Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tin 4/2: Virus corona : Sự thức tỉnh muộn màng của nước Mỹ, báo Pháp tổng hợp

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tin 4/2: Virus corona : Sự thức tỉnh muộn màng của nước Mỹ, báo Pháp tổng hợp



    Các xe động lạnh được sử dụng tạm làm nhà xác trong đại dich Covid-19 tại bệnh viện Bellevue, New York. Ảnh chụp ngày 31/03/2020. © REUTERS/Eduardo Munoz

    Tại Hoa Kỳ, chỉ trong ba ngày qua số người chết do virus corona đã tăng gấp ba, lên đến hơn 4.000 người, trong đó một phần tư là tại New York. Mỹ hiện nay đứng nhất thế giới về số ca nhiễm, với hơn 188.000 trường hợp (tính đến ngày 01/04/2020), và vượt qua Trung Quốc về con số tử vong mà Bắc Kinh đưa ra (4.059/3.312). Vì đâu nên nỗi ?

    Nguợc dòng thời gian, Le Figaro cho biết chỉ mới đây thôi, ngày 28/2, số ca dương tính với Covid-19 trên toàn nước Mỹ chỉ mới ở con số 15. Trong số những người bị nhiễm, có 12 người vừa mới ở ổ dịch Vũ Hán về. Người đầu tiên, một thanh niên khoảng 30 tuổi, được xác nhận dương tính hôm 21/1 tại bang Washington. Những người thân của anh này được đặt trong vòng giám sát, cũng như các bệnh nhân dương tính khác. Vào lúc đó, chỉ có ba trường hợp người tại chỗ bị lây nhiễm.
    Nếu so với Ý, đã có đến 900 bệnh nhân và mười mấy thành phố bị cô lập, tình hình của Hoa Kỳ có vẻ không đáng lo ngại. Nhưng một nhà vi trùng học cảnh báo : con virus, lây từ người sang người và rất khó phát hiện nơi những người đã bị nhiễm nhưng không phát sinh triệu chứng, đang âm thầm tấn công. Diễn biến sau đó cho thấy họ có lý.
    Chỉ một tháng sau, với 188.578 ca dương tính, nước Mỹ đã trở thành tâm dịch virus corona lớn nhất. Theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, đại dịch này có thể làm cho từ 100.000 đến 200.000 người chết.

    Số lượng lớnhành khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ

    Nếu nói rằng nước Mỹ bị bất ngờ thì không đúng. Ngay từ ngày 7/1, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh (CDC) đã lập ra một bộ phận để theo dõi sự tiến triển của con virus từ Vũ Hán. Mười ngày sau, các sân bay ở Los Angeles, New York và San Francisco được tăng cường kiểm soát. Mạng lưới này đóng góp vào việc phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên từ nước ngoài nhập vào.
    Nhưng hàng ngày có đến 14.000 hành khách đến từ Trung Quốc, đây là một thử thách rất lớn. Thế nên vài ngày sau khi chế độ Bắc Kinh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cấm các hành khách từ Vũ Hán đặt chân vào lãnh thổ nước Mỹ. Các công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ từ tâm dịch về vẫn được nhập cảnh, nhưng phải bị cách ly nghiêm ngặt. Cứ như là có thể chận được con virus ở biên giới.
    Trên đất Mỹ, các nỗ lực phát hiện Covid-19 gặp trắc trở. Nhờ con virus đã được giải Mỹ, CDC đã có thể xét nghiệm từ ngày 20/1, nhưng bộ kit giao cho các phòng thí nghiệm được chứng nhận bị lỗi. Về phía Cơ quan quản lý dược phẩm (FDA) phản đối việc thương mại hóa bộ xét nghiệm do các bệnh viện hay công ty tư nhân đưa ra.
    Kết quả là hệ thống y tế bị quá tải, và cường quốc số một thế giới rốt cuộc cũng cùng số phận với Ý, Pháp, Tây Ban Nha, không thể theo dõi sát sự lan tràn của con virus độc hại. Bác sĩ Anthony Fauci sau đó nhìn nhận trước Quốc Hội : « Hệ thống y tế không thực sự được trang bị cho nhu cầu hiện nay, đây là một thất bại ».

    Tin xấu từ vùng ngoại ô Seattle
    Cho đến giữa tháng Hai, chỉ có 460 người được xét nghiệm. Theo tính toán sau này của các nhà vi trùng học, lúc đó đã có khoảng mấy trăm người dương tính nhưng không có triệu chứng đang tự do di chuyển tại Hoa Kỳ. Nhưng phải đợi đến khi xảy ra những trường hợp tử vong đầu tiên, sự thật mới bắt đầu hiển hiện.
    Benjamin Linas, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Boston University School of Medicine tóm lược : « Chúng ta đã mất đi một tháng, và lỡ mất dịp may quý giá để chận không cho dịch bệnh lan tràn. Khi nghiên cứu về dịch bệnh sau này, phản ứng của CDC và FDA chỉ có thể mô tả là một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng ».
    Ngày 28/2, tại Kirkland, ngoại ô Seattle, tin xấu đã xảy ra. Con virus từ Vũ Hán lan đến bang Washington một tháng trước đó, đã tấn công một phụ nữ 73 tuổi. Bệnh nhân này không hề đi Trung Quốc và cũng không có tiếp xúc nào với những người dương tính. CDC gởi ngay một ê-kíp chuyên về bệnh nhiễm đến viện dưỡng lão nơi bà cụ đang trú ngụ.
    Hai tuần sau, bản án đã được tuyên. Qua điều tra, đã phát hiện được 167 ca bị lây nhiễm, trong đó có 101 người là cư dân tại chỗ. Tổng cộng có 34 người trong số này qua đời vì con virus độc hại. Đối với chính quyền địa phương, đây là dấu hiệu tỉnh thức. Nhân viên các viện dưỡng lão từ nay phải khám bệnh toàn diện, và các cuộc thăm viếng tạm thời bị cấm. Những cuộc tụ họp bị hạn chế, trường học đóng cửa, số ca dương tính bị phát hiện giờ đây lên đến hàng ngàn.
    Sau nhiều tuần lễ trên thực địa, CDC nay có thể thực hiện việc xét nghiệm ở quy mô lớn. Số lượng người bị phát hiện dương tính cứ mỗi hai ngày lại tăng gấp đôi, vòng ảnh hưởng của đại dịch nay hiện rõ. Trên bản đồ được cập nhật sát sao của trường đại học John-Hopkins giờ đây chi chít những điểm đỏ, người Mỹ nhận ra rằng không tiểu bang nào thoát được con virus từ Vũ Hán. Tổng thống Donald Trump ban đầu tỏ ra khinh suất, nay phải công nhận tình hình là nghiêm trọng. Nhưng ý thức được thì đã quá trễ.

    Lễ hội Mardi gras ở Louisiana
    Cuối tháng Hai, hàng trăm ngàn người vô tư tập trung tại trung tâm thành phố New Orleans để mừng lễ hội Mardi gras. Với trên 3.300 ca dương tính và 151 người chết trong vòng ba tuần, Louisiana có tiến độ lây nhiễm kỷ lục.
    Tại Florida, thống đốc Cộng Hòa không muốn cấm các cuộc tụ họp của « spring breaker » (sinh viên các bãi biển của tiểu bang này trong kỳ nghỉ mùa xuân), dù con virus đang lan tràn nhanh chóng, và tuổi trung bình của cư dân khá cao. Carl Bergstrom, giáo sư sinh học của trường đại học Washington tiếc nuối : « Sự thay đổi ý kiến của Nhà Trắng và thái độ trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nhiều cơ quan y tế đã khiến người dân nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp được đưa ra, làm ảnh hưởng đến các thống đốc. Họ do dự không muốn áp đặt các biện pháp hạn chế vì gây mất lòng dân ».
    Theo một cuộc thăm dò vào giữa tháng Ba của đài phát thanh công NPR, có 76% cử tri Dân Chủ coi con virus từ Vũ Hán là « mối đe dọa thực sự », tỉ lệ này đối với cử tri Cộng Hòa chỉ có 40%. Cũng theo giáo sư Bergstrom : « Đối với các chuyên gia từ nhiều năm qua đã chuẩn bị đối phó với một tình hình như thế, rất đáng tiếc là lời nói của các nhà khoa học không được tin tưởng, mà chỉ dựa vào niềm tin chính trị ».
    Do chậm trễ hành động, Washington đã để mặc cho các tiểu bang tranh nhau mua thiết bị y tế. Cho đến thứ Hai đầu tuần, khoảng 20 thống đốc vẫn từ chối áp đặt phong tỏa. Giáo sư Carl Bergstrom dự báo : « Đến một lúc nào đó, chúng ta có thể hy vọng rằng việc phong tỏa ở nhiều nơi có thể làm phẳng lại đường cong của dịch bệnh. Nhưng tình hình hiện nay rất đáng lo ngại tại New York, Florida và nhiều tiểu bang nông nghiệp, nơi có cơ sở hạ tầng yếu kém hơn ».

    New York im lặng trước cơn bão
    Tại New York, ổ dịch lớn nhất với 76.000 ca dương tính và 1.550 người tử vong, thị trưởng Dân Chủ đã trễ tràng trong việc buộc đóng cửa trường học và nhà hàng. Ông giải thích đó là do sợ ảnh hưởng đến những người nghèo. Trong những ngày gần đây, các bệnh viện New York cật lực đối phó với đỉnh dịch. Rất nhiều giường bệnh đã được chuẩn bị tại các trung tâm hội nghị và địa điểm công cộng, nhưng cơ quan y tế lo ngại thiếu thuốc men, khẩu trang và máy thở.
    AFP hôm 31/3 ghi nhận những chiếc lều y tế được dựng lên ở Central Park nổi tiếng. Công binh Mỹ sau tám ngày làm việc đã biến trung tâm hội nghị Javits Center ở Manhattan thành bệnh viện dã chiến 3.000 giường để giảm tải, giúp các bệnh viện khác tập trung chữa cho bệnh nhân Covid-19. Cách đó vài con đường, nổi lên giữa các tòa nhà chọc trời là chiếc bóng màu trắng của tàu bệnh viện đồ sộ Comfort, vừa đến hôm thứ Hai 30/3, có 1.000 giường bệnh. Một số địa điểm khác như trung tâm tennis Flushing Meadows ở khu Queens và các khách sạn dự trù tiếp nhận các bệnh nhân dương tính nhưng chưa đến nỗi trầm trọng.
    Sau khi tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ trải qua « hai tuần lễ đau đớn », thống đốc New York kêu gọi người dân « không nên kỳ vọng quá nhiều để khỏi phải thất vọng mỗi buổi sáng khi thức dậy ». Tại đô thị chưa bao giờ vắng vẻ và yên tĩnh đến thế, mỗi tối lại nổ ra những tràng pháo tay cổ vũ nhân viên y tế, như đang diễn ra tại nhiều thành phố châu Âu. Khẩu trang hiện diện khắp nơi và các tòa nhà « chưa bao giờ được tẩy trùng kỹ như thế ».
    New York hồi hộp đón bão, trận bão lẽ ra sẽ không hoành hành được nếu nước Mỹ thức tỉnh sớm hơn.
    RFI
    Virus Corona: WHO cảnh báo đại dịch vẫn ở trước mặt châu Á


    Tranh cổ động chống Covid-19 vẽ hình một con khủng long được vẽ trên tường đang ăn những con virus corona. Ảnh chụp tại thành phố Depok, gần Jakarta (Indonesia) ngày 30/03/2020. REUTERS - ANTARA FOTO

    Tại châu Á mặc dù các ổ dịch lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dường như đã được kiềm chế dần dần, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm qua, 31 /03/2020, cảnh báo: Đại dịch virus corona vẫn còn lâu mới kết thúc trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Các nước vẫn phải chuẩn bị tình huống dịch lây lan cục bộ ở từng nước trên quy mô rộng lớn.

    Tại Indonesia, tổng thống Joko Widodo hôm qua đã ban hành tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn chưa ra lệnh phong tỏa toàn bộ dân cư. Lý do của Jakarta là Indonesia đông dân, đặc thù địa lý đất nước trải rộng và phân tán bởi hàng trăm hòn đảo. Nhưng các giới chức y tế Indonesia cảnh báo chiến lược giãn cách xã hội áp dụng ở Indonesia sẽ không hiệu quả trong tình hình dịch lây lan như hiện nay và sẽ phải đối mặt với thảm họa nếu không có biện pháp mạnh ngay từ bấy giờ.
    Tại Nhật Bản, ngày hôm qua, chính quyền ghi nhận có thêm 78 ca nhiễm mới. Mặc dù Tokyo vẫn chưa ban hành tình trạng khẩn cấp, nhưng chính phủ đang bị áp lực lớn trước thực tế virus corona vẫn tiếp tục lây lan trong nước.

    Tại Ấn Độ, sau lệnh phong tỏa hơn một tỷ dân cả nước, chính quyền đang tích cực truy tìm và khoanh vùng ổ dịch lớn trong nước. Có một điểm tích cực có thể thấy ngay sau một tuần chính phủ Ấn Độ ra lệnh phong tỏa cả nước: Tình trạng ô nhiễm không khí giảm mạnh chưa từng có. Điều này có thể nhận thấy rõ ở thủ đô New Delhi.
    Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi ghi nhận:

    Trong thủ đô New Delhi, tiếng chim hót và những chú sóc đã thay thế cho tiếng động cơ ô tô, xe máy. Màn sương mù màu xám đã biến khỏi bầu trời. Bà Jyoti Pande Lavakare, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ chống ô nhiễm ở Ấn Độ Care for Air, phấn khởi nói : Tôi chưa bao giờ thấy bầu trời New Delhi xanh như thế này. Hôm nay tôi tập Yoga trong vườn nhà, có cả các bài tập thở nữa. Từ 10 năm nay tôi chưa bao giờ dám làm như thế.

    Từ một tuần nay, thành phố ngừng trệ, mức độ tích tụ các phần tử bụi mịn giảm một nửa. Chính quyền đã thay thế âm thanh báo tin của các máy điện thoại di động bằng các thông tin về Covid-19.
    Bà Jyoti Pande Lavakare nhấn mạnh : Đây là một sáng kiến rất hay vì như vậy thông tin đến được cả với những người nghèo. Điều đó cho thấy chính phủ đã có cách để thông tin đến dân chúng, chính phủ sẽ còn phải làm điều đó khi chúng tôi ở đỉnh ô nhiễm. Hôm nay bà giúp việc gia đình tôi biết phải đeo khẩu trang để bảo vệ trước virus corona nhưng lại không hiểu khẩu trang này có thể bảo vệ bà trước ô nhiễm. Trong khi mà ô nhiễm hàng năm làm hơn một triệu người Ấn Độ chết, còn nhiều hơn cả vì virus corona.

    Ô nhiễm năng còn làm tổn thương đến phổi của người Ấn Độ, khiến giờ đây họ thành nhóm dân cư dễ bị tổn thương hơn trước dịch virus corona.

    RFI
    Châu Âu : Virus corona tiếp tục lây lan mạnh, hơn 30 nghìn người chết



    Lực lượng cứu hộ Ý trong lễ mặc niệm các nạn nhân dịch virus corona, tại Catania, Ý, ngày 31/03/2020 REUTERS - ANTONIO PARRINELLO

    Theo số liệu thống kê của AFP tính đến sáng ngày hôm nay, 01/04/2020, châu Âu vẫn đang là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 30 nghìn người chết, trong đó Tây Ban nha và Ý chiếm 2/3.

    Ba nước có số tượng tử vong cao nhất lần lượt là Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
    Tại Ý, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc được áp dụng từ hơn 3 tuần này đã bắt đầu cho những tín hiệu khả quan, số lượng người nhiễm mới hàng ngày ở Ý bắt đầu giảm dần từ vài ngày nay (hơn 1660 ca). Tuy nhiên con số thống kê tính đến tối qua vẫn còn rất nặng nề : trong vòng 24 giờ nước này đã có thêm 837 người chết, nâng tổng số ca tử vong ở Ý từ đầu dịch là 12.428.
    Đến nay, nước Ý ghi nhận có hơn 105 nghìn trường hợp nhiễm Covid-19. Hôm qua cả nước Ý đã treo cờ rũ và dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ tới những người đã thiệt mạng vì virus corona cũng như để tỏ lòng cảm ơn các thầy thuốc, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống đại dịch.
    Tại Tây Ban Nha, nước châu Âu thứ 2 sau Ý về mức độ thiệt hại nhân mạng do Covid-19. Theo số liệu mới nhất của bộ Y Tế nước này công bố vào trưa hôm nay, trong vòng 24 giờ qua cả nước có thêm 864 người chết vì Covid-19. Như vậy số ca tử vong ở Tây Ban Nha đã vượt qua ngưỡng 10 nghìn. Số ca nhiễm cũng vượt con số 100 nghìn (102.136 người).

    Cũng giống như ở Ý, Các biện pháp phong tỏa cách ly đã mang lại chút ít hy vọng, tỷ lệ ca nhiễm mới tiếp tục giảm. Số ca nhiễm mới hàng ngày chỉ tăng 8% so với mức tăng 20% trước đây một tuần .
    Tại Anh, tình hình tiếp tục trầm trọng với con số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng. Hôm qua Anh đã có thêm 381 nạn nhân, nâng tổng số ca tử vong lên 1789 trong tổng số hơn 25 nghìn ca nhiễm.
    Trong khi đó các nước hiện còn bị tác động của dịch ở mức độ tương đối nhẹ hơn cũng cũng bắt đầu tăng cường các biện pháp phòng chống trong dân chúng, đó là trường hợp của Áo, nước có số lượng ca nhiễm và tử vong vì Covid 19 tương đối thấp ở châu Âu (128). Bắt đầu từ hôm nay chính phủ Áo yêu cầu người dân đến chợ phải đeo đeo khẩu trang.
    Thông tín viên RFI tại Vienna, Isaure Hiace cho biết thêm chi tiết :

    "Bắt đầu từ ngày hôm nay (01/04), người dân Áo đi chợ, một trong số rất ít hoạt động đi lại được phép, sẽ được phát khẩu trang ở lối vào. Từ giờ đến siêu thị, mọi người buộc phải đeo khẩu trang. Đó là các loại khẩu trang y tế dùng trong phẫu thuật để tránh lây nhiễm sang người khác. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz giải thích : « Sẽ là sai lầm nghĩ rằng các khẩu trang như vậy bảo vệ được người đeo. Nhưng nó giúp hạn chế lây truyền virus qua không khí. Đeo khẩu trang không phải là thói quen của chúng ta và đây sẽ là một thay đổi lớn. Nhưng phải làm như vậy để giảm hơn nữa đà lây lan của virus ».
    Chính phủ muốn tới đây sẽ mở rộng việc bắt buộc đeo khẩu trang trong những hoàn cảnh khác, chẳng hạn như trên các phương tiện giao thông công cộng. Việc tăng cường các biện pháp bảo vệ là cần thiết bởi cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài và khó khăn, thủ tướng Áo cảnh báo.

    Ông nói : « Đây là một cuộc chạy đua marathon. Chúng tôi có nghĩa vụ phải trung thực với các vị. Nhiều người không thể nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong những tuần tới đây. Quả thực lúc này là khoảng lặng trước cơn bão. Chúng ta đã thấy cơ bão này hung dữ đến mức nào khi nhìn sang nước láng giềng Ý của chúng ta ».
    RFI
    Last edited by BinhDo; 04-02-2020, 02:13 AM.
    Have a nice day!!

  • #2
    Virus corona : Dường như có thể sẽ có làn sóng dịch thứ hai tại Trung Quốc



    Hành khách chờ tàu tại bến xe lửa Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 28/03/2020 REUTERS - Aly Song

    Trang mạng tuần báo Courrier International ngày 25/03/2020, có bài viết « Sự lây lan thầm lặng : Tại Trung Quốc, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai dường như tất yếu xẩy ra » cho biết, vào lúc cuộc sống tại Bắc Kinh đang trở lại bình thường, một chuyên gia dịch tễ được nhật báo Canada Globe and Mail hỏi, lên tiếng báo động rằng tỷ lệ người Trung Quốc bị nhiễm virus corona trong mùa đông qua quá thấp để có thể hy vọng là dịch bệnh này đã chấm dứt tại Trung Quốc.

    Đó là những cảnh « không thể tưởng tượng nổi » cách nay một tuần, giờ đang diễn ra tại thủ đô Trung Quốc, phóng viên của nhật báo Canada Globe and Mail, tại Bắc Kinh viết : « Đông đảo người tụ tập trong các quán ăn. Giao thông nghẹt thở lại xuất hiện trên các tuyến đường. Tàu điện ngầm ngày càng đông hơn. Một cuộc chạy đua hối hả để quay lại sinh hoạt bình thường đang diễn ra trên toàn nước Trung Quốc ». Hôm thứ Ba (24/03), một tờ báo thân chính quyền tuyên bố rằng « Trung Quốc đã chiến thắng dịch Covid-19 ».
    Thế nhưng, theo các chuyên gia mà nhật báo Canada phỏng vấn, thì lịch sử các đại dịch cho thấy, thái độ tự đắc như vậy dường như là quá sớm : « Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã cảnh báo về việc Trung Quốc vội vã tái thúc đẩy nền kinh tế trong lúc một phần rộng lớn của lãnh thổ trước đây ít bị phơi nhiễm với virus và do vậy, vẫn còn có nguy cơ bị dịch Covid-19 ».
    Benjamin Cowling, chuyên gia dịch tễ thuộc đại học Hồng Kông, giải thích tình hình một cách rõ ràng như sau : « Do một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc không thực sự có số người bị nhiễm cao trong đợt một, nên dân cư ở đó rất dễ bị nhiễm và có thể phải hứng chịu một đợt dịch nghiêm trọng. Sớm hay muộn, tất yếu sẽ có làn sóng dịch thứ hai. Đây là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi ».

    Sự lây lan thầm lặng
    Chuyên gia Benjamin Cowling nói đến khả năng một sự « lây lan thầm lặng » từ phía những người không biểu hiện hoặc có ít triệu chứng. Họ chỉ được phát hiện vào thời điểm xuất hiện khá nhiều trường hợp và do vậy, làm cho việc ngăn chặn virus khó khăn hơn.
    Tờ Globe and Mail lưu ý, nếu như chính quyền Trung Quốc vẫn giữ thái độ cảnh giác, họ cũng cho biết là các biện pháp cách ly đối với hàng chục ngàn du khách từ nước ngoài vào không hoàn toàn hiệu quả và vẫn còn phát hiện ra những trường hợp bị lây nhiễm.
    Hiệu trưởng trường y tế công cộng thuộc đại học Jiaotong Thượng Hải thừa nhận với nhật báo Canada : « Cuộc đấu tranh chống virus corona sẽ là một cuộc chiến lâu dài ». Ông nói : « Chúng tôi cần phải chuẩn bị không chỉ để đối phó với làn sóng dịch thứ hai mà phải đối phó mỗi ngày và mỗi tháng, cho đến khi có một vác-xin được bào chế thành công và được chứng minh là có hiệu quả ».

    RFI
    Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona



    Quyền uy Tập Cận Bình bao trùm Trung Quốc, nhưng nay người dân phẫn nộ vì đại dịch ở Vũ Hán đã dám lên tiếng phản đối. Ảnh mang tính minh họa. EUTERS/Aly Song

    Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

    Theo tác giả Jayadeva Ranade, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc trên tờ The Tribune*, ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán.
    Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
    Sự phẫn nộ lan rộng trong công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu diếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.
    Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.

    Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.
    Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình Nhà nước, cũng gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.
    Vào ngày 02/03/ và trước đó vào ngày 23/2, ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin), giáo sư về hưu của trường đại học Dân tộc Trung ương (Minzu), ủy viên trung ương đảng, đã gởi hai lá thư cho ông Tập Cận Bình, cả hai đều mang giọng điệu đả kích kịch liệt.
    Trong thư đề ngày 23/2, Triệu Sĩ Lâm khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ « thời gian vàng » vào dịp Tết, khiến cho « nạn dịch lan tràn vô cùng dữ dội ». Ông nhận định cái giá phải trả là « khủng khiếp » « đau thương không kể xiết ». Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc chiến chống virus corona là « thử nghiệm lớn lao về khả năng của hệ thống điều hành đất nước », vị giáo sư thẳng thừng tuyên bố : « Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí đến nay bằng 0 ! ».
    Giáo sư Triệu chỉ ra năm yếu tố, trong đó có việc siết chặt an ninh, bảo đảm hình ảnh ưu việt của đảng, tập trung mọi quyền hành vào tay một người. Tình trạng này ngăn trở các cán bộ đảng và viên chức thực hiện phần việc của mình, phát huy sáng kiến. Tuyên bố « những người trong và ngoài hệ thống đều kêu gọi cải cách chính trị », ông Triệu Sĩ Lâm nhấn mạnh cần bao gồm việc áp dụng « những giá trị xã hội cốt lõi: tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền », bảo đảm các quyền chính trị của công dân như tự do ngôn luận.

    Trong lá thư thứ hai ngày 2/3, ông tái khẳng định : « Trong một xã hội lành mạnh, cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói để đòi hỏi tự do ngôn luận ».
    Nhiều người khác cũng đã đăng những bài viết chỉ trích, khiến một số có nguy cơ bị đàn áp.
    Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), cựu giáo sư trường đại học Bưu điện và Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì « không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn ». Giáo sư gọi tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là « rối rắm », mô hình cai trị « lỗi thời », tuyên bố ông Tập đã làm Trung Quốc suy sụp với « những biện pháp quá lố nhằm duy trì ổn định xã hội » của ông ta. Hứa Chí Vĩnh kết luận: « Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông: hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình! ».

    Tiểu luận của giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) mang tên « Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa » được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cáo buộc các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của « một nhóm nhỏ lãnh đạo » và lao vào « chủ nghĩa khủng bố dữ liệu ». Giáo sư tố cáo việc « bóp nghẹt các tranh luận công khai và truyền thông xã hội, cơ chế cảnh báo sớm đã tồn tại ban đầu », đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc. Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là « bạo chúa chính trị », và khẳng định « cuối cùng vầng thái dương cũng sẽ đến trên mảnh đất tự do này ».

    Cơn phẫn nộ của cư dân Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch đương nhiên nổ ra khi dịch bệnh hoành hành. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán hôm 14/2, họ đã phản đối việc « chính quyền cộng sản hủy bỏ tự do ngôn luận và giấu diếm thông tin ». Cư dân hô lớn « Đừng tin họ », « Họ toàn nói láo »

    Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra những chỉ trích liên tục này. Để xoa dịu cơn giận của người dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (do Tập Cận Bình làm chủ tịch) điều tra về vụ trấn áp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) - người đã đưa ra lời cảnh báo và bị công an bắt giữ, sau đó chết vì virus corona - hôm 19/3 báo cáo rằng công an và an ninh Vũ Hán đã rút lại biện pháp trừng phạt, xin lỗi gia đình vị bác sĩ trẻ và kỷ luật hai công an viên.

    Dấu hiệu cho thấy quy mô bất bình trong dân chúng hiện rõ vào tuần trước, với thông tin các « thái tử đỏ » kêu gọi họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên tập trung vào giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các « thái tử đỏ » đề nghị lập ra một « nhóm lãnh đạo khẩn cấp » do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) hoặc Uông Dương (Wang Yang), ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
    * The Tribune là tờ báo tiếng Anh độc lập được đọc nhiều nhất ở bắc Ấn Độ.
    RFI
    Virus corona : Việt Nam ban hành lệnh "cách ly toàn xã hội"




    Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở trung tâm Hà Nội vắng bóng người vì dịch COVID-19, ngày 27/03/2020. REUTERS - KHAM

    Ngày 31/03/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị yêu cầu « cách ly toàn xã hội » trên toàn quốc kể từ 0 giờ ngày 01/04, trong nỗ lực nhằm ngăn chận đà lây lan của dịch Covid-19.

    Theo chỉ thị của ông Nguyễn Xuân Phúc, được đăng trên Báo điện tử chính phủ Việt Nam, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc « gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh ».
    Tuy nhiên, theo lời bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước như một số quốc gia đang làm.
    Lãnh đạo chính phủ Việt Nam còn yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết hoặc đi làm, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
    Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã bắt đầu xử phạt những người ra đường không đeo khẩu trang. Chẳng hạn như tại Sài Gòn, không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng.

    Last edited by BinhDo; 04-02-2020, 02:05 AM.
    Have a nice day!!

    Comment

    Working...
    X