Bác Sĩ Gà
Ngọc Lan Nguyễn (74KNN)
Ngọc Lan Nguyễn (74KNN)
Không biết các anh chị có những kỷ niệm vui buồn của mình trong những ngày mới chân ướt chân ráo ra nhận nhiệm sở và đi làm như thế nào, chứ riêng tôi thì rất nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt. Hôm nay mới dám kể lại cho quý vị nghe để thông cảm và cũng để đón nhận những nụ cười của các bạn. Có lẽ các bạn đã đọc những chuyện tự thuật của tôi về nguyên nhân và cái duyên đưa tôi đến với ngành “gà”, học để đi làm chứ không đi dạy như nhiều bạn trong trường và lớp của tôi.
Ngày ra trường các bạn tôi ai cũng hí hửng cầm giấy ra trường và nhận nhiệm sở, riêng tôi chưa biết mình sẽ về đâu? Cũng muốn đi dạy nhưng không có tên trong danh sách về Sở Giáo Dục, một phần có lẽ tôi không là đoàn viên, ở đây tôi xin mở ngoặc kép kể cho các bạn nghe một chuyện nhỏ. Chẳng là anh Bí Thư Chi Đoàn đã đề nghị tôi đi học lớp Cảm Tình Đoàn, trong buổi lễ bế mạc con nhỏ bỗng hứng chí hát ngay bài “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”. Ai hát bài này không sao chứ tôi hát là người ta nghĩ ngay là tôi có đang ý khác, có lẽ vì vậy mà tôi không được kết nạp vào đoàn vì họ nhận xét tư tưởng của tôi còn tiêu cực. Mà thật, sáng quá đi chứ bạn, ba tôi đi phải “học tập”, gia đình tôi phải thay đổi 180 độ. Má tôi phải buôn gánh bán bưng để lo cho gia đình, mà trong thời buổi “bao cấp kinh qua giai đoạn quá độ tiến thẳng lên XHCN“ người ta đã gọi bà là “con buôn” và ”ngụy”. Đi học trong chế độ mới, nhiễm tư tưởng “mới” hồi nào không hay, về nhà nói chuyện bị mẹ tôi la cho một trận. “Con nói ai là con buôn, mẹ mày là con buôn đấy. Ai là ngụy? Bố mày là ngụy đấy, mới nuôi được mày ăn học cho đến ngày hôm nay”, thế là tôi biết lỗi nín khe, không dám hó hé gì nữa cả.
Với lý lịch như vậy ra trường xin đi dạy không được, buồn quá. Thấy tôi đứng khóc trước cửa, mẹ tôi nói: “Thương con quá mà không biết làm sao, hay con cứ ở nhà Mợ nuôi”. Trời làm sao tôi chịu nổi, bao nhiêu năm trời cố công đèn sách, bây giờ không lẽ ở nhà làm ”nhà báo” tiếp tục để mẹ tôi nuôi hay sao? Nếu không có nhiệm sở ở thành phố, có lẽ tôi sẽ làm đơn xin lên dạy trường “Nông Lâm Súc Bảo Lộc” vậy. Ba tôi lúc đó cũng đang đi kinh tế mới trên Lâm Đồng.
Trong cái rủi lại có cái may, tà tà đạp xe lên trường gặp chị Huệ, đệ tử ruột của Bác sĩ Chính, chị được giữ lại trường. Chị hỏi tôi: ”Ngọc Lan có nhiệm sở chưa?”. Tôi lắc đầu, may sao chị trình bày với thầy Chính và thầy viết thư giới thiệu tôi đến những nơi tôi đã đi thực tập làm luận án ra trường của mình. Với uy tín của thầy và tôi cũng là học trò của thầy về ngành gà, nên cả ba nơi tôi đến xin việc đều nhận, đó là Công ty Chăn nuôi trực thuộc Thành Phố, Trại gà Tam Bình và Trung Tâm Giống Gia Cầm trực thuộc Trung Ương. Thế là thầy bảo tôi chọn về Trung tâm giống Gia Cầm nằm ở 20 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự).
Ngày đến nhận nhiệm sở ở Trung tâm Giống Gia Cầm, phòng Kỹ thuật định điều tôi về Trại gà Giống chuyên đẻ Trứng Minh Tâm ở Lái Thiêu, vì nghĩ tôi ở Thủ Đức, đi qua Lái Thiêu sẽ gần hơn. Nhưng khi mới đến tham quan trung tâm giống gà thịt Hồng Sanh, thì chú Trưởng trại phán ngay một câu: “Con nhỏ này có hai con mắt to tròn giống con gái tao. Thôi mày ở đây làm với chú đi”. Thế là theo lời đề nghị của chú Trưởng trại, tôi về làm việc ở trại gà thuộc Dĩ An, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé.
Những ngày đầu đi làm thật vất vả, sáng phải dậy thật sớm đạp xe đạp mini từ nhà đến chỗ làm cũng hơn tiếng đồng hồ. Nhưng tôi lại cảm thấy thoải mái như tập thể dục mỗi buổi sáng, đường xá vắng tanh và không khí trong lành, mình ta cỡi con ngựa sắt tung hoành khắp nơi. Đường ta ta cứ đi, không còn phải lo bài vở, học hành thi cử nữa, sướng làm sao đâu. Trưa thì được các chị nhà bếp dọn riêng mâm cơm cho cô Kỹ Sư với cái đùi gà và tô canh chua, ngon ơi là ngon. Suốt cuộc đời sinh viên cực khổ nằm đất, ăn bo bo, nay mới được hưởng thành quả do sự cố gắng của mình. Thấy mấy người công nhân vào nhà ăn kêu lên: ”Trời, hôm nay lại ăn thịt gà nữa hả?” Tôi ngạc nhiên vô cùng, ăn thịt gà mà chê ư? Người ta không có mà ăn, mình có thịt gà ăn mà chê. Sau này tôi mới hiểu làm ở trại gà thì ngày nào cũng ăn gà chết, trứng bể. Ăn riết rồi sợ luôn, chỉ muốn đem thịt gà đổi hay bán đi mua cá, mua mắm về ăn đổi bữa cho đỡ ngán. Ngày đầu xuống trại gà, được chú Trưởng Trại giới thiệu với chị Tổ Trưởng Tổ Chăn Nuôi Gà và được dẫn đi tham quan chuồng trại cũng như làm quen với các công nhân. Lần đầu làm quen với các công nhân trẻ, tuổi khoảng từ 18 đến 25, họ ngạc nhiên sao tôi trẻ quá vậy. Con gái mà cũng là Kỹ Sư ư? Hôm đó có xe chở giao cám gà tới trại, tôi ra nhận thì gặp ngay chú hàng xóm sát cạnh nhà lại là tài xế xe chở thực phẩm gà, được giới thiệu tôi là Kỹ Sư mới về trại gà và sẽ ký nhận lô thực phẩm ông vừa giao. Chiều về đến nhà, đã nghe cả xóm rêu rao, con gái mà là Kỹ Sư hả? Hồi giờ những người ở xóm tôi họ chưa nghe và chưa biết tôi học gì? Bây giờ nghe chú tài xế về nói họ lại càng ngạc nhiên hơn.
Thời gian đầu mới về chưa có kinh nghiệm nhiều, chú Trưởng Trại phán tôi xuống lượm trứng chung với công nhân để học kinh nghiệm của họ. Mà thật lúc mới xuống trại tôi nghe họ nói: ”Chú bảo em lựa con gà mái nào đẻ nhiều giao cho bạn chú, mà em ghét ông đó. Em bắt con gà mái không đẻ cho ổng?” Tôi lại cũng ngac nhiên, làm sao biết được con gà nào đẻ nhiều? Con gà nào không đẻ đây? Lý thuyết thì tôi có học nhưng thực tế thì phải học hỏi kinh nghiệm của công nhân thôi. Từ từ tôi cũng sẽ tìm hiểu, vì tôi quan niệm rằng “bất cứ người nào tôi gặp cũng có cái gì đó để tôi học”, “Vạn sự khởi đầu nan” mà.
Trại Gà Giống Hồng Sanh là Trung tâm Gà Giống chuyên sản xuất gà thịt ở miền Nam, ngoài Bắc thì có trại gà Tam Đảo ở Ba Vì. Giống gà thì nhập ở Cu Ba, có chuyên gia Cu Ba qua hướng dẫn cách chăn nuôi, sử dụng thuốc men, thực phẩm và làm công tác giống … Trại chia làm ba khu riêng biệt: Khu A là trại gà con, nuôi từ ngày 1 - 56 ngày tuổi, có 10 dãy chuồng, mỗi dãy 10 ô, mỗi ô chuồng nuôi 500 con. Mỗi một trại do hai công nhân đảm trách. Khu B là trại gà lớn, gà bắt đầu ghép trống mái và gà bắt đầu đẻ trứng, cũng 13 dãy chuồng, 10 dãy 10 ô chuồng, còn 3 dãy 14 ô chuồng, mỗi ô nuôi khoảng 250 gà mái và 25 gà trống. Khu C là trại gà ghép họ, có ba trại, mỗi trại một dãy có 20 ô chuồng, mỗi ô chỉ nuôi 10 -12 gà mái và một gà trống. Đây là trại gà giống nên phải tuyển lựa và theo dõi sổ sách.
Lần đầu tôi được điều xuống để phụ với công nhân lượm trứng, gà thường đẻ rộ vào buổi trưa, khoảng 10 -12 giờ và gà đẻ bằng ổ sập. Mỗi con gà có số riêng ở cánh, nên khi lượm trứng phải coi con gà đó số mấy và ghi vào quả trứng. Ngoài mỗi cửa chuồng còn có một tờ giấy có ghi số của từng con gà đó, thật chi tiết, mỗi ngày đẻ trứng phải đánh dấu vào từng ô. Nhiều khi công nhân đọc số và ghi không rõ ràng, có những con gà đã gạch sổ vì chết, tự nhiên sống lại đẻ một loạt trứng, do đó kỹ thuật phải kiểm tra lại xem đúng hay sai?
Gà đẻ xong, lượm trứng rồi thả ra liền để con khác vô ổ đẻ, nếu không lượm trứng kịp gà sẽ đẻ ở ngoài, không biết trứng của con gà nào cả, công nhân sẽ bị khiển trách và không được thưởng. Trung tâm gà giống mà, phải theo dõi từng con gà như vây đó. Tôi phụ lượm trứng ở trại B6 có 14 ô chuồng, mỗi ô có một con gà trống rất dữ. Lần nào tôi vào lượm trứng cũng bị nó rượt đuổi và đá te tua, chiều đi làm về mẹ tôi thấy hai chân bầm tím mới hỏi: ”Mày đi làm hay đi đánh nhau mà chân cẳng bầm tím vậy con”. Cứ đến ô đó là tôi sợ xanh mặt nhưng đó là nhiệm vụ của mình phải làm, lại sợ công nhân họ cười mình. Có một lần lượm xong vĩ trứng vừa bước ra tới cửa cũng con gà trống mắc dịch đó, từ đàng sau phóng lại đá tôi một cú như trời giáng, thế là nguyên vỉ trứng bay xuống đất, vừa sợ vừa mắc cỡ. Rút kinh nghiệm cho lần sau, mỗi khi vào ô đó tôi đem theo một cái cây thật to, quất cho nó sợ không dám làm dữ nữa. Lúc trước thấy tôi đi ở ngoài hành lang là nó ở trong chuồng cũng kè kè chạy theo như muốn gây sự, thấy mà phát ớn. Từ đó tôi cũng ít bị gà đá và tôi cũng ít vào ô có con gà quỷ quái đó. Không biết nó và tôi thù hằn kiếp nào mà nó ghét tôi thế.
“Ai về Thủ Đức mà coi, con gái Kỹ Thuật cầm roi đánh gà”
Làm công việc lượm trứng đâu cũng gần cả tháng, một hôm tình cờ sư phụ tôi đi công tác với phái đoàn UNICEF Lương Nông Quốc tế ở Biên Hoà, biết có cô đệ tử ruột … thừa đang làm việc ở trại Gà Giống Hồng Sanh nên thầy ghé vào thăm. Đang lượm xoài với công nhân dưới trại, vì trại tôi có một cây xoài mút thật lớn trái chi chít, nhỏ nhưng ngọt lắm, một cơn gió thổi qua trái rụng đầy sân. Tuy chức phận khác nhau nhưng tuổi cũng sàn sàn như nhau tôi, nên tôi rất hoà đồng với công nhân mà công nhân họ cũng rất mến tôi. Cứ xong việc là tụ tập dưới gốc xoài, họ nhường cho tôi những trái xoài chín. “Chị ăn thử đi, bóp thật mềm mút ngon lắm”, được những chị em công nhân giới thiệu tôi cũng ăn thử và từ đó cũng thân thiết với họ hơn. Thấy họ làm việc cực khổ, nhiều khi phạm lỗi họ nhìn tôi lấm la lấm lét, thấy tội nghiệp tôi cũng bỏ qua như không nhìn thấy, cho nên chú trưởng trại cũng biết Tổng Hành Dinh của tôi ở chỗ đó nên nói: “Muốn kiếm cô Kỹ Sư, cứ tới gốc xoài là thấy”. Nghe có người cần gặp, tôi mặc bộ đồ công nhân đi lên, thấy tôi thầy mới hỏi: “Con đang làm gì dưới trại vậy? Tình thật tôi trả lời: “Con đang lượm trứng”. Thế là không nói không rằng, ông thầy lái xe một mạch về nói chuyện với trưởng phòng Kỹ thuật. “Người ta là Kỹ Sư mà bắt đi xuống lượm trứng là sao vậy?”, cũng nhờ thầy mà ngay ngày hôm sau, chú trưởng trại kêu tôi lên và sửa soạn cho tôi một văn phòng với bàn làm việc hẳn hoi, không phải xuống trại lượm trứng và chiến đấu với con gà trống quỷ quái đó nữa. Sự sợ hãi kinh hoàng của tôi trong những ngày đầu mới ra đi làm ở trại gà chấm dứt từ ngày đó.
Bác sĩ To Gan
Vừa đảm trách theo dõi sổ sách đàn gà, vừa đảm trách kho thuốc Thú y và mổ xẻ theo dõi bệnh của gà mỗi buổi sáng. Cùng về trại gà Hồng Sanh với tôi lúc đó có một anh bên Đại học Nông Nghiệp, nhờ có bà con quen biết lớn nên anh ta về làm tại đây. Nhà tận quận 4, sáng nào cũng đạp xe đạp lên tận Dĩ An, mà sáng nào cũng đi trễ cả. Chú Trưởng trại bực mình anh ta nhưng nói hoài anh ta cũng không sửa đổi, có lẽ vì thế lực của anh ta lớn. Anh ta cũng mổ gà và xem xét bệnh trạng dưới sự quan sát của chú Trưởng trại. Gà bị bịnh chết buổi tối, công nhân để một chỗ để đến sáng kỹ thuật đến mổ xem xét và cho thuốc. Nhìn đống gà chết, anh ta mổ ra, con nào con nấy cái gan bự tổ chảng, chiếm hết cả lồng ngực, gà không chết mới lạ.
Chú trưởng trại mới hỏi: “Bệnh gì vậy mày?”
Anh ta trả lời:” Bệnh To gan “.
Mổ thêm con nữa: “Bệnh gì vậy mày?”
“Dạ bệnh Gan to”.
Thì đúng vậy vì cái gan con gà to chà bá như vậy không bệnh Gan to và To gan thì bệnh gì bây giờ, anh ta nói với tôi. Mổ cả chục con cũng đều cùng bệnh trạng. Từ đó công nhân đặt tên cho anh ta là “bác sĩ To Gan “. Lúc đó tôi cũng chưa biết bệnh này là bệnh gì và chữa trị ra sao? Thế là chạy về hỏi Sư Phụ. Thầy bảo tôi phải làm một bản tường trình báo cáo lên chuyên gia Cu Ba và đổ tội cho con giống của họ bị bệnh di truyền từ bố mẹ chứ không phải do mình chăm sóc. Bệnh này gọi là Leukomasis, một loại giống như ung thư gan, gan nổi những hột trắng và gan sưng to làm gà không thở được, lăn ra chết vì không có thuốc trị.
Nhiệm vụ kỹ thuật của chúng tôi là sáng đi một vòng các chuồng trại, loại gà bịnh, gà chết công nhân lượm ra để kỹ thuật mổ khám định bịnh và cho thuốc. Kiểm tra tình hình thức ăn, nước uống của gà, xem công nhân có làm vệ sinh sạch sẽ, có cho gà ăn đầy đủ thức ăn mới và nước uống sạch. Vì là trại gà giống, con giống được mua từ Cu Ba, chuyển bằng máy bay đến nên giá thành một con gà rất cao. Từ trại gà giống này chúng tôi nuôi và nhân giống lên ấp và bán gà con cho toàn miền Nam. Chỉ kỹ thuật mới được quyền loại gà bịnh mà thôi.
Một buổi sáng anh ta xuống trại và loại ra mấy trăm con gà, chú trưởng trại thấy công nhân khiêng gà lên quá chừng ổng xanh cả mặt, không biết gà bị bịnh gì mà anh ta loại ra như vậy thì chẳng mấy chốc hết gà để nuôi. Ổng mới xuống xem, thì ra gà bị bệnh đậu gà, chỉ cần bôi thuốc phẩm xanh vào là hết. Thế là ông bắt công nhân bôi thuốc và khiêng gà bỏ trở lại vào chuồng, kêu anh chàng bác sĩ To Gan lên la cho một trận. Ổng dặn, không biết thì phải hỏi ý kiến của ổng chứ đừng làm ẩu làm tả. Anh ta chỉ cười trừ như không có chuyện gì xảy ra.
Mà nghĩ cũng tội nghiệp anh ta, cứ bị chú trưởng trại la hoài về tội đi trễ, không báo cơm trưa nên có khi anh ta cũng bị nhịn đói. Mỗi sáng mọi người phải báo với nhà bếp hôm đó để họ nấu cơm cho mình ăn, còn trễ hơn 8 giờ nhà bếp đi chợ rồi và không biết mình có đi làm hay không? Mà lúc đó ở chung quanh trại cũng như trong vùng chẳng có hàng quán gì cả. Công nhân thấy anh ta không có gì ăn họ cũng sẵn lòng chia phần.
Mà nghĩ cũng tức cười, bị kêu lên la hoài nên anh ta coi như “ne pas”, như không có chuyện gì xảy ra, như buổi sáng đó uống cà phê không đường, lời nói từ lỗ tai này chạy ra sau ót mất tiêu chứ không thèm nghe. Sau chú trưởng trại phải chuyển anh ta qua khâu trộn thuốc vào cám cho gà, công việc nhẹ nhàng không đụng chạm trực tiếp tới gà nữa. Với đồng lương chết đói của kỹ sư lúc đó, anh ta cũng rất chịu khó, chiều về ghé chợ Thủ Đức mua rau muống về bỏ mối trên chợ Xóm Chiếu. Lúc này tôi mới biết là tại sao anh ta cứ đi trễ hoài vì mỗi sáng anh ta phải ghé chợ Thủ Đức bỏ mối kẹo nhà làm, anh cũng biết làm thêm phụ vào đồng lương eo hẹp. Chú trưởng trại nói hoài không được nên ổng tìm cách đẩy anh ta về làm cố vấn nuôi gà tại Cảng Sài Gòn. Thế mà lại gặp may, gần nhà mà lại là chỗ làm ra nhiều tiền, đúng là “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Về phần tôi vẫn tà tà đạp cọc cạch chiếc xe đạp Mini đi làm, hôm đó trên công ty phân phát xuống trại được mua một chiếc xe đạp Hà Nội với giá hữu nghị. Toàn trại 80 người phải bốc thăm và may mắn sao tôi lại trúng. Hôm sau về công ty nhận chiếc xe đạp, hí ha hí hửng đạp từ Sài Gòn lên trại gà Hồng Sanh, cũng đến gần trưa mới đến. Tưởng xe đạp tốt, ai ngờ khi sắp đến nơi tự nhiên cái lốp xe đằng trước phù to ra rồi kẹt cứng. Vừa nhảy xuống xe để xem thì bánh xe nổ cái rầm, thế là phải dắt bộ đến trại cũng cả 20 phút. Nhờ người ta coi dùm thì toàn đồ dzỏm, đúng là tiền nào của đó. Phải thay toàn bộ đồ tốt, chỉ còn lại mỗi cái sườn, nhưng thôi cũng có chiếc xe đạp đầm để đạp lẹ hơn chiếc Mini. Đó cũng là món hàng đầu tiên tôi mua được từ ngày ra trường.
Tổ kỹ thuật của tôi lúc đó có thêm người, anh tổ trường ngoài Bắc vào. Anh này đi du học Mông Cổ về và chả biết gì về ngành gà cả, nên công nhân thường nói đùa “Ổng chỉ có Mông và Cổ chứ không có đầu”. Vì không có kinh nghiệm trong ngành mà hay la, nên nói gì công nhân cũng không nghe. Có hôm tụi nó lừa nhốt ổng trong chuồng gà, để ổng vô coi gà, xong họ từ từ chốt trái cửa ở phía ngoài làm ông không sao ra được, phải nhờ mấy người bảo vệ mở cửa dùm. Khi la lên thì đám công nhân nói họ quên, không biết, không thấy ổng, nên cũng huề. Sau này có thêm một anh chàng kỹ sư bên Đại Học Nông nghiệp về, anh này có làm đề tài chuyên ngành về gà và xốc vác hơn, chia bớt công việc của tôi. Tôi không phải xuống trại gà thường xuyên nữa, sợ nhất là phải đi coi tình hình sức khoẻ đàn gà buổi sáng sớm hay tình hình trại mỗi tối. Biết tính tôi sợ ma, nên mỗi lần tôi đi là chú trưởng trại phái thêm một anh bảo vệ và một cô kỹ thuật viên đi theo hộ tống. Những đêm cả trại chích ngừa cho đàn gà giống, tôi là người phải pha thuốc chủng ngừa và đưa xuống từng trại để kỹ thuật và công nhân cùng làm. Thường thì phải chích ngừa ban đêm để khỏi làm xáo động đàn gà nhiều, mà đường từ kho thuốc xuống các trại cũng xa và tối. Đi một mình cũng hơi ớn nên lúc nào tôi cũng kéo theo cô kỹ thuật viên. Cô này có nhiệm vụ chuyên báo cáo lên bảng mỗi buổi sáng cho chú trưởng trại và tổ kỹ thuật biết tình hình đàn gà mỗi ngày. Chẳng hạn như tại sao gà chết nhiều, tại sao số lượng trứng giảm so với ngày hôm trước, để tìm biện pháp khắc phục.
Vui buồn của nghề Kỹ thuật
Năm 1981, lần đầu tiên trại gà Hồng Sanh được thưởng vì nuôi gà con vượt tiêu chuẩn giao, ở trên giao tỉ lệ gà chết là 3%,nuôi sống là 97%. Công nhân nuôi gà con rất cực phải ngủ lại dưới trại 2 tuần lễ đầu và nửa đêm phải dậy thức canh thay nước uống sạch và cho gà ăn. Đàn gà lớn mau, cộng thêm với kỹ thuật chúng tôi theo dõi sát tình hình thuốc men, thức ăn và kiểm tra đốc thúc công nhân thật sát trong việc chăm sóc, nên có những trại tỉ lệ nuôi gà sống lên đến 98 - 99%. Đến ngày làm công tác giống (56 ngày tuổi), phải phân biệt gà trống gà mái để tách ra nuôi riêng với khẩu phần ăn khác nhau. Chọn những gà nào tốt để lại làm giống nuôi tiếp, những gà nào không đạt tiêu chuẩn thì xuất bán thịt, đa phần gà đều đạt trọng lượng nên trại lời to năm đó. Lúc đó công ty bắt đầu phát thưởng cho trại gà theo số tiền lời mà trại làm ra, công nhân và cả trại mừng lắm, ai cũng hoan hỉ góp phần vào kể công. Từ trên văn phòng xuống tới nhà bếp, tổ bảo vệ, cho đến tổ y tế, kế toán thủ quỹ ai cũng có công cả. Riêng tổ kỹ thuật chúng tôi thì đứng chót bẹt và được thưởng ít nhất, vì chỉ đi vòng vòng chả làm gì cả??? Anh tổ trưởng tổ kỹ thuật và tụi tôi cũng buồn và tức lắm vì họ chưa thấy được tầm quan trọng và việc làm của chúng tôi. Họ chỉ nhìn thấy chúng tôi đi vòng vòng quan sát và la, nhắc công nhân thay thức ăn, lau chùi máng uống, nên họ không thích, nhưng đành chịu chứ biết nói sao hơn. Đời bất công là thế.
Cho đến một hôm chú Trưởng trại đi phép, anh tổ trưởng Kỹ thuật với cương vị là Phó Trại, lại không có trách nhiệm nhiều, ít xuống đốc thúc công nhân làm vệ sinh chuồng trại cho sạch vì gà rất nhạy cảm với không khí, thức ăn và nước uống. Nếu không đốc thúc là công nhân không làm vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhưng anh ta la nhiều thì họ cũng ghét. Thế là dịch bệnh xảy ra, gà bị CRD lại thêm dịch tả (New Castle), đang lớn sơn sởn, đang đẻ rộ bỗng chết la liệt. Gà đẻ nằm trong ổ cũng chết, chỉ một cơn gió thoảng qua là gà nằm xuống hàng loạt, mỗi ngày gà chết mấy trăm con là thường, thấy mà xót ruột. Công nhân nuôi gà mà gà chết họ cũng lo và khóc, ai nấy xanh cả mặt. Phòng kỹ thuật và chuyên gia Cu Ba xuống xem, phán gà bị dịch tả, vì chuồng trại mất vệ sinh, phải đào lỗ chôn hết, không ai được ăn cũng không được bán ra ngoài sợ lây lan cho những trại gà bên cạnh. Chú Trưởng Trại sau một tuần nghỉ phép về, thấy tình hình trại quá bi đát nên phải xuống phụ với kỹ thuật, đốc thúc và kiểm tra công nhân làm vệ sinh sát trùng chuồng trại cho thật sạch sẽ và chủng ngừa cấp tốc, cứu được con nào hay con đó. Riêng với những con gà chết, chuyên gia Cu Ba bắt đào hố bên cạnh trại để chôn. Trưởng Trại âm thầm cho một nhóm người qua đó, chặt đầu lột da hết thẩy những con gà mới chết rồi bỏ vô bao âm thầm đem ra chợ bán, gỡ được đồng nào hay đồng đó. Điều này vi phạm luật vì nếu những trại gà khác mà bị dịch, bị phát hiện thì trại tôi sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng thời buổi đó mà, ai kiện và ai xử. Đang thời kỳ khó khăn, nhiều người không có ăn, trong khi gà đang mập mạnh mới chết, còn nóng hổi lại bảo vất đi thì họ đâu chịu. Thế là nguyên tổ nhà bếp có nhiệm vụ đem gà ra chợ bán lấy tiền, của đổ hốt lại được đồng nào hay đồng đó. Lúc này thì họp hành liên miên để qui trách nhiệm xem ai là người chịu trách nhiệm trong vụ gà chết vì bệnh dịch này, chắc chắn là tổ Kỹ thuật chứ ai vào đây. Lúc này anh tổ trưởng Kỹ thuật mới lên tiếng: “Uả sao lúc quyền lợi thì ai cũng nhảy vào dành phần chia chác, nhưng đến khi nhận trách nhiệm thì chả thấy ai nhận hết vậy”. Khi anh mạnh miệng nói kỹ thuật là linh hồn của trại, họ mới thấy được tầm quan trọng của những người kỹ thuật. Từ đó tổ Kỹ thuật của tụi tôi mới được ưu đãi hơn, chứ không như lúc trước bị coi như con ghẻ. Đời là thế đấy quyền lợi thì họ hưởng nhưng trách nhiệm thì mình chịu. Một bài học quá đắt cho cả hai, sau đó tôi được chuyển qua trạm chuyên về ấp trứng.
Được điều qua coi trạm ấp, chú Trưởng trại cũng mến và muốn giữ tôi lại làm ở trại lâu dài, vì thấy tính tôi cũng chịu thương chịu khó, giao việc gì là làm đến nơi đến chốn. Ông cũng muốn giúp tôi lên làm trưởng trạm, nhưng đâu biết tôi đã xin chuyển lên quận Tư và trong tương lai phòng kỹ thuật sẽ kéo tôi về thành phố để mở phòng thí nghiệm trên đó cho tôi làm. Thứ Bảy tuần đó ông phán một câu xanh rờn: ”Thứ Hai mày dọn đồ lên đây ở, tao cấp cho một căn nhà, tao gả chồng cho rồi đám cưới tao lo xe hoa cho mày”. Chả là có anh chàng kỹ sư ngoài Bắc cũng du học Cu Ba về đang huấn luyện công nhân trạm ấp, biết cách vận hành máy ấp và cách ra gà con. Ắt hẳn là ổng muốn dùng tôi làm mỹ nhân kế để bắt cóc anh chàng này đây? Nhưng tôi không phải như ổng nghĩ đâu.
Tôi về hỏi ý kiến ở nhà, sáng thứ Hai tôi trả lời với chú Trưởng Trại: “Dạ cám ơn chú, má con nói ở nhà má con nuôi”. Thế là ổng mất hồn nói: “Thôi, thôi, mày không lên ở đây thì thôi, vẫn đi làm bình thường nha con.” Chú trưởng trại phải lùi một bước để giữ tôi ở lại.
Sự thật thì với đồng lương eo hẹp tôi không lệ thuộc vào đó, chỉ đi làm cho xứng với kiến thức của mình vì mang tiếng là tốt nghiệp Đại học, nhưng không ngờ đồng lương quá tệ. Tôi phải xoay thêm nghề tay trái làm thêm vào buổi chiều, như giao thuốc cho các phòng mạch quen, giao thuốc lá cho các mối bán dọc đường và đi giao thuốc thú y. Hơn nữa tôi thích ở trên thành phố để có điều kiện học thêm nhiều thứ khác nữa như Anh văn, làm bánh, bắt bông kem, cắm bông, đi bơi, thể dục nhịp điệu … một ngày của tôi sẽ đầy thú vị. Nếu cứ sống như công nhân ở trại, chỉ biết đi làm, ăn cơm trong trại và tối coi TV ở văn phòng rồi về ngủ, sáng đi làm tiếp. Một ngày như mọi ngày, thì thật là chán, làm sao tôi chịu nổi. Thế là từ đó tôi quá giang xe với chị Thủ Quỹ và chị Kế Toán để về thành phố mỗi ngày, không phải đạp xe đạp nữa, mà vẫn đi làm ở trại Gà Hồng Sanh cho đến khi nhận được mảnh bằng Kỹ Thuật Nông nghiệp sau 18 tháng tập sự rồi bắt đầu ”tìm đường cứu nước” năm 1992, nhưng không đến nơi được. Với chuyến đi phép kéo dài đến sáu tháng nên cơ quan cũ không thể kéo tôi về trở lại. Lúc đó Bác sĩ Võ Bá Thọ trưởng phòng Kỹ Thuật, thấy tôi là người chịu khó, có kinh nghiệm trong ngành gà và công tác giống, nên đã giới thiệu tôi qua làm Kỹ Thuật cho trại Gà thuộc Công Ty Xuất Nhập khẩu Thủ Đức. Bắt đầu một chặng đường mới, một công việc mới nhiều trách nhiệm hơn, sẽ kể tiếp sau nhé.
Ngọc Lan
Comment