Nhân viên cấp cứu chuyển bệnh nhân tại bệnh viện Shawnee, Oklahoma, Hoa Kỳ, ngày 02/04/2020 REUTERS - NICK OXFORD
Thanh Hà
Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép. Hôm 02/04/2020, đã có 1.169 bệnh nhân tại Hoa Kỳ qua đời vì virus corona, đồng thời có thêm hơn 6,6 triệu người mất việc trong vòng một tuần lễ do tác động Covid-19.
Theo số liệu của viện đại học Johns Hopkins số ca tử vong tại Mỹ trong ngày hôm qua tăng thêm gần 1/3 so với hôm mồng 01/04/2020. Tới nay chưa một quốc gia nào trên thế giới vượt ngưỡng 1.000 người chết vì virus corona trong một ngày. Mỹ là nơi có số ca lây nhiễm cao nhất thế giới với 243.000 bệnh nhân dương tính với virus corona và trên 5.900 đã thiệt mạng.
Bên cạnh khủng hoảng về y tế nghiêm trọng đó, Hoa Kỳ còn phải đối mặt với những tác động nặng nề về kinh tế do dịch bệnh gây nên. Trong hai tuần qua, 10 triệu dân Mỹ mất việc làm .
Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Washington Anne Corpet tường thuật :
« Hiện tượng chưa từng thấy. Giới chuyên gia kinh tế nói đến một tai họa, một cú sốc khủng khiếp. Trong hai tuần, số người đăng ký thất nhiệp ở Mỹ tương đương với số người bị mất việc trong vòng 6 tháng khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Các hãng nhỏ đã nhanh chóng phải sa thải nhân viên vì không có đủ tiền để tiếp tục trả lương cho họ trong lúc mà hãng phải đóng cửa.
Bộ trưởng Lao Động Mỹ kêu gọi các công ty với dưới 500 nhân viên cố gắng chịu đựng, chính phủ đang chuẩn bị một kế hoạch 350 tỷ đô la để hỗ trợ cho các công ty này. Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin cũng khuyến khích các doanh nghiệp duy trì đội ngũ nhân viên, vì chính phủ vừa giải ngân khoản tiền nói trên.
Kể từ ngày Thứ Sáu, tức là từ hôm nay, các chủ doanh nghiệp có thể ra ngân hàng vay tín dụng với điều kiện cam kết không sa thải nhân các cộng tác viên hay với hứa hẹn sẽ tuyển dụng trở lại những người vừa bị mất việc.
Tuy nhiên biện pháp này không đủ để ngăn chận làn sóng thất nghiệp đang dâng cao kể cả trong các lĩnh vực công nghiệp, phân phối, ngành du lịch và vận tải. Đây là những lĩnh vực có nhiều người lao động độc lập. Số này chiếm đến 34 % nguồn nhân lực tại Hoa Kỳ. Từ khi chính phủ thông qua kế hoạch cứu nguy kinh tế vào tuần trước, thành phần này có thể được trợ cấp trong trường hợp phải tạm ngưng hoạt động ».
Covid-19 : Một nửa nhân loại bị phong tỏa, hơn một triệu người nhiễm virus
Tẩy trùng trong ngồi chùa ở Wat Dibaya Varivihara, Bangkok, Thái Lan, ngày 02/04/2020 REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Theo tổng kết của hãng tin Pháp AFP tính đến cuối ngày 02/04/2020, dịch Covid-19 hoành hành tại 188 quốc gia, cướp đi sinh mạng của 51.718 người. Cộng đồng quốc tế đã vượt ngưỡng một triệu ca lây nhiễm. Virus corona bắt một nửa dân số trên hành tinh hạn chế đi lại.
Một khi lệnh giới nghiêm tại Thái Lan bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay (03/04/2020), tổng cộng trên thế giới có 3,9 tỷ người trong tình trạng bị phong tỏa. Theo thống kê gần đây nhất của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới đạt 7,8 tỷ và như vậy là tới nay virus corona bắt 50 % nhân loại giới hạn chuyện đi lại hoặc phải ở trong nhà.
Tại châu Á, từ Philippines đến Việt Nam, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, người dân cũng được khuyến cáo giới hạn tối đa ra đường. Tại Trung Quốc, ổ dịch Vũ Hãn sau hơn hai tháng bị cách ly, lệnh phong tỏa vẫn chưa được dỡ bỏ trong khi đó 1,3 tỷ dân Ấn Độ từ đầu tuần bắt đầu tuân thủ lệnh cấm ra đường.
Nhìn sang Hoa Kỳ, chính quyền liên bang không ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc, nhưng nhiều bang đã áp dựng biện pháp này để kềm hãm đà lây lan của dịch Covid-19.
Tại châu Phi các nước như Togo hay Erythrée cũng đã ban hành lệnh phong tỏa trong 21 ngày. Tại Matxcơva tổng thống Nga vừa triển hạn « tuần lễ nghỉ việc không lương » cho đến ngày 30/04/2020.
Panama và Peru ở châu Mỹ Latinh cho phép đàn ông và phụ nữ thay phiên nhau đi ra ngoài. Ngày Chủ Nhật, tất cả mọi người phải ở nhà.
Lệnh phong tỏa tại vẫn được duy trì tại nhiều nước ở châu Âu cho đến ít nhất là ngày 13/04/2020 như trong trường hợp của Ý hay Tây ban Nha. Tại Pháp thủ tướng Edouard Philippe tối qua (02/04/2020) không loại trừ khả năng lệnh phong tỏa sẽ được triển hạn sau ngày 15/04/2020.
RFI
Virus corona giúp Bắc Kinh ''cầm chân'' tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ?
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt. © AFP
Ba tuần lễ sau khi ghé thăm cảng Đà Nẵng, tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt sa lưới Covid-19. Tàu đang neo đậu tại đảo Guam từ hôm 28/03/2020, sau khi phát hiện ba thuyền viên bị nhiễm virus corona.
Đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, cho biết từ hôm 01/04/2020 đã bắt đầu « đưa 1.000 người lên bờ và trong những ngày sắp tới sẽ có khoảng 2.700 trên tổng số gần 5.000 thủy thủ đoàn » được đưa vào đất liền.
Chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt tạm thời bị vô hiệu hóa, vì nhiều thành viên trên tàu nhiễm virus corona. 1.200 thuyền viên đã được xét nghiệm, 93 người dương tính với siêu vi corona chủng mới, 7 người nhiễm bệnh, nhưng không có triệu chứng thường thấy như ho, sốt …
Tại đảo Guam, các bệnh nhân được đưa vào căn cứ quân sự để cách ly. Còn những ca không hay chưa bị lây nhiễm sẽ được tạm trú tại khách sạn. Chính quyền trên đảo đang rất hoang mang, vì muốn bảo vệ dân cư tại Guam khỏi vòng vây của virus corona. Mặt khác Hải Quân Hoa Kỳ cũng phải duy trì một lực lượng hùng hậu thường trực trên tàu, bởi hàng không mẫu hạm của Mỹ được trang bị rất nhiều vũ khí tối tân như hệ thống vũ khí chống tên lửa Sea Sparrow, hệ thống tên lửa đối không RIM116 hay dàn pháo cận chiến Phalanx … cùng với nhiều loại ra đa của quân đội, nhiều chiến đấu cơ và kể cả một lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho tàu sân bay.
Vậy phải chăng việc chiếc USS Theodore Roosevelt bị « cầm chân » ở đảo Guam khiến nhiệm vụ tuần tra trong vùng Thái Bình Dương tạm thời bị gián đoạn vì Covid-19 ? Theo đại diện của Hải Quân Mỹ, Thomas Modly, thì câu trả lời là không.
Ông giải thích « nếu cần và nếu xảy ra khủng hoảng, tàu sân bay vẫn có thể lên đường » và trên tàu vẫn có một đội ngũ thường trực để bảo quản và bảo đảm an ninh cho chiếc hàng không mẫu hạm được bảo vệ rất kỹ càng này của Hải Quân Hoa Kỳ.
Dù sao virus corona cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ cho ngành quốc phòng của Mỹ. Cho đến Thứ Ba vừa qua, lãnh đạo Lầu Năm Góc Mark Esper dứt khoát bác bỏ khả năng « sơ tán » toàn bộ thủy thủ đoàn. Một ngày sau, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bác bỏ mọi khả năng « đình chỉ tất cả các hoạt động của quân đội Mỹ để giải quyết vấn đề y tế » trên tàu. Hải Quân Hoa Kỳ có một nhiệm vụ đó là « bảo vệ an ninh quốc gia và cho người dân Mỹ ».
Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực Thái Bình Dương nhằm kềm hãm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Chặng dừng gần đây nhất của tàu sân bay Mỹ là cảng Đà Nẵng trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3/2020. Ở vào thời điểm đó virus corona đã hoành hành tại châu Á, và Lầu Năm Góc đã bác bỏ đề nghị hủy chuyến viếng thăm hữu nghị cảng Đà Nẵng. Lý do bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra là « có rất ít ca nhiễm virus corona tại Việt Nam ».
RFI