Announcement

Collapse
No announcement yet.

CHÁO TRÂN CHÂU, MẮM MẮT PHƯỢNG

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • CHÁO TRÂN CHÂU, MẮM MẮT PHƯỢNG

    Chuyến đi không được may, cả buổi sáng đoàn săn chỉ bắn được con thỏ. Xế chiều, từ xa đương kim thái tử thấy con nai đang uống nước ven bờ suối. Thái tử lập tức ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng lại, chỉ mình ngài tiếp cận, rồi dùng cung bắn trúng con nai nhưng không phải chỗ nghiệt nên con vật vẫn còn đủ sức chạy đi. Thấy con mồi trúng tên thái tử lập tức thúc ngựa đuổi theo, bỏ xa đám tùy tùng. Con nai quá khôn, nó chạy quanh co rồi chui vào những bụi cây khiến ngựa thái tử không chạy vào được và biến mất.

    Mất dấu con mồi, thái tử ngay lập tức đi ngược dấu cũ mong gặp đoàn tùy tùng nhưng hình như đã đi nhầm hướng. Lúc nầy trời đã tối mà trước mắt thái tử không một bóng người, không một căn nhà. Đói, khát và bối rối thái tử cho ngựa đi chầm chậm ven rừng lòng thầm mong thấy được một ánh đèn.

    Vua con muốn là trời muốn, không lâu sau thái tử thấy ánh đèn le lói khi ẩn, khi hiện xa xa. Vội phi ngựa đến, sau mấy lần dụi mắt vì sợ chỉ là ảo ảnh, thái tử tay rút kiếm sẵn sàng chiến đấu với bất trắc. Không, đó là một căn nhà thật với mái tranh, và vì vách tre dựng thưa nên ánh sáng đèn vẫn chiếu xuyên qua được. Nhà sáng đèn nghĩa là có người, nhưng cửa đóng chặt và không một tiếng động. Thái tử xuống ngựa, dùng gươm đập cửa gọi: “Có ai trong nhà không? Tôi là khách lạc đường muốn xin tá túc qua đêm.” Vẫn im lặng. Lần nầy thái tử dùng gươm đập mạnh làm rung rinh cả căn nhà: “Ai ở trong nhà đừng sợ. Ta là thái tử đây. Mau ra mở cửa nghênh tiếp thái tử điện hạ.” Trong nhà vang lên tiếng một bà cụ: “Xin thái tử chờ để lão ra mở cửa nghênh tiếp.” Đèn được khêu sáng, cửa mở rộng. Bà cụ vội quỳ xuống lễ.

    - Ta miễn lễ cho bà được đứng dậy. (Thái tử bước đến, nâng bà cụ dậy rồi đi vào nhà.) Không dấu gì bà, ta đi săn rồi bị lạc đường cũng như lạc đám tùy tùng. Bà có gì mau mang ra cho ta ăn. Khi nào trở về hoàng thành ta sẽ trọng thưởng cho bà. (Ngồi xuống chiếc chõng tre duy nhất trong nhà.)

    - Kẻ tiện dân nghèo nàn nên chỉ có những thức ăn quê mùa, sợ thái tử không dùng được.

    - Ta đang đói, bà mau mang thức ăn ra đây; càng nhiều, càng tốt. Nầy, mang nước ra ngay cho ta uống.

    - Tuân lệnh thái tử.

    Bà cụ lụm cụm đi vào trong. Từ nhà sau vang lên tiếng xì xào. Thái tử vội hỏi:

    - Bà lão, trong nhà bà còn có ai, mau ra đây thi lễ.

    - Dạ, trong nhà lão chỉ có hai mẹ con. Con gái lão quê mùa, không biết phép tắc, lễ nghi nên nghe thái tử đến nhà nó sợ trốn sau bếp từ nãy đến giờ.

    - Bà bảo cô ấy mau mang đồ ăn, thức uống ra cho ta. Ta đói lắm rồi!

    - Dạ. Dạ. Để lão bảo nó mang thức ăn ra ngay.

    Từ trong bước ra một cô gái, tay cầm gáo nước tay bưng một tô to. Thấy thái tử cô gái vội quỳ xuống định thi lễ, nhưng vì tô thức ăn khá nặng (hay do hồi hộp?) nên vừa mới khụy chân xuống đã mất thăng bằng chúi người về phía trước. Thái tử nhanh chân đứng dậy chụp hai vai cô. Dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dẩu mù u, thái tử có thể thấy trước mặt mình là khuôn mặt của một giai nhân với hai hàng mi dầy, dài và cong như được vuốt Mascara, đôi mắt to, sáng long lanh cứ như vừa nhỏ Visine, đôi má vì thẹn nên không cần thoa Max Factor vẫn đỏ ửng. Và thái tử nghe thoang thoảng một mùi thơm, không sang trọng như Chanel No 5, không nồng nàn, quyến rũ như Tabou, không thoang thoảng, dịu dàng như Immortal, một mùi thơm nhẹ nhàng nhưng đủ làm … bụng của thái tử phải sôi lên ồn ột; mùi thơm của tô thức ăn ngay trước mũi ngài. Sau khi cô gái đã đứng vững, thái tử nhận ngay gáo nước, uống một hơi cạn gáo, trả lại gáo không, nhận tô thức ăn rồi ngồi xuống chõng. Lúc ấy bà lão cũng vừa mang ra đĩa thức ăn và đôi đũa. Thái tử đưa tô thức ăn lên sát mắt để nhìn cho rõ.

    - Các người cho ta ăn gì đây? Đây là món đặc sản gì sao ta chưa từng thấy?

    Hai mẹ con bà lão nhìn nhau bối rối. Sau đó cô gái kề miệng sát tai mẹ nói nhỏ. Bà lão ấp úng:

    - Dạ… đó là món cháo ơ, ơ… cháo trân châu ạ.

    - Trân châu? (Thái tử dùng đũa gắp một hạt lên xem cho kỹ.) Hèn gì hạt nó to hơn hạt cháo các quan ngự thiện vẫn nấu cho ta ăn những khi ta bị bệnh. Mà mẫu hoàng ta hột soàn, châu báu cả tô sao ta chưa từng thấy loại châu báu nào giống như thế nầy nhỉ?

    Lua mấy đũa cháo, thái tử gắp thức ăn cho vào miệng ăn.

    - Ngon, ngon! Món nầy gọi là món gì mà sao ăn với cháo ngon quá vậy?

    Hai mẹ con nhìn nhau bối rối. Sau một lúc cô con kề miệng sát tai mẹ nói nhỏ. Bà mẹ tằng hắng rồi nói:

    - Dạ… đĩa ấy chứa món mắm… mắt phượng ạ.

    - Mắm mắt phượng! (Gắp một con lên nhìn cho kỹ) Mắt con phượng đây à? Lần đầu mới thấy! Mà cái tên món mắm nghe mới hay đấy chứ. (Lua thêm mấy đủa gần sạch tô cháo.) Mà nè, các người bắt được cả chim phượng à? Thần dân phụ hoàng ta giỏi quá. Thế mà ta cứ tưởng các ngươi… (ngáp) Ta buồn ngủ quá… (nhìn quanh căn nhà thấy không còn chỗ nào khác thoải mái hơn để nằm), thôi! Tối nay ta ngủ ở đây vậy.

    Nói dứt câu thái tử ngả người xuống chõng tre ngái khò khò.

    Tối đó cô gái ngồi quạt hầu (thực ra là đuổi muỗi cho) thái tử ngủ. Đêm khuya hết dầu mù u, đèn tắt. Trong bóng tối nhà tranh cũng như cung điện.

    Hôm sau được sự chỉ dẫn của hai mẹ con bà lão, vốn thông thuộc đường đi nước bước trong khu rừng đó như trong lòng bàn tay, thái tử sau khi vượt qua hai ngọn đồi đã gặp lại đám tùy tùng. Sau một màn sỉ vả chiếu lệ đám tùy tùng vì đã không sát cánh, không cưỡi ngựa theo kịp, không thông thuộc địa hình để đi lạc cả đám, bắn dở, cả đám đi cả ngày mà chỉ bắn được một con… thỏ, thái tử ra lệnh hồi triều, nhưng cũng không quên phái vài cận vệ thân tín cấp tốc phi ngựa ra khu Phạm Viết Chánh, khu chuyên bán thịt rừng, mua ngay một con nai còn nguyên con (còn sống là tốt nhất) mang ra chỗ vắng, cột thật kỹ, rồi dùng cung bắn chết con vật, đừng để nó xổng chạy lung tung thành phố, sau đó cấp tốc mang trở lại đoàn, nhưng phải giữ kín việc mua bán, không được nói với ai là mua cho đoàn đi săn của thái tử!

    Đoàn đi săn của thái tử rần rộ trở về kinh thành mang theo thật nhiều thú săn được, nào nai, nào thỏ. Việc nầy làm nhà vua rất hài lòng vì thái tử con quá tài giỏi và giang sơn nầy dưới sự cai trị của gia đình ông đúng là “rừng vàng, biển bạc”. Và vì nhà vua quá vui nên hoàng hậu cũng tạm thời bỏ qua, không tra hỏi việc thái tử qua đêm với ai, ở đâu. Một đại yến thịt rừng mừng thái tử đi săn thành công trở về, với thịt nai, thịt thỏ thái tử săn được là nguyên liệu chính (dĩ nhiên các quan cũng phải ra Phạm Viết Chánh mua thêm năm bảy cái đùi nai mới đủ đãi khách!). Quan ngự thiện vào kho rượu lấy ra hàng chục chai vang đỏ Pháp, không phải vang Chile hay của Mỹ, của Úc, ngâm vào những chậu nước đá thật to hai giờ trước khi buổi tiệc bắt đầu. Chai Champagne MOëT cho vua, hay thái tử, khui được lắc nhẹ mấy lần để bảo đảm khi khui sẽ kêu thật to, sũi bọt thật nhiều, nút bấc bắn thật xa, trước khi ngâm vào chiếc sô bạc chứa đầy nước đá đặt trên bàn cao.

    Thái tử ngắm toàn cảnh buổi đại yến: Quá đông, quá vui, quá long trọng. Rượu vang đỏ chứa trong cốc pha lê dưới ánh sáng vàng ấm cúng của đèn cao áp trông thật hấp dẫn, mùi thơm thịt rừng nướng theo kiểu BBQ như xộc vào mũi, vài cặp đang dìu nhau nhảy theo tiếng nhạc du dương phát ra từ dàn nhạc cung đình đứng trong một góc khuất, vây quanh thái tử là những công nương sắc nước hương trời trong những chiếc áo dài truyền thống đặc chế của nhà Sĩ Tân, hay trong collection của nhà thiết kế Minh Hạnh, cạnh những chiếc váy Chrisian Dior, Yves Saint Laurent, Milano… thời trang mùa xuân châu Âu vừa được gửi về theo đường EMS hay FedEx. “Cuộc đời nghĩ lạ thật. Mới hôm qua thôi, cách đây có bao xa, chỉ vài giờ cởi ngựa, mà khung cảnh thật đổi khác. Nghèo nàn, tối tăm, đầy ruồi, muỗi (thái tử đưa tay lên cổ gải nơi có hai, ba vết đỏ do muỗi cắn), làm sao sánh bằng cung điện hoàng gia? Không thể tưởng mình đã trải qua một đêm ở đó! Nhưng nghĩ lại cũng thấy hay hay. Thức ăn đơn sơ nhưng phải nói là rất tuyệt và đêm qua mình ngủ rất ngon. À, mình phải bảo quan tổng quản ngự thiện nấu cho mình món cháo trân châu ăn với mắm mắt phượng để khoe với phụ hoàng và mẫu hậu. Ánh sáng nhá nhem, cháo trân châu, mắm mắt phượng, cái chõng tre kêu cót két (lòn tay vào áo sờ lưng, ‘ái chà vạt tre cấn lưng, giờ vẫn còn đau!’”

    Một mùi Chanel CoCo thơm ngát ập vào mũi, rồi một cánh tay tròn lẳng, mát rượi lôi thái tử trở về hiện tại.

    - Thái tử nhẩy với em điệu valse nầy đi.

    Làm sao thái tử, một người hết mực gallant, có thể từ chối lời đề nghị dễ thương nầy chứ?

    (còn tiếp)



  • #2
    PHẦN 2

    Tiệc tùng, lễ hội rồi cũng có lúc chán. “Ăn nhiều thịt mỡ sợ tích tụ cholesterol, ăn nhiều hải sản sau nầy dễ sinh bệnh gôut, uống nhiều rượu bia sau nầy sẽ bị sơ gan, ung thư gan,” thái tử nhớ lời khuyên của quan ngự y, “thái tử phải biết hạn chế những thức trên lại, cần ăn nhiều rau, quả tinh khiết được trồng ở nông thôn không phân hóa học, không dư lượng thuốc trừ sâu.”

    “Nông thôn”, hai từ ấy gợi nơi thái tử một kỷ niệm khó quên vì người ta vẫn nói: “Con đường gần nhất dẫn đến trái tim của một người đàn ông là thông qua đường bao tử.” Thế là trong một lần gặp mặt thái tử yêu cầu quan tổng ngự thiện nấu 2 món “cháo trân châu” và “mắm mắt phượng” cho hoàng gia … ngự.

    Nhận đơn đặt hàng của thái tử (sau mấy lần hỏi đi hỏi lại tên 2 món ăn), tổng quản ngự thiện lùng bùng lỗ tai, vô cùng bối rối. “Trân châu là đá quý ở biển, nó cứng thấu trời làm sao mà nấu thành cháo ăn? Hồi nhỏ tới giờ mình được cha dạy nấu ăn, rồi dự kỳ thi tuyển, trúng chức quan ngự thiện nấu ăn cho vua tới nay, đã biết bao lần mình tham gia nấu những buổi đại yến cho các bậc vua chúa, các bậc phú gia địch quốc nhưng chưa nghe ai nói món cháo trân châu bao giờ! Chỉ nghe nói trân châu được mài nhuyễn thành bột dùng trong mỹ phẩm, nhưng đó là bí mật nghề nghiệp. Lại còn mắm mắt phượng! Phượng hoàng là loài chim chỉ có trong tưởng tượng, thuộc hàng tứ linh. Có thật đâu mà bắt? Mà mỗi con chim chỉ có hai con mắt, như vậy phải bắt được biết bao nhiêu con phượng hoàng để làm được dĩa mắm? Thái tử thì cứ khăn khăn quyết một là ‘cháo trân châu, mắm mắt phượng’. Quân vô hí ngôn, mình biết làm sao thực hiện đây? Mà nấu không được hai món ấy sẽ bị mất uy tín, thậm chí có nguy cơ bị đuổi việc. Bạn bè đấu bếp thân, thằng cha đầu bếp Mỹ gốc Ba Tàu Martin Yang mà hay tin mình bị đuổi việc vì không nấu được món cháo, không làm được dĩa mắm thì xấu hổ danh tiếng ba đời quan ngự thiện nhà mình,” tổng quản ngự thiện lo lắng nghĩ. “Mình quên mất: trí tuệ tập thể bao giờ cũng sáng suốt,” tổng quản ngự thiện chợt nhớ lại, thế là ông triệu tập toàn tổ ngự thiện hội ý. Một quan góp ý:

    - Hay thái tử đói quá, lỗ tai lùng bùng nên nghe nhầm cháo chân trâu thành cháo trân châu? Mà cũng có thể do thái tử uống nước suối trong rừng chưa nấu chín nên bị líu lưỡi, nói chân trâu nhầm thành trân châu?

    Quan tổng quản:

    - Thôi thôi, trân châu với chả chân trâu… các ông cứ nói làm tôi nghe muốn lẹo lưỡi theo đây nầy! Tôi đã hỏi thái tử thật kỹ và những mấy lần rồi. Thái tử quyết một là “cháo trân châu”, rồi còn là “mắm mắt phượng”!

    - Hay mấy người ấy vô chợ hóa chất Kim Biên mua nguyên liệu sản xuất hạt trân châu, giống như hạt trân châu bán trong trà sữa cho con nít, về nấu cháo?

    - Thái tử cũng từng đi học, làm gì không biết hạt trân châu trong trà sữa. Không, ta hỏi thái tử kỹ rồi.

    - Món gì tên gọi nghe lạ quá, chúng hạ quan mới nghe lần đầu!

    - Ta cũng thế nên ta mới triệu tập các ông đến đây họp góp ý.

    - Muốn nấu cháo hay làm mắm thì phải có vật liệu là trân châu và mắt con phượng. Quốc khố ta thiếu gì châu báu. Ngài tổng quản làm đơn xin xuất vài ba lít chân trâu… ý chết, tôi nói nhầm… trân châu về anh em mình dùng vài lon nấu một nồi cháo thử.

    - Việc nầy hơi khó nhưng ta có thể làm được. Nhưng làm sao có mắt con phượng để làm mắm?

    - Có gì đâu? Chúng ta xin nhà vua phái cho mấy cung thủ thật giỏi trèo lên núi cao rình bắn phượng hoàng. Cung thủ bắn được phượng hoàng về chúng ta sẽ móc mắt làm mắm.

    Quan tổng quản:

    - Coi như tạm yên được vụ mắm, giờ còn vụ cháo trân châu. Để tôi về làm đơn gửi tổng quản ngân khố cấp cho anh em mình 2 lít trân châu nấu cháo… thử. Quan phó tổng quản về nhà lên mạng hỏi bà tám Google vụ cháo thử xem. Biết đâu? Có gì hay báo tôi biết ngay nha.

    Quan tổng quản cho nấu 2 lon trân châu với nước, nồi cạn nước 2 lần phải đổ thêm nước mới, nấu gần cháy nồi mà hạt trân châu vẫn còn là hạt trân châu… cứng ngắc. Các quan chán nản lắc đầu, bó tay đành phải dẹp nồi (dĩ nhiên là lấy trân châu lại), tắt bếp ra về. Hôm sau các quan đong 2 lon trân châu khác nấu cháu, lần nầy dùng bếp ga cho nóng nấu trong nhiều giờ, nồi gần cháy nhưng kết quả như cũ! Có quan bàn:

    - Hay ta thử nấu cháo bằng microwave? Hay nấu bằng nồi hầm?

    Một tô thủy tinh chứa nước cùng một ít trân châu được cho vào lò microwave nấu, người khác nấu trân châu bằng nồi hầm. Không ai nấu được trân châu thành cháo! Quan phó tổng quản, phụ trách IT, cũng báo thất bại, không tìm được gì sau khi đã hỏi bà tám Google, đã truy cập 1.001 website nấu ăn của 101 nước trên thế giới.

    Cùng lúc đó một nhóm 12 cung thủ toàn thiện xạ bách phát bách trúng được phái lên núi Bà Rá rình bắn phượng hoàng. Nhóm nầy chia thành 4 tổ rải rác nhiều nơi gần đỉnh núi để canh bắn chim. Họ ăn dầm, nằm dề trên núi hơn tuần, thấy rất nhiều chim nhưng chim nào họ cũng biết tên cả, trừ chim phượng hoàng vốn chỉ nghe nói. Sau một tuần nhóm cung thủ cho người về báo thất bại, không bắn được chim, họ mong nhận được chỉ thị mới (mà về là tốt nhất) và mang thêm tiếp liệu cho nhóm người đang ở trên núi. Lệnh tổng quản thị vệ bảo “tiếp tục ở lại săn”.

    Đã nửa tháng kể từ ngày đi săn về, với thái tử mọi việc giờ quá bình thường, bình thường đến mức nhàm chán. Thái tử nhớ lại những kích thích lúc đi săn, lúc đi lạc trong rừng, nỗi mừng, lo khi thấy ánh sáng le lói xa xa, nhớ hương vị thơm ngon của những viên trân châu to to ngậm trong miệng, nhớ dòng sữa ngọt ngào chảy ra khi thái tử cắn bể những hạt trân châu, nhớ mắm mắt phượng dai dai, mùi thơm nồng nặc, nhớ bàn tay phe phẩy quạt đuổi muỗi, nhớ chiếc chõng tre kêu ken két mỗi khi thái tử trở mình, nhớ hương đồng, cỏ nội…

    Thái tử chợt nhớ vụ cháo và mắm đã đặt hàng nơi quan ngự thiện. Tội nghiệp quan. Hơn tuần nay quan cố tránh vào cung, mà nếu phải vào thì đi rón rén cửa sau, tránh xa thái tử. Ở nhà quan cũng đã viết sẵn tờ đơn xin từ chức vì “không hoàn thành nhiệm vụ được giao!” Thái tử liền gọi điện thoại cho quan ngự thiện. Đáp lại chỉ nghe tiếng “ò, í, e… ngoài vùng phủ sóng!” Giận lắm, một sáng nọ thái tử chận cửa… bếp. Hết đường tránh, quan phải khai sư thật. Quan mời thái tử cùng xông pha vào nơi khói lửa, chỉ cho thái tử xem mấy chục cái nồi cháy đen các quan phụ tá đang cạo rửa, cùng cho xem 2 lít trân châu đong lại không thiếu hột nào. Thái tử về kể lại tự sự với mẫu hoàng.

    Nghe thái tử kể toàn bộ sự việc, tính tò mò của hoàng hậu trổi dậy, “Nếu các quan ngự thiện của ta không nấu được cháo trân châu, cung thủ của thị vệ triều đình không bắn được phượng hoàng làm mắm thì ta treo bảng chiêu hiền, một mặt tìm người nấu được cháo, một mặt tìm người bắn được chim.”

    Bảng được treo hai tuần, cả nước xôn xao nhưng không ai đến đăng ký nhận nấu cháo hay nhận đi bắn chim phượng hoàng. Lúc nầy thái tử sắc mặt tiều tụy, vàng vọt trông rất thảm, ai nhìn vào cũng biết đang “ốm tương tư!” Nghe quan hoạn báo thái tử bị bệnh, hoàng hậu vội đến thăm con.

    - Con yêu, con có tâm sự gì mau giải bày với mẹ. Con có bệnh gì không? Con muốn gì, thích gì cứ nói mẫu hoàng nghe, mẫu hoàng sẽ duyệt tất! Cha con là vua, vua muốn là trời muốn đó con.

    - Thưa mẫu hoàng con không bệnh gì cả. Ngày nào quan ngự y lại không đến bắt mạch, nghe tim, nghe phổi?

    - Hay con muốn thay đổi không khí? Hay hài nhi muốn đi đổi gió Vũng Tàu, Long Hải?

    - Mấy chỗ đó đi hoài nhàm lắm mẫu hoàng, mà lúc nầy người buôn bán ở đó lại còn sinh thói điêu ngoa, chặt chém… bực lắm!

    - Vậy thì con đi Đà Lạt đi. Cao nguyên lộng gió con tha hồ ngắm rừng thông, leo đồi cù hay ra hồ Than Thở đạp vịt. Còn chán, con có thể đi vòng qua Nha Trang chơi cũng tiện.

    - Đi Đà Lạt để ngắm hồ Than Thở, để đến nhìn Đồi Thông Hai Mộ? Không! Vạn lần không!

    - Thế con yêu của mẹ muốn gì?

    - Con muốn đi săn.

    - Mẫu hoàng dứt khoát cấm việc nầy. Chuyến đi săn vừa rồi con đã làm phụ hoàng và ta lo lắng lắm, con có biết không? Không, không săn siết gì hết. Mẫu hoàng nói không được đi là không được đi. (Quay sang thị nữ) Ngươi lập tức báo quan thị vệ là ta cấm mọi cuộc săn bắn. Thái tử bị ốm, đang trong tình trạng cấm cung, không được ra khỏi thành. Việc gì ta có thể chiều, còn việc nầy thì không, dứt khoát không!

    - Thôi để con chết cho mẫu hoàng hài lòng.

    - Con trai cưng bé bỏng của mẹ, sao con lại nói thế? Làm sao mẫu hoàng có thể để cho con chết? Mẫu hoàng đang lo nát ruột đây. Thấy con bệnh hoạn thế nầy mẫu hoàng như đứt từng đoạn ruột. Con chịu khó nằm đây tĩnh dưỡng vài hôm, để mẫu hoàng bảo ngự y bốc cho con vài thang thuốc bổ, lần nầy phải cho thật nhiều sâm, nhung, quế, phụ vào.

    - Mẫu hoàng ơi, mẫu hoàng muốn con mập nứt da mà chết à?

    - Ấy chết, con đừng nói đến từ “chết chóc”! Nói như vậy không … khước. Chết chửa, ta lại vừa nói “chết”. (đưa tay vả miệng) Thôi, ta không quấy rầy con nữa. (quay sang đám tùy tùng) chuẩn bị xa giá cho ta hồi cung.

    Tối hôm đó hoàng hậu bàn với vua:

    - Ông ơi, con mình nó quyết một đòi vào rừng đi săn. Chả biết trong rừng có cái gì mà nó mê quá!

    - Bà chỉ khéo hỏi. Rừng thì có thú, còn đi săn tức là đi tìm con mồi để bắn.

    - Chả biết con mồi nầy hai chân hay bốn chân mà con nó mê thế! Hậu còn nghe nói hiện có nhiều yêu tinh móng đỏ hấp lực kinh hồn, đi săn mà gặp nó kể như hồn siêu, phách lạc. Trong rừng lại nhiều sơn lam chướng khí độc hại, rồi có khi nó đi lung tung vướng phải ngãi yêu, bị người ta bỏ bùa yêu là chết.

    - Bà chỉ khéo tưởng tượng. Đất nước ta hiền hòa, làm gì có những việc ấy.

    - Nhưng tôi thấy con bị bệnh xanh xao, vàng vọt mà đứt từng đoạn ruột. Trong lúc mê sảng cứ nói “nào là: cháo trân châu, mắm mắt phượng, rồi bàn tay ai đó trong bóng tối quạt cho nó ngủ…”

    - Có việc ấy nữa à? Mới hôm trước bà tổ chức bal, bum cho nó và đám bạn nhảy nhót thâu đêm suốt sáng mà. Hay ăn chơi quá sinh bệnh?

    - Ông làm vua mà chỉ biết chuyện… làm vua, không biết gì về con trai mình!

    - Bà nói lạ. Ta làm vua, ta phải biết chuyện làm vua chứ! Còn thái tử đã hai mươi mấy tuổi rồi, nhỏ nhít gì? Ta thấy bà chiều con quá nên nó mới hư đấy!

    - Ông nói vậy mà nghe được à? Đúng là con không đẻ, không đau!

    - Thôi, tôi thua hai mẹ con bà rồi. Bây giờ bà muốn gì nói lẹ để trẩm còn thăng… long sàn.

    - Con mình nó thèm đến sinh bệnh món cháo trân châu, và mắm mắt phượng mà quan ngự thiện không nấu được cháo trân châu, và cũng không làm được mắm mắt phượng vì thị vệ không bắn được chim. Vậy làm sao đây ông?

    - “Nếu Muhammad không đến với núi thì núi đến với Muhammad!” Ái hậu cho người vào rừng rước người ấy về đây nấu cho thái tử ăn thôi.

    -Ừ, có thế mà thần thiếp nghĩ không ra.

    (còn phần cuối)


    Comment


    • #3


      Các bạn mến. Tô cháo của anh Long cho đến bây giờ KD cũng chưa biết là cháo gì nữa, muốn xin một tô mà không dám. KD có cháo Giồng Giềng, mắm Châu Sa chân thật lại ngon tuyệt:

      Ngày đó chị em dắt díu nhau về Kinh Tràm tìm đường vượt biên, lúc bể được gia đình người đốn củi vớt lên ghe đem về nhà và nấu cháo cho ăn. Nồi cháo không có một hạt gạo nào, chỉ có một con gà gió và đậu xanh còn nguyên hạt, tất cả bỏ vào nồi nước nhắc lên bếp nấu. Khi con gà gìo vừa chín tới thì những hạt đậu xanh cũng bắt đầu nứt vỏ, nêm nếm cho vừa ăn , tắt bếp lửa, đạy vung lại để trên bếp thêm 15 phút, vớt gà ra xé lấy thịt để riêng. Bà nhà quê nói "cháo này nấu nhanh hơn cháo gạo con à, món cháo này là của người dân Giồng Giềng , ăn tự nhiên ngheng con".

      Nhà chủ có 5 người, thêm 3 chị em D là 8, ngồi xếp vòng trên chiếu. Bà múc cháo ra tô, lúc này những hạt đậu xanh bung nở hoa lộn vào chút mỡ gà nên khoe màu vàng óng. Đặt chút thịt gà trên bề mặt, rắc thêm chút tiêu sọ đã được xay nát, thêm tí hành ngò, cùng một lúc tô cháo bốc khói tỏa mùi hương rất thân thiện. Đúng! đúng rồi! hương đồng nội đang lan tỏa trên cánh đồng lúa nặng trĩu bông lúa chín vàng. Chị em vừa ăn vừa khóc, cháo được chan thêm những giọt nước mắt cho đậm đà thêm. Không hiểu tại sao lại khóc , chắc tại mừng vì thoát chết hay cảm động với tấm lòng nhân hậu của người dân nghèo lam lũ, hay tiếc món tiền mà cha mẹ, anh chị em đã khó nhọc chắt chiu bao ngày nay đem quăng xuống biển?. Là có đủ cả mọi thứ.

      Cháo Giồng Giềng, mắm Châu Sa đối với chị em KD thật tuyệt vời , thỉnh thoảng lại nấu cháo Giồng Giềng ăn để nhớ gia đỉnh người tiều phu , nhớ những ngày tháng long đong.

      Thân ái

      KimDung


      Comment


      • #4
        Kim Dung đúng là gặp may, được Chúa ban ơn cho gặp người tốt trong lúc hoạn nạn, khốn cùng. Những người giúp đỡ KD phải nói là quá tốt và rất tế nhị. Họ đã mang con gà, có thể nói là có 1-0-2 ra làm thịt đãi, không có gạo để nấu cháo nên nói là nấu bằng đậu xanh cho nhanh...

        Tôi học nông nghiệp nên biết vùng rừng tràm khó có sinh vật nào sống được, trừ cây tràm. Lá tràm có chứa tinh dầu, thành phần cấu tạo tương tự eucalyptol của cây khuynh diệp, có tính sát trùng. Không nuôi con vật gì được, không trồng cây gì khác được nên người dân sống trong vùng rừng tràm nghèo lắm.

        Rất hãnh diện bởi những đồng hương Nam bộ của mình.

        KD thỉnh thoảng nên nấu cháo Giồng Giềng cho cả nhà ăn như là 1 Thanksgiving reminder.

        [hr]

        [/size]

        Comment


        • #5
          Phần 3

          Một đoàn người, ngựa, xa giá (quan phó tổng quản ngoại giao vốn tinh ý đã phái cả một chiếc limousine đi theo đoàn) theo lời chỉ dẫn của hoàng tử trực chỉ khu rừng có nhà bà cụ và cô con gái. Phái đoàn phải vượt qua 11 cây cầu. Đẹp nhất, hùng vĩ nhất là cầu Nha Bích bắc qua sông Bé, đẹp hơn nhiều cảnh trong phim Cầu Sông Kwai được thu hình bên Thái Lan.

          Hai mẹ con bà cụ đang làm ngoài đồng nghe ở nhà có phái đoàn rần rộ kéo đến nên sợ hãi vội vác cuốc quay về. Sau khi tiếp nhận thánh chỉ, cả 2 vào nhà thay bộ quần áo đẹp nhất, gói mang theo vài bộ quần áo, riêng bà cụ vào bếp lấy trên kệ một cái hũ nhỏ, dùng lá chuối gói lại thật kỹ, cho vào giỏ xách với quần áo rồi theo lời mời của quan phó quản ngoại lên limousine hồi trào. Quan tổng quản ngoại tiếp hai mẹ con bà cụ, nói cho họ mục đích việc triệu tập, cho biết thêm về số tiền thưởng khủng với chín số không nếu làm được việc, và nói sẽ sắp xếp cho họ ở trong một khách sạn 5 sao gần đó cho tiện việc đi lại, khỏi lo lạc đường. Bà lão nhận lời, hứa sẽ nấu đủ hai món cháo trân châu và mắm mắt phượng.

          Hôm sau hai mẹ con bà được dẫn đến ngự thiện phòng. Các quan ngự thiện hiện diện đầy đủ và thỏa mãn nhanh chóng mọi yêu cầu làm việc của hai mẹ con với vẻ tò mò hiện rõ.

          Trưa đến vua triệu tập hai mẹ con bà vào cung. Mọi ánh mắt đổ dồn về hai mẹ con bà lão trong trang phục nghèo nàn, cử chỉ lúng túng, ngượng nghịu. Sau khi hai người thi lễ xong (nhờ được quan ngoại nhắc tuồng) trong sự im lặng gần như tuyệt đối, chỉ trừ tiếng ro ro của máy lạnh và tiếng thở của người, nhà vua hỏi:

          - Bà lão, bà biết tại sao hoàng hậu triệu tập bà về triều rồi chứ?

          - Tâu hoàng thượng thần dân biết rồi ạ.

          Hoàng hậu nóng ruột chen vào hỏi:

          - Nói thật cho ta biết: bà nấu được cháo trân châu chứ?

          - Dạ tâu hoàng hậu thần dân biết nấu cháo trân châu thật ạ.

          - Bà cũng biết làm món mắm mắt phượng chứ?

          - Dạ, thần dân cũng biết làm mắm luôn ạ.

          - Ta nghe nói sáng nay ngươi đã vào làm việc tại ngự thiện phòng. Ngươi đã nấu hai món ấy chưa?

          - Dạ, thần dân đã chuẩn bị xong.

          - Cháo và mắm ăn được ngay trưa nay chứ?

          - Dạ thưa hoàng hậu nồi cháo nấu ăn liền được nhưng mắm lão chưa làm được vì thiếu vật liệu. Nếu có vật liệu làm ngay hôm nay thì phải 5 hay 7 hôm nữa mới ăn được ạ… (Thấy vẻ mặt thất vọng của vua và hoàng hậu, bà vội nói tiếp), nhưng không sao, lão có mang theo hũ mắm làm từ dưới quê, có thể ăn liền ạ. (nói xong bà lấy trong giỏ đệm ra bó lá chuối).

          Nhà vua thất thanh la:

          - Khủng bố, khủng bố! Các quan kíp bảo vệ trẩm chống thích khách.

          Thị vệ túa đến vây quanh vua và hoàng hậu. Lúc nầy người ta mới nhận thấy thái tử cũng có mặt, không phải bị bệnh nằm liệt giường như đã đăng trên thông báo cung đình. Thái tử, kiếm cầm tay, bước đến trước bà lão.

          - Chào bà lão, nhớ ta không? Bà mau cho ta biết trong bó lá chuối nầy là gì?

          Bà lão trố mắt ngạc nhiên hỏi:

          - Ngài là thái tử xịn hả? Lão già nầy đúng là có mắt như mù. Xin thái tử thứ lỗi và báo lại cho vua và hoàng hậu yên tâm, đây là hũ mắm. Lão quấn lá chuối vì sợ đi xa, xe chạy xóc, bể hũ.

          Thái tử bước đến gỡ lá chuối ra thì thấy bên trong đúng là cái hũ sành. Thái tử bước đến báo vua cha và hoàng hậu:

          - Phụ hoàng và mẫu hậu yên tâm. Đây chỉ là hũ mắm ạ.

          Hoàng hậu qua cơn hoảng sợ, lên tiếng:

          - Có hũ mắm ở đây rồi. Vậy ngươi mau mang nồi cháo trân châu vào đây cho nhà vua và ta ngự thiện.

          - Dạ hai thứ ấy tầm thường lắm! Không đáng cho đức vua và hoàng hậu ngự ạ.

          Đức vua:

          - Ngươi nói gì? Cháo trân châu mà tầm thường à? Không đáng cho trẩm ngự à?

          - Thần dân đáng tội, thần dân không có ý phạm thượng ạ. Nồi cháo thần dân đang để ở ngoài xe…

          - Sao không lấy vào đây ngay cho trẩm và các đại thần quá mục?

          - Dạ, dạ… cháo thì được, còn mắm thì… không nên ạ.

          - Bà lão nầy mới hay nhỉ! Tại sao cháo quá mục được, còn mắm thì không nên? Bà biết tội khi quân bị trừng phạt như thế nào không?

          - Dạ biết, nhưng xin hoàng thượng tha tội lão mới dám nói.

          - Rồi, bà nói ngay đi.

          - Dạ vì mắm nó thơm lắm ạ. Thơm nồng luôn nên mở hũ mắm ở đây e các quan Tây mũi lỏ Liên Xô, Tiệp Khắc, Nam Tư… sợ quá chạy mất!

          - Ừ, trẩm quên. Mấy người ấy đâu biết ăn mắm. Mà phòng nầy có máy lạnh, khui hũ mắm ở đây hơi bị… hoi. Không tiện.

          Hoàng hậu sốt ruột chen vào:

          - Rồi, hoàng thượng tha tội rồi, cho phép rồi, bà mau lấy nồi cháo vào đây ngay.

          - Dạ lão già đây tội khi quân đáng chết trăm lần nên không dám mạo phạm lần nữa ạ!

          - Bà nói sao? Bà đã gạt nhà vua và ta rồi à? Bà nầy điêu ngoa nhỉ! (gục gặc đầu) Bà mau khai báo sự thật, ta sẽ nghĩ tình lượng thứ. Còn như gian dối quanh co là chết đó!

          - Già sẽ khai hết mọi việc, sẽ nói hết mọi việc ạ. Già đây đáng chết, đáng chết lắm ạ. Lão già rồi, chết cũng đáng. Chỉ thương con trẻ vô tội, tuổi mới trăng tròn lẻ mấy năm…. Xin đức vua, hoàng hậu, hoàng tử hạ thủ lưu tình cho con trẻ được sống.

          Lúc nầy mọi người mới chú ý đến tấm áo bà ba nâu cùng mái tóc đen dài đang phủ phục trước mặt … rồng. Đức vua phán:

          - Tiểu nữ đang phủ phục kia, ta cho bình thân. Mau đứng dậy, ngước nhìn lên cho ta thấy mặt. (Thái tử chen lên, đứng ngay sau ngai vàng vua cha. Nghe tiếng thở hổn hểnh phía sau, đức vua quay lại thấy vua con đang nhìn chăm chăm cô gái chân dài đang e lệ cuối đầu, vua quay lại nhìn cô gái). Ừ, thần dân nầy của ta xứng đáng được sống… Rồi, bà lão khai đi.

          - Tội lão đáng chết. Mẹ con lão nghèo lắm ăn toàn gạo bao…

          - Thế à? Mẹ con bà ăn mạnh ghê nhỉ. Thế bà ăn gạo bao chỉ xanh 100kg hay bao gạo Mỹ 50kg?

          - Dạ thần ăn gạo bao… nylon đựng nửa ký ạ. Mà nhà vua đừng ngắt lời lão, để cho lão nói. Nhà vua có biết lúc nầy lão đang lên tension, không biết lúc nào thì đột quỵ, đi đứt không?

          - Khoan, khoan. Bà khoan đi nước Đức, nói xong rồi hẵn đi.

          - Nhà vua ơi, lão nói đi đứt chứ không phải đi nước Đức. Đi đứt tức là quy tiên ấy ạ! Giờ trở lại việc chánh: Nhà lão nghèo lắm, toàn ăn cơm độn khoai mì. Hôm thái tử đến đúng lúc nhà hết gạo nên nấu cháo… ngô ăn tạm ạ.

          Một tiếng “Ồ!” vang rền cả cung điện. Thái tử không dằn được, chen vào hỏi:

          - Tối hôm ấy ta ăn cháo ngô à?

          - Thái tử tha tôi chết; đúng vậy ạ. Thái tử nhớ không? Hạt to gần bằng hạt đậu, tròn tròn, nhai cứng cứng?

          - Thôi chết! Thế còn món mắm mắt phượng? Hẵn nhiên là không phải làm bằng mắt của chim phượng, phải không?

          - Thái tử nói rất đúng ạ. (thêm một tiếng “Ồ” rền cung điện) Kẻ tiện dân nầy có biết chim phượng hoàng là gì đâu! Mắm đó là mắm hến.

          - Hến ở dưới sông, nhà bà ở trong rừng làm sao bắt được hến mà làm mắm?

          - Thái tử không biết chứ từ nhà của lão có đường tắt, đi một buổi là ra đến hồ Long Thủy. Mùa khô suối cạn, lão vẫn phải đi đến đó gánh nước về xài, nên lão biết đoạn bờ hồ nhiều bùn có hến. Ở hồ có treo bảng cấm đánh/bắt/câu cá nhưng lão vờ xuống tắm rồi lén dùng rổ xúc đãi hến về ăn ạ.

          - Ra thế. Mà sao ngươi dám bịa tên món ăn lừa ta?

          - Hôm thái tử đến, nhà chỉ có hai thứ đó khả dĩ ăn được nên lão mang ra tất. Rồi lão thấy thái tử đói quá nên thương, và cũng muốn cho thái tử ăn được ngon miệng nên mạo muội nói trạng!

          - Hóa ra là thế! Cảm động quá. Mà cũng đúng. Con hến trông cũng khá giống mắt của con chim… Nhưng mà nầy, bà nghĩ ra tất cả những từ hoa mỹ đấy à?

          Bà lão quay sang vua:

          - Nhà vua đã hứa tha chết cho con gái lão. Quân vô hí ngôn, vua không được xí gạt dân đấy nhé! (chờ nhà vua gật đầu xong bà lão trở lại nói chuyện với thái tử) Tất cả những tên gọi hoa mỹ ấy là do con gái lão đặt ạ.

          - Thế à? Ôi, người đã đẹp mà còn văn chương tao nhã. Ta rất vừa lòng… (nói xong giật mình ngó hoàng hậu, hoàng hậu lúc nầy nhíu mày, quay mặt lại trừng mắt nhìn hoàng tử) vì… thần dân phụ hoàng ta xuất sắc như vậy. (quay sang nhà vua) Phụ hoàng, nhi thần nghĩ với người tài sắc vẹn toàn (thái tử đã quên bà lão!), có tấm lòng tốt với triều đình như vậy, phụ hoàng để cho nhi thần ban thưởng họ nhé?

          - Thái tử con ta quả là con dòng, cháu giống, tấm lòng đại dương, hết mực yêu thương người. (nghe vua nói đến đây hoàng hậu nhíu mày) Ta cho con toàn quyền ban thưởng.

          Thái tử quay sang quan ngoại:

          - Quan mua mấy xấp lụa Thái Tuấn cho cô ấy may bà bà, và vài xấp lãnh mỹ a may quần. Nhớ chọn màu nào hợp với mầu da bánh ít nhe. Tạm thời để cô ấy mặc quần áo truyền thống. Áo đầm, quần jeans tính sau... Còn mỹ phẩm thì mua hàng L’Oréal của Pháp, côm-plê trọn bộ luôn nhe.

          Quan thị vệ thân tín đứng cạnh thái tử chắt lưỡi than thầm: "Ai cha! Chắc hôm nay thái tử chán mấy cách cách, mấy đại công nương nên đổi gôut, thưởng thức hương đồng, cỏ nội đây."

          Comment


          • #6


            Vâng. Chính là một hồng ân đó anh Long. Ngày đó trốn trong rừng Tràm cứ nghĩ nó giống rư`ng cao nguyên, chờ thuyền du kích về mình sẽ tìm lối thoát, ai dè khi thuyển đi hết rồi thì nước ở đâu lại về, mỗi lúc mỗi dâng cao, chị em phải Leo lên cây ngồi cầu nguyện. Khi gặp ghe hái củi tới cứu, nhỏ em lội trúng bãi bùn, càng cố gắng bước lên nó càng lún xuống. Người hái củi nói đứng yên không được nhúc nhíc rồi họ kéo lên bằng cách nào D không biết vì lúc đó lo bò trên khúc cây để Leo vô thuyền. D chỉ biết khi kéo được nhỏ em lên thuyền thì nó mất tiêu luôn cái quần dưới bùn (ngày đó VN mình mặc quần lưng giây thun), người trên ghe cho nó cái áo quấn làm váy rồi họ chở chị em về nhà nấu cháo cho ăn.

            James có làm Art về câu chuyện này. Người xem Art chợt cười rồi lại sụt sùi.

            NGày xưa khi còn nhỏ chị em D hay được Bà và mẹ nhắc : "Cho nhưng không sẽ được nhưng không". Còn bé chẳng hiểu gì hết chỉ biết mẹ nói lấy lon gạo ra biếu người hành khất thì lấy, hay mang nước cho người hành khất uống thì mang. Khi được ăn cháo Giồng -Giềng mới hay những gì mình cho đi một cách không vụ lợi với những kẻ khốn cùng, không biết họ là ai, thì chẳng bao giờ mất.

            KD cũng biết người dân ở những vùng đó nghèo lắm vì anh bà con D di cư trong vùng Cái -Sắn, đi tu làm linh mục coi những xứ trong vùng thât ̣ sâu Xứ Giồng Giềng trong Kinh Tràm... Người dân lương , giáo đều nghèo mà họ thật thà đơn sơ lắm, thiếu gạo hay mắm muối thì vào xin cha, bắt được con cá trê cá lóc hay nhà có món gì ngon thì cũng đến khúm núm : "Coon xin dzái cố dzìa ăn cơơm". Họ nghèo vật chất nhưng nhân cách không nghèo , luôn sống vui, sống rất tình người, khác người sống ờ tỉnh. anh của D bảo thế.

            KD có món chè Giồng -Giềng : đậu xanh nguyên hột thay vì nấu với thịt + muối trẻ con nó không chịu ăn, D nấu đậu xanh nguyên hột+ đường+rong biển. Trong mùa nắng hạ ngày nào cũng nấu, hai đứa nhỏ khi đi học về, hai má đỏ au, chỉ kịp " Mẹ ơi con về rồi" là chạy thẳng tới tủ lạnh lấy mỗi đứa một ly chè Giồng-Giềng ăn là tỉnh taó liền, chúng vẫn gọi chè nầy là chè Giồng-Giềng của mẹ với dì. THỉnh thoàng chị em D cũng nấu cháo Giồng-Giềng cho mấy người bạn Úc ăn và kể chuyện cho họ nghe, họ cảm động lắm.

            Thân ái

            KimDung


            Comment


            • #7
              Cám ơn những chia sẻ của KD, cây bút thường trực của diễn đàn. Như vậy, danh sách món cháo và món chè đã có thêm 2 tên: Cháo Giồng Giềng và chè Giồng Giềng.

              Thân ái.

              Comment

              Working...
              X