Announcement

Collapse
No announcement yet.

SPKT TRUYỀN KỲ-DHGD-TD. NHỮNG NGÀY HẠNH PHÚC

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • SPKT TRUYỀN KỲ-DHGD-TD. NHỮNG NGÀY HẠNH PHÚC

    SPKT TRUYỀN KỲ

    Tập Biên cả Ban

    Lời Tựa: Viết SPKT Truyền Kỳ được NCT bảo là BBT_mm có tham vọng "đồ sộ" quá, khi NCT 'nghe' được ý kiến này. Vì SPKT Truyền Kỳ sẽ là câu chuyện "trường thiên" gom góp tất cả kỷ niệm vui buồn cũ và mới đã có trong web nhà và nguồn từ bạn hữu...

    BBT-mm mong được đón nhận các bài viết về SPKT của quý thầy cô và quý bạn hữu SPKT chúng ta để cùng xây dựng nên câu chuyện dài này.

    Rất đa tạ!

    BBT-mm

    Bài số 2 -
    Đại Học Giáo Dục - Thủ Đức - Những Ngày Hạnh Phúc

    Người Cõi Trên

    Khoảng giữa năm mùa hè đỏ lửa 1972, trường mới ở ngã tư Thủ Đức đã xây xong. Trường cần các sinh viên tình nguyện dọn đồ đạc lên trường mới. NCT cũng hăng hái tham gia vào nhóm này. Đúng ra, trường này Mỹ thuê Đại Hàn xây để đền bù cho trường kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ.

    Niên khóa 1967-1968, NCT đang học lớp đệ tứ (lớp 9) ở trường trung học kỹ thuật đệ nhất cấp Nguyễn Trường Tộ, nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), sau tòa đại sứ Mỹ. Tình hình xã hội đang căng thẳng sau biến cố tết Mậu Thân. Một hôm, không biết một học sinh nào đó tinh nghịch đem một trái pháo lệnh MK3 của quân đội gắn ở cửa nhà vệ sinh trường, sát với tòa đại sứ Mỹ. MK3 chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng tiếng nổ rất lớn. Khi trái pháo này nổ, ngay lập tức TQLC Mỹ từ trên nóc tòa đại sứ Mỹ bắn từng tràng M16 ra tứ phía khoảng 5 phút. Thầy trò NCT hoảng hốt bò lê bò càng trên sàn lớp. Sau đó, thầy trò mới men theo tường các lớp lom khom chạy xuống tầng dưới núp. Ít phút sau, cảnh sát quốc gia và nhân viên Mỹ vào trường khám xét. Quả pháo chỉ thổi bay một cánh cửa của nhà vệ sinh. Nhưng sau vụ nổ này, thấy không an toàn cho tòa đại sứ Mỹ, Mỹ lên kế hoạch dời trường NTT về ngã 6 Cộng Hòa. Khu đất này chẳng bao lâu sau lại bị nạn nhân chiến cuộc chạy nạn vào ở. NCT cũng tham gia việc dựng lán trại cho dân tị nạn ở khu vực này. Mỹ lại đổi kế hoạch, xây cho trường NTT một trường mới ở ngay ngã tư Thủ Đức. Trường CĐSPKT thấy vậy cũng xin cấp trên cho mình trường này.

    Gần tới ngày khai giảng năm học 1972-1973, trường kêu gọi sinh viên tình nguyện đi chuyển đồ đạc, hồ sơ, tài liệu lên Thủ Đức. NCT và nhiều sinh viên khác hăng hái tham gia việc dời trường.

    Ai cũng háo hức muốn xem ngôi trường mới như thế nào. Ngày NCT và các bạn sinh viên khác theo xe trường CĐSPKT, chở đủ thứ lỉnh kỉnh lên nhận trường mới ở Thủ Đức thì gặp xe của trường NTT đậu sẵn ở cổng trường từ lúc nào. Cả 2 trường đều chuẩn bị tinh thần dọn vào trường mới. Thầy trò hai trường xuống xe, bắt tay nói chuyện trong khi chờ đợi lệnh trên. Cả hai bên đều vui vẻ, không cãi nhau gì hết. Sau khoảng một tiếng đồng hồ chờ đợi, lệnh từ cấp trên đưa xuống trường NTT phải nhường cho trường CĐSPKT. Thầy trò hai bên vẫy tay chào nhau, xe trường NTT quay về Sài Gòn lại, xe trường CĐSPKT tiến vào cổng trường. Đây là thời điểm thực tế trường mới đã thuộc CĐSPKT hoàn toàn. Trường NTT sau đó dời về đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đa Kao. Bây giờ là trường TH Công Nghiệp Thành Phố.

    Trường đổi tên thành Trung Tâm Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức, nằm ngay góc ngã tư Thủ Đức, với diện tích hơn 7 ha, gần làng Đại Học, bên cạnh trường kỹ thuật Việt Đức. Niên khóa 1973-1974 một bảng tên trường mới tinh được dựng lên trước trường: TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIÁO DỤC THỦ ĐỨC. Tên này tồn tại cho đến năm 1975.

    Mặc dù mệt mỏi, vất vả khi chuyển các đồ đạc, hồ sơ đến trường mới, nhưng tất cả sinh viên đều háo hức được ngắm ngôi trường sẽ là nơi học tập, sinh hoạt của mình trong những ngày tháng sắp tới.




    Con đường mòn cong cong từ ngoài đường dẫn đến cổng trường làm NCT liên tưởng tới bức tranh trường học ở dưới quê trong sách giáo khoa tiểu học.

    Cả nhóm sinh viên dọn trường sững sờ: trường đẹp quá mặc dù dáng hơi nặng nề. Không gian thật thoáng đãng. Các vách tường bằng gạch đỏ au. Các lớp học được bao quanh bằng vách gỗ cao khoảng hơn một mét sáng ngời và thơm lừng mùi vẹc ni mới. Phía trên vách gỗ này là những tấm kính lớn và những cửa sổ kính lớn nên lớp học đầy đủ ánh sáng kể cả khi trời âm u. Chung quanh khu lớp học vẫn còn một ít gạch đá ngổn ngang trên nền đất trơ trụi, cỏ chưa mọc được. Khung cảnh trường thật khoáng đãng, mát mẻ. Các dãy nhà xưởng xinh xắn chạy song song nhau tới cuối khuôn viên trường.




    Nhóm KNH ở bên hông trường năm 1972. Trường xây gần xong.

    1:Từ Thành Nguyên 2: Lê Nguyên Thịnh 3:Huỳnh Kim Quang 4:Nguyễn Trường Sanh 5: Võ Đình Triếp 6:Trần Vĩnh Lường KHAD? 7 Lê văn Chứa 8: Hữu Trí? 9: Nguyễn Anh Tuấn

    Năm 1972, NCT có dịp ngắm nhìn trường từ chiếc Boing 727 lúc nó hạ cao độ để xuống phi trường TSN. Một hình chữ H thật lớn thật đẹp nổi bật lên giữa khung cảnh nhà cửa, cây cối xung quanh làm trái tim NCT đập mạnh (đây là dãy lớp học chính của trường). NCT không kiềm được xúc động, hãnh diện khoe với người khách không quen biết ngồi bên cạnh ‘Trường CĐSPKT tôi học đó’. Người khách lạ trầm trồ ‘Ồ! Vậy sao. Đẹp quá!’.




    Các phòng học với dãy ghế đơn liền bàn sạch sẽ, tinh tươm. NCT rất thích tấm bảng xanh mát mắt. Nó được sơn bởi lớp sơn không bóng nên không bị chói nắng dù ngồi nhìn ở bất cứ chỗ nào trong phòng. Cho đến bây giờ, các bảng đen ở VN vẫn bị chói nắng, NCT có một phòng kỹ thuật riêng trong trường mình dạy với tấm bàng trơn trợt và chói sáng. NCT phải mày mò pha sơn với xi măng để sơn bảng. Cuối cùng, NCT cũng có được một tấm bảng tạm thời gần giống với tấm bảng của trường CĐSPKT. Điều gây ấn tượng cho NCT nhiều là viên phấn Mỹ. Nó dài hơn một tấc và đường kính chỉ có khoảng … 25mm. Quả là viên phấn khổng lồ. Phấn này viết rất êm và rất ít bụi. Ở VN, mãi về sau này, NCT mới được dùng loại phấn ít bụi.

    Hình ảnh các sinh viên không thể quên được là cây Săn Máu đứng trơ trọi trong khuôn viên trường, chung quanh không một bóng cây, bụi cỏ. NCT sẽ viết ở một bài riêng.




    Ngay trong năm đầu tiên lên trường, nhà trường đã phân công cho từng lớp trang trí các ô ngăn cách hai dãy phòng học chính, các ô rải rác trong khuôn viên trường. Những ngày lao động thật vui.




    Các sinh viên thỏa sức tô điểm các ô này theo trí tưởng tượng của mình. Những buổi tranh cãi quyết liệt xem lớp mình sẽ trang trí như thế nào để nổi bật hơn các lớp khác. Có lớp đơn giản chỉ trồng các loại hoa đủ màu sắc, vài cây cảnh tạo bòng mát trong ô của mình. Có lớp chịu khó đào thành chiếc ao nhỏ uốn lượn mềm mại với đồi núi tí xíu bao quanh. Lớp thì tạo một con suối chạy quanh hình trái tim tượng trưng cho bầu nhiệt huyết của thanh niên. Quang cảnh chung quanh các lớp học thay đổi hẳn. Mát mắt hơn, quyến rũ hơn với những bồn hoa, cảnh thiên nhiên … nhân tạo. chỉ tiếc là sinh viên có nhiệt tình nhưng không có kinh nghiệm. Nhiều cây héo chết trong thời gian ngắn được sinh viên trồng cây khác thay thế nhiều lần. Sinh viên đã bỏ công sức, tự mua vật tư, tự đem dụng cụ đi để làm đẹp cho trường. Tính năng động, yêu trường, yêu lớp của sinh viên đã thể hiện rõ nét trong những buổi lao động như thế này. Đáng trân trọng làm sao bầu nhiệt huyết của thanh niên. Đó là chưa nói tới những lúc thiên tai lũ lụt, sinh viên tự động đứng ra tổ chức đi quyên góp quần áo, lương thực, tiền bạc trong dân chúng để sau đó, sinh viên tự liên hệ xe đưa những vật phẩm này tới tận tay người dân ở những vùng bị lụt.






    NCT không quên những buổi đi quyên góp từng nhà ở khu Đa Kao. Mồ hôi chảy thành giòng trên gương mặt các sinh viên, áo cũng đẫm ướt mồ hôi nhưng ai cũng hăng hái làm công tác xã hội này. Dân chúng lúc bấy giờ rất tin tưởng và quý trọng sinh viên. Họ sẵn sàng đóng góp quần áo cũ, gạo, lương thực cho nhóm sinh viên mà không sợ bị ăn chận, ăn bớt. NCT cũng không quên những ngày ôm thùng quyên góp tiền, đứng giữa nắng trên đường Lê Lợi. Quần áo ướt sũng mồ hôi vì nắng nóng, miệng khô vì khát nước. Có lẽ gương mặt NCT toát ra tính cách người cõi trên nên thùng quyên góp của NCT thường nặng trĩu tiền của những người đi đường bỏ vào. Mấy chị KTGD khen NCT có khiếu …xin tiền. Những lúc như vậy, NCT mới thấy thấm thía nghĩa của từ ‘đồng bào’. Người VN sinh ra từ một bọc trứng của bà mẹ Âu Cơ mà, sao không thương nhau được. Dân VN nói chung rất rộng lượng và bác ái. Họ đánh giá rất cao các sinh viên công tác xã hội. Sinh viên đâu chỉ biết chúi mũi vào quyển sách. Họ cũng biết quan tâm đến xã hội, đến nỗi khổ của người dân trong những cơn hoạn nạn vì thiên tai hoặc chiến tranh. Làm sao quên được những ngày dựng lán trại cho nạn nhân chiến cuộc ở Tam Hà, Thủ Đức. Các chị thì cắt tóc, tắm rửa cho các em nhỏ. Các anh đào mương thoát nước, đào hầm cầu, dọn vệ sinh quanh khu tị nạn. Nhóm thì tập cho các em ca hát để các em quên đi thực tế đang khó khăn. Tất cả những việc này sinh viên hoàn toàn tự nguyện, trường không ép buộc. Những lúc làm công tác thiện nguyện, NCT nhận ra được sức mạnh tiềm tàng của dân VN. Khi khó khăn, họ sẵn sàng chung lưng đấu cật để vượt qua mọi khó khăn.




    Cuối niên khóa 1972-1973, NCT phải bùi ngùi chia tay với các bạn cùng ban thuộc hệ 2 năm. Họ sẽ được phân bổ về các tỉnh để bắt đầu cuộc đời giáo sư đệ nhất cấp. NCT phải tạm biệt người bạn thân TTN đa sầu, đa cảm. Anh được phân về vùng núi: Ban Mê Thuộc, xứ sở Buồn Muôn Thủa …




    Nhóm 71KNH và 70KTGĐ ở Fatima năm 1972.

    1: Hữu Trí 2: Từ Thành Nguyên KNH 3: Lê Nguyên Thịnh KNH 4: Nguyễn Anh Tuấn KNH 5: Lê Văn Chứa KNH 6: Lê Tiến Hùng CKO 7: Huỳnh Kim Quang KNH 8: Võ Đình Triếp KNH 9: Nguyễn Trường Sanh KNH. và các chị Kinh Tế Gia Đình khóa 70

    [img]http://daihocsuphamkythuat-thuduc.org/dd2012/dhspkt-td.com/h2%20KNH%204%20nam.jpg[img]


    Hình chụp ở cột cờ trường. Khóa 71 (thiếu 2 người: Đặng Lê Châu Sơn ĐKN và Nguyễn Văn Rỡ ĐKN)

    1: Võ Thanh Tâm ĐKN 2: Nguyễn Văn Minh ĐKN 3: Lê Hà Lộc CKO 4: Nguyễn Văn Cung CKO

    5: Lê Tấn Duy ĐKN 6: Phan Văn Báu KHAD 7: Nguyễn Tấn Sanh ĐKN 8: Lê Xuân Tới CKO

    9: Lê Nguyên Thịnh KNH 10: Phùng Thái Bình KHAD 11: Nguyễn Anh Tuấn KNH 12: Lê Văn Chứa KNH

    13: Nguyễn Mạnh Hùng KHAD 14: Từ Văn Sơn CKO 15: Hà Duy Dậu CKO 16: Huỳnh Trung Hiếu CKO

    17: Nguyễn Chuyển KHAD 18: Huỳnh Kim Quang KNH 19: Trần Vĩnh Lường KHAD 20: Lê Tiến Hùng CKO

    21: Đoàn Hồng Điệp KHAD 22: Lê Văn Quang KNH

    Trong những năm học ở trường Thủ Đức, NCT được học với nhiều thầy cô, được biết thêm nhiều môn học mới lạ. NCT hãnh diện đã có may mắn được đào tạo khá tốt đủ vững tin khi ra trường. Nhưng tạo dấu ấn cho NCT, làm NCT không quên được chỉ có một số thầy cô và vài môn học thôi




    Thầy dạy vẽ 3 năm trên Thủ Đức của 5 sinh viên 71KNH là các thầy Trần Thế Can và Nguyễn Năng Cường.

    Đặc biệt thầy Can là thủ khoa khóa Kỹ sư Công Nghệ đầu tiên trong Nam và thầy Cường lại là người cần đèm đỏ khi tốt nghiệp cũng khóa này. Thầy Can có vẻ nóng nảy, bộc trực. Một lần NCT thắc mắc không phân biệt được lực đẩy và lực kéo trong phần vẽ về lưu chất. Thầy Can kêu NCT lên bàn thầy và ra lệnh NCT kéo cái bàn rồi đẩy cái bàn. Thầy nói ‘Chỉ vậy thôi mà thắc mắc cái gì’. Trời đất! Nêu chỉ vậy thôi thì NCT hỏi làm gì. NCT không dám hỏi nữa vì NCT không thể diễn tả ý mình thắc mắc. Thầy Can thường xuyên mang đôi giày ba ta có lẽ từ lúc Bảo Đại còn tắm truồng nên sinh viên đặt biệt danh cho thầy là ‘Can ba ta’. Thầy Cường thường hay … ngủ gật khi trong chờ lớp vẽ bài. Lúc đầu, thầy dùng tờ báo che lại giống như thầy đang đọc báo. Nhưng một lát sau, bỗng nhiên tờ báo rớt xuống: thầy bắt đầu mơ thấy …thiên đường. Cả năm đứa KHN phải vẽ … nhẹ nhàng để tránh làm kinh động giấc ngủ vàng của thầy. Thầy Cường ít nói và hiền lành. Hình như thầy cũng hay mơ mộng như NCT.

    Thầy Trần Văn Đáng cũng dạy KNH các lớp khác nhưng lại dạy môn Khung sắt, Sườn sắt cho lớp NCT. Thầy Đáng hiền lành, rất ốm yếu. Tội nghiệp thầy thường phải uống từng vốc thuốc để trị bệnh. NCT thích bài giản đồ CREMONA tính lực chịu đựng của các khung sắt bằng bản vẽ mà không cần tính toán bằng các công thức. NCT thích cái nào không phải tính toán nhiều vì có ấn tượng về cách tính siêu đẳng của mình lúc thi vào trường rồi. Mỗi lần nhìn một cây cầu sắt nào đó, NCT lại nghĩ tới thầy Đáng liền, không biết vì hình dáng cây cầu hay vì bài học hay vì …dáng thầy.

    Thầy Nguyễn Văn Tân dạy Hóa học nên thầy Tân dạy cho lớp NCT những kiến thức có liên quan đến hóa học trong thực tế: các loại xi măng dùng cho vùng biển, xi măng khô nhanh, xi măng chịu lực cao, … Không hiểu sao, thầy cũng dạy cho lớp NCT về các … chất độc nữa. Chắc là thầy nhớ tới Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử khi triều đình nhường 6 tỉnh miền tây cho Pháp. Thầy có cơ sở làm gốm nên thầy thích nói về gốm, thầy chỉ cách phân biệt giữa sành và sứ. Thầy Tân cũng hay mơ giữa đời thường lắm. Một lần, thầy từ ngoài chạy vào trường, qua cổng, thầy lao thẳng xe lên con lươn giữa đường một cách … hồn nhiên và … té lăn ra đất. . NCT chạy ra đỡ thầy dậy. Thầy phân bua ‘Tôi nửa muốn chạy thẳng, nửa muốn quẹo phải để tới văn phòng trường. Chưa quyết định xong thì đã thấy mình nằm dưới đất’. Hi hi, trần thế đâu ít người giống NCT.

    Phải thú thật, những môn khoa học tự nhiên không làm cho NCT thích thú lắm. Những môn này, NCT phải mướt mồ hôi mới vượt qua được. Học môn Cơ học của thầy Nguyễn Hồng Lam, NCT lại nghĩ tới cô vợ người Đức của thầy mặc dù chẳng liên quan gì đến nhau hết. Môn Điện Tử của thầy Nguyễn Ngọc Lan cũng làm tưng cái đầu của NCT, trầy trật mãi mới … vừa đủ điểm môn của thầy. Trời ơi! Công thức nào công thức ấy chằng chịt dài ngoằn. Khiếp quá!...

    Thầy Dương Ngọc Yến, giám đốc trường dạy môn Điện. Ngày đầu vào lớp thầy nói ‘Tôi bị bệnh tim. Các anh đừng làm ồn vì tôi dễ bị mệt lắm. Cám ơn các anh trước’. Cả lớp im phăng phắc nghe thầy giảng bài. Tiếc thay, thầy chỉ dạy được một tháng thì thầy mất vì bệnh tim. Mặc dù thầy chỉ dạy trong thời gian ngắn ngủi, NCT vẫn nhớ tới thầy, một người thầy chững chạc, luôn lịch sự, quý phái.

    Rồi những môn Nhiệt động học với ‘ăn tan pi’, ăn trô pi’ cứ như mớ bòng bong, Lưu chất học với chảy tầng, chảy xoáy để rồi NCT cũng bị nó cuốn xoáy thoát khỏi môn này với số điểm vừa đủ để … qua phà. Hú vía! BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NHỮNG NGƯỜI NGHĨ RA NHỮNG MÔN HỌC NÀY! AMEN.

    NCT thích học môn Giao Tế Nhân Sự của ‘Papa Nhuần’. Thầy Nguyễn Khánh Nhuần lúc đó đã ngoài 60 nhưng thầy vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Thầy hút thuốc khủng khiếp, Trong lúc giảng bài, miệng thầy luôn ngậm điếu thuốc, nó cứ nhúc nhích theo miệng thầy nói. NCT thích … rình phần tàn thuốc lá dài ra để đoán chừng lúc nào nó gãy rớt xuống đất. Rớt này! Đúng quá. Nó rớt rồi. Điếu này vừa hết, thầy lấy ngay điếu khác gắn lên môi. Thầy nói ngay buổi học đầu tiên ‘Anh chị lớn hết rồi, đừng đỏ mặt khi nghe tôi nói chuyện. Tôi sẽ nói những chuyện thực tế trong đời sống, đây là điều tôi muốn truyền đạt cho anh chị. Thí dụ nhé! Nhiều người tò mò hỏi với tuổi của tôi bây giờ, tôi có thể làm ‘chuyện đó’ nữa không. Tôi nói, tôi vẫn theo quy luật tự nhiên thôi. Còn chứ! Nhưng 3, 4 tháng … một lần. Hề hề … đàn ông mà. Tuổi 35 nhìn tuổi 40 thấy bình thường. Nhưng tôi 65 nhìn ông 66 tôi kính nể lắm, biết mình có tới được như vậy không. Mỗi một năm thêm vào cuộc đời là cả một vấn đề …’ Các chị KTGD ngồi chết lặng, đỏ mặt, cúi gầm xuống, không dám nhìn xung quanh. Nam sinh viên thì thích thú xôn xao bàn tán. Papa Nhuần nói với các chị ‘Văn hóa phương Đông làm các chị phải kiềm chế cảm xúc của mình. Thử coi khi chỉ có toàn mấy bà với nhau coi. Mấy bà còn nói chuyện bạo hơn mấy ông nữa chớ’. Mấy chị KTGĐ càng co rúm người lại, không ai dám nói lại với thầy. Đúng ra, giáo trình thầy dạy, căn bản là dựa theo cuốn Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie. Nhưng với lối dạy thực tế của thầy, sinh viên rất thích thú. Giờ học của thầy thật tự nhiên và thoải mái.

    Một lần thầy yêu cầu sinh viên nói về kỷ niệm mình nhớ nhất trong đời. Thầy chỉ ngay bạn XT, một Cóc Liếm của trường. XT bối rối một chút và … hồn nhiên kể ‘Hồi em còn nhỏ, khoảng 7, 8 tuổi. Em còn ngu lắm. Em chơi bắn bi với các bạn nhưng sợ khi đang chơi lại mắc đái (sic) rồi bắn thua các bạn nên em lấy sợi thun cột con c...(sic) lại. Dè đâu, về nhà mới thấy nó sưng lên tù vù, tím ngắt. Em sợ quá khóc hu hu luôn’. Cả lớp được một phen cười nghiêng ngả, ngay mấy chị KTGĐ thường ngày rất nghiêm nghị cũng phải bật cười vì câu chuyện … có duyên quá. Đó là chưa kể khi nói tới chuyện cột dây thun, XT còn diễn tả hành động đó bằng … tay nữa. Trường hợp này, không biết người ta thường nói ‘Thật thà là cha … cái gì bây giờ’.

    NCT nhớ thầy Nhuần nói ‘Điều khó nhất khi thực hành những nguyên tắc Đắc Nhân Tâm là mình thật lòng làm hay chỉ gượng ép làm để đạt được mục đích riêng của mình’. Thầy Nhuần ơi! Thú thật, em chưa bao giờ sử dụng các điều Đắc Nhân Tâm thầy dạy vì em không thể thật lòng khi làm được. Còn những người khác thì em không biết nên không dám bàn tới.

    Đã chọn nghề dạy học nên NCT rất háo hức đón chờ môn Phương Pháp Giảng Dạy. Thầy Ngô Đình Duyên, phó giám đốc, xử lý thường vụ giám đốc (bây giờ gọi là quyền giám đốc) phụ trách môn này. NCT nhanh chóng thất vọng não nề. Thầy dạy buồn ngủ quá. Thầy chỉ dạy đúng theo giáo trình, không có những thí dụ thực tế để minh họa. Nếu chỉ vậy thì NCT chỉ cần xem sách là được rồi. Sự bất mãn của NCT càng lúc càng tăng cao. Một hôm, cả lớp chờ thầy lâu quá không thấy thầy đến lớp. Sau 30 phút chờ đợi không được, cả lớp ra về (quy chế lúc đó là sinh viên có quyền ra về sau 15 phút không thấy thầy cô đến). Tuần sau, thầy vào lớp và giận dữ la lớp ‘Tại sao tuần trước các anh bỏ về. Khi tôi đến lớp, không thấy một ai hết. Các anh phải biết là ở cương vị giám đốc của tôi, tôi phải thường xuyên tiếp khách. Tôi lên lớp trễ các anh phải chờ tôi chứ. Như vậy mới là NGƯỜI LỚN’. Tự dưng cơn giận tích tụ từ bao lâu nay bùng lên, NCT đứng dậy nói với thầy với giọng nói chậm rãi (NCT khi giận nói rất chậm) ‘ Thưa thầy, tụi em đã chờ thầy nửa tiếng thay vì 15 phút theo nội quy trường. Tụi em không sai trong việc này. Theo em nghĩ, nếu thầy bận rộn vì công việc của ban giám đốc quá thì thầy có thể nhường giờ này cho người khác dạy. Em nghĩ như vậy mới là NGƯỜI LỚN’. Thầy đứng sững nhìn NCT như nhìn thấy một sinh vật ở hành tinh khác (thì đúng vậy thôi). Cả lớp im lặng như tờ. Trấn tĩnh lại được, thầy hỏi ‘ Anh tên gì?’. NCT trả lời ‘Em là NCT, sinh viên năm thứ ba 71 KNH’. Thầy giận dữ ‘Anh có biết thái độ của anh với giảng sư như vậy là vô lễ không. Tôi hỏi anh tên gì, anh trả lời tôi với vẻ thách thức’. Sau đó, thầy quay qua lựa những ‘hòn bi ve’ của lớp để hỏi. ‘Anh cho biết ý kiến về thái độ của bạn mình’. 3 hòn bi ve được chỉ định trả lời giống nhau ‘Dạ. Em nghĩ bạn NCT vô lễ với thầy’. Chỉ có LHL là có đủ can đảm trả lời ‘Em thấy NCT không có ý thách thức gì thầy. Bạn này chỉ trả lời cả tên họ và ban học cho đầy đủ thôi’. Thầy quay lại với NCT ‘Sau những ý kiến của các bạn trong lớp. Bây giờ anh có thấy mình sai chưa?’. NCT trả lời ‘Dạ. Em không thấy mình sai gì hết’. Thầy chỉ tay ra cửa ‘Vậy thì mời anh ra khỏi lớp tôi’. NCT lẳng lặng đứng dậy chào thầy và ra khỏi lớp. NCT gặp Cóc Cắn X. nên cả hai ra quán cà phê. X. nói ‘Tính thầy rất khó, không chỉ với sinh viên mà cả với các thầy cô khác. Thôi thì nhịn thầy đi chứ cương quá không có ích gì đâu. Đụng ai không đụng, đụng ngay người cao nhất trường. Huynh đúng là khác người’.

    Qua tuần sau, NCT vẫn vào lớp ngồi. Thầy Duyên bước vào lớp thấy NCT bèn hỏi ‘Sau một tuần suy nghĩ, anh đã thấy là anh sai chưa?’. NCT đứng lên ‘Dạ chưa. Em vẫn thấy mình đúng’. Thầy chỉ ra cửa ‘Mời anh ra khỏi lớp’. NCT lại lặng lẽ đứng lên chào thầy và ra khỏi lớp. Quán cà phê lại có thêm một khách hàng nữa.

    Qua tuần sau nữa, NCT vẫn vào lớp ngồi chờ. Thầy vào hỏi NCT ‘Sau 2 tuần suy nghĩ anh thấy sao. Tôi xem lại hồ sơ của anh rồi. Tôi tưởng anh là loại con ông cháu cha nhưng không phải. Gia đình anh bình thường thôi mà tại sao anh cư xử như vậy’. NCT lại đứng dậy trả lời ‘Em vẫn không thấy mình sai gì hết. Không lẽ chỉ có con ông cháu cha mới có quyền nói lên ý kiến mình sao’. Thầy Duyên lắc đầu ‘Bao nhiêu năm trong nghề, hôm nay tôi mới bị một tai nạn như thế này. Bây giờ, anh hãy đi ra khỏi lớp và mãi mãi đừng vào trường này nữa. Anh đã bị đuổi! Tôi sẽ gởi công văn báo cho các trường ĐH khác. Anh đừng mong bước chân vào bất cứ trường ĐH nào ở VN này. Mời anh ra!’. NCT lại một lần nữa đứng lên chào thầy và đi ra khỏi lớp.

    NCT cũng buồn vì công lao mình học gần ra trường nay coi như đổ sông đổ biển. Chỉ rắc rối là không biết nói sao với gia đình. Ba NCT chắc sẽ giận dữ lắm. Tội cho mẹ NCT, chắc bà sẽ buồn nhiều. Đứa con đầu tiên trong gia đình vào ĐH nay lại dở dang. Thôi thì tới đâu hay tới đó, cùng lắm NCT lại … lơ lửng giữa trời thôi chứ sao đâu.

    Một người trong ban đại diện sinh viên gặp NCT hỏi thăm tình hình. Anh này nói NCT hãy làm lớn chuyện lên, thông tin cho báo chí biết. Ban đại diên sinh viên sẽ nhảy vào cuộc. Đây là chuyện giám đốc trù dập sinh viên. Sinh viên sẽ biểu tình chống đối để thể hiện quyền tự do của mình, giành lại công lý cho NCT. NCT lắc đầu từ chối, NCT chỉ coi đây là chuyện giữa cá nhân với cá nhân, không muốn chuyện sẽ bị xoay chuyển thành cuộc biểu tình. Thời bấy giờ, học sinh, sinh viên biểu tình thường xuyên. Thường các cuộc biểu tình bắt đầu bằng lý do không lớn nhưng sau đó sẽ chuyển thành những cuộc biểu tình lớn với những động cơ chính trị phức tạp. BGĐ các trường ĐH rất ngại những xáo trộn này trong trường của mình. Sau 75, NCT mới biết anh này là người nằm vùng của cách mạng.

    LHL trao đổi với NCT (LHL cũng trong ban ĐDSV) sau khi gặp và trao đổi với thầy Duyên. LHL cho biết thầy Duyên cũng không muốn làm lớn chuyện, thầy chỉ cần NCT xin lỗi thầy tại phòng làm việc của thầy và sau đó vào lớp xin lỗi thầy trước mặt các bạn. NCT suy nghĩ nhiều trước đó, dù giận thầy nhưng dù sao thầy Duyên cũng là thầy mình. Chỉ vì bực tức là thầy dạy môn mình thích không như ý mình mong đợi nên NCT mới nóng nảy nói với thầy những câu như vậy. NCT có thể xin lỗi thầy trong phòng thầy thì được vì đây là chuyện cá nhân với cá nhân. Nhưng xin lỗi thầy trước lớp thì NCT không thể làm được. Tội nghiệp bạn LHL phải đi gặp thầy và thương lượng lại. Cuối cùng, thầy Duyên cũng đồng ý là NCT vào phòng thầy xin lỗi trước mặt bạn …LHL.

    LHL đi với NCT đi đến trước phòng thầy thì đúng lúc thầy Duyên đi ra. Thầy Duyên hỏi ‘Bây giờ anh đã thấy mình có lỗi chưa?’. NCT buộc miệng hỏi lại ‘Lỗi gì ạ?’. LHL hết hồn, giật giật lưng áo NCT mấy cái. NCT chỉ muốn hỏi thầy muốn nói tới lỗi nào thôi. Lỗi bỏ về khi thầy đến trễ, lỗi nói thầy nhường lớp cho người khác, hay lỗi nói chuyện vô lễ với thầy. NCT nói với thầy ‘Dạ. Em có vô lễ khi nói với thầy như vậy. Dạ. Đúng như thế. Em xin lỗi thầy. Em sai ạ’. Thầy trả lời ‘Thôi được rồi. Lần này tôi tha cho anh. Tôi mong anh không làm những điều tương tự như vậy nữa. Anh đi đi’. NCT cám ơn thầy và đi về với LHL. Bạn LHL nói với NCT ‘Hồi nãy ông làm tôi muốn đứng tim khi ông hỏi ‘Lỗi gì ạ’. Thật hết biết ông luôn’.

    Bạn Cóc Cắn X. rủ NCT ra quán cà phê. X. nói ‘Tôi không tin ông xin lỗi thầy Duyên vì tôi biết tính ông quá. Vậy thì tại sao ông xin lỗi vậy?’. NCT kể lại cho X. nghe. Điều đúng là tôi vô lễ với thầy và điều sai là tôi xin lỗi thầy. X. tròn mắt ‘Ông học ở đâu ra cái kiểu nói quái quỷ đó vậy. Đúng là huynh của tôi’. NCT nói ‘Tôi không tự nghĩ ra đâu. Tôi đọc được cách nói này trong một cuốn truyện: Nhà hát trình bày vở kịch của một văn sĩ. Khán giả la ó vì vở kịch dở quá. Văn sĩ kiềm lòng không được, bước ra sân khấu chưởi khán giả: Đồ con bò. Khán giả giận dữ thêm. Ban tổ chức sợ mất lòng khán giả nên bắt văn sĩ này phải ra xin lỗi khán giả. Anh chàng văn sĩ này ra sân khấu nói ‘Lúc nãy, tôi chưởi quý vị là đồ con bò. Đúng!. Tôi xin lỗi quý vị, tôi sai’. Khán giả vui mừng vì được xin lỗi, vỗ tay ào ào. Hi hi …

    Có lẽ đọc đến đây sẽ có một số độc giả bất bình với NCT, sinh viên gì mà vô lễ quá, đã làm lỗi mà không biết nhận lỗi. Ai có trách thì NCT xin chịu vậy thôi. Cho đến bây giờ, NCT vẫn thấy mình không có lỗi trong chuyện này dù tuổi đã gần …trời, xa … đất rồi.

    Thầy Duyên ơi! Thầy có nói với em, để xem em thấy thế nào sau 20, 30 năm dạy học. Đến nay, em đã dạy học gần 40 năm rồi thầy ạ. Em còn khó tính hơn thầy đối với học sinh của em. Nhưng em vẫn giữ tính công bằng với mọi học sinh. Điểm số em cho không lệ thuộc vào chuyện em thương hay ghét cá nhân học sinh đó và lại càng không lệ thuộc vào thành phần gia đình của học sinh đâu thầy ạ. Thầy có đúng một điều là em khó sống nếu cứ giữ tính tình như vậy. Cuộc đời đã đáp trả em bằng những đòn thù chí mạng (hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) vì tính tình của em. Nhưng thầy yên tâm, đừng lo cho em thầy nhé. Em lơ lửng giữa trời quen rồi nên thấy đó chỉ như là thêm hương vị mắm muối cho cuộc đời mình thôi thầy ạ. Bây giờ, thật tình là em không còn giận thầy nữa. Thầy đừng buồn em nữa nhé thầy. Có lẽ số thầy không may khi gặp phải một sinh viên không giống ai như em thôi. Những sinh viên tròn như viên bi thường được nhiều người thích nên cuộc đời họ không chịu nhiều sóng gió như em. Khi em đi thanh tra các giáo viên trường khác, thỉnh thoảng em cũng gặp một vài giáo viên trẻ vì mặc cảm bị thanh tra đã xù lông nhím lên với em. Em vẫn trân trọng những người này, em chỉ khuyên họ biết dựng gai lên đúng người, đúng lúc, chứ em không tìm cách bẻ gai của họ mặc dù em có quyền hành, đủ điều kiện để bẻ gai họ.

    NCT rất thích những buổi đi thực tế đến các cơ sở tư nhân, nhà nước trong môn học Phúc Trình Kỹ Nghệ. Qua những chuyến đi tham quan để làm phúc trình gởi cho thầy Võ Sáng Nghiệp, NCT học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. NCT ngạc nhiên khi thấy cơ sở làm dụng cụ nhà bếp bằng nhôm, một cơ sở chật hẹp, nghèo nàn mà họ vẫn sản xuất thành công những sản phẩm bán chạy trên thị trường. NCT hết hồn khi nhìn thấy giàn máy tiện, máy dập được bố trí trên một sàn gỗ tầng một. Sàn gỗ bị rung rinh mỗi khi máy dập hoạt động. Cơ sở Mành Sáo làm ra các cửa cuốn bằng thép chỉ cần một kỹ sư duy nhất quán xuyến mọi công việc, trái ngược với xí nghiệp Vikyno của Nhật với giàn kỹ sư Nhật và VN hàng chục người, áo liền quần trắng tinh, sạch sẽ. Lớp của NCT được đi tham quan khoảng gần chục cơ sở như vậy. Mỗi nơi một vẻ với các ưu khuyết điểm riêng, nhưng tất cả đều mang lại cho NCT những kiến thức cần thiết khi ra đời.

    Một môn mà NCT cũng rất thích là môn Khải Đạo (Scout hay Guide, NCT không biết Mỹ dùng từ nào) của thầy Lê Văn Thạnh. Thầy Thạnh cao lớn, đẹp trai, trang phục tinh tươm như một viên phấn mới vừa ra khỏi khuôn đúc. Môn này gần giống với môn tâm lý, không dính gì đến tôn giáo. Nó nêu lên những xung đột giữa thầy-trò, cha mẹ-con cái, anh chị em và những hướng giải quyết. Điều đặc biệt là làm sao không áp đặt ý mình cho đối tượng mà chỉ đưa ra những tình huống có thể giải quyết và đối tượng phải tự quyết định lấy. Ngày đầu tiên vào lớp, thầy Thạnh cho sinh viên xếp lại bàn ghế theo vòng tròn chứ không xếp hàng ngang như thường lệ. Thầy muốn xóa đi khoảng cách giữa thầy trò để sinh viên thoải mái nêu ý kiến. Thầy đưa ra những tình huống thực tế và mời từng sinh viên cho ý kiến giải quyết. Sau đó, thầy phân tích đúng sai kể cả ý kiến … ba phải. Có những hôm, thầy Thạnh cho lớp NCT lên nóc nhà, ngồi quây quần để … học. Gió thổi mát rượi, tâm hồn các sinh viên nhẹ nhàng hơn và đóng góp ý kiến hay hơn. Môn này đã giúp NCT nhiều khi bước chân lên bục giảng. Thầy Thạnh cũng có một văn phòng riêng để tiếp xúc với sinh viên nào muốn tư vấn. Công việc của thầy Thạnh là giúp sinh giải quyết những rắc rối mà sinh viên đang ưu tư. Trong khi đó, trường cũng có phòng Sinh Viên Vụ của thầy Thạch cũng giải quyết những chuyện của sinh viên nhưng nghiêng về hành chánh nhiều hơn. Thầy Thạnh nhanh chóng nhận ra nét bất bình thường của NCT. Thầy nhiều lần nói với NCT nếu rảnh cứ ghé lại văn phòng thầy để trao đổi. Linh tính … lơ lửng của NCT mách bảo NCT từ chối lời đề nghị này. Sau 75, NCT mới biết linh tính mình … đúng. Thần tượng một thời của NCT sụp đổ trước mặt NCT một cách thảm hại. Đây là vết thương đau đớn đối với NCT. NCT đã cố gắng rất nhiều để quên kỷ niệm buồn này. Dù sao đi nữa, em cũng mong thầy vượt qua những đau buồn mà thầy đã gặp phải sau này và sống một cuộc sống bình an. Mong lắm thay!

    Một môn nữa mà NCT được dịp … ‘tung hoành’ là môn Xã Hội Học của thầy Nguyễn Đăng Thạch. Thầy Thạch là người có chừng mực, giữ nguyên tắc nhưng không cứng nhắc. Lần NCT làm nổi sóng trong lớp là bài viết của NCT về việc đồng ý chính sách ‘đốt sách, chôn học trò’ của Tần Thỉ Hoàng. NCT cho là để thống nhất nước Trung Hoa vào thời đó, TTH làm như vậy là đúng. Xã hội nhiễu loạn, chính quyền phải độc tài mới lèo lái con thuyền quốc gia được. Muốn vậy, nhà nước phải áp dụng chính sách ngu dân. Thành phần dân ít học an phận, dễ chấp nhận ách nô lệ mang trên vai. Nhưng học trò là loại có học, đọc sách nhiều nên hay … nhiều chuyện, bày đặt chống đối, thích tự do, … Như vậy, đốt sách và chôn học trò là đúng quá, miễn cuối cùng hình thành được một nước Trung Hoa có trật tự là tốt rồi. ‘Cứu cánh biên minh cho phương tiện’ mà. Hôm trả lại bài kiểm tra, thầy Thạch nhấn mạnh cho NCT biết ‘Tôi chấm cho bài viết của anh điểm cao nhất lớp vì những lập luận chặt chẽ, logic của anh thôi. Anh nhớ mình chỉ nên phiêu lưu trong tư tưởng chứ đừng lầm lẫn áp dụng trong thực tế. NCT phân bua ‘Em rút kinh nghiệm không riêng thời TTH mới có chuyện này, mà ngay tại Trung quốc về sau, cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Hồng Vệ Binh đã giết chết biết bao nhiêu trí thức của nước này’ Lúc đó, NCT chưa biết sau này tới phiên Pôn Pốt ở Campuchia cũng áp dụng chính sách này còn hơn Hồng Vệ Binh Trung Quốc nữa. Thầy Thạch vẫn ôn tồn ‘Đó là sai lầm lớn nhất của Mao Trạch Đông. Anh phải tỉnh táo phân nhận ra khoảng cách từ lý thuyết đến thực tế xa như thế nào mới được’. Một lần khác NCT cũng đã làm thầy Thạch ngạc nhiên với bài viết về kết cấu làng xã VN. Khi trả bài, thầy nói ‘Anh có tư tưởng lạ thật. Nếu tôi không biết rõ anh thì tôi đã nghĩ anh là cộng sản rồi. Tôi vẫn cho anh điểm cao nhất vì lập luận của anh thôi. Tôi không sợ dính líu vào chính trị nhưng anh có biết anh viết theo tư tưởng gì không?’. NCT ngượng ngùng ‘Dạ biết. em lập luận theo kiểu Đệ Tứ Quốc Tế cộng Sản, phe Troskyist. Em thấy biện chứng này đúng với làng xã Việt Nam’. Thầy lắc đầu ‘Đúng đó! Em khác thường thật. Hầu như sinh viên đều không thích tìm hiểu chính trị vì nó khô khan và khó hiểu. Vậy mà anh lại chịu khó nghiên cứu nó. Tôi chưa gặp sinh viên nào lạ như em’. Sau này, khi có sự đụng chạm giữa NCT và thầy Duyên, thầy Thạch lắc đầu ‘Tôi không lạ việc này. Tính của anh như vậy sớm muộn cũng sẽ đụng với thầy Duyên’. Qua cách nói chuyện của thầy, NCT cũng nhận ra được thầy và nhiều thầy cô khác không thích cách điều hành trường của thầy Duyên nhưng không dám nói. Dù vậy, thầy, ở cương vị phụ trách sinh viên vụ, cũng cố gắng hòa giải giữa thầy Duyên và NCT nhưng thất bại. Lúc đó, thầy Duyên nói với thầy là thầy Duyên dứt khoát không muốn gặp mặt NCT, một sinh viên vô lễ với thầy nữa.

    Lúc học ở ĐH, NCT thấy thầy Mã Tường An dạy môn Kỹ Nghệ Gỗ (thầy mới đi tu nghiệp bên Mỹ về). Lúc ở TH Cao Thắng, thầy An dạy lớp NCT môn Ô tô. Thầy An có dáng người cao cao, ốm, trắng trẻo như nột thư sinh nho nhã. Thầy rất hiền và thường cười vui với học sinh. Thầy có thói quen xưng hô lạ là ‘TA với NHÀ NGƯƠI’. Một hôm, khi thầy giảng cho lớp cách tháo lắp bộ chế hòa khí Solex xong, thầy nói ‘ Thôi, bây giờ TA phải lên phòng hành chánh đây, đến khi TA về mà NHÀ NGƯƠI chưa làm xong thì biết tay TA đó’. Thầy vừa quay lưng đi, chàng Cóc Liếm Q. trong lớp nói liền ‘TA chưa làm xong mà NHÀ NGƯƠI đã về thì sẽ biết tay TA đó’. Thầy An quay lại nhìn Cóc Liếm lắc đầu cười, chỉ chỉ mặt cóc Liếm ‘Quá lắm nhé!’.

    Một lần khác, thầy An đang đứng giữa đám học sinh, giảng về bộ đánh lửa. Cóc Liếm từ ngoài cửa xưởng vội vàng chạy vào vì đi trễ. Chàng ta thấy cả lớp đang đứng đông đủ mà lại không thấy thầy An. Chàng ta la to ‘Tụi mày làm cái gì mà xúm xít như ‘ruồi bu c… ngựa’ vậy?’. Cả lớp hết hồn, ai cũng nghĩ chết tên này rồi, phát ngôn bừa bãi quá. Cóc Liếm nói xong mới thấy thầy An, hắn ta chết điếng ‘Ý! Thầy hả?’. Vậy mà thầy An chỉ cười hiền lành và nói ‘Nhà ngươi đã đi trễ rồi mà còn nói năng lung tung quá. Vào học đi!’. Cóc Liếm bị một phen hú vía. Vậy chứ anh chàng này vẫn tật nào như tật đấy, không bỏ được tật nói nhiều. NCT nói với Cóc Liếm ‘Miệng ông lúc nào cũng như cái đít vịt ấy. Xoèn xoẹt suốt ngày’. Chàng ta cười hề hề, không giận vì bị ví cái miệng như đít vịt ‘Tại tao quen rồi. Má tao nói, tao nhiều chuyện từ khi còn trong … bụng bả mà’.

    NCT ở trung học chỉ học một sinh ngữ Pháp văn. Lên ĐH, NCT mới đi học Anh văn để nghiên cứu thêm các tài liệu nước ngoài. NCT tò mò vào dự lớp Anh văn của ông Berry E Morton. NCT toát mồ hôi nghe ông giảng. NCT cảm thấy như mình hứng từng …tảng bê tông tiếng Anh lên người. Chữ nghĩa gì mà như có keo dính từng chùm một, nghe như tiếng … Tây. Không hiểu gì cả! Ông ấy yêu cầu tìm một thí dụ cho từ THING. Ông Morton chỉ ngay NCT. Chàng ta ú ớ và chợt nhớ tới … cây săn máu ‘TREE!’. Ông Morton ngớ người ra một chút rồi cười lớn ‘All right’. Hú hồn hú vía!. Lần sau NCT không chơi dại vào học lén lớp ông này nữa. NCT lúc đó chỉ học thêm Anh văn buổi tối để xem tài liệu thôi chứ không học đàm thoại.

    Còn nhiều thầy cô đã đi qua cuộc đời sinh viên của NCT, nhưng tiếc thay không để lại ấn tượng nhiều nên NCT không nhớ. Nhưng ngược lại, có những thầy cô không dạy NCT nhưng NCT vẫn nhớ. NCT thích ngắm dáng cao cao, quý phái của cô Đặng Thị Anh (AV), thích dáng người nhỏ nhắn xinh xinh của cô Huỳnh Phương Mai (KTGĐ), thích vẻ trầm tĩnh, nghiêm nghị nhưng thân thiện của cô Tăng Thị Ngọc Thi (KTGĐ), thích thầy Phạm Văn Rao (AV) với vẻ nghệ sĩ, bất cần đời, … Ủa! Hình như NCT thích các cô nhiều hơn các thầy.

    3 năm học ở Thủ Đức đã cho NCT nhiều kỷ niệm thật đẹp nhưng cũng chen vài kỷ niệm không hay. Rồi biến cố 75, một cuộc xáo trộn quá lớn. Sau những ngày tháng học chính trị, đi lao động liên miên, cuối cùng NCT cũng nhận được đồ án tốt nghiệp để làm và chuẩn bị ra trường … Đây cũng là giai đoạn để lại cho NCT một dấu ấn thật sâu đậm: NCT gặp lại CBĐT, với những ngày hạnh phúc ngắn ngủi nhưng thật đẹp. Hợp rồi tan, tan rồi hợp và cuối cùng phải chia tay nhau trong đau xót và ân hận …

    Cách đây mấy năm, NCT có dịp về lại trường xưa. NCT thật ngỡ ngàng và thất vọng. Ngôi trường thoáng mát, thơ mộng năm xưa đâu rồi. Bây giờ NCT chỉ thấy những khối nhà chen chúc nhau tạo cảm giác nghẹt thở, tù túng. NCT cũng biết theo thời gian, trường phải phát triển thêm để đáp ứng số sinh viên ngày càng tăng. Nhưng dù sao, NCT vẫn chỉ thích hình ảnh xưa của trường thôi.

    NCT có lẽ cũng giống như những sinh viên khác, không thể nào quên được ngôi trường thân yêu từng ấp ủ mình trong những ngày tháng đẹp nhất của đời người. Tạm biệt ngôi trường CĐSPKT, tạm biệt ĐHGDTĐ thân thương … Ngôi trường xưa bây giờ chỉ còn trong ký ức. Tiếc lắm, buồn lắm …

    NCT

    Bài Liên Quan:

    Hình Ảnh Thầy Cô từ Kỷ Yếu 72-74

    Khóa 71

    Hình Ảnh Sinh Hoạt từ 72-73

    Bài số 1 - Năm Thứ Nhất - CĐSPKT - NCT

    Phiên Gác Đêm Hè 72. - Fri. 30-09-2011

    Comments (8)

    YThu

    Cám ơn NCT đã chia xẻ những kỷ niệm trong hồi ký về thầy cô xưa và bạn cũ qua quá trình thành lập trường với độc giả SPKT, cũng là giải đáp thắc mắc của bạn TXĐ (74KNN)

    Mong quí thầy cô và các ACE cùng thưởng thức và chia xẻ những gợi nhớ trong suốt thời gian dưới mái trường xưa...

    Thân mến,

    Oct 5, 2012 at 12:16:38 - Hồng Thúy (78KNC)

    Anh NCT,

    Đây là đúng là "tác phẩm vĩ đại" về lịch sử ngôi trường DHSPKT của chúng ta. Anh viết công phu , chi tiết và cũng thật vui nhộn , dí dỏm. Em phục NCT!!!

    Anh có trí nhớ tốt quá , kể vanh vách những hồi ức xa xưa với các thầy dậy liên hệ các ngành học, chứng tỏ NCT ... chưa già!!! Còn em , vì là NCD, trí óc đã mai một,quá khứ mờ mịt... chẳng nhớ gì hết, hình ảnh ngôi trường chỉ còn là quá khứ xa xăm, gương mặt bạn bè mờ mờ ảo ảo!!

    Bây giờ hình ảnh ngôi trường, các thầy cô,các Anh chị hình như đuợc phô trương lên hết.. Em thiệt muốn biết rõ danh tính anh NCT được không??? chứ người này đoán , người kia mò , em thấy "khó chịu" quá.

    Anh NCT bây giờ xuống trần rồi thì phải là Người cõi Trần.. và như vậy phải là "Người Có Tên", "Người Có Tuổi".

    Em muốn biết "tục danh" và niên khoá của anh bên cạnh bút hiệu NCT. Trừ phi anh là "Người cố Tình" hay là "Người Cam Tâm" chịu mãi cảnh lơ lơ lửng lửng trên mây!!!!cho thiên hạ nghĩ sao cũng được.... Nếu anh "Người Cứ Thế" sống hoài giữa mơ .. thực thì mệt mỏi lắm!!! Vậy anh nghĩ sao hở anh "Người Chung Tình"???

    HT

    Oct 6, 2012 at 12:36:05 - Cuong Tran (73KCN)

    Chúc mừng ông anh về bài lịch sử ngôi trường DHSPKT của chúng ta. Em nghĩ đây là tác phẩm công phu, tài liệu phong phú, lối viết dí dỏm, và làm người đọc ngạc nhiên về những chi tiết đã được kể đến. Hồi trước trong trường ông anh người Bắc, cao cao đẹp giai ít nói, lúc nào cũng có bóng dáng của mấy nàng sinh viên ở bên, nhưng đâu ngờ ông bật mí những phá phách nghịch ngầm như vây...

    Hồng Thúy ơi, "người chung tình" hay "người chung thủy" phần lớn là người có tài, là "người có tật" hay giật mình lắm... HT cứ lấy những câu đố của anh Hùng "đen đen trắng trắng...", và những giải đáp cũa Líu Lưỡi, là em quả quyết anh đó là N. Anh Tuấn(71 KNH) chứ còn ai vào đây... Vì hai ba người quả quyết là anh ấy là N.A.T., anh ấy im re không lên tiếng, thì những người khác có thể nói "đúng là %C

    Sat, October 6, 2012 8:06:14 PM - NgocLan (74KNN)

    Chào anh NCT ( Người cõi Trên , Người có Tội , Người có Tâm) đều đúng với anh Cả (anh lớn nhất trong trường)

    Thật hân hạnh cho đàn em có được một "nhân chứng lịch sử "số 1 của trường, kể cho tụi em biết về nguồn gốc và sự ra đời của trừơng ĐHSPKT-TĐ, cùng tất cả hình ảnh xưa và những kỷ niệm của khóa đàn anh từ ngaỳ thành lập trường , thật là đáng quý biết bao .Thích nhất là những mẫu chuyện khôi hài trong lớp được anh kể lại với giọng điệu rất chân tình và thật thà . cùng những kỷ niệm và hình ảnh với các giáo sư cũ ở trường, đặc biệt lớp thầy An làm tụi em cười quá chừng.

    Phải công nhận các SV khoá đàn anh 71-72-73 chững chạc và "woai phong " làm sao , tụi em rất ngưỡng mộ , khi đi xem triển lãm các dụng cụ máy móc các anh chế tạo . Tụi em tự nghĩ "sao các anh giỏi quá vậy nhỉ?", Từ Khóa 74 trở đi sau này ,sao thâý tụi em lóc chóc và nhỏ hơn các anh các chị ngày xưa nhiều , nên không còn thấy "woai phong lẫm liệt" như các khoá đàn anh .Hay một phần ngày xưa chương trình học khó hơn , người thi đậu vào ĐH rất hiếm , các anh lại trưởng thành hơn , có Ban Đại Diện Sinh Viên làm việc theo phong cách "Sinh Viên Tự trị" không lệ thuộc vào Ban Gíam Hiệu và tự tổ chức các buổi quyên tiền cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung ,giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc nên tụi em rất ngưỡng mộ các anh "Sinh Viên" của các khoá đàn anh lắm lận.

    Cũng nhờ " Các nhân tài đi lạc" vào trừờng ĐHSPKT mà ngày nay tụi em được thưởng thức những bài văn hay, nhửng bài thơ bài hát truyền cảm ghi lại những kỷ niệm xưa trong trường , thật là may mắn cho tụi em biết chừng naò . Được đọc những câu chuyện NCT kể lại rất hấp dẫn , ai cũng hồi hộp thích thú theo dõi , nên NCT cứ tiếp tục phát triển "tài văn sĩ" để cho mọi người được thưởng thức nha.

    Được người vắt tâm óc ra ngồi viết kể lại cho mình nghe , mình đọc cũng như mình đang thưởng thức một món ăn "tinh thần", mà mình không nói một lời cám ơn , thật là một thiếu xót lớn phải không ạ ? Cũng như mình đi ăn không trả tiền mà cũng chả cho "tip". " Lời nói không mất tiền mua , lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau,một lời khen dù ít , cũng làm cho người viết lên tinh thần và mình còn được nghe kể dài dài những thiên tình sử lâm ly bi đát của lứa tuổi Sinh viên cũng như lứa tuổi "Gần trời ...xa đất " của NCT .Cám ơn NCT đã cho độc giả có những giât phút vui tươi trở về kỷ niệm ngày xưa dưới mái trường ĐHSPKTvà Thân chúc NCT luôn khoẻ mạnh và tiếp tục phát huy khả năng "thiên phú" để độc giả được thưởng thức tiếp những mẫu chuyện vui buồn của "SPKT truyền kỳ" .

    NgọcLan

    Oct 6, 2012 at 21:19:43 - Líu Lưỡi

    NCT có trí nhớ phi thường. RAM của ngài phải tính từ Tera, Peta trở lên, chứ cỡ Giga hổng nhằm nhò gì hết.Nghe ngài kể truyện học sinh NTT và CDSPKT hành quân chiếm cơ sở Thủ Đức, "không cãi nhau gì hết", nhưng chắc là "sẵn sàng ứng chiến" làm em sợ lắm. Anh Hai của em nói ngày xưa học sinh kỹ thuật mà đánh nhau là "có kỹ thuật và năng suất cao" nghe thấy phát khiếp.Mà công nhận NCT cũng "đầu cứng" thật, quyết tâm không phục thầy Duyên. Đầu cứng như vậy nên đánh nhau chắc không có sẹo ...NCT thử về kiểm tra lại xem em nói có đúng không.

    Các chứng cứ khoa học đã lộ rõ NCT là ai rồi, nhưng ngày càng có nhiều ẩn số về CBĐT: Cô Bé Lấp Lánh, Cô Bé Khảy Đàn....Máy siêu vi tính của em đang có khuynh hướng đặt giả thuyết 3 nhân vật này là một. NCT vui lòng giác ngộ cho chúng sanh để chúng sanh khỏi mất công nghiên cứu.

    Oct 9, 2012 at 08:23:17 - lxd 77knn

    Chị Ngọc Lan nói: “đọc bài mà không còm men thì giống như ăn xong mà không trả tiền” làm Xd “nhột” quá! Thiệt là làm biếng cũng… không yên! Hì hì!

    Bài anh NCT rất lôi cuốn! từ những bài Cóc Cắn, Cóc liếm cho đến bài truyền kỳ về ngôi trường của chúng ta. Thật tình không phải một lần mà XD đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, và không hiểu sao anh NCT lại nhớ hay như vậy!

    Hồi xưa XD cũng bị ép buộc phải “xin lỗi thầy” về một chuyện mà mình nghĩ rằng “ không có lỗi gì cả”. Nay đọc chuyện anh NCT xin lỗi thầy thì cảm thấy… đồng cảm phần nào, nhưng cũng công nhận là anh NCT … “ba gai” thiệt! Còn Xd thì chắc chỉ là “2 gai” thôi!

    Anh NCT viết “thật” quá nên không dám khai tên thật! Bà con, cô bác đừng bắt anh khai ra, tội nghiệp!

    Oct 9, 2012 at 08:33:10 - BBT-mm

    NCT khai ra gần hết "chuyện đời tôi" và lớp của NCT rồi đó... Còn Líu Lưỡi thì sao? các ACE ta théc méc về Líu Lưỡi lắm đó, "LL là ai? Lớp nào"... LL "vui lòng giác ngộ cho chúng sanh để chúng sanh khỏi mất công nghiên cứu.", hihi!

    BBT-mm đang collect bài vỡ về BCTX để cho bài SPKT-TK được phong phú thêm, mong đón nhận thêm bài viết mới của tất cả các lớp/khóa khác.

    Đa tạ!

    Oct 15, 2012 at 19:44:22 - Líu Lưỡi 80 KNC

    Trời ơi, Ngài đúng là bậc Cô Hồn Các Đẳng Người Cõi Trên. Em tưởng Ngài nói chơi, hóa ra Ngài nói thiệt. Em lỡ dại nói Ngài là Người Có Tội, xin Ngài tha tội cho em.

  • #2
    Hi anh NCT,

    Cuối cùng NCT cũng mang được thêm bài về phòng riêng của mình rồi ha'.:super:

    Anh than "sao khó quá", mèn ơi dân kỹ thuật mà than khó mấy chuyện này sao? :shocked2:

    (Nói vậy sẽ đụng chạm đến các sư huynh hiện đang xây nhà lầu trong diễn đàn, như bác Hùng nhà ta cũng rên rĩ cả tuần, hihi!):cuoilan:

    Anh NCT từ từ đọc qua các hướng dẫn cách post hình ảnh vào bài và vào gallery, mp3 và video youtube cũng tương tự là kể như xong.

    Mong anh dạo chơi thường xuyên nha'. (Đến mùa hè này NCT sẽ nghỉ hưu, hy vọng rằng anh sẽ có nhiều thời rảnh để viết tiếp, để 'quậy' các ace cho vui)

    Thân,

    YT

    Comment


    • #3
      Anh NCT , các bạn thân mến

      Sẽ có rất nhiều người vui khi thấy các bài viết của NCT đã "tự "xuất hiên trên diễn đàn . Đây là một bước hứa hẹn đầy hấp dẩn cho tương lai của diển đàn SPKT-TĐ .

      Xin chúc mừng các độc giả và cám ơn ngườì có nhiều tài và người biết năn nỉ đúng cách .

      Thân ái

      NTT

      Comment

      Working...
      X