Khách hàng được xịt khử trùng trước khi bước vào chợ ở Tirana, Albania, ngày 6/4/20.
Danh sách những mất mát, đau thương vì đại dịch COVID-19 ngày càng dài thêm khi con người mất đi cả những cái nắm tay, ôm nhau, những sự thăm viếng trong lúc họ cần nhất.
Trong khi đó, bệnh nhân COVID-19 trên khắp thế giới đang đổ xô tham gia các cuộc nghiên cứu về một loại thuốc thử nghiệm chống virus corona. Nhiều người quan tâm đến thuốc remdesivir tới nỗi Viện Y tế Quốc gia Mỹ đang thúc đẩy quy mô cuộc nghiên cứu này.
Về thuốc sốt rét hydroxychloroquine để chữa trị COVID-19, cố vấn thương mại Toà Bạch Ốc cho hay thành viên trong đội đặc nhiệm chống virus corona cuối tuần qua vẫn còn tranh cãi về tác dụng của thuốc này đối với COVID-19.
Hoa Kỳ: Hy vọng mong manh tại hai điểm nóng
Trong vòng 6 tuần, số tử vong tại Mỹ vì virus corona từ 0 tăng lên hơn 10.000 người, tính tới 6/4, không lâu sau khi các giới chức khuyến cáo đây chưa phải là tuần khốc liệt nhất trong đại dịch này.
Thống đốc New York và New Jersey ngày 6/4 loan báo hai tiểu bang này đang thấy đà tấn công của virus corona có dấu hiệu chựng lại nhưng khuyến cáo mọi người chớ tự mãn trong lúc tử vong trên toàn nước Mỹ vì virus này đã lên hơn chục ngàn và số người nhiễm ở Mỹ đã là 350 ngàn.
Thống đốc New York, Andrew Cuomo, cho hay tính tới 6/4, số tử vong vì virus corona tại bang này là 4.758, tăng thêm 599 ca từ ngày Chủ nhật 5/4. Hôm thứ Bảy trước đó có 594 người chết và hôm thứ Sáu có 630 thiệt mạng vì dịch bệnh này tại bang New York.
Ông Cuomo khuyến cáo vẫn còn quá sớm để nới lỏng hạn chế giao tiếp xã hội nhưng nói rằng số ca tử vong giảm xuống có thể là một dấu hiệu cho thấy biện pháp giữ khoảng cách xã hội đang có hiệu quả tại điểm nóng có số người chết nhiều nhất vì COVID-19 tại Mỹ.
Số người bị nhiễm ở bang New York trong 24 giờ qua tăng 7% lên thành 130.680 người.
Số ca nhập viện, số người được đưa vào khu chăm sóc đặc biệt và số trường hợp phải dùng ống thở đều giảm, dấu hiệu cho thấy đà tấn công của COVID-19 tại đây có thể chựng lại. Tại bang New Jersey lân cận, tiểu bang có số ca nhiễm và tử vong cao hàng thứ nhì ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm virus corona hàng ngày từ 24% hôm 30/3 tới ngày 6/4 đã sụt xuống 12%.
Tổng cộng New Jersey báo cáo hơn 41.000 ca nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong vì virus corona.
Các chuyên gia y tế của Toà Bạch Ốc dự báo số tử vong tại Mỹ vì đại dịch COVID-19 có thể từ 100.000 đến 240.000 người.
Tuần lễ chết chóc cao điểm
Bất chấp những tín hiệu hy vọng từ New York và New Jersey, bác sĩ Brett Giroir, thành viên lực lượng đặc nhiệm của Toà Bạch Ốc chống virus corona, cho hay nước Mỹ đang bước vào ‘tuần chết chóc cao điểm’ và đặc biệt báo động các nơi như New York, New Jersey, Connecticut và Detroit, Michigan.
Hơn 90% dân Mỹ đang chịu lệnh ‘ở nhà’ trong khi còn 8 tiểu bang chưa áp đặt lệnh cấm tương tự.
Châu Á
Trung Quốc loan báo sẽ nỗ lực ngăn chặn các ca bệnh COVID-19 nhập khẩu thông qua các đường biên giới trên bộ trong lúc số ca nhiễm virus corona không triệu chứng tại Trung Quốc tiếp tục tăng.
Nhật ngày 7/4 sẽ công bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và 6 khu vực khác trong lúc chính phủ chuẩn bị gói kích thích kinh tế gần 1 ngàn tỷ đô la.
Ấn Độ hy vọng tới cuối tuần này mỗi ngày có thể xét nghiệm virus corona cho 20 ngàn người, tăng đôi tỷ lệ hiện nay.
Indonesia cho hay số ca nhiễm hằng ngày tăng cao kỷ lục và hiệp hội y tế nước này loan báo có ít nhất 24 bác sĩ đã tử vong.
Châu Âu
Thủ tướng Anh, Boris Johnson, ngày 6/4 được đưa vào khu chăm sóc-điều trị đặc biệt trong bệnh viện sau khi ông có các triệu chứng nặng hơn vì virus corona, Văn phòng Thủ tướng cho biết. Ông Johnson, 55 tuổi, được đưa vào bệnh viện St Thomas tại London hôm 5/4, mười ngày sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona và tình hình sức khoẻ không cải thiện. Văn phòng Thủ tướng cho biết tới trưa ngày 6/4, tình hình của ông Johnson ‘tệ đi’ nhưng ông vẫn còn tỉnh và rằng ông được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt như một biện pháp cẩn trọng, phòng khi cần máy thở. Đây là nhân vật lãnh đạo một chính phủ đầu tiên bị bệnh vì virus corona.
Tỷ lệ tử vong ở Tây Ban Nha hôm 6/4 tiếp tục giảm trong ngày thứ tư liên tiếp.
Bộ Y tế Na-uy cho biết dịch bệnh ở nước này đang nằm dưới tầm kiểm soát, với tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, đăng ký trở lại hành nghề y trong lúc đất nước của ông đang chật vật đối phó với sự lây lan của đại dịch corona. Ông bỏ nghề y vào năm 2013 sau bảy năm làm bác sĩ để bước chân vào con đường chính trị và trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Ireland vào năm 2017. Giờ đây, ông sẽ trở lại làm việc như một bác sĩ 1 ca 1 tuần để góp sức trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Đức Giáo hoàng Francis khởi sự quỹ khẩn cấp để hỗ trợ các vùng bị virus corona hoành hành ở các nước đang phát triển, Vatican loan báo ngày 6/4.
VOA