Announcement

Collapse
No announcement yet.

Phòng trà nơi ngày tháng cũ & Chuyện tình của Thúy

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Phòng trà nơi ngày tháng cũ & Chuyện tình của Thúy

    Có thể nói, môi trường phòng trà – vũ trường ở Sài Gòn ngày xưa từng là nơi chắp cánh cho rất nhiều giọng ca tỏa sáng. Có lẽ ít nhất cũng phải 70 – 80% số ca sĩ một thời đã từng gầy dựng tên tuổi mình từ chốn này và từ đó, đã ghi dấu một chuyện tình một chiều nổi tiếng...
    Từ em tiếng hát lên trời


    Đầu thập niên 1940, nói cho đúng, các ca sĩ phòng trà – vũ trường chỉ mới lác đác xuất hiện tại Việt Nam, mà ở phía Bắc trước. Khi ấy thì chắc chắn quán Nghệ Sĩ ở Bờ Hồ, Hà Nội, do 3 nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp, Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước cùng đứng ra tổ chức, là phòng trà đi tiên phong. Cũng từ môi trường đó, lớp ca sĩ đầu tiên đã thành danh, như Thương Huyền, Mai Khanh, Hoàng Giác, Ái Liên… nhưng thành công hơn cả là nữ ca sĩ Kim Tiêu với chất giọng xuất sắc, cùng âm vực rộng đã thực sự khắc tên mình vào lòng người.

    Thời đó, đất Hà thành có 2 tên tuổi lớn trong nền văn học cận đại Việt Nam là nhà văn Nguyễn Tuân và thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Nguyễn Tuân hơn Vũ Hoàng Chương 6 tuổi, và họ là bạn thân của nhau, cùng làm khách thường xuyên của phòng trà Nghệ Sĩ. Đêm nào có mặt tại đây, uống chưa say là hai ông chưa chịu ra về. Sinh tiền, nhà thơ Vũ Hoàng Chương vẫn luôn nhắc đến tiếng hát Kim Tiêu, như một trong những hoài niệm về Hà Nội luôn hiển hiện nơi ký ức của ông.
    Phải đợi đến cuối thập niên 1950, Sài Gòn mới chính là đất tốt cho hoạt động phòng trà – vũ trường phát triển. Không ít ca sĩ đã từ đó mà rực rỡ tên tuổi. Vào thời điểm ấy, các phương tiện nghe - nhìn còn rất hạn chế và công nghệ lăng-xê vẫn còn rất xa lạ ngay trong giới văn nghệ. Do đó, hầu hết các ca sĩ nếu đã tạo được tiếng tăm là chủ yếu dựa vào tài năng đích thực của mình. Ngoài ra, cũng ít người được đào tạo bài bản mà may lắm, cũng chỉ thông qua các lò nhạc trong một thời gian ngắn. Cái chính là chất giọng thiên phú, và chẳng ai hát giống ai!

    Trước tiên, tại Sài Gòn phải kể đến phòng trà Anh Vũ nằm trên đường Bùi Viện. Ra đời vào khoảng cuối 1957, lớp ca sĩ tiên phong của nó đã sớm được người yêu nhạc biết đến, với các nam danh ca Duy Khánh, Việt Ấn và các nữ ca sĩ Nhật Thiên Lan, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu. Chính nơi đây, ca khúc Hận Đồ Bàn với tiếng hát trầm ấm của Việt Ấn đã làm say mê người nghe. Cũng tại phòng trà Anh Vũ, người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Ánh 9 lần đầu đã đệm dương cầm cho nữ ca sĩ Thanh Thúy biểu diễn rất thành công tác phẩm đầu tay Ướt Mi (1959) của Trịnh Công Sơn. Có một sự nhìn nhận mà trong giới văn nghệ Sài Gòn thời đó, hầu như ai cũng biết: Thanh Thúy không chỉ hát hay, có chất giọng khàn đục độc đáo nên được tặng biệt danh “tiếng hát Liêu Trai”, mà bà còn có một mái tóc dài gợn sóng và vóc dáng một nàng Thơ. Mỗi lần đứng trên sân khấu, một tay bà thường xoa nhẹ lên tóc mình và tay kia thì đưa ra trước ngực để bày tỏ xúc cảm trong lúc hát. Thi sĩ Hoàng Trúc Ly, khá nổi tiếng thời đó, đã là một trong không ít nghệ sĩ rất say mê hình ảnh và tiếng hát Thanh Thúy. Ông đã làm 4 câu lục bát để đời này tặng riêng bà:

    Từ em tiếng hát lên trời
    Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh
    Giọt buồn chẻ xuống hồn anh
    Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau…

    Ấn tượng sâu sắc nhất mà phòng trà Anh Vũ đã để lại trong lòng công chúng là sự hiện diện hàng đêm của ca sĩ Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, cùng Hoài Trung, Hoài Bắc. Tiếng hát trong vắt, ngọt lịm với những nốt luyến láy như rót mật của Thái Thanh đã thật sự chinh phục mọi trái tim người yêu nhạc.
    Ngoài Anh Vũ, thời điểm đó, Sài Gòn còn có phòng trà Trúc Lâm trên đường Phạm Ngũ Lão, nhưng nó chỉ tồn tại được một thời gian ngắn rồi đóng cửa vì vắng khách. Chỉ có phòng trà Hòa Bình, tọa lạc ngay trước chợ Bến Thành là có thể cạnh tranh với Anh Vũ. Người ta tìm đến đây để được nghe nữ ca sĩ Bích Chiêu, chị ruột nam danh ca Tuấn Ngọc, thổi hồn nhạc jazz vào những ca khúc trữ tình, trong đó bài hát Nỗi lòng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh được xem là ca khúc biểu diễn thành công nhất của bà.

    Nhưng Hòa Bình không chỉ có một Bích Chiêu mà còn có Cao Thái, với làn hơi dài, đã chinh phục người nghe bằng những bài hát ngoại quốc mà tiêu biểu nhất các bài thuộc dòng nhạc Mỹ La-tinh. Ở đây, còn có một Trúc Mai mà chất truyền cảm của bà đã khó có giọng hát nào sánh được, nơi những ca khúc mang âm hưởng bolero – rumba.

    Một khuôn mặt lừng lẫy nữa xuất hiện hàng đêm ở đó là nữ danh ca Bạch Yến. Xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn mô tô bay từ thuở bé, một tai nạn nghề nghiệp khiến Bạch Yến đã bỏ cái nghề nguy hiểm đó để bước vào đời ca hát. Trước tiên là ở phòng trà Trúc Lâm, lúc đó Bạch Yến chỉ là ước mong được hát, kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Rồi khi gia nhập vào phòng trà Hòa Bình, với giọng trầm hiếm có, Bạch Yến đã nhanh chóng sáng giá mà ca khúc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương do bà thể hiện đã mãi mãi đi vào lòng người.

    Từ 1963, hoạt động phòng trà ở Sài Gòn càng trở nên sôi nổi. Lúc bấy giờ, mô hình phòng trà đi kèm với vũ trường đã mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1 và lan sang quận 3 đã có đến mấy chục điểm, điển hình là Maxim, Khánh Ly, Tự Do, Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Orchalet, Rex, Continental, Jo Marcel, Thanh Thế, Kim Sơn, Olympia, Văn Cảnh, Tháp Ngà, Ritz, Baccara. Khách đến đó vừa nghe nhạc vừa có thể nhảy đầm. Đây là thời điểm của Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Nhật Trường, Thanh Lan, Carol Kim, Ngọc Minh, Lan Ngọc, Hồng Vân, Connie Kim, Cathy Huệ, Julie Quang. Thậm chí có doanh nhân vì mê âm nhạc quá mà cũng biết cách làm ăn, dùng âm nhạc để kích thích chuyện kinh doanh của mình, như câu chuyện về ông chủ hãng kem Hynos, đã đầu tư vào Maxim và giao nó cho nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ xoay sở về chương trình hàng đêm.

    Cũng cần phải nói thêm, dạo đó ca sĩ Sài Gòn được chia thành 2 nhóm. Một là chuyên hát phòng trà – vũ trường như đã nói, và một chỉ xuất hiện ở các đại nhạc hội và những chương trình tạp kỹ lưu diễn các tỉnh, như Túy Phượng, Hùng Cường – Mai Lệ Huyền, Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Phương Hồng Quế. Nhưng dù ở nhóm nào đi nữa, diva Thái Thanh vẫn được nhìn nhận như con chim đầu đàn. Thái Thanh hoàn toàn xứng đáng với cụm từ “Tiếng hát vượt thời gian” mà cuộc đời dành tặng bà.
    Kỷ niệm về những phòng trà này, với lứa chúng ta - Ắt hẳn lúc đó có nhiều người vẫn chưa kịp lớn để có đủ tư cách bước vào trong đó, nghe những bài mình yêu thích từ những giọng hát mình ngưỡng mộ - chắc chưa đủ để thấm đẫm. Nhưng dẫu sao, ấy vẫn là kỷ niệm của một lứa khán giả yêu nhạc lớn hơn.
    "Thúy đã đi rồi"!

    Làng văn nghệ Sài Gòn trước 1975 từng chứng kiến nhiều chuyện tình nổi tiếng giữa các nghệ sĩ lừng danh, mà phần lớn là có những kết thúc buồn hoặc không như ý. Câu chuyện giữa nam nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Long và nữ ca sĩ Thanh Thúy là một, như cố văn sĩ Du Tử Lê ghi lại.
    ... Trong số hàng chục nghệ sĩ từng bày tỏ tình yêu một chiều với Thanh Thúy, dư luận đã ghi nhận một người can đảm đi hết con đường tình một chiều dài thăm thẳm của mình, mà không hề có khoảnh khắc ngập ngừng nào, đó là đạo diễn - tài tử Nguyễn Long. Ông tên thật Nguyễn Ngọc Long, sinh ngày 2/3/1934 tại Hải Phòng, mất ngày 2/11/2009 tại Seattle, Washington. Trong một hồi ký được tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ, bộ cũ, số 36, đề Tháng Sáu 1995 đăng lại, Nguyễn Long từng cho biết, trước khi thực hiện phim Thúy Đã Đi Rồi vào cuối năm 1961, ông đã có tất cả 3 vở kịch, mà Thanh Thúy là linh hồn của cả ba. Đó là các vở Ghen được diễn tại rạp Cathay và sân khấu Anh Vũ – với Xuân Dung đóng vai Thanh Thúy, hợp cùng các diễn viên khác trong đó có chính Nguyễn Long vào đầu năm 1960. Vở thứ hai, Khi Người Ta Yêu Nhau, diễn tại rạp Hưng Đạo cũng trong năm 1960, thì Kim Cương nhập vai Thanh Thúy, cùng Túy Hoa, Bảy Xê, Ngọc Phu, Ba Bé và vẫn Nguyễn Long. Rồi vở thứ ba, Tan Tác cũng vẫn có Kim Cương vai Thanh Thúy, cùng với Vũ Đức Duy, Vân Hùng, Túy Hoa, và… lại Nguyễn Long.

    Không biết có phải, vì thấy 3 vở kịch ấy viết riêng cho “tiếng hát Liêu Trai” vẫn chưa đủ “nặng cân” để Thanh Thúy chú ý tới tình yêu cuồng nhiệt của mình nên tháng 11/1961, Nguyễn Long lại viết và quay cuốn phim Thúy Đã Đi Rồi với Minh Hiếu vai Thanh Thúy, Yến Vĩ vai Thanh Mỹ (Em ruột Thanh Thúy) và Mai Trường, Trần Văn Trạch, Ánh Hoa cùng nhiều nghệ sĩ khác, như Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Hương, Hề Minh. Phim mô tả một ông đạo diễn yêu say mê một ca sĩ, nhưng không được đáp lại. Ông ta bị ám ảnh tới mức thấy thiếu nữ nào, ông cũng liên tưởng tới người ca sĩ mà ông đã đem lòng tương tư đêm ngày. Cuối cùng, trong một phút bốc đồng, mất kiểm soát, người đạo diễn kia đã bắt cóc và giết chết cô ca sĩ. Tuy nhiên, không nhờ thế mà ông ta xóa nhòa được hình ảnh cô trong tâm tưởng. Cuối cùng, ông ta đã chọn một ngày ra đứng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, để tự vẫn. Yêu từ ngoài đời đem vào trong tác phẩm nghệ thuật đến thế là cùng!

    Có lẽ vì tính bi thảm quá dữ dội của nội dung, nên Thúy Đã Đi Rồi khi làm xong vẫn bị cấm tới năm 1964 mới được phép công chiếu. Khi đó, chính Nguyễn Long đã lập gia đình và vì đó là chuyện tế nhị, nên chỉ kể lại: “Phim chỉ được chiếu một lần ở Sài Gòn và một lần ở Huế, thế thôi. Dù sao, nó cũng đã được biết đến trong quần chúng”. Vẫn theo ông, tên phim đã lan nhanh trong đời sống giao tiếp của người dân Sài Gòn tới mức, nó sớm trở thành một cách nói lóng mới. Ví dụ khi người ta đi tìm bạn, không gặp, người tìm sẽ để lại lời nhắn rằng “Thúy đã đi rồi”, hoặc khi muốn mô tả nỗi luyến tiếc một tình cảm bay biến mất, người ta cũng chỉ còn biết than thở: “Thúy đã đi rồi!”.

    Nguyễn Long cũng nhớ lại như trong bài viết trên, thời điểm phim sắp sửa công chiếu ngắn ngủi ấy, cũng là thời điểm chính Thanh Thúy nghỉ hát để lo chuyện gia đình: Cô thành hôn với đại úy không quân Không quân Ôn Văn Tài, vào năm 1963. Năm 1967, “tiếng hát Liêu Trai” trở lại với không khí phòng trà Ritz ở đường Trần Hưng Đạo, không thành công. Nửa chừng, Thanh Thúy bỗng trở lại Cần Thơ, là nơi có căn cứ không quân mà đại úy Tài phục vụ. Tới cuối năm 1972, một lần nữa, Thanh Thúy trở lại Sài Gòn, hát cho phòng trà Quốc Tế, đường Lê Lợi, với ban nhạc Ngọc Chánh. Lần này, “Tiếng hát lúc không giờ” được mô tả là thành công. Như lời chính Nguyễn Long cảm nhận, chứng tỏ ông chưa bao giờ ngừng để ý đến người trong mộng một thời của mình: “Sự kỳ diệu hiếm hoi đã xảy đến, khi tiếng hát của Thanh Thúy lại vang xa, xa hơn nữa so với quá khứ, và vẫn thu hút, quyến rũ như ngày nào…”.
    Trong hồi ký của mình, Nguyễn Long còn kể một chuyện hồi đầu năm 1963, ca sĩ Duy Khánh - Một trong những nghệ sĩ cũng từng âm thầm theo đuổi Thanh Thúy nhiều năm trước - tổ chức một chương trình đại nhạc hội ở 3 nơi: Huế, Đà Nẵng và Quảng Trị. Phần kịch, Duy Khánh chọn diễn mấy vở của Nguyễn Long cùng phần hát của ban nhạc Thăng Long, Thanh Thúy, Mai Vi, Khánh Băng. Sau đêm hát cuối cùng ở Quảng Trị, mọi người trở lại Đà Nẵng để lên máy bay về Sài Gòn. Theo sắp xếp, trên chiếc Citroen chạy từ Quảng Trị về Đà Nẵng sẽ có vợ chồng Nguyễn Long, Hoài Bắc, Thanh Thúy và Duy Khánh. Tuy nhiên, để bày tỏ tình yêu cũng như cho thấy sự liều lĩnh của mình nhằm gây ấn tượng với người đẹp, Duy Khánh đã nhất định không đi xe hơi mà một mình chạy chiếc Vespa về. Đường xa có hàng trăm cây số, theo Nguyễn Long nhớ, có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên, xuống đèo rất nguy hiểm nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc Vespa như bay trước mũi xe Citroen.

    Nguyễn Long viết: “Nhiều khi, Khánh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và… sẵn sàng chết. Nhưng với những trường hợp như thế, hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười”.
    Sự việc diễn ra ngay trước mắt mình này lúc ấy khiến Nguyễn Long chợt phải nhìn lại chính mình. Ông nhớ, mình từng yêu Thanh Thúy chẳng kém gì, và từng có 400 đêm ngủ trước cửa nhà Thanh Thúy. Ông cũng có 9 lần lái xe đâm thẳng vào quán Anh Vũ, lúc Thanh Thúy có mặt, đang trình diễn. Ngoài ra, trong thời gian quay phim Thúy Đã Đi Rồi ở Huế, thình lình một lần nhận được điện thoại của “tiếng hát Liêu Trai”, chính Nguyễn Long cũng từng đã lái xe từ lúc 5 giờ sáng ở Huế, để có mặt tại Sài Gòn lúc 9 giờ tối ở phòng trà Tự Do!
    Ông tâm sự rất thật lòng: “Rất nhiều lần tôi cố tỏ ra là một cây si nặng cân, nhưng cũng chỉ nhận được một nụ cười, như nụ cười chính Thanh Thúy đã dành cho Duy Khánh mà thôi”.

    Sau biến cố 1975, mãi tới tháng 5/1981, người thực hiện và đóng vai chính trong chính phim Thúy Đã Đi Rồi mới gặp lại Thanh Thúy ở San Francisco sau hơn 10 tháng ở trại đảo. Nguyễn Long viết: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình và thấy Thanh Thúy hát trên sân khấu San Francisco, tôi thấy Thúy vẫn muôn đời không thay đổi. Thúy là người ca sĩ, bạn hiền nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Giọng hát của Thúy vẫn như xưa. Có phần chắc hơn, già dặn và rung cảm hơn. Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình, không sút giảm dù qua biết bao thăng trầm của đất nước và cá nhân…”.


    Click image for larger version  Name:	Phong tra Anh vu_n.jpg Views:	0 Size:	107.3 KB ID:	22920Click image for larger version  Name:	Phong tra Maxim.jpg Views:	0 Size:	84.4 KB ID:	22921Click image for larger version  Name:	Nguyen Long.jpg Views:	0 Size:	59.3 KB ID:	22922Click image for larger version  Name:	Thanh thuy1.jpg Views:	0 Size:	87.6 KB ID:	22923


    Trinh Anh Khôi (Dân Saigon Xua)
    Last edited by MaiHuong; 10-12-2020, 12:14 AM.
Working...
X