Tâm của cơn bão Harvey hay Hạ Vi, chữ của ai dùng thật hay, đã đi qua nhưng gió mạnh và những cơn mưa nặng hạt dai dẳng vẫn còn bao phủ khắp nơi như đang muốn nhấn chìm thành phố vào trong biển nước.
Announcement
Collapse
No announcement yet.
Một vài hình ảnh về cơn bão Harvey tại Houston
Collapse
X
-
Tội nghiệp Houston quá, cứ bị lụt hoài. Em nhớ July 2015 em cũng bi kẹt trong cơn lụt, ngồi trong xe Hoàng-Trúc khoảng 3-4 giờ, trong lòng cứ sợ là phải "bỏ xác tại Houston". Các anh chị em SPKT ở Houston có bị ảnh hưởng cơn bão nhiều không? Cầu nguyện cho cơn bão qua mau và mọi người đều được bình yên.
NN
-
Mấy hôm theo anh Cừ vô farm phụ sửa máy cày, máy múc, tối đến xem tivi thấy Houston bão lụt lớn qúa, anh Cừ bảo " em hỏi xem bạn em có ai bị sao không?" D nói: "chắc không sao đâu, vì chưa thấy ai báo gì hết". Nhìn thấy người ta đi tản mấy người già trong giòng nước lụt thương qúa.
Trời đất bây giờ khắc nghiệt qúa, KD không biết làm gì hơn, chỉ biết cầu xin cho mọi người được bình an.
Thân ái
KimDung
Comment
-
Cô Catherine Phạm và con trai Aiden
Ảnh đặc nhiệm Mỹ bế mẹ con gốc Việt thành biểu tượng trong bão Harvey
Ngày hôm qua, hình ảnh một thành viên đội đặc nhiệm Mỹ (SWAT) bế mẹ con người phụ nữ gốc Việt đã xuất hiện trên nhiều trang web và các bản tin thế giới, trở thành biểu tượng về sự đấu tranh của con người với sức phá hoại của bão Harvey, theo AP.
Bé Aiden Phạm, 13 tháng tuổi, được bọc trong một cái chăn và ngủ say trong vòng tay mẹ. Chị Catherine Phạm, 30 tuổi, ôm chặt con trai khi được sĩ quan Daryl Hudeck bế qua vùng nước sâu tới đầu gối ở khu vực Interstate 610, phía tây nam Houston. Hudeck đội một chiếc mũ bóng chày, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, đầu gối quần bị rách.
"Tôi cứ dõi mắt nhìn quanh và chẳng mấy chốc phát hiện một thành viên SWAT đang bế cô ấy và cháu bé. Tôi không thể tin được có một đứa trẻ đang được ủ ấm ở đó và không hề khóc", phóng viên ảnh David Phillip kể lại khoảnh khắc ông nhìn thấy ba người vào chiều 27/8. "Tôi thấy tim mình mềm lại. Cảm giác ấy thật đặc biệt".
Chồng, con và chị Catherine Phạm được giải cứu từ nhà trong khu Meyerland của thành phố, nơi nhiều ngôi nhà nước ngập tới mái. Chị Phạm được đưa tới một điểm nằm cao hơn khu vực bị ngập. Phillip chỉ kịp hỏi tên tuổi của hai mẹ con.
"Nhà bị ngập hoàn toàn, nhưng ít nhất chúng tôi vẫn còn được bên nhau", chị Phạm viết trên Facebook tối hôm qua. "Chúng con biết ơn vì Chúa đã che chở chúng con hôm nay!"
Ngay sau khi gia đình chị Phạm được giải cứu, Phillip lập tức gửi dữ liệu lên mạng. Thật may mắn vì không lâu sau, con thuyền ông đang ngồi đâm vào một vật chìm dưới nước, có thể là một chiếc ôtô. Phillip lộn nhào xuống nước, chân mắc vào động cơ thuyền. Ông được lính cứu hỏa kéo lên nhưng một camera và tất cả ảnh bên trong đều mất khi chìm xuống nước.
Phillip, 51 tuổi, là phóng viên ảnh của AP hơn 20 năm nay. Ông từng đưa tin về nhiều cơn bão như Katrina, Ike và Rita, nhưng vẫn sốc khi Harvey quét qua thành phố quê hương Houston.
"Sau bão Katrina, tôi từng nhìn thấy nhiều điều đáng ngại, như chó ăn xác người và những điều tương tự", ông nói. "Tuy nhiên, khi những điều này xảy đến ngay tại quê mình, cảm giác đó thật đáng sợ. Tôi cứ mong đây là một cơn ác mộng và khi tỉnh lại, ác mộng sẽ qua đi. Nhưng thực tế không phải vậy".
Đối với Phillip, chứng kiến cảnh sát giải cứu những người như Catherine và Aiden Phạm đã nhắc nhở ông về sức chịu đựng của quê nhà.
"Đó là những khoảnh khắc mà ta sẽ mãi ghi nhớ, như khi một cảnh sát trưởng lao ra ngoài giải cứu một người khỏi chiếc xe đang ngập trong nước", ông nói. "Tôi sẽ luôn nhớ nỗi kinh hoàng trên mặt người đàn ông đang được cứu và sự cống hiến của lực lượng thực thi pháp luật đã làm tất cả để cứu người".
Bão Harvey, mạnh cấp 4, bắt đầu đổ bộ bang Texas từ cuối ngày 25/8. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong 12 năm. Bão mang theo mưa lớn và gió mạnh, phá hủy nhiều nhà cửa và gây lụt nghiêm trọng ở Houston, thành phố lớn thứ tư tại Mỹ, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới gần nửa triệu người Mỹ.
Hồng Hạnh
Comment
-
Trong nhóm ái hữu HM những năm qua , chúng ta còn có Duyên Trần ở Florida . Không biết tình hình của bạn ấy như thế nào . Cơn bão Irma dữ dằn quá ! HM2013 ACE có đi thăm mấy vườn cây ăn trái, cầu mong ruộng vườn cây trái của họ gặp nhiều may mắn !
NTT
Comment
-
‘Trời hành cơn lụt mỗi năm’
Việt Nguyên
September 10, 2017
Nhiều nơi tại Houston chìm trong nước sau bão Harvey. (Hình: Getty Images)
“Tháng Tám, tháng nóng nhất trong năm, nóng cả về thời tiết lẫn không khí chính trị…” Viết xong bài gửi đi cho báo Người Việt, bên ngoài trời bắt đầu mưa báo hiệu cơn bão đang đến Corpus Christy. Mười giờ ba mươi đêm, bão đánh vào đất liền. Houston chưa thấy ảnh hưởng bão, chỉ thấy những cơn mưa nặng hột đổ về. Chiều hôm sau, Thứ Bảy 26 Tháng Tám, trời tạnh mưa, nắng ráo, lòng tôi thầm nghĩ có lẽ đài khí tượng lại tiên đoán sai như năm 2005, tiên báo bão Rita đến Houston nhưng bão lại đi về Louisiana. Năm giờ chiều, tôi lái xe xuống Kim Sơn Fountain Lake dự đám cưới người bạn. Chín giờ, nhà hàng bị tắt điện, chở một người bạn đi về nhà vùng Đông Bắc, trời mưa lớn những con đường trong khu nhà người bạn bị ngập nước, phải ngủ qua đêm, sáng lái về nhà đường ngập nước, lại phải đậu trên sân nhà người lạ trong khu xóm gần nhà hơn 2 tiếng, đợi hết cơn mưa tôi mới lái xe quanh co về nhà. Trận lụt lớn nhất trong 500 năm do trận bão Harvey đã đến Houston!
Tôi về Houston đã hơn 34 năm, qua 5 trận bão. Tháng Tám năm 1983, trận bão Alicia thổi đến, mới về Houston một tháng chưa biết Hurricane là gì, chưa biết sợ, tôi lái chiếc xe Van chở hai gia đình tôi và người em trai chạy trên Freeway 290, gió thổi xe lung lay, nhìn về trung tâm thành phố Houston, kính các tòa nhà cao ốc bị gió đánh vỡ bay như bươm bướm. Năm 2001, trận bão Allison thổi đến, đài khí tượng không tiên đoán trước, gây trận lụt vùng Đông Nam Texas và Houston, phòng cấp cứu bệnh viện Spring Branch nơi tôi làm việc phải dọn lên lầu hai trong hai năm. Mười hai năm trước, một con giáp, cũng năm Dậu, trận bão Katrina 2005 tàn phá New Orleans, Houston cũng bị cơn bão rơi. Ba tuần sau, Rita đến, bị chỉ trích vì không sửa soạn cứu trợ cơn bão Katrina Tổng Thống George W. Bush ra lệnh bắt buộc dân vùng Nam Houston di tản gây ra ứ đọng lưu thông trên xa lộ 45 với 113 người chết không liên hệ đến cơn bão. Bão tạt về Louisiana, Houston thiệt hại nhẹ hơn Galveston. Trận bão Ike năm 2008 gây thiệt hại cho vùng Galveston, thuyền bè và xe hơi bị gió và sóng đánh bay lên xa lộ 45 nối liền Houston – Galveston. Trận bão xảy đến trong cùng năm với trận bão thị trường chứng khoán Wall St vì kinh tế suy thoái từ khủng hoảng ngân hàng.
Trận bão Harvey gây thiệt hại trên $180 tỷ thiếu hai trong ba yếu tố của một cơn bão Hurricane “gió và sóng” như Alicia, Allison, Katrina, Rita và Ike đi đến với những ngọn gió đẩy nước và sóng đi về phía trước. Những trận bão như Lafcadio Hearn tả năm 1888. “Gió hú, mảnh vụn nhà cửa bay đầy trời, sóng cao hàng trăm bộ đánh xuống lật đổ cây cối, vịnh thành hồ thẳm, sóng dâng lên…” không thấy trong trận bão Harvey.
Mùa Hè năm 1983, tôi về Houston từ New Orleans, hai thành phố khác nhau một thành phố năng động hơn 2 triệu 500 ngàn dân, một thành phố “lè phè” 450,000 dân, gắn nối nhau qua Vịnh Mexico với những cơn bão. Tháng Tám, 2005, Katrina cơn bão cấp 3 đến New Orleans với tốc độ gió 125 dặm một giờ đẩy nước từ vịnh vào hồ Pontchartrain. Đê vỡ, nước đổ xuống N.O. như đổ vào lòng chảo. Trong một ngày 29 Tháng Tám, 2005, có 650 người chết. Cơn bão gây thiệt hại nhân mạng gần 2000 người. 80% thành phố nằm dưới nước thiệt hại $100 tỷ. Trung tâm tị nạn hỗn loạn, dân N.O. được di tản qua Houston. Dân New Orleans đa số gốc Pháp, Cajun, Haiti và Việt Nam.
Trận đại hồng thủy ngày 25 Tháng Tám với những kỷ lục về nước, gây thiết hại nặng nhưng chỉ có hơn 40 người chết một phần nhờ dân Houston kỷ luật dù dân số đa dạng nói trên 145 ngôn ngữ khác nhau. Dân tị nạn ở trong các trung tâm tị nạn không gây rối loạn như ở Super Dome 12 năm trước.
Houston xấu, Houston trải dài, Houston bằng phẳng như một bánh dẹp (pancake). Houston với hơn 800 dặm đầm lầy (Bayou). Năm 1840 khi Ferdinand Von Roemer, nhà địa chất nổi tiếng người Đức đến Houston nhìn đầm lầy vô tận với những cánh đồng quanh con sông Brazos đã quay mặt lại và tả: “Houston là một hình ảnh buồn thảm.” Houston là một thành phố để ở chứ không phải là thành phố du lịch, không có thắng cảnh mặc dù lúc sau này có nhiều nơi du khách ghé thăm như trung tâm NASA về phía Nam trên đường đi Galveston. Houston thành phố đứng hàng thứ tư trên nước Mỹ, với trung tâm y khoa lớn nhất thế giới, với trường đại học Rice được xem là Harvard của miền Nam, với những hãng lọc dầu, với nền kinh tế phồn thịnh, một nơi lý tưởng để di dân trong đó có cộng đồng Việt đổ về vì nhà cửa và vật giá rẻ. Thành phố với kinh tế năng động đang lên không quyến rũ du khách vào mùa hè với nhiệt độ nóng và ẩm.
Ngày 30 Tháng Tám, nhiều nơi trong thành phố đã chìm xuống mặt nước. Một phần Houston trở thành Venice. Thành phố với đường kính từ Bắc xuống Nam mất hơn 2 tiếng lái xe khi lưu thông bình thường với diện tích nếu kéo dài lên đến Dallas thì như National Geographic dự đoán với một “Siêu thành phố” xây như New York thì Texas có thể chứa 4 tỷ dân thế giới.
Người ở xa do đó không thể hình dung những nơi rất yên bình ở Houston không gió không lụt trong cơn bão Harvey vì Houston quá rộng quá trải dài.
Năm 1900 trận bão cấp 4 với gió 145 dặm một giờ đánh vào thủ phủ Galveston ngày 8 Tháng Chín, vẫn là trận bão gây thiệt hại nặng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với 6,000 đến 12,000 người chết. Sau đó 16 km thành dọc biển (Seawall) được dựng lên để chận sóng bão, thủ phủ dọn về Houston với hải cảng và trường đại học y khoa mới. Từ năm ấy, khí hậu thế giới thay đổi, than khí thải nhiều hơn trước. Nhiệt độ ở Vịnh Mexico càng ngày càng ấm nhiệt độ tăng lên 10 độ C, so với nhiệt độ 100 năm trước. Nước biển bốc hơi cộng thêm băng Bắc Cực tan vì nhiệt độ nóng làm biển dâng cao, sóng cao, bão tố mạnh hơn.
Năm 1990, Wallace Broecker, khoa học gia khí tượng đã ví thời tiết trái đất như “con thú giận dữ” khi chúng ta cầm gậy đập vào nó thi không ai đoán được con thú sẽ phản ứng như thế nào. Con thú này ở Vịnh Mexico và biển Caribbean nhắm vào Texas, Louisiana và bờ biển miền Đông Hoa Kỳ.
Nước biển Vịnh Mexico ấm trên 26.5 độ C như bồn nước ấm giúp duy trì cơn bão. Houston chỉ cao vài thước trên mặt biển. Nước lụt trên đường chảy vào cống, nước cống dẫn vào đầm từ đầm vào biển Galveston rồi vào Vịnh Mexico. Trận bão Harvey mang độ ẩm từ vịnh vào, làm không khí nóng ẩm của Houston càng thêm ẩm. Văn phòng khí tượng quốc gia vẫn còn bị nhức đầu khi cố giải thích hiện tượng Harvey đi tới đi lui, đi quanh đi quẩn không chịu ra lại vịnh. Cơn bão di chuyển như con rùa làm tăng độ ẩm không khí, tăng mực nước biển, tăng nhiệt độ nước biển. Cơn bão trở thành cơn mưa không gió, nước trên trời đổ xuống gây lụt. Houston phẳng như bánh Pancake nên nước thải khó hơn, nước không rút đi dễ. Hai hồ dự trữ Addicts và Bakers ở vùng Tây Houston xây năm 1940 trước thế chiến thứ hai để bảo vệ trung tâm thành phố Houston.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước tràn đầy hai hồ. Nước tương đương với số lượng nước chảy qua thác Niagara trong 10 ngày. Chuyên gia thời tiết của trường Rice Phil Bedient chỉ biết giải thích hiện tượng lụt của trận bão Harvey dựa trên kiến trúc của thành phố Houston: thành phố trải dài, bằng phẳng thiếu ống dẫn nước. Những năm sau này Houston phát triển nhanh với tham vọng trở thành thành phố thứ nhì trên nước Mỹ sau New York, (tham vọng ấy thất bại năm 1993 và 2008 vì thị trường chứng khoán sụp) xây cất đã không theo luật lệ. Dân số đổ về Houston, (trung bình mỗi ngày có 8 người từ California di chuyển về Texas). Thành phố từ đầm lầy, cỏ xanh, đã bị các nhà xây cất đổ xi măng, đổ dầu hắc, lắp lên, thêm vào đất Houston phía dưới là đất sét không thấm nước và hút nước nhanh. Hai hồ nước từ 1940 không được tân trang và phát triển nên hiện giờ quá nhỏ không còn khả năng kiểm soát lụt cho Houston.
Trong vòng 8 năm, từ 2008 đến 2016, dân số Houston tăng nhanh. Các nhà thầu xây cất không theo phân vùng, không theo luật (code). Thanh tra sau khi cao ốc và nhà được xây cũng dễ dàng. Chính quyền tiểu bang thắng, chính quyền Houston và các nhà thầu xây cất thắng. Dân muốn mua nhà rẻ đã phải trả giá khi nhìn Houston thành Venice. Nhiều nhà được xây, thuế thu nhập của chính quyền tăng. Các nhà xây sau này cũng không cần hệ thống tưới nước chữa cháy trong nhà. Houston phát triển giống như Texas trong thời kỳ tiến về miền Tây (The wild wild west). Không luật lệ, không phân vùng, xây cất như thế nào cũng được miễn sao các nhà xây cất kinh doanh có lợi. Từ 2010 có 7,000 tòa nhà cao ốc được xây trong vùng cơ quan liên bang phòng lụt FEMA xem là dễ bị lụt trong 100 năm qua. Mười năm trước, thành phố Houston đã thua kiện khi muốn áp dụng luật xây cất chặt chẽ. Các nhà thầu từ đó theo phương châm “xây nhanh hơn, xây lớn hơn.” Bảy năm trước, Thống Đốc Greg Aggott lúc ấy là bộ trưởng tư pháp tiểu bang Texas đã thắng kiện khi liên bang muốn áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường xanh cho Texas. Thành phố Houston thừa thắng xong lên. Corpus Christi, thành phố bị Harvey đến thăm trước Houston, không bị lụt vì xây cất vẫn theo tiêu chuẩn trên mặt biển.
Trong khi Houston bị lụt vì bão Harvey, Ấn Độ và các nước Nam Á cũng bị nạn đại hồng thủy với hàng chục ngàn người chết. Môi trường xanh và kiến trúc thành phố là vấn đề cần được suy ngẫm. Houston hơi giống Sài Gòn, phát triển nhanh vội vã, không có luật xây cất chặt chẽ, nền đất sét nên hai thành phố dễ bị lụt vào mùa Hè. Từ ba năm qua Houston bị lụt mỗi năm. Năm 2015, ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong 30 Tháng Năm, trung tâm Houston quanh Buffalo Bayou bị lụt. Năm 2016, ngày khai thuế 15 Tháng Bảy, những vùng Tây Bắc quanh phi trường Bush bị lụt nặng. Năm nay là trận lụt trải khắp Houston không đoán được vùng nào nhưng nói chung những vùng bị lụt nặng là những vùng quanh Buffalo Bayou và những vùng ngoại ô quanh Hwy 6. Thiên nhiên năm nay gây thiệt hại không phân biệt giàu nghèo và màu da.
Theo viện Rockefeller, thành phố Singapore là mô hình cho các thành phố đang phát triển. Dân số Singapore tăng gấp đôi từ năm 1980, mưa nhiều nhưng thành phố không bị lụt vì 46% thành phố vẫn xanh.
Nếu hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu không gây ra bão Harvey thì yếu tố này chắc chắn đóng một vai trò khiến bão Harvey nguy hiểm hơn các bão trước. Harvey đi qua phía Tây Vịnh Mexico, mặt biển 7 độ C nóng hơn nhiệt độ trong mấy năm trước. Kevin Trenberth, khoa học gia kỳ cựu của trung tâm nghiên cứu thời tiết quốc gia nói: “Đại Tây Dương là cái mầm chờ đợi những trận bão như Harvey.” Khoa học về khí hậu có chiều chính trị hóa, tranh luận về thay đổi khí hậu trong khi đảng Cộng Hòa đang nắm quyền thì khoa học thua. Đảng Cộng Hòa không tin vào hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu, không phải chỉ lúc này với Tổng Thống Trump cho rằng: “Thay đổi khí hậu toàn cầu chỉ là trò lừa của bọn Trung Quốc.” Để hoàn tất cách mạng xóa bỏ tàn tích Obama như bỏ luật giới hạn thán khí phát ra từ nhà máy lọc dầu và giếng dầu cũ lẫn mới, Tổng Thống Trump bỏ sắc lệnh hành pháp năm 2013, sắc lệnh này bắt các cơ quan liên bang sẵn sàng chuẩn bị đối phó với những thay đổi môi sinh và hồi Tháng Sáu vừa qua ông rút khỏi hiệp định Paris về môi sinh. Mười ngày trước trận bão Harvey, Tổng Thống Trump vừa hủy bỏ sắc lệnh hành pháp quy định tiêu chuẩn các chương trình xây dựng hạ tầng kiến trúc ở các vùng dễ bị lụt ở Texas.
Chống khoa học của đảng Cộng Hòa có từ thời Barry Goldwater, ông chủ trương chiến tranh nguyên tử bất cứ lúc nào. Tổng Thống Trump có lẽ bắt chước Tổng Thống Nixon, 4 năm sau Goldwater, Tổng Thống Nixon xem các khoa học gia là thành phần nguy hiểm chống đảng Cộng Hòa, ông đóng cửa viện khoa học kỹ thuật và đuổi các cố vấn khoa học ra khỏi nội các. Tổng Thống George H. W Bush có thay đổi, ông sẵn sàng ký hiệp định Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu toàn cầu được Thượng Viện chấp thuận. Đến thời Tổng Thống George W. Bush (con) ông do dự trước vấn đề môi sinh, vì là người Texas ông hãnh diện ủng hộ năng lượng dầu hỏa. Sau trận bão Harvey chắc không ai có thể thuyết phục được Tổng ThốngTrump về hiện tượng nóng toàn cầu vì ông nổi tiếng không tin vào khoa học. Thống Đốc Texas Abbott thích cầu nguyện Thượng Đế, ông tin dân Texas đa số là Thiên Chúa Giáo sẽ được Thượng Đế phù hộ để tái thiết. Dân Texas đã trải qua bao nhiêu thiên tai từ 1900, gần đây nhất là sau trận bão Ike năm 2008, Galveston đã phồn thịnh lại nhưng có lẽ đến lúc khoa học và tôn giáo phải hòa đồng, trong tai nạn do trời cũng có bàn tay của con người. Ralph Waldo Emerson, thế kỷ thứ 19 của Hoa Kỳ cũng như Lão Tử của Trung Hoa đã chủ trương “con người phải sống hòa đồng với thiên nhiên.”
Một tuần sau Harvey, ngoài khơi Đại Tây Dương cơn bão Irma đang tiến vào Florida.
(theo NguoiViet-online)
Comment
Comment