Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đảo Bidong - Điểm Đến Không Biết Trước...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đảo Bidong - Điểm Đến Không Biết Trước...

    [justify]
    Đảo Bidong - Điểm Đến Không Biết Trước ...

    Bidong Island - An Unplanned Destination ... [/justify]


    “Đêm Bidong đêm ba mươi năm

    Sinh tử nổi chìm trên ngọn sóng

    Mồ nối mồ đắp theo biển động

    Mùa chim đi tìm hơi gió đông”…

    (Đêm ngủ trên cầu Jetty, Lâm Hảo Khôi)


    [justify]Những từ khóa (danh từ, động từ) được dùng để diễn tả cho Bidong, nơi những thuyền nhân đã từng tạm trú : may mắn, mừng rỡ, gian nan, chịu đựng, niềm tin, kỷ niệm, cô đơn, mối tình, cơn mưa, biển đảo, hồi hộp, tự do, tương lai, hứa hẹn, nhớ nhà, nhớ quê hương, biển nhớ, hãi hùng, nhớ nhung, sóng biển, vác củi, vệ sinh, chuột, cao ủy, phái đoàn, bị từ chối, chấp nhận, côca côla, sick bay, cầu Jetty, thông dịch, nhân đạo,  "hốt rác", cát biển, đèn pin, rời trại, khẩu phần, nước ngọt, thư tín, giáo dục, an ninh, đồn cảnh sát ML, cạo trọc đầu, rời đảo, supply, ghép hộ khẩu, đồi Tôn Giáo, thuốc lá Turf, Khu A, B, C, D, hội Hồng Nguyệt MCS, tị nạn, thuyền nhân, hồ sơ ...

    [/justify]

    ================================================== ==============================

    Sau hơn 30 năm định cư ở nước ngoài, các thuyền nhân Việt tưởng chừng đã gột rửa hết những nỗi gian khổ từ cuộc hải trình gian nan trên biển Đông! Không! Họ vẫn còn in khắc sâu vào tâm khảm với tâm trạng " chết" mang theo... Một số hồi ký đã được viết trên NET như cuốn nhật ký còn trong trí nhớ ...

    Xin mạn phép các tác giả viết Hồi Ký Bidong, xin được trích một số đoạn có ý nghĩa trong những tháng ngày âm thầm giã từ VN cho đến khi rời trại Bidong định cư ở nước thứ ba.

    Những đoạn văn nầy dường như đại diện tiêu biểu cho hầu hết các thuyền nhân đã đến được Bidong. Một tâm trạng, một suy nghĩ và là mẫu số chung cho những ai đã cùng trải qua một cuộc hải trình không định trước, mặc dù thời gian có khác nhau.

    Bài này được đưa lên với mục đích chia xẻ, hồi tưởng và trân trọng những giây phút đau khổ tột cùng của cuộc đời tị nạn. Bidong còn là kim chỉ nam, là nơi chúng ta có thể nhận ra ai là người tốt kẻ dửng dưng....

    Một số câu và lời văn có hiệu đính lại cho phù hợp với trang Forums nhà .



    ================================================== ==============================

    Nhật ký còn trong trí nhớ ...


    ~ Hồi Ký 1 ~


    Trước 1975, có lẽ người Việt Nam không mấy ai biết tới đảo Bidong. Ngay cả những hòn đảo nhỏ như hòn Khói, hòn Tre, hòn Ngang, hòn Heo, cái thì ở Biển Đông, cái thì ở trong vịnh Rạch Giá, người Việt chúng ta cũng không biết nữa là, nếu không học địa lý hay có dịp đi ngang qua, dừng lại. Huống chi đảo Bidong nầy, hòn đảo nằm tuốt gần cuối vịnh Thái Lan, gần tiểu quốc Terrenganu của Mã Lai, hòn đảo nhỏ xíu, thiếu đất trồng trọt, thiếu nước ngọt, nên cư dân không ở được. Đó chỉ là trạm dừng chân của ngư dân Mã Lai trên đường đi đánh cá ngoài biển xa. Họ dừng lại đó một bữa, vài hôm, chờ qua cơn biển động, chờ lấy thêm tiếp tế, v.v…

    Thế rồi bỗng nhiên nhiều người Việt Nam biết tới Bidong. Bidong là nơi đón thuyền nhân tỵ nạn. Vậy nên tôi cũng tò mò, muốn xem thử Bidong nằm ở đâu trong vịnh Thái Lan. Từng dạy môn lịch sử địa lý, vậy mà tôi cũng chẳng biết gì về Bidong cả.

    Tìm được một bản dồ Đông Nam Á, coi thật kỹ, chẳng thấy Bidong đâu. Lại phải tìm một bản đồ Mã Lai, ở nhà ông anh rể tôi, một người từng ôm mộng vượt biển biết bao nhiêu lần nhưng thất bại. Bây giờ thì tôi thấy Bidong rồi.

    Hòn đảo nhỏ xíu, nằm phía dưới đảo Redang lớn gần gấp đôi. Bên cạnh chữ P., viết tắt chữ Poulo, có khi là Palau, là chữ Bidong, viết nguyên chữ. Tôi nói thầm: Đây rồi! Bidong đây rồi.

    Tôi có một cảm xúc kỳ lạ khi tìm ra hòn đảo ấy!

    Có phải nó đóng một vai trò nào trên con đường Nam Tiến của người Việt?


    Bidong là một xã hội thu hẹp. Ở đó người ta thấy nhiều mặt của cuộc sống khôn dại, biết hay không biết gì, có tình hay vô tình, có thương yêu giúp đỡ và cũng có ghét bỏ, tị hiềm, và có cả những người làm quan cũng như có cả những cô làm đĩ.

    Có tới Bidong, người ta sẽ thấy sức chịu đựng dẻo dai và sức sống mãnh liệt của người Việt Nam. Ở đây, ăn thì không đói, có nghĩa rằng gạo không thiếu. Người ta còn dư gạo để nấu rượu lậu nữa là. Nhưng thức ăn thì thiếu. Mỗi tuần ba lần phát thức ăn: Thứ hai phát cá, thứ tư phát gà, thứ sáu phát cá hay gà. Cá thì thường là các nục, một món khoái khẩu của người Việt, nhưng gà thì thuộc loại gà công nghiệp, thịt đã không ngon, nhảo nhẹt, nhưng hình như đó là loại thịt của những con gà mái không còn sức để đẻ trứng được nữa. Nói theo kiểu hài của Phi Thoàn thì đó là thịt của những con gà đã có cháu ngoại, có khi là chắt, chiu chít…

    Vậy thì người ta thiếu rau. Các gian hàng Mã, gian hàng Tầu trên đảo không thể cung cấp đủ. Và thế là thuyền nhân tự trồng lấy.

    Không thể trồng rau trên bờ biển cát.

    Bidong có một ngọn núi, và từ trên đỉnh của nó, có một con suối cạn, chảy xuống biển. Con suối ấy chảy qua khoảng giữa hai triền núi mà cuối triền là khu B và khu D. Vì vậy, con đường nối liền hai khu có một cây cầu gỗ, khá chắc, xe chở rác chạy qua được.

    Vậy là hai bên bờ suối, từ khu B trở ngược lên đầu ngọn suối, thuyền nhân cuốc, san những mảnh vườn nhỏ, trồng rau muống, đậu bắp, cà… Có không biết bao nhiêu mảnh vườn hai bên bờ suối ấy.

    Nó có từ hồi nào, không ai biết, bởi vì những vị “khai canh” những mảnh vườn nầy đã đi định cư từ hồi nảo, hồi nào. Cả đám “hậu duệ” hưởng cái của “hương hỏa” ấy, cũng không biết vị “khai canh” là ai. Rồi sau ngày “đóng cửa đảo”, người tỵ nạn đến càng đông, thời gian ở lại càng lâu, nên “khu nông nghiệp” hai bên bờ suối càng phát triển, càng đi dần ngược lên “Đỉnh gió”. Đất ở đấy, suối ở đấy, người ta cứ xuống suối xách nước tưới cho rau trái mau xanh, để dùng hay đem bán.

    Tới mùa nắng, suối đã cạn, không còn nước để tưới.

    Phải phục cái trí thông minh của người Việt. Suối chỉ cạn trên mặt, nhưng dưới đáy suối còn những mạch nước ngầm. Thế là người ta đào giếng lấy nước. Mỗi cái giếng thành một trung tâm: Nơi để lấy nước tưới rau, nơi để tắm giặt và cũng là nơi người ta dựng một mái lá, giăng võng và đánh một giấc ngủ để… quên đời.

    Tôi cũng đã đến một vài “trung tâm” như thế, không phải để đào giếng, mà để tắm giặt, đưa võng, nhìn một khoảng trời mênh mông có vài làn mây trắng.

    Trời ở đâu cũng giống nhau nên dễ làm cho người ta nhớ tới bầu trời ở quê hương, bầu trời trên một giòng sông, trên một ngọn đồi, trên đỉnh Trường Sơn hay trên một cánh “đồng chó ngáp" của vùng đất Nam bộ.

    Thuyền nhân ra đi từ quê nhà, không ít là những ngư dân. Họ ở gần biển, ở các hòn cù lao trong vịnh Rạch Giá nên dễ vượt biên.

    Rồi khi đến Bidong, vì nhu cầu cuộc sống, các ngư dân lại hành nghề “lậu”. “Lậu” là vì chính quyền Mã Lai không cho người tỵ nạn xuống biển, không hẳn là vì họ sợ mất ít, mất một chút xíu tài nguyên. Nhưng nếu như có một người chết, dù bất cứ lý do gì, cũng là điều chính quyền Mã Lai bị Cao Ủy Liên Hợp Quốc trách cứ vì nhiệm vụ họ là giữ và bảo vệ người tỵ nạn.

    Trong cái “khó khăn” của việc đánh cá, người Việt lại bày tỏ cái “khôn khéo” của mình, cái khôn khéo có tính truyền thống, làm vui lòng các quan thời xưa, các ông xã, ông quận của thời Cộng Hòa, và cả những “ông cán bộ” của đời cách mạng. Người lính cảnh sát Mã Lai lại được ngư dân chúng ta “xỏ mũi dắt đi”. Ấy là nói theo cách thông tục ở xứ sở chúng ta vậy.

    Rõ ràng người tỵ nạn có cá, có thịt gà. Người ta còn ăn thứ thịt gì nữa chăng?

    Cái dạ dày của người Việt trong cuộc Nam Tiến có một sức mạnh khủng khiếp. Không có cái gì mà nó không tiêu hóa được. Bảo là sợ “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”, dĩ nhiên, nói theo nghĩa đen, người ta không ăn ma được, nhưng cọp có sống được với người? Da cọp thì thuộc, treo lên vách làm kỹ niệm, không ai vứt bỏ thịt cọp, nanh cọp được gắn vào dây chuyền cho trẻ nhỏ làm bùa trừ ma, thậm chí xương cọp cũng đem nấu “cao hổ cốt”.

    Cả một số đông sinh vật ở vùng đồng nước Nam bộ, không nói chi đến cá mú mà đến như cá sấu, trăn, cần đước, ba ba, rùa, rắn, cào cào, châu chấu… có thứ nào không “bắt mồi” cho dân nhậu, có thứ nào mà bộ tiêu hóa của người Việt không nghiền chúng nó thành phân người?

    Vốn tôi là người tò mò. Một hôm, tôi hỏi một người Mã Lai làm việc ở Hội Hồng Nguyệt rằng, trong tiếng Mã, Bidong có nghĩa là gì? Ông ta trả lời: “Rắn.”

    Rắn? nhưng nó là snake hay python? Ông ta cười: “Gì cũng được, vì thời xa xưa, nơi nầy có nhiều loài rắn ở.”

    Tôi nghĩ tới những con rắn biển trên đường vượt biển. Khi qua gần hết vịnh Thái Lan, sắp tới đất Mã Lai, – anh tài công cho biết vậy -, chúng tôi đã gặp những chú rắn biển. Con rắn vàng, ngóc cao đầu, lội trong nước. Người đi chung ghe bảo đó là những vị sư đón người tỵ nạn. Tôi không khỏi thấy buồn cười về cái tính dị đoan của người bình dân Việt Nam chúng ta. Hôm qua, mấy con cá heo lội theo ghe, hai bên hông, trước mũi…. có khi chúng phóng mình lên khỏi nước, để vui chơi hay để làm gì, tôi không biết. Người trên ghe gọi một cách kính cẩn là “Ông đưa”. Nó có nghĩa rằng có ông đưa thì chuyên hải hành sẽ được tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió. Nay thì thầy chùa đón, hy vọng đến đảo bình yên.

    Chuyến đi của tôi bình yên thật, nhưng tin vào “Ông đưa” và “Thầy đón” hay không thì tôi là người không thể nào tin được.

    Cũng rất nhiều thuyền nhân trên đảo Bidong không tin như tôi. Bởi vì sao? Bởi vì tên là đảo rắn mà suốt gần hai năm sống trên đảo, tôi không thấy một chú rắn nào cả. Tôi đã từng đi ngược theo con suối Bidong, lên tới “Đỉnh gió” và đi xuống phía sau núi, chỗ rừng hoang, nhưng có thấy chú mảng xà, thanh xà nào đâu? Hỏi ra thì có người cười bảo: “Nhậu hết rồi. Nhậu hết, rắn nào mà còn.”

    Hơn hai trăm năm mươi ngàn người lần lượt đã đến và sống trên hòn đảo nhỏ nầy.

    Thời gian tôi ở, dân số trên đảo là 14 ngàn người. Cao nhứt, sau vụ gọi là “nạn kiều”, đi “bán chính thức” là hơn 40 ngàn người. Phần đông là dân Nam bộ, không ít là dân nhậu. Vậy thì chắc là rắn trên đảo đã được “chung vui” với rượu mà “đi vào lòng người”, nói theo nghĩa đen.

    Mồi (rượu) thì dùng nhiều thứ: cá, thịt. Cao ủy phát không đủ ăn thì mua của mấy anh chàng đánh cá lậu, hay mua ở “gian hàng Tầu”, “gian hàng Mã” là hai tiệm chạp phô trên đảo. Ruợu thì người ta tự nấu lấy. Đó là mối lợi lớn.

    Ở đảo, chính quyền cấm không cho dân tỵ nạn được nuôi một thứ gì, dù những thứ gia cầm như chó mèo gà vịt, v.v…

    Thức ăn ăn không hết không chịu bỏ vào thùng rác cho khối Vệ Sinh thu gom đem đốt mà vất bừa bãi, là tạo ra môi trường tốt cho chuột sinh sôi nảy nở một cách kinh khiếp: Đâu cũng có chuột, trong nhà, trên nóc, dưới gầm, ngoài sân, ngoài bãi hoang.

    Ăn no, đêm đêm chúng kéo nhau ra sân nô dởn, đú đởn, thật đáng ghét. Khu đồng bào tỵ nạn nhiều chuột đã đành, khu Cao ủy cũng bị chuột xâm lăng, cậy quyền, cậy thế, bệnh công thần, tâm lý kẻ viễn chinh chiến thắng, không thua kém.

    Để diệt chuột, ông bà Cao ủy nào đó, đem từ trong đất liền ra một chú trăn. Khu Cao ủy có hàng rào B-40, ngặt nỗi chú trăn không đủ thông minh để hiểu là chỉ nên quanh quẩn trong khu Cao ủy thì nó vượt ra khỏi hàng rào, thực hiện câu nói của “anh già Rô”: “Không có gí quí hơn độc lập tự do.”

    Ở Bidong cũng có những đêm trời lạnh, chỉ đủ lạnh một chút và cũng dễ chịu vì đó là cái lạnh biển. Có đêm tôi lên phòng Phát Triển Cộng Đồng về khuya, đi ngang lò mì ở khu B, ngửi thấy hơi bánh mì nóng từ trong lò mới lấy ra, bỗng thấy nhớ quê, nhớ Saigon, nhớ Huế “chết đi được!” Những đêm Huế lạnh và buồn, học bài thi vào khi trời đã khuya, bụng đói, nghe tiếng thằng bé rao bán bánh mì, kêu lại mua một ổ.

    Ổ bánh bì lấy từ trong cái bao mì dày những hai ba lớp bao bố tời, còn nóng, còn thơm. Ăn bánh mì không sữa, không đường, không xá xíu, không “con lạp xường”, sao mà ngon đến thế!

    Bốn, năm mươi năm sau, lưu lạc nơi xứ người, cũng cái mùi thơm ấy, cũng cái hơi nóng ấy, kỹ niệm thời niên thiếu xa xưa từ trong ký ức sâu thẳm về một chốn quê nhà xa vời vợi bỗng thức tỉnh, vùng dậy, choáng ngập cả tâm hồn bé nhỏ của tôi. Sao mà nó làm tôi nhớ quê hương da diết đến làm vậy!!!

    Sau hơn nửa năm thanh lọc, vì phong trào đấu tranh, sau khi phỏng vấn xong, đồng bào được đưa thẳng qua trại tỵ nạn Sungei Beshi, gần thủ đô Kuala Lumpur mà không đưa ngược trở lại Bidong như trước kia nữa.

    Như thế thì “nhân số” Bidong càng ngày càng ít đi. Thuyền tỵ nạn không còn tới đảo nữa, người thanh lọc thì cứ ra đi dần dần. Vậy thì mai đây, không còn bao xa nữa đâu, Bidong không còn người tỵ nạn. Đảo nầy sẽ trở lại thành một đảo hoang như ngày trước, trả lại cho ngư dân Mã Lai.


    Và người tỵ nạn vẫn vô phương, vẫn tuyệt vọng, vẫn tự mình thương xót cho số phận mình, số phận lưu lạc nơi xứ người.

    Trong từng longhouse một, trong canh vắng đêm dài, có ai đó, một cô gái đơn độc lìa xa gia đình, một thanh niên lẻ loi đi tìm nguồn sống, sẽ cất lên những tiếng than dài, không rõ rồi mai đây, tương lai sẽ đi đâu, về đâu. Có ai nhớ cha, nhớ mẹ mà khóc thầm, cám cảnh cho phận mình xa cha xa mẹ mà cất tiếng than của nàng Kiều vào một thuở xa xưa:

    Dặm nghìn nước thẳm non xa,

    Biết đâu thân phận con ra thế nầy!


    Ngày xưa phận người đã vậy. Ngày nay nhân loại có tiến bộ hơn nhưng phận người đâu có khác chi. Bên cạnh tiếng thở dài là tiếng gọi:

    “Mẹ ơi!!!!!….”

    ... Đời, quả thật là “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường!”

    (hoànglonghải, USA)




    ~ Hồi Ký 2 ~

    [justify]

    Người dẫn đường sắp tới, tôi dắt cô em, đi theo anh ta; với lệnh gắt như sau: “luôn luôn đi sau như hình với bóng, không được nhìn mặt, không hỏi chuyện, lên xe đò ngồi băng sau, xuống đường xuống sau và đi theo bén gót nhưng không được vượt mặt?”. Chúng tôi tiếp tục chơi trò trinh thám này từ bến xe Phú Lâm về đến bến Cần Thơ, vào trú ngụ khách sạn trong thành phố (thời đó chưa có gì nhộn nhịp), nhất nhất làm theo đúng anh chàng dẫn đường.

    … Một cuộc hải hành của chiếc ghe nhỏ 11,5m đi sông, nặng chở những con người khốn khổ, liều mình tìm cái sống trong cái chết, say sóng đong đưa; một lần bỏ xứ ra đi trong nỗi tuyệt vọng để tìm hy vọng, lênh đênh trên biển cả mênh mông, con thuyền rời bến tìm bờ vô định hướng.

    … Tôi nhớ cơn mưa giông chiều qua đến suốt đêm có lẽ làm máy ngộp nước hết chạy? Trời đang nắng bổng mây đen vần vũ, vài tia chớp nháng lửa rồi giông gió lớn, mưa sập đỗ xuống như dội nước. Bà con bị lùa xuống hầm khoang hết; không muốn cũng sợ trên “boong” sóng đánh rớt xuống biển.

    Chiếc ghe lắc lư mạnh, kèo cột kèo kêu răn rắc như bè đứt dây muốn rã.Trong tiếng mưa rơi, sóng biển ào ào nâng chiếc ghe trồi lên sụp xuống, tiếng nôn oẹ, vái Trời vái Phật cầu kinh Chúa; tai tôi vẫn lắng nghe bên trên ông tài công la con bẻ lái, giữ bánh lái cho chặt, cho ghe lướt theo chiều sóng, không để mũi ghe đâm đầu vào đợt sóng. Mọi người dưới hầm lăn chiêng lăn quay, níu kéo vồ vịn nhau giữ thăng bằng khi những đợt sóng biển ngoài kia nhô lên kéo xuống.

    Chiếc ghe lắc lư mạnh, kèo cột kèo kêu răn rắc như bè đứt dây muốn rã.Trong tiếng mưa rơi, sóng biển ào ào nâng chiếc ghe trồi lên sụp xuống, tiếng nôn oẹ, vái Trời vái Phật cầu kinh Chúa; tai tôi vẫn lắng nghe bên trên ông tài công la con bẻ lái, giữ bánh lái cho chặt, cho ghe lướt theo chiều sóng, không để mũi ghe đâm đầu vào đợt sóng. Mọi người dưới hầm lăn chiêng lăn quay, níu kéo vồ vịn nhau giữ thăng bằng khi những đợt sóng biển ngoài kia nhô lên kéo xuống.

    … Đến hơn trưa hôm sau, chúng tôi lên bờ đảo Pulau- Bidong, hạnh phúc như người sống đi chết lại, bước đi chập choạng, người lắc lư đong đưa trên cầu Jetty vì say đất, nhưng trên môi ai nấy đều nở nụ cười. (Trần Cẩm Tường )



    Ước mơ đến đảo Pulau Bidong an toàn như một giấc chiêm bao được thành sự thật. Có biết bao người ra đi nhưng chưa bao giờ đến, mất biệt tăm hơi. Tôi không thể diễn tả hết cảm xúc của mình về những gì đã xảy ra trong hành trình vượt biển gian nguy này. Đôi khi, nhìn ra biển khơi, sóng vỗ rì rào không ngừng nghỉ. Tôi thiết nghĩ, hơi thở con người ta lúc nào cũng phải điều hòa theo nhịp đập của con tim. Sóng biển sẽ không bao giờ ngừng chuyển động. Hơi thở loài người khi ngưng đập nghĩa là ta phải từ giã cõi đời này. Biển mà không dồn dập thôi thúc bởi những lượn sóng muôn trùng thì không còn được gọi là biển mênh mông nữa mà là con sông hiền hòa phẳng lặng.

    … Giờ đây, ngồi trên bãi cát vàng mịn màng của đảo Pulau Bidong, tâm trạng của tôi thật sự thanh thản như đang bay bổng trên thiên thai vì vừa được sống lại từ cõi chết.

    ... " Tất cả chúng tôi dều giống nhau ở chỗ phải xa nhà, bỏ đất nước ra đi một mình, dù lúc nào trong tâm tưởng của chúng tôi cũng có một vị trí trang trọng cho quê hương chôn nhau cắt rốn đã phải bỏ lại sau lưng !" (Nguyễn Trần Diệu Hương).

    Tôi được cho về ở chung nhà với bốn trẻ nhỏ sẽ đi định cư nước Pháp, trong khu B, nơi có màn ảnh chiếu phim giải trí trên đảo. Khu B nằm gần văn phòng Task Force của lính Mã Lai. Từ đây chỉ cần vài bước thì ra tới chợ, rất tiện lợi. Ba ngày đầu đặt chân lên đảo tôi bị say đất nên chỉ muốn nôn ói, đi đứng chao đảo lật nhào vì bị chóng mặt, đầu óc cứ quay cuồng như vòng tròn xoay ba trăm sáu mươi độ.

    Những ngày bồng bềnh trên biển thì tôi ói ra tới mật xanh mật vàng vì say sóng. Đó là phản ứng bất ngờ khi người vừa từ đất liền phẳng phiu, bây giờ lại nằm ở vị thế ngả nghiêng tròng-rành. Khi đặt chân lên bờ thì trạng thái trái ngược lại, được gọi là bị say đất. Tôi nằm mẹp suốt ba ngày liền, không đi đứng gì được vì đất trời múa may trước mặt mình. Bọn trẻ ở chung nhà thấu hiểu nỗi khổ này vì chúng cũng đã trải qua tâm trạng chóng mặt, quay cuồng như tôi khi vừa đặt chân lên đảo lúc xưa. Bé gái khoảng mười lăm tuổi đã nấu cơm cho tôi ăn lót dạ, nhưng tôi nào có ăn được gì đâu. Cơn chóng mặt hoành hành như chong chóng quay vù vù trước ngọn gió bão giông. Tôi chỉ cố nằm nhắm mắt thiêm thiếp ngủ cho qua khỏi ba ngày điên đảo. Cái bụng của tôi cũng không biết đói là gì. Có lẽ, bao tử cũng còn co thắt lại giống y như những ngày đói khát rã-rời trên biển.

    … Buổi sáng sớm, khi ngày nào có người rời đảo, văn phòng trại đều cho phát thanh trên loa thật lớn bài nhạc "Biển nhớ " nghe thật buồn, nghe thật não nuột chia ly. Người ra đi định cư mừng vui khôn tả. Người ở lại thầm lặng, ôm một nỗi buồn dấu kín trong lòng. Nỗi buồn này đôi khi cũng là cái buồn cho chính thân phận bấp bênh của mình vì chưa được quốc gia nào đón nhận cho đi định cư. Tôi cũng chứng kiến một số người nằm ù lì trên đảo bốn hay năm năm mà vẫn chưa được bất cứ một quốc gia thứ ba nào chấp nhận. Họ khao khát ngày rời đảo như người du mục trên sa mạc luôn mãi kiếm tìm ốc đảo để xin được hớp vài giọt nước mát thần tiên trong cơn đói khát gần như gục ngã vì đuối sức.

    … Sau khi vượt thoát qua được cơn thập tử nhất sinh, tôi lúc nào cũng nghĩ mình đã được những đấng thiêng liêng cứu mạng cho sống lại một lần nữa. Cuộc đời rất ư là ý nghĩa đối với tôi bây giờ. Những buổi chiều mỏi mắt nhìn ra biển khơi, khúc phim hãi hùng dần dần quay lại từng chi tiết thương đau. Những con sóng bạc đầu to lớn, đập mạnh vào bờ gào thét rồi tự mình tan rã thụt lùi ra đại dương lạnh ngắt, buồn cho thân phận bọt bèo tạm bợ.

    … Một sáng thứ bảy đẹp trời, tên tôi được đọc vang vang trên loa phóng thanh. Đó là danh sách của các thuyền nhân được rời đảo.

    Ngày rời đảo đã đến!

    [/justify]

    Hành trang rời đảo mang theo, tôi không có gì ngoài mấy bộ quần áo thùng thình vừa xin được trong phòng xã-hội. Vì khi đặt chân lên bờ, tôi chỉ có vỏn vẹn trên thân mình một bộ quần áo ướt đẫm nước biển mà thôi. Tôi đã rất nhanh, chuẩn bị sẵn sàng và bây giờ tôi đang đứng trên cầu Jetty, chờ xuống tàu Blue Dart để đi về Kuala Lumpur.

    Ôi, biết nói sao và làm sao kể hết cảm xúc vừa nghẹn ngào, vừa vui mừng trong tôi lúc bấy giờ.

    … Xin chào biệt Pulau Bidong, một trời kỷ niệm !

    Xin cám ơn những hạt cát vàng dễ thương trên đảo đã cho đôi chân lạc bước giẫm lên để tôi cảm nhận được cái mịn màng tuyệt diệu, cái yên bình thanh thản. Rung cảm này tuy vô hình trừu tượng nhưng tôi đã phải trả giá bằng cả tánh mạng của mình trên biển ... để đi tìm.

    Pulau Bidong là ngưỡng thiên đàng mà tôi phải đi qua để có thể bước vào cuộc đời mới. Một trang sách mới vừa được lật qua.

    Đó là khung trời Tự Do.

    Tôi sẽ nhớ mãi hết kiếp này !!

    (BẠCH LIÊN-TÚY BẠCH, France)




    ~ Hồi Ký 3 ~


    [justify]“Đã có nhiều lần thức dậy trong đêm khuya, những ngày mưa lớn nhỏ, hoặc là những ngày nắng chói chang, tôi muốn gào thét lên: Pulau Bidong. Tôi muốn kêu tên Pulau Bidong thật to và mãi mãi. Tôi muốn kêu tên những người bạn cũ: Hân ơi, Trang ơi, Nhật ơi, Huy ơi, các bạn đâu rồi? Tôi muốn cầm lại cái xô nước Supply, cái chén, cái muỗng, uống một gụm suối mát. Và tôi muốn quay lại với những hình bóng xưa, những âm thanh năm nào, cảnh vật xưa: hàng dừa, mái tôn, hạt cát. Tôi mong đợi ngày đó sẽ đặt chân lên cầu Jetty, ôm Bidong vào lòng, và sẽ nói “Bidong, anh đã về đây.”

    Tuy tôi không phải là người cuối cùng rời khỏi Bidong nhưng trong lòng lúc nào cũng hướng về hòn đảo dấu yêu này qua những năm tháng lớn lên ở Mỹ. Vâng, không khác gì các bạn, trong lòng tôi có rất nhiều kỷ niệm khó mà quên được suốt thời gian “vacation” ở Bidong. Những kỷ niệm đó cứ lẩn quẩn đâu đây mặc dầu tôi đã xa Bidong vào một buổi sáng ngày nào. Có nhiều khi nhắm mắt, tôi cứ tưởng là mình vẫn còn ở Bidong. Gió thổi những lá dừa xào xạc.

    Bidong, tuy xa nhưng anh vẫn nhớ

    Tội nghiệp em đêm khóc một mình ...

    Không bến không tàu như ngày xưa đó,

    Chỉ có gió mưa, nắng cháy da người.


    Vì để tiếp tục hành trình về “miền đất Freedom”, chúng ta đã tạm giã từ Bidong qua những ngày đầu sống xa quê hương, những ngày lênh đênh trên biển cả. Có người chỉ sống 1 hoặc 2 tháng với Bidong, nhưng cũng có người đã từng sống hơn 5 năm trên hòn đảo này. Nhưng chỉ cần một ngày ở với Bidong, chúng ta đã có biết bao ký ức với hòn đảo và với những đồng bào cùng chung số phận.

    …Bidong giờ này ra sao rồi? Em có phải đang sống với những cây dừa cao vời vợi, với những ngôi mộ thiếu người chăm sóc, và những cái giếng đầu ngỏ longhouse hôm nào. Chắc em đã thiếu hẳng đi những âm thanh quen thuộc vào những buổi sáng và những cảnh chiếc tàu cập bến sau 4, 5 ngày lênh đênh trên biển Thái Bình Dương…từ Việt Nam.. Bidong, tôi nhớ em nhiều lắm! Lâmvi,

    Khi hồi tượng lại những cảnh Bidong, tôi cảm thấy mình như là cậu bé 14-15 tuổi của ngày nào trên một hòn đảo hoang dại. Cậu bé đó đã có những chuỗi ngày vui vẻ nhất trong đời suốt gần 3 năm “nằm chung với rệp, muỗi và chuột”. Tuy sống trong một hoàn cảnh rất là eo hẹp so với hiện tại, cậu ta ngày nào cũng vui vẻ với đời sống Bidong: nxếp hàng lấy nước Supply, xếp hàng ở Khối Tiếp Liệu, học Anh ngữ, tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể, đá banh, tắm biển, tắm suối, lên núi đốn củi, ăn mì gói …

    Đối với cậu ta, những chuỗi ngày này là thời gian thoải mái và cũng là thời gian quí báu nhất của một đời người vì cậu đã nghe, nhìn và học hỏi những gì mà “15 năm sống trên nước Mỹ cũng không bằng 3 năm sống trên đảo”. Một cuộc sống có một không hai trên thế gian này đã dạy cậu ta những bài học đời xứng đáng. Sáng ăn mì gói, trưa có mẹ nấu cơm, chiều thì ra biển đá banh, câu cá, săn mựt, tới tối thì cùng các bạn tụ hợp ngoài biển cát mà tâm sự táng dóc. Hồi đó thật là vui đấy! Đời sống vô tư không lo âu chuyện gì cả. Nếu có đói bụng trước khi đi ngủ, một hay hai gói mì sẽ làm cậu ta thấy sảng khoái vô cùng. Còn nếu mà có đường thì hết chổ chê luôn, chúng ta sẽ có một nồi chè đậu xanh vừa thổi vừa ăn.

    Cuộc sống hằng ngày của cậu bé ở đảo Bidong cứ như thế, cho đến khi có những chuyến tàu rời đảo mà lòng cậu thấy bâng khuâng, bịn rịn. Cậu bé chia tay từng thằng bạn, cô bạn được định cư nước thứ ba tại cầu Jetty và nhiều lần cậu bé ấy đã nhủ thầm “Không biết khi nào chúng mình sẽ gặp lại nhau, khi nào đây?”.



    “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về gọi hồn liễu rũ lê thê gọi bờ cát trắng hoang vu…”

    (Lâmvi 2003, USA)

    ~ Hồi Ký 4 ~



    Những Ngày Trên Đảo Pulau Bidong




    Đảo Pulau Bidong có diện tich 1 Km2, hướng Đông Bắc thuộc tỉnh Terrengganu, Malaysia cách đất liền 2 giờ tàu chạy. Đảo có rất nhiều dừa không người ở, khi những người tị nạn đến đây đã giật dậy sinh hoạt nhộn nhịp nơi này. Trên đảo có 1 chùa và 1 nhà thờ khang trang để sinh hoạt tôn giáo. Có những lớp học English, toán , đọc, viết mà thầy cô là Viêt Nam tình nguyện, có 1 chợ bán rau cải, mỹ phẩm, mua bán vàng, thuốc lá v..v.. Dọc bờ biển cũng có những quán cà phê nhạc. Có lò bánh mì và cũng có người lên đồi nấu rượu lậu. Chúng tôi đến thì được phân phát nhà cửa những người trước đã rời đảo, nước thì có giếng nước.

    Hàng tuần có chuyến tiếp tế gạo, nước mắm, đậu xanh, đường, muối, đồ hộp, rau cải và thịt gà. Dân Malaysia lấy Hồi Giáo làm Quốc Giáo nên họ không ăn thịt heo. Thỉnh thoảng những chuyến tiếp tế cũng bán chui thịt heo do người Tàu ở đây, lấy đậu xanh làm giá. Chúng tôi cũng dựng lên 1 sân khấu để giúp vui văn nghệ.

    Công việc hàng ngày sáng dậy anh em ngồi lại với nhau tán dóc, cà phê thuốc lá. Khoảng 9 giờ sáng thì lắng nghe trên loa kêu tên đi phỏng vấn và đọc list đi định cư nước thứ ba. Hễ người nào có tên thì vui mừng hớn hở , người nào không có tên thì mặt méo xẹo. Sau đó nếu không trúng ngày tập dịch thì đi tắm biển, câu cá. Có người chèo xuồng thật xa để bắt cá lớn vào trại bán. Bọn tôi 5 người ở chung có cây đàn Guitar để ca hát cho đỡ nhớ nhà, mấy cô độc thân cũng đến tham dự ca hát rất vui.

    Trên đảo có những chiều mưa buồn vì nhớ nhà cho nên tình cảm cũng dể nẩy nở, chiều chiều có nhiều cặp ngồi dọc bờ biển nói chuyện yêu đương mà quên cả thời gian khi trời tối còn không hay. Tôi cũng dính trấu chuyện tình yêu trên đảo vì lúc đó chỉ mới 28 tuổi, độc thân còn quá trẻ làm sao tránh được ! Rồi thì chia tay người đi kẻ ở, nước mắt lưng trồng ! Tình yêu Bidong có list thì dông thật đúng vô cùng ! Có những trường hợp mấy cô có bầu thì lên phái đoàn xin nhập hộ. Tui hên dễ sợ không dính ! Nam mô a di đà Phật.



    Cuối tuần có văn nghệ giúp vui những ca sĩ qua đây cùng cây nhà lá vườn nên có những giờ phút thoải mái, thưởng thức. Khi xem văn nghệ vì không có ghế tất cả mọi người phải đứng xem và cũng từ những buổi văn nghệ này cũng nảy sinh những mối tình Romeo and Juliet cũng có những người xin nhập hộ, cũng có người ca bài Biệt Ly của Doãn Mẫn. Lúc chia tay người đi kẻ ở thật bịn rịn, lưu luyến. Mỗi lần có chuyến rời đảo thì có chia ly, nước mắc vì những quán cà phê nhạc cho mọi người nghe bài Nghìn Trùng Xa Cách, Biển Nhớ nghe mà não nuột ! Khi tôi đi Mỹ thì cô bạn nhỏ đi Úc, ngày rời đảo cũng Nghìn Trùng Xa Cách, cũng Biển Nhớ và cũng nước mắt chia ly!

    Ở đảo được hơn 2 tháng tôi rời đảo vào đất liền tỉnh Terrengganu chờ chuyền bay đi định cư, ở đây một tuần thì có chuyến bay. Lần đầu tiên được bay chuyến Boeing 747 to lớn bóc chúng tôi từ Phi Trường Kuala Lumpur, tôi thấy mình bé nhỏ như hạt bụi giữa không gian mới. Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi ! Vĩnh biệt Pulau Bidong Vĩnh biệt những kỷ niệm đẹp trên đảo và vĩnh biệt một mối tình tan vỡ !

    HN11

    [/justify]

    :caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe:: caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe:




    :rose: Thân tặng những ai đã từng đặt chân đến hòn đảo Bidong đầy kỷ niệm và đau thương, nơi khởi đầu cho cuộc sống lưu vong xứ người ... Xin cảm thương những ai đã nằm lại nơi đây vĩnh viễn ...



    (Composed and edited by Khang Pham)




    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

  • #2
    Số mệnh đưa bạn đến Pulau Bidong, hòn đảo được người vượt biên Việt Nam gọi "buồn đau, bi đát!", nhưng hóa ra nơi nầy lại là Ngưỡng Cửa Thiên Đường. Một loại điểm đến không biết trước của một điểm đến không biết trước!

    Cho mình hỏi: Trong bài viết bạn có nhắc đến tên Hoàng Long Hải. Mình học Pétrus Ký (lớp 12B6, nk 1972) cũng có bạn học tên Hoàng Long Hải. Bạn tìm hiểu hộ mình xem có phải là bạn nầy?

    Comment


    • #3
      Originally posted by 'LongNguyen'



      Cho mình hỏi: ... Mình học Pétrus Ký (lớp 12B6, nk 1972) cũng có bạn học tên Hoàng Long Hải. Bạn tìm hiểu hộ mình xem có phải là bạn nầy?


      Có lẽ là trùng tên với bạn cùng lớp thời trung học của Long, bởi vì Hoàng Long Hải là một cựu giáo chức và quân nhân VNCH trước 1975. Hoàng Long Hải viết về Bidong qua bài " Bidong, huyền thoại về một hòn đảo rắn " đăng trên website Văn Tuyển online. Link:



      Tác giả Hoàng Long Hải có bút danh Tuệ Chương sinh hoạt trên nhiều Văn Đàn online. Tiểu sử được tóm tắt tại link:

      Tiểu sử: Hoàng Long Hải ( Tuệ Chương ) tuổi Bính Tý Dạy học 10 năm (1958-68) Phục vụ Quân đội: 4 năm Phục vụ Cảnh sát: 4 năm   Sách đã soạn (giáo khoa): – Sử – Địa lớp Đệ tứ, &#821…


      Tình thân,

      4


      Best wishes,

      Comment


      • #4
        BIDONG 30 năm sau ...

        Ngày Trở Về


        [justify]
        oOo[/justify]


        Sau khi đóng cửa năm 1991, đảo Pulau Bidong đã được trao lại chính quyền bang quản lý và được biến thành một trung tâm du lịch của Malaysia. Những người đi thăm viếng đảo này vào năm 2013 là qua một chương trình gọi là Terengganu Visit Year 2013.

        Theo Wikipedia, đến cuối tháng 10 năm 1991, thì Malaysia đã tiếp đón khoảng 250,000 người tị nạn. Hầu hết được đưa đi định cư tại các nước Tây phương, kể cả những trẻ em sinh ra trong trại tị nạn.

        Sau khi thuyền nhân VN rời khỏi Bidong. Hòn đảo này đã được cả thế giới xem như là một hòn đảo có giá trị lịch sử.

        Thế nhưng, sau đó, giới hữu trách đã không có biện pháp nào để bảo tồn hòn đảo Bidong, và một nửa cơ sở nhà cửa trên đảo đã bị phá hủy.

        Thấy vậy, sau khi đi thăm Bidong, Thủ Hiến Terrengganu, Dato Seri Idris bin Jusoh đã vội ban hành sắc lệnh biến Bidong thành một hòn đảo di sản ,và lập kế hoạch bảo tồn và trùng tuu các cơ sở trên đảo. Kinh phí trùng tu sẽ do các cơ quan và các cơ sở đóng góp. Người VN hải ngoại cũng có thể góp phần vào dự án này. tất cả tiền thu được sẽ được giữ trong một trương mục đặc biệt gọi là Quỹ Bảo Tồn Di Sản Bidong. (VN.NET)





        Tâm trạng người trở về được góp nhặt và xẻ chia:

        .............

        - Có lẽ, thật sự đã tồn tại những vết thù còn chai đá hơn cả hoa cương cốt thép, có sức nghiền nát cả ba thập kỷ cưu mang và lòng cảm tạ giản dị mà chân thành giữa người với người…

        Ngày cuối ở đảo, chúng tôi lên viếng Nghĩa Trang khu G. Nghĩa trang nằm trên vị trí cao nhất của Bidong, chính vì thế rất hoang lạnh, khó đi nên qua năm tháng, nó cũng dần lu mờ trong trí nhớ của nhiều người.

        Ngày trở về, đường lên khu G vẫn âm u dưới tầng tầng lớp lớp cây rừng và vẫn buồn như lần cuối ghé thăm, chỉ mới hồi tháng Tám năm ngoái. Ngoài mục đích thăm viếng và cầu nguyện, chúng tôi còn có ý định đánh dấu lại số mộ tại khu này và cập nhật số liệu cho những nhóm muốn thăm viếng trong tương lai. (nhà báo Lưu Dân và Lý Nhân)

        ............

        - Nếu có ai hỏi những điều tôi muốn làm khi còn có thể làm được là gì trên cõi đời này? Tôi sẽ không ngần ngại chia sẻ là tôi muốn được một lần về thăm lại Bidong.

        Đặt bước chân đầu tiên trở về nơi mình hằng ao ước trong tâm trí, nơi mà mình nghĩ sẽ không bao giờ có cơ hội được trở lại lần nữa trong cuộc đời này, cảm giác sung sướng tận cùng. Tôi nhủ thầm “không ngờ mình đã trở lại được nơi này”.

        Cây cầu jetty cũ kỹ ngày nào được thay thế bằng cây cầu xi măng mới với mái ngói che nắng mưa khang trang hơn. Từ cầu nhìn về ngọn đồi tôn giáo bên tay phải, những cánh buồm sừng sững đứng là dấu tích của thuyền nhân. Mọi cảnh vật đều xa lạ với tôi, từ cây cầu jetty này, đi thẳng vô đảo nơi mà khi có tàu vượt biên được đưa vô thì đồng bào nhốn nháo chạy ra coi người mới tới đảo, để mong thấy được người quen. Lao xao câu hỏi “Tàu đi vượt biên từ đâu vậy?” là những gì tôi còn nhớ, nay thì rất im lìm, tĩnh mịch chỉ nghe tiếng sóng vỗ bờ, cây cối mọc um tùm dày đặc như bao phủ cả đảo, để chôn đi một quá khứ của những thuyền nhân.

        Tôi cố hình dung, nhưng hoàn toàn mất phương hướng. Có mấy người ở đảo lâu ngày, đứng trước đám rừng rồi chỉ và giải thích cho tụi tôi đây là khu tiếp liệu, cổng chào Welcome to Pulau Bidong bên này, Sick bay, đường lên Cao Uỷ hướng này. Tôi chỉ biết đứng ngẩn ngơ. Bidong ngày nay đã thay đổi vì thời gian, tôi có cảm tưởng nó được từ từ hoàn trả lại với thiên nhiên, với vẻ hoang vu trước khi có thuyền nhân khai phá làm đất tạm dung. (La Quốc Tâm)

        ...............

        - Có một số kể lại là cũng ở vùng biển này, khi thuyền vượt biên của họ đang cố vượt qua những đợt sóng khổng lồ để tới nơi muốn tới, thì bổng dưng vang vọng nhiều tiếng kêu cứu thất thanh của mấy chiếc thuyền chung quanh, trước khi sóng dữ dìm họ xuống lòng biển cả.

        Sau khi tàu chạy qua một số đảo nhỏ xa xa màu xanh thẩm nằm im lìm trên biển trời mênh mông, đảo Bidong đã rõ dần, với núi đồi xanh tươi, hùng vĩ.

        Đòan cựu thuyền nhân trở lại Bidong hôm thứ Hai đã chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát, vắng lắng, cây cỏ um tùm chằng chịt giăng kín hầu như mọi nơi trên đảo. Mặc dù vẫn bãi cát trắng thơ mộng trải dài trên bãi biển Biđong, nhưng cầu Jetty rộn rịp tàu bè cắp bến, người lên kẻ xuống ngày nào giờ chỉ còn trơ mấy cây cột cầu. Đòan người trở về thăm phải theo một cây cầu mới xây bên cạnh để đổ bộ lên đảo.

        Khi thật sự đặt chân lên Bidong lần đầu tiên kể từ mười mấy, hai chục năm nay, nơi đong đầy những kỷ niệm buồn vui, điều trước tiên mà mọi người nôn nóng, hồi hộp thực hiện là lần theo lối món để tìm lại ngôi nhà xưa cùng cảnh vật chung quanh.

        Nhưng hình ảnh kỷ niệm ấy giờ chỉ là một cảnh hoang phế, cỏ cây um tùm che kín, khiến họ không nhận ra đâu là những nơi tạm trú ngày nào như khu A, khu B, khu C, khu D, khu E, khu F. Những cơ sở công cộng từng tận tình giúp đỡ thuyền nhân ngày nào, như bệnh viện Sick Bay nối liền cầu Jetty, trường học và khu Cao ủy xa bên trên, giờ hầu như mất dấu. (Thanh Quang, phóng viên đài RFA)

        ..................

        - Vào tháng 3 năm 2013, khoảng 300 du khách gốc Việt sẽ đến thăm đảo Pulau Bidong, từng là nơi tạm trú của nhiều ngàn thuyền nhân Việt Nam đã ra đi sau biến cố 1975.

        Đảo Pulau Bidong nằm cách bang Kuala Terengganu khoảng 40 cây số, đã bị đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 30 tháng 10 năm 1991. Hiện nay người ta chuẩn bị mở lại đảo cho khoảng 300 du khách Việt đến thăm vào tháng 3.

        Đường về Bidong xa thăm thẳm. Tôi rời phi trường Los Angeles tối Thứ Năm, sau nhiều tiếng bay, chờ chuyển tiếp ở Guangzhou, China. Cuối cùng hai anh em tôi cũng đến thủ đô của Mã Lai, Kuala Lumpur chiều Thứ Bảy.

        Tôi không khỏi nén nổi xúc động khi thấy một vài nắm mồ chôn tập thể của những người đi cùng tàu chúng tôi năm nào, nhưng điều nghiệt ngã là ngay lúc thấy đất liền, cũng là khi một cơn bão đánh tới. Tàu chìm. Họ chưa kịp đặt chân lên đất thì đã về với đất… (La Quốc Tâm)

        - Chúng tôi tới Terrengganu vào chiều tối ngày 20 tháng Ba. Từ khu nghỉ mát nằm cạnh bờ biển Terrengganu, chúng tôi có thể nhìn thấy hòn đảo Pulau Bidong mờ mờ trong làn sương đêm.

        Tôi ngồi với mấy người bạn trên bờ đá, dõi mắt nhìn ra hòn đảo. Bidong như đang mở rộng vòng tay thầm thì mời gọi chúng tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi được xe buýt chở đến cầu tàu ở Terrengganu vào khoảng 8 giờ rưỡi. Thế nhưng vì nước triều lên trễ, mãi tới gần 1 giờ chúng tôi mới lên tàu được

        Ngồi trên con tàu chòng chành, chuyển mình dữ dội trước những cuộn sóng dồn dập, tôi lại nhớ đến chuyến vượt biển hãi hùng năm xưa. .. (Nguyên Nam, 21/4/05)


        ................
        https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

        Comment

        Working...
        X