Dịch Covid-19: Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, phát biểu tại lễ phê chuẩn kế hoạch hỗ trợ kinh tế 2.200 tỉ đô la, Washington, ngày 27/03/2020. REUTERS - Tom Brenner
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Gần 45.000 người chết, trong đó hơn 2.700 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ và hơn 820.000 ca nhiễm.
Trong bối cảnh u ám này, ông Robert Redfield, giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Dự Phòng Dịch Bệnh (CDC) của Mỹ, cảnh báo đợt dịch virus corona thứ hai có thể sẽ còn tồi tệ hơn đợt đầu. Bởi vì, theo ông, đợt dịch thứ hai sẽ trùng khớp với thời điểm bắt đầu đợt cúm mùa. Do đó, ông kêu gọi người dân Mỹ nên chuẩn bị và tiêm chủng phòng ngừa chống cúm. Ông khẳng định, nếu hai đợt dịch bệnh này đạt đỉnh cùng thời điểm, « điều này sẽ thật sự, thật sự khó khăn » cho các bệnh viện với nguy cơ thiếu giường bệnh.
Về kinh tế, AFP cho biết Thượng Viện Mỹ ngày 21/04/2020 nhất trí thông qua kế hoạch hỗ trợ trị giá 500 tỷ đô la. Theo đó, một khoản 320 tỷ đô la là dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (dưới 500 nhân viên) bị tác động mạnh bởi dịch virus corona, dưới hình thức cho vay. Một khoản hỗ trợ 75 tỷ đô la là dành cho các bệnh viện, 25 tỷ là để tiến hành các xét nghiệm Covid-19, và 60 tỷ còn lại để trợ giúp nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, như nông nghiệp. Chương trình này nằm trong kế hoạch 2.000 tỷ đô la được thông báo hồi cuối tháng Ba năm 2020.
TT Trump giải thích về việc tạm ngưng cấp thẻ xanh định cư
Cũng trong nỗ lực hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, khiến hàng chục triệu người dân Mỹ bị thất nghiệp, tổng thống Mỹ sau một dòng tweet gây sửng sốt, hôm 21/04, cho biết rõ về quyết định tạm ngưng chương trình nhập cư hợp pháp. Việc cấp thẻ xanh định cư sẽ bị tạm ngưng ít nhất trong vòng hai tháng.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm:
« 24 giờ sau dòng tweet mập mờ và gây bất ngờ, thông báo đình chỉ chương trình nhập cư hợp pháp, Donald Trump cho biết rõ hơn ý định. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ giải thích quyết định được đưa ra không liên quan đến việc cấp visa làm việc tạm thời. Chỉ có việc cấp thẻ xanh là bị tạm ngưng ít nhất trong 60 ngày, và thời hạn này có thể sẽ bị kéo dài thêm.
Theo ông Donald Trump, đây là phương cách để tái khởi động việc làm ở Mỹ, đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có trong lịch sử : Có thêm 22 triệu người đăng ký thất nghiệp, kể từ khi bắt đầu có lệnh phong tỏa.
Ông nói : ʺKhi tạm ngưng chương trình nhập cư, chúng ta mới có thể giúp những người thất nghiệp, ưu tiên số một vào thời điểm nước Mỹ sắp mở cửa trở lại. Điều này rất quan trọng. Sẽ là một sai lầm và sẽ thật sự bất công, nếu để cho người dân Mỹ bị thất nghiệp do virus corona gây ra phải bị thay thế bởi lao động nhập cư, đến từ những nước khác.ʺ
Ông Donald Trump hy vọng có thể ký sắc lệnh ngay trong ngày thứ Tư, 22/4. Biện pháp này đã bị phe đối lập Dân Chủ đồng loạt phản đối, xem đó như là một cách để chuyển hướng công luận khi biến người nước ngoài thành ‘‘vật tế thần’’. Và biện pháp này cũng có nhiều nguy cơ bị tư pháp phản đối. »
Covid-19 : Bang Missouri kiện Trung Quốc
Chính quyền bang Missouri ngày 21/04/2020 đã quyết định kiện Trung Quốc, cáo buộc nước này đã che giấu tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh, gây ra những « thiệt hại » nghiêm trọng về kinh tế và nhân mạng « không thể hồi phục » cho bang này và toàn thế giới.
Đơn kiện của chưởng lý tiểu bang, ông Eric Schmitt, chủ yếu nhắm vào chính phủ, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như nhiều quan chức lãnh đạo các định chế khác tại Trung Quốc. Theo đơn kiện, chính phủ Trung Quốc đã « che giấu những thông tin thiết yếu » ngay từ đầu mùa dịch, bắt giữ những người báo động về dịch bệnh và phủ nhận tính chất lây nhiễm cao của chủng virus corona mới này.
Châu Âu đứng đầu về số nạn nhân Covid-19
Di chuyển bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Napoli, Ý. Ảnh chụp ngày 02/04/2020. REUTERS - CIRO DE LUCA
Châu Âu vẫn là châu lục có số nạn nhân vì Covid-19 cao nhất thế giới : 110.192 người chết so với tổng số 177.368 trên toàn thế giới. Ý (với 24.648 người thiệt mạng), Tây Ban Nha (21.717 người) và Pháp (20.796 người) là những nơi bị nặng nề nhất.
Tiếp theo Ý, Tây Ban Nha và Pháp là Vương quốc Anh (17.337 người). Nếu như tại ba nước trên, đà lây nhiễm có dấu hiệu chậm lại, thì Anh quốc với 828 ca tử vong mới ngày hôm qua, 21/04/2020, vẫn còn nằm trong « tình trạng nguy hiểm ». Tại Anh, các con số tử vong này chưa gộp số người chết tại gia hay trong các nhà dưỡng lão. Điều này gây lo ngại là số người chết thực sự vì Covid - 19 còn cao hơn rất nhiều.
Đức, Đan Mạch dần dỡ bỏ phong tỏa
Tại Đan Mạch, trường học, các doanh nghiệp nhỏ như cửa hiệu cắt tóc, đã được phép mở cửa. Các trường cấp 2 hay trung học, các quán bar và nhà hàng sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 11/5. Các cuộc tụ tập trên 10 người vẫn bị cấm cho đến ngày 10/5, nhưng các sự kiện lớn quy tụ trên 500 người sẽ không được phép mở cho đến ngày 01/09.
Nước Đức cũng dần dần dỡ bỏ phong tỏa. Kể từ tuần tới, việc đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng tại thủ đô Berlin, cũng như là tại 10 trên 16 bang của Đức là bắt buộc. Trong một số trường hợp, quy định này cũng được áp dụng tại một số địa điểm kinh doanh. Với hơn 143.000 ca nhiễm virus corona, trong đó có 4.600 ca tử vong, theo các số liệu chính thức, bộ trưởng Y Tế Đức, ông Jens Spahn cho rằng dịch bệnh hoàn toàn nằm trong tầm « kiểm soát và xử lý ».
Hy Lạp: Phát hiện 150 di dân dương tính, một khách sạn bị phong tỏa
Theo RFI, có 150 di dân nước ngoài trong một khách sạn ở miền nam Hy Lạp bị phát hiện dương tính với virus corona. Khách sạn này, tiếp nhận tổng cộng 470 người tỵ nạn, do vậy đã bị cách ly hoàn toàn từ hôm 16/4. Ca dương tính đầu tiên được phát hiện là một phụ nữ mang thai. Thành phố Kranidi nằm cách khách sạn 5km cũng bị phong tỏa. Tất cả những ai tiếp xúc với những người xin tỵ nạn sẽ phải được xét nghiệm, theo thị trưởng. Bộ Di Trú quyết định kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 10/5, lệnh phong tỏa hiện đang được áp đặt với tất cả các trại tỵ nạn ở Hy Lạp.
Tiến hành phong tỏa nghiêm ngặt từ hôm 12/3, chính quyền Hy Lạp cho biết đã có 2.245 trường hợp nhiễm bệnh và 116 ca tử vong trên toàn quốc. Hôm 21/4, chính phủ thông báo một kế hoạch dỡ phong tỏa dần dần, dự kiến các hoạt động tư pháp mở lại kể từ ngày 27/4.
RFI