Announcement

Collapse
No announcement yet.

Du học sinh Việt kể chuyện tự cách ly ở nhà, từ dương tính đến âm tính Covid-19

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Du học sinh Việt kể chuyện tự cách ly ở nhà, từ dương tính đến âm tính Covid-19


    Sau khi xét nghiệm lần 1 và nhận kết quả dương tính với virus corona, du học sinh này cũng khá lo lắng vì sự chủ quan phòng dịch của mình. May mắn thay, kết quả lần 2 đã thông báo cô âm tính với Covid-19 và có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.


    “Xin lỗi, bạn đã dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và gel rửa tay cho bạn”.

    Cầm kết quả trên tay, Kiều Phương bủn rủn cả người…

    Hôn má người bạn, chủ quan không phòng dịch

    Đó là giây phút nhận kết quả xét nghiệm của Trần Vũ Kiều Phương (29 tuổi, Kon Tum) hiện du học ngành Tâm lý giáo dục tại Trường ĐH Geneve (Thuỵ Sĩ). Ở Thuỵ Sĩ 4 năm, chưa khi nào Phương lại cảm thấy mình yếu đuối đến rơi nước mắt như khi ấy. Ngoài đi học, cô còn nhận làm thêm là đưa đón và dạy trẻ.

    Tuy biết tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng nhưng Phương chia sẻ thật lòng rằng: “Tôi thờ ơ trước dịch bệnh, tôi nghĩ mình an toàn ở Thụy Sỹ. Virus corona chắc còn xa xôi ở Trung Quốc. Tôi vẫn bình thản với cuộc sống sinh viên, đi học, đi làm và bình yên nơi đây. Tôi hủy vé máy bay về Việt Nam để tránh dịch, tôi không đi phương tiện công cộng để tránh bị lây nhiễm nơi đông người. Tôi rửa tay thường xuyên bằng dung dịch kháng khuẩn và rồi TÔI VẪN BỊ LÂY NHIỄM VIRUS CORONA.”


    Ảnh: NVCC.
    Ngày 29/2, khi sang Pháp chơi, Phương có gặp một người cô và hai người đã chào hôn má nhau. Sau đó, vì cảm thấy trong người không khoẻ, lại có dấu hiệu sốt nên người bạn của Phương đã xin phép về trước. 4 ngày sau đó, Phương cảm thấy trong người không khoẻ, cô bắt đầu hắt hơi sổ mũi.

    Ngày 5/3, Phương bắt đầu thấy cơ thể mệt dần. Tuy nhiên, sau khi nghe tin người bạn ở Pháp nhiễm Covid-19 phải nhập viện, không thể chủ quan nghĩ rằng vì thời tiết lạnh nên bị ốm, Phương lo lắng và ngay lập tức đã gọi điện đặt lịch hẹn cho bác sĩ riêng để khám.

    Một ngày sau đó, tuy cơ thể vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường nhưng chứng sổ mũi của Phương đã hết, cổ họng khô thoáng, không ho, không sốt. Bác sĩ riêng của cô vẫn liên lạc đến trung tâm dịch bệnh lớn nhất Geneve, nơi làm xét nghiệm chủng virus mới này.

    Phương nhớ lại: “Ban đầu bác sĩ bảo còn sớm quá để làm xét nghiệm, vì phải đợi đủ 14 ngày. Tôi không chịu, xin cho test ngay vì còn làm việc với con nít và bản thân cũng thấy rất mệt. Tôi phải đợi 4 tiếng vì trước tôi còn có 5 người đang chờ để test. Tôi được khử trùng tay và không được phép sờ vào bất cứ thứ gì; sau đó, tôi được phát khẩu trang và dẫn đến một cái lều cách ly bên ngoài. Trong quá trình xét nghiệm, tôi được khẩu cung, đo huyết áp, đo thân nhiệt, kiểm tra phổi, lấy mẫu thử dung dịch vòm họng và dung dịch mũi. Xét nghiệm xong, tôi đi thẳng về nhà và không được phép ra ngoài đến khi chờ kết quả trong vòng 24h.”

    Ngày 7/3, yên tâm vì bản thân đang khoẻ hơn và không có triệu chứng của điển hình của dịch bệnh, Phương khá ung dung khi đến lấy kết quả xét nghiệm. 14h trưa, như sét đánh ngang tai, cô nhận kết quả từ tay bác sĩ: “Xin lỗi, bạn đã dương tính với Covid-19, chúng tôi sẽ gửi khẩu trang và gel rửa tay cho bạn”.

    Tuy nhiên, sau đó, Phương cũng bình tĩnh hơn với lời dặn dò của nhân viên y tế: “Mỗi ngày sẽ có nhân viên gọi điện theo dõi tình hình của bạn. Bạn cách ly ở trong nhà và không được phép ra ngoài hay gặp gỡ ai.” Cô lần lượt gọi về thông báo cho gia đình, thông báo đến chỗ mình làm việc, những người đã tiếp xúc trước đó… Chỉ tiếc chưa kịp đi siêu thị và chuẩn bị thêm đồ ăn, cô bắt đầu chuỗi ngày tự cách ly với tinh thần thoải mái nhất.



    Hộp khẩu trang và gel rửa tay Phương nhận được qua đường bưu điện từ bác sĩ. Ảnh: NVCC.

    Tự cách ly ở nhà, không để cho bản thân nghỉ ngơi

    Được ở nhà, được làm những việc mình chưa có thời gian làm, Phương không cho phép mình nghỉ ngơi ngay cả khi nhiễm bệnh. Virus corona, đối với Phương, chẳng có gì ghê gớm cả.

    Ngày 8/3, các triệu chứng của Covid-19 xuất hiện rõ ràng hơn, Phương thấy “đau nhức cơ thể, đầu đau như có tạ đè, cảm giác trong cơ thể như có gì đó hút hết sức lực khiến tôi đau ngực khó thở, đau cơ bắp. Cổ họng khô và hơi đau chút.”

    Thế nhưng, Phương ra lệnh cho cơ thể mình phải hoạt động cho qua cơn đau nhức, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, tẩy trùng vệ sinh chỗ ở, làm bài tập tại nhà vì không đến được trường… Điều quan trọng nhất là nhiệt độ cơ thể phải theo dõi liên tục. Phương tâm niệm, “nếu cảm thấy mệt và lo lắng quá nhiều thì tôi nghĩ nó sẽ quật ngã bệnh nhân, làm cơ thể đau nhức, khó thở hơn. Mấy ngày cách ly, tôi vẫn được ở nhà vì không bị sốt, không bị ho, nhiệt độ bình thường. Tôixem như đây là một sự trải nghiệm.”Còn về thực phẩm, thiếu thứ gì cô nhờ bạn mua tới, để ở cổng rồi tự ra lấy.

    Lý giải nguyên nhân vì sao không nhập viện, Phương chia sẻ đó là quyết định của bệnh viện chứ không phải của riêng bản thân cô. Cách thức chống dịch của Thụy Sỹ khác Việt Nam, họ sẽ xem xét tình hình sức khỏe và mức độ tình trạng bệnh của mỗi người. Tình trạng của Phương được đánh giá không quá nặng, không ho, không sốt nên không phải nhập viện. Phương cũng không dùng thuốc vì thực tế, bác sĩ chỉ cho thuốc theo triệu chứng bệnh nhân và không có thuốc trị virus. Vì bị đau nhức cơ thể nên họ khuyên cô dùng Dolipraine để giảm đau nhức, như bệnh cúm bình thường thôi.

    “Ban đầu, tôi cũng xin bác sĩ cho nhập viện nhưng họ bảo không cần. Họ hỏi tình trạng của thì tôi thấy mình vẫn ổn. Ngẫm nghĩ lại, tôi thích ở nhà hơn, làm việc và ăn uống, ngủ nghỉ dưỡng sức. Hàng ngày, bác sĩ vẫn gọi điện ít nhất 1, 2 cuộc để theo dõi tình hình tiến triển của bệnh và ghi nhận triệu chứng. Nếu có dấu hiệu nặng và sốt, khó thở thì gọi đến số khẩn cấp để nhập viện.”

    Ý thức tự cách ly và bảo vệ người khác rất quan trọng

    Ngày 9/3, Phương thấy sức khoẻ tốt lên tuy chỉ còn cơn đau ngực nhưng không quá nghiêm trọng, bác sĩ riêng yêu cầu cô xét nghiệm lần 2. “Ban đầu, tôi quay lại chỗ lần đầu xét nghiệm, họ từ chối và bảo rằng kết quả dương tính là dương tính. Sau đó, tôi sang bệnh viện Geneve để xin xét nghiệm, họ cũng lưỡng lự vì đây là trường hợp rất khó xảy ra, thường thì lần một âm tính và lần hai dương tính chứ hiếm có trường hợp ngược lại. Tôi nói rằng chính bác sĩ gia đình đã chỉ định và cho phép tôi đi xét nghiệm lần hai.”

    Ngày 10/3, Phương đã nhận được kết quả xét nghiệm âm tính tại bệnh viện Geneve với niềm hạnh phúc tột cùng. Các bác sĩ cũng cho phép cô quay trở lại cuộc sống bình thường và thông báo chấm dứt gọi điện hỏi thăm, theo dõi tình hình sức khỏe mỗi ngày. Cô cũng nhận được thông tin rằng người bạn ở Pháp đã hết sốt, không còn đau đầu, hiện vẫn được điều trị tại bệnh viện.



    Kết quả xét nghiệm lần 2 của Phương. Ảnh: NVCC.

    Tới thời điểm hiện tại, sức khoẻ của Phương đã ổn định trở lại. Cô chia sẻ thêm nhiều người sau khi biết cô dương tính với virus corona đã khuyên cô phải giấu bệnh, chứ đừng tiết lộ kẻo mất bạn bè. Nhưng Phương vẫn dũng cảm thông báo cho tất cả mọi người nếu có tiếp xúc với cô trong thời gian phát bệnh để họ cẩn trọng theo dõi, còn ai muốn xa lánh, kỳ thị thì đây cũng là dịp để sàng lọc bạn bè. Phương vô cùng trân trọng tình cảm của những người đã giúp đỡ cũng như động viên cô trong suốt thời gian cô tự cách ly, tự chiến đấu với dịch bệnh này.

    Phương bày tỏ: “Mọi người nên có kiến thức về vấn đề lây nhiễm. Bạn phải có tiếp xúc trực tiếp và có cự ly gần tiếp xúc trong vòng 2m với người nhiễm và người bị nhiễm phải có triệu chứng bệnh rõ ràng thì khả năng lấy nhiễm mới cao. Trường hợp người tiếp xúc với người bị lây nhiễm trong vòng 2 tuần không có triệu chứng gì thì cũng không bị lây nhiễm.

    Nếu một người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt thì khả năng nhiễm virus rất thấp; trường hợp bị nhiễm thì khả năng chống chọi được bệnh. Vì thế, mọi người đừng quá lo lắng. Cái nguy hại ở đây là khả năng lây nhiễm của nó rất cao và nguy hiểm đến người già. Ý thức tự cách ly và bảo vệ người khác rất quan trọng. Nếu bị cảm cúm và sốt , làm ơn cẩn trọng, mang khẩu trang và hạn chế đến nơi đông người. Không hôn chào và bắt tay, đừng mắc sai lầm như tôi. Nếu nghi ngờ mình bị nhiễm, nên cách ly và đi test ngay, đừng chủ quan để quá muộn màng.”

    PV

    Theo Trí Thức Trẻ
    Cheers!
Working...
X