Announcement

Collapse
No announcement yet.

BÓNG (Truyện ngắn LPQ)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • BÓNG (Truyện ngắn LPQ)

    Một trong những điều kỳ diệu mà Thượng đế đã ban cho con người, đó là Quá khứ.
    Và quá khứ được cất giữ như là kỷ vật luôn mang theo.

    Xin mời các bạn cùng xem cuối tuần, một cuối tuần của tháng Tư, tháng gắn liền với mỗi chúng ta nhiều dư âm và kỷ niệm. Sau Thơ, Nhạc, Tạp văn, Chuyện kiếm hiệp, giờ là Truyện ngắn của Lê Phong Quan.


    Click image for larger version  Name:	CF8F7177-F09D-497F-B5D9-8234CFC98AFB.jpeg Views:	12 Size:	92.6 KB ID:	20459



    BÓNG

    1. Sài Gòn sôi sục những ngày đầu năm 1974.


    Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đưa quân đánh hạ lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sự kiện sau này đã đi vào lịch sử với tên gọi “Hải chiến Hoàng Sa”. Những ngày sau đó, sinh viên các trường Đại học miền Nam rần rộ kéo nhau xuống đường biểu tình. Những giờ học trên giảng đường buồn hiu. Hắn và tốp bạn thường kéo nhau ra quán cà phê cóc trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ gần trường Đại học Khoa học, ngồi hàng giờ nghe nhạc Trịnh, vừa suy tư vừa hóng tin chiến sự.

    Rồi đến một buổi chiều tháng 5 năm đó, các trường bắt đầu nghỉ hè. Khi một thằng bạn thân rủ hắn về quê ở Nha Trang chơi, hắn nhận lời ngay. Một phần vì hắn muốn có thời gian tránh bớt không khí căng thẳng của các tầng lớp trí thức - sinh viên Sài Gòn đang phẫn uất căm hờn vì đất nước bị Trung cộng lộng chiếm, một phần vì hắn chưa từng đến Nha Trang lần nào. Chỉ biết thành phố biển xinh đẹp nầy qua sách vở.

    Thế là hắn về phòng trọ xếp hành lý ít ỏi, tất cả hầu như chỉ vỏn vẹn có ba bộ đồ. Thời sinh viên nghèo khó chỉ có thế. Và hắn không quên nhét vào ba lô vài cuốn sách mới mua trên khu sách cũ Đặng Thị Nhu khi vừa nhận được tiền dạy kèm tháng cuối để mang theo đọc mấy ngày hè.

    Hai thằng bạn thân cùng đi bộ ra bến xe leo lên xe đò. Tựa lưng vào thành ghế bằng gỗ, hắn nhắm mắt hình dung nơi sẽ đến theo lời một bài hát của Phạm Duy: “Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya. Tôi đi vào thương nhớ...”. Bài hát mà hắn nghe mỗi đêm trong phòng trọ mòn cả băng cát - sết, đến độ đứt băng, hắn phải lấy băng keo nối lại nhằm ngay chỗ mà hắn thích nhất giọng Julie Quang khàn khàn da diết câu: “Ân tình trong lúc đôi mươi. Bao giờ cũng vẫn mau phai...”.

    Đến Nha Trang, thằng bạn thân của hắn nói: “Mầy mới ra đây chưa biết gì, để tao dắt đi một vòng sơ sơ cho biết trước khi về nhà”. Thế là hai đứa đeo ba lô lên vai đi bộ từ chợ Đầm vòng xuống đường Duy Tân (đường Trần Phú bây giờ) dọc dài sát biển. Hắn ngỡ ngàng trước cảnh quang đẹp hơn trong trí tưởng tượng qua sách báo nhiều, mê mẩn khi nhìn hàng dừa uốn mình nghiêng theo gió lộng và các làng chài với những chiếc thuyền thúng gác mái chèo ngoài khơi xa. Khung cảnh thật thanh bình và yên tĩnh, phóng khoáng chiếu vào mắt khiến hắn có cảm giác như vừa được cởi chiếc áo nóng bức rộn rịp của Sài Gòn. Nha Trang hiện ra trước mắt đúng với mệnh danh hòn ngọc miền Thuỳ dương - Cát trắng.

    Nhà thằng bạn hắn thuộc loại khá giả ở ngay giữa Xóm Bóng. Cái xóm chài đa phần là nhà mái tôn, mái lá, bờ rào gỗ tre đơn sơ, chỉ lưa thưa vài nhà mái ngói của những gia đình khá giả ẩn khuất sau những bờ tường gạch và hàng dừa cao. Nơi đây, có lẽ bộ ba gồm cầu Bóng, Tháp Bà và Xóm Bóng tạo thành một cụm quần thể không thể nào quên trong ký ức của hắn và nhiều người dân địa phương, kể cả những lữ khách từ xa đến. Đứng từ trên cao của Tháp Bà nhìn xuống, chiếc cầu tên là cầu Bóng dịu dàng nối hai bờ Xóm Bóng đầy thuyền đánh cá đủ màu sắc sinh động neo đậu trên nhánh sông. Nhưng riêng đối với hắn còn thêm một dư âm đọng mãi trong ký ức cho tới bây giờ, dù hắn ở lại nơi đây chỉ vỏn vẹn chưa đầy ba tháng hè giữa thời chiến cuộc điêu tàn.

    2. Nha Trang êm đềm

    Tên cô gái là Thuỳ Dương, cái tên được cha mẹ đặt theo cảnh hàng cây Thùy dương nơi cô sinh ra. Cô là em chú bác của bạn hắn, vừa học hết lớp Đệ Nhị (lớp 11) đang nghỉ hè. Vài ngày sau khi tới ở chơi nhà bạn, hắn được bạn dắt đến thăm gia đình người chú ruột là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đó cũng là lần đầu tiên hắn gặp cô bé dáng thon gầy, gương mặt đẹp với nước da nâu, đôi chân mày đậm cân đối, đôi mắt sáng long lanh như hai viên ngọc, phảng phất nét đẹp u buồn như thiếu nữ Champa trên bức phù điêu mà hắn vừa thấy trên đường biển khi mới vừa đặt chân tới Nha Trang.

    Được bạn giới thiệu với gia đình đây là chàng sinh viên có năng khiếu sư phạm đã từng dạy kèm tại Sài Gòn, thế là sau buổi hạnh ngộ đầu tiên, hắn được mời dạy kèm cho cô bé. Đây quả là cơ hội vừa được thêm chút tiền để tiêu xài vừa được thực tập với nghề sư phạm mà hắn yêu thích trong thời gian rảnh rỗi mùa hè.

    Những buổi học sau đó, bao e dè ngượng ngùng ban đầu biến mất. Hắn và cô học trò như đôi bạn thân gọi nhau bằng anh em vì hai đứa chỉ cách nhau vài tuổi. Hắn kể cho cô bé nghe cuộc sống tự lập của hắn từ khi rời xa gia đình bước chân lên Sài Gòn học Đại học, sáng thì đạp xe đi bỏ báo tháng, ngày đến giảng đường, đêm đi dạy kèm, ăn cơm bụi bình dân... Cô bé luôn mở to mắt nhìn nghe hắn kể, thỉnh thoảng hỏi vài câu gây cười, đại loại như: “Anh mặc cái quần cả tuần mới giặt, chắc hôi lắm há?” Rồi lấy hai bàn tay che mặt như một thói quen, ngầm che giấu sự mắc cỡ.

    Suốt ba tháng hè, hắn được dịp lê la đến những nơi như Cầu Đá, Tháp Bà, Hòn Chồng, Suối Dầu, mộ Yersin, Nhà thờ Đá chính toà, Bãi Tiên... Khi thì đi với bạn hắn, khi thì đi một mình, khi thì đi với cô học trò, tên là TD. Nhưng hắn thích nhất là đi dạo một mình trên đường Duy Tân. Lúc lặng nhìn ngắm biển về đêm, phía trước mặt, những cặp tình nhân nắm tay dắt nhau đi dưới hàng dừa lao xao gió lộng. Có những cặp ngồi trên bãi cát tay quàng tay dưới ánh đèn vàng trải dài suốt con đường thơ mộng nhất của thành phố nầy.

    Một buổi sáng chủ nhật, ba mẹ của TD có việc đi vào Sài Gòn. Thế là hắn cùng cô bé rủ nhau đi tắm biển ở ngoại ô, vì hắn nghe nói Bãi Tiên vắng và đẹp hoang sơ lắm. Hắn rủ thêm thằng bạn cùng đi nhưng bạn hắn từ chối với lý do là phải chở mẹ đi đám giỗ ở nhà người bà con, mà thực ra sau này khi trở về Sài Gòn hắn mới biết là thằng bạn tốt đến cả việc dành dịp riêng cho hắn với cô em họ.

    Đường vào bãi tắm nầy đi ngang quân trường Đồng Đế, nơi đào tạo hạ sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, khi ra trường được mang cấp bậc Trung sĩ. Đang lan man trong đầu hai câu vè vui của miền Nam thời chiến tranh: “Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”, TD ngồi sau xe đạp vỗ lưng hắn cái bốp, đưa tay chỉ ngọn núi nhỏ có dáng cô gái nằm xoã tóc và hỏi anh thấy cái núi hay hay không? Em thỏ thẻ, dáng núi được người ở đây đặt hai câu thơ: “Anh đứng ngàn năm tư thế nghỉ, Em nằm xoã tóc đợi chờ ai”. Đường gập ghềnh vì sỏi đá nên có lúc hai đứa phải xuống xe dắt bộ, nắng sớm hương gió biển mằn mặn thổi vào người. TD sợ vấp té nên đôi lần đưa tay cho hắn nắm , tay nắm chặt tay nhau. Đến nơi, bãi biển vắng bóng người, hắn cởi quần dài, chỉ mặc quần đùi nhảy ào xuống biển trước. Còn cô bé thì đã mặc sẵn đồ tắm một mảnh trong người, chỉ quấn thêm chiếc khăn màu xanh nhà binh quanh ngang người.

    Hắn cũng đã vài lần đi biển Vũng Tàu, đã nhìn thấy một phần cơ thể không che của những người phụ nữ, nhưng đây là lần đầu tiên hắn được nhìn thấy rõ một phần ấy trên cơ thể của một người con gái mới lớn. Người hắn như ngây ra sau khi nô giỡn tát nước, nhìn TD đứng thẳng người dưới nước đưa tay lên vén cột lại mái tóc, cặp ngực vun vun tròn như quay compa 360 độ ẩn hiện ra dưới lớp vải áo tắm thấm nước. Hắn nhìn thấy cả cái nốt ruồi son nằm giữa khe ngực. Chàng thanh niên 19 tuổi lần đầu tiên trầm mình dưới nước biển mát lạnh mà nghe cơ thể nóng ran như đang đi dưới cái nắng Sài Gòn.

    Ba tháng hè trôi qua rất nhanh. Có lẽ vùng đất hắn mới đến lần đầu trong đời lại là một thành phố biển mỹ miều của miền Trung có biết bao bài hát, bài thơ nhắc đến mà hắn đã từng nghe từng xem, lại thêm cơ hội được dạy kèm cùng những kỷ niệm đẹp với cô học trò phố biển Nha Trang. Đêm cuối, cô bé đến nhà bạn hắn, tay xách theo một túi trái cây đưa cho hắn và nói: “Ngày mai anh đi sớm, em gái không đưa tiễn anh với anh Hải được đâu. Thôi anh vào trong ấy nhớ thỉnh thoảng viết thư cho em, chứ năm nay em mắc học thi Tú tài không viết thư cho anh. Bài vở anh dạy em cũng quên hết rồi. Cũng tại anh hết đó...”

    Khi cô bé ra về, hắn tiễn ra trước cổng và nhìn theo đến khi gái nhỏ khuất dạng. Đêm Xóm Bóng một màu đen, lạnh, hắn chỉ còn nhìn thấy những ngọn đèn dầu leo lét treo trên những chiếc ghe chài neo đậu dưới sông. Gió thổi từ sông tràn lên bờ, len vào các khẽ tay. Hắn co nắm chặt đôi bàn tay, nhắm mắt hình dung lại những phút giây ngắn ngủi nắm tay của cô bé học trò có gương mặt đầy cá tính, đôi mắt Champa buồn với những câu nói ngang ngang. Hắn chợt cảm nhận thoáng qua trong đầu có một điều gì đó không lành sẽ đến với cuộc đời sau nầy của nàng.

    3. Thành phố HCM 1980, đôi dép sapô.

    Biến cố lịch sử tháng 04/1975. Toàn đất nước thay đổi hẳn.

    Những chuyến xe, toa hàng từ miền Nam chất đầy đồ gia dụng và lương thực vận chuyển ra miền Bắc. Các quân, cán chính của miền Nam theo lệnh tập trung đưa đi học tập cải tạo. Các trường Đại học đóng cửa cả năm, sinh viên lớp trở về quê, lớp nấn ná ở lại Sài Gòn chờ ngóng ngày đi học lại. Sau đó được gọi tập trung về trường để học tập chính trị và đi làm công tác xã hội.

    Tiếp theo là hai lần đổi tiền, ba lần chiến dịch cải tạo Tư sản mại bản và Tư sản công thương nghiệp khiến nội lực kinh tế dày, đầy của miền Nam trước đây hoàn toàn vỡ vụn.

    Cả đất nước bị suy thoái toàn bộ về mọi mặt.
    Hiện trạng phổ biến là nhiều gia đình lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé, nhất là các gia đình có người thân tưởng chỉ đi học tập vài ngày rồi trở về, ai ngờ sau đó biền biệt không biết ngày trở về gặp lại vợ con. Đồ đạc trong nhà bán dần để sống, chợ trời mọc ra khắp nơi mua bán đủ các loại, trong đó có những đồ quý hiếm được lùng mua và dần thay tên đổi chủ, đổi miền giống như cảnh đời thay đổi xuống chó lên voi. Người người phải tay xách nách mang theo chủ trương di dân đi kinh tế mới. Nhiều người đã tìm cách khác bằng con đường thí mạng: vượt biên.

    Hắn tốt nghiệp ra trường loại giỏi nên được bổ về dạy tại thành phố HCM. Sài Gòn cũng được (hay bị) đổi tên.
    Một buổi tối, hắn đạp xe về khu ở tập thể nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh của trường dành cho cán bộ giáo viên xa nhà độc thân. Khu ở thực ra chỉ có hắn và hai cán bộ của trường thôi nên mỗi người đều có chìa khoá riêng để mở cánh cửa sắt đẩy to đùng là gara nằm ngay mặt tiền đường mỗi khi ai có việc đi về muộn. Vì trường quy định đúng 9g tối là phải đóng cửa tắt đèn. Dưới ánh đèn đường lờ mờ, hắn thấy một cô gái đứng khép nép. Trực giác cho hắn biết ngay đó là một ả ăn sương. Vì khi đó dọc theo con đường dài Xô Viết Nghệ Tĩnh từ bùng binh ngã 6 Cộng Hoà đến cầu Thị Nghè có rất nhiều cô gái ra đứng đường kiếm sống giữa thời buổi kinh tế vô cùng khó khăn.

    Theo thói quen, hắn dựng chống xe bên ngoài rồi mới vào sát cửa để mở khoá. Cô gái chọn chỗ đứng ngay cửa vì mặt trước cửa gara duy nhất chỉ có một bóng đèn chiếu mờ mờ sáng chỗ này khi chung quanh đều tối. Khi hắn vừa đến gần định nói chị đứng xê ra một chút cho tôi mở cửa thì chợt cô gái kêu tên hắn làm hắn giật mình. Chùm chìa khoá rơi xuống đất. Cô gái đó chính là TD.

    Bản năng tự nhiên lúc đó hắn choàng tay qua ôm chầm đôi vai đang run rẩy vì quá bất ngờ. Nước mắt rơi ràn rụa trên vai hắn chảy dài xuống tới ngực. Khoảng lặng xúc động bên nhau của cả hai kéo dài đến khi TD buông tay ra và hắn mới được nhìn kỹ gương mặt của nàng. Lớp phấn son không nhiều trên má, trên môi, vì gương mặt Champa đã quá chuẩn rồi, chỉ có điều là dày dạn phong sương hiện rõ trong đôi mắt nhìn của cô gái chỉ vừa qua tuổi 24.

    “Biến cố quá lớn đến với gia đình em. Sau tháng 4/75 em nghỉ học luôn, vì cha đi học tập cải tạo ở miền Bắc bịệt tăm luôn. Đến khi biết được tin tức của cha thì nhà cửa, đồ đạc mẹ cũng bán dần để nuôi cha và em. Sau một chuyến đi thăm nuôi cha lần cuối trên đường về, mẹ bị tai nạn đụng xe mất. Một năm sau khi mẹ mất, cha em hay tin buồn quá và bệnh gục chết giữa rừng. Còn lại một mình em ra đứng bán cà phê giữa chợ trời rồi gá nghĩa với một người chồng ghen tuông đánh đập hoài nên em trốn vào Sài Gòn được hơn một năm nay. Còn anh thì sao?”

    Hắn:
    “Sau khi học Khoa Học được một năm, anh vào trường Sư Phạm, và từ đó đến nay anh cũng không gặp lại Hải được vì mọi hoàn cảnh đều khó khăn quá nên không còn biết tin tức gì của Hải và em được nữa”.

    ***
    Hắn chở TD đi ăn mì và đưa nàng về phòng trọ trong một con hẻm dài ngoằn của một xóm lao động trên đường Lý Chính Thắng. Trước khi ra về, hắn cởi chiếc nhẫn vàng y 2 chỉ mà hắn đeo trên ngón tay bằng tiền dành dụm của hắn hơn cả năm trời, hẹn ngày mai sẽ đến tâm sự nhiều hơn.

    Chiều hôm sau, hắn đạp xe đến chở TD đi vòng ra bến Bạch Đằng ngắm sông và đến Hồ Con Rùa ăn bò bía nem nướng. TD ngồi sau xe đạp áp sát ngực vào bờ lưng và vòng tay ôm chặt lấy người hắn, khiến hắn bồi hồi nhớ lại kỷ niệm 6 năm trước nhưng cảm giác rung động khác xa. Không phải vòng tay ngại ngùng của một cô gái học trò mà là những ngón tay đan đầy chủ ý khiến hắn quyết định đêm nay không về khu ở tập thể mà ở lại phòng trọ với TD. Cái phòng trọ nghe mùi ẩm mốc nhỏ xíu khoảng 12m2 vừa kê đủ một tấm nệm cá nhân và cái bàn nhỏ bên trên làm bàn ăn, bàn trang điểm, còn bên dưới để cái túi xách quần áo của TD.

    Đêm đó cũng là đêm sau cùng hắn gặp TD. Trong cái phòng trọ tồi tàn chỉ nghe tiếng thở hổn hển, gấp gáp của thằng đàn ông lần đầu tiên trong đời gần và biết mùi phụ nữ, một phụ nữ đã từng trải chuyện gối chăn. Hắn ngủ vùi đến khi nghe tiếng xe lách cách và tiếng người nói chuyện lao xao ngoài hẻm, hắn mới thức dậy. Trên bàn có đôi dép sapô mới tinh vừa đúng size bàn chân của hắn và một gói xôi đậu phộng dằn trên bức thư ngắn chỉ vỏn vẹn đúng ba chữ: “Vĩnh biệt anh”.
    Hắn đứng bần thần một hồi lâu. Túi xách quần áo của TD dưới chiếc bàn nhỏ không còn.

    Giờ nầy em, hay là nàng, hay là ả gái giang hồ đang ở đâu?
    Xã hội nhá nhem nầy có phải là từ biến cố 30/4, biến cố đã tạo ra biết bao mảnh vỡ?

    Em, bóng đang ở đâu?


    LÊ PHONG QUAN
    Tháng tư về, 04/2020.
Working...
X