Announcement

Collapse
No announcement yet.

BÁNH KHÚC

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • BÁNH KHÚC

    BÁNH KHÚC - Quyên Di



    Lá khúc


    Hồi trước cái nhà ông thi sĩ Hoàng Cầm say mê cô chị vừa đẹp vừa lãng mạn “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” đến độ suốt đời ngây ngô đi tìm chiếc lá diêu bông. Ai bảo ông tin vào những lời hứa hẹn trăng sao của phụ nữ. Lời họ hứa như sao, vì sao nhiều lắm; mà họ giữ lời hứa như trăng, vì trên mặt trăng có… chú Cuội! (Tôi bắt chước những anh đàn ông dầy dạn kinh nghiệm tình đời, nói lời chua cay! Nghe có chút chua cay nào không?)

    Lúc bé, tôi cũng đi theo một cô chị. Tôi không say mê chị, nhưng say mê theo chị. Còn chị thì say mê đi hái rau khúc.

    Hãy để rau khúc sang một bên, nghe tôi tả chị Khuê của tôi đây này.

    Dạo ấy chị Khuê chừng 15, 16 tuổi, mắt sáng như sao, má thì hồng, môi thì đỏ, răng trắng tinh như bạch ngọc. Ở nhà quê mà sao chị xinh đẹp quý phái như thế? Tôi không có ý nói con gái nhà quê không xinh đẹp, nhưng cái chất đẹp của chị Khuê là cái chất đẹp thành phố. Cũng như gia đình chúng tôi, gia đình chị từ Hà Nội đi tản cư. Trôi giạt nhiều nơi, cuối cùng cả hai gia đình được cho trọ chung trong một nếp nhà ở thôn Thượng Vỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cùng thân phận tản cư, hai gia đình xem nhau như một nhà. Tôi sung sướng được làm em cô chị xinh đẹp quý phái Bích Khuê.

    Hồi ấy tôi chưa đầy 5 tuổi, nói ngọng. Tôi không phát âm được âm “khờ,” chỉ phát được âm “hờ” mà thôi. Bởi vậy tôi gọi chị là “chị Huê.” “Chị Huê ơi, cho em đi hái rau “húc” với.” Chị Khuê cười, “Ừ, thì cho em đi.”

    Một lần mẹ tôi nghe tôi gọi chị Khuê như thế thì vời lại mà bảo: “Con phải tập gọi đúng tên chị là Khuê. Khuê là căn phòng riêng trong nhà, dành cho con gái chưa đi lấy chồng. Ngày xưa người ta gọi là khuê phòng.” Tội thân tôi, chưa đầy 5 tuổi, làm sao hiểu được “khuê phòng.” Dù sao tôi cũng mường tượng đó là một nơi chốn rất kín đáo, riêng tư dành cho con gái. Tội thân chị Khuê hơn, phận người tản cư, cô gái thành phố ấy làm gì có “khuê phòng.” Một lần tôi thấy chị Khuê ngủ trên cái chõng kê ngoài đầu hè. Trông chị như tiên vừa giáng phàm còn đang trong cơn mộng mị. Bố chị Khuê thì cắt nghĩa cho con gái: “Tên con là Bích Khuê, có nghĩa là cái khuê phòng màu xanh biếc như ngọc bích. Bố không đặt tên con là Khuê Bích như bác Giáp đề nghị, vì Khuê Bích chỉ là bức tường của khuê phòng. Hai chữ “bích” viết khác nhau, con ạ. Là Bích Khuê, con phải đi đứng, nằm ngồi cho ý tứ, con nhé.” Chị Khuê vâng dạ. Chả hiểu chị có hiểu hết lời cắt nghĩa của nghiêm phụ hay không.

    Năm ấy tết nhất đã qua, tháng Hai về. Trên cành, hoa đào vẫn còn lác đác nhưng người ta nói đào đã đến mùa “bói quả.” Những quả đào đầu mùa lớn dần, lớn dần lên, làn da xanh đã thấy phơn phớt sắc hồng. Đó cũng là lúc người ta ra đồng, ra bãi hái rau khúc. Thấy chị Khuê cắp cái rổ con, tôi níu tay chị, đòi theo. Hai chị em ra cánh đồng gần đấy, đôi khi quá bước ra tận cái bãi non đất mới bồi mà hái rau khúc. Ở đấy, rau khúc mơn mởn, đẹp tinh khiết như thân thể người con gái vừa tuổi lớn. (Đấy là cái ví von sau này khi tôi đã lớn, dạo ấy chưa đầy 5 tuổi, tôi nào biết chi đâu.)

    Cẩn thận nhé, những con mắt long lanh và những bàn tay hái rau khúc. Chúng có hai loại, rau khúc nếp và rau khúc tẻ. Rau khúc nếp lá nhỏ hơn, chỉ như cái ngòi bút thôi. Còn rau khúc tẻ lá to hơn nhiều, có khi lớn bằng đầu ngón tay. Đừng ham rau lớn, cứ loại rau nhỏ mà hái, vì rau khúc nếp thơm hơn, làm bánh ngon hơn nhiều.

    Nói rằng rau khúc thơm, khó mà diễn tả cái mùi thơm lạ lùng ấy. Có người tả nó như “mùi đá núi phơi nắng!” Tôi không tưởng tượng ra được, chỉ cảm nhận rằng nó thơm hăng hắc, như mùi lá ngải cứu, nhưng nhẹ hơn nhiều. Cả hai đều thuộc họ “cúc,” nhưng một thứ để làm ngải cứu, một thứ để ăn. Bố tôi là đông y sĩ, ông nói: “Rau khúc cũng dùng để chữa bệnh được đấy, nhất là những bệnh về phổi, về đường hô hấp.”

    Rau khúc tẻ và rau khúc nếp đều có lớp măng tơ màu trắng bạc phủ bên ngoài. (Về sau, học triết với Giáo sư Nguyễn Văn Trung, tôi nghe ông giảng cho sinh viên: “Cái gì quý báu cũng cần được che phủ.” Giáo sư Nguyễn Văn Trung nổi tiếng với chủ thuyết “ca tụng thân xác.” Thật là một lời giảng đầy… huyền bí!) Vì lớp măng tơ trắng bạc này mà buổi sáng còn sương sớm, những vạt rau khúc sáng lấp lánh như dạ quang.

    Chỉ một vài tiếng, rổ đã đầy ắp rau khúc. Chị Khuê khẽ bảo: “Đủ rồi, ta về thôi!” Tôi nũng nịu, đòi chị cắp rổ ngang hông bằng một tay, còn tay kia thì dắt tôi. Bàn tay bé bỏng của tôi nằm gọn trong bàn tay ấm áp của chị. Tôi sung sướng nóng bừng cả hai má. Thỉnh thoảng chị mỏi, đổi tay cắp rổ. Thế thì tay mới kia cũng lại phải cầm lấy bàn tay tôi, tôi mới bằng lòng.

    Trưa hôm ấy chúng tôi giã bột bằng gạo nếp có pha thêm gạo tẻ. Việc chính là làm bánh thì mẹ tôi tự làm lấy. Mẹ luộc rau, chắt lấy nước, dùng để nhào bột. Rau thì mẹ giã nhuyễn, lọc bỏ hết những xơ già đi rồi cũng trộn vào bột để làm vỏ bánh. Nhân bánh, mẹ làm bằng đậu xanh đã chín và giã nhuyễn, hành mỡ, thịt lợn có cả thỏi mỡ trắng tinh, lại thêm một giọt cà cuống.

    Cà cuống này có được là do công của mấy anh em tôi đấy. Những hôm mưa vừa tạnh, chúng tôi ra bờ ruộng tìm bắt cà cuống. Cái con vật thân hình dèn dẹt, có cánh mà cánh cũng chẳng đẹp sao lại mang dưới bụng nó cái túi nhỏ chứa thứ tinh dầu thơm mê hồn như thế! Chúng tôi đem rổ cà cuống về nộp cho mẹ. Mẹ lấy cái túi đựng tinh dầu ra, chắt vào cái lọ nhỏ, còn con cà cuống thì chúng tôi cũng chẳng tha, đem nướng ăn. Nó thơm và bùi lắm đấy.

    Bố tôi giảng giải về cái tên cà cuống: “Ngày xưa lâu lắm rồi, Triệu Đà lấy cà cuống cống vua Tàu. Vua ăn thấy ngon và thơm quá, mới hỏi sứ giả của Triệu Đà đấy là món gì vậy. Sứ giả nghĩ, nếu bảo nó lấy từ cái con dưới ruộng bay lên thì còn gì là quý, mới nói rằng: “Dạ, đây là món quế đố, tức là lấy từ con sâu quế. Sâu này ăn quế nên nó thơm như vậy.” Sau, khám phá ra nguồn gốc của cà cuống, vua Tàu mới nói: “Gã Triệu Đà này nói dối.” Nói dối thì tiếng Tàu gọi là “cuống.” Từ đó món này có tên là “Đà cuống,” sau người ta gọi chệch đi là “cà cuống.” Tôi nghe thì biết vậy.

    “Bào chế” xong xuôi, mẹ tôi đặt những chiếc bánh trên tàu lá chuối cắt theo hình tròn rồi cho tất cả vào trong chõ mà hấp. Bà lại rắc thêm gạo nếp lên bánh để làm áo bánh. Một lát sau, mùi thơm của nếp, của nhân đậu xanh, của mỡ, của hành, của thịt, của hạt tiêu, của cà cuống, của rau khúc từ chõ bốc lên, lan toả đi, thơm nức cả nhà. Chúng tôi ngồi chờ bánh chín, mắt thì hau háu, lòng thì náo nức… Đến lúc được ăn rồi! Bánh ngon ơi là ngon! Ăn bánh mà như ăn cả hương của cánh đồng bát ngát, của rừng quế thơm tho…

    Gia đình chị Khuê và gia đình tôi như có duyên với nhau. Chúng tôi cùng hồi cư Hà Nội. Nhà không gần nhau nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thấp thoáng bóng chị đâu đó trên đường phố Hà Nội. Rồi gia đình tôi di cư vào Nam, gia đình chị cũng vậy. Có mấy lần hai gia đình gặp nhau, tôi thấy chị Khuê đã lớn. Chị đẹp quá. Chị mặc áo dài trắng như mây. Tôi thấy chị giống như bánh khúc. Lớp áo bên ngoài tinh khôi, ẩn giấu bên trong là cái tâm hồn thơm tho, nồng nàn, lãng mạn, bí mật và huyền diệu… như là nhân cái bánh khúc vậy. “Cái gì quý báu cũng cần được che phủ!!!”

    Bây giờ rau khúc gần như tuyệt chủng. Người ta thay nó bằng lá su hào, lá bó xôi, rau xà lách. Thì cũng ra cái màu xanh phơn phớt ấy, nhưng nó không phải là bánh khúc thật, không có cái mùi thơm ngan ngát đồng nội kia. Ăn chỉ cho đỡ nhớ mà thôi.

    Có những cái trên đời này bất khả thay thế. Để làm bánh khúc, không thứ lá, thứ rau nào có thể thay cho rau khúc. Cô chị Bích Khuê xinh đẹp và quý phái của tôi, cô chị một tay cắp rổ rau khúc ngang hông, một tay nắm lấy bàn tay bé bỏng của tôi, dẫn tôi đi giữa cánh đồng là một nàng tiên giáng trần, không ai thay thế được trong tâm hồn cho đến bây giờ vẫn non dại của tôi.



    18 février, 11:42
Working...
X