Lúc nhỏ, gia đình có cho tôi giữ riêng một quyển album ảnh. Phần đầu album tôi gắn ảnh cá nhân, ở giữa là ảnh gia đình, cuối album là ảnh bạn bè. Tết Mậu Thân chiến sự cũng xảy ra ở Phước Long. Lúc nầy tôi đã chuyển về Vĩnh Long học đệ ngũ trường Tống Phước Hiệp, vào dịp tết mẹ về rước tôi lên ăn tết gia đình sum họp. Trong lúc vội thu gom vật dụng lánh chiến nạn, tôi làm rơi quyển album xuống nền nhà phòng khách. Nhà bị cháy, quyển album cũng cháy theo nhưng nhờ mái ngói đổ xuống dập lửa nên quyển album chỉ bị cháy một phần. Do sức nóng, những ảnh giữ phía sau giữ lại được cũng bị ố vàng, còn ảnh các bạn thấy là tấm đầu tiên giữ lại được vì chỉ bị cháy xém góc. Ảnh chụp tôi cùng ba mẹ và bé hàng xóm đứng trước nhà dịp tết Đinh Mùi, 1967, lúc tôi đang học đệ lục tại trường trung học Nhất Linh, Phước Long. Căn nhà số 9B, thuộc khu cư xá công chức gia đình tôi đã ở từ năm 1962, lúc tôi bắt đầu học lớp ba.
Phần 1. Bạn Tiểu Học:
Tiểu thư Phương Mai.
Lớp năm và lớp tư tôi học trường Phước Bình B, trường nhánh gần nhà. Cuối năm lớp tư tôi được hạng nhất. Nhưng tôi nghe thầy cô nói vì là học sinh trường nhánh nên tôi chỉ được lãnh phần thưởng hạng nhì. Nghe tin nầy tôi tức và buồn lắm. Sự việc xảy ra tiếp theo đúng như vậy. Tôi được lãnh phần thưởng hạng nhì, còn người lãnh thưởng hạng nhất là một nữ lưu xinh đẹp tên Ngô thị Phương Mai.
Hè năm đó gia đình tôi dọn vào tỉnh lỵ ở vì nơi nầy đã xây dựng hoàn chỉnh và ba tôi được cấp căn nhà số 9B, khu cư xá công chức. Vào tỉnh, tôi học chung lớp ba với “tiểu thư” Phương Mai.
Phương Mai lớn hơn tôi một tuổi, là con của ông trưởng ty Công Chánh, đi học luôn mặc áo đầm, tóc thắt nơ và có xe hơi đưa đón. Đầu năm 1963 giáo dân Công giáo Phước Long xây tượng Đức Mẹ tại ngã ba đường dẫn xuống thác (sau nầy gọi là thác Đức Mẹ). Buổi lễ khánh thành tượng giáo dân Phước Long được vinh dự đón tiếp cha Ngô Đình Thục, giám mục địa phận Vĩnh Long, bào huynh của đương kim tổng thống Ngô Đình Diệm lên chủ trì. Bên cạnh sự kiện long trọng nầy còn có một sự kiện khác là lễ rữa tội và nhập đạo cho gia đình ông trưởng ty Công Chánh; gia đình của “tiểu thư Phương Mai”. Tôi không biết nguyên nhân nào mà ông trưởng ty được cha Thục nhận làm con đỡ đầu, hay vì có cùng họ Ngô?
Rồi đảo chính tháng 11/1963 xảy ra, ông trưởng ty Công Chánh bị hạ tầng công tác và chuyển đi nơi khác. Lớp tôi vắng bóng “tiểu thư”.
Sài Gòn, một chiều thứ bảy năm 1974, lúc nầy tôi đang học năm thứ hai, sẵn có tiền vì mới lãnh học bổng tôi ra khu lề đường Lê Lợi tìm mua xấp vải may quần. Lề đường Lê Lợi phía đối diện nhà sách Khai Trí, đoạn giữa Công Lý và Pasteur được phân thành những sạp nhỏ chỉ để bán hai mặt hàng là vải khúc và sách cũ. Tôi là khách “mối” của khu bán sách cũ với 2 thể loại: truyện cowboy và tạp chí National Geographic. Sau khi mua được xấp vải vừa ý tôi đi sang các sạp bán sách cũ tìm mua tạp chí National Geographic. Đi khắp các sạp nhưng không tìm được quyển tạp chí nào vừa ý nên tôi đi đến góc đường Lê Lợi - Công Lý, nơi tôi biết có mấy người chuyên đến thu mua sách từ các vựa ve chai bỏ mối lại cho sạp. Ở đó có thể có tạp chí và sách tôi muốn. Đến gần góc đường tôi thấy một chiếc xe màu trắng chạy sát vào lề rồi dừng lại. Từ trong xe người đàn ông mở cửa bước ra, đi vòng qua đầu xe, mở cửa bên kia rồi xuất hiện phía sau xe, tay phải bế một đứa bé, tay trái choàng sau lưng một thiếu phụ bụng đã khá to, dáng đi chậm chạp, mệt mỏi. Họ đang băng qua đường tiến ngay về phía tôi. Trên khuôn mặt đẹp với vẻ mệt mỏi của phụ nữ gần ngày sinh tôi nhận ra nét gì đó quen quen. Hình như đó là tiểu thư Phương Mai.
Anh Bạn có Biệt Danh “Ba Tàu”
Bạn học chung lớp, gia đình bạn là đồng hương Vĩnh Long, ở chung khu phố công chức với tôi nhưng tôi chỉ nhớ tên gia đình gọi bạn là “Ba Tàu”. Thật sự trong nhà bạn thứ ba, còn mặt bạn có nét giống người Tàu (Hoa) hay không thì tôi không nhớ. Người miền Nam hay gọi người Hoa là “Ba Tàu” hay “Cắc Chú”. Thầy dạy sử nói, “Ba Tàu là nói gọn của cụm từ người đi trên ba chiếc tàu, lần tổ chức vượt biên quy mô sang Việt Nam của quan lại nhà Minh vì không chịu nỗi áp bức của nhà Thanh. Những người Hoa nầy được gọi là người ‘Minh hương’, hay ‘khách trú’ [immigrant] và sau này nói trại là Cắc Chú.”
Lần ấy ông nội bạn từ Ba Càng, Vĩnh Long lên thăm con cháu. Sau buổi cơm chiều ông dẫn mấy anh em bạn đi suối Đá chơi. Con suối nầy ở ven tỉnh lỵ, là nơi dân Phước Long hay đến đó tắm, vui chơi vì gần nhưng để đến suối Đá phải trèo một đoạn dốc thẳng đứng dài gần 200m. Đến giờ ngủ (>9 giờ tối), mẹ bạn phát hiện thiếu bạn, thế là bác gái sang nhà tôi, sau đó là những nhà hàng xóm khác hỏi có bạn sang nhà chơi hay thấy bạn đi đâu. Không ai biết gì thêm về bạn, thế là ba mẹ bạn tri hô mất tích và nhờ hàng xóm cùng đi đến khu suối Đá tìm vì lúc nầy đã khuya. Khoảng chục người trang bị đèn pile cùng đi tìm bạn. Đến suối Đá họ chia thành 2 nhóm, nhóm đi ngược dòng suối và nhóm đi xuôi dòng, vừa đi vừa lia ánh sáng đèn và gọi tên bạn. Họ đi khoảng một giờ thì phải quay về vì lúc ấy đã quá khuya, đã gần 12 giờ đêm. Xui là đêm ấy trời lại đổ mưa với nhiều sấm sét.
Sáng hôm sau tỉnh tổ chức đi tìm bạn với quy mô hàng trăm người, có cả chó nghiệp vụ. Người ta thấy xác bạn ven suối với xương sọ bị bể. Có thể trong lúc hoảng sợ vì đi lạc giữa rừng trong đêm tối, rồi mưa giông sấm sét bạn đã chạy té đập đầu vào đá.
Sau nầy tôi nhớ lúc ấy bạn hay chơi trò đi trốn để người khác phải tìm nên đấy có thể đây là nguyên nhân khiến ông nội bạn lúc dẫn các cháu ra về dù thấy thiếu bạn nhưng vẫn cho là bình thường.
(Còn phần 2 và 3)
Nguyễn Hoàng Long