Announcement

Collapse
No announcement yet.

KỶ NIỆM XI-LA-MA

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • KỶ NIỆM XI-LA-MA

    Xem Hát Hình

    Chị em tôi là cháu nội đầu tiên nên được bà thương, hay dẫn đi chơi, và dắt đi xem “hát hình”; tiết mục được chị em tôi cực kỳ ưa thích. Lúc ấy ba tôi thuộc lực lượng Vệ Binh Tỉnh (Bảo An), được cấp nhà trong khu gia binh cạnh chợ Vĩnh Long ngày nay và đường Nguyễn Trãi có bến xe ngựa. (Đường nầy còn gọi là đường trứng vịt, đâu lưng dãy phố ngó ra cầu tàu có nhà ngủ Huê Nam, nhà thêu Ngũ Châu. Những ai đã từng học Tống Phước Hiệp chắc chắn biết đường nầy!).

    Buổi chiều, khi chúng tôi ăn cơm xong, thành phố đã lên đèn, bà dẫn chúng tôi đi bộ đến rạp Lê Thanh xem “hát hình”: hình quảng cáo phim phía trước mặt tiền và trong sảnh rạp. Những bức hình quảng cáo tô màu sặc sở, với chúng tôi, sao mà đẹp lạ. Những buổi tối thứ bảy, tối chủ nhật nếu có chị hai tôi cùng đi (vì không bận học bài) sẽ vui hơn vì chị đã 8-9 tuổi, biết đọc, đủ cao để đến quầy vé xin cái “dò ram” (program) đọc nội dung phim cho bà cháu cùng nghe và bàn luận. Tôi nhỏ nhất nên được ưu tiên giữ tờ dò ram về nhà khoe. Nhưng với tôi đó là việc phụ khi đi xem “hát hình”, vì thế nào đi đến đây cũng được ăn quà: Khi thì cây kẹo bông gòn, que mứt tầm ruột, xâu mía ghim, kẹt lắm là củ khoai hay vài củ ấu.

    Bị Chưởng Phong Đánh Lọt Ghế!

    Tôi bắt đầu biết đi xem xi-nê một mình là tại rạp Lê Thanh (Vĩnh Long) với phim Như Lai Thần Chưởng. Bộ truyện Như Lai Thần Chưởng vốn khá nổi tiếng và tôi đã xem qua nên khi thấy quảng cáo chiếu phim tôi lập tức rủ mấy anh bạn gần nhà cùng đi xem.

    Buổi chiếu bắt đầu với phim thời sự trắng đen. Phim thời sự vừa có chữ “HẾT” đám khán giả nhi đồng chúng tôi vổ tay rào rào. Phim chính được chiếu. Thời ấy kỹ xảo điện ảnh còn rất kém, chưởng phong là những đường được kẻ thêm trên phim, thỉnh thoảng có những đoạn đánh nhau quyết liệt thì đoạn ấy được tô màu lục, lam, xám, vàng, đỏ… tùy tình huống, vì lúc ấy chưa có phim màu.

    Trong phim hai bên đánh nhau, công phu quyền cước được thi triển tối đa, đánh nhau hồi lâu vẫn bất phân thắng bại. Thế là 2 đối thủ phải dùng đến tuyệt chiêu chưởng lực. Mười thành công lực được tung ra, tiếng nổ vang rền, đá, cát, bụi bay tung tóe… Tôi say sưa xem, ngặt nỗi người ngồi ghế trước cao quá, đầu anh ta che làm tôi không nhìn thấy hết màn hình, thế là tôi ngồi chồm hổm trên ghế để xem. Trên màn ảnh lúc ấy hai bên đang đánh nhau quyết liệt, chưởng phong bay cuồn cuộn! Sợ trúng chưởng, tôi phải nép sát vào lưng ghế và … “Rốp”. Tôi lọt đứng xuống đất do mặt ghế bật ngửa ra sau. Hai ống quyển nghe rát vì khi tôi lọt xuống đất đã cọ sát mạnh vào mặt ghế sắt hạng “cá kèo”, vốn không bọc được nệm. Cũng may hôm đó tôi mặc quần dài, chắc không đến nỗi đổ máu. Chuyện nhỏ! Tôi trèo lên ghế ngồi chồm hổm xem tiếp.

    Học Từ Tiếng Anh Trong Rạp Hát

    Rạp Thăng Long nằm trên đường Cống Quỳnh (xéo một tí là trường Hưng Đạo của thầy Nguyễn Văn Phú) là nơi tôi học được … từ vựng (vocabulary) tiếng Anh rất nhiều. Thời tôi đi học hiếm có chuyện học thêm, học bớt! Phải đến đệ nhị lục cá nguyệt năm lớp 11, năm thi tú tài 1, tôi mới ghi tên học một course 3 tháng Toán-Lý-Hóa tại trường Hưng Đạo (nay là trường cấp II Chu văn An), xéo rạp Thăng Long. Rạp thường chiếu các phim cowboy Ý với anh chàng diễn viên đẹp trai Giullermo Gemma [còn tên tiếng Anh là Montgomery Wood], còn phim cowboy Mỹ rất hiếm. Lúc nầy phim kiếm hiệp Hồng Kông đang ở đỉnh cao, với vô số “sao”: Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long, Sương Điền Bảo Chiêu, Lý Tiểu Long… , những phim tôi cực thích và được chiếu thường trực. Xem phim ở rạp nầy tuy có mất hay một tí nếu vào không đúng xuất, nhưng rất tiện cho những người “phải tranh thủ” như tôi. Thời ấy phim chiếu có phụ đề tiếng Anh, Hoa, Việt nên người xem được thưởng thức âm thanh nguyên gốc, không bị cảnh diễn viên hát nhạc Tàu, người xem được nghe… ngâm thơ lục bát! Thế là tôi chú ý học các từ tiếng Anh được đối chiếu với các từ tiếng Việt cùng xuất hiện trên phụ đề. Mà học bằng cách này dễ nhớ thật! Chỉ xem qua một vài lần là nhớ. Tình cờ năm này trường xếp cho lớp tôi được học tiếng Anh với cô Đào Kim Phụng (lớp 11B6 [niên khóa 1971] chúng tôi có một kỷ niệm nhớ đời với cô), trẻ, rất chịu khó dạy cho học sinh nói tiếng Anh, nhờ đó tiếng Anh của tôi mới tiến bộ.



    (Photo from internet)


    Kỷ Niệm Xem Phim Rạp Rex

    Rạp Rex sang trọng đúng với tên gọi. Lối đi trong rạp trải thảm đỏ, nhân viên phục vụ (soát vé, hướng dẫn) mặc đồng phục có cầu vai, áo có nút đồng, đầu đội képi, cung cách lịch sự. Ai xem trên lầu thì sử dụng thang cuốn để lên. (Theo như tôi nhớ đó là tòa nhà đầu tiên ở Sài Gòn được trang bị loại thang nầy.) Với cung cách phục vụ lịch sự ấy khách vào xem cũng trở nên lịch sự, tự giác xếp hàng chờ dù phim chiếu ở rạp rất hay, ai cũng muốn vào xem ngay. Theo các tạp chí điện ảnh và phim trường, phim sau khi chiếu bên Pháp khoảng một tháng thì đến Việt Nam (rạp Rex), và phải hơn tuần sau mới về đến Cần Thơ. Tôi có nhiều kỷ niệm khi xem hát ở đây. Lần xem phim Un Peu de Soleil dans L’Eau Froide tôi đi với cô bạn gái (thật ra còn có thêm bạn của cô bạn, cả 3 chúng tôi học chung chứng chỉ Anh văn, Văn khoa), tôi và cô bạn bị lây cái lạnh từ phim nên đã nắm tay nhau trước khi cô leo lên máy bay bay sang trời Tây mấy tháng sau đó.

    Sau 30 /4/75 , rạp Rex có phần xuống cấp nhưng vẫn là một trong những rạp đẹp, sang nhất thành phố. Do đã quen xem phim Pháp, Mỹ… nên phim của các nước XHCN ít được khán giả đánh giá cao. Một buổi sáng có tí việc tôi phải ra khu chợ Sài Gòn. Làm xong việc, còn thừa thời gian thế là tôi thả bộ sang rạp Rex. Hôm ấy rạp chiếu phim The Reeds (Cây Sậy) của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Phim nói về cuộc đời của một cô thôn nữ sống vùng phía Đông nước Đức trong và sau Thế chiến thứ II. Phim hay, rất ý nghĩa. Đẹp và ý nghĩa ngay từ khung hình đầu tiên: Cảnh một cái ao trong mùa hè với sàn nước ở một góc ao. Cỏ, sậy bên bờ úa vàng. Có một cây sậy mọc nhô ra ngoài ao, đầu sậy vàng úa dưới nắng hè. Cây sậy rung rinh sau mỗi cơn gió.

    Có khoảng 50 người cùng mua vé vào xem với tôi. Sau khoảng 15 - 20 phút chiếu khá nhiều khán giả bỏ ra về. Khi hết phim, đèn bật sáng, tôi và 5 – 6 người khác đứng dậy. Rất nhiều người còn đang … triền miên trong giấc điệp.

    Phim Teheran – 43 được đánh giá rất cao, được xem là một thành tựu của điện ảnh Liên Xô. Khán giả thành phố nườm nượp mua vé vào xem. Tôi cũng mua vé vào xem vì… phim có sự tham gia của thần tượng của tôi: diễn viên Pháp cực kỳ đẹp trai Alain Delon, dù chỉ là vai phụ, xuất hiện vài phút thì bị bắn chết!

    Cốt truyện phim xoay quanh cuộc họp của lãnh tụ 3 nước Anh, Mỹ và Liên Xô. Phe Phát Xít cho điệp viên Gestapo sang Teheran tìm cách ám sát 3 nhà lãnh tụ, phá cuộc họp. Nhân viên OSS (tổ chức tình báo của Mỹ, tiền thân CIA) biết được âm mưu nhưng dở nên không tìm ra manh mối, Alain Delon trong vai thanh tra Phòng nhì Pháp phăng dần, sắp tìm ra manh mối nên bị khử. Điệp viên KGB giỏi nên hạ được điệp viên của Gestapo, chận đứng âm mưu. (Lúc ấy tôi cũng thắc mắc thủ tướng Anh Churchill là một trong ba người dự cuộc họp sao không có nhân viên Scotland Yard của Anh bảo vệ, mà lại có sự xuất hiện của nhân viên Phòng nhì Pháp? Điều này cũng không quan trọng, điều quan trọng là được thấy mặt thần tượng của tôi sau một thời gian dài… không được xem phim Pháp.) Khi Alain Delon trúng kế, rượt theo điệp viên Gestapo chạy xuống bờ sông thì bị phục kích bắn vào ngực té ngửa. Lúc Alain Delon trúng đạn giật nẩy người lên trong rạp có nhiều (phải mấy chục) tiếng rú thất thanh “Á” đầy đau đớn như thể họ cũng bị trúng đạn, mấy giây sau trong rạp vang lên tiếng “Ồ” ngạc nhiên, nhỏ và trầm hơn, nhưng của đông người hơn. Một khoảng im lặng của những người xem phim, rồi nhiều người đồng loạt không nhìn lên màn ảnh nữa mà quay sang nhìn nhau. Người “Ồ” quay sang nhìn mặt một người “Á” ngồi gần mình nhất để thấy một nụ cười bẻn lẻn. Tôi nằm trong số những người “Ồ”. Một cảnh tượng khó quên.



  • #2
    Ở quê D thì có ciné dạo. KD nhớ mỗi lần buổi sáng được nghe loa phóng thanh phát ra từ chiếc xe thùng nhỏ ̣(giống như chiếc xe Lambro chở người) của cu9c Tâm lý chiến chạy vòng qua các con đường trong làng thông báo tối có chiếu ciné thì dân trong làng: Nam, phụ, lão, ấu đều hồ-hởi phấn-khởi.

    Sáng hôm đó họ ra vườn sớm và chiều về cũng sớm hơn mọi ngày. Bữa cơm chiều cũng được ăn xong sớm. Đúng 17.00 giờ tiếng chuông chiều đổ, trẻ con đã tụ tập trong nhà thờ đông hơn những ngày không có ciné, đọc kinh rất hăng say nhưng lòng thì lo ra. Sau giờ kinh chiều trẻ con không về nhà mà ở lại chơi trong sân nhà thờ xem mấy ông lính giăng cái màn hình lớn như một bức tường giữa hai cây Sầu Đông trong khuôn viên nhà thờ, lại còn được mấy ông Mỹ cho chocolate, kẹo Vitamin cam, nho, chanh màu tím, cam, vàng, xanh ăn chua chua ngọt ngọt. Xếp hàng lãnh kẹo xong lo xí chỗ chờ bà hay mẹ ôm chiếc chiếu đến. Trải chiếu ra ngồi trước hay sau màn hình đều xem được hết. Ciné dạo ở quê D thường được chiếu vào mùa nắng, mùa hè vì học sinh được nghỉ học, những mùa này đêm về, sương xuống chậm hơn mùa đông.

    KD còn nhớ ngày đó hay được xem phim ngoại quốc, có chú lính thuyết minh đàng hoàng (chắc tại chiếu hoài từ làng này sang làng nọ cho nên chú thuộc làu làu). Ciné dạo mà chiếu những phim rất hay, KD nhớ hoài và thích tìm xem hoài, Phim Marcellino, Samson, Oliver Twist (truyện của đại văn hào Charles Dickens). Ngày ấy mỗi lần chiếu ciné là chị em D được xem hai lần, chiếu rạp " Sương Cao-nguyên" ngoài trời xong, mấy chú lính dọn về nhà KD chiếu thêm một lần nữa trên tường nhà, lần này chị em D được xem từ The End trở về trước. Rất vui.

    KD xem phim dạo từ lúc khoảng lớp nhì lên tới lớp đệ tam vẫn xem phim dạo mà cảm xúc khi xem phim hình như vẫn giống nhau: khi nhân vật trong phim vui thì mình vui, khi nhân vật trong phim khổ thì lại sụt sùi theo, chính vì vậy mà KD không thích xem phim, cho đến bây giờ thỉnh thoảng D chỉ xem vài phim mà mình đã được đọc truyện như The old man and the sea (ngư ông và biển cả). Bảo-Lộc có rạp Minh-Phụng mà D chưa hề bước vào vì rạp ở huyện, D lại sống trong thôn.

    Đọc chuyện của anh Long KD thấy bà Bắc và bà Nam có những điểm giống nhau đấy, bà Bắc thì "xướng ca vô loại', bà Nam thì "con theo hát Bội mẹ liều con hư", vậy mà hôm nào có tuồng, cinéma hay văn nghệ văn gừng là bà cháu rủ nhau đi thật sớm. KD thấy vui vui vì chắc tại bà miền Bắc hay bà Miền Nam cũng đều là bà mẹ Việt-Nam.

    Thân ái

    KimDung

    Comment


    • #3
      Các bạn thân mến , bao nhiêu năm đã trôi qua , mỗi khi được nghe ai kể về những kỹ niệm với Saigon , ký ức P lại trở về như những thước phim quay chậm

      Kỷ niệm về cinéma của P không nhiều lắm nhưng cũng đủ để mình nhớ hoài , khi còn ở nhà với Cha mẹ , từ nhỏ P đã được xem phim cho tới khoảng năm 77 mới ngưng , ngày trước nếu hiểu đi xem phim ở rạp không phải trả tiền gọi là coi cọp , thì khi P , 6 .. 7 tuổi chi đó đã được coi … triền miên rồi , đó là sự thật chứ không phải mình đang nói … cọp đâu nha , :cuoilan: hihi , hồi đó mỗi khi Cậu hay Dì P muốn đi xem phim thường được Ngoại ra lịnh dắt mình theo , nhưng khi xem P không hiểu gì hết , nhìn màn ảnh một lát rồi dựa vào lòng Dì hay Cậu ngủ thiếp đi cho tới khi hết phim được người lớn đánh thức kêu về , tuy thời gian đó không biết gì nhưng nhờ đi xem phim nên mình rất thích nghe điệu nhạc Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng ... mỗi khi rạp tiễn khách ra về , P có ấn tượng với bài nhạc này lắm nên sau này sưu tầm mới biết đó là bài Auld Lang Syne , hồi nhỏ đi coi phim khổ như vậy đó mà tối ngày cứ bị Ngoại bắt đi hoài nên rầu lắm các bạn ạ

      Tới khi P biết xem phim lại bị cấm đi một mình , đi xem phim là phải đi cả nhà , mỗi lần đi như vậy mình rất háo hức vì ngoài chuyện được chở đi chơi , còn có niềm vui khi phim ngưng chiếu giữa chừng để giải lao , lúc đó trong rạp thường xuất hiện một hai cậu bé bán kem chạy khắp nơi với cái chuông leng keng trên tay , mỗi khi đi ngang qua hàng ghế nhà mình thế nào mấy chị em mỗi đứa cũng được Ba Mẹ mua cho một cây vì xem phim mệt quá cần được nạp năng lượng

      Tuy nhiên trước 75 P cũng kịp coi được ít phim tình cảm của Quỳnh giao với bạn bè , được xem truyện rồi nên muốn xem phim coi các diễn viên đóng có hay hơn đọc chuyện không , có điều hồi đó xem phim P rất dễ hòa nhập với nhân vật , trên phim thấy họ khóc mình cũng cầm lòng không đặng khóc theo cho tới khi về nhà , tức là về nhà vẫn nhớ diễn viên

      Sau này có VCD , DVD mình mướn phim về coi nên không còn nghĩ gì đến cinéma nữa , bộ phim P coi đầu tiên ở nhà cũng của Quỳnh giao , trong phim có nhiều tình huống diễn viên phải khóc nhưng mình lại không cảm thấy dễ xúc động như khi xem ở rạp , không biết có phải đó là sự khác nhau giữa cinéma rạp và cinéma nhà không , nhờ có cinéma nhà nên lâu rồi P không đi cinéma rạp , nhưng bây giờ nghĩ lại mình vẫn dành cho cinéma rạp rất nhiều tình cảm , không phải vì những thước phim P được coi , mà có lẽ đó là những khoảng khắc đáng yêu vô tư nhất trong cuộc sống của mình





      Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng ...



      Comment

      Working...
      X