THIÊN NHIÊN
Có truyền thuyết cho là ở miền Đông có 2 bà tiên, chị tên Bà Đen, còn em tên Bà Rá. Hai bà sau này hoá thành 2 ngọn núi: Núi Bà Đen ở Tây Ninh vì là hoá thân của chị nên cao hơn 900m, trong khi núi Bà Rá ở PL chỉ cao 733m.
Ngọn Bà Rá sừng sững đã làm choáng ngợp tâm trí tôi. Dù sống ở Phước Bình (gần 2 năm trong cộng đồng nhỏ dưới dốc phi trường), hay ở thị xã PL (sau đó ba tôi được cấp nhà trong khu phố công chức), chỉ cần bước ra khỏi nhà là tôi có thể thấy núi. Khung cảnh hoang vu, vắng vẻ ban ngày, đêm tối tăm do không có đèn điện (những năm đầu), cùng với tiếng kêu của thú rừng, cộng với trí tưởng tượng khi nghe kể những truyện như trại tù Bà Rá xưa không cần hàng rào vì ai đi vào rừng sâu là bị hổ ăn thịt… và nhất là sau này khi xem những truyện đường rừng làm tôi vừa sợ, vừa tò mò muốn biết, muốn khám phá.
Sau khi tôi lên PL sống được vài tháng, một buổi sáng chú nhà kế bên đi làm muộn, khi đi có mang theo một va li to. Khoảng 9 – 10 giờ chị em tôi ra sân chơi mới thấy trước cửa nhà chú có những dấu tròn, to gần bắng cái chén ăn cơm và một bãi nước bọt. Mẹ tôi ra xem nói đó là những dấu chân hổ và bãi nước bọt của hổ. Con hổ đã ở đó khá lâu nên nước bọt mới nhểu thành bãi! Ba tôi lập tức thuê người làm hàng rào cao quanh nhà. Nhưng có người nói có những con hổ có thể vác con bò nặng 200 – 300kg mà vẫn có thể nhảy qua rào cao 2m! (Vác con bò 300kg nhảy qua rào cao 2m thì chưa chắc, nhưng mới đây, hổ ở khu du lịch Đại Nam, Bình Dương đã nhảy qua hàng rào cao hơn 2m.) Để giữ chân chị em tôi trong nhà, ba mua về thật nhiều sách, truyện. Thế là tôi làm quen với Những Tâm Hồn Cao Thượng, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Cậu Hoàng Con, Truyện Cổ Nước Nam… và cả Cổ Học Tinh Hoa. Một thời gian sau căn nhà kế bên được 2 cô giáo sang lại (cô Liên và cô Định), và hai cô trở thành hàng xóm thân thiết của chúng tôi.
Ngay buổi chiều đầu tiên vào ở thị xã PL tôi đã phát hiện một việc lạ. Do căn nhà mới của gia đình mặt trước hướng gần thẳng về phía núi Bà Rá nên ngồi trong nhà cũng có thể nhìn thấy núi. Buổi chiều hôm ấy, khi mặt trời vừa xế là tôi thấy thấp thoáng trên núi có những đốm lửa. Càng về tối số đốm lửa trên núi càng nhiều, cao điểm là khoảng 9 giờ, sau đó những đốm lửa ít dần. Có người biết chuyện giải thích những đốm lửa ấy là do người S’tiêng đốt khi khai thác dầu chai trên núi (có người gọi là dầu trai), nhưng không giải thích tại sao lúc hơn 9 giờ thì những đốm lửa ít đi và về thật khuya thì mất hẵn. Trí óc non nớt của tôi lúc ấy bị ảnh hưởng nhiều bởi những truyện ma, truyện đường rừng đã khiến tôi nghĩ rằng những đốm lửa ấy là những con ma trơi phát ra ánh sáng và chúng bay được. Chiều tối ma bay lên núi tụ họp (!) rồi sau đó ma bay toả đi những nơi khác hành sự, vì thế sau 9 giờ những đốm sáng trên núi ít dần rồi hết.
Sau này, khi đi học và có bạn nhà ở gần núi, tôi đã có dịp trèo lên … chân núi, và nhìn thấy cây dầu với cái bọng mà người Thượng đục trong thân cây để khai thác chai. Bọng được đục sâu vào vùng gỗ với đáy bọng phía trong sâu hơn phía ngoài vỏ. Dầu chai khi khô bít kín mạch khiến nhựa không tiết ra được. Buổi chiều, người Thượng dùng lửa đốt cháy lớp dầu khô trên bề mặt bọng làm mạch trên thân cây dầu thông suốt và nhựa chai tiết ra. Nhựa chai khô cháy hết cùng lúc dầu chai lỏng tiết ra làm tắt lửa và chúng được giữ lại dưới đáy bọng. Sáng sớm hôm sau đồng bào Thượng đến lấy đi phần nhựa chai lúc nầy còn lỏng, phần nhựa đặc nhưng mỏng dính trên bề mặt bọng sẽ bị đốt vào buổi chiều. Theo thời gian khai thác, bọng trên thân cây dầu ngày một to hơn cho đến lúc cây chết. Rất đơn giản.
PL thuộc vùng cao nguyên, mùa nắng khô khan, bụi đỏ bay mù, trên mặt đất cỏ và cây bụi chết rụi. Mùa này người dân nghèo PL có nhiều nỗi lo: lo thiếu nước sử dụng và nhất là lo cháy nhà. Nhà cất cách nhau khá xa (vài ba mươi mét) nhưng vẫn bị cháy lây do mái thường lợp bằng tranh, tàn (lửa) tranh nhẹ theo gió bay đi rất xa làm cháy lan. Thế là khi có đám cháy dù ở rất xa, cả xóm mái nhà đều không còn do chủ nhà tốc mái xuống, ngừa bị cháy lan. Người có điều kiện hơn thì lợp nhà mái tre, ít lo bị cháy. Mái nhà tre lợp theo nguyên tắc của mái ngói âm dương, một hàng đặt ngữa cạnh một hàng đặt sấp. Mái nhà tre tuổi thọ khoảng 3 năm, còn mái tranh may lắm là 2 năm. Có người còn lợp nhà bằng những cái lá to (dài 20 – 25cm) của dây trung quân.
Mùa mưa cây cỏ mọc xanh tốt che khuất làm núi rừng thêm phần âm u, bí ẩn. Ở PL có loại kiến rừng màu đen bóng, cơ thể to hơn kiến vàng, người dân gọi là kiến bù nhọt. Khi bị loại kiến này cắn, người bị cắn có cảm giác đau như điện giật, và cảm giác đau kéo dài. Người mới lên PL chưa có kinh nghiệm về loại kiến này khi mua gà, vịt về để dành hôm sau ăn sẽ cột gà, vịt cho đứng dưới đất, hôm sau quay lại chỉ còn thấy dây cột, lông và xương. Sau trận mưa, mối rừng bụng to bằng mút đủa mọc cánh bay đầy được người S’tiêng bắt ăn. Cảnh này trông vui vui.
Mùa hè ve kêu ran, nhưng vào buổi tối (khoảng 18 - 20 giờ) loại ve rừng, to gấp vài lần ve thường, mới lên tiếng. Tiếng kêu của loài ve này to như tiếng còi đò dọc đi Hòa Ninh, Chợ Lách, Đồng Phú. Chúng làm tôi thêm nhớ quê hương Vĩnh Long. Vì có tiếng kêu to nên loại ve này rất dễ bắt. Chỉ cần dùng đèn pin chiếu về hướng phát ra tiếng kêu là có thể thấy chúng. Hình như loài này bị thu hút bởi ánh sáng đèn, nên khi bị chiếu đèn chúng không bao giờ bay đi.
Mùa đông PL khá lạnh và nhiều sương mù. Loại sương mù ở đây rất dầy và thường ở là là sát mặt đất. Khi nhảy từ bên ngoài vào đám sương mù bạn có thể cảm nhận được “hạt” sương lạnh và ướt dính lên mặt (vùng nhạy cảm nhất còn ló ra bên ngoài quần áo) của mình. Lúc ấy, trên những tờ báo đã có phần truyện được minh hoạ bằng những bức tranh, tuy chỉ chừng chục tấm, bên dưới là nội dung truyện có liên quan, nhưng nó làm cho tờ báo có thêm nhiều đọc giả nhỏ tuổi. Hình như trẻ em thời nào cũng thích nhân vật Tề Thiên trong truyện Tây Du Ký. Thế là chúng tôi chọn nhảy vào những đám sương là là mặt đất tưởng tượng là đám mây, để còn ló được đầu ra, tay khum khum đặt trước trán, nghiên nghiên đầu quan sát, bắt chước cảnh Tề Thiên cân đẩu vân. Mà chúng tôi làm giống thật. Có những lần sương mù nhiều và dầy đến nỗi các lớp không học được do tối mờ và học sinh ngồi bên dưới không thấy rõ mặt cô, thầy. Trong trường hợp đó cô cho chúng tôi thi nhau đọc những bài học thuộc lòng, hay hát, chờ cho đến khi sương tan.
Sách, truyện chỉ giữ chân tôi ở nhà một thời gian còn khi tôi lớn hơn, đã đi học, có nhiều bạn hàng xóm, biết ra tiệm bà Sáu mua cho gia đình những món lặt vặt, lấy báo về cho gia đình đọc … là tôi băt đầu tháp tùng các bạn đi chơi (Một phần cũng do không có truyện mới, có mấy quyển đọc mãi gần thuộc lòng. Hết truyện để đọc thế là tôi đọc cả quyển Cổ Học Tinh Hoa, sau mấy trăm lần cầm lên rồi để xuống. Không biết tôi có tiếp thu được điều gì từ quyển sách ấy?)
Chúng tôi thường đi ngược con dốc trước nhà để lên phi trường Phước Bình vì nơi ấy tương đối gần, có phi đạo lót vĩ sắt rộng rãi, sạch sẻ và có những vật rất lạ. Lúc ấy phi trường Phước Bình có khi cả tuần chẳng có chiếc máy bay nào bay đến, và cũng chẳng có bảo vệ, hàng rào nên chúng tôi mặc sức chơi. Vật lạ đầu tiên là cây sào cao hơn chục mét, phía trên có treo một vật, khi gió thổi căng, trông giống như cái gối ôm. Rãi rác quanh phi đạo là rất nhiều vật giống như chuồng chó, dài khoảng 2 mét, cũng có 2 mái, một bên sơn màu trắng, bên kia sơn màu đỏ, chỗ cao nhất chỉ khoảng 4 - 5 tấc, tôi phải trườn mới vào bên dưới được. Sau này tôi được biết cây sào với cái gối ôm bên trên là dụng cụ chỉ hướng gió và giúp đoán vận tốc gió sát đất, còn những cái chuồng chó sơn trắng, đỏ là pa-nô đánh dấu phi đạo. Thế là sau khi chạy chơi chán tôi chui vào nằm dưới một cái pa-nô, ngắm cây sào chỉ hướng gió mơ mộng sau này sẽ làm phi công đi mây, về gió. (Cuối năm 1972 giấc mộng này suýt thành. Mọi tiêu chuẩn tôi đều đáp ứng tốt, trừ một tiêu chuẩn nhỏ nhưng nặng là trọng lượng, giấc mộng “cao xa” phải chia tay.)
(Còn phần cuối)
Comment