Cảnh sát Hồng Kông yêu cầu người biểu tình giải tán, ngày 30/06/2020, sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia áp đặt ở Hồng Kông. REUTERS - TYRONE SIU
Ngày 01/07/2020 là cuộc trắc nghiệm đầu tiên đối với luật an ninh Hồng Kông vừa được Bắc Kinh ban hành. Mạnh tay khai tử mô hình « một quốc gia, hai chế độ », bội ước với quốc tế về quy chế đặc biệt dành cho vùng từng là thuộc địa cũ của Anh, phải chăng ông Tập Cận Bình đã trông thấy trước phương Tây sẽ bất lực trước sức mạnh của Trung Quốc và bỏ rơi phe dân chủ Hồng Kông ?
Hồng Kông luôn tổ chức một cuộc tuần hành vì dân chủ vào mỗi ngày 01/07, ngày Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc lãnh thổ này. Hồng Kông cũng là nơi duy nhất tại Trung Quốc vẫn tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989 vào ngày 04/06 hàng năm. Truyền thống đó liệu có bị khai tử vì luật an ninh Hồng Kông vừa có hiệu lực?
Có một điều chắc chắn là sáng nay khi thức dậy, bảy triệu rưỡi dân Hồng Kông thực sự trông thấy cựu thuộc địa Anh bị tước quyền tự trị. Việc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc nhất trí thông qua luật an ninh chi tiết cho thấy sinh mạng của mỗi người dân Hồng Kông và kể cả ngọai kiều sinh sống tại vùng đặc khu hành chính này giờ đây hoàn toàn do Bắc Kinh định đoạt.
Luật an ninh liên quan đến Hồng Kông đã chính thức có hiệu lực vào 11 giờ đêm qua 30/06, giờ địa phương. Nội dung cụ thể của văn bản này đã được giữ kín cho đến giờ chót. Nhân danh đạo luật nhằm chống lại các hoạt động « ly khai », âm mưu « khủng bố », « cấu kết với các lực lượng bên ngoài » nhằm « lật đổ » chế độ, sáng nay cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ những người đầu tiên cưỡng lại guồng máy an ninh của Bắc Kinh.
Phe dân chủ Hồng Kông bước vào một « mùa đông dài lạnh giá »
Theo giới phân tích, dưới những cụm từ rất chung chung của luật an ninh, ai cũng có thể nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Trung Quốc. Chính vì thế, các phong trào đối lập Hồng Kông đã tự giải thể, những tiếng nói bất đồng hoặc đã tìm đường lưu vong, hoặc xóa hết những vết tích chống đối. Một số nhà quan sát cho rằng, đó là bàn thắng đầu tiên của Bắc Kinh. Theo Ân Xá Quốc Tế, mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là « dùng nỗi sợ hãi để cai trị Hồng Kông ».
Tuy nhiên, phải đợi thêm một vài giờ nữa mới biết được rằng chiến lược bàn tay sắt của Bắc Kinh có đủ để thuyết phục dân Hồng Kông từ bỏ truyền thống tuần hành vì dân chủ vào mỗi ngày 01/07 hay không.
Cân nhắc của Bắc Kinh trên hồ sơ Hồng Kông
Theo giới quan sát, qua việc mạnh tay và bằng mọi giá nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát Hồng Kông, Trung Quốc đã có nhiều tính toán cùng lúc. Một là vĩnh viễn dẹp các phong trào phản kháng âm ỉ từ mùa xuân năm ngoái với các cuộc xuống đường có khi huy động được hơn 1 triệu dân Hồng Kông chống đối dự luật dẫn độ. Chính quyền Trung Quốc lo ngại làn sóng phản kháng này, một thứ « virus chính trị » trong con mắt Bắc Kinh, có nguy cơ lan tới Hoa Lục.
Thứ hai là chính quyền Trung Quốc không muốn để quốc tế trông thấy hình ảnh các nghị viên ủng hộ dân chủ Hồng Kông khoác lên vai lá cờ Anh, hay người biểu tình giương cao lá cờ Mỹ trên đường phố Hồng Kông, cầu cứu Hoa Kỳ can thiệp, như mới chỉ cách nay một năm. Nhà Trung Quốc học, Peter Gries, đại học Manchester - Anh Quốc, cho rằng ông Tập Cận Bình không muốn bị mất mặt về Hồng Kông, nhất là đối với công luận trong nước.
Điểm thứ ba, theo như ghi nhận của nhà báo Pierre Haski, nguyên phóng viên của báo Libération tại Bắc Kinh, luật an ninh Hồng Kông có thể là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Trung Quốc đã « đủ mạnh » và sẵn sàng thách thức phần còn lại của thế giới, mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Chính quyền Tập Cận Bình thừa biết rằng phương Tây sẽ « ồn ào » lên án Bắc Kinh thâu tóm Hồng Kông. Mỹ dọa trừng phạt một số các quan chức Trung Quốc của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hủy các điều khoản ưu đãi dành cho Hồng Kông … Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn áp đặt luật an ninh liên quan đến Hồng Kông.
Bởi có lẽ Bắc Kinh biết rõ đòn « giơ cao đánh khẽ » của chính quyền Trump, sự chia rẽ vì những lợi ích kinh tế và thương mại của các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng như thế yếu của chính quyền Luân Đôn sau đại dịch Covid-19 và Brexit.
Giới quan sát hy vọng là phe dân chủ Hồng Kông đủ chín chắn để hiểu được rằng sẽ là một sai lầm nếu trông đợi vào sự yểm trợ của các nền dân chủ lâu đời phương Tây để cưỡng lại guồng máy an ninh của Hoa Lục.
Ngoại trưởng Mỹ : « Một ngày buồn » cho Hồng Kông
(Ảnh minh họa) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, ngày 30/6/2020 tuyên bố Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Hồng Kông bị guồng máy an ninh của Bắc Kinh nhấn chìm. POOL/AFP/Archivos
Trong thông cáo ngày 30/06/2020, ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, tuyên bố « Mỹ sẽ không khoanh tay nhìn Hồng Kông bị nhận chìm trong guồng máy an ninh » của Bắc Kinh. Washington dọa ban hành thêm một loạt biện pháp trả đũa việc Trung Quốc tước đoạt quyền tự trị của đặc khu hành chính này.
Cuối tháng 5/2020, Mỹ đã rút lại quy chế ưu đãi về tài chính thương mại dành cho Hồng Kông. Ngoài ra, ông Pompeo đánh giá hôm qua là một ngày « buồn thảm đối với Hồng Kông, đối với tất cả những người yêu chuộng tự do tại Trung Quốc »;
Tại Ottawa, chính phủ Canada kêu gọi các kiều dân đang sinh sống tại Hồng Kông đề cao cảnh giác trước nguy cơ bị bắt giữ vô tội vạ và rủi ro bị dẫn độ về Hoa lục, do luật an ninh Hồng Kông vừa có hiệu lực.
Liên Hiệp Châu Âu ngay hôm qua bày tỏ « lo ngại » và lấy làm tiếc là Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hồng Kông, bất chấp những cảnh báo về « hậu quả tiêu cực » đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cho rằng luật an ninh nói trên « có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến quy chế tự trị của Hồng Kông và tác động xấu đến tính độc lập của tư pháp » tại đặc khu hành chính này. Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von der Leyen, cho rằng « hình ảnh và mức độ tin tưởng vào Trung Quốc của các tập đoàn châu Âu có thể sẽ bị xấu đi ».
27 quốc gia trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong đó có Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản, cũng đã lên án luật an ninh Hồng Kông mà Bắc Kinh vừa ban hành. Đài Loan mở văn phòng đón nhận người tị nạn Hồng Kông.
Đáp lại những chỉ trích nói trên, trong cuộc họp báo sáng nay, lãnh đạo văn phòng đại diện Trung Quốc đặc trách về Hồng Kông và Macao, Triệu Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), gay gắt tuyên bố, phương Tây « có quyền gì để hạch sách Trung Quốc » về luật an ninh Hồng Kông ? Hồng Kông không còn « liên quan gì đến các nước Tây phương nữa ». Nếu muốn áp đặt mô hình « một quốc gia, một chế độ », thì đó là « công việc nội bộ của Trung Quốc ». Ông Triệu cũng chỉ trích những quốc gia muốn trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông khi cho rằng đó là lối suy nghĩ của « quân ăn cướp ».