Announcement

Collapse
No announcement yet.

Vu Lan nhớ Đấng Sinh Thành

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Vu Lan nhớ Đấng Sinh Thành

    2018 đúng là một năm thật là bận bịu của Xuân Lan. Vắng bóng hơi lâu ở trang linh tinh của mình.

    Nhân mùa Vu Lan đến, Xuân Lan được đọc một bài thơ về Đấng Sinh Thành của người bạn thuở trung học Nguyễn Huệ, đồng thời cũng được đọc luôn bài bình thơ lại là của vợ bạn mình. Cả hai đêu là bạn học năm xưa, một thời ngây thơ, nghịch ngợm. Đọc xong mới thấy thật là phu xướng phụ tùy.

    Xuân Lan đọc thấy hay hay, nên share cùng với các bạn SPKT mình đây.



    * Thơ:

    ĐẤNG SINH THÀNH

    Cha già cỡi hạc qui tiên

    Bỏ con ở lại muộn phiền bao năm.

    Mẹ già tần tảo sớm hôm

    Nuôi con ăn học cho bằng người ta.

    Mới đà mấy chục năm qua

    Nghĩ thương thân mẹ cánh cò long đong.

    Mẹ ơi từng lá trầu tăm

    Trong khay ngày nọ có còn thắm môi.

    Hỡi ơi mẹ cũng đi rồi

    Bỏ con côi cút bùi ngùi xót xa.

    Nhà ai có nóc có cha

    Nhà tôi mái dột sương sa lạnh lùng.

    Cuộc đời dâu bể mông lung

    Bao giờ cha mẹ trùng phùng với con.


    **Trần Quốc Thành**

    * Bình thơ:

    Vu lan nhớ mẹ. Đọc bài thơ "Đấng sinh thành" của anh Trần Quốc Thành với một nỗi niềm cảm thông sâu sắc. Một bài thơ đáng để làm quà Vu Lan.

    Mở đầu bài thơ là dòng tâm sự của tác giả về hoàn cảnh của mình:

    " Cha già cỡi hạc qui tiên

    Bỏ con ở lại muộn phiền bao năm. "


    Thế là mồ côi cha. Thật ra ở đời lắm khi có cha cũng chắc gì đã sướng, nhưng không cha đảm bảo khổ trăm bề. Mọi sự mất mát tình cảm đều để lại sự trống rỗng, côi cút bơ vơ như một căn nhà thiếu nóc lạnh lẽo tứ bề.

    Trong kí ức, Người cha đáng kính đáng trọng ấy đã về cõi hạc, để lại anh soi thấu những tháng năm:

    "Mẹ già tần tảo sớm hôm,

    Nuôi con ăn học cho bằng người ta. "


    Có lẽ anh là đứa con muộn, đứa con trai cầu tự của ông bà cho nên anh mới viết "Cha già" "Mẹ già." Ông mất bà một mình gồng gánh nuôi con khôn lớn. Và anh là nguồn động lực vô bờ bến đối với bà. Trong cái quang gánh trĩu nặng đôi vai ấy, trong cảnh nắng sớm mưa chiều ấy...cũng chỉ mong sao được " Nuôi con ăn học cho bằng người ta."Cha mất thì mẹ phải nuôi, đó cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng nuôi như thế nào mới là điều đáng nói. Kí ức về mẹ của tác giả đẹp một cách chân chất giản dị mà sâu lắng đến nao lòng. Ta có thể tưởng tượng ra cả không gian và thời gian của hai mẹ con. Trong căn nhà ngói đỏ quen thuộc ở nông thôn, chính giữa là bàn thờ gia tiên, bên phải để bộ phản gõ, bên trái là căn phòng lồi làm chỗ cho anh con trai học hành. Nhà trên thông với nhà dưới bằng một cửa đi nhỏ gọi là cửa mạch. Và đó cũng là mạch sống của mẹ anh. Khi đêm đêm đong đưa trên chiếc võng dưới nhà, nhìn phòng lồi sáng đèn biết con trai đang dùi mài kinh sử,lòng mẹ không còn đọng chút mệt nhọc sau một ngày tần tảo ruộng nương.

    Hai câu lục bát chứa đựng phẩm chất của một bà mẹ quê.Cách nói dân dã, gần gũi nhưng hàm chứa một sự tự tin, một tình thương yêu kỳ vọng rắn rỏi đầy vững vàng vào con mình. Trong Tiếng Việt có ba từ so sánh hơn thua, nhưng mẹ chỉ ao ước sao được "Nuôi con khôn lớn cho bằng người ta." Nghĩa là mong con biết sống đời thiện lương, biết ăn biết ở, biết đứng vững ở đời không luồn cúi bon chen, là không phải chân lấm tay bùn nghèo khổ, là có kiến thức học hành để đọc và bình Lục Vân Tiên cho mẹ nghe...

    Rồi thời gian cứ thế trôi, nỗi nhọc nhằn của mẹ già qua mắt nhìn của con thì không sao xoá nhòa:

    "Mới đà mấy chục năm qua,

    Nghĩ thương thân mẹ cánh cò long đong."


    Nói câu thương mẹ sẽ cho là thừa, nhưng nếu ai không thương mẹ mình thì cũng chẳng phải là con. Hình ảnh mỗi sáng sớm, con trai thức dậy học bài thi, mẹ già dưới nhà cũng lục đục bên khay trầu.Câu thơ gợi một vùng kí ức đẹp về mẹ :

    "Mẹ ơi từng lá trầu tăm,

    Trong khay ngày nọ có còn thắm môi. "


    Đời mẹ nghèo vất vả vì tương lai của con. Nhưng mẹ vẫn rất đẹp, nét đẹp của một người con gái trong ca dao, của một người phụ nữ truyền thống, suốt đời vì chồng vì con, chọn cuộc sống chân chất lam lũ nhưng ẩn bên trong là một nghị lực phi thường,một sức mạnh của tình thương yêu dành cho gia đình của mình vô bờ bến.

    Dẫn theo mạch cảm xúc của bài thơ là một sự mất mát quá lớn, trắng tay :

    "Hỡi ơi mẹ cũng đi rồi,

    Bỏ con côi cút bùi ngùi xót xa.

    Nhà ai có nóc có cha,

    Nhà tôi mái dột sương sa lạnh lùng."


    Hai cụm đối "Nhà ai/ Nhà tôi", họ có/ tôi không, họ ấm áp/ tôi lạnh lùng...hàm nghĩa một tấm thân côi cút bơ vơ đến tận cùng của sự mất mác.

    Đã bao năm trải qua "Cuộc đời dâu bể mông lung" anh vẫn ao ước về mái ấm gia đình như một đứa trẻ "Bao giờ cha mẹ trùng phùngvới con".

    Giờ đây anh hiểu được ý "ăn học cho bằng người ta" của mẹ để nhớ lại thì chắc chắn anh đã trưởng thành.Và hơn thế nữa,anh đã phấn đấu không ngừng để không những bằng mà có cái đến hơn người ấy chứ.

    Ngẫm lại, đời cho ta mọi thứ nhưng không nhiều. Thời gian sống bên những người thân yêu cũng không phải là vô hạn.Đến một lúc nào đó, ta sẽ thấy năm tháng sống bên cha mẹ lại càng hữu hạn hơn.Mùa Vu Lan năm nay,đời gắn cho anh một bông hồng màu trắng. Tìm nhói đau, anh với tay trao lại cho cây đại thụ hiếu thảo một bông hoa ân đức sinh thành bằng thơ. Rất đáng trân trọng.

    Đặng Kim Nghĩa

Working...
X