Announcement

Collapse
No announcement yet.

NÓI VỚI NGÂN HẠNH

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • NÓI VỚI NGÂN HẠNH

    Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá,

    Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì.



    (Trích bài Vì Sao , thơ Xuân Diệu)

    Nói Với Ngân Hạnh

    Năm 1974, tại Đại học Văn khoa Sài Gòn thầy Duan Hauch phụ trách 2 môn American Literature và American Drama của chứng chỉ Văn chương, Văn minh Mỹ. Khi có lớp của thầy, nhất là những lớp buổi tối, anh rất ngạc nhiên khi thấy luôn có một nhóm khoảng 10 anh, chị đến học. Do đến trường không thường, phương tiện di chuyển và trang phục rất sang, đẹp, hiện đại nên anh đoán họ không phải là sinh viên. Trong giờ học nhóm người ấy thường ngồi quanh bục, sát chân thầy im lặng nghe giảng tuy ít thấy ghi chép, thỉnh thoảng cũng có phát biểu, nói chung, tác phong rất đúng mực. Giờ ra chơi hay sau buổi học, nhóm người này lại bao vây thầy và cùng trò chuyện vui vẻ, thân mật. Họ cũng ra dấu chào nhận biết khi nhìn thấy một cô sinh viên “trông có vẻ lẻ loi” (do không thuộc nhóm sinh viên mới lên chứng chỉ chuyên khoa chúng tôi vốn đã ít nhiều quen biết nhau) giữa đám sinh viên “chân chỉ hạt bột” ngồi cặm cụi lấy note ở các hàng ghế, để rồi đến giờ ra chơi lập tức đến ôm, lôi cô đến chỗ nhóm bạn đang cùng thầy Hauch trò chuyện.

    Thầy Hauch cực kỳ năng động, cạnh nhiệm vụ tuỳ viên văn hoá toà đại sứ Mỹ, tham gia giảng dạy tại Văn khoa, thầy còn tổ chức và điều hành một nhóm kịch thỉnh thoảng trình diễn tại các trung tâm Văn hoá Mỹ ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Đà Nẳng… Sau này anh mới biết nhóm người ấy, kể cả “cô sinh viên trông có vẻ lẻ loi”, là thành viên của nhóm kịch. Nhiều người trong nhóm từng là sinh viên Văn khoa.

    Dạo ấy việc học của ban Anh văn của chúng ta rất thuận lợi. Thư viện riêng của ban cho sinh viên mượn khá đủ sách, truyện về tham khảo suốt năm học, chúng ta còn được làm thẻ mượn sách của thư viện Abraham Lincoln và British Council. Sinh viên như anh chỉ gặp khó khăn do thiếu tài liệu tham khảo về kịch, còn Ngân Hạnh, “cô sinh viên lẻ loi”, lại có khá đầy đủ. Thế là ta quen nhau (tuy về phía anh có phần lợi dụng!).

    Rồi thành phố giải phóng. Mấy hôm sau khi thành phố đã ổn định, mọi người đã quen với sự hiện diện của những anh lính giải phóng, anh đến trường nhưng không thấy em. Tìm đến nhà mới biết em và chị Phương, chị kế của em, mấy ngày nay “đóng cửa” ở nhà may quần áo để mặc cho hợp thời thế. Sau đó chúng mình cùng đến trường. Khi trường dạy trở lại, em tiếp tục học Văn khoa nhưng có vẻ nản do thiếu vắng những thầy, cô đã dạy, và nghe nói lớp chúng mình, dù tất cả sinh viên đã có chứng chỉ dự bị, chỉ được xếp vào hệ cao đẳng.

    Trong nhà em lúc ấy có 5 người. Bố em, trước 1954 là nhân viên quan thuế ở Hải Phòng, sau khi vào Nam ông làm việc thêm một thời gian rồi nghỉ hưu. Mẹ nhỏ người, là tiêu biểu của phụ nữ miền Bắc lớn tuổi, chỉ quanh quẩn nhà bếp, nhà sau và rất kiệm lời. Chị Phương đã lập gia đình, có nhà riêng nhưng sau này hay về nhà chơi sau khi chồng chị đi học cải tạo ở ngoài Bắc, em và Nam là em út. Gia đình em rất yêu âm nhạc. Thời con gái chị Phương học Luật đồng thời học piano tại Quốc gia Âm nhạc, Nam đang học Toán tại Khoa học và chơi guitar nhất là classic rất hay, em học Văn khoa và chơi mandolin. Nhà dành hẳn một phòng chứa nhạc cụ, nhưng tiếc là anh chưa lần nào được may mắn dự một buổi hoà nhạc gia đình. Anh mấy lần nài nỉ em chơi mandolin cho anh thưởng thức nhưng không hiểu sao em lại từ chối?

    Sau giải phóng anh phân vân trước 2 chọn lựa: Văn khoa hay đại học Giáo Dục (sau 30/4 đổi thành Sư phạm Kỹ Thuật). Vì còn phân vân nên anh đến trình diện cả 2 trường. Nhân viên quân quản K-11 nói, “…tiếng Anh là tiếng đế quốc!” Anh về nhà thuật lại câu ấy cho gia đình. Ba nói, “Thôi, bỏ Văn khoa đi con!” Theo Sư phạm Kỹ thuật sẽ vất vả vì phải lên học tận Thủ Đức (ngã tư chợ Nhỏ) nhưng anh được biết khi việc học tập đã đi vào nề nếp, ổn định, giáo sinh sẽ được học bổng; nam 18đ/tháng còn nữ 18,50đ/tháng, một số tiền túi khá lớn với anh thời ấy. Anh cũng biết với bản lý lịch mà sau cùng sẽ được phê những chữ “thành phần gia đình Nguỵ quân - Nguỵ quyền” thì phải biết an phận. Chả là ở ngoài Bắc người ta vẫn nói: “Chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”? Quyết định được đưa ra.

    Giai đoạn đi học trở lại sau ngày giải phóng của anh rất khổ. Sáng phải thức dậy trước 4 giờ, ăn sáng, chừa lại một phần cơm cho vào lon sữa guigoz mang đến trường cho buổi trưa, đi bộ từ nhà ở quận 8 đến bến xe đi Biên Hoà, Dĩ An nằm trên đường Nguyễn Hoàng (gần chợ An Đông, nay đã giải toả), phải tranh giành để có một chỗ trên xe đến trường. Buổi chiều về còn khó khăn hơn vì rất khó đón xe đò, thường là phải đi bộ đến ga xe lửa gần chợ Thủ Đức, tìm mọi cách để được lên tàu, mà thường là phải đu. Tàu về đến bên hông trường Nguyễn Bá Tòng (nay là trường Bùi Thị Xuân), gần ga Sài Gòn, thì nhảy xuống để về cho gần, và cũng để khỏi bị bắt vì đi tàu không mua vé. Lúc anh về đến nhà thường thì đã lên đèn. Thỉnh thoảng, buổi tối, anh đến nhà em chơi, căn nhà nằm trong con hẻm trên đường Phan Thanh Giản; một hẻm ngắn nhưng toàn những căn nhà kín cổng, cao tường. Chúng ta hay đặt ghế ngồi trước sân nói chuyện vì dạo ấy Sài Gòn hay bị cắt điện, ở trong nhà ngột ngạt và cũng để có chút riêng tư. Cũng có khi anh chở em đi uống nước, hay đến chơi nhà bạn của em.

    Cuối năm 1976 em ra trường và được phân công đến Bình Thuận làm việc. Dĩ nhiên là em không nhận nhiệm sở. Tháng 7 năm 1977 anh ra trường, may mắn thay lúc ấy ở Sài Gòn thiếu giáo viên rất nhiều nên được ở lại thành phố. Từ đó anh đến nhà em thường xuyên hơn. Em than không có việc làm, phải ở nhà hoài chán lắm. Em cũng đã xin làm việc cho hợp tác xã tiêu thụ phường nhưng không được. Còn anh chỉ biết an ủi em.

    Hè 1978 anh về quê Vĩnh Long chơi. Không gặp bạn, anh ra bến xe gần nhà uống cà phê, tình cờ thấy xe đi Trà Vinh rời bến còn trống khách thế là anh đón xe đi Trà Vinh xem ao Bà Om rồi vào phum của đồng bào Khmer gần đó tìm mua khúc bánh mì hay gói xôi, củ khoai ăn tạm buổi trưa. Tại chợ phum anh gặp bà cụ bán đồ kim khí thủ công như cây cài tóc, cây móc ráy tai, nhíp, và những chiếc vòng đeo tay bằng bạc trên có gắn một chiếc chuông hay lục lạc. Những chiếc vòng nầy sản xuất thủ công nên hơi thô, chột vòng bằng bạc khá to, nhưng anh thấy có một chiếc vòng gắn chuông bạc xinh xinh phát ra tiếng kêu leng keng, dễ thương. Anh mua chiếc vòng bạc với cái chuông bạc xinh xinh ấy vì anh thấy nó hợp với tên em. Anh không biết khi em chào đời ba mẹ đặt tên cho em hàm ý gì, còn với anh, chữ Ngân là kim loại bạc, còn Hạnh là hạnh phúc, niềm mong ước của mọi người, kể cả anh. Sẵn ở nhà có chiếc hộp tròn sơn mài thế là anh để vòng vào hộp tặng em làm quà kỷ niệm chuyến về quê. Như thường lệ, chúng ta đặt ghế ở sân ngồi nói chuyện về chuyến đi. Khi mở hộp tặng vòng, anh đã nói với em: “Thanh niên miền Nam như anh không bao giờ dám tặng quà nữ trang bằng vàng cho một cô gái, mà cô gái cũng không dám nhận, vì tặng quà như thế là một lời nghiêm túc cầu hôn, ngỏ ý.” Em đã nhận chiếc vòng và nhờ anh đeo vào tay cho em. Dưới ánh trăng anh thấy mắt em long lanh. Lý sự “cùn” của anh về tên em vậy mà đúng: Chuông bạc reo mang đến hạnh phúc cho anh.

    Lần kế đến nhà, em mời, “Chiều Chủ nhật này, anh đến trước 4 giờ để cùng đi nhà thờ với em.” Cô Tư (em gái của ba anh) có chồng Công giáo. Lúc nhỏ, mỗi khi lên Sài Gòn chơi ở nhà cô, do tính tò mò, anh vẫn theo mấy đứa em họ đi nhà thờ, cũng biết vài điều về lễ ở nhà thờ nên không ngần ngại, mà làm sao anh có thể kháng lại lời mời ấy? Anh dự định: Nếu tình thế “căng quá” thì nói với em đứng bên ngoài, vì theo như anh biết nhiều giáo dân tính tình phóng khoáng, yêu tự do, vẫn thường đứng ngoài nhà thờ khi đang dự lễ.

    Sự việc tiếp theo xảy ra không như anh nghĩ. Nhà thờ em nói là nhà nguyện Mai Khôi, nằm trên đường Phan Thanh Giản gần ngã tư Lê Văn Duyệt, không có chỗ để đứng ngoài “dự thính”. Nhà nguyện rất nhỏ, chứa không đến 100 giáo dân, và hình như mọi người đều biết mặt nhau. Trên quảng đường gần 500 mét từ nhà em đến nhà nguyện hai đứa đi bên nhau phía sau chị Phương. Trên đường đi rất nhiều người chào hỏi chị Phương, nhưng khi thấy khuôn mặt lạ của anh bên cạnh em họ chỉ cười cười, mắt ánh lên vẻ ngạc nhiên. Rồi khi không còn chỗ tránh, phải đi cạnh em vào nhà nguyện, anh ngượng cứng người trước những cái nhìn tò mò (về phía anh), và dọ hỏi (về phía em). Còn những người trẻ, tuổi trạc chúng mình, thì chỉ trỏ, xì xào. Anh chỉ còn biết khoanh tay trước ngực, mắt nhìn thẳng tượng Chúa ra dáng như đang cầu nguyện… Lúc ấy anh rất sung sướng. Sung sướng vì biết em đã chấp nhận anh, mới dám dẫn anh đến nhà nguyện “trình diện” cộng đồng giáo dân nhỏ mà em và gia đình đã gắn bó từ lâu. Vừa ngượng, vừa quá sung sướng nên anh đứng đơ người, không dám nhìn sang em cũng như để ý đến thái độ của em lúc đó, nhưng khi ngượng chắc chắn má em sẽ ửng hồng. Anh đã mỉm cười khi chợt nhớ lại việc má anh nửa đùa, nửa thật khuyên lúc chị hai của anh đến tuổi ‘đi tìm nửa kia’, “Thứ nhất Bắc kỳ, thứ nhì Công giáo, nhớ tránh nghe con!” (Chú thích riêng: Đây là ý kiến cá nhân của má tôi. Thành thật xin lỗi nếu có đụng chạm. Thật ra bản thân tôi cũng không thực hiện được lời khuyên ấy do khi lập gia đình người tôi cưới có cả hai yếu tố trên.) Thế mà bây giờ anh đang quỳ trong nhà thờ bên cạnh cô gái Bắc di cư.

    Dạo ấy mới được học Marx-Lenin nên anh rất say sưa; tuổi trẻ vốn thế và cũng là xu hướng thời đại mà. Chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Tình cờ, anh có em họ là lính chế độ cũ, thuộc diện không được ở thành phố, phải hồi hương lập nghiệp nên gia đình mua đất rừng mới khai phá ở Đồng Nai để các em sản xuất nông nghiệp. Thỉnh thoảng anh mang gạo và thức ăn lên tiếp tế vì các em không quen ăn ròng ngô, sắn. Có một đêm ở rẫy anh nghe tiếng súng từ hướng Tây Ninh vọng về. Chiến tranh lại đến và đã rất gần. Do tình yêu nước vốn có, anh tình nguyện vào Hồng quân và được xếp vào quân dự bị, vẫn tiếp tục đi dạy. Biết chuyện ấy từ đó em đã gọi anh là “thầy giáo Cộng Sản”. Anh hơi buồn khi nghe em gọi anh như thế.

    Rồi một lần đến nhà em anh thấy trong góc phòng “âm nhạc” đặt bức tượng gỗ cao hơn mét vũ nữ Chàm đứng trên lưng rùa. Thấy tượng đẹp nhưng gỗ bị mục nhiều anh tiếc, “Uổng thật! Bức tượng đẹp nhưng gỗ bị mục hết.” Em cho biết tượng không phải bằng gỗ thường mà được tạc từ gỗ trầm, và do người anh đi lính ở miền Trung mua về trang trí trong nhà đã lâu nhưng gần đây để trong phòng ba-mẹ. Hôm nọ mang ra đây để thương lái Chợ Lớn đến xem, và họ đã chịu mua với giá 10 cây vàng nhưng gia đình chưa đồng ý bán. Vào thời đó, với số vàng ấy có thể mua một căn nhà mặt tiền. Anh thắc mắc nhưng không dám hỏi gia đình cần tiền nhiều như vậy để làm gì? Anh u mê quá phải không Hạnh?

    Anh vẫn sống vô tư, thiếu quan tâm đến em, gia đình em và những gì xảy ra chung quanh. Rồi một hôm em hỏi ý anh về việc đi nước ngoài hay ở lại. Anh nói ở đây sống cũng được, đi làm gì? Thật ra lúc ấy anh rất thất vọng về “Đồng minh Mỹ”. Trước đây anh sống thoải mái, tích cực, chan hòa vì anh đã thấy thấp thoáng hình bóng của anh trong guồng máy ấy, đảm trách một khâu quan trọng hay thứ yếu tùy theo năng lực của bản thân, bên cạnh “những Đồng minh Mỹ”. Xử lý vụng về để vuột mất suất học bổng du học năm 1972, anh lập tức lên kế hoạch chuẩn bị tìm suất tu nghiệp sau đại học bằng việc chọn học ngành sư phạm kỹ thuật, một ngành mới mở, và lớp anh học là lớp sư phạm Nông nghiệp đầu tiên, sẽ được ưu tiên phát triển vì là những người tiên phong mở lối mà! Việc đầu tiên anh phải thực hiện là học cho giỏi tiếng Anh. Cũng nhờ đó chúng ta gặp nhau tại trường Văn khoa. Mọi việc anh đang làm tốt thì đến ngày 30/4/1975. Anh từng được họ dạy: “A friend in needs is a friend indeed”, thế mà ngày 30/4 họ lên phi cơ bay thẳng. Rồi tình cờ anh được xem phim tài liệu quay cảnh ngày 30/4 trên một tàu sân bay Mỹ: Sau khi chiếc trực thăng Không quân Việt Nam đáp xuống, lính Mỹ chờ hành khách và phi hành đoàn rời phi cơ xong là đẩy phi cơ xuống biển. Xem đoạn đó anh đã khóc. Từng nuôi mộng phi công nên anh biết quy luật nghiêm ngặt trên tàu sân bay về chỗ đậu phi cơ, nhưng trước cảnh ấy anh không thể nói gì khác ngoài câu: Vắt chanh bỏ vỏ. Cho đến giờ, hơn 40 năm sau, nỗi thất vọng ấy ở anh vẫn chưa vơi. Anh nhớ hình như anh có nói việc này với em, nhưng em vẫn giữ nguyên ý kiến. Chúng mình rơi vào bế tắc; im lặng là tốt nhất.

    Một lần khác anh và em lại sa vào đề tài cũ. Lần này em nói thẳng gia đình đang chuẩn bị ra đi, và em muốn có anh đi cùng. Tiếc là anh không đồng ý mà còn cực đoan hạ mức quan hệ giữa hai đứa, tối tối dứt khoát không sang nhà em. Anh đã đến với em cùng cái tôi quá lớn và nhiều sai lầm trong suy nghĩ.

    Bên ngoài ra vẻ cứng rắn nhưng thật lòng anh buồn lắm. Nhiều đêm khuya anh lấy xe ra khỏi nhà, lòng tự nhủ sẽ không đến nhà em, nhưng đi lòng vòng một lúc lại thấy đang trên đường Phan Thanh Giản. Nhiều lần đã tự nhủ phải cương quyết, dứt khoác không đến nhưng vẫn thấy đang đi ngang cổng nhà em. Có lần nhớ em quá anh đến đứng chờ ở cây xăng Phan Thanh Giản lúc 4 giờ chiều Chủ nhật để được thấy em đi nhà thờ. Rồi một chiều Chủ nhật anh thấy em đi nhà thờ cạnh một thanh niên. Anh có thêm động lực để dứt khoát. Đêm Giáng Sinh 1978 anh ngồi trong bóng tối trên xích đu trước nhà nhìn giáo dân gần nhà đi lễ và trở về. Để không có thời gian rảnh nhớ về em, nhất là về đêm, anh ra khu Nguyễn Thiện Thuật mua đàn guitar tự tập chơi classic. Thế là đêm khuya sau khi làm xong việc nhà, việc trường, anh ngồi một mình trước nhà tập chơi đàn.

    Một chiều Chủ nhật anh không thấy em và gia đình đi nhà thờ. Chủ nhật sau anh đứng chờ bên kia đường, trước văn phòng Nguyên Tử Lực Cuộc, cuối buỗi lễ vẫn không thấy em và gia đình anh lập tức đến căn nhà trong con hẻm đường Phan Thanh Giản thì thấy đã có người ở mới. Anh biết việc phải đến đã đến!

    Sau mấy tháng luyện phần cơ bản, anh chuyển sang tập chơi guitar classic theo bản. Thật lạ là anh chỉ thích luyện và chơi nửa đầu bản Romance, cùng bản Adelita. Sau này anh mới hiểu. Nửa đầu bản Romance tiết tấu chậm, buồn, hợp với tâm trạng của anh lúc ấy. Rất dễ hiểu. Thế còn bản Adelita? Đó là nhạc hiệu báo chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC. Anh đang mong một tin gì đó.

    Và tin anh mong đã đến. Nhưng lại là một tin buồn, rất buồn. Mùa hè năm 1979, là bí thư chi đoàn giáo viên, anh cùng đoàn trường dự trại hè do Trung ương Đoàn tổ chức một tháng tại Phú Khánh. Xong trại hè trở về trình diện trường, bà hiệu trưởng nói, “Cậu qua văn phòng xem có lá thư có phải của cậu không. Hai thằng kia (lúc đó trường anh còn có 2 giáo viên khác trùng tên với anh) xem thư thấy nói chết chóc gì đó, tụi nó chối bây bẩy.” Anh lạnh người, linh tính báo lá thư đó là của anh. Thư của chị Phương gửi cho anh. Trong thư chị báo tin em và ba, mẹ đã qua đời, muốn anh cầu nguyện cho gia đình và bảo nếu muốn biết thêm thì đến nhà chị theo địa chỉ ghi trong thư, chị sẽ cho biết.

    Đoàn tàu vượt biên gồm 3 chiếc được tổ chức tốt, lắp máy mạnh, chở số khách vừa phải ra khơi an toàn, không gặp sóng to gió lớn, không gặp cướp biển. Chiếc chạy nhanh nhất đã cập vào một hòn đảo của Mã Lai. Tiếc là trước đấy đã có quá nhiều tàu vượt biên cập vào đảo nầy. Mà đó là một đảo nhỏ, ít dân, không cơ quan chính quyền hay cảnh sát, bưu điện. Lúc đầu họ rất trọng, xem người vượt biên đường biển là anh hùng vì đã xem thường cái chết, nhưng khi nhiều tàu tị nạn cùng đến đấy, trên đảo có quá đông người Việt đói, khát, thiếu thốn thì nhiều việc không hay xảy ra. Chủ yếu là do người tị nạn. Thế là dân địa phương đổi thái độ, từ thân thiện sang thù nghịch. Không tiếp xúc, mua bán, giúp đỡ thuyền nhân, thậm chí xua đuổi, không cho tàu vượt biên khác cập vào đảo. Gia đình ta đi trên một trong hai chiếc tàu đến sau, khi đó dân đảo có đủ thời gian cho tàu của họ ra khơi xua đuổi 2 tàu nầy.

    Sau nhiều ngày đi trên biển thì đất liền là nam châm có sức hút cực mạnh. Người vượt biên đường biển chỉ muốn lên bờ. Trong hoàn cảnh ấy đó là một sai lầm lớn mà người trên 2 tàu đi sau nào biết. Sẵn cơn giận không kịp đối phó để thêm 1 tàu cập vào đảo, dân địa phương bèn trút nỗi giận ấy lên 2 tàu còn lại. Xung đột trên biển xảy ra. Người vượt biên sau nhiều ngày đói, khát đâu còn sức chống trả. Tàu chìm. Nhiều người chết. Em Nam chỉ vớt được xác mẹ. Hôm ấy là ngày 04 tháng 02 năm 1979, nhằm tết Kỷ Mùi. Mấy tháng sau Nam mới liên lạc được với gia đình bên Mỹ, kể lại những việc đau buồn, rồi tin ấy đến với chị Phương, rồi tin đến với anh. Gia đình khi ra đi có 4 người, đến Mỹ chỉ còn 1.

    Chị cũng cho biết sau việc của anh với em không thành, lo sợ trước nạn hải tặc khi vượt biên đường biển, gia đình có khuyên em nên kết bạn, và nhờ người quen giới thiệu cho em một thanh niên, vốn là chỗ quen biết của gia đình. Đó là người thanh niên anh thấy đi nhà thờ cạnh em, nhưng em tỏ vẻ không thiết tha nên người ấy nản, sau đó từ chối.

    Từ đó anh cảm thấy nhạc của Nguyễn Đức Quang thêm ý nghĩa, anh thích lục bình, loài thực vật thủy sinh có hoa màu tím, sống trôi nổi, bồng bềnh theo sóng nước.

    Anh rể của anh có bạn là nhà thơ Minh Viên. Nhà thơ có tặng anh rể một tập thơ của mình. Anh thích nhất những dòng này:

    Đời người là điếu thuốc

    Lửa tháng năm cháy dần

    Tro tàn rơi sự nghiệp

    Hồn sợi khói bâng khuân.




    Giờ đây anh thắc mắc: Anh Minh Viên ơi, thế tình yêu ở đâu?

    Trong khi đợi anh Minh Viên, hay một nhà thơ nào đó khác, diễn tả về đời người đầy đủ hơn, anh đành sử dụng cách của anh.

    Có những việc người trong cuộc sẵn lòng, và thậm chí, rất muốn chia sẻ với người khác. Cũng có những việc khi nhớ đến lòng ta ray rức, chỉ muốn chôn chặt, muốn dấu kín chúng vào một góc khuất nào đó để được một mình gậm nhấm nỗi buồn. Đó là “Những việc sống để dạ, chết mang theo.” Anh đã làm như thế gần 40 năm qua, nhưng hôm nay anh nghĩ, anh phải viết ra những lời này. Hạnh, hãy tha thứ cho anh, tha thứ cho những lỗi lầm của anh.

    Tái Bút:

    Đã 40 năm trôi qua. Bốn mươi năm, biết bao vật đổi, sao dời. Đường Phan Thanh Giản đổi thành Điện Biên Phủ, việc nầy chắc em có biết? Căn nhà “bánh ít” mái ngói đỏ của gia đình em khi xưa giờ là căn nhà lầu nhiều tầng, vách cẩm thạch màu vàng-nâu, còn nhà nguyện Mai Khôi xưa chúng mình cùng đến giờ không còn. Anh phải đứng nhìn thật lâu mới có thể nói hình như giờ là một trường mầm non.

    (Bài viết nầy nếu được Ban Biên Tập trang gắn thêm bản ADELITA để chúng ta cùng nghe, và đặc biệt là người viết có lại cảm giác bồn chồn, nôn nao…, như ngày ấy.)




  • #2
    Ký ức về mối quan hệ hơn 40 năm về trước, ở mình, ngày một nhạt nhòa. Hôm nay ngồi đây hoài niệm, được nghe bản adelita định mệnh (?), ngày ấy ở mình như tái hiện. Nỗi buồn vẫn hiện hữu.

    CÁM ƠN MỌI NGƯỜI.

    Comment


    • #3
      Anh Long mến. Câu chuyện kết thúc có hậu . Thiên Chúa là Tình Yêu.

      Ngài sinh ra Ngân Hạnh và luôn bảo vệ Ngân Hạnh. Khi đứa con của Ngài không còn chịu đựng nổi lưỡi đòng đâm qua tim và thêm những nhát chém là những lời thị phi thì TC đã đem con của Ngài về quê Trời.

      TC yêu chúng ta , luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta , Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta “uốn lưỡi 70 lần7 “ trước khi nói những điều quan trọng (khẩu nghiệp) và dặn dò ‘ gieo yêu thương thì gặt hạnh phúc. Gieo chia rẽ, gặt đau thương” (nhân qủa). TC luôn yêu thương khi ta phạm lỗi “Ai trong các người sạch tội thì hãy ném đá bà này” khi không ai dám ném đá bà thì Ngài bảo “con hãy về và đừng phạm tội nữa”. TC không sử phạt ta khi ta phạm lỗi. Và Gia đình Ngân Hạnh cũng không ai trách anh mà chính lương tâm ta dày vò ta.

      KD cũng là “công giáo, đi cư” luôn sống trong sự bảo bọc và giáo huấn của cha mẹ KD cũng có một chút hiểu NgânHạnh nên mới dám chia sẻ vài lời này, nếu không đúng anh Long đừng buồn KD nhé.

      Từ thuở bé KD được dạy bài học của thánh nữ Thérésa rằng. Bông hoa Cúc dại tượng trưng cho những người dân bình thường , những tư tưởng, lời nói,lối sống đơn sơ chất phát hàng ngày vẫn đẹp vẫn được yêu qúi. Bông hoa Hồng tựợng trưng cho tư tưởng, lời nói, lối sống của nhà bác học , triết gia..... đáng được trận qúi . Hoa Hồng và hoa Cúc đều đẹp. KD phải học đi học lại những điều tốt đẹp này vậy mà vẫn còn phạm lỗi.

      Hôm nay nhân loại tưởng nhớ lại 2018 năm trước ông thánh Giuse và mẹ Maria đang lầm lũi đi trốn kẻ tìm giết con Thiên Chúa nhưng đi đến nửa đường mẹ Maria hạ sinh Hài Nhi nơi cái nhà nuôi bò đã bị bỏ hoang (ai ở trong quê Úc thì biết nhà này) nhưng trong chuồng bò nơi vắng vẻ họ được bình an (đi xa kẻ tìm hài nhi để bách hại) không cô đơn mà có mục đồng , chiên, bò đến vây quanh. TC nhắn nhủ ta trong bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng không cô đơn. Mến chúc anh Long mùa giáng sinh an bình và năm mới 2019 vui khỏe , bình an.

      Thân ái

      KimDung

      Comment


      • #4


        Những năm tháng trước 30/4/1975, thường sinh viên Khoa NN hay tụ tập đứng ở ngoài hành lang trên lầu ở khu B trường đại học Nông Nghiệp trên đường Cường Để trong thời gian nghỉ giữa lớp hay chờ lớp học tại đây bắt đầu. Bây giờ chợt nhớ và mới biết, có lẽ ai đó đôi lúc đứng tựa lan can trên lầu đưa mắt hướng về ngôi trường Văn Khoa kế bên và thả hồn mênh mang sang trường bạn là dành cho một bóng hồng mà đến bây giờ bạn bè mới được biết tên . Cảm ơn tác giả chia sẻ một chuyện tình đẹp được dấu kín hơn 40 năm.

        Bài viết nhẹ nhàng đầy luyến tiếc làm chợt nhớ đến một bài nhạc phổ thơ rất êm đềm, gợi nhớ, và thân gởi đến bạn, người một thời có những ngày tháng đầy ắp kỷ niệm không quên với … Người Em Văn Khoa !


        Tình thân,

        4


        Best wishes,

        Comment

        Working...
        X