Ngày ấy KD ở trọ căn nhà trong hẻm nhà thờ trước cổng trường. Trong nhà có gia đình cô chủ là người gốc Bến Tre, hai cô bạn là Tuyết Lan có quê ngoại ở Mỹ Tho và Kim Phước quê ở Long An, dưới nhà có thêm mấy anh sinh viên người Huế. Thế là cả nhà chỉ có mình KD là Bắc Kỳ. Trong ba đứa, KD nấu ăn dở nhất nên ai cho ăn món gì cũng thấy ngon, công việc hàng ngày của D là dọn cơm, rửa chén.
Lần được hai cô bạn cho phụ việc nấu nướng đã để lại kỷ niệm để đời. KD nhớ không rõ vào học kỳ nào lớp 74KNC học môn Toán do thày Đảm dạy. Hai bạn KD ngoài việc học còn khéo ngoại giao nên đã rước được một thày lớp 73CKO về kèm toán thiện nguyện. Sau khoá học, trò nào cũng đậu, các bạn bàn nhau đãi thày bữa bún bò, Huế hay Mỹ Tho gì đó. Thày cư ngụ tại ký túc xá trường nên không cần mời trước mà định bụng khi nấu xong mới vô mời thày và cũng muốn cho thày ngạc nhiên về kết quả tốt đẹp của thày.
Hôm ấy là ngày Chủ Nhật, nhưng các bạn không về Sài Gòn với gia đình. Chờ D đi lễ sáng về là ba đứa rủ nhau đi chợ Thủ Đức. Đến nơi hai cô bạn muốn mua gì thì mua D không cần biết, chỉ biết mình là người lo sách đồ cho cẩn thận, đừng đánh rớt là được.
Ra chợ gặp bạn hàng của mẹ ngày xưa, bà cho D một cặp bánh dầy giò lụa. D cho vào bụng trong khi ngồi chờ bạn đi mua sắm, thế là chắc như bắp. Về nhà bắt tay vào làm việc ngay, D giữ nhiệm vụ làm vệ sinh và chờ sai vặt.
Rửa thịt xong để cho bạn nấu rồi tiếp tục lặt rau. Theo chỉ thị của Tuyết Lan, D cần lặt lá rau muống ra khỏi cành và rửa sạch, xong việc lại ngồi chờ tiếp.
Bất chợt Tuyết Lan nói:
- D lấy giùm Lan cái muỗng.
D liền lấy vài cái muỗng múc canh cho Tuyết Lan. Lan la lớn:
- Trời, nói lấy cái muỗng nhỏ để múc đường, muối nêm vô nồi. D lấy cái gì bự dzậy?
- À cái đó là cái thìa hay cái "cùi dìa".
Một lúc sau Lan lại nói:
- D lấy cho Lan cái vá.
KD đáp:
- Chờ chút, D đổ rau ra chậu đã.
Thế là D lo đổ hết mớ rau ra chậu và đem cái rá vô cho Lan. Nàng kêu lên:
- Nói lấy cái vá, ai cần cái rá.
- Cái vá ở đâu?
- Cái đồ múc canh hồi nãy đó.
- À đó cái môi.
Được lúc sau D nghe Lan và Kim Phước nói với nhau:
- Ủa sao lửa yếu dzậy cà?
Kim Phước gọi:
- Dung ơi, lấy giùm cái đồ châm dầu coi.
Dung nhanh nhẹn lấy cái cây mồi lửa đang treo trên tường đưa cho Phước.
- Trời nói lấy đồ châm dầu, ai cần đồ mồi lửa?
- Cái cây đó thường dùng chấm dầu để châm lửa mà. Còn cái đồ châm dầu là cái gì?
- Cái quặng, lẻ lơn.
KD lính quýnh:
- Cái quặng là cái gì? Ở đâu?
Đến đây thì hết dzui rồi nhé, Phước bực mình:
- Ở trên tường treo chung với cái đồ châm dầu đó Bắc Kỳ.
- À, cái phễu.
- Phĩu, phĩu cái gì. Cái quặng thì nói cái quặng còn bày đặt phĩu phĩu.
D cãi lại:
- Cái phễu để rót dầu hay đổ dầu thêm vào bình dầu, sao lại gọi là châm dầu. Nói châm làm D tưởng là châm lửa.
- Bắc Kỳ im đi đừng cãi nữa, đưa bình dầu cho tui chế thêm dzô.
Hừ, lại chế, chế là cái gì? Có ai chế chuyện đâu? Nghĩ trong bụng như vậy thôi, D không nói thêm gì, cứ đi lấy bình dầu hôi lại cho nàng.
Cái bếp đã có đủ dầu, nó ngoan ngoãn cho ra những ngọn lửa xanh đều đặn, to nhỏ tùy theo ý cô chủ của nó. Kim Phước canh nồi nước dùng, Tuyết Lan bước ra ngoài bàn nói:
- D rửa rau chưa?
- Rửa rồi, vẩy rau khô nước luôn rồi.
- Đem vô đây Lan tập cho D chẻ rau, để nồi nước dùng cho P canh chừng được rồi.
D bước ra ngoài ôm cái chậu rau vào, vừa đặt lên bàn Lan la lên:
- Sao lấy toàn lá dzậy? Cọng đâu ‘’hớt’’ rồi?
- Lúc nẫy Lan nói D vặt lá ra khỏi cọng mà.
- Ừa, nhưng mà cần cọng chứ đâu cần lá, cọng đâu rồi?
- Sao không nói rõ, cọng D bóp bỏ vô thùng rác hết rồi.
Lan không nói gì, lẳng lặng bỏ đi. KP đang canh nồi nước dùng cũng phải chêm vô:
- Bắc Kỳ, kỳ cục, ăn gì ba cái lá nấu lên nhão nhẹt.
- Tại D không biết, để D qua quán bà ba mua mớ khác.
D vội chạy đi mua mớ rau muống khác. khi về tới nhà thì không tìm thấy bạn nữa. Hỏi chị Hai chủ nhà, chị nói hai cô ấy về Sài Gòn rồi. Chị Hai nói D cứ lặt rau, rửa sạch rồi chị chỉ cho cách chẻ rau.
Dung buồn, trời cũng buồn theo, đang nắng chang chang bỗng rào rào đổ mưa. Mưa không lớn, không lâu, không đủ làm ướt đất mà chỉ đủ làm mùi đất xông lên hừng hực, trời Thủ Đức oi bức lại càng ngột ngạt hơn. D nhớ ngày còn nhỏ, mỗi lần có mưa trong nắng, như hôm nay, người lớn lùa hết bày trẻ con vô nhà, không cho chơi ngoài trời. Lũ trẻ hồn nhiên thi nhau gào lớn: ‘’Vừa mưa vừa nắng, hai vợ chồng ông Thắng đánh nhau’’.
Trẻ con nói thế mà chẳng hiểu gì cả. Vô phúc hôm nào có thằng cu Thắng hàng xóm cùng chơi mà mưa kiểu này thì vô nhà sẽ có một phen đánh nhau. Tạnh mưa được phép ra sân chơi, lại ‘’tạch lon’’, ‘’ma da’’ dính chùm với nhau , quên hết mọi sự. Trẻ con đơn sơ hồn nhiên vậy đó, giận đó rồi lại thương hơn.
Bê rổ cọng rau vô nhà chị Hai chỉ cho D chẻ rau muống. Chị hỏi:
- D nghĩ sao mà em lại lấy lá bỏ cọng?
- Em đâu có biết, ở nhà mỗi khi chị bếp nhờ lặt rau chị dặn: "Chỉ lấy lá là phần ngọn, bỏ phần dưới vì nó dai’’.
- D chưa ăn rau muống sống bao giờ?
- Dạ chưa, ở quê em người ta ăn bún với cây chuối non, bắp chuối, cải bắp, rau diếp, bào mỏng trộn với các loại rau thơm. Rau muống nhà em chỉ luộc hoặc xào với thịt bò.
- Miền Nam nhiều rau muống nên người ta thường ăn rau muống chẻ hay hoa chuối bào mỏng với bún.
Ở miền đồng bằng, rau muống sống dưới nước, mọc kín cả ao, mương, còn ở quê D, rau muống trồng thành luống dưới chân đồi. Rau ‘’muống nước’’ mềm và non hơn rau muống trên khô. Người cao nguyên ít ăn rau muống sống là vì vậy.
Rau được chẻ xong, nhìn đồng hồ cũng đã khoảng một giờ, mọi người đều đói. Ngay lúc đó hai anh trai xứ Huế ở trọ chung nhà cũng mới đi đâu về. Họ được chị chủ nhà mời ăn bún, bữa ăn thật vui. Dĩa rau sống là đề tài chính được dân ba miền góp ý nhưng D cũng chẳng học được gì, vì họ nói giọng Nam và giọng Huế nên không hiểu nhiều.
Ăn được một lúc, anh Trinh nói với D:
- D lấy giúp anh cái "đọi’’. Đọi, đội gì đó D nghe không rõ, nhưng trong đầu cứ nghĩ là "đội", tưởng anh ăn xong muốn đi đâu nên cần cái đội trên đầu. D liền lấy cái mũ treo trên tường đưa cho anh, hai chàng cười phá lên làm chị Hai và D ngớ ra.
Anh Trinh nói:
- Cái đọi ở trong rổ đó, ngồi trong nhà mà D đưa anh cái nón làm chi hỉ?
- Cái đọi là cái gì? D đâu có biết.
Thấy tội nghiệp, anh Tâm nói:
- Cái chén đó, anh Trinh muốn cái chén.
- Cái chén mà gọi là cái đọi sao mà D biết được?
Tay cầm nón, tay cầm đọi, cái đọi D đưa cho anh Trinh. Anh nói: ‘’Tiện có cái mũ, D đội lên ra ngoài xe lấy mấy trái vú sữa anh hái từ Dĩ An về còn để ngoài xe’’.
D ra lấy bịch vú sữa, mấy giọt nước mưa hồi nãy không đủ rửa sạch bụi trên hành lang. Nền nhà trơn trượt làm KD trượt chân nhưng níu được vô cánh cửa, không bị té.
Đưa tay với thử trời cao thấp
xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài (HXH)
Trong bàn ăn anh không an ủi mà lại nói: ‘’bổ". Trong lòng D tức lắm vì cứ bị sai hoài, nhưng vì lịch sự D đem bịch vú sữa vô rửa sạch rồi bổ lên hai dĩa đầy bưng ra cho mọi người dùng cho bõ ghét.
Khi bưng dĩa vú sữa ra, hai chàng la lên:
- Răng D lại cắt ra hết rứa?
- Anh bảo bổ thì D bổ mà. Cả nhà cười ồ lên.
- Khi em trợt, anh sợ em bổ nên nói bổ. Anh đâu nói D cắt khi mô mà em cắt.
D bị quê nóng ran cả mặt, D hỏi chữa thẹn:
- Vậy bổ có nghĩa là ngã hả?
Chị Hai nói: ‘’Người miền Nam kêu bằng té’’. Chị nói tiếp: ‘’Hôm nay D bị sao quả tạ chiếu rồi, ngồi nghỉ đi để mọi người dọn dẹp cho’’.
Nhìn hai dĩa vú sữa cắt đầy ụ, anh Tâm hỏi:
- D có biết ăn vú sữa kiểu nào ngon không?
- Có, D biết, lúc nhỏ tụi D vo cho trái mềm rồi rút cái cuống ra cho lên miệng hút một hơi là hết.
- Bây chừ thì lịch sự hơn nên cắt hết ra hỉ?
- Ơ đâu phải, tại D nghe lộn tiếng Huế ra tiếng Bắc. Bổ là té chứ không phải bổ là cắt.
Cả nhà đầy ắp tiếng cười.
Ngồi ghi lại những giòng này KD cám ơn bạn bè của ba miền đất nước đã tặng cho D không biết bao nhiêu là kỷ niệm vui, buồn. Nếu không có các bạn, tuổi học trò của D đã chẳng có gì để mà nhớ, mà thương. Tiếng Việt ba miền đã cho D những kỷ niệm ấm êm như vậy đó làm D yêu mến tiếng nước Việt của D rất nhiều.
Rồi hôm nay, anh cũng nói với D: ‘’Trong danh từ tiếng Anh, chữ present là "quà tặng" và tĩnh từ lại có nghĩa là "hiện tại". Như vậy những gì xảy ra trong cuộc sống hiện tại đều là quà tặng. Vui, buồn trong hiện tại cũng đều là quà tặng, mà đã là quà tặng thì đừng khước từ nó. KD cám ơn thày cô, các anh chị em bạn hữu đã cho D những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc sống.
Thân ái
KimDung
Comment