viết xong vài lời tản mạn, mình cũng phải đi "tự sự", lẩn thẩn "tự sướng", vu vơ cất tiếng hát "Sống trong cuộc sống phải có một tấm lòng để làm gì em biết không...? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi!".

    Không chừng mấy tụi trẻ lại thắc mắc: “Hổng biết mấy ổng già muốn nói cái gì đây ta?”

    Khi tôi đứng dậy, con chó con cũng bò ra khỏi chuồng, ưỡn ẹo vài cái thật đáng yêu. Nó nhìn tôi mắng mỏ "gâu gâu", tôi hiểu là "I' m really hungry!"

    December 2016

  • #2
    :thumbs: Bravo! Nhờ vậy mà có bài tản mạn này! Nghe nhạc "trần truồng" bực mình cũng phải, nên đi trước thời gian hả Ông Bầu? Dec 2017! (giống tui hôm trước quá, hihi):cuoilan::cuoilan:

    Comment


    • #3
      Không phải ai cũng ủng hộ một sự phát triển theo chiều hướng thời thượng như thế và chắc chắn những giá trị đích thực của văn hóa dân tộc sẽ vẫn mãi tồn tại.

      Comment


      • #4
        Originally posted by 'YenThu'

        :thumbs: Bravo! Nhờ vậy mà có bài tản mạn này! Nghe nhạc "trần truồng" bực mình cũng phải, nên đi trước thời gian hả Ông Bầu? Dec 2017! (giống tui hôm trước quá, hihi):cuoilan::cuoilan:
        Ooooop! :s

        Comment


        • #5
          Originally posted by 'CuongTran'

          Khi tôi đứng dậy, con chó con cũng bò ra khỏi chuồng, ưỡn ẹo vài cái thật đáng yêu. Nó nhìn tôi mắng mỏ "gâu gâu", tôi hiểu là "I' m really hungry!"
          Ô, khúc này hay lắm.

          H thấy chó con nhà anh C càng đáng yêu hơn khi nó nhìn anh mắng mỏ “gâu gâu” đấy nha:cuoilan::cuoilan::cuoilan:.


          Comment


          • #6
            Các bạn mến ,

            P thấy không phải chỉ có trong âm nhạc đâu các anh các bạn ạ , trong lãnh vực văn chương cũng vậy , hôm Trúc sang Mel , P và Trúc nhắc tới những tác phẩm văn học trước 75 mà thích vô cùng . Chẳng hạn như thời nhạc tiền chiến có Tự lực văn đoàn , sau tiền chiến có chuyện của các nhà văn như Võ Phiến , Võ Hồng , Duyên Anh , . . . Chưa kể tới nhiều chuyện dịch như của Pearl S Buck , Emile Bronte , . . . dịch giả dịch lại cũng rất hay . Còn đâu Liêu quốc Nhĩ , Hoàng hải Thủy , . . . sau này nhiều tác phẩm nổi tiếng cũng được dịch lại , nhưng xem không thấy lưu loát như ngày xưa . Có lẽ tất cả đều phải trong một khuôn mẫu , thôi thì đành '' gặp thời thế , thế thời phải thế '' chứ biết sao bây giờ ? :coffee:

            PL

            Comment


            • #7
              Các bạn mến,

              H thấy có 2 loại" trần truồng":

              Loại có quần áo mà không thèm mặc, còn một loại nữa không có quần áo để mà mặc cho nên phải chịu "trần truồng", loại thứ hai này thật đáng thương các bạn à.

              Nghe nhạc "trần truồng" cũng thấy khó chịu lắm chứ, nhưng mà lại thấy tội nghiệp, thấy thương cho giới trẻ, vì có ai giáo dục cho chúng đâu.

              Chỉ buồn vì có một số người dù đã được dạy dỗ, đã có kiến thức mà lại theo thời thượng, theo số đông, chạy theo lợi lộc nhất thời mà cho ra những tác phẩm "trần truồng" mà không cảm thấy trơ trẽn.

              Thân ái

              Hiền


              Comment

              Working...
              X