Mùa Lễ
Có nghĩa là: Lăng xăng bận rộn tất bật có phải không ?
Mình nhất định không để nó phiền đến mình thế mà vẫn bị ảnh hưởng, nơi làm việc phải có quà để trao đổi , mình nhất định không mua hàng của China, không mua quà người ta dùng không được. Thờ ơ dễ nhất là mua kẹo chocolate, đàn ông không thích lắm đàn bà sợ mập – mua mỹ phẩm cũng không xong vì đâu biết da của họ thuộc loại chi – mua quần áo biết người ta thích gì mà mua, vả lại dân sống ở Mỹ trung bình một năm thải ra khoảng 40 ký lô quần áo.
Ngày xưa họ gom lại đem cho các nước nghèo được gọi là quốc gia thứ 3, bây giờ các anh Tàu quá giỏi vươn đến khắp nơi, “thế giới tứ 3” từ chối nhận quần áo cũ. Quần áo cũ! Viết đến đây tự mình muốn đánh cho mình một trận vì cái tội . . . gì cũng giữ, bộ quần áo ngày lên máy bay bỏ xứ ra đi vẫn còn trong tủ – 25 năm rồi nghen, áo dài một thùng to, mặc khoảng ba lần cho dù đi đâu mình cũng mặc áo dài là chính, áo đầm dạ hội ở đâu mà cũng dến chục cái – đám cưới em, cháu , con người dưng rồi đám cưới cháu con mình nữa giữ hết vì áo mặc đúng một lần sau đó đem đến tiệm giặt ủi , họ bọc vào bao cẩn thận, mình treo vào tủ cũng cẩn thận luôn. Đã vài lần mình đã cố gắng làm theo lời khuyên: có một áo mới phải vứt một áo cũ – gom vào cái bao ghi là “đồ cổ” đợi ngày đem quăng, thế mà có ngày rảnh rỗi dại dột mở nó ra mặc lại, sung sướng sao vẫn đẹp vẫn vừa vặn nhất là kiểu khác người ta, thế là nó lại chui vào tủ áo. Đếm áo đầm dài ngắn đếm quần jean, quần . . . đến quần áo tập thể dục chắc chắn các bà sẽ có hơn trăm, giày dép sẽ vài chục là ít, lý do tại sao đàn bà nặng nghiệp hơn đàn ông nói theo nguyên lý nhà Phật, nặng nợ khó siêu thoát. Quần áo cũ còn không chịu buông bỏ thì cái kiếp nhân gian này còn vướng víu biết bao?
Có ai nhớ quần áo “si đa” bán ở Sài Gòn sau năm 1980 không ? Mình nhớ vì khoảng thời gian ấy mình long đong chợ trời, chạy đôn đáo khắp nơi, cái thời chi mà lạ muốn quên lại cứ phải nhớ đến, cho dù bây giờ tất cả đã xóa sạch chỉ còn lại trên giấy in hay trên mạng toàn cầu mạng xã hội, những câu chuyện kể cũng đã quá nhàm để người cùng thời đọc, người khác thời có đọc thì ngơ ngác buông một câu “lại kể khổ!” cùng một cái nhún vai điệu đỏm. Trời ơi! Mình muốn ngăn chặn làn sóng làm giàu cho bọn tư bản đỏ Tàu , nhưng có lẽ phải cám ơn họ ở một điểm nào đó, đã mang niềm vui đến cho muôn nhà, không có các chú ấy làm sao có các tiệm 1 dolar cho dân nghèo đến mua sắm, trong nhà của ông tỉ phú Trump có chi là nhà mình có cái ấy, chỉ khác nhau là Made in China thay vì Made in USA – Made in Italy – Made in France. . . thêm nữa dân nghèo thì không buông như mình, không sắm sửa mỗi năm như tỉ phú, không thay bộ này set nọ, không không không không trong máu rồi hay sao á, kiểu giấu bánh mì khô dưới nệm giường của anh chàng Do Thái được sang Mỹ sống sau thời gian khốn khổ với con người ngàn năm nhân loại không quên chuyện “nhổ cỏ tận gốc” một dân tộc Hittler.
Nỗi lòng mùa lễ của mình lan man thế đấy , không muốn mà cứ phải, kẹo See’s cũng được mình õng ẹo đi vào tay không, đi ra tay ôm tay xách cho giống người ta, mở máy chạy vòng vòng trên net tìm cho ra cái mình thích bấm bấm, trở nguợc không thích nữa, hủy bỏ vì tiệm bên kia cho thêm vài chục phần trăm giảm giá, toàn là thứ sau khi mang về mình phải gói cho đẹp cột nơ đem cho vì hai chữ “socialize” thôi đấy, tùy theo giá cả đã thương lượng trước, quà trên dưới …$ . Phần mình nhận được cũng hỡi ơi, kẹo không ăn để hết mùa cho vào “thùng lớn”, áo quần thì mình đã có dư thừa, thân thì có một dù có điệu đến đâu một ngày cũng chỉ có thể mặc một bộ đi làm, một bộ đi tập, một bộ đi ngủ là ba bộ – xoay tròn 6 ngày vài tuần cũng đủ , mặc thế thì máy giặt cũng mệt, mình cũng mệt chứ đâu có đùa, rồi cũng có thương có ghét, cái màu nào bắt mắt là cứ thế bị dằn vặt suốt, cái màu nào không thích nó cứ lủng lẳng cái bảng giá tòng teng không đụng đến, năm trước chưa xong năm sau lại đến cứ thế lại có hàng chất chứa.
Nordstrom muốn dọn nhà kho chuyển hàng sang Rack giày nó bán cắt cổ vài tháng trước bỗng dưng thành rẻ như bèo, cùng giá mà có sáu đôi gởi đến nhà không tính cước phí, thế đấy mà vạn nghìn người bị nó dụ dỗ dọn kho, ôi là bao nhiêu nhãn hiệu tên tuổi ngon lành mẫu mã vải vóc xinh xắn quyến rũ người ta, các bà cứ thế bị con rắn truyền kiếp dụ dỗ “mua đi mua đi mua đi!” em sẽ trẻ thêm chục tuổi, sẽ xinh đẹp như cô người mẫu thon thả trong hình.
Ôi trời con rắn hồi xưa đó nói chuyện với Eve trần truồng xúi ăn trái cấm, bây giờ đã có quần áo giầy dép – kính – ví – túi xách mà vẫn bị dụ vầy trời!
(NHoa's Facebook
- Saturday, Dec 10, 2016)
Comment