Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bác Sĩ Gà - Phần II

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bác Sĩ Gà - Phần II

    [img]http://gataduyxuyen.com/wp-content/uploads/2016/06/1434182130-qgtr81_swax.jpg

    [/img]

    Thầy bảo tôi phải làm một bản tường trình báo cáo lên chuyên gia Cuba và đổ tội cho con giống của họ bị bệnh di truyền từ bố mẹ chứ không phải do mình chăm sóc. Bệnh này gọi là Leukomasis, một loại giống như ung thư gan. Gan nổi những hột trắng và gan sưng to làm gà không thở được lăn ra chết, không có thuốc trị.

    Nhiệm vụ kỹ thuật của chúng tôi là sáng đi một vòng các chuồng trại và loại ra gà bịnh, gà chết, công nhân sẽ lượm cho Kỹ Thuật mổ khám, định bịnh và cho thuốc. Ngoài ra còn phải kiểm tra tình hình thức ăn, nước uống của gà, xem công nhân có vệ sinh đúng mức để gà được ăn đầy đủ thức ăn mới và nước uống sạch. Đây là trại gà giống, con giống được mua từ Cuba và chuyển đến bằng máy bay đến nên giá thành rất cao. Từ trại gà giống này chúng tôi nuôi và nhân giống lên ấp và bán gà con cho toàn miền Nam. Theo qui định, chỉ Kỹ Thuật mới được quyền loại ra gà bịnh mà thôi. Một buổi sáng anh ta xuống trại và loại ra mấy trăm con gà, chú trưởng trại thấy công nhân khiêng gà lên quá chừng ổng xanh cả mặt. Không biết gà bị bịnh gì mà anh ta loại ra như vậy, chẳng mấy chốc sẽ hết gà để nuôi. Xuống xem mới hay gà bị bệnh đậu gà, chỉ cần bôi thuốc phẩm xanh vào là hết, thế là ổng bắt công nhân bôi thuốc và khiêng gà bỏ trở lại vào chuồng, sau đó kêu anh chàng Bác Sĩ To Gan lên la cho một trận. Không biết thì phải hỏi ý kiến của ổng chứ đừng làm ẩu làm tả, anh ta chỉ cười trừ như không có chuyện gì xảy ra.

    Nghĩ cũng tội nghiệp anh ta, cứ bị chú Trưởng Trại la hoài về tội đi trễ, không báo cơm trưa nên có khi anh ta cũng bị nhịn đói. Làm việc ở đó ai cũng phải báo với nhà bếp mỗi ngày để họ biết nấu cơm cho mình ăn. Trễ hơn 8 giờ sáng nhà bếp đi chợ rồi nên không biết mình có đi làm hay không? Lúc đó ở chung quanh trại cũng như khắp vùng chẳng có hàng quán gì cả. Nhiều lúc công nhân thấy anh ta không có gì ăn họ cũng chia xẻ phần của mình.

    Nghĩ cũng tức cười, bị la hoài nên anh ta cũng coi như “ne … pas”, như không có chuyện gì xảy ra, như buổi sáng đó uống cà phê không đường, lỗ tai này ra sau ót chạy mất tiêu chứ không thèm nghe. Sau này chú Trưởng Trại phải chuyển anh ta qua khâu trộn thuốc vào cám cho gà, công việc này nhẹ nhàng không đụng chạm trực tiếp tới gà. Với đồng lương chết đói của Kỹ Sư lúc đó nên anh ta phải chịu khó, chiều về ghé chợ Thủ Đức mua rau muống về bỏ mối trên chợ Xóm Chiếu. Lúc này tôi mới biết là tại sao anh ta cứ đi trễ hoài vì mỗi sáng anh ghé vào chợ Thủ Đức bỏ mối kẹo nhà làm, kể ra cũng biết làm thêm phụ vào đồng lương eo hẹp. Chú Trưởng Trại nói hoài không được nên tìm cách đẩy anh ta về làm cố vấn nuôi gà cho Cảng Sài Gòn. Thế mà lại gặp may, gần nhà mà lại là chỗ làm ra tiền nhiều, đúng là “Thánh Nhân đãi kẻ khù khờ”.

    Tôi vẫn tà tà đạp chiếc xe Mini cọc cạch đi làm. Hôm đó trên công ty phân phát xuống trại một chiếc xe đạp Hà Nội với giá hữu nghị, toàn trại 80 người đành phải bốc thăm và may mắn sao tôi lại trúng. Hôm sau về công ty nhận chiếc xe đạp xong là hí ha hí hửng đạp từ Sài Gòn lên trại gà Hồng Sanh, cũng đến gần trưa mới gần đến nơi. Tưởng xe đạp tốt ai ngờ đang đi tự nhiên sao thấy cái lốp xe đằng trước bỗng nhiên phù to ra, kẹt cứng. Vừa nhảy xuống xe để xem thì bánh xe nổ cái rầm, thế là đành phải dắt bộ đến trại, cũng mất cả 20 phút. Nhờ người coi dùm thì toàn đồ dzỏm, đúng là tiền nào của đó. Sau đó phải thay gần hết phụ tùng, chỉ còn lại mỗi cái sườn, nhưng thôi cũng có chiếc xe đạp đầm để đạp, vẫn lẹ hơn chiếc xe Mini. Đó cũng là món quà đầu tiên của tôi mua được kể từ ngày ra trường.

    Tổ Kỹ Thuật của tôi lúc đó có thêm người, anh tổ trường ngoài Bắc vào. Đi du học Mông Cổ về cũng chả biết gì về ngành gà cả, nên công nhân nói đùa “Ổng chỉ có Mông và Cổ chứ không có đầu”. Do không có kinh nghiệm trong ngành gà mà lại hay rầy la, nên nói gì công nhân cũng không nghe. Có hôm tụi nó lừa nhốt ổng trong chuồng khi ổng vô coi gà, họ chốt trái cửa ở ngoài làm ông không sao ra được, phải nhờ mấy người bảo vệ mở dùm. Có la lên thì tụi nó nói quên, không biết, không thấy ổng, nên cũng huề thôi. Sau lại có thêm một chàng kỹ sư bên Đại Học Nông Nghiệp về, anh này đã làm đề tài chuyên ngành về gà, xốc vác và thường chia bớt công việc cho tôi. Tôi không phải xuống trại gà thường xuyên, sợ nhất là phải đi coi tình hình sức khoẻ đàn gà buổi sáng sớm hay tình hình trại mỗi tối. Biết tính tôi sợ ma, nên mỗi lần tôi đi là chú trưởng trại phái thêm một anh bảo vệ và một cô kỹ thuật viên đi theo hộ tống. Những đêm cả trại chích ngừa cho đàn gà giống, tôi là người phải pha thuốc chủng ngừa và đưa xuống từng trại để Kỹ Thuật và công nhân cùng làm. Thường thì phải chích ngừa ban đêm để khỏi làm xáo động đàn gà, mà đường từ kho thuốc xuống các trại thì xa và tối. Đi một mình cũng hơi ớn nên lúc nào tôi cũng kéo theo cô kỹ thuật viên. Cô này có nhiệm vụ chuyên báo cáo lên bảng mỗi buổi sáng cho chú Trưởng Trại và tổ Kỹ Thuật về tình hình đàn gà mỗi ngày. Chẳng hạn như tại sao gà chết nhiều? Tại sao số lượng trứng giảm so với ngày hôm trước, để tìm biện pháp khắc phục.

    Vui buồn của nghề Kỹ Thuật

    Năm 1981, lần đầu tiên trại gà Hồng Sanh được thưởng vì nuôi gà con vượt tiêu chuẩn được giao, trên giao tỉ lệ gà chết là 3%, nuôi sống là 97%. Công nhân nuôi gà con rất cực phải ngủ lại dưới trại hai tuần lễ đầu, nửa đêm thức dậy để thay nước uống sạch và cho gà ăn, nhờ đó đàn gà lớn mau. Hơn nữa bên Kỹ Thuật chúng tôi luôn theo dõi sát tình hình thuốc men, thức ăn và kiểm tra, đốc thúc công nhân trong việc chăm sóc gà, nên có những trại tỉ lệ nuôi gà sống lên đến 98 - 99%. Đến ngày làm công tác giống, 56 ngày tuổi - phân biệt gà trống, gà mái, tách ra nuôi riêng với khẩu phần ăn khác nhau, chọn những gà nào tốt để lại làm giống nuôi tiếp, những gà nào không đạt tiêu chuẩn thì xuất bán thịt, đa phần gà đều đạt trọng lượng nên trại năm đó lời to. Lúc đó công ty bắt đầu phát thưởng cho trại gà theo số tiền lời mà trại làm ra. Công nhân và nhân viên cả trại mừng lắm, ai cũng hoan hỉ góp phần vào kể công, từ trên văn phòng xuống tới nhà bếp, từ tổ bảo vệ cho đến tổ y tế, kể cả kế toán và thủ quỹ ai cũng có công hết. Riêng tổ Kỹ Thuật chúng tôi thì đứng chót bẹt và được thưởng ít nhất vì chỉ đi vòng vòng chả làm gì cả??? Anh tổ trưởng tổ Kỹ Thuật và tụi tôi thấy buồn bực vì họ chưa thấy được tầm quan trọng và việc làm của chúng tôi. Họ chỉ thấy chúng tôi đi vòng vòng quan sát và nhắc nhở công nhân thay thức ăn, lau chùi máng uống, nên họ không thích, nhưng đành chịu chứ biết nói sao hơn. Đời bất công là thế.

    Cho đến một hôm chú Trưởng Trại đi phép, anh tổ trưởng Kỹ Thuật với cương vị là Phó Trại, không có trách nhiệm nhiều nên ít xuống đốc thúc công nhân làm vệ sinh chuồng trại, mà gà lại rất nhạy cảm với không khí, thức ăn và nước uống. Không đốc thúc là họ không làm vệ sinh chuồng trại thường xuyên, mà la nhiều thì họ ghét. Thế là dịch bệnh xảy ra, gà bị CRD lại thêm dịch tả (New Castle). Gà đang lớn sơn sởn, đang đẻ rộ mà chết la liệt, gà đẻ nằm trong ổ cũng chết. Một cơn gió thoảng qua gà nằm xuống hàng loạt, mỗi ngày gà chết mấy trăm con là thường. Thấy mà xót cả ruột, mỗi khi gà chết công nhân nuôi gà lo và khóc, ai nấy xanh cả mặt. Phòng Kỹ Thuật và chuyên gia Cuba xuống xem, phán gà bị dịch tả vì chuồng trại mất vệ sinh, phải đào lỗ chôn hết và không ai được ăn cũng không được bán ra ngoài sợ lây lan cho những trại gà bên cạnh. Chú Trưởng Trại sau tuần nghỉ phép về thấy tình hình trại quá bi đát nên ổng phải xuống phụ với Kỹ Thuật trong việc đốc thúc và kiểm tra công nhân làm vệ sinh, sát trùng chuồng trại cho thật sạch sẽ. Chủng ngừa cấp tốc cứu được con nào hay con đó. Riêng những con gà đã chết mà chuyên gia Cuba bắt đào hố bên cạnh trại để chôn, thì ông cho một nhóm người qua đó, chặt đầu lột da hết thẩy những con gà mới chết rồi bỏ vô bao, âm thầm đem ra chợ bán, gỡ được đồng nào hay đồng đó. Điều này vi phạm luật vì nếu những trại gà khác mà cũng lây dịch, họ phát hiện thì trại tôi sẽ bị trách nhiệm, nhưng thời buổi đó mà. Kiện ai? Ai xử? Với lại đang thời kỳ khó khăn, nhiều người không có ăn, gà đang mập mạnh mới chết còn nóng hổi lại bảo vất đi thì họ đâu chịu. Thế là nguyên tổ nhà bếp có nhiệm vụ đem gà ra chợ bán lấy tiền, của đổ hốt được đồng nào hay đồng đó. Lúc này thì họp hành liên miên, họp qui trách nhiệm. Ai là người chịu trách nhiệm trong vụ gà chết vì bệnh dịch này? Tổ Kỹ Thuật chứ ai vào đây. Lúc này anh tổ trưởng Kỹ Thuật mới lên tiếng “Uả sao lúc quyền lợi thì ai cũng nhảy vào dành phần chia chác, nhưng đến khi nhận trách nhiệm thì chả thấy ai nhận hết vậy”. Lúc này anh tổ trưởng Kỹ Thuật mới mạnh miệng nói “Kỹ thuật là linh hồn của trại”. Từ đó họ mới thấy được tầm quan trọng của những người Kỹ Thuật, cũng từ đó tổ Kỹ Thuật của tụi tôi được ưu đãi hơn, chứ không như lúc trước bị coi như con ghẻ. Đời là thế đấy, quyền lợi thì họ hưởng nhưng trách nhiệm thì mình chịu. Một bài học quá đắt cho cả hai bên. Một thời gian sau tôi được chuyển qua trạm ấp trứng.

    Được điều qua coi trạm ấp, chú Trưởng Trại cũng mến và muốn giữ tôi lại làm ở trại lâu dài, vì thấy tôi cũng chịu thương chịu khó, giao việc gì là làm đến nơi đến chốn. Ông cũng muốn giúp tôi lên làm Trưởng Trạm ấp, nhưng ông đâu biết trong lúc đó tôi đã xin chuyển lên quận Tư và trong tương lai phòng Kỹ Thuật sẽ kéo tôi về thành phố để mở phòng thí nghiệm trên đó cho tôi làm. Thứ Bảy tuần đó ông phán một câu xanh rờn ”Thứ Hai mày dọn đồ lên đây ở, tao cấp cho mày một căn nhà, tao gả chồng cho mày, đám cưới tao lo xe hoa cho mày”. Chả là có anh chàng Kỹ Sư người Bắc cũng du học Cuba về đang được huấn luyện tại trạm ấp, anh biết cách vận hành máy ấp trứng và ra gà con. Ắt hẳn là ổng muốn dùng tôi làm mỹ nhân kế để bắt cóc anh chàng này chăng? Tôi về hỏi ý kiến ở nhà, sáng thứ Hai tôi trả lời với chú Trưởng Trại “Dạ cám ơn chú, má con nói ở nhà má con nuôi”. Thế là ổng nói như mất hồn “Thôi, thôi, mày không lên ở đây thì thôi. Vẫn đi làm bình thường nha con”, chú trưởng trại đã phải lùi một bước để giữ chân tôi.

    Sự thật với đồng lương eo hẹp tôi không lệ thuộc vào nó, chỉ đi làm vì mang tiếng là tốt nghiệp Đại Học thì phải có việc cho xứng với kiến thức của mình. Lương bổng thấp, tôi phải ra nghề tay trái làm thêm vào buổi chiều, như giao thuốc Tây cho các phòng mạch quen, giao thuốc lá cho các mối bán dọc đường. Hơn nữa tôi thích ở trên thành phố để có điều kiện học thêm nhiều thứ như Anh văn, làm bánh, bắt bông kem, cắm hoa, đi bơi, thể dục nhịp điệu ... Một ngày của tôi phải đầy thú vị chứ bắt tôi sống như công nhân ở trại chỉ biết đi làm, ăn cơm trong trại và tối coi TV ở văn phòng rồi về ngủ, sáng đi làm tiếp. Một ngày như mọi ngày, thì thật là chán, làm sao tôi chịu nổi. Thế là từ đó tôi đi quá giang xe với chị Thủ Quỹ và chị Kế Toán để về thành phố mỗi ngày. Không phải đạp xe nữa, mà vẫn đi làm ở trại gà Hồng Sanh cho đến khi nhận được mảnh bằng Kỹ Thuật Nông nghiệp sau 18 tháng tập sự. Không lâu sau đó, tôi đã thử ”tìm đường cứu nước” vào năm 1992, nhưng không thành công. Với chuyến đi phép kéo dài đến 6 tháng của tôi, cơ quan cũ không có lý do gì để kéo tôi về trở lại. Lúc đó Bác Sĩ Võ Bá Thọ trưởng phòng Kỹ Thuật, quý mến tôi là một người chịu khó, có kinh nghiệm trong ngành gà và công tác giống, nên đã giới thiệu tôi làm Kỹ Thuật cho trại gà thuộc Công Ty Xuất Nhập Khẩu Thủ Đức. Bắt đầu một chặng đường mới, một công việc mới nhiều trách nhiệm hơn, sẽ kể tiếp sau nhé.
Working...
X