Anh bà con của KD sau khi đi học tập về chẳng có việc gì làm, anh tìm sắm một chiếc xe đạp và hai cái thùng "mốp" (foam) đến hãng Foremost (ngày nay là Vinamilk) xắp hàng đợi đến phiên nhận kem, yaourt đi bán. Thế là anh trở thành người bán kem và yaourt dạo trên đường phố. Vậy đó mà có những lúc chẳng có kem để bán.
Anh vốn là người yêu sách, thích đọc sách, vì vậy sau khi hai thùng kem rỗng là anh đi dạo tìm sách trong các tiệm sách cũ, nhất là sách trên các vỉa hè bên đường.
Anh kể Dung nghe. Trong một lần bán hết yaourt ở rạp Quốc Tế (đường Phạm Ngũ Lão) anh đi lang thang, thấy trên vỉa hè ở đây bày nhiều cuốn sách đóng bìa cứng chữ vàng giống như sách lễ, anh vội nhặt lên một quyển mở ra để đọc. Thì ra đó là quyển sách của thư viện Quốc Gia VNCH. Sách viết bằng tiếng Pháp, trong đó có một chương dạy làm yaourt, anh bỗng nảy ra ý định sẽ làm yaourt để bán. Quyển sách đó người ta bán chỉ có giá bằng một bịch yaourt. Họ còn nói để mãi mà không có ai mua, nếu chịu mua cả chục quyển thì họ sẽ bán rẻ cho. Tuy thương sách lắm nhưng anh chần chừ mãi. Cuối cùng thấy mười cuốn giống nhau nên anh chỉ mua một cuốn thôi. Vả lại nếu mua hết thì anh sợ lỡ ngày mai hãng không có yaourt để anh đi bán thì anh sẽ không có tiền đong gạo.
Đem sách về nhà, anh ngấu nghiến nó ngay. Anh nghiên cứu cách làm yaourt và bắt đầu tự làm lấy để bán. Khi làm được yaourt thì phải làm cho nó đông đặc mới bán được. Anh đi nhờ tất cả các thợ điện lạnh ở Biên Hoà nhưng không toại nguyện nên quyết tâm đi học nghề điện lạnh. Ở trường huấn nghệ các thày dạy điện lạnh cũng nói bông lông, khiến anh không hiểu rõ quy trình làm lạnh.
Một hôm anh mò đến trường huấn nghệ dòng Don Bosco, trong thư viện anh thấy có cuốn sách điện lạnh viết bằng tiếng Anh, liền xin thày quản thủ thư viện cho mượn. Thày nói: "Anh mượn làm gì? Có đọc được không?". Anh mở thử cuốn sách ra đọc và thấy câu văn khá dài, cách viết sách kỹ thuật khác với lối viết văn chương. Anh nói với thày: "Chủ từ để xa động từ, chủ từ là cả một mệnh đề, hoặc một nhóm từ, hoặc một mệnh đề liên quan, mệnh đề phân từ. Nếu xếp theo kiểu La Tinh thì sẽ đọc được". Thày góp ý cho anh những từ chuyên môn. Anh đã thử dịch chung với thày một trang và thày đã cho anh mượn về không thời hạn. Cuốn sách dày 750 trang chữ nhỏ, giống như cuốn tự điển, hỏi mua không tiệm nào có bán.
Nói đến đây anh lại nhắc đến các cha giáo của anh. Cha giáo Pháp Văn thì hiền, nhưng ngài khắt khe trong việc học, rao điểm Zéro hoài. Cha giáo Anh Văn thì cũng khó nhưng cha giáo La Tinh là khó nhất, ngài không cao to nhưng khoẻ mạnh, tính nóng nảy lại dạy môn La Tinh, môn học khó nhất nên lũ học trò anh nào cũng sợ. Thày bắt học trò phải động não hết sức để dịch cho được từng câu văn khó. Thày luôn "quyết chiến với mấy người" nên cuối cùng tụi anh phải động não thật, nhờ vậy mà lớp anh trình độ La Tinh khá dần và bắt đầu thích học tiếng Anh, tiếng Pháp vì cảm thấy dễ dàng hơn.
Rồi anh nói tiếp, anh luôn biết ơn các cha giáo và rất cảm ơn thày quản thủ Don Bosco đã cho anh mượn cuốn sách đem về đọc. Nhờ đó anh hiểu rành rẽ điện lạnh và bắt đầu ráp máy lấy để làm yaourt, nghề yaourt của anh cũng bắt đầu phát triển từ đó. Một cuốn sách nằm im trên kệ và một cuốn sách nằm phơi trần hứng những bụi bặm và cái nắng của Sài G̀òn trong thời bao cấp. Cám ơn những tác giả đã nhiệt tâm bỏ nhiều thời giờ hầu đem kiến thức đến cho con người để họ được hạnh phúc hơn.
Anh còn bảo chẳng có cái gì trên đời là vô bổ cả, quan tâm đến một vật bị bỏ thí, một người mà xã hội không cần đến, biết đâu chừng sẽ đem lại hạnh phúc thật bất ngờ cho mình.
KD cũng được anh mua cho một quyển sách ngoài trời có tựa đề De Fil en Aiguille (Từ chỉ đến kim). KD giữ nó cho đến bây giờ, mỗi khi quên các mũi thêu lại mở ra xem.
Thân ái
KimDung
Comment