Announcement

Collapse
No announcement yet.

LỜI RU MẸ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • LỜI RU MẸ

    LỜI RU MẸ



    [justify]Trong nền văn hóa dân gian, hát ru đã xuất hiện từ lâu đời , qua nhiều thời đại, được lưu truyền ở nhiều địa phương. Người ta cất tiếng hát ru là để ru con, ru cháu, ru em và ru chính mình lịm vào dòng suối ngọt ngào của tuổi thơ. Từ đó, trong tâm hồn mỗi người luôn mang nặng hình ảnh quê hương và quãng đời thơ ấu trên võng hoặc bên nôi lặng nhìn vào giọt máu của mình đung đưa với những câu hát ru êm đềm say đắm hồn nhiên mà bất tử hơn bất kỳ loại nhạc nào. Và cũng từ đó, người ta đã mượn hát ru để dạy con, cháu học, làm và sống theo ý nghĩa trong những câu hát giản dị nhưng mang ý nghĩa và tính giáo dục vô cùng sâu sắc.

    Hát ru là một bộ phận nằm trong kho tàng văn học dân gian truyền thống quý giá của dân tộc với rất nhiều ý nghĩa nội dung và giá trị trong đời sống thực tiễn xưa. Với mỗi con người, ký ức sâu đậm về thời thơ ấu chính là lời ru của bà, của mẹ, của chị...gắn với những hình ảnh gần gũi và quen thuộc như cái nôi, cái võng, chiếc địu êm trên lưng mẹ. Lời ru ấy như đưa tâm hồn ta đến một chân trời mới, vừa xa lại vừa gần gũi, vừa nhẹ nhàng mà lại đằm thắm thiết tha ấm áp tình người.

    [/justify]

    Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng đơn giản giúp trẻ con ngủ. Phần lớn các câu trong bài hát ru con lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng từ bà xuống mẹ, thế hệ trước sang thế hệ sau. Do đó, những bài hát này rất đa dạng, mang tính chất địa phương, gần như mỗi gia đình có một cách hát riêng biệt.

    Trong hát ru thường chỉ chú ý đến lời (ca từ) còn giai điệu (nhạc lý) thì mỗi bà mẹ có một giọng trữ tình riêng nhưng vẫn gây ấn tượng sâu sắc trong suốt cả cuộc đời người con.

    Thai nhi trong bụng mẹ bắt đầu nghe được tiếng động và giọng của mẹ từ tháng thứ 4 (mặc dù hệ thống tai-nghe hoàn thành vào tháng thứ 6). Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mặc dù thai nhi nằm trong nước ối và được bao bọc bởi nhiều lớp cơ, màng, có thể nghe được tiếng động, tiếng nhạc, nhịp nhanh chậm, tông độ cao thấp, v.v... gần như chính xác. Tiếng nói của mẹ có cường độ mạnh vì truyền theo cơ thể thẳng vào dạ con.

    Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Chỉ qua 5 giây, tiếng động kích thích có thể làm thay đổi nhịp tim kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Nhiều tiếng nhạc làm thay đổi chuyển hóa. Trong một cuộc khảo cứu, khi trẻ sinh thiếu tháng được cho nghe bài nhạc "Lullabye" của Brahms 5 phút, 6 lần mỗi ngày rõ ràng có lớn nhanh hơn những trẻ tương tự.


    Nhịp điệu của bài hát đem lại cảm giác "an toàn" có thể vì làm nhớ lại nhịp điệu tim đập nghe được từ những ngày tháng còn trong lòng mẹ. Giọng nói, tiếng ru của mẹ bên tai cho trẻ biết đang được người bảo bọc.

    Một số nghiên cứu gần đây cho thấy ru bằng những nguyên âm không thành câu ("humming") dễ làm trẻ ngủ hơn là hát thành bài có câu cú rõ rệt.

    Dưới góc độ khoa học thì hát ru là những kích thích rất có lợi không những với sự phát triển ngôn ngữ, tâm lý, sinh lý mà còn cả phát triển thể chất nữa. Đó là sự kích thích tiền đình và nhiều người đã xác nhận rằng những trẻ hằng ngày được kích thích bằng hát ru (khoảng 10 phút) thì phản xạ vận động tốt hơn nhiều so với trẻ không được nghe hát ru (theo nghiên cứu của Đại học Ohio).

    Lời hát ru người me Việt gắn với môi trường sinh hoạt ở ba miền Bắc – Trung – Nam dưới góc độ văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.


    Bắc bộ

    • Con cò mà đi ăn đêm

    À ơi...

    Con cò mày đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm Lộn cổ xuống ao

    À ơi...

    Ông ơi, ông vớt tôi nao

    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

    À ơi...

    Có xáo thì xáo nước trong

    Đừng xáo nước đục Đau lòng cò con...

    • Cái ngủ

    Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

    Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về

    Bắt được con trắm con trê

    Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn

    Cái ngủ ăn không hết để dành đến tết mùng ba

    Mèo già ăn vụng, mèo ốm phải đòn

    Mèo con phải vạ, con quạ chết trôi

    Con ruồi đứt cánh, đòn gánh có mấu

    Củ ấu có sừng, châu chấu có chân

    Bồ quân có rễ, cây nghệ có hoa

    Cây cà có trái

    Con gái có chồng, đàn ông có vợ

    kẻ chợ buôn bè

    cây tre có lá, con cá có vây

    Ông thầy có sách, thợ gạch có dao

    Thợ cào có búa, xay lúa có giàn

    Việc làng có mỡ, ăn cỗ có phần

    cái ngủ mày ngủ cho lâu à…ơi…à…ơi


    Trung bộ

    1. Cái quán giữa đàng

    Bạn hàng trước ngõ

    Cây hương bên tàu

    nhỏ nhụy thơm xa

    (Chớ) anh có đi mô lâu

    cũng nhớ ghé vô thăm chén ngọc ve ngà

    dù gần cũng nghĩa

    dù xa cũng tình...

    1. Bạn chào ta có ân có ái

    Ta chào lại bạn có nghĩa có nhơn

    May mô may quyển lại gặp đờn

    Quyển kêu thánh thót còn tiếng đờn thì ngâm nga

    Nhắn em về nói với mẹ cha

    Dọn đàng quét ngõ tháng ba dâu về

    Dâu về không lẽ về không?

    Ngựa Ô đi trước ngựa Hồng theo sau

    Ngựa Ô đi tới vạt cau

    Ngựa Hồng thủng thỉnh đi sau vạt chè...


    Nam bộ

    Ầu ơi... ví dầu

    Cầu ván đóng đinh

    Cầu treo lắc lẻo

    Gập ghềnh khó qua

    ...

    Ầu ơ i..

    Khó qua mẹ dắt con qua...

    Con đi trường học

    Mẹ đi trường đời...


    Ru con là cách hát dân gian dựa trên những bài ca dao, hay có khi chỉ một số câu thơ có vần điệu. Những bài hát nhẹ nhàng và êm như hơi thở, kèm theo các động tác nựng, vỗ về làm cho trẻ dễ ngủ và ngủ ngon. Không có ai phổ nhạc thành một bài ru theo cách kí âm thông thường. Nhưng bất luận một người Việt Nam nào nghe cũng nhận ra tiếng ru so với bất kì một ca khúc nào đó. Nó có giai điệu âm hưởng riêng, rất du dương, ngọt ngào, tình cảm và tha thiết.


    Tôi không thể quên những lời ru của bà và mẹ năm xưa, đa số lấy từ những áng ca dao (và cả Truyện Kiều nữa). Ca dao nhiều nhất là về hình tượng con cò: Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…; Cái cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…; Cái cò lặn lội bờ ao/ Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua…; Rồi: Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về…; Cả những lời ca tự biên tự diễn nữa. Có thể nói bất luận một câu lục bát nào, một câu vè nào... khi được các bà mẹ hát lên bỗng nhiên trở thành một bài ca tuyệt vời nhất. Nó ngọt ngào, sâu lắng, êm ái đưa bé thơ vào giấc ngủ ngon lành.

    Lời ru ngàn đời vẫn hay, vẫn đẹp. Chúng ta nên giữ gìn nó hằng ngày trong mỗi căn nhà ấm cúng với các thế hệ con cháu chúng ta. Tình yêu tiếng quê hương là một tình cảm lớn lao được vun đắp từ những lời ru nho nhỏ.

    Lời ru của mẹ bao giờ cũng ngọt ngào êm ái, thân thương, trìu mến. Nghe tiếng hát ru, trẻ thơ cảm nhận được sự yêu thương, nâng niu của bà, của mẹ, của chị dành cho mình. Lời ru của mẹ còn là tri thức sơ khai góp phần định hình tính cách, tâm hồn trẻ thơ. Qua lời ru, lòng nhân ái được hình thành, trẻ thơ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị và những người thân. Trong muôn vàn tín hiệu của tình yêu thương thì lời ru của mẹ có ý nghĩa sâu sắc, đậm đà và để lại những ấn tượng khó phai mờ nhất.


    Có lẽ, chỉ có ở Việt Nam mới có những câu hát ru con thiết tha, sâu lắng, chứa chan tình cảm của mẹ dành cho con đến như vậy. Tiếng võng đưa kẽo kẹt, nhịp nhàng lẫn trong tiếng hát ru ngân nga giữa buổi trưa hè hay đêm tối tĩnh lặng làm cho người nghe không khỏi bùi ngùi:

    Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ

    Năm canh dài mẹ thức đủ vừa năm…

    Từ bao đời nay, các bà mẹ Việt Nam thường ru con ngủ trên những chiếc nôi, chiếc võng với những câu hát ru truyền miệng. Những câu hát ru với lời lẽ mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha như chính cuộc đời của mẹ quanh năm tảo tần hy sinh cho chồng con, cho gia đình:

    Con cò lặn lội bờ sông

    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…


    Tuổi thơ ai cũng từng sống trong những lời ru êm ái của ông bà cha mẹ, đến khi trưởng thành cũng tự mình cất lên những khúc ca để ru con. Cảnh cha mẹ ru con, ông bà ru cháu, cả nhà tíu tít bên cánh võng, vành nôi cũng là một nét sinh hoạt văn hóa thường nhật của các thôn xóm Việt Nam. Những bài học nhân nghĩa đầu đời mà mẹ truyền lại cho con cũng được thực hiện qua lời ru trong tiếng võng đưa êm đềm. Vì lẽ đó, tiếng ru, tiếng cọt kẹt võng đưa từ lâu lắm đã là hai âm thanh quen thuộc của làng quê và nhiều ngả đường đất nước. Cho dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng lời ru sẽ không bao giờ khô cạn và sẽ còn âm vang trong muôn không gian, trong tim mỗi người dân cùng những chiếc võng đơn sơ thủy chung nghĩa tình, đu đưa cọt kẹt là một vẻ đẹp thuần khiết, di sản vô giá của quê hương.

    Thật hạnh phúc cho những ai được lớn lên trong tiếng hát ru cội nguồn Việt, trong điệu nhạc du dương, trong những ngôn từ đẹp đẽ, ấm áp ngọt ngào đầy nhân bản của tình mẫu tử. Tiếng hát ru đưa chúng ta trở về những ngày thơ ấu. Sung sướng biết bao khi được nằm trong vòng tay mẹ trên chiếc võng đong đưa. Dòng sữa thơm ngọt từ bầu vú ấm áp, bàn tay mẹ xoa đầu êm ái dịu dàng và tuyệt vời hơn cả là giọng ru ngọt ngào, truyền cảm của mẹ đưa con trẻ vào giấc ngủ thiên thần.

    oOo

    Thấm thoát tôi đã xa nhà gần 40 năm. Cuộc sống xứ người những năm tháng đầu thật khó khăn và vất vả. Dường như tôi chỉ biết “lo” cho bản thân mình để tìm một chỗ đứng trong xã hội xứ người, để chăm lo cho mái ấm gia đình riêng của mình. Những đêm khuya giá lạnh ngồi chấm bài thi, đôi khi tôi lại nhớ về mái nhà xưa thời thơ ấu nơi quê nhà, để rồi sau đó lại quay về thực tại !

    Trong vòng 10 năm trở lại đây, tôi thu xếp về thăm nhà thường xuyên hơn. Mẹ tôi vẫn ngồi đấy với mái tóc bạc trắng, ngước mắt trông chờ con phương xa. Mẹ tôi thường bảo tôi, mẹ rất thích bài hát "Lòng Mẹ" và bà có ước nguyện là khi bà mất thì các con hát bài này cho mẹ vui.

    . .. Tôi ngồi bên cạnh mẹ và lặng lẽ hát bài ca về mẹ bên ngọn nến vàng le lói. Mẹ ơi, con đã về để hát cho mẹ nghe những lời của bài hát mà mẹ ưu thích, mẹ biết không ? Bảy người con của mẹ đang đồng ca bài "Lòng Mẹ" với tiếng nhạc dạo của đờn cò ... Sao mẹ vẫn yên lặng và không trả lời ... !


    Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

    Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào

    Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào

    Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng, mẹ yêu

    Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu

    Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ

    Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ

    Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ

    Thương con thao thức bao đêm trường, con đã yên giấc

    Mẹ hiền vui sướng biết bao

    Thương con khuya sớm bao tháng ngày

    Lặng lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn

    Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền

    Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền

    Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm

    Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên ...



    Tôi nguyện sẽ hát cho mẹ nghe vào ngày giỗ mẹ hàng năm. Giờ đây tôi mới nhận thức rằng mất mẹ là mất tất cả ..... Tôi thèm lời ru ngọt ngào êm ái của mẹ như trẻ con thèm sữa mẹ vậy...


    oOo

    THAM KHẢO

    1. Birnholz, Jason C. (1981). The Development of Human Fetal Eye Movement Patterns. Science 213: 679-681.

    2. Liên khúc Hat ru con ngu

    3. Hát ru có nhiều ý nghĩa đối với con trẻ.

    Mạng xã hội Webtretho là cộng đồng phụ nữ Việt Nam chuyên chia sẻ kinh nghiệm hay liên quan tới chăm sóc gia đình, con cái, thời trang và làm đẹp.


    4. Hát ru – Wikipedia tiếng Việt - Wikipedia, bách khoa toàn thư mở



    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

  • #2
    Tặng bạn tri âm.

    Giờ đây cuối nửa đời lưu lạc

    Nhìn tuyết lạnh lòng nhớ cố hương

    Nhìn về quê cũ xa xăm đó

    Chỉ thấy mơ hồ mây trắng bay

    Ngỡ khói lam chiều hay tóc mẹ

    Bay tìm con cuối nẽo lưu đày.

    Comment


    • #3

      Comment


      • #4
        Một Thoáng Qua ngày cuối năm ...

        Canada, ngày 7, tháng 12, năm 2017 - Một ngày cuối Thu ...


        [justify]... Chúng ta luôn háo hức trước mỗi chuyến đi xa, muốn rời nhà để bay nhảy ở bao miền đất lạ. Nhưng chẳng ai xa nhà được mãi, bởi nỗi nhớ cứ cồn cào như cơn đói giục ta trở về, nhất là vào những ngày cuối năm hoặc Tết đến.

        Dù chỉ bước ra khỏi con ngõ nhỏ sang đến làng bên, hay thực hiện một hành trình dài nửa vòng Trái Đất, ai rồi cũng phải xa nhà. Những niềm vui mới và bao lo toan của cuộc sống khiến người ta phải tập làm quen với vùng đất lạ. Nhưng nơi đó đâu thể trở thành nhà. Chỉ khi có những giây phút ngồi một mình bên ly café lúc chiều xuống ..., ta bỗng nhớ nhà da diết và mong được quay về ...

        Hoài niệm là cách chúng ta vẫn làm để vơi bớt nỗi cô đơn và nhung nhớ. Hoài niệm về mái nhà trong tâm trí người viết là những kỷ niệm ấu thơ đã hằn sâu vào trong tâm thức chẳng thể nào quên.

        Đó là hình ảnh khung cửa sổ quen thuộc, đã mở ra cả khung trời bao la với chú bé mộng mơ. Nơi người ta có thể ngắm nắng, ngắm mưa trong lúc đợi mẹ trở về ..... (1)

        [/justify]


        Vàng tỏa non tây bóng ác tà

        Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa

        Ngàn mai lác đác chim về tổ

        Dậm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà

        Còi mục gác trăng miền khoáng dã

        Chài ngư tung gió bãi bình sa

        Lòng quê một bước dường ngao ngán

        Mấy kẻ chung tình có thấu là..?

        (Chiều Hôm Nhớ Nhà - Bà Huyện Thanh Quan)





        (1) Tác phẩm Về nhà đi. Lương đình Khoa
        https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

        Comment

        Working...
        X