Binh sĩ tuần tra trên đường phố Madrid, ngày 16/03/2020, sau khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha, để chống dịch Covid-19. REUTERS/Juan Medina
Với 28 ngàn ca dương tính và gần 400 nạn nhân qua đời trong 24 giờ qua, chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Quốc Hội triển hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 11/04/2020, thêm ba tuần. Tính trung bình từ thứ Năm đến Chủ Nhật, mỗi ngày có 400 nạn nhân thiệt mạng, nâng số người chết lên hơn 2.100.
Mối âu lo chính của chính phủ Madrid là tình trạng thiếu sót của hệ thống y tế từ nhân sự cho đến phương tiện y khoa làm cho kế hoạch ngăn dịch khó khăn thêm. Từ Madrid, thông tín viên François Musseau tường thuật:
"Họ là những người lính chiến trên tuyến đầu chống giặc. Người lính chiến là từ ngữ ẩn dụ mà thủ tướng Pedro Sanchez sử dụng để vinh danh các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nói chung ngày đêm đối đầu với đại dịch Corona.
Thế mà, cũng theo chính phủ Tây Ban Nha, "những người lính chiến" này không được trang bị tốt và đông đủ quân số. Theo báo cáo chính thúc, 12% nhân viên y tế Tây Ban Nha đã bị siêu vi lây nhiễm, khiến lực lượng tiêu hao.
Do vậy, để tăng viện, chính quyền y tế trung ương cũng như địa phương tuyển dụng thêm 14 ngàn y tá, bác sĩ đang nghỉ hưu, sinh viên y khoa, y tá mới tốt nghiệp chưa có chỗ làm, cùng với 2000 quân nhân quân y trừ bị.
Madrid là nơi đáng lo nhất vì tập trung gần 50% bệnh nhân trên toàn quốc và số nhân viên y tế bị lây nhiễm.
Chính quyền cấp vùng xin thêm 2000 nhân viên y tế trợ lực cùng với hàng trăm ngàn khẩu trang và găng tay.
Tây Ban Nha đã gửi hai máy bay sang Trung Quốc đem về máy hô hấp nhân tạo và phương tiện cấp cứu hồi sinh."
Tú Anh- RFI
COVID-19: Mỹ chuẩn bị 4.000 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và bộ trưởng Tài Chính trả lời họp báo tại Nhà Trắng, Washington, 17/03/2020. REUTERS - Jonathan Ernst
Phát biểu trên đài truyền hình Fox News ngày 22/03/2020, bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo chuẩn bị một kế hoạch kích cầu trị giá 4.000 tỷ đô la, tương đương với 20 % GDP của Mỹ để cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả Covid-19 gây nên.
Theo giải thích của bộ trưởng Mnuchin, chính phủ Mỹ « phối hợp với Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang để có thể huy động được đến 4.000 tỷ đô la nhằm hỗ trợ kinh tế (…). Trong tình huống khẩn cấp hiện tại, Federal Reserve có thể cấp tín dụng kể cả cho các doanh nghiệp tư nhân ».
4.000 tỷ đô la tương đương với 1 phần 5 GDP của cả nước Mỹ. Covid-19 đe dọa nhiều doanh nghiệp Mỹ, đứng đầu là ngành hàng không dân dụng, khách sạn, và kể cả lĩnh vực giải trí.
Washington lo ngại virus corona cướp đi việc làm của hàng chục triệu người lao động Mỹ nhất là khi tiêu thụ bị chựng lại, vì đã có gần 100 triệu dân Hoa Kỳ bị kêu gọi ở trong nhà, giới hạn các sinh hoạt hàng ngày. Cũng trong cuộc nói chuyện trên Fox News, ông Steven Mnuchin thông báo chính quyền Trump sẽ cấp cho mỗi người dân Mỹ 1000 đô la để khuyến khích tiêu thụ, trẻ em được 500 đô.
Thanh Hà-RFI
Covid-19 : Vì sao tỷ lệ tử vong tại Đức cực thấp ?
Một điểm xét nghiệm virus gây bệnh Covid-19, quận Reinickendorf, Berlin, ngày 23/03/2020. REUTERS - FABRIZIO BENSCH
Minh Anh
Với hơn 22.670 ca nhiễm, nước Đức đứng hàng thứ 4 trên thế giới bị ảnh hưởng nặng dịch virus corona đứng sau Trung Quốc, Ý và Tây Ban Nha. Nhưng ở Đức chỉ có 94 ca tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng như Pháp (672 người), Ý (5.476), Tây Ban Nha (1.772) hay Trung Quốc (3.270). Chiến lược « chủ động đối mặt với dịch bệnh » đã giúp Đức tạm thời dễ dàng đối phó với dịch bệnh.
Nhìn những số liệu do Viện Sức Khỏe Cộng Đồng Robert-Koch của Đức công bố mỗi sáng, và so sánh với các nước bị dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất, quả thật tỷ lệ tử vong vì virus corona mới tại Đức là cực thấp : 0,3% so với mức 3,6% ở Pháp, 4% tại Trung Quốc và 8,5% của Ý.
Vì sao như vậy ? Le Monde (21/03/2020) đưa ra ba giải thích chính.
Thứ nhất, Đức tiến hành chẩn đoán và xét nghiệm Covid-19 sớm theo đà lây lan của dịch bệnh. Chỉ riêng trong tuần 02/3, trong khi vẫn chưa có ca tử vong nào, Đức đã cho tiến hành xét nghiệm 35.000 người và hơn 100.000 người trong tuần kế tiếp. Giờ đây, theo viện trưởng viện Robert-Koch, nước Đức có thể tiến hành xét nghiệm 160 ngàn người/tuần, tương đương với con số tại Ý hiện nay.
Cách biệt về độ tuổi trung bình người bệnh là điểm khác biệt thứ hai so với Ý. Phần đông những bệnh nhân phát hiện dương tính ở Ý là người cao tuổi và đã có bệnh nền. Tại Đức, số người nhiễm bệnh trẻ tuổi hơn so với Ý và ít có vấn đề sức khỏe. Độ tuổi trung bình của người bệnh tại Ý là 63, trong khi ở Đức là 47. Phần lớn nạn nhân của virus corona là người già, do vậy việc phát hiện dương tính ở một số đông người trẻ tuổi cũng giải thích phần nào vì sao cho đến lúc này tỷ lệ tử vong vẫn cực thấp ở Đức.
Cuối cùng là tăng viện khả năng y tế. Trái với thái độ chủ quan và có phần xem nhẹ dịch bệnh như thừa nhận những ngày gần đây của một số chuyên gia của Pháp trên các kênh truyền thông, giới chức Y tế Đức hiểu rằng tỷ lệ tử vong vì dịch Covid-19 sẽ sớm tăng vọt, nhưng không biết sẽ tăng đến đâu. Chính vì vậy, chính quyền Berlin chủ động tăng cường thêm 28.000 giường bệnh, tức ở mức 6 giường/1.000 cư dân. Với tỷ lệ này, Đức xếp hàng thứ ba trên thế giới sau Nhật Bản và Hàn Quốc, bỏ xa Pháp (3,1/1.000 dân, xếp hàng thứ 19) hay Ý (2,6 cho 1.000 người, xếp thứ 24), đồng thời thông báo trưng dụng khách sạn hay các trung tâm hội nghị để thiết lập các cơ sở chăm sóc tăng cường.
Chìa khóa quan trọng thứ hai trong bước cuối này là số lượng máy trợ thở. Chính phủ Đức đã chủ động đặt mua 10 ngàn máy. Chỉ có điều, lượng thiết bị này chủ yếu sẽ được giao dần vào cuối năm, đây chính là điểm khiến cho giới Y tế Đức băn khoăn.
Một bài học đáng suy ngẫm cho Pháp, Ý và Tây Ban Nha ?
RFI
Comment