Announcement

Collapse
No announcement yet.

CÂY TRÁI TUỔI THƠ miền sông nước.

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • CÂY TRÁI TUỔI THƠ miền sông nước.






    Nơi một góc trời quê hương. Nước cứ chảy, mây cứ trôi, ngày qua ngày, tháng dần qua. Đám trẻ trên cái giòng kênh cứ lớn, chúng lớn lên trong căn nhà lá dừa tềnh toàng vách lá, mái lá, hay lớn lên trong căn nhà gỗ ba gian lộng lẫy. Vì nhà trong quê không có đồ chơi xinh đẹp bán ngoài tiệm, không có bánh kẹo ngon ăn thường xiêng như trẻ sống ngoài phố chợ. Mỗi buổi tan học về là cả đám ù té ra ngoài mương rạch . Tuổi thơ chân quê lì lợm và nghịch ngợm lắm, chịu chui rúc mọi nơi kiếm tìm ba cái cây dại ngoài bờ ngoài bụi làm qùa ăn chơi, thứ gì cũng ăn, rồi nhảy tòm xuống kinh lặn ngụp dưới nước kiếm đồ chơi bằng những hạt trái mọc trên sông nước. Dzậy đó mà ngày nào cũng có đồ chơi, có qùa chia nhau ăn. Mặt mày đứa nào cũng hớn hở dzui dzẻ.

    Qùa quê hào phóng, bờ mương bờ rạch có hằng hà sa số những trái cây ăn được nhưng hào phóng nhất vẫn là loại trái mà cái móc và trái có màu sắc và hình dáng giống nhau, nhìn khỏe, cùng đen thủi đen thui, cùng cong như cái lưỡi hái của người nông dân cắt lúa. cây cho con trẻ đồ chơi suốt mùa Xuân, có cái ăn khi vào Hạ. Ngày còn nhỏ bày trẻ quê không biết nó là cây mọc hoang hay cây trồng mà chỉ biết cây mọc trên đất nhà ai thì nó thuộc về chủ đó. Ai muốn ăn thì phải vào hỏi xin, khi hỏi xin thì được chủ nhà dễ dãi cho hái, muốn ăn bi nhiêu thì hái bi nhiêu tùy thích. Lũ trẻ xin hái mỗi ngày đều được, hái tự do cả hoa lẫn trái giống như hái những trái cây mọc dại mà không hề bị la rầy vì cùng là bà con xóm giềng, sống quấn qúit bên nhau.

    Dân Nam Bộ là dzậy đó, khi gặp người nói đặc sợt giọng miền tây nam bộ là đã nhìn người đó là bà con xóm giềng, và đích thị người ấy đã được đi cầu dừa ăn trái ô môi. Vì ăn không biết bao mùa trái Ô-Môi, uống bao khạp nước phèn, bao khạp mắm quê hương để người dân nam bộ có giọng "con Bìm Bịp gọi Lục bình lững lờ trôi theo con nước ven bờ sông quê Ngoại" (người miền nam quấn qúit với ngoại nhiều hơn nội KD đọc trong sách thấy vậy???) . Cái giọng đùng đục ảm đạm, nhừa nhựa, mằn mặn, ngòn ngọt trong cuống họng như đang ngậm Ô-Môi được thể hiện rõ qua tiếng hò xàng xênh hòa tiếng đờn cò rít lên nghe mà buồn da diết não nuột. Cái giọng đặc sợt những lam lũ, bộc trực và bao dung ấy mới rưng rức tình quê trong lòng người con Nam bộ.

    Cây Ô-Môi.



    Trong trái tim tôi nỗi nhớ nhà

    Nhớ ô môi nở đẹp Tha La

    Nhớ từng hàng dậu, ngôi đình cũ

    Nhớ tiếng chuông rung, nhạc thánh ca

    Anh đã về thăm xóm Đạo chưa?

    Sông xanh in bóng những tàn dừa?

    Ô môi, ngũ sắc, vườn hoa trái

    Vẫn nở hoa tươi mặc nắng mưa?

    (Nguyên Đỗ)



    Con kênh dài hun hút chia đôi đồng lúa xanh rì, trội lên một cây ô-Môi cao lớn xum xuê bên bờ mương nhà bà Tư Lèo. Cây cao lớn như cây Điệp hay cây Me, thân nó màu nâu đen xậm, to bằng cỡ vòng tay người lớn. Đến mùa gío chướng cây rụng hết lá, cành bắt đầu trổ đầy hoa, hoa có màu hồng nở kín cây. Khi cây nở hoa, đám trẻ quê tan học về là từ nơi ngõ ngách nào cũng đổ về nơi cây dù hồng thắm rực trời, chỉ cần một vài đứa tới trước vô xin bà Tư cho hái bông, lượm bông chơi . Trẻ con chúng lượm hoa rơi, bẻ hoa , xúm nhau kết vòng hoa đội đầu làm công chúa, làm bông tai, làm vòng đeo cổ. khoảng nửa giờ sau dưới gốc cây hiện ra một bày "công chúa lọ lem" chơi trò rồng rắn, trò mèo đuổi chuột vang dậy cả một quãng đồng bình yên, chúng chơi cho đến xế chiều, vương niệm rụng tả tơi, mới trở về nhà




    Ô Môi miền Tây.


    Khi cây kết trái, những trái non màu xanh lục thoải mái treo tòng teng lẫn vài đám bông màu hồng còn phảng phất trên cây. trẻ con không đứa nào hái trái xanh vì chúng biết không ăn được. Theo ngày tháng trái lớn dần vỏ trái cứng lại, ngả sang màu nâu đen, có gân nổi ôm trọn từng khía, dài khoảng 40-50cm, cong như lưỡi liềm. Trái bắt đầu chín chớm đen như màu hạt dẻ vẫn chưa ăn được. Mấy trái thấp lè tè vừa tầm tay hái không bao giờ được ăn vì mấy đứa trẻ ham ăn, ngứa tay cũng bẻ lúc trái mới ngả màu đen hạt dẻ, đập trái ra chát ngằm ăn không được lại dục bỏ. Chờ cho tới khi trái có màu xậm như Dark chocolate người lớn mới dùng cây sào tre buộc móc sắt khèo trái xuống cho trẻ lượm. Cây Ô-môi từ lúc trổ hoa kết trái cũng hơn nửa năm dài.

    Trái vừa hái xuống trẻ lấy cục đá hay đập vào thân cây cho nát lớp vỏ bên ngoài đặng lấy cơm ô-môi ăn, ăn liền khi trái mới hái xuống có mùi khăn khẳn chan chát lẫn vào với vị ngọt không ngon, trẻ trong quê giàu kinh nghiệm, lượm về để dành vài ngày sau mới ăn (có lẽ chờ trái bốc hơi nước keo lại thành mật như khoai).

    Trái có hai đường gân chạy dài từ đầu đến cuống khi ăn đập bỏ vỏ ở hai mép bằng cách dùng dao vạt hay dùng đá đập, chặt ra thành khúc khoảng hai tấc, trong đó có chừng 20 lớp cơm ô-môi. Dùng tay ép hai đừơng gân bóp qua bóp lại hai cái xương cho xệu xạo múi mới bật ra rồi gỡ múi ô-môi đen nhánh tròn tròn như đồng 20 cent của Úc, ở giữa có hột dẹp hình trái tim màu ngà, trước khi ăn phải gỡ hột ra, chỉ ăn phần cơm màu đen. Cơm ô-môi cứng ngậm cho tan dần hay nhai bể lộp cộp cho cái vị ngòn ngọt quyện vào nước miếng làm đen ngòm cả miệng, nhòm nhèm cả môi. Trái ô-môi có vị ngòn ngọt hăng hắc, ăn lần đầu thấy thum thủm thơm thơm như mùi mắm khó ưa nhưng ăn hoài thì nghiền, nghiền ăn, ăn hoài trái ngọt đó đến tưa cả lưỡi.

    Con nít ăn cơm ô-môi còn chừa hột lại chơi búng nhà chòi, búng đụng hột của bạn là thắng, đứa búng giỏi hết mùa có cả bao 2kg hạt. Hết mùa trái lại lấy hạt ra ngâm nước sôi cho hạt nở ra, hột trái tim phình to rồi đem chia nhau ăn, gỡi bỏ lớp dzỏ dzàng trong có lớp cơm đục dẻo dẻo, gỡ lớp cơm dẻo đó ăn, bỏ đi cái nhị con con, ăn lớp cơm dẻo thấy dai dai không có vị gì cả chỉ nhai nhai cho tan dần theo nước miếng, chỉ vậy mà vẫn ngon.

    Đi trên cây cầu Dừa, hái trái Ô-môi là Miền ký ức bao la thấm đậm hồn quê của người dân miền sông nước.

    Thân ái

    KimDung

    (KD viết theo lời kể của người Long Xuyên)

  • #2





    Cây Ô Môi thuộc loài thân gỗ, cao từ 10 – 20m, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, không biết du nhập đến Việt Nam tự bao giờ. Cây ra hoa suốt mùa xuân, lũ trẽ thường dùng hoa để kết vương miện trông dân dã mà rất đẹp. Trái Ô Môi màu đen tuyền, dài đến hơn nửa mét, vị ngọt, hơi nồng cay, là món ăn ưa thích của lũ trẻ chúng tôi thời đó.

    Theo lời kể từ các Lão làng




    Ô Môi bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu son sắc của người Khơ – me. Nàng là một tiểu thư đài cát, yêu chàng trai khoẻ mạnh nhà nghèo, những ngăn cấm trong tình yêu về “môn đăng hộ đối” là không tránh khỏi, chàng buồn lòng bỏ đi biền biệt, để nàng kiệt sức đi tìm để rồi gục chết hoá thân thành cây Ô Môi.

    Truyền thuyết về tình yêu chung thuỷ của hoa Ô Môi được truyền miệng cho đến ngày nay, cảm xúc khi gặp lại người yêu khiến những đoá hoa 3 năm im ắng chợt bừng nở, hương vụ như đôi môi ngọt ngào của người thương khiến người ta không khỏi xúc động cho một chuyện tình. Với chàng trai kia, Ô Môi trong tiếng Khơ-Me có nghĩa là số 1 và cũng là chính tình cảm của họ dành cho nhau vậy.

    Ngày nay, mỗi lần nhìn thấy trái Ô Môi, lòng tôi chợt trỗi dậy một nỗi nhớ quê sâu sắc, chúng khiến tôi nhớ đến những tháng năm thật đẹp của tuổi thơ, với những trò nhà chòi dưới gốc Ô Môi mát rượi, và hơn hết là hình ảnh ngoại tần tảo sớm khuya, dù mệt nhữn không quên những buổi chiều được Ngoại rọc Ô Môi cho đàn đàn cháu đang háo hức.

    Quê tôi thường dùng Ô Môi để ngâm rượu, giúp ăn ngon và tiêu hoá tốt, chúng cũng là một bài toán về sức khoẻ mà người dân quê tôi sử dụng rất phổ biến, lá Ô Môi có thể chữa hắc lào, lở ngứa, hạt nấu chè giải khát cũng ngon như sâm bổ lượng.

    ̣Ynghiahoa.net

    Comment


    • #3
      Dây Chùm Bao










      Cha ông mình ngày xưa thường nói "trời sanh voi sanh cỏ", Thiệt vậy quê mình đất phù sa, tiền thì không có nhưng tình người và những gì bình dị nhất cần cho con người đều có mà còn có nhiều nữa.

      Mùa hè miền tây trời nắng lắm, lũ trẻ tan trường là ù té chạy về ăn cơm , sau giờ cơm cả xóm tụi nhỏ rủ nhau tắm sông, chui rúc vô lùm kiếm trái dại ăn. Mùa hè những dây chùm bao bò nghêu ngao phủ kín trên bụi rậm bờ mương, trên hàng rào, mang những trái đã chín mọng vàng ươm, bọn con nít tha hồ tìm hái, trái nào leo lên cao thì kéo cả dây xuống hái trái ăn, dây đem về cho mẹ phơi khô hãm nước uống thay trà. Hái được đầy một bụm ve áo trước bụng đem ra ngoài bờ chia nhau ăn.










      Trái chùm bao tròn tròn bằng đầu ngón tay cái người lớn, mọc rời từng trái, trái còn non màu xanh có lớp lá phiến bao bên ngoài như cái lồng lưới, trái chín cái lồng rụng mất, chỉ còn lại trái màu vàng cam rực, khi ăn lột bỏ lớp vỏ mềm màu vàng, bên trong ruột giống trái chanh dây. trái xanh có vị chua loét, trái càng chín không chua mà ngọt lịm. Lũ trẻ hái hết trái chín ăn lại tìm hái những đọt chùm bao non về cho mẹ luộc, đọt chùm bao ăn ngon như các loại rau đậu.

      Ăn trái chùm bao, ăn đọt chùm bao, uống nước chùm bao đêm nào cũng lăn ra ngủ một giấc thật sâu và thật dài, ngày mai lại chân đất đến trường dzui dzẻ cùng bạn.

      KD

      Comment


      • #4
        Kim Dung mến,

        Trái chùm bao chúng ta còn gọi là trái nhãn lồng (như trong câu ca dao: chim uyên ăn trái nhãn lồng), có nơi còn gọi là trái lưới rách.

        Chào.


        Comment


        • #5
          Dường như chúng ta đang gặp khó khăn với loại văn chương truyền khẩu, thường không được ghi chép kỹ càng hoặc có sự biến đổi theo thổ ngữ hay cách phát âm ở từng địa phương.



          Blog của Phạm Hoài Nhân, viết về du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông.


          Chim quyên ăn trái nhãn lồng

          Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi



          Chim quyên (cuckoo)

          Tên khác: chim cuốc, chim quốc, cu vức, tử qui, đỗ vũ, đỗ quyên


          Chim khuyên quen trái nhãn lồng

          Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi

          Lời bài hát Việt Nam | Lyrics.vn là trang tổng hợp hàng ngàn lời bài hát Việt Nam và Quốc tế. Là nơi chia sẻ hợp âm các bài hát cho những ai yêu thích Guitar và tra cứu mã karaoke Việt Nam.


          Chim khuyên (zosteropidae)

          Tên khác: chim vành khuyên


          Uyên ương (Aix galericulata)


          Uyên ương là một loài vịt đậu cây kích thước trung bình, có quan hệ họ hàng gần gũi với vịt Carolina ở Bắc Mỹ. Con trống (còn gọi là uyên) có bộ lông sặc sỡ, con mái (còn gọi là ương). Chúng thường xuyên được thể hiện trong nghệ thuật phương Đông và nó được coi là biểu tượng của hạnh phúc và chung thủy trong hôn nhân. (Theo Wikipedia)

          Tóm lại, với câu ca dao trên đây phải chọn chim quyên, chim khuyên hay chim uyên; nhãn lồng hay chùm bao; thia lia hay lia thia; mà sao chọn chữ nào nghe cũng thấy hay.

          Comment


          • #6
            Người dân quê VN xưa sống đơn sơ chân chất, không hoa mỹ, họ thật thà đặt tên cho những loài cây cối với cái tên rất tượng hình, nghe tên gọi là đã hình dung ra phần nào hình dáng hay công dụng của cây. Gẫm thấy vui.

            Người miền bắc gọi dây Chùm bao vì trái của nó được bao một lớp lá lưới bên ngoài. đúng ra phải gọi là trùm bao nhưng vì người miền bắc thường hay nói chữ tr thành ch nói hoài nó thành chùm bao tuy trái vẫn mọc riêng lẻ không mọc từng chùm.

            Trong nam gọi là nhãn lồng vì trái nhìn như trái nhãn lại được đựng trong cái lồng mỏng. khi trái chín dây phải nuôi trái nên đài và lá bị bỏ quên, lá lưới rụng dần, nó lại có tên lưới rách (Nhãn Lồng, Lưới Rách là tên gọi anh Long mới cho biết).

            Trái nhãn lồng chín rộ trong mùa hè, có một loài chim hay tìm đến ăn vì nó không biết bay xa chỉ bay luẩn quẩn trong bụi nơi bờ mương, bờ suối. một năm nó mới được ăn no món ngon một mùa nên nó kêu nhiều. không biết tiếng kêu của nó là tiếng cười cám ơn trời cho ăn no hay là tiếng khóc cho số phận của nó không được như những lòai chim khác (nó có bị trầm cảm không ???). Người miền nam nếu nói lẹ thì chữ Khuyên và chữ Quyên không rõ ràng mấy, nghe cứ lơ lớ giống nhau.

            Các bạn mến, KD kể các bạn câu chuyện "giọng địa phương” nghe cho vui nhé. KD khi về Cần Thơ được chị dẫn vô Bình Thủy thăm người anh bà con. KD gặp một cây hoa vàng lớn như cây cổ thụ, hoa nở kín cây, vàng rực rỡ, chị bảo cây đó người dân ở đây gọi là cây muồng trâu hay muồng trầu Kd nhớ không rõ. Nơi bóng mát dưới gốc cây một bày trẻ đang cố vin cành hái hoa, 'hái lên cành bổng hái hết cành la', chúng túm tít kết vòng hoa đội đầu. Một cô bé nhỏ phụng phịu;

            - em hổng làm 'coong chó' đâu em làm 'cong chó' cơ.

            Cô bé lớn hơn chắc có nhiệm vụ coi em , sợ em khóc nó bị đòn nên gỡ cái vòng kín những bông muồng trâu vàng ươm tươi rói xinh xắn vừa kết xong đội thử lên đầu, đặt trên đầu em nó, nó dỗ em nó;

            - Ừa, em đừng khóc nheng chị làm 'cong chó' em làm 'coong chó' à nheng.

            KD không hiểu gì hết, hỏi chị: tụi nhỏ nói cái gì vậy?". Chị cười bảo "Chúng nói: em không làm con chó đâu em làm công chúa cơ". D hỏi "sao vậy?". chị trả lời "thì công chúa được đeo vòng hoa, còn con chó có nhiệm vụ đi theo công chúa, coi không cho đứa nào giựt vòng hoa của công chúa. Tới mùa muồng trâu, ômôi...... nở hoa, con nít trong quê chỉ chơi có vài cái trò công chúa mà đời lên hương vui vẻ, chúng xem trong truyện thấy công chúa chơi trong rừng có con chó cưng đi theo bảo vệ̣, thế là bắt chước. Trẻ thơ trong quê đơn sơ, chúng dễ thương vậy đó".

            KD nín cười, dừng chân ngắm hoa và lắng nghe lũ trẻ trò chuyện, nghe mãi mà chẳng thấy con chó, cũng chẳng thấy công chúa mà chỉ nghe "coong chó"???:blush:

            KD cám ơn anh long cho D biết thêm vài tên gọi thật chân quê về loại trái dại này.

            KD cám ơn anh Hùng cho D tìm đọc và xem hình loài chim thường lấp ló trong thi ca Việt Nam.

            Dưới trăng Quyên đã gọi hè

            Đầu tường lửa Lựu lập lòe đơm bông.

            (Nguyễn Du)


            Thân ái

            KimDung

            Comment


            • #7
              Thầy cô cùng bạn đọc qúi mến.

              Tuổi còn thơ KD không sống trong miền sông nước nên cũng chưa được biết những hoa qủa gắn liền với tuổi thơ của những bạn đã từng sống tại đây. Khi bạn đọc được đọc cây sim, cây mít..v.v.. trên vùng quê D, các bạn kể cho D nghe thật nhiều cây trái ở miền của bạn và khuyến khích D viết, vì không biết thật nên KD cứ chần chừ mãi, khó viết qúa. Rồi cũng viết và bây giờ viết giùm lại được trả thù lao vui ghê, Viết cây Ô-Môi xong D được hai ký khoai lang dương ngọc, cây chùm bao D được mua cho ổ bánh mì thịt nóng hổi ở chợ người Việt Cabramatta, KD vui lắm vì viết bài mà đựơc các bạn đọc lại còn tặng cho cục kẹo thì thì không còn mong ước gì hơn nữa, vui qúa Kd sẽ viết tiếp để các bạn đi chợ mua qùa cho KD dài dài (ai cũng biết KD làm biếng đi chợ). KD viết sẽ có sai xót, mong thày cô và bạn đọc xí xóa và mong có được thêm những góp ý .:thank3:

              Thân ái

              KimDung

              Comment


              • #8
                Hi các bạn!

                HN có vài ý kiến về từ ngữ nè!

                Trùm có nghĩa là phủ từ trên xuống dưới như trùm mền; chùm là như chùm nhãn, chùm hoa...nhiều cái nhỏ kết lại.

                Quyên chỉ dùng cho tên 1 loài chim.

                Vành khuyên cũng là tên loài chim khác!

                Uyên ương có nghĩa là 1 đôi, 1 cặp. Hình trên net là sau này gọi vậy chứ ngày xưa trong sở thú ghi là vịt Nhật Bổn. Khi sang đây nó có đầy dãy ở thiên nhiên thì nó được gọi là vịt trời, không phải là tên loại vịt đó đâu! Ngay cả người ta cũng được ví như đôi uyên ương nếu lúc nào cũng đi với nhau..!

                Ngoài ra còn có 1 loại uyên ương khác nữa sống dưới biển. Ngày xưa, không biết bà má mua ở đâu mang về 2 con để làm gì cũng không nhớ. Nó tròn, dẹp, hoàn toàn không có 1 chỗ nào hở, to bằng đầu ngón tay cái, rất bóng, có màu và cấu tạo giống như vỏ ốc sa cừ. Đem cho nó vào 1 cái dĩa rồi cho tí nước vào để xem nó di chuyển (for fun?!)

                Còn về phát âm giọng miền Nam thì chữ con vẫn nói là con chứ nếu thêm chữ g vào sẽ đọc thành cong như đường cong, chỉ khác ở chỗ là cái miệng của người Bắc khi nói chữ con thì cái miệng bẻ vào nhiều hơn...?!!

                Hết!

                :coffee:

                Comment


                • #9


                  Hi HN.

                  Đọc lời góp Ý của HN bạn D nói D sửa chữ C thành chữ K thì đúng hơn vì mấy đứa trẻ con có giọng nhõng nhẽo nói không rõ chữ Con mà thêm chữ g vào cuối thì bị lạc nghĩa như HN đã nhận xét, vậy D nên viết Con thành Kong (chữ kong không có nghĩa gì hết) người đọc sẽ dễ hiểu hơn.

                  Ý của HN và bạn đọc thật chính xác KD rất vui đón nhận những ý hay, đẹp từ các bạn . Cám ơn các bạn nhiều lắm.

                  Thân ái

                  KimDung

                  Comment


                  • #10



                    Mộng Dừa

                    Bạn Dung kể Dung nghe làng quê của bạn đẹp lắm, có biển có sông, có bạt ngàn đồng lúa, có sông là đường, có thuyền là xe, đẹp đến nỗi có một nhà thơ nào đó bạn quên tên mất rồi, đã tả :



                    "Hàng Dừa chải tóc đón Trăng,

                    Thuyền ai ăm ắp nắng vàng ngủ trưa'

                    Chở mây, khói, chở gío, mưa'

                    Tròng trành như một bài thơ lệch vần"




                    Bạn còn nói nhắc đến miền tây người ta không quên nhắc đến cây dừa, nhất là quê của bạn



                    Quê em ba dải cù-lao

                    Có dừa ăn trái có cau ăn trầu

                    Quít đường vú sữa ngổn ngang

                    Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng BaTri.

                    (ca dao)


                    Thật vậy, bà con cô bác ai cũng biết Bến Tre dan díu với Dừa, dừa dan díu Bến Tre, dan díu cả về thể xác lẫn tinh thần.

                    Này nhé nói về đời sống của người dân Bến tre. Bến Tre nằm trong vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu, trong khu vực sông Cửu Long trước kia là cù lao Minh, cù lao Bảo, cách Sài-Gòn 87 cây số. Bến Tre chiếm ba cửa biển của sông Cửu Long là sông Ba-Lai, sông Hàm-Luông và sông Cổ chiên, hướng Đông-Nam Tây-Bắc. Ba con sông mang theo phù sa, Dừa nước mọc rất nhiều bên bờ sông rạch giữ được đất phù sa lắng đọng, bồi đắp lên các cù - lao trước khi chảy ra biển. Người dân sống trên các vùng đất phù sa bôi lên, họ trồng thứ gì cũng tốt, người dân sống chủ yếu nhờ dừa với lúa, điều này thể hiện qua những vần ca dao của người dân trong vùng:



                    Thấy Dừa lặng nhớ Bến -tre

                    thấy bông Lúa đẹp thương về Hậu Giang.

                    Dừa với lúa dứt thời lại nối,

                    Lúa với Dừa rời đấy rồi liền.

                    Ruộng lúa rập- rờn quanh nóc ngói

                    Vườn dừa phe-phẩy cạnh nhà kê...


                    Vì là vùng nước ngọt nên dừa Bến -Tre ngọt được nhiều người ưa chuộng. Trồng dừa thì mỗi tháng được hái một lần, trồng lúa thì thời gian gặt phải dài hơn nên người dân cũng thích trồng dừa : "đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau" ý nói khi mình còn thiếu thốn thì nên trồng dừa để có cái ăn, khi nào dư gỉa thì trồng những loại cây làm cảnh. Từ cái nghề trồng dừa ấy, lại sinh thêm những đặc sản nổi danh của xứ dừa:

                    Bến -Tre dừa ngọt sông dài

                    khiến quận mỏ cày có kẹo nổi danh.

                    Kẹo Mỏ Cày vừa thanh vừa béo

                    Gái Mỏ Cày vừa khéo lại vừa ngoan.

                    Bánh tráng Mỹ Lồng

                    Bánh dừa Giồng tôm.


                    Cuộc đời con người được ví như con thuyền đi trên giòng sông, có những lúc êm ả, có những lúc Trời đưa sóng cả bão giông, đó là qui luật của cuộc đời không ai tránh khỏi, người chèo thuyền phải luôn giữ cho tâm an bình, can đảm giữ vững tay chèo, nhìn theo hàng dừa bên bờ sông cả gần trăm năm vẫn bình thản, trơ trơ dày dạn dưới nắng mưa giông bão. Để diễn tả những lo âu, những tâm trạng buồn vui của cuộc đời người ta cũng níu hình ảnh cây dừa trong ca dao:

                    Trời mưa cho ướt lá dừa

                    cho tươi luống cải cho vừa lòng em

                    cho em hái đọt rau dền

                    Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ gìa.

                    Khuyên con:

                    Muốn trong bậu uống nước dừa,

                    Muốn nên cơ nghiệp, bậu chừa lang vân.

                    Tình yêu:

                    Mài dừa đạp bã cho nhanh

                    Nấu dầu mà chải tóc anh tóc nàng

                    Mài dừa dưới ánh trăng vàng

                    Ép dầu mà chải tóc nàng tóc anh.

                    Lỡ làng:

                    Có duyên nón vải quai tơ

                    Hết duyên nón lá quai dừa cũng xong.

                    Thề hứa:

                    Ôm đàn gảy khúc cầu hoàng

                    Thiếp xin gõ nhịp để chàng lựa dây.

                    Bao giờ rừng Quế hết cây

                    Cầu dừa lắc lẻo em đây mới hết tình.


                    Người Bến Tre dan díu với dừa thiệt chứ. Ngay từ lúc nhỏ đã được mẹ cho uống nước trái dừa ngon nhất, lúc biết ăn đôi khi còn được ăn dừa dáng cháo (sọ dừa non nhão như cháo đặc), lúc mọc răng ngứa níu mẹ cho miếng cùi dừa gặm chơi. Lớn hơn một chút mẹ giao cho mấy anh chị coi em, được anh chị kết cho cái đồng hồ đeo tay bằng lá dừa thì thích lắm không khóc nhè ,ngồi xem anh chị chơi nhà chòi, có những lần được anh chị tập cho qua cầu, bò lò dò từng bước qua cây cầu dừa "thân còm cõi mong manh / Đưa người qua bến nước" có lần rớt tòm xuống nước con bé cứ cà nhoi cà nhoi và hét chị phải ẵm lên. Lớn thêm một chút nữa, rủ nhau tìm trái dừa điếc tập bơi mỗi buổi tan học về. Có những lúc dừa ế, thương lái không đến hái dừa, anh hai khoảng mười hai tuổi cũng phải phụ ba lột dừa, leo lên cây dừa bằng cái nài, sợi dây nài khoảng 50cm dài, cuốn vòng lại, có hai lỗ để xỏ chân vào , ôm cây dừa nhảy lên từng bước, mang theo lưỡi hái tới nơi thì dùng lưỡi hái chặt buồng dừa xuống. Buồng dừa rớt xuống cái bịch, trái văng tung tóe. Khi chặt xong người bên dưới dùng cây xào tầm vông gọt đầu mũi nhọn như cây dáo để chích dừa (chọt vào những trái dừa rớt trên bờ hay dưới mương nước vào một chỗ chờ đếm dừa) . Ngày còn nhỏ mỗi lần dừa ế, gìa qúa tháng, khi người lớn chặt dừa lấy nước thắng làm nước màu dừa, lây cơm dừa làm dầu thì bên trong trái dừa có mộng, hái mộng để trong rổ con nít tha hồ ăn, những mộng dừa lớn bằng cỡ ngón cẳng cái người lớn ăn gìon, ngọt, hơi béo, có mùi thơm của nước dừa, những mộng lớn hơn trái chanh bắc ăn xác không ngon (xác như mộng dừa). mỗi lần dừa ế con nít thì vui, người lớn thì buồn. Những lúc hút dừa thì con nít lâu lắm mới kiếm được một trái còn xót lại khi chích dừa, ôm về nhờ má chặt lấy mộng dừa chia nhau.

                    Uống nước dừa, ăn mộng dừa, con đuông dừa là món ngon thú nhất của con nít xứ dừa.

                    Trái dừa non hay gìa đều ăn được, chỉ trừ những trái dừa trăng ăn (lâu lắm mới có một trái, những trái này theo kinh nghiệm củ nhà vườn thì thường nhẹ hơn một chút, khi bổ ra mới thấy lớp cơm dừa bị lỗ lõm bõm hình mặt trăng có bọt xốp rộp, trái chỉ có một chút xíu nước).

                    Thương thay thân phận trái dừa

                    Non thì khoét mắt, gìa cưa lấy dầu.


                    KimDung

                    Comment


                    • #11
                      Dừa Bông.



                      Người xưa thường hay nói thượng Đế sinh ra "rừng nào Cọp nấy". Ở những khu phù sa đầm lầy có những loại cây giữ đất mọc lên thành rừng. Bến Tre mọc nhiều rừng dừa giữ đất phù sa. Ngoài những cây dừa được trồng như dừa Bị để lấy cơm làm kẹo, làm bánh, làm dầu dừa, xà bông..., dừa Xiêm, dừa Dứa cho nước ngọt thanh để uống.Còn Có nhiều dừa mọc hoang như dừa Nước, loại dừa này mọc kín mé sông, người dân trong vùng ít ăn trái chỉ cắt lá làm vách nhà nhất là những nhà trên ghe, từ đó mới nảy sinh ra cái nghề "chằm lá", ngoài cây dừa nước còn có vài loại dừa không có nước, chỉ ăn xơ, xơ dừa mềm, ngọt và có mùi thơm của cơm dừa non.

                      Nhớ ngày trước 1975 Ba có mấy công dừa trong "khu" ba cho thuê, mỗi lần vô đó khi về ba cũng mang theo những trái dừa về cho ăn. Trái dừa Bông màu xanh tròn như trái dừa Xiêm, lớn khoảng 300gr được má gọt lớp dzỏ xanh bên ngoài rồi chặt dọc theo trái dừa cho mỗi đứa một miếng, xơ dừa kết từ ngoài dzỏ dzô tới ruột, trong ruột chỉ có một chú́t lớp vỏ gáo và cơm dừa nhưng cũng chỉ hơi cứng như xương sụn, hầu như không có cùi, không có nước mà chỉ có xơ, ăn được hết từ trong ra ngoài chỉ bỏ lớp dzỏ xanh.

                      Tình xóm giềng là dzậy, mỗi khi nhà nào có trái dừa Bông là lôi cả bày con nít trong xóm đến, người lớn chia cho đứa miếng, cầm miếng dừa trên tay chạy ù té ra bờ kênh ngồi một bày lắc lẻo trên cây cầu dừa bắc ngang kênh, vừa cắn tước xơ dừa nhai chòm chèm vừa nói chuyện chơi, tiếng cười đùa ròn rã như tiêng chim trời về đón hoàng hôn. Dưới chân dòng nước phù sa tưới mát đổ về, có những cụm bông súng nở xoè ra thơm phức, vào mùa nước nổi dòng nước trong xanh gần ngập mí cầu, cho chân đùa với nước mát rượi, nhìn và nghe tiếng cá đớp lục bình. Tuổi thơ của người xứ dừa là thế đó bạn ơi!



                      Quê tôi là xứ dừa

                      Khi yêu, yêu lắm người ơi

                      Cả trời cả đất cả người Bến-Tre

                      Bóng dừa râm mát lối quê

                      Người ơi! tôi tưởng lối về cung tiên.

                      (Kiên Giang)



                      Sau này (với nhiều lý do???) có dòng kênh tươi mát như đang bị bức tử, cây dừa bông gần như mất hẳn, người Bến tre bây giờ cũng khó kiếm được miếng dừa Bông. Nhưng bạn tôi ơi! dù thế nào đi nữa nơi đây vẫn mãi là quê hương, là tuổi thơ căng tràn maú thịt và tình yêu của mình. Kỷ niệm không bao giờ bức tử!!!

                      KimDung

                      Comment


                      • #12
                        Kim Dung, bạn mình thiệt có tài viết văn .. lóng rày nếu hổng có Kim Dung, anh Hoàng Long, anh 4, anh Hùng, Hiền .. chắc diễn đàn đã bị đóng băng ..

                        Mà XL cũng tự hỏi bạn mình chữ nghĩa đâu mà nhiều nhiều thế .. Phục đó nha ...

                        Chúc bạn mình khỏe, vui, đều đều viết kể chuyện đủ thứ trên đời này cho mọi người xem.

                        Comment


                        • #13
                          Xuân Lan à, ngày KD bước chân vô DĐ thì mọi sự đều có sẵn, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, KD rất thích DĐ. Với một tổ chức rất qui củ do công sức của các anh chị em đi trước trong đó có sự cộng tác của XL. KD rất cám ơn những công sức của các anh chị em có công xây dựng DĐ SPKT - TĐ.

                          KD rất vui và cám ơn thày cô, XL và các bạn xem D kể chuyện "tùm lum" nhưng có thiệt tại Úc và những chuyện "nhơ nhớ" ngày xưa KD cũng vẫn mong nhận được những khích lệ cùa thày cô, bạn đọc và các anh chị trong BBT. KDCám ơn mọi người nhiều lắm.

                          Thân ái

                          KimDung

                          Comment


                          • #14
                            Trái Me










                            Sấu gắn liền với Hà-Nội thì Sài-Gòn kết dính với Me. Từ khi khai phóng đất Sài-Gòn, Gia-Định người dân nơi đây không ai mà không ca vè Cây Me ( bốn câu đầu khuyết danh, bốn câu sau của ông cai tổng Chiểu chép kề):

                            Cây Me

                            Xưa mọc ngoài ranh với xó hè

                            Nay trồng giữa chợ rạng danh Me

                            Trái đem nấu ngọt mùi chua lét

                            Cũng chuốc làm roi, thịt nhão nhè

                            Ít kiểng chen vào cho rậm đám

                            So tài gẫm lại chẳng nhằm phe

                            Cột rường tuy dụng không nên mặt

                            Quan lộ cũng nhờ sức hắn che.




                            Cây Me đa tình lãng mạng đã quyến rũ giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên người Sài-Gòn và ngay cả người trú chân một thời gian trên đất Sài-Gòn không thể nào chối cãi được, nó xuất hiện hằng hà trong thơ văn, trong bài hát, trong những câu chuyện kể "khi xưa ta bé".

                            Nói về me thì dân Bảđ-Lộc chỉ được ăn me ngào, mứt me, còn me trái tươi, me chín (me dốt) hay cây me có người chưa biết nó ra sao. KD ngày còn bé rất mong Tết vì được ăn mứt Me. khi được mặc áo dài đi học, mỗi lần thày cô bịnh bất tử thì thích lắm, được nghỉ giữa giờ theo lũ bạn ra chợ mua me chín được đóng thành cục mang về nhà bạn làm món me ngào đường, me ngào ớt, món ăn này ăn mê lắm, lũ học trò con gái trong tuổi choai choai cứ xúm nhau quẹt quẹt mút mút sạch cái tô me ngào, ăn không cầm chừng được thường bị tào tháo đuổi mà vẫn không chừa.

                            KD khi về Sài-Gòn học lần đầu tiên được lượm Me chín rụng ăn là nhờ Tuyết Lan chở KD đi chợ Sài-Gòn mải nói chuyện vượt đẻn đỏ, bị cảnh sát huýt còi bắt đứng dưới gốc me. Lần thứ hai KD ham chơi cuối tuần về nhà Vũ Thu Hương rủ nhau đi chợ Bến Thành KD mhư khỉ xổng chuồng sở thú vào thành phố đi ngơ ngáo bị lạc giữa chợ may mà gặp được anh.... đưa về. Tối ngủ một lèo.

                            Sáng dậy sớm hai đứa quốc bộ đón xe trường để về trường. Đi trên đường (Duy Tân hay Trần qúy Cáp? D kh̀ng nhớ rõ) chỉ có hai đứa dưới hàng me gìa cao nghễu nghệu, vài chiếc xe ba gác chở hàng. Một cơn gịo thổi qua vừa đủ làm cảnh lá cọ sát vào nhau chúng xào xạc thì thầm với nhau , những trái trên cành được cây nuôi đủ lớn rủ nhau rời cành, chúng lượn vi vu trong gío rồi rớt xuống mặt đường , hai đứa chạy đuổi Theo chụp và lượm những trái chưa bể, mê qúa chạy ra giữa ̣đường lượm cho lẹ. Trời tảng sáng xe ba gác chạy nhiều hơn, vài chiếc xích lô máy chở người và hàng đầy ắp chạy vù vù. Hai đứa cũng ba chân bốn cẳng chạy lẹ kẻo trễ xe trường. KD đi "lậu" xe ma` vẫn bồng theo gói me dốt.

                            Người Sài-Gòn ở xứ nóng nên thích ăn canh Chua. Nhà chị gái KD ở chợ Rạch-Ông, phía sau nhà bên đường có cây me nhỏ, thỉnh thoảng chị hái lá me để nấu canh chua, chị nói khi mùa mưa lá xanh nhiều nhưng ít chua, mùa nắng mưa ít, lá me hơi vàng nhưng chua nhiều. thường ngày chị hay hái ít lá me non gĩa nhuyễn với ớt thêm đường, nước mắm làm nước chấm rau, thịt, cá rất ngon, nước chấm lá me chua còn thơm mùi lá. Sài-Gòn trời nóng bữa cơm nào nhà chị cũng có món gì chua , vị chua giúp giải nhiệt, cho người thấy dễ chịu.

                            Cây Me và cây Sấu tuy ở hai đầu đất nước nhưng chúng lại gởi trong con người nỗi nhớ như nhau.

                            "Hà -Nội mùa này Sấu chín chưa em

                            Hàng Me Sài-Gòn đang mùa thay lá ".



                            Thân ái

                            KimDung


                            Comment


                            • #15
                              Trái Mù-U.





                              thuyền Mù-u




                              Hôm nay KD hái về cho chị hàng xóm một chùm trái Macadamia, hai chị em lấy búa đập để lấy phần nhân bên trong ăn, nó cứng qúa mà lại tròn vo nên đập hoài cứ bị trớt quớt, chạy theo lượm đến hụt hơi, cuối cùng đem chúng ra góc đồ nghề lộn xộn dùng cái??? kẹp từng trái, không trái nào nhẩy thoát, chúng bể ra chị em mới lấy hạt ăn. chị cười bảo: "giống trái Mù-u qúa, ngày xưa mình đập trái mù-u lấy nhân làm dầu, nhân trái Macadamia nhân nhiều dầu mình đập lượm ăn".

                              Nhờ mấy trái Macadamia mà KD có lời, được biết về cây Mù U, cái cây mà từ đã lâu KD và lũ con nít trong xóm Cao-Nguyên nghêu ngao hát mà chả hiểu gì:

                              Trăng sáng soi sông sâu Mù U Mù U chưa chín

                              Trăng sáng soi sông sâu Mù u Mù U đã rơi

                              Tình là tình thiên thu, chàng đi Tu bỏ em một mình.




                              Sau này lại nghe Lý Mù u ngọt ngào, êm mượt mà vẫn chưa hiểu thấu.

                              Trăng đã lên chơi vơi. Mù-U chưa chín Ơ

                              Soi bóng trong khoang ghe rường Ơ. Mù-U đã rơi....




                              "Trời Sanh Trời dưỡng"



                              Chị nói quê Cà Mau chị có nhiều cây mù u mọc ven những con sông đục ngầu phù sa. Bây giờ D mới hiểu những lời ca, lời ru.... của người dân Nam bộ Mù u luôn ở bên sông



                              "Bướm vàng bỏ nhánh Mù-u

                              Chiều mưa lá rụng bay đầy bên sông

                              Bìm-bịp kêu em có buồn không?

                              Bông Mù-u nở nhớ em cũng buồn"




                              Cà-Mau trời nắng gắt, đi học về lũ trẻ rủ nhau ra bờ sông leo trèo, ngồi vắt vẻo trên cành Mù u học bài, hết học bài lại tắm sông, đôi khi theo mấy anh chị lớn chèo ghe trên sông đi lượm trái mù u về làm đồ chơi, lũ con gái thường nhanh nhẹ dzói hái được những trái lớn về chơi đánh đũa, mấy cậu trai thì lo tìm những trái già vỏ cứng tròn xoe về chơi bắn đạn thay cho những viên bi mua ngoài chợ hoặc lượm những trái lớn và tròn mài xuống xi măng cho láng để làm vo vo.... Hái mù-u xanh xâu thành xâu đốt làm pháo nghe nổ lép-bép và hửi mùi hôi chơi.

                              Cây mù-u thân gỗ có sứa xoắn hình trôn ốc nên cây chắc và dẻo, cao đến 20m, đường kính 80cm, cây thường có mủ hôi rịn ra ngoài vỏ hay thân mỗi khi bị vết chém: gỗ có dầu khó thấm nước. Cây mù u khỏe có nhiệm vụ ngăn chặn sói mòn, chống bão táp. Người dân trong vùng quê nghèo thường dùng thân cây làm cột dựng nhà, đóng ghe xuồng, mấy bà nội -trợ dùng gỗ dư để làm thớt.

                              Tàn lá xanh lục, là lá đơn mọc đối nhau, phiến nguyên, láng và dầy nên cây mù-u có bóng mát quanh năm, khi lá rụng cho phân huỷ dùng làm phân bón tốt.

                              Tháng ba Mù u nở rộ bông có cánh tròn trắng pha nhụy vàng cam, tạo thành chùm từ 6 - 10 bông ở nách lá hay đầu cành. Bông mù-u nở trắng, nhụy vàng bên cánh lá xanh mướt tỏa hương thơm mang mác trôi lượn trên giòng sông quê, ôm ấp những chiếc thuyền ngược xuôi như vỗ về xoa dịu bớt những lo toan của người dân hiền. Các cụ nho nhìn bông mù-u liên tưởng đến hoa Bạch-Mai nên gọi Mù-u là Nam-Mai tức hoa Bạch-Mai ở phương nam. Trong sách Đại Nam quốc âm tự có đoạn viết "mù-u... trái tròn hột nhiều dầu. Chữ gọi Nam-Mai". Cụ Phan-Thanh-Giản sinh quán tại Rạch Mù-U (rạch Ba-Tri) để kỷ niệm nơi sanh ra cụ lấy hiệu là Mai Khê.

                              Tháng Mười những trái mù-u tròn xoe ửng vàng, khi cơn gío chướng lên, thổi mạnh thì đã làm Mù-u rụng đầy trên mặt nước,rồi cứ theo con nước đưa đến đâu thì đưa. Người ta đem gỉo đi lượm mù-u, chỉ lượm ở một góc cũng được vài chục trái. Người ta đem bè đi vớt, nếu may mắn gặp được chỗ trũng, những trái mù-u được nước đưa đến nằm kẹt ở đó như một ổ trứng thì tha hồ mà vớt.

                              Trong thời gian khó khăn trái mù-u vớt về trẻ con làm đồ chơi, người lớn đập vỡ vỏ lấy cái ruột màu ngà bên trong dùng dao xắt khoanh rồi xỏ vô que lá dừa đem phơi ba nắng, ngả màu nâu nhạt là có cây đèn mù-u. Hạt ép lấy dầu đổ vô cái chén, thả một cọng tim vắt thòng ra ngoài miệng chén để đốt. Xác trộn bông gòn cuốn quanh cây tre dùng làm cây rọi đốt ngoài nhà nghe tiếng lách tách vui tai, ánh sáng rọi đủ để ngắm hàng mù-u trên bờ soi bóng dưới dòng sông quê. Đèn mù-u đốt không tốn tiền, bốc khói xanh toả hương thơm đuổi được muỗi mà không có bù hóng đen thủi đen thui như đốt đèn dầu.

                              Thời gian có dịch ghẻ toàn quốc, người Cà-Mau lượm trái mù-u mục nằm dưới lớp lá mục đem về đốt, tán ra trộn với dầu mù-u là có thuốc sức ghẻ, dầu mù-u trị nấm mốc, bôi trị thấp khớp, chữa phỏng. Khi bị mụn nhọt người ta rạch vài nhát dao vào thân cây cho nhựa ứa ra rồi lấy mủ về trét lên miếng vải coton mỏng, hơ nóng dán vào chỗ đau cho mủ gôm lại. Nhựa trị mụn nhọt, vết loét nhiễm trùng và còn dùng nhựa làm thuốc cầm máu.



                              cây là bóng mát quê hương


                              Cây Mù-u thân thương với dân miền sông nước là thế, Lý Mù-u vẫn ngọt ngào mượt mà bên thuyền bên trăng bên sông



                              Trăng đã lên chơi vơi

                              Mù-u chưa chín Ơ

                              Soi bóng trong khoang ghe rường Ơ

                              Mù-u đã rơi ....




                              Mà sao vẫn buồn buồn!!!

                              Có phải không? như lời bác gái miền Nam đã kể KD nghe "Bông Mù-u nở ra trắng nõn, thơm phức mùi hương mặn nồng, đều đặn xoè cánh tròn xoe , nụ cũng tròn xoe nên người dân quê Nam bộ dùng đôi bông Mù-u bằng vàng nhỏ tròn như nụ mù-u đi cưới con dâu. Rồi cuộc mưu sinh trên sông nước đầy trắc trở, người ở nhà trông chờ người ra khơi từng giờ".

                              Bướm vàng đậu nhánh Mù-U

                              Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn

                              "Con nước lên sông sâu à ơi Mù-U chưa chín

                              Con nước lên sông sâu à ơi Mù-U đã rơi".



                              Chị bạn sống bên giòng Cửu Long nhắc KD : Người Sài-Gòn cũng biết cây Mù-U đó:

                              Đèn Sài-Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

                              Đèn Cây-Gõ ngọn tỏ ngọn lu

                              Nước ròng em thả trái Mù-u

                              Lỡ duyên cạo trọc lên tu Núi Bà.

                              (nước ròng:nước thấp nhất khi thủy triều lên)




                              Thân ái

                              KimDung

                              Comment

                              Working...
                              X