Announcement

Collapse
No announcement yet.

Trả Hiếu Thời Nay

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Trả Hiếu Thời Nay

    Trả Hiếu Thời Nay

    Hải An & Đồng Xuân



    Đến tuổi xế chiều, con người sẽ có những biến đổi tâm lý, tính cách. Nếu không dành thời gian lắng nghe, tìm hiểu thì giữa ba mẹ và con cái dễ nảy sinh mâu thuẫn, mặc cho mỗi bên đều có những cái khó của riêng mình. Chỉ cần đôi bên chịu khó “bắt sóng” của nhau, việc sống cùng và phụng dưỡng ba mẹ già sẽ dễ chịu hơn rất nhiều!

    Khó của ba mẹ

    - Muốn được quan tâm: Càng già, người ta càng sợ cô đơn. Vì vậy, khi con cái thờ ơ, ba mẹ thường có cảm giác mình bị “bỏ rơi”. Thế nhưng, phần lớn họ lại không muốn chia sẻ nỗi sợ đó với con cái. Thay vào đó, nhiều người thường biểu hiện bằng hạnh động như giả vờ đau ốm hoặc than thở, mục đích là để được quan tâm nhiều hơn. Nếu không “bắt sóng” kịp “ý đồ” này thì con cái sẽ hiểu nhầm là người già khó tính.

    - Sợ làm người thừa: Tâm lý chung của người già là sợ mình vô dụng, thừa thãi, trở thành gánh nặng của gia đình. Vì vậy, họ thường làm nhiều việc để chứng minh mình hữu dụng, điều này đôi khi khiến con cháu thấy phiền phức. Mâu thuẫn xảy ra từ đó.

    - Coi trọng giá trị tinh thần: Con cái thường nghĩ, cho ba mẹ sống trong môi trường đầy đủ tiện nghi là làm tròn chữ hiếu. Nhưng thực tế không hẳn là vậy, người già thường sống thiên về tình cảm. Họ quan tâm đến thái độ, cách ứng xử của con cái đối với mình hơn là vật chất. Chỉ cần thấy con cái vẫn kính trọng mình, nói năng tử tế, vui vẻ là ba mẹ “vui hơn nhặt được vàng”.

    - Quen sống tiết kiệm: Mỗi khi con cái vứt đi vài món đồ hay bỏ thức ăn thừa, người già thường nhắc nhở vì tiếc. Điều này khiến nhiều người con khó chịu. Nhưng thật ra, đa phần những người lớn tuổi từng sống khổ cực, phải tích cóp từng đồng nuôi con thì dù cuộc sống hiện tại có khá giả, họ vẫn có thói quen tiết kiệm, vì sợ con mình tiêu hoang thì sau này phải sống chật vật.

    - Muốn hòa nhập với thế giới bên ngoài: Đa phần con cái đều nghĩ: “Ba mẹ già, ở nhà cho khỏe thân”. Trên thực tế, người lớn tuổi sẽ cảm thấy yêu đời, hạnh phúc hơn nếu được tiếp xúc với nhiều người vì họ cũng có nhu cầu vui chơi, giải trí với bạn bè. Vì vậy, con cái hãy thông cảm và chiều lòng ba mẹ nếu họ muốn tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi. Nhất là với những người đã góa vợ/chồng. Đặc biệt, với những trường hợp đơn chiếc như thế thì nhu cầu tìm bạn tâm giao là điều cần được thông cảm. Đôi khi vì khoảng cách thế hệ nên con cháu không hiểu hết tâm tư suy nghĩ của ông bà, cha mẹ. Bởi vậy, họ cần có một người bạn tâm giao, cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, những điều mà thế hệ trẻ không thể hiểu được. Do đó, con cái đừng vì sĩ diện mà “bóp chặt” niềm hạnh phúc của ba mẹ mình.

    - Mong gần cháu: Ông bà nào cũng thương cháu, nếu cha mẹ vẫn còn khỏe và con bạn còn nhỏ, có thể nhờ ông bà chăm sóc giúp để các cụ có thêm niềm vui thay vì đưa con đi nhà trẻ quá sớm.

    Khó của con cái

    - Quỹ thời gian hẹp: Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến nhiều người phải cật lực làm việc, không còn nhiều thời gian cho ba mẹ. Mặc dù biết ba mẹ cần thủ thỉ, sẻ chia nhiều điều nhưng vì áp lực công việc, tiền bạc chi phối nên con cái đành phải “lơ”.

    - Cách trở địa lý: Con cái làm việc hoặc có gia đình riêng ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm ba mẹ. Nhiều người, phải mấy tháng mới về thăm ba mẹ nhưng vì công việc, chuyện gia đình riêng, họ lại vội vã đi khiến người lớn nghĩ là con mình vô tâm. Thật ra, khoảng cách địa lý và những lý do khách quan khác như kinh tế cũng là nỗi khổ của nhiều người con, dù họ cũng muốn ở cạnh ba mẹ nhiều hơn, thay vì những cuộc điện thoại, quà cáp...

    - “Quan tòa” bất đắc dĩ": Khi ba mẹ ở cùng nhà với con cái, đôi khi vì không hợp tính với con dâu/con rể nên hai bên dễ nảy sinh mâu thuẫn với nhau. Những lúc này, con cái phải trở thành “quan tòa” bất đắc dĩ, khó mà phân xử bên nào đúng sai. Vì vậy, người cao tuổi cũng nên thông cảm cho con mình, hạn chế đặt con vào tình thế như trên, dễ khiến gia đình sứt mẻ vì tình nghĩa khó vẹn đôi đường.

    - Không có sự cảm thông: Áp lực công việc, tiền bạc và những mối quan hệ xã hội đôi khi khiến con cái mệt mỏi. Do đó, lắm lúc con cái về nhà trong trạng thái uể oải, vẻ mặt u ám. Những lúc này, các bậc cha mẹ cũng nên thông cảm, đừng vội giận ngược lại con mình vì nghĩ “tụi nó xem mình như cục nợ”.

    - Thiếu thốn vật chất: Người già nay yếu mai đau, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Vậy nên, với những người con có thu nhập thấp, họ đành chọn cách “nhường” việc phụng dưỡng ba mẹ cho những anh, chị em khác có điều kiện hơn. Bởi thế, nếu có một người con không thể “gánh” được nhiệm vụ này thì các bậc mẹ cha cũng đừng vội buồn lòng vì nghĩ con mình bất hiếu.

    - Nỗi lo từ con nhỏ: Những bất đồng trong cách nuôi dạy con giữa người già và con cái là điều khó tránh. Thậm chí, không ít xích mích nảy sinh giữa cha mẹ và con cái chỉ vì chuyện em bé ở nhà bị bệnh, con thì tức tốc đưa đến bệnh viện, còn ông bà thì muốn dùng những phương pháp dân gian. Xét ở nhiều khía cạnh, người già nên thông cảm cho con mình trong việc chăm sóc cháu vì thực tế cho thấy, khi khoa học phát triển, đời sống thay đổi thì quả thực có nhiều cách dạy con, chăm cháu từ thời xưa đến nay đã không còn phù hợp.

    Cần “chu cấp” tinh thần

    Khi phụng dưỡng ba mẹ, nhiều người nghĩ, chỉ cần cung cấp cho họ điều kiện sống tốt, tiền bạc tiêu xài thoải mái là được. Tuy nhiên, đây là một quan niệm chưa đúng, có phần lệch lạc. Bởi, đối với người già, chuyện tiền bạc, ăn uống chỉ là nhu cầu thứ yếu, cái quan trọng nhất với họ là đời sống tinh thần có được thỏa mãn, vui vẻ hay không. Vì thế, khi phụng dưỡng ba mẹ, ngoài vật chất, chúng ta cần biết cách nuôi tinh thần của họ, theo những gợi ý dưới đây:

    - Con cái nên trò chuyện với ba mẹ, hỏi và lắng nghe để biết tâm tư của họ, cố gắng đáp ứng những mong muốn của ông bà ở khía cạnh tinh thần như giao tiếp xã hội.

    - Những việc làm như đại gia đình cùng nhau đi ăn, đi chơi công viên, xem phim, ca nhạc…, trong sự vui vầy đông đủ của con cháu sẽ giúp ba mẹ già cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.

    - Thái độ của con cái khi làm việc gì đó cho ba mẹ cũng rất quan trọng. Ông bà ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”. Do vậy, trong cách ứng xử hàng ngày, những người con cần phải đặt vào đó những tình cảm chân thành, sự kính trọng và niềm nở dành cho ba mẹ của mình. Không thể mua quà tặng bố mẹ với thái độ “trả nợ”, hoặc “bố thí”...

    Chăm lo đời sống tinh thần cho ba mẹ không phải là điều quá khó khăn, bởi người già thường sống đơn giản. Cả đời nuôi dạy con cái nên người, hơn ai hết ba mẹ luôn hiểu và yêu thương, hy sinh vì con. Do vậy, chỉ cần con cái biết dành cho họ những sự quan tâm nhỏ, chân thành thì cũng đủ khiến đấng sinh thành vui lòng.

  • #2
    Bây giờ mình cũng sắp già ,cho nên thích coi mục này .

    Ở xứ này khi già mình đâu có khó nhiều như vậy,cuộc sống của mình cũng không cần sự trợ cấp của con cái,mình cũng hiểu cuộc sống ở đây,con cái lớn len nó đâu có ở chung 1 nhà như ở VN,và có thể đi làm xa, nuôi con lo cho nó cũng đủ rồi bây giờ con tụi nó nó lo,hơi đâu mà đòi giử cháu mà buồn.

    Con cái mình nuôi nó lớn ,nhưng cũng không đòi hỏi nó phải trả lại,tôi chỉ mong ,nếu nó là đứa con ngoan,thì nó chăm chỉ lo tương lai nó gia đình nó ,thấy con cái an vui,thì mình cãm thấy hạnh phúc lây ,khỏ lo nữa và nếu ở xa thì nó hai ba ngày hay mỗi ngày kêu điện thọai hỏi thăm mình vài câu cũng được rồi .Còn con cái làm được thêm hơn thì tốt.

    không cần nhiều.

    Comment

    Working...
    X