Announcement

Collapse
No announcement yet.

TẤM ẢNH CHÁY XÉM (2/3)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • TẤM ẢNH CHÁY XÉM (2/3)

    Phần 2: Bạn Trung Học Nhất Linh

    Nguyễn Văn Chín

    Chín lớn hơn tôi một tuổi, là bạn học chung lớp nhưng thương và chìu tôi như em. Bạn có điểm đặc biệt là không nói được âm /th/ mà chỉ nói được âm /kh/, như khi nói “cái thùng” bạn sẽ nói “cái khùng”! Tôi có góp ý bạn về việc nầy, bạn cho biết là gốc người Bình Dương, ở quê bạn ai cũng nói “cái khùng”, nói riết thành quen, đi học thầy cô có sửa cách nói nầy cho Chín nhưng không được! Chín mồ côi từ nhỏ nên được anh thứ ba là nhân viên ty Công Chánh Phước Long nuôi và cho đi học. Đổi lại Chín có nhiệm vụ riêng là nuôi và chăm sóc 2 con bò, bên cạnh phụ chăm sóc vườn cây vì anh Chua có mảnh vườn ở gần dốc bà Ký Họa rộng 5 – 6 mẫu trồng mít và cà phê. Phía sau nhà Chín có con suối nhỏ, nước thật trong, và nhà phải làm cầu gỗ chắc chắn để có thể dẫn đôi bò qua suối đến bãi cỏ dưới chân núi Bà Rá cho ăn. Tôi thường ra nhà Chín chơi vào buổi xế. Có gì đãi nấy: có mít ăn mít, có chôm chôm đãi chôm chôm, và thường nhất là mía. Gặp buổi xui không có gì đãi thì vào nhà xúc chén muối hột, thêm vào đó trái ớt sừng, còn dái mít (hoa đực chỉ cho phần, không tạo trái. Mít là cây có hoa đơn tính, đồng chu.) thì tự tìm hái ăn. Tôi thích ngồi trên cầu xước mía, chân ngâm dưới nước cho mát, nói chuyện bạn bè, trường lớp trong khi Chín cắt cỏ ống ven bờ suối gần đó để mang về cho bò ăn thêm một ít vào buổi tối, và buổi sáng khi Chín đi học.

    Tôi được Chín cho cưỡi bò, cùng leo núi Bà Rá, cũng nhờ đó tôi giải mã được bí ẩn về những đốm lửa lập lòe đầy huyền bí xuất hiện vào chiều tối và tắt dần vào khuya trên núi Bà Rá, những đốm lửa mà tôi vẫn cho là ma trơi tụ họp trên núi vào buổi chiều và sau đó tỏa đi các nơi làm “ăn” (!), ảnh hưởng của những truyện đường rừng đã đọc trước đó. Những đốm lửa nầy do người Stiêng bản địa đốt khi khai thác dầu chai. Lửa làm cháy dầu chai khô và lửa sẽ tắt khi hết dầu khô. Lửa cháy làm mạch thông, nhựa ứa ra chứa trong bọng sẽ được người dân tộc thu gom vào sáng hôm sau.

    Có lần Chín cho tôi thu hoạch (sớm) khoai nhà. Mấy luống khoai được trồng ven bờ suối thuộc bãi đất chăn thả chung. Có lẽ anh ba thấy đất tốt nên không muốn bỏ hoang. Thấy tôi ngạc nhiên vì thu hoạch non (dây khoai chưa ra hoa), Chín giải thích, “Tao khổ vì mấy luống khoai nầy lắm. Mỗi lần dẫn bò nhà đi ngang giữ cho nó không dẫm đạp, hay ăn lá khoai đã bắt mệt, rồi còn phải lo trâu bò người khác phá. Mà tao đâu dám nói mạnh với họ? Chỉ có nước năn nỉ vì ai cũng biết đây không phải là đất nhà tao! Khoai lang nầy giống Okinawa của Nhật mới nhập vào nước mình, củ tròn, vỏ trắng nhưng ruột vàng. Anh ba xin giống của ty Canh Nông về trồng. Mầy lần đến gốc dây khoai rồi kéo nhẹ lên, lặt củ, sau đó lấp đất ở gốc lại. Tránh đừng làm đứt rễ phụ để cho dây khoai vẫn mọc xanh tốt. Để sau nầy khi ‘khu’ hoạch được quá ít, tao sẽ nói anh ba ‘khôi’, không trồng khoai ở đây nữa.”

    Tôi ăn thử một củ thấy khoai rất ngon nên lặt lia lịa, những củ khoai tròn, to bằng nắm tay để đầy đất và gặp vấn đề: không bao chứa! Tìm đâu ra bao chứa giữa đồng cỏ mênh mông?

    Gần bờ suối tôi thấy có mấy bụi môn nước lá thật to. Nếu ngắt 5 – 7 lá môn và ốp lại giỏi lắm cũng chỉ đựng được một chục củ; không đáng công mà còn phải lo phi tang đám khoai đã lỡ lặt, phí! Vào nhà lấy bao đựng là điều không thể, vì làm thế khác nào thú nhận trộm khoai với chị dâu Chín? Cúi đầu suy nghĩ tôi nhìn thấy… cái ống quần của tôi. Thế là tôi cởi quần (cũng may là tôi có mặc quần cụt bên trong, vì tôi có thói quen là đi chơi phải ăn diện tươm tất), thắt gúc 2 ống, cài nút quần, bỏ khoai vào. Lúc quần đã chứa đầy khoai tôi tuốt vài dây khoai xỏ vào quai dây nịt buộc chặt cho khoai khỏi rơi ra ngoài. Lo vụ khoai xong tôi trở lại cầu ngồi xước mía. Lúc Chín trở lại thấy cái quần chứa đầy khoai để sát đầu cầu bạn trố mắt ngạc nhiên nói, “Tao đang lo, không biết cách nào đựng khoai cho mầy!”… rồi nói tiếp, “Lúc về, mầy đừng đi vào nhà mà vác … cái quần khoai đi vòng sang vườn nhà hàng xóm để chị ba khỏi ‘khấy’. Xe đạp của mầy tao sẽ dẫn ra để ngoài mé lộ.”

    Trên đường về, người đi đường ai thấy thấy tôi đạp xe với cái quần chứa đầy khoai choàng qua cổ cũng phải cười.

    Chín hay cho tôi quà là những chiếc dù hỏa châu (trái sáng) loại nhỏ. Chín cho biết: “Dù trái sáng loại lớn do máy bay ‘khả’ lượm được tao đưa chị ba cất để dành may mùng, mền cho gia đình, hay mang về quê tặng bà con. Mùng may bằng vải trái sáng người ngủ không quen sẽ ‘khấy’ ngợp, nhưng mền vải trái sáng đắp sướng lắm vì mùa nắng đắp mát, mùa lạnh đắp ấm. Dù trái sáng loại nhỏ nầy tao lượm được nhiều lắm, có buổi nhặt được 2 – 3 cái. Nhặt được bao nhiêu tao nhét hết lên nóc chuồng bò. Có ai chơi ‘khì’ cho. Tao đâu có ‘khời’ giờ mà chơi! Lùa bò ra đồng phải lo coi chừng, không ‘khì’ người ta dắt mất. Mùa nầy còn đỡ, mùa bò động đực mới mệt. Bò đực húc nhau, rồi rượt bò cái chạy tán loạn, có khi chạy lên núi làm tao phải đi tìm, vừa mệt, vừa sợ. Ai nói bò ngu? Bò nhà tao khôn ‘khấu’ trời, nháng ‘khấy’ tao đi học về là nó ‘um bò’ vang trời đòi tao dẫn ra đồng. Chiều lùa bò về còn phải gánh mấy mươi đôi nước từ suối lên tưới cà phê rồi mới đi tắm, ăn cơm. Tối ngồi vào bàn học người rã rời, đầu nặng như đá, gục lên gục xuống, mi mắt như đeo chì, mỗi buổi tối ngồi học bài phải đi rửa mặt vài ba lần cho tỉnh! Đâu có sướng như mầy và ‘khằng’ Ngọc, học xong là đi chơi, ra chỗ ba mầy làm đánh bóng bàn.”

    Dù trái sáng Chín cho tôi chơi sướng hơn chơi dù đồ chơi nylon vẫn bán cho trẻ em. Cánh dù rộng gần một mét, phía dưới khỏi cần cột thằng hình nhựa vì đã có vật nặng là cọng thép mang một tấm thép dầy, hình tròn đường kính khoảng 5cm, hình như là đáy của hộp hóa chất khi cháy sẽ phát sáng.

    Tôi mang một số dù Chín tặng về Sài Gòn cho các em họ của tôi cùng chơi. Chúng là sự ao ước, là nỗi ganh tỵ của trẻ em trong khu phố. Lúc ấy (những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 thế kỷ trước) đất nước đang có chiến tranh, đêm đêm những trái sáng được bắn lên, hay được phi cơ thả, thắp sáng ven đô. Trẻ em đô thành chỉ có thể ngước nhìn theo cánh dù trắng bay thấp thoáng phía xa mà ước ao, mong đợi cơn gió nào đó thổi bay về chỗ nhà mình. Một trong những cánh diều các em chơi đã vướng vào đường dây điện không lấy xuống được. Người hàng xóm phải dùng lửa đốt dù để dây điện không bị dù kéo làm chạm, nhưng vẫn còn lại đám dây bên dưới dù.

    Một hôm nào tôi phải trở về đường Cao Đạt nhìn lại đám dây dù trước khi nhân viên điện lực thay đường dây, mất đi kỷ niệm.

    Chín ơi mình đã vài lần nhắn tin tìm bạn nhưng không được hồi âm. Bạn là người giỏi lao động, biết sắp xếp công việc cho hợp lý, và rất trung thực. Với những đức tính nầy, dù bạn ở bất cứ nơi nào mình tin bạn sẽ thành công.

    Nguyễn Hoàng Long


Working...
X