BÀ NGOẠI
Từ năm 1965 tỉnh Phước Long, nơi gia đình tôi đang sống, hay có đánh nhau. Tình hình an ninh càng tệ đi từ đầu năm 1967, thế là mùa hè năm đó chị em tôi được ba, má gửi về nhà bà ngoại ở Vĩnh Long để tiện việc học hành. Nhà bà nội tôi cũng ở Vĩnh Long, nhưng chúng tôi được cho ở nhà ngoại vì cạnh nhà ngoại là nhà dì Tư, mà theo truyền thống Việt Nam ta thì dì cũng như mẹ, sẽ được dì chăm sóc.
Tôi còn nhớ dáng ngoại cao, mái tóc màu xám (không phải đen) dù đã già nhưng tóc không bạc, chỉ thấy ngoại tự thắng dầu dừa để hàng ngày dùng vuốt tóc. Mỗi lần thắng dầu dừa ngoại không quên chừa cho tôi vài muỗng canh “khô dừa” còn hơi vàng, món khoái khẩu của tôi, nhưng ngoại chỉ chừa ít thôi, ăn nhiều quá sợ Tào Tháo rượt! Sóng mũi của ngoại cao với đôi mắt xanh lơ hiếm thấy ở người Việt. (Tôi có gặp bà Út, em kế của ngoại, nhưng hai chị em không giống nhau tí nào, còn mấy cậu, dì và má tôi không ai có màu mắt xanh hiếm có ấy.) Ngoại ăn trầu nhưng rất kỹ, không nhả bã trầu bừa bãi. Người ngoài đến nhà chơi cho đến khi thấy ô trầu, hay hàm răng đen, mới biết ngoại ăn trầu. Lúc ngoài 60 tuổi khi bị rụng một chiếc răng, ngoại mừng lắm. Ngoại vẫn nói, “Người già chết đi mà hai hàm răng còn đủ con cháu làm ăn không lên.” Ông ngoại mất đã lâu trước khi tôi ra đời nên tôi hoàn toàn không biết gì về ông, chỉ nghe nói trong thế chiến thứ 1 ông qua Pháp làm lính thợ, sau chiến tranh hồi hương và cưới bà. Ngoại nuôi được 5 người con: Cậu Ba, dì Tư, má tôi thứ năm, cậu Bảy và cậu Tám. Cậu Ba có nhà riêng cách đó không xa, nhà dì Tư cạnh nhà ngoại, còn cậu Bảy và cậu Tám là quân nhân rày đây, mai đó.
Ba chị em tôi sống quây quần bên ngoại, được sự chăm sóc, thương yêu của ngoại và dì Tư (vốn không con). Chung quanh nhà đất còn trống nhiều, nhất là phía sau, nên ngoại có trồng mấy luống hoa và một số cây: Mấy cây cau và một bồn trầu để ngoại ăn, cây vú sữa già có thân to hơn vòng tay ôm của tôi cho trái nhỏ nhưng cực ngon, (mỗi lần leo mỗi lần khó vì cây quá cao, thế là tôi ở trên cây hàng giờ và ăn không dưới chục trái, có thể kết luận: trái vú sữa rất hiền, ăn nhiều nhưng không bị trúng thực, không bị nặng bụng), cây khế ngọt cho trái rất ngon (có thể là do mọc cạnh cây “cầu tủm!”), cây khế chua cho trái rất to, đẹp ngoại thường dùng xắt lát nấu canh. Còn hai cây bưởi Biên Hòa, và cây dừa lửa Tam Quan (Bình Định) mới trồng sau nầy, tôi nghĩ đó là tấm lòng thương nhớ của ngoại dành cho hai cậu, vì những cây nầy được lấy giống từ những địa phương sau những lần ngoại đến thăm nơi hai cậu đóng quân.
Ngoại rất thương tôi vì tôi là cháu ngoại trai duy nhất, lại chịu khó học hành và siêng năng việc nhà, luôn chu toàn mọi việc được giao: Trời mưa lo hứng nước mưa, lọc bụi, lá rồi xách chuyền vào dãy mái to trữ để nấu ăn, uống quanh năm. Khi con mương trước nhà nước đủ lớn thì xách nước tưới hoa, tưới cây và đổ đầy lu, khạp cho gia đình sử dụng, cũng như chăm đầy lu nước uống ven đường cho khách bộ hành... Lúc nhỏ tôi thích xách nước là có lý do riêng. Trời mưa thì được tắm mưa, còn song song hẻm Huyện Cự là con mương có chiều rộng hơn chục mét (giờ đã bị lấp), cây cầu bắc qua mương là nơi tôi thường chơi trò “vũ qua bắc hải” khi còn nhỏ, mỗi khi nước lớn đủ tôi lại hăng hái đi xách nước, cứ xách vài thùng thì vờ té, rồi vịn sàn nước thả người trên mặt nước đập chân đùng đùng (từ đó có câu nói: Quậy đục nước [?]), sau một thời gian tôi biết úp ngược thùng làm phao để bơi, sau nầy bơi giỏi thì không cần. Cứ làm như thế nên tôi biết bơi khi nào không biết. Còn việc nhà không phải tôi siêng mà tôi làm vì tò mò, muốn học hỏi: Những khi ở nhà ăn hến, ăn ốc ngoại cho gom vỏ chứa vào một góc, đến lúc có khá nhiều sẽ đổ ra chỗ trống rồi chất cành, nhánh cây khô lên đốt nung thành vôi. Chỗ vôi nầy sẽ được chứa trong lu đậy kín để đổ dần xuống hố rác sau nhà cho bớt hôi và rác mau mục. Việc vỏ hến, vỏ ốc vốn rất cứng nhưng sau khi bị nung trở thành vôi, với tôi lúc ấy, là cả một điều kỳ diệu, nó làm tôi muốn lớn lên sẽ học ngành hóa. Còn tôi siêng thu gom tàu lá cau vào cho ngoại là để học cách làm quạt mo, uốn mo cau làm gàu tát nước, tước gân lá cau để bó chổi tàu cau… Tôi học được tính kiên nhẫn của người nông dân khi chăm sóc cây trồng quanh nhà: Hàng ngày, tỉ mỉ dùng lạt buộc từng đoạn dây trầu vào thân cau khi rễ của chúng chưa dài đủ để bám, mùa nước nổi khi nước rút bớt lập tức ra vườn dùng vật nhọn chọt lỗ vào đất giúp cây thực hiện trao đổi khí, mùa gió bấc chặt tàu lá dừa dằn mái nhà... Cứ như thế tôi học được những điều cần thiết của người sống vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mấy năm sau nầy, khi ngoại đã luống tuổi, thấy ngoại đi đứng khó khăn nhất là phải trèo cao thắp nhang trên các trang thờ nguy hiểm, tôi nói ngoại để tôi làm thế. Ngoại đồng ý nhưng dặn: “Bàn thờ thông thiên phải được thắp nhang đầu tiên, sau đó mới đến thắp nhang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên.”
Hàng năm, gần đến tết mẹ lại về Vĩnh Long rước chị em tôi lên Phước Long ăn tết và để gia đình sum họp. Tết Mậu Thân ở Phước Long đánh lớn. Sau tết phải hơn 10 ngày mới tạm yên, má đưa chị em tôi ra phi trường Phước Bình đáp phi cơ về Sài Gòn, rồi đi xe đò về Vĩnh Long. Về đến nơi chúng tôi thấy bàn ghế và nhà ngoại lỗ chỗ vết đạn. Ngoại kể do bị trực thăng bắn rocket, nhưng cũng may trúng vào ngọn cau nên nổ trên không, văng mảnh xuống. Lúc ấy ngoại trú ẩn dưới gầm bộ ngựa gỗ mun đen khá dầy, chỗ ngoại ngủ. (Vùng nầy đất có mực thủy cấp cao, đào xuống vài tấc là nước chảy ra nên không đào hầm âm xuống đất trú ẩn được, chỉ có thể đấp hầm nổi, hay … chui gầm giường.)
Từ nhỏ tôi nghe nói gia đình ngoại gốc ở xã Tân Ngãi, thành phần gia đình khá giả, có nhiều đất nhưng do bất đồng về cách phân chia tài sản sau khi ông, bà cố qua đời, mấy chị em ngoại sinh ra hiềm khích, thậm chí phải đưa ra tòa. Khi một việc đã phải giải quyết bằng lý thì đâu còn chỗ cho tình? Và người thời xưa còn nhận xét: Vô phúc đáo tụng đình. Nhận xét nầy cực kỳ chính xác do đất đai, tài sản ra đi (do án phí và tiền mướn thầy kiện, một thời gian dài không thể làm ăn mà chỉ chờ ngày ra hầu tòa… ) mà hiềm khích ngày càng sâu sắc. Cũng vì thế khi lớn tôi chỉ nghe nói về quê ngoại Tân Ngãi, chưa một lần chính thức về đấy thăm bà con. (Thật ra khi mới sinh, tôi có sống ở Tân Ngãi gần năm, lúc ba tôi đóng đồn ở đó.) Việc tranh chấp chủ yếu là giữa ngoại và bà Bảy, chị của ngoại. Ở Tân Ngãi, thân cận nhất còn có bà Út, em nhỏ nhất của ngoại, không liên quan trực tiếp đến việc tranh chấp.
Hè 1965 tôi về Vĩnh Long ở chơi với ngoại và đã chứng kiến một việc thật cảm động. Một buổi sáng có chiếc xe lôi chở ba người dừng trước nhà. Hai người dìu một bà cụ xuống xe rồi đi qua cầu để vào nhà. Dì Tư của tôi nhìn thấy đám người ấy, nhận ra bà con nên nói to: “Có dì Út xuống chơi.” Khi tôi và ngoại bước ra đến hiên thì thấy cảnh bà Út khoát tay, không nhận sự giúp đỡ của hai người con đi cùng nữa, mà tự … bò lên thềm để vào nhà. Bà ngoại tôi vội đi đến bên bà Út, hai chị em ôm nhau khóc. Mấy tháng sau bà Út mất. (Bà Bảy đã mất trước đó mấy năm.) Ngoại mất giữa Tháng 5, năm 1968. Tôi không thể đưa ngoại đến nơi an nghĩ cuối cùng vì hôm ấy phải thi đệ nhị lục cá nguyệt.
Sau khi ngoại mất, hai chị của tôi sợ ma nên sau buổi ăn chiều liền kiếm cớ đi đâu đó, đến khá khuya canh giờ đồng loạt về nhà chui thẳng vào mùng ngủ. Lúc đầu tôi không hiểu ý của hai chị. Mọi sinh hoạt tôi vẫn tiến hành bình thường: Sau khi ăn cơm tôi đi thắp nhang các bàn thờ, trang thờ rồi học bài, làm bài, xem truyện…Tối tối, hàng xóm, người đi ngoài đường nhìn vào nhà ngoại thấy cảnh dưới ánh đèn điện vàng tù mù, thấp thoáng một bóng người đi lại với nắm nhang cháy đỏ trên tay, trong căn nhà cây cối vây quanh và những đốm (bóng đèn) đỏ trên các trang thờ. Sau nầy, hai chị, cũng như nhiều hàng xóm hỏi, “Bộ mầy không sợ sao buổi tối dám ở nhà một mình?” Tôi trả lời theo suy nghĩ bản thân: “Ngoại khi còn sống thương yêu em thì có gì em phải sợ? Nếu ngoại có (hiện) về thì cũng là để ban phước, giúp đỡ em mà thôi.” Tôi chưa bao giờ nằm mơ thấy ngoại. Chắc linh hồn ngoại đã siêu thoát.
BÀ NỘI
Bà nội tôi nhỏ người nhưng nhanh nhẹn, khỏe. Chị em tôi là cháu nội đầu tiên nên rất được nội thương, thường dẫn đi chơi, mua quà, bánh. Nhà nội ở hẻm Lò Rèn, khu cầu Lầu, nhưng nội hay đến nhà tôi, trong trại gia binh phía sau chợ Vĩnh Long, nhất là vào buổi trưa. Vì trại gia binh mái lợp fibro cement nên buổi trưa rất nóng. Nội cầm theo manh chiếu rồi dẫn chị em tôi ra mấy thớt thịt ở chợ, phủi bụi, trải chiếu cho chúng tôi nằm, ngồi quạt cho chúng tôi ngủ. Xế chiều, khi trời mát thì dẫn chúng tôi đi chơi: Ra cầu tàu, qua đài liệt sĩ, đến rạp Lê Thanh xem hát… hình. Nội có thú vui, có thể nói là đam mê, đánh đề nhưng không đánh lớn, chỉ vừa đủ để huyện đề chịu biên. Những ngày như thứ ba có xổ số là trong túi nội có một lá sớ dài. Từ đó chị em tôi biết số 1 là con cá trắng, 26 là con rồng, 35 là con dê… Hôm trật thì êm ru, hôm nào vô một vài số là hôm ấy bà, cháu rôm rả. Sau này khi ba tôi lên Phước Long làm công chức, mùa hè chị em chúng tôi về Vĩnh Long chơi, xuống nhà nội, buổi trưa nội bày luộc ốc gạo, ốc lát, ốc len, nấu khoai, nấu chuối chưng, hấp bánh chuối…, những thứ dễ làm để chị em tôi phụ, và vừa bán, vừa… ăn, thay vì “chơi nhà chòi chỉ được ăn mì ngóng, cháo ngó, hủ tiếu dòm”, theo lời của nội. Thế là người nào việc nấy: Người lớn làm nước mắm ăn ốc, người đâm ớt ngâm ốc cho sạch, người tước gân lá dừa rồi cắt khúc, hay bẻ gai bưởi, lấy chân nhang làm kim lể ốc lát, ốc gạo. Tội nghiệp cho mấy cây bưởi trồng gần con mương trước nhà, chúng sống không nỗi khi có chúng tôi về nghỉ hè. Chào hàng, kêu gọi con nít trong xóm đến mua đã có nội. Các bạn nhỏ trong xóm thấy có người Sài Gòn mới về ra ngồi bán hàng, lại đông vui nên tò mò đến ăn. Khi bán được tí tiền nội sẽ nghĩ ra việc khác cho chúng tôi làm… ăn: gần nhà nội có lò bún, còn chợ cầu Lầu đâu xa gì. Tôi nhớ mãi bún mới ra lò còn ấm, được bắt trong cái bội xinh xinh kết bằng lá chuối, to hơn bàn tay xòe của người lớn. Tôi giỏi giò ra chợ mua dưa leo để về bầm nhuyễn ăn với bún, chan bằng nước mấm ăn ốc còn thừa. Nội thích ăn vặt và không quan trọng buổi ăn chính. Trong nhà bao giờ cũng có khoai luộc, bắp luộc, bún, bánh bò… Đây là điều đám cháu của nội cực thích. Khi chị tôi lớn, không chịu làm những việc buôn bán ốc, khoai … đã có mấy em con cô Tư tôi thế chỗ. Buồn cười nhất là lần em Giàu luộc khoai bằng lá lợp nhà cũ. Luộc khoai thì mất thời giờ, còn lá lợp nhà cháy mau tàn, luộc chín nồi khoai mặt em cũng đen như mặt … bà Táo! Độc chiêu của nội là món sương sa hột lựu nấu bằng rau câu ta. Hình như nội thương cháu trai hơn cháu gái. Đi đám, tiệc nầy nọ nội chỉ dẫn theo cháu trai. Khoảng 6 – 7 tuổi tôi bắt đầu làm “tiểu đồng” cho nội. Khi tôi đã lớn, nội tuyển em Dũng, con của chú Năm thế chỗ. Nội không biết đọc nhưng có trí nhớ cực tốt. Trong họ hàng nhà ai có giỗ, vào ngày nào, nội nhớ vanh vách. Việc đi dự đám giỗ được nội chuẩn bị chu đáo. Áo dài được nội xếp thật ngay để dưới gối lót đầu nằm một đêm cho thẳng, quà cáp cho đám giỗ được mua trước và xếp cẩn thận vào mâm quả bằng thiếc có nấp sơn đỏ. Khi bắt đầu đi tờ báo gói áo dài được cắp dưới nách, đến gần nơi có đám nội bước vào đám cây ven đường lấy áo dài ra mặc, cháu đầu đội (lúc còn nhỏ) hay bưng mâm quả (khi lớn), hai bà cháu đường hoàng vào nhà. Tôi thích nghe nội nói với họ hàng câu: “Con thằng ba đó.”
Năm 1987 anh em chúng tôi tích cực “sản xuất”, kết quả cho ra đời thêm 4 thành viên: thêm bốn đứa cháu cố cho nội. Nội qua đời ngày 26 tháng 12 năm 1987, hai hôm sau ngày vào bệnh viện phụ sản quận 5 xem mặt Vy, đứa cháu cố thứ 4 ra đời trong năm Mẹo. Có người xấu miệng nói, “Tuổi Tí gặp năm Mẹo khắc, đã là xấu, con chuột già gặp trong nhà một lúc những 4 con mèo, con chuột chịu gì thấu!”
Từ năm 1965 tỉnh Phước Long, nơi gia đình tôi đang sống, hay có đánh nhau. Tình hình an ninh càng tệ đi từ đầu năm 1967, thế là mùa hè năm đó chị em tôi được ba, má gửi về nhà bà ngoại ở Vĩnh Long để tiện việc học hành. Nhà bà nội tôi cũng ở Vĩnh Long, nhưng chúng tôi được cho ở nhà ngoại vì cạnh nhà ngoại là nhà dì Tư, mà theo truyền thống Việt Nam ta thì dì cũng như mẹ, sẽ được dì chăm sóc.
Tôi còn nhớ dáng ngoại cao, mái tóc màu xám (không phải đen) dù đã già nhưng tóc không bạc, chỉ thấy ngoại tự thắng dầu dừa để hàng ngày dùng vuốt tóc. Mỗi lần thắng dầu dừa ngoại không quên chừa cho tôi vài muỗng canh “khô dừa” còn hơi vàng, món khoái khẩu của tôi, nhưng ngoại chỉ chừa ít thôi, ăn nhiều quá sợ Tào Tháo rượt! Sóng mũi của ngoại cao với đôi mắt xanh lơ hiếm thấy ở người Việt. (Tôi có gặp bà Út, em kế của ngoại, nhưng hai chị em không giống nhau tí nào, còn mấy cậu, dì và má tôi không ai có màu mắt xanh hiếm có ấy.) Ngoại ăn trầu nhưng rất kỹ, không nhả bã trầu bừa bãi. Người ngoài đến nhà chơi cho đến khi thấy ô trầu, hay hàm răng đen, mới biết ngoại ăn trầu. Lúc ngoài 60 tuổi khi bị rụng một chiếc răng, ngoại mừng lắm. Ngoại vẫn nói, “Người già chết đi mà hai hàm răng còn đủ con cháu làm ăn không lên.” Ông ngoại mất đã lâu trước khi tôi ra đời nên tôi hoàn toàn không biết gì về ông, chỉ nghe nói trong thế chiến thứ 1 ông qua Pháp làm lính thợ, sau chiến tranh hồi hương và cưới bà. Ngoại nuôi được 5 người con: Cậu Ba, dì Tư, má tôi thứ năm, cậu Bảy và cậu Tám. Cậu Ba có nhà riêng cách đó không xa, nhà dì Tư cạnh nhà ngoại, còn cậu Bảy và cậu Tám là quân nhân rày đây, mai đó.
Ba chị em tôi sống quây quần bên ngoại, được sự chăm sóc, thương yêu của ngoại và dì Tư (vốn không con). Chung quanh nhà đất còn trống nhiều, nhất là phía sau, nên ngoại có trồng mấy luống hoa và một số cây: Mấy cây cau và một bồn trầu để ngoại ăn, cây vú sữa già có thân to hơn vòng tay ôm của tôi cho trái nhỏ nhưng cực ngon, (mỗi lần leo mỗi lần khó vì cây quá cao, thế là tôi ở trên cây hàng giờ và ăn không dưới chục trái, có thể kết luận: trái vú sữa rất hiền, ăn nhiều nhưng không bị trúng thực, không bị nặng bụng), cây khế ngọt cho trái rất ngon (có thể là do mọc cạnh cây “cầu tủm!”), cây khế chua cho trái rất to, đẹp ngoại thường dùng xắt lát nấu canh. Còn hai cây bưởi Biên Hòa, và cây dừa lửa Tam Quan (Bình Định) mới trồng sau nầy, tôi nghĩ đó là tấm lòng thương nhớ của ngoại dành cho hai cậu, vì những cây nầy được lấy giống từ những địa phương sau những lần ngoại đến thăm nơi hai cậu đóng quân.
Ngoại rất thương tôi vì tôi là cháu ngoại trai duy nhất, lại chịu khó học hành và siêng năng việc nhà, luôn chu toàn mọi việc được giao: Trời mưa lo hứng nước mưa, lọc bụi, lá rồi xách chuyền vào dãy mái to trữ để nấu ăn, uống quanh năm. Khi con mương trước nhà nước đủ lớn thì xách nước tưới hoa, tưới cây và đổ đầy lu, khạp cho gia đình sử dụng, cũng như chăm đầy lu nước uống ven đường cho khách bộ hành... Lúc nhỏ tôi thích xách nước là có lý do riêng. Trời mưa thì được tắm mưa, còn song song hẻm Huyện Cự là con mương có chiều rộng hơn chục mét (giờ đã bị lấp), cây cầu bắc qua mương là nơi tôi thường chơi trò “vũ qua bắc hải” khi còn nhỏ, mỗi khi nước lớn đủ tôi lại hăng hái đi xách nước, cứ xách vài thùng thì vờ té, rồi vịn sàn nước thả người trên mặt nước đập chân đùng đùng (từ đó có câu nói: Quậy đục nước [?]), sau một thời gian tôi biết úp ngược thùng làm phao để bơi, sau nầy bơi giỏi thì không cần. Cứ làm như thế nên tôi biết bơi khi nào không biết. Còn việc nhà không phải tôi siêng mà tôi làm vì tò mò, muốn học hỏi: Những khi ở nhà ăn hến, ăn ốc ngoại cho gom vỏ chứa vào một góc, đến lúc có khá nhiều sẽ đổ ra chỗ trống rồi chất cành, nhánh cây khô lên đốt nung thành vôi. Chỗ vôi nầy sẽ được chứa trong lu đậy kín để đổ dần xuống hố rác sau nhà cho bớt hôi và rác mau mục. Việc vỏ hến, vỏ ốc vốn rất cứng nhưng sau khi bị nung trở thành vôi, với tôi lúc ấy, là cả một điều kỳ diệu, nó làm tôi muốn lớn lên sẽ học ngành hóa. Còn tôi siêng thu gom tàu lá cau vào cho ngoại là để học cách làm quạt mo, uốn mo cau làm gàu tát nước, tước gân lá cau để bó chổi tàu cau… Tôi học được tính kiên nhẫn của người nông dân khi chăm sóc cây trồng quanh nhà: Hàng ngày, tỉ mỉ dùng lạt buộc từng đoạn dây trầu vào thân cau khi rễ của chúng chưa dài đủ để bám, mùa nước nổi khi nước rút bớt lập tức ra vườn dùng vật nhọn chọt lỗ vào đất giúp cây thực hiện trao đổi khí, mùa gió bấc chặt tàu lá dừa dằn mái nhà... Cứ như thế tôi học được những điều cần thiết của người sống vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mấy năm sau nầy, khi ngoại đã luống tuổi, thấy ngoại đi đứng khó khăn nhất là phải trèo cao thắp nhang trên các trang thờ nguy hiểm, tôi nói ngoại để tôi làm thế. Ngoại đồng ý nhưng dặn: “Bàn thờ thông thiên phải được thắp nhang đầu tiên, sau đó mới đến thắp nhang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên.”
Hàng năm, gần đến tết mẹ lại về Vĩnh Long rước chị em tôi lên Phước Long ăn tết và để gia đình sum họp. Tết Mậu Thân ở Phước Long đánh lớn. Sau tết phải hơn 10 ngày mới tạm yên, má đưa chị em tôi ra phi trường Phước Bình đáp phi cơ về Sài Gòn, rồi đi xe đò về Vĩnh Long. Về đến nơi chúng tôi thấy bàn ghế và nhà ngoại lỗ chỗ vết đạn. Ngoại kể do bị trực thăng bắn rocket, nhưng cũng may trúng vào ngọn cau nên nổ trên không, văng mảnh xuống. Lúc ấy ngoại trú ẩn dưới gầm bộ ngựa gỗ mun đen khá dầy, chỗ ngoại ngủ. (Vùng nầy đất có mực thủy cấp cao, đào xuống vài tấc là nước chảy ra nên không đào hầm âm xuống đất trú ẩn được, chỉ có thể đấp hầm nổi, hay … chui gầm giường.)
Từ nhỏ tôi nghe nói gia đình ngoại gốc ở xã Tân Ngãi, thành phần gia đình khá giả, có nhiều đất nhưng do bất đồng về cách phân chia tài sản sau khi ông, bà cố qua đời, mấy chị em ngoại sinh ra hiềm khích, thậm chí phải đưa ra tòa. Khi một việc đã phải giải quyết bằng lý thì đâu còn chỗ cho tình? Và người thời xưa còn nhận xét: Vô phúc đáo tụng đình. Nhận xét nầy cực kỳ chính xác do đất đai, tài sản ra đi (do án phí và tiền mướn thầy kiện, một thời gian dài không thể làm ăn mà chỉ chờ ngày ra hầu tòa… ) mà hiềm khích ngày càng sâu sắc. Cũng vì thế khi lớn tôi chỉ nghe nói về quê ngoại Tân Ngãi, chưa một lần chính thức về đấy thăm bà con. (Thật ra khi mới sinh, tôi có sống ở Tân Ngãi gần năm, lúc ba tôi đóng đồn ở đó.) Việc tranh chấp chủ yếu là giữa ngoại và bà Bảy, chị của ngoại. Ở Tân Ngãi, thân cận nhất còn có bà Út, em nhỏ nhất của ngoại, không liên quan trực tiếp đến việc tranh chấp.
Hè 1965 tôi về Vĩnh Long ở chơi với ngoại và đã chứng kiến một việc thật cảm động. Một buổi sáng có chiếc xe lôi chở ba người dừng trước nhà. Hai người dìu một bà cụ xuống xe rồi đi qua cầu để vào nhà. Dì Tư của tôi nhìn thấy đám người ấy, nhận ra bà con nên nói to: “Có dì Út xuống chơi.” Khi tôi và ngoại bước ra đến hiên thì thấy cảnh bà Út khoát tay, không nhận sự giúp đỡ của hai người con đi cùng nữa, mà tự … bò lên thềm để vào nhà. Bà ngoại tôi vội đi đến bên bà Út, hai chị em ôm nhau khóc. Mấy tháng sau bà Út mất. (Bà Bảy đã mất trước đó mấy năm.) Ngoại mất giữa Tháng 5, năm 1968. Tôi không thể đưa ngoại đến nơi an nghĩ cuối cùng vì hôm ấy phải thi đệ nhị lục cá nguyệt.
Sau khi ngoại mất, hai chị của tôi sợ ma nên sau buổi ăn chiều liền kiếm cớ đi đâu đó, đến khá khuya canh giờ đồng loạt về nhà chui thẳng vào mùng ngủ. Lúc đầu tôi không hiểu ý của hai chị. Mọi sinh hoạt tôi vẫn tiến hành bình thường: Sau khi ăn cơm tôi đi thắp nhang các bàn thờ, trang thờ rồi học bài, làm bài, xem truyện…Tối tối, hàng xóm, người đi ngoài đường nhìn vào nhà ngoại thấy cảnh dưới ánh đèn điện vàng tù mù, thấp thoáng một bóng người đi lại với nắm nhang cháy đỏ trên tay, trong căn nhà cây cối vây quanh và những đốm (bóng đèn) đỏ trên các trang thờ. Sau nầy, hai chị, cũng như nhiều hàng xóm hỏi, “Bộ mầy không sợ sao buổi tối dám ở nhà một mình?” Tôi trả lời theo suy nghĩ bản thân: “Ngoại khi còn sống thương yêu em thì có gì em phải sợ? Nếu ngoại có (hiện) về thì cũng là để ban phước, giúp đỡ em mà thôi.” Tôi chưa bao giờ nằm mơ thấy ngoại. Chắc linh hồn ngoại đã siêu thoát.
BÀ NỘI
Bà nội tôi nhỏ người nhưng nhanh nhẹn, khỏe. Chị em tôi là cháu nội đầu tiên nên rất được nội thương, thường dẫn đi chơi, mua quà, bánh. Nhà nội ở hẻm Lò Rèn, khu cầu Lầu, nhưng nội hay đến nhà tôi, trong trại gia binh phía sau chợ Vĩnh Long, nhất là vào buổi trưa. Vì trại gia binh mái lợp fibro cement nên buổi trưa rất nóng. Nội cầm theo manh chiếu rồi dẫn chị em tôi ra mấy thớt thịt ở chợ, phủi bụi, trải chiếu cho chúng tôi nằm, ngồi quạt cho chúng tôi ngủ. Xế chiều, khi trời mát thì dẫn chúng tôi đi chơi: Ra cầu tàu, qua đài liệt sĩ, đến rạp Lê Thanh xem hát… hình. Nội có thú vui, có thể nói là đam mê, đánh đề nhưng không đánh lớn, chỉ vừa đủ để huyện đề chịu biên. Những ngày như thứ ba có xổ số là trong túi nội có một lá sớ dài. Từ đó chị em tôi biết số 1 là con cá trắng, 26 là con rồng, 35 là con dê… Hôm trật thì êm ru, hôm nào vô một vài số là hôm ấy bà, cháu rôm rả. Sau này khi ba tôi lên Phước Long làm công chức, mùa hè chị em chúng tôi về Vĩnh Long chơi, xuống nhà nội, buổi trưa nội bày luộc ốc gạo, ốc lát, ốc len, nấu khoai, nấu chuối chưng, hấp bánh chuối…, những thứ dễ làm để chị em tôi phụ, và vừa bán, vừa… ăn, thay vì “chơi nhà chòi chỉ được ăn mì ngóng, cháo ngó, hủ tiếu dòm”, theo lời của nội. Thế là người nào việc nấy: Người lớn làm nước mắm ăn ốc, người đâm ớt ngâm ốc cho sạch, người tước gân lá dừa rồi cắt khúc, hay bẻ gai bưởi, lấy chân nhang làm kim lể ốc lát, ốc gạo. Tội nghiệp cho mấy cây bưởi trồng gần con mương trước nhà, chúng sống không nỗi khi có chúng tôi về nghỉ hè. Chào hàng, kêu gọi con nít trong xóm đến mua đã có nội. Các bạn nhỏ trong xóm thấy có người Sài Gòn mới về ra ngồi bán hàng, lại đông vui nên tò mò đến ăn. Khi bán được tí tiền nội sẽ nghĩ ra việc khác cho chúng tôi làm… ăn: gần nhà nội có lò bún, còn chợ cầu Lầu đâu xa gì. Tôi nhớ mãi bún mới ra lò còn ấm, được bắt trong cái bội xinh xinh kết bằng lá chuối, to hơn bàn tay xòe của người lớn. Tôi giỏi giò ra chợ mua dưa leo để về bầm nhuyễn ăn với bún, chan bằng nước mấm ăn ốc còn thừa. Nội thích ăn vặt và không quan trọng buổi ăn chính. Trong nhà bao giờ cũng có khoai luộc, bắp luộc, bún, bánh bò… Đây là điều đám cháu của nội cực thích. Khi chị tôi lớn, không chịu làm những việc buôn bán ốc, khoai … đã có mấy em con cô Tư tôi thế chỗ. Buồn cười nhất là lần em Giàu luộc khoai bằng lá lợp nhà cũ. Luộc khoai thì mất thời giờ, còn lá lợp nhà cháy mau tàn, luộc chín nồi khoai mặt em cũng đen như mặt … bà Táo! Độc chiêu của nội là món sương sa hột lựu nấu bằng rau câu ta. Hình như nội thương cháu trai hơn cháu gái. Đi đám, tiệc nầy nọ nội chỉ dẫn theo cháu trai. Khoảng 6 – 7 tuổi tôi bắt đầu làm “tiểu đồng” cho nội. Khi tôi đã lớn, nội tuyển em Dũng, con của chú Năm thế chỗ. Nội không biết đọc nhưng có trí nhớ cực tốt. Trong họ hàng nhà ai có giỗ, vào ngày nào, nội nhớ vanh vách. Việc đi dự đám giỗ được nội chuẩn bị chu đáo. Áo dài được nội xếp thật ngay để dưới gối lót đầu nằm một đêm cho thẳng, quà cáp cho đám giỗ được mua trước và xếp cẩn thận vào mâm quả bằng thiếc có nấp sơn đỏ. Khi bắt đầu đi tờ báo gói áo dài được cắp dưới nách, đến gần nơi có đám nội bước vào đám cây ven đường lấy áo dài ra mặc, cháu đầu đội (lúc còn nhỏ) hay bưng mâm quả (khi lớn), hai bà cháu đường hoàng vào nhà. Tôi thích nghe nội nói với họ hàng câu: “Con thằng ba đó.”
Năm 1987 anh em chúng tôi tích cực “sản xuất”, kết quả cho ra đời thêm 4 thành viên: thêm bốn đứa cháu cố cho nội. Nội qua đời ngày 26 tháng 12 năm 1987, hai hôm sau ngày vào bệnh viện phụ sản quận 5 xem mặt Vy, đứa cháu cố thứ 4 ra đời trong năm Mẹo. Có người xấu miệng nói, “Tuổi Tí gặp năm Mẹo khắc, đã là xấu, con chuột già gặp trong nhà một lúc những 4 con mèo, con chuột chịu gì thấu!”
Comment