Announcement

Collapse
No announcement yet.

Both Sides Now - Hoài Nam

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Both Sides Now - Hoài Nam

    Trong hai năm 1967, 1968 – thời vàng son của rock-and-roll – có hai ca khúc êm dịu, buồn và đẹp, đã trở nên phổ biến và được ưa chuộng còn hơn cả những bản nhạc rock nổi tiếng nhất. Ca khúc thứ nhất là Those Were The Days do Mary Hopkin thu đĩa, được đặt lời Việt với tựa Như lá thu vàng, Tình ca du mục mà chúng tôi đã giới thiệu trong một bài trước đây. Ca khúc thứ hai là Both Sides Now, được nhiều người xưng tụng là đóng góp lớn nhất của một nghệ sĩ gốc Gia-nã-đại vào nền nhạc phổ thông.

    Thực ra, nếu xét về mức độ phổ biến quốc tế, Both Sides Now không bằng Those Were The Days, nhưng xét về giá trị nghệ thuật và tư tưởng, Both Sides Now hơn hẳn Those Were The Days. Bởi vì trong khi Those Were The Days nguyên là một ca khúc dân gian Nga được đặt lời Anh, thì Both Sides Now là một sáng tác hiện đại, với nội dung là triết lý sống trước thắng bại, được mất trong đời thường. Hiện nay, Both Sides Now đang đứng hạng 171 trong danh sách “500 ca khúc hay nhất của mọi thời đại” do tạp chí ca nhạc Rolling Stone thiết lập.

    Tác giả bản Both Sides Now là nữ ca nhạc sĩ gốc Gia-nã-đại Joni Mitchell.

    Từ giữa thế kỷ thứ 20 tới nay, đất nước Gia-nã-đại đã sản sinh nhiều ca nhạc sĩ nổi tiếng quốc tế, như Paul Anka, Céline Dion, Alanis Morissette, Diana Krall …, và hiện nay là “cậu bé” Justin Bieber đang làm mưa làm gió, nhưng nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật chứ không kể tới thành công thương mại, tên tuổi của Joni Mitchell (sinh năm 1943) phải được đứng đầu. Bởi Joni Mitchell không chỉ là một nhạc sĩ tây ban cầm và dương cầm, một nhà sáng tác ca khúc, mà còn là một họa sĩ có biệt tài, và qua lời hát trong các khúc của mình, cô đã được nhiều người xưng tụng là một thi sĩ.

    Joni Mitchell tên thật là Roberta Joan Anderson, ra chào đời tại tỉnh Saskatchewan – một vùng thảo nguyên bát ngát ở miền Nam Gia-nã-đại. Cô bắt đầu đàn hát trong các hộp đêm nhỏ ở địa phương, và sau đó tới Toronto hát dạo trên hè phố và trong các quán rượu tồi tàn. Năm 1965, Joni Mitchell khăn gói sang Hoa Kỳ, tới sống ở khu nghệ sĩ Greenwich Village, New York City, cái nôi của hippie và phong trào phản chiến ở miền Đông Hoa Kỳ.

    Tại đây, vừa sáng tác vừa đàn hát, Joni Mitchell mau chóng tạo được tên tuổi với các sáng tác thuộc cả ba thể loại dân ca, du ca, và jazz, với lời hát đầy rung cảm, trữ tình, và phần hòa âm độc đáo soạn cho tây ban cầm và dương cầm. Các sáng tác của Joni Mitchell rất được các ca sĩ hát dân ca của Mỹ ưa chộng, trong đó có bản Both Sides Now, viết năm 1967.

    Ít lâu sau, Joni Mitchell sang Nam California sinh sống; hai ca khúc nổi tiếng sáng tác trong thời gian này là Big Yellow Taxi và Woodstock đã được các nhạc sử gia xưng tụng là những sáng tác điển hình của một thời đại, một thế hệ. Joni Mitchell cũng là một trong những tên tuổi nổi bật tại đại nhạc hội ngoài trời ở Woodstock năm 1969.

    Năm 1971, Joni Mitchell thu album “Blue”, về sau được tạp chí ca nhạc Rolling Stone xếp hạng 30 trong danh sách “500 album của mọi thời đại”.

    Nhiều người đã so sánh Joni Mitchell với Carole King của Mỹ. Chỉ có điều đáng tiếc là càng ngày Joni Mitchell càng lún sâu vào phong trào phản chiến cũng như các hoạt động chống chính phủ, cho nên các sáng tác của cô sau này thường chỉ phổ biến trong một số đối tượng hạn chế.

    Bên cạnh đó, việc Joni Mitchell – người thường gọi các hãng đĩa lớn là “con buôn” – sau khi nổi tiếng, đã tự đứng ra sản xuất các đĩa nhạc của mình, theo ý mình, cũng đã ảnh hưởng không ít tới mức độ phổ biến những sáng tác của cô. Tuy nhiên, ít ra cũng có một điểm lợi, và độc đáo, là nhờ vậy Joni Mitchell có quyền tự trình bày vỏ đựng đĩa hát bằng những bức tranh, những chân dung tự họa của cô. Bởi vì bên trên tất cả, Joni Mitchell luôn tự nhận mình là người của hội họa.

    Năm 2007, sau khi thu album thứ 17, cũng là album cuối cùng, Joni Mitchell giải nghệ trình diễn vào tuổi 64, và tuyên bố: “Tôi là một họa sĩ mà vì hoàn cảnh đã đi trật đường rầy”.

    Thế nhưng, dù Joni Mitchell tự nhận mình là người của hội họa, trang mạng âm nhạc uy tín Allmusic cũng đã viết một cách trân trọng:

    “Sau khi những đám bụi đã lắng xuống, hiện rõ một Joni Mitchell – nữ ca nhạc sĩ tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong những năm cuối thế kỷ thứ 20.”

    Về phần tạp chí ca nhạc Rolling Stone thì xưng tụng Joni Mitchell là “một trong những nhà viết ca khúc lớn nhất xưa nay”.

    Trở lại với Both Sides Now, đây là một ca khúc có lời hát thật đẹp, thật buồn, chất chứa những tư tưởng bi quan yếm thế; mở đầu với đám mây trắng như tóc thiên thần, xây lâu đài và tạo ra bao cảnh đẹp trên khung trời xanh …, nhưng rồi mây che khuất mặt trời, mây biến thành mưa, mây đổ tuyết buốt giá xuống khắp miền.

    Các phiên khúc kế tiếp viết về tình yêu, tình đời, tất cả cũng đều có hai mặt cho nên, như điệp khúc đã lập đi lập lại, việc gì, điều gì, chúng ta cũng cần nhìn từ hai khía cạnh …

    Joni Mitchell viết ca khúc này vào tháng 3-1967 nhân đọc cuốn “Henderson the Rain King” của Saul Bellow.

    [Saul Bellow (1915-2005) là một văn sĩ Mỹ gốc Gia-nã-đại nổi tiếng bậc nhất của hậu bán thế kỷ thứ 20, và có lẽ cũng là người đoạt nhiều giải thưởng và vinh dự cao quý nhất, trong đó có giải Pulitzer Prize, giải Nobel Văn chương, National Medal of Arts của Quốc hội Hoa Kỳ. Ông cũng là nhà văn duy nhất, tính cho tới nay, đoạt giải National Book Award for Fiction tới 3 lần. Năm 1990, ông được Hiệp hội các nhà bán sách ở Hoa Kỳ trao tặng Medal for Distinguished Contribution to American Letters]

    Sau này, Joni Mitchell hồi tưởng:

    … Lúc ấy tôi đang ngồi trên máy bay và đọc cuốn “Henderson the Rain King” của Saul Bellow. Trong một đoạn tôi đã đọc, cũng có cảnh “Henderson the Rain King” ngồi trên máy bay trên đường đi Phi châu và nhìn xuống những đám mây. Tôi bỏ cuốn sách xuống, nhìn qua cửa sổ và cũng thấy những đám mây, cảm hứng chợt đến, lập tức tôi đặt bút viết ca khúc này. Tôi không hề nghĩ có ngày nó sẽ phổ biến đến như thế.”

    Viết Both Sides Now vào tháng 3-1967, nhưng mãi tới năm 1969, Joni Mitchell mới thu đĩa để đưa vào album “Clouds” của cô, do chính cô tự đệm tây ban cầm.

    Phải đợi hơn 30 năm sau, Joni Mitchell mới chịu thu đĩa Both Sides Now với một dàn nhạc trong album mang cùng tựa; kết quả, trong giải âm nhạc Grammy năm 2001, album này đã đoạt Grammy cho album nhạc pop truyền thống hay nhất, và bản Both Sides Now đoạt Grammy phối khí cho ca khúc.



    Rows and flows of angel hair

    And ice cream castles in the air

    And feather canyons everywhere

    I’ve looked at clouds that way

    But now they only block the sun

    They rain and snow on everyone

    So many things I would have done

    But clouds got in my way

    I’ve looked at clouds from both sides now

    From up and down, and still somehow

    It’s cloud illusions I recall

    I really don’t know clouds at all

    Moons and Junes and Ferris wheels

    The dizzy dancing way you feel

    As every fairy tale comes real

    I’ve looked at love that way

    But now it’s just another show

    You leave ’em laughing when you go

    And if you care, don’t let them know

    Don’t give yourself away

    I’ve looked at love from both sides now

    From give and take, and still somehow

    It’s love’s illusions I recall

    I really don’t know love at all

    Tears and fears and feeling proud

    To say “I love you” right out loud

    Dreams and schemes and circus crowds

    I’ve looked at life that way

    But now old friends are acting strange

    They shake their heads, they say I’ve changed

    Well something’s lost, but something’s gained

    In living every day

    I’ve looked at life from both sides now

    From win and lose and still somehow

    It’s life’s illusions I recall

    I really don’t know life at all

    I’ve looked at life from both sides now

    From up and down, and still somehow

    It’s life’s illusions I recall

    I really don’t know life at all
Working...
X