Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tản văn: Nguyễn Tất Nhiên, tháng năm và giọt mưa xanh mấy tuổi...

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tản văn: Nguyễn Tất Nhiên, tháng năm và giọt mưa xanh mấy tuổi...

    NGUYỄN TẤT NHIÊN, THÁNG NĂM VÀ GIỌT MƯA XANH MẤY TUỔI...
    Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
    Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa




    1.
    Tháng Năm lại về trên tay tôi. Những cơn mưa đầu hạ đã bắt đầu rơi xuống. Nhìn những giọt mưa rơi tôi nhớ đến thơ Nguyễn Tất Nhiên. Nhớ tới câu mà anh nói vui với tôi trong buổi ngồi tại quán cà phê Ca Dao đầu năm 1973: “Tao với mày cùng sanh tháng Năm, xanh xanh màu Salem” (*).
    Nguyễn Tất Nhiên sanh tháng Năm tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hoà. Tôi cũng sinh quán như vậy.

    Ngày xưa, Biên Hoà là một tỉnh lỵ nhỏ nằm cạnh thủ đô Sài Gòn của chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Bài này tôi viết cảm nhận của tôi về một góc nhìn thu nhỏ trong thơ Nguyễn Tất Nhiên. Zoom lại thật nhỏ, chỉ là cái ngã ba của trung tâm thành phố Biên Hoà xưa thôi, nơi có nhà thờ chính toà, có ngôi trường tiểu học Nguyễn Du và cái bùng binh chia làm ba nhánh. Một nhánh về hướng chợ và dốc Toà của Duyên (Duyên tình con gái Bắc), một nhánh về cầu Gành hướng bờ sông Đồng Nai, một nhánh lên dốc Kỷ Niệm với ngôi trường trung học công lập Ngô Quyền duy nhất của tỉnh.


    Click image for larger version  Name:	100509591_272288073819350_4939573309386784768_n.jpg Views:	51 Size:	604.3 KB ID:	21493


    Nhà của Nguyễn Tất Nhiên ở rất gần cái ngã ba nầy. Từ bé học trường tiểu học Nguyễn Du, hàng ngày đi học qua lại nhà thờ. Rồi khi vào trung học, tập tành làm thơ và tự in tập thơ đầu từ năm 14 tuổi, cũng hàng ngày nghe chuông nhà thờ ngân tiếng sáng chiều. Vì vậy,
    Câu kinh sáng chưa yêu/ Câu kinh tối chưa mê/ Nên mất mát ê chề...đã đeo đẳng vào tâm hồn chàng thi sĩ học trò.

    Nhưng theo tôi, ngôi nhà thờ chính toà nầy có sức hút mãnh liệt với Nguyễn Tất Nhiên có lẽ là hai thứ: Thánh giá tượng Chúa trên nóc cao nhà thờ và tượng Đức Mẹ trong sân trước của nhà thờ. Vì từ chú bé tiểu học đến khi chàng thư sinh rời trường trung học, bước chân của Nguyễn Tất Nhiên đã mòn nhẵn trước cánh cổng giáo đường nầy, và không biết bao lần đứng lặng ngắm tượng Chúa trên cao, nhìn mưa rơi trên vai áo Đức Mẹ. Nên ngấm vào thơ của Nguyễn Tất Nhiên những hình ảnh nầy như mưa nắng tự nhiên của đất trời, như hồn hậu của dòng sông Đồng Nai bốn mùa trôi chảy. Thơ anh cũng đã náu nương phôi thai từ những hình tượng nầy.

    Những ngày tháng chạy theo tình, tình vụt bay đi. Những vãn than rượt đuổi theo bóng xuân thì, thì tình hụt hẫng:
    Em bây giờ, có lẽ toan tính chuyện lọc lừa
    Anh bây giờ, có lẽ xin làm người-tình-thua
    Chuông nhà thờ đổ mệt tượng Chúa gầy hơn xưa
    Chúa bây giờ, có lẽ rơi xuống trần gian, mưa




    Thì cũng chính lúc ấy Nguyễn Tất Nhiên lại về lặng lẽ nhìn lên chót đỉnh nhà thờ, trải nỗi cô đơn của mình trên thánh giá, tự an ủi mình:
    Anh bây giờ, có lẽ thiết tha hơn tín đồ
    Nguyện làm cây thánh giá trên chót đỉnh nhà thờ
    Cô đơn nhìn bụi bặm làm phân bón rêu xanh
    Dù sao cây thánh giá cũng được người nhân danh!




    Không những tự an ủi mình, mà anh còn lấy hình tượng Chúa để ngạo nghễ bi hài:
    đời chia muôn nhánh khổ, anh tận gốc gian nan
    cửa chùa tuy rộng mở, tà đạo khó nương thân
    anh đành xưng quỷ sứ, lãnh đủ ngọn dao trần!
    qua giáo đường kiếm Chúa, xin được làm chiên ngoan
    Chúa cười rung thánh giá, bảo: đầu ngươi có sừng!




    Khi yêu người con gái Bắc có gia đình theo đạo dòng, tình yêu đơn phương không được đáp trả suốt mấy năm ngồi trung học. Thì bóng giáo đường lại được Nguyễn Tất Nhiên dùng làm nơi tôn vinh tình yêu thánh thiện của mình. Anh tự cho mình là Linh mục. Một linh mục phải có 3 thứ: Kinh thánh, Tín đồ và Giáo đường. Nhưng với Nguyễn Tất Nhiên thì anh nói Kinh thánh của anh chính là Lời tình nhân gian; còn Tín đồ của anh chỉ duy nhất là Người tình trong thơ ; và Giáo đường thì bị chính Người tình đó đốt đi rồi:
    vì tôi là linh mục, không mặc áo nhà giòng
    nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang!
    vì tôi là linh mục, giảng lời tình nhân gian
    nên không có thánh kinh, nên không có bổn đạo
    nên không có giáo đường
    một tín đồ duy nhất, vừa thiêu hủy lầu chuông!




    Một người ngoại đạo như Nguyễn Tất Nhiên lại yêu thầm một nàng con gái gia đình đạo dòng thì anh phải bước vào bên trong nhà thờ chứ (?) Để nhìn tận mắt nàng đi lễ nhà thờ, cầu nguyện và rước lễ như thế nào? Nhưng cuối cùng thì “linh mục” Nguyễn Tất Nhiên phải tự thú rằng:
    vì tôi là linh mục
    không biết rửa tội người
    nên âm thầm lúc chết
    tội mình còn thâm vai




    Nỗi đau đớn thất tình, đứng dưới bóng giáo đường anh nhìn lên tượng Chúa đóng đinh trên thánh giá, để tự ví trái tim mình cũng rướm máu như Người.
    vì chẳng được cầm tay nhau kể lể
    nên chuyện tình cứ thế, thảm hơn
    Chúa cũng cau mày ngắm nỗi cô đơn
    của một kẻ đóng tim mình trên thập giá!




    2.
    Hình tượng thứ hai đã làm cho Nguyễn Tất Nhiên say mê nhìn ngắm mỗi khi đi qua lại nhà thờ, đó là tượng Đức Mẹ trắng ngời thánh thiện đứng mĩm cười trước hang đá. Lại thêm mỗi buổi sáng sớm sau tan lễ Misa và ban chiều sau mỗi tan chầu Thánh, các masoeur hay đứng trước tượng Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện. Tà áo trắng-đen của các soeur với bóng hình Đức Mẹ đã làm cho tâm tưởng của chàng thi sĩ si tình lại càng thêm vương lụy tình si. Cứ xem đó như là hình bóng của người mình yêu, vừa trình trắng ngoan hiền, vừa kiêu sa vời vợi.
    em hiền như “ma soeur”, vết thương ta bốn mùa
    trái tim ta làm mủ, “ma soeur” này “ma soeur”!
    có dịu dàng ánh mắt? có êm đềm cánh môi?
    ru ta – người bệnh hoạn, ru ta suốt cuộc đời
    cuộc đời tên vô đạo, vết thương hành liệt tim!




    Có những lúc mưa lâm thâm, nhưng bóng của các soeur vẫn cố nán lại đọc hết câu kinh dâng Đức Mẹ, chàng thi sĩ học trò đứng bên kia đường nhìn qua phía hang đá lại chạnh lòng mơ nghĩ về bờ vai áo trắng mà mình đã từng theo đuôi suốt năm tháng học trò trên con dốc Ngô Quyền về tận dốc Toà:
    vai em tròn dưới mưa
    ướt bao nhiêu cũng vừa
    cũng chưa hơn tình rụng
    thấm linh hồn “ma soeur”




    Để mỗi khi được em ngoái đầu nhìn lại thì dù trời đang mưa Nguyễn Tất Nhiên mừng rơn như đang say nắng:
    khi em là nắng xuân thì
    là mưa trung học ước gì song đôi
    có người – không phải là tôi
    vì thơ tôi đẹp hơn tôi thất tình!




    Và anh đã đưa tay vuốt lại mái tóc dưới cơn mưa, mong cho còn mưa mãi:
    Cho nên mưa mãi không ngừng
    Là trăm năm ướt một quần yêu em




    Phải nhìn nhận một điều là Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng mang mang trong đầu thơ, thơ và thơ, như anh đã từng nói: “Thơ tôi là tình tôi, nên khi đọc thơ tôi chính là người đã mang lấy cuộc tình tôi”. Vì vậy, có những lúc anh như ngây như dại, giữa trưa nắng chang chang khoác chiếc áo măng tô dầy cộm đứng ngay bùng binh ngã ba nhìn qua nhà thờ, mắt không rời khỏi tượng Đức Mẹ. Cũng chính từ đấy những câu thơ hồn nhiên bay bổng thoát ra:
    người từ trăm năm về khơi tình động
    ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân
    nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời




    Nguyễn Tất Nhiên tưởng nghĩ ra rằng Đức Mẹ đứng đó, quanh năm những giọt mưa rơi vỡ trên tượng đá, rồi mưa khô trên tượng đá, nhưng những giọt mưa đó không bao giờ mất đi vì mưa đã thấm vào và ôm lấy tượng suốt đời.
    người từ trăm năm về qua sông rộng
    ta ngoắc mòn tay trùng trùng gió lộng
    thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
    thà như giọt mưa khô trên tượng đá
    có còn hơn không mưa ôm tượng đá




    Và nhân chứng đầu tiên đọc được thơ Nguyễn Tất Nhiên để mang lấy cuộc tình anh, không ai khác hơn là những cột đèn. Đứng ngắm nhìn để hoài suy tưởng, chắc hẳn anh cũng mỏi chân, dựa lưng đứng bên cột đèn mồi điếu thuốc tương tư.
    có người ngơ ngẩn hoàng hôn
    hay hàng trụ điện suốt đường tương tư?

    sao thiên thu không là xa nhau ?
    nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
    tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
    và một con đường cúp điện rất lâu




    3.
    Bùng binh. Giờ là vòng xoay trung tâm thành phố Biên Hoà. Những học sinh trường trung học Ngô Quyền xưa không ai đã không đi qua nơi nầy, và chắc chắn cũng đã từng nhẩm hát vài câu nhạc của Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang, Anh Bằng đã phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Thời đó, bùng binh nầy rất gần bờ sông, gió từ sông lộng thổi men theo bên hông trường tiểu học Nguyễn Du, làm xào xạc lá đổ suốt con đường nhỏ nằm giữa trường và dinh Tỉnh trưởng. Nguyễn Tất Nhiên từ nhà gần, thường hay đi bộ ra ngã ba bùng binh nầy cả sáng trưa chiều tối.
    Sớm, trưa, chiều, tối, ra, vào
    Người chưa yên nỗi thầm xao xác lòng
    Nên thời gian ấy ngùi trông
    Khô như hạt bụi trưa ngừng ngập bay




    Một mình, vẫn một mình anh đi bộ tiếp ra bờ sông, nhìn nắng trải mà nghĩ về ngày sau, biết có còn sau xưa không mà để chạnh lòng.
    Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
    Nhớ cho mình dáng dấp người yêu
    Lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu
    Còn giây phút chạnh lòng như mới lớn




    Mưa tháng Năm, cơn mưa đầu đã rơi thắm đất.
    Tôi về qua chốn cũ, một chút lắng lòng nhớ lại ngày xưa. Đứng tại ngã ba bùng binh nầy nhìn lên nóc cao nhà thờ, tượng Chúa vẫn gầy như xưa. Ký ức học trò mênh mang về theo bóng đổ xuống mái giáo đường giờ đã không còn ngói nâu rêu phủ, nhưng hình bóng những cậu bé học trò thơ ngây hồn nhiên mới lớn tập tành uống cà phê đen làm thơ tình trên giấy trắng ùa về theo những câu thơ.
    Chiều nay trời mưa trên tóc nhuộm
    Không biết người có sợ tàn phai.
    Tình một hai năm chưa phải tình dài
    Cũng không thể gọi là tình mới
    Tôi vẫn đợi như ngày tôi đã đợi
    Vẫn ngậm tình về như buổi ngậm tình đi




    Nguyễn Tất Nhiên, thơ anh vẫn còn trong lòng những người yêu mến thơ của chàng thi sĩ đa mang với thơ, một chất thơ trong trẻo hồn nhiên giữa thời loạn ly chiến cuộc.
    hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu cánh gió
    chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài
    gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ
    chàng đưa tình về xót ngọn cỏ may



    Với riêng tôi, tháng Năm là tháng của anh và tôi, những giọt mưa thật thà rớt xuống trần gian như mang đến cho chúng tôi những giọt tình vấn tình, vàng cả một thời yêu để yêu...
    Giọt mưa xanh mấy tuổi nàng
    Tôi nghe lá rụng như vàng áo xưa




    LPQ
    Tháng 5/2020
    (*) thuốc lá đầu lọc mùi the Salem ngày xưa trước 1975, có vỏ bao ngoài màu xanh.
    Last edited by XuanLan; 05-21-2020, 06:21 PM.

  • #2
    Hoa nở muộn! Mãi đến giờ mới biết Phong Quan!

    Comment


    • XuanLan
      XuanLan commented
      Editing a comment
      He he he ..Này HN, giờ biết rầu thì sao đây?

    • BinhDo
      BinhDo commented
      Editing a comment
      Thường hoa nở muộn lại đẹp lạ kỳ vì lúc ấy chẳng còn hoa nở sớm ..kkk

  • #3
    Hồi đó có gặp, có biết, nhưng không biết ruột gan mi ơi!

    Comment


    • #4
      Còn gặp lại nhau chăng mai này phai tóc nhuộm.
      Vẫn không tin em tóc trắng bây chừ.

      Comment

      Working...
      X