Announcement

Collapse
No announcement yet.

TẾT XA ...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • TẾT XA ...

    TẾT XA ...



    [justify]Tết là ngày lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để mọi người đều hớn hở và đặt tất cả những niềm hy vọng và ước mơ của mình vào tương lai. Những ước mơ và hy vọng ấy có thể rất khiêm nhường như trả bớt nợ nần, kiếm đủ ăn cho gia đình, thế nhưng cũng có những ước mơ to lớn hơn như xây thêm một ngôi biệt thự, sắm một chiếc xe hơi mới, hoặc hùn hạp đầu tư trong những dự án kinh doanh quan trọng. Dù là những người phải chật vật vì sinh kế hay là các "đại gia" thì Tết luôn là một dịp để tất cả cùng quên đi năm cũ và gác lại những gì sau lưng mình để mà gửi đến nhau những lời chúc lành tốt đẹp nhất cho năm mới.

    Mỗi dân tộc, dù lớn hay nhỏ, đều có những phong tục tập quán khác nhau. Trong đó, Tết, tức là năm mới tùy theo lịch của mỗi dân tộc, có thể nói là lễ quan trọng nhất của bất cứ dân tộc nào. Đối với người Việt Nam nói chung, Tết cổ truyền, tức năm mới theo lịch âm, được xem là quan trọng nhất.

    Tết ở Việt Nam được cung đón theo các hình thức lễ nghi rất đa dạng tùy theo phong tục địa phương và sức ảnh hưởng của tôn giáo. Với người Việt có niềm tin Phật giáo và đa thần nói chung và người Phật tử nói riêng, hình thức đón Tết của họ thường phản ảnh nét văn hóa cả dân gian và Phật giáo.

    [/justify]

    Thành phố Toronto, Canada mỗi khi Tết Việt đến ...

    Không khí Tết biểu hiện càng lúc càng rõ khi thời gian năm cũ ngắn dần và các phong tục trước Tết được thực hiện. Trước hết là phong tục “chạp mả”. Phong tục này thường được thực hiện trong tháng Chạp và một số ít sau Tết. Thông qua phong tục “chạp mả”, con cháu được giáo dục, nhắc nhở về mồ mả ông bà tổ tiên, hay nói cách khác là giáo dục về nguồn cội của mình. Không khí Tết biểu hiện rõ ràng hơn là từ ngày 23 tháng Chạp, khi phong tục “đưa tiễn ông Táo, hay cúng “ông Táo” được thực hiện. Một số nơi còn giữ phong tục dựng “cây nêu” với niềm tin rằng việc làm này sẽ trừ quỷ dữ và điềm xấu trong khi ông Táo đi vắng và xa hơn là để giữ nét văn hóa. Từ thời điểm này, mọi hoạt động mua sắm, tiệc tất niên, chuẩn bị Tết…trở nên nhộn nhịp và làm cho mọi người bắt đầu sống trong không khí Tết.

    Thế nhưng theo truyền thống thì Tết cũng là dịp để tưởng nhớ đến những người đã khuất, ngoài ông bà hay cha mẹ mình ra thì cũng còn rất nhiều những người khác nữa. Đó là những người dù không thuộc gia đình mình, không cùng chính kiến hay lý tưởng với mình nhưng cùng mang một dòng máu và nguồn gốc tổ tiên với mình. Vì thế thiết nghĩ trong những ngày xuân chúng ta cũng nên mở rộng lòng mình để tưởng nhớ đến tất cả những người đã khuất, nhất là những người kém may mắn hơn mình đã phải nằm xuống trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động, phi lý và điên rồ, mang lại không biết bao nhiêu đau thương.

    Những người đã vĩnh viễn ra đi bao giờ cũng yên lặng, không còn ồn ào, náo động, với đầy rẫy những hy vọng và ước mơ của những kẻ đang còn ngụp lặn trên cõi đời này như chúng ta hôm nay nữa. Nếu muốn thấu hiểu và chia sẻ cái yên lặng ấy với họ thì chúng ta cũng phải nhận ra cái yên lặng trong lòng mình, và đồng thời cũng phải cảm nhận được nó trong bối cảnh chung quanh. Thật vậy, giữa cảnh nhộn nhịp và ồn ào của ngày Tết thì cái yên lặng ấy quả rất khó phát hiện, vì thế chúng ta cũng nên nén lòng mình lắng xuống để có thể trực diện với nó. Sự yên lặng ấy rất kín đáo, nó len vào giữa những tiếng cười và tiếng khóc, nó nấp phía sau bạc tiền và sợ hãi.


    Bên tách trà đầu xuân, những mong một vài vần thơ góp nhặt dưới đây đã được viết từ lâu có thể sẽ gợi lên một chút yên ắng và bâng khuâng nào đó trong lòng chúng ta. Thế nhưng biết đâu những vần thơ ấy cũng có thể khiến cho tách trà bớt thơm và đĩa mứt bớt ngọt hơn trong những ngày Tết, thì cũng xin người đọc niệm tình thứ lỗi mà hãy cùng hân hoan chào đón một năm mới tràn đầy hy vọng.

    Đối với những người đi làm xa quê hương, “về quê ăn Tết” là một cuộc hành hương về cội nguồn với nhiều tâm trạng vui buồn khác nhau. Những chuyến xe hay phương tiện vận chuyển dịp cận Tết luôn đông đảo, thậm chí quá tải chiều về làm cho hành khách về quê nhiều khi gặp khó khăn và không thoải mái. Tuy nhiên, với tâm lý được đoàn tụ gia đình sau một năm vất vả, nhiều người vẫn cố gắng vượt qua “ám ảnh” để thỏa mãn tâm nguyện của mình.

    Quê hương chắc ai cũng biết

    Ấy là nơi da diết yêu thương

    Dù có đi khắp bốn phương

    Nhớ mãi ngày Tết vấn vương quê nhà

    Quê nhà ở tận trời xa

    Mọi người chuẩn bị, cả nhà đón xuân

    Đầu tiên là tiễn táo quân

    Rồi là mua sắm áo quần vui chơi

    Mọi người chẳng chút thảnh thơi

    Dọn dẹp nhà cửa, chào mời xuân qua

    Xuân về xanh thắm lòng ta

    Một mâm ngũ quả như quà mùa xuân

    Chợ Tết tấp nập muôn phần

    Dòng người đông đúc, vang ngân mời chào

    Ngày Tết tràn ngập mai đào

    Bánh kẹo đầy chợ, lúc nào vui hơn

    Tâm trạng háo hức, bồn chồn

    Người ở Âu, Mỹ nhưng hồn ở quê

    Không khí ngày Tết tràn về

    Con về ăn Tết, thăm quê mẹ mừng ....

    Mẹ giờ đang nấu bánh chưng

    Màu xanh của bánh như mừng tuổi con

    Dưa hành, muối kiệu rất ngon

    Bánh mứt đầy sẵn, chờ con trở về …


    Tết xa xưa, cái “xưa” của thế hệ tôi chỉ là những năm trước 70 của thế kỷ trước, ấy thế mà với những người trẻ bây giờ nó đã… xưa lắm rồi. Những cái Tết xưa đơn giản nhưng ấm cúng và được mong đợi từ cả tháng trước đó. Tết xưa mới đúng nghĩa là… chơi Tết, chỉ 3 ngày Tết thôi nhưng luôn là những kỷ niệm thật khó phai với bất cứ tuổi thơ nào.

    Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có gia đình và có một quê hương để mà thương mà nhớ. Nơi ấy là nơi ta cất tiếng khóc chào đời với biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ và chất chứa bao những buồn vui cho đến lúc trưởng thành.

    Hai tiếng quê hương luôn là nỗi ám ảnh của chúng ta khi đi xa với hình ảnh cha mẹ già tựa cửa ngóng trông, cùng bạn bè thuở hàn vi chia sẻ những ngọt bùi.

    Nhưng vì một lý do nào đó mà ta phải dứt áo ra đi đến một bến bờ xa lạ nơi đất khách quê người. Đó là miền đất hứa hay là một điều gì đó mà ta theo đuổi, để rồi ta phải gắn bó suốt cả cuộc đời mình với công việc nơi xứ người.

    Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ gỡ xuống cũng là lúc lòng ta chạnh buồn nghĩ tới quê hương, nghĩ đến cái tết nơi quê nhà với bao những kỷ niệm vẹn nguyên thấm thía nghĩa tình.


    Những Vần Thơ Xuân Nơi Ðất Khách

    Cuối năm, mang chồng sách cũ ra đọc, tìm những vần thơ xuân hợp ý thì thấy hầu hết các nhà thơ cũng có những nỗi khắc khoải trong những buổi xuân về.

    Nơi tôi tạm dung là xứ tuyết, thường thì tuyết đổ vào dịp Tết âm lịch. Thi sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng tạm dung ở vùng này nên tâm sự của nữ sĩ trong ngày Tết thật là chí lý:

    Tết này mưa tuyết trắng vai

    Vùng Hoa Thịnh Ðốn đông dài giá bang

    Bàn chân nhiệt đới lạnh căm

    Rời xa đất mẹ bao năm chưa về

    (Tết Này, Nguyễn Thị Ngọc Dung-Ðiểm Trang Làm Dáng Cuộc Ðời, 30)


    Cứ mỗi lần xuân đến là nỗi sầu vong quốc càng nặng trĩu trên đôi vai người xa xứ, là lúc lòng thi nhân càng thấy tủi hổ, xót xa. Thi sĩ Minh Viên ở miền Viễn Tây, xứ sương mù gió lộng Cựu Kim Sơn, nên nỗi sầu vong quốc của ông càng trĩu nặng hơn khi đón Tết tha hương:

    Xuân lại về đây, Xuân xứ lạ

    Khối sầu vong quốc trĩu vai thêm.

    .........................................

    Mười năm đất khách mười năm tủi

    Xuân đến buồn thêm phận cỏ hèn.

    (Xuân Tha Hương, Minh Viên-Vết Thương Sài Gòn, 52)


    Ai ai cũng vậy, mỗi lần xuân đến trong hoàn cảnh tha hương là nhớ mẹ nhớ cha một cách ray rức, bâng khuâng:

    Mười mấy xuân rồi xa cách mẹ

    Nhớ thương trĩu nặng những vần thơ

    Mùa đông rét mướt hồn con trẻ

    Thôi hết rồi hoa bướm mộng mơ!

    ..........................................

    Con vẫn âm thầm thương nhớ mẹ

    Hồn thơ không sợi nắng thêu hoa

    Hồn thơ đã ngập tràn băng tuyết

    Và mắt-mùa-đông lắm gió mưa!

    Thiếu mẹ đời con như lá úa

    Xuân về con ngỡ xuân chưa sang

    Xuân về, xuân của riêng thiên hạ

    Con mất xuân rồi, đâu biết xuân!

    (Thư Xuân gửi Mẹ, Minh Viên-Ðêm Việt Nam, 136 & 138)

    Nhà thơ trẻ Trần Phùng Linh Duyên cũng có cùng tâm sự như thế:

    Con thương

    Bố Mẹ đã già

    Ðón Xuân

    hiu hắt

    cho qua mấy ngày

    Ở đây

    con chẳng vui say

    Quê người

    con đón

    Xuân này ly hương

    (Lại nhớ mùa Xuân, Trần Phùng Linh Duyên-Ly Hương, 38 & 39)


    Nỗi nhớ thương Mẹ hiền của nhà thơ Trần Trung Ðạo lại càng lớn hơn, vì ông cho rằng cứ một năm xa cách mẹ hiền là dài bằng hai năm!

    Năm mới đến con cũng già thêm tuổi

    Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai

    Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ

    Tuổi xứ người quần quật với tương lai.

    (Mỗi Mùa Xuân Thêm Một Lần Dối Mẹ, Trần Trung Ðạo-Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, 43)


    Nhà thơ nữ Ngô Minh Hằng cũng nhớ thương Mẹ đến não lòng:

    Ở đây Mẹ ạ, ba ngày Tết

    Thổn thức lòng con nỗi nhớ thương.

    (Thơ Xuân Gửi Mẹ, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 44)


    Thi nhân ở Gia Nã Ðại cũng có tâm sự ngổn ngang khi mùa xuân tới. Nhà thơ Luân Hoán lần đầu tiên đón Tết ở Montréal cũng phải bật than:

    mùa xuân ơi mùa xuân

    trời xanh mây trắng lắm

    lòng ta nào dửng dung

    cớ sao buồn ghê lắm

    (Mùa xuân Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 41)


    Rồi nhà thơ lắc đầu ngao ngán:

    xuân đâu còn của đất trời

    xuân chừ của lũ hết thời ngâm nga

    (Mùng một Tết ở Montréal, Luân Hoán-Ngơ Ngác Cõi Người, 83)


    Nhà thơ Nguyễn Văn Quảng Ngãi đã ở đây được vài năm, cũng đã đón Tết bao lần, thế mà mỗi lần xuân đến là mỗi lần ông lại than trách thân phận bơ vơ:

    Bơ vơ quá giữa quê người

    Ðón Xuân lặng ngắm đầy trời tuyết bay

    Mà này sao rượu chẳng cay?

    Niềm thương, nỗi nhớ viết hoài chưa xong

    (Lại xuân, Nguyễn Văn Quảng Ngãi-Hoen Màu Thời Gian, 41)



    Tại sao xuân đến mà lòng thi nhân không vui? Vì đây là xuân đất khách, không phải xuân của quê nhà! Mẹ hiền đang ở tại quê nhà thì làm sao thi nhân vui cho được?

    Vẫn đếm xuân về trên đất khách

    Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi

    Ðèn ai thắp sáng bên kia phố

    Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười.


    Vì vậy, thi nhân đâu có vui gì mà uống rượu mừng xuân! Nếu có uống chăng là uống những nỗi ngậm ngùi:

    Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống

    Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.

    (Xuân đất khách, Trần Trung Ðạo-Thao Thức, 29 & 30)

    Vâng, quả đúng như vậy! Uống rượu thì chỉ có say, chứ cơn sầu thì không làm sao vơi được! Thi sĩ Hà Huyền Chi đã từng trải nỗi sầu xa xứ khi đón xuân về trên xứ người:

    Ðón xuân trên đất nước người

    Cạn bao nhiêu rượu không vơi cơn sầu

    (Xuân Trên Xứ Người, Hà Huyền Chi-Tên Nô Lệ Mới, 58)

    Càng xa xứ nhiều năm, lòng thi nhân càng khắc khoải, trái tim càng chai đá thêm:

    Ðã tám mùa xuân nơi xứ lạ

    Tám mùa khắc khoải, tám mùa đau

    Trái tim Từ Thức trơ như đá

    Lạc dấu quê hương, lạc dấu nhau.

    (Qua những ngày câm những tháng đen, Hà Huyền Chi-Cõi Buồn Trên Ta, 56)


    Mùa xuân của ta ở đây là mùa tuyết đổ của Bắc Mỹ. Bởi thế cho nên, năm nào thi nhân cũng cảm thấy mùa xuân hiu quạnh ở xứ người:

    Xứ người tuyết đổ mịt mùng

    Ðón xuân hiu quạnh nát lòng hoài hương.

    (Xuân Hiu Quạnh, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 202)


    Ngày mùng Một Tết lỡ chạm mặt đồng hương, miệng thì chúc nhau năm mới dòn tan, nhưng trong lòng thì ngậm ngùi không sao tả xiết!

    Ta chào nhau năm mới

    Lời chúc trượt trên môi

    Bắt tay cười hễ hả

    Quay lưng dấu ngậm ngùi.

    (Xuân Lữ Thứ, Hà Huyền Chi-Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, 203)


    Cụ Bà Nữ sĩ Kim Y đã đến Mỹ trước chúng ta, thế mà cứ mỗi độ xuân về là lòng Cụ Bà bồi hồi nhớ quê hương:

    Năm năm mỗi độ xuân về,

    Nước non nhắc nhở niềm quê bồi hồi!

    (Xuân nhớ, Kim Y-Tiếng Quyên, 4)


    Vì thế cho nên Cụ Bà nhường vui Xuân đón Tết cho thiên hạ:

    Vui xuân đón tết nhường thiên hạ,

    Riêng khách lưu vong vạn cổ sầu!

    (Xuân Cảm, Kim Y-Tiếng Quyên, 35)


    Thi sĩ Hà Bỉnh Trung nhìn mùa xuân qua ba màu xanh, đỏ, trắng. Màu trắng là màu của tuyết. Có năm tuyết trắng lê thê ở vùng Hoa Thịnh Ðốn, thi sĩ than thở:

    Xuân xanh, xuân đỏ, rồi xuân trắng

    Ta biết tìm đâu bóng dáng quê?

    Ta biết tìm đâu thêm chút nắng

    Khi trời đang lạnh, tuyết lê thê?

    (Xuân Cũng Ðổi Màu, Hà Bỉnh Trung-Dấu Chân Viễn Khách, 39)



    Tết Sài gòn năm xưa 1969

    Tâm trạng của các thi nhân trong dịp xuân về cũng đều giống nhau: ngậm ngùi, nghẹn ngào, buồn bã, đắng cay... Nhà thơ Vũ Hối càng chất ngất đỉnh sầu khi đón Tết:

    Ðâu còn đón Tết, mai vàng

    Ngậm ngùi nuốt lệ, trái ngang nghẹn ngào...

    (Chất ngất đỉnh sầu, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 17)


    Tuyết trắng trong ngày Tết càng làm tăng nỗi sầu chất ngất trong hồn thi sĩ:

    Tha hương tết lắm ngậm ngùi...

    Thương quê, thương bạn, đâu nguôi lòng này

    Ngồi đây đếm vạn đắng cay,

    Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi,

    Giăng giăng lệ trắng khắp trời,

    Lạc loài đất khách, chao ôi! là buồn...

    (Nét thảo đầu xuân, Vũ Hối-Chiêm Bao Trở Giấc, 25)


    Nhà thơ nữ Thuý Trúc ở miền cực Nam Florida có nắng ấm chan hòa trong dịp Tết nên chưa có nỗi sầu chất ngất như nhà thơ Vũ Hối; tuy nhiên, bà cũng man mác buồn và không buồn may áo mới để đón Tết:

    Không pháo ngày mồng một

    Chẳng giao thừa ba mươi

    Tết buồn chưa may áo

    Chậu sành chờ mai tươi.

    (Xuân cảm, Thuý Trúc-Thơ Thuý Trúc, 93)


    Trong số các nhà thơ lưu vong, đặc biệt nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh có nỗi buồn khác lạ hơn người: nỗi sầu man mác lê thê nhưng thiếu hẳn chất men cay:

    Ðêm ba mươi tết sầu chắn lối

    Tìm thử quê nhà lửa biếc soi.

    (Bài thơ cuối năm, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 18)



    Nói cười trâng tráo kiếp hề

    Có ta trong chuỗi lê thê xứ người.

    (Một ngày ở Los, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 63)




    Mỗi ngày xa quê hương là mỗi một cơn mê trùng trùng điệp điệp:

    Tha hương chắc có ngày về

    Ba năm tiếp những cơn mê trùng trùng.

    (Mượn tôi chút nhớ, Nguyễn Mạnh Trinh-Thơ Nguyễn Mạnh Trinh, 99)


    Gửi quà Tết tặng thân nhân ở quê nhà là chuyện thường tình, nhưng nhà thơ Ngô Minh Hằng lại còn cẩn thận dặn dò thêm bà chị:

    Tặng chị Xuân này một chéo khan

    Chị lau mắt lệ giữ ngày xanh

    Lau dòng máu đỏ từ tim vỡ

    Tẩm liệm đi bao nỗi nhọc nhằn!

    (Quà Xuân Và Niềm Hy Vọng, Ngô Minh Hằng-Tiếng Lòng, 24)



    Quả thật kiếp người tị nạn như kiếp con chim lạc đàn, ngơ ngác:

    Quê người, nhìn mai nở

    Lòng ta thấy sầu mang

    Hăm mốt năm ngơ ngác

    Kiếp con chim lạc đàn!

    (Mùa Xuân Bất Diệt, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 87)


    Ai cũng thấy quê người là đẹp, nhưng cái đẹp đó là cái đẹp nhất thời. Chỉ có quê hương của mình mới là nơi đẹp nhất, vì nó chất chứa bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của tuổi ấu thơ, của thời mới lớn:

    Xuân người dẫu có bao nhiêu đẹp

    Vẫn chẳng bằng Xuân của xứ ta!

    (Quà Xuân Cho Mẹ, Ngô Minh Hằng-Gọi Ðàn, 94)


    Thi sĩ Tô Giang là người ra hải ngoại chậm nhất sau nhiều năm ở trong lao tù .... Trước khi ra đi, ông đã tự dặn lòng mình:

    Dù cuộc sống đang quá nhiều thiếu thốn

    Thiếu cơm ăn áo mặc rách tinh thần

    Xin cứ giữ tình yêu cho yên ổn

    Là trong ta vẫn còn có mùa xuân.

    (Xuân hồi, Tô Giang-Mầm Xanh Trong Ðá, 86)


    Cái mối sầu chung của thi nhân khi phải lìa quê mẹ thật chẳng bao giờ nguôi ngoai được. Tâm sự của nhà thơ Mạc Phương Ðình cũng là tâm sự của nhiều thi nhân:

    Long đong từ buổi lìa quê mẹ

    Ôm mối sầu chung mãi chẳng nguôi.

    .......................................

    Chẳng đợi mà sao xuân vẫn đến

    Buồn trông cánh nhạn cuối chân trời.

    (Xuân tha hương, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 30)


    Xuân viễn xứ là xuân của nỗi ngậm ngùi thì làm sao vui cho được? Cho nên nhà thơ đã phải cất tiếng than:

    Lại một mùa xuân của đất troi

    Ðau lòng ai đó chốn xa xôi

    Ngàn hoa không nở, lòng cô quạnh

    Xuân chỉ mang thêm những ngậm ngùi...

    (Xuân viễn xứ, Mạc Phương Ðình-Lời Ru Của Mẹ, 41)


    Nhà thơ Trần Hoài Thư ở New Jersey, nơi đó cũng là xứ tuyết. Mùa đông lạnh cắt da, đang ở không độ F, thế mà ông nổi hứng xách xe qua New York City chơi, nơi có China Town, để uống cà phê một mình. Cà phê nóng và thơm nồng đâu không thấy mà chỉ thấy nỗi buồn đặc quánh ở đáy cốc:

    Tôi qua Nữu Ước trời không độ

    Khuấy cốc cà phê đặc nỗi buồn.

    (Vào Giêng, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 98)


    Nỗi buồn cuối năm ở Bắc Mỹ là nỗi buồn da diết, càng nhớ càng thương quê nhà, nhất là nơi đó có người tình của thuở nào, có bông cải vàng nở rộ:

    Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch

    Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em

    Nhà em bên ấy dòng sông nhỏ

    Bông cải mùa xuân vàng rộ sân.

    (Cuối năm bên dòng Hudson, Trần Hoài Thư-Thơ Trần Hoài Thư, 118)


    Các thi nhân lưu vong nơi hải ngoại, hầu hết đều có thân nhân bên cạnh, thế mà còn có nỗi buồn thê thiết đến như thế, thì huống chi những người cô đơn một mình nơi xứ lạ quê người, nỗi buồn ắt phải tăng gấp vạn lần hơn! Người viết cũng là một nạn nhân trong số những người cô đơn ấy nên biết rất rõ tâm trạng của họ lúc bấy giờ. Mỗi khi Tết đến, tuyết trắng ngập đường, bước chân ra đường là không thấy phố không thấy nhà, mà chỉ thấy tuyết rơi trắng xóa ngập lối đi! Còn nỗi buồn nào hơn? Còn bút mực nào tả xiết? Tôi phải làm gì đây cho khuây nỗi nhớ? Thôi chỉ còn cách ra đường vọc tuyết cho khuây khỏa nỗi sầu! Rồi lấy bút mực ra hí hoáy tâm sự với nàng cho vơi nỗi nhớ thương đã dâng lên tới tận cổ. Tác giả đã làm bài thơ sau đây trong mùa tuyết trắng đầu tiên ở Bắc Mỹ:

    Em có bao giờ thấy tuyết rơi?

    Dịu dàng, ẻo lả giữa từng trời,

    Phất phơ sắc trắng trong hơi lạnh,

    Buông thả thân ngà xuống khắp nơi.

    Em có bao giờ thấy tuyết chưa?

    Tim anh lạnh giá đến bao giờ?!

    Ðốt than chẳng ấm lòng anh được,

    Mặc áo len dầy cũng hóa thưa!

    Em ước một lần thấy tuyết rơi,

    Một lời ao ước rất xa xôi.

    Anh đâu hy vọng mà mơ mộng,

    Ðội tuyết đi trong nỗi ngậm ngùi.

    .......................................

    Nhặt tuyết nặn hình tưởng nhớ em

    Làm sao mái tóc được nhung êm!

    Máu không tô đậm môi son thắm!

    Tay ngọc đâu còn! Ôi những đêm...!

    (Em Có Bao Giờ Thấy Tuyết Rơi?, Vĩnh Liêm-Tị Nạn Trường Ca I, 17)



    Biết rằng ngày xuân mà nhắc tới những chuyện buồn là không thích hợp, nhưng biết làm sao hơn vì các nhà thơ lưu vong đều có những nỗi buồn như thế! Ðây còn là một đề tài dành cho những nhà phê bình văn học nghiên cứu sau này. Bài viết này chỉ có tính cách gợi ý, không đi vào chi tiết, và nhằm mục đích chia xẻ tâm sự não nùng với các thi nhân. Hy vọng không làm nản lòng bạn đọc.

    oOo

    Tôi chợt nhận ra một điều, Tết xưa hay Tết nay, có thay đổi ra sao chăng nữa nhưng giá trị về gia đình, tình yêu thương và sự gắn kết sẽ luôn đọng lại trong trái tim mỗi người…

    Cái quãng đời thơ ấu đầy những ngọt ngào mang hương tết cổ xưa của tôi đi đâu mất rồi...


    Tết đến rồi Tết lại đi ... Xin được kết thúc bài này với câu thơ đầy triết lý của thi sĩ Tô Giang là người ra hải ngoại chậm nhất sau nhiều năm ở trong lao tù .... Bài thơ như là một hành trang cuộc sống được ông viết lên trước khi xa quê hương muôn nẻo.

    Dù cuộc sống đang quá nhiều thiếu thốn

    Thiếu cơm ăn áo mặc rách tinh thần

    Xin cứ giữ tình yêu cho yên ổn

    Là trong ta vẫn còn có mùa xuân.



    Ngày mùng 2 tháng Giêng 2018

    Một ngày mùa Đông Bắc Mỹ ...

    Toronto, Canada



    *(Một số hình ảnh và tư liệu từ NET)
    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

  • #2
    TẾT OZ!

    Đến hẹn thì xuân lại về

    Xuân về đổ nắng tê mê đất trời

    Hồn Xuân đất ÚC rã rời!

    Pháo, Hoa, càng nhớ TẾT nơi quê nhà!!!

    (KD)


    Thân ái

    KimDung

    Comment


    • #3

      Hình minh họa

      Tri kỷ - Tết



      Trần đời tri kỷ dễ mấy ai

      Một thoáng gặp nhau - hiểu - nhớ hoài !

      Rảo bước đi tìm càng khó kiếm

      Thiên lý đường đời gặp một - May!

      Như hạt nước rơi sao hứng tay

      Giữ người tri kỷ khó lắm này!

      Mối tình bằng hữu luôn ghi nhớ

      Khắc tạc vào lòng cảm mến đầy

      Hội ngộ văn thơ ở chốn đây

      Gặp người tri kỷ vần thơ hay

      Chung trà thưởng ngoạn...hồn buông thả

      Tửu nhập thơ đề...tình ngất ngây!

      Tiếng đàn, cung nhạc trầm bỗng bay

      Ngậm ngùi độc ẩm thơ say ngày

      Tìm đâu bóng người tình chung mộng

      Tri kỷ hiểu lòng - khó lắm thay! (S.A.)



      Mối tình tri kỷ trong bài thơ "Ông đồ”

      cụ Vũ Đình Liên


      ....

      Kể lại kỷ niệm này, ông rưng rưng: "Rất ít người biết rằng, bài thơ "Ông đồ" và nhiều bài thơ khác của cụ Vũ Đình Liên còn nặng kỷ niệm về người vợ tảo tần của nhà thơ. Cụ gọi đó là cái tình tri âm, tri kỷ đã theo cụ trọn cuộc đời. Bà chẳng làm nghề gì cao sang, chỉ là cô hàng xén ở phố Hàng Bồ. Cụ Liên khi đó là anh chàng thư sinh học trường Bưởi, ngày nào cũng đi qua con phố có cô hàng xén dễ thương đó và chẳng biết tự bao giờ, chàng trai trẻ thi sĩ này đã phải lòng. Phải lòng gánh hàng chỉ có kim, chỉ, đèn dầu, phải lòng người bán hàng nhu mì, đôi má ửng hồng e thẹn, nhưng chàng thanh niên Vũ Đình Liên còn phải lòng cả cái khung cảnh bình dị mà chỉ có trái tim thi sĩ mới rung lên được sợi tơ tình cảm đó: bên cạnh cô hàng xén còn có một ông đồ già ngồi viết chữ. Họ ngồi cạnh nhau nhiều tháng trên hè phố cùng kiếm sống nhưng cũng không bị "Pu-lít" (cảnh sát) đuổi phạt bao giờ.

      Thời đó, kẻ sĩ nước mình có mấy ai giàu. Ông đồ nghèo đến nỗi không có nhà phải ngồi ở vỉa hè để bán chữ, mà còn không có cả tiền mua giấy nên phải ngồi bên cô hàng xén. Để khi có khách đến thuê viết, ông đồ chỉ cần với tay về phía cô hàng xén: "Này, này, cô cho tôi nhờ tờ giấy, nhờ cái bút", vậy là được cả đôi bên! Họ cứ dung dị sống, dung dị gắn bó mưu sinh với nhau trên một góc vỉa hè chật chội mà đâu có biết rằng, có một anh chàng thư sinh nho nhã đã khắc ghi hình ảnh đó trong lòng.

      Cụ Tú Sót chậm rãi: "Thơ không phải lúc nào muốn là bật ra được, nó phải là những cảm xúc căng chật trong lòng, là những nỗi buồn khắc khoải mà không viết ra anh không thể hóa giải nỗi lòng mình được". Ban đầu, cụ Vũ Đình Liên khắc họa hình ảnh "Ông đồ" chỉ bằng một câu vè: "Hàng Bạc đi lên Hàng Bồ. Trên đường đi học, ông đồ buồn thiu". Nhưng rồi, có một ngày xuân, nhà thơ đi qua con phố thân thuộc đó, bỗng thấy trống vắng, chỉ còn những bậc thềm hoang lạnh vì không thấy ông đồ đâu nữa. Nhìn phố xá và dòng người thờ ơ vô tình đang thưởng ngoạn vui xuân, nhà thơ đã đau đớn nhận ra vì sao ông đồ đã rời bỏ nơi này. Người đời lãng quên ông đồ, lãng quên luôn một nét văn hóa truyền thống. Chỉ kịp nghĩ đến đó, trái tim đa cảm của nhà thơ bỗng bật lên một tiếng nấc thương xót kẻ "hàn nho mãi tự": "Năm nay đào lại nở. Không thấy ông đồ xưa. Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?!".



      https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

      Comment

      Working...
      X