Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đóa Clematis Tím

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đóa Clematis Tím



    Hoa clematis tím có nguồn gốc châu Mỹ, vốn rất xa lạ với người Việt. Tôi là người may mắn được biết loài hoa này. Bài này tôi viết về đóa clematis tím đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, một tên U70 một lần gãy đổ và nhiều thất bại trong đời. Em mang đến cho tôi sự trẻ trung, hồn nhiên cùng nỗi đam mê, những thứ mà người ở lứa tuổi tôi xem là món hàng dư thừa, xa xỉ, nếu không muốn nói là không phù hợp. Em giúp tôi biết tim tôi vẻ ngoài nguội lạnh, nhưng thật ra dưới lớp tro chừng như nguội lạnh đó là một lò lửa mà chỉ cần có người khơi gợi, thổi nhẹ vào là lò lửa lại cháy bùng, mãnh liệt. Em cũng mang đến cho tôi thêm một thất bại, thêm một lần chìm đắm trong tuyệt vọng, bất lực; như con rùa bị lật ngữa, những cái chân quơ quào một cách vô nghĩa.


    Click image for larger version  Name:	104250766_3007043626050855_3117601025515207410_n.jpg Views:	0 Size:	159.1 KB ID:	23505


    Khoảng tháng 9 hay tháng 10, năm 2019 em bắt đầu ra công viên tập thể dục. Lần đầu tôi thấy em là hôm em đi bộ cạnh một người đàn ông nước ngoài và hai người trao đổi bằng tiếng Anh. Sau này tôi được em cho biết đó là người Afghanistan. Lúc đầu tôi tránh tiếp xúc vì nghĩ là người nước ngoài do em vận trang phục thể dục rất đẹp, hiện đại, khuôn mặt em mang những nét phương Tây và em lại nói tiếng Anh. Một hôm gặp lúc em đi một mình tôi dùng tiếng Anh hỏi chuyện, câu trả lời của em giúp tôi biết em là người Việt, thế là chúng tôi dùng tiếng mẹ đẻ để trao đổi cho nhanh và dễ. Em cho biết gặp người nước ngoài em thường làm quen để có cơ hội nói tiếng Anh cho khỏi quên vì lúc trước em bán cửa hàng ở khu chợ TAKA, khu chợ ở tầng ngầm công viện 23/9, quận 1, thường có khách nước ngoài nên có học nói chút ít tiếng Anh. Em còn đặc biệt ở điểm khi giao tiếp với bất kỳ ai chữ bắt đầu câu nói của em là “Dạ”, một từ đặc thù của người miền Nam tạo cảm giác thân thương, gần gũi và khiêm nhường, nhất là khi chat facebook.
    Một ngày cận cuối năm âm lịch, một anh bạn đề nghị nhóm đi bộ thể dục họp mặt gần công viên chơi tất niên. Nhóm mới quen nên chưa thân, và người mời lại là người miền Bắc 75; mời nhưng chỉ nói qua 1 lần, địa điểm không rõ ràng khiến nhiều người nghĩ là “mời miệng lấy có” và 5/8 thành viên không đến. Những người không dự buổi tất niên ấy đã phải hối hận khi biết em hiếm khi có cơ hội ra khỏi nhà, hiếm khi được đi chơi, được gặp bạn… Để có thể dự buổi tất niên ấy em phải “lập thế, lập thần”, để được chồng cho đi, và khi được đồng ý cho đi, em đã có những đêm không ngủ(!), mong trời mau sáng để đến ngày “đi họp mặt!” Vẻ mặt chân tình khi em kể lại sự việc, những giọt nước mắt chảy dài trên mặt khi diễn tả việc phải đứng chờ ở công viên khi trời đã tối mà bạn bè không ai tới đã làm tôi xốn xang. Tôi đã xin lỗi em và đề nghị, “Cho anh chuộc lỗi bằng cách tổ chức ăn sáng tân niên cho cả nhóm?” Buổi ăn sáng thành công hơn dự kiến. Em rất vui. Cũng kể từ ấy, với tôi, em lên ngôi nữ hoàng, mỗi lời em đề nghị vui chơi là một mệnh lệnh mà tôi vui vẻ thi hành. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, bạn bè mới quen vô cùng ngỡ ngàng khi đọc trên account facebook của em những lời chú thích: “Cha mẹ ơi, 30 năm làm vợ, đây là lần đầu được chồng dẫn đi hội Hoa Xuân chơi!”. Lại càng ngạc nhiên hơn khi được biết hơn 50 năm sống ở Sài Gòn rồi đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh em chỉ 2 lần xem xi nê ở rạp, lần đầu đến rạp Đại Quang xem phim “Với Cả Tâm Tình” khi 10 hay 11 tuổi, lần xem phim thứ nhì sau đó vài năm. Lần xem phim đầu tiên, với em, là một kỷ niệm nhớ đời vì em theo chị trốn nhà đi xem phim khi về “bị ba bẻ nhánh trúc đánh đòn.”

    Một sáng em hỏi tôi, “Cái iPhone 7 con gái đưa em sử dụng hơn năm nay tự nhiên không save được nữa. Giờ làm sao đây anh?” “Điện thoại này dùng đã lâu, nếu em còn nhớ tiệm đã mua thì quay trở lại chỗ đó nhờ họ coi cho,” tôi góp ý. “Vậy thì 2 giờ chiều nay anh đến cửa hàng điện máy X, đường CQ, gần nhà cũ của em để đi chung góp ý giúp em.” Khi tôi đến cửa hàng điện máy X, nhân viên cho biết em đã ra về từ lâu vì không đồng ý cách sửa máy của cửa hàng. Đúng lúc đó tôi nhận được điện thoại của em cho biết, “Vì về sớm nên em ghé nhà cũ lấy tiền thuê nhà, vã lại người thuê nhắn muốn gặp chủ nhà điều đình lại giá thuê do dịch bệnh đóng cửa, không buôn bán được.” Tôi đến đấy gặp em, sau đó tôi mời em vào quán cũng gần đó uống nước. Lần đầu chúng tôi có khoảng thời gian riêng tư bên nhau. Em rất vui khi nhận được sự chăm sóc ân cần, chu đáo của tôi.
    Bị giam hãm trong “lồng son” suốt ngày nên mỗi dịp được ra ngoài, mỗi sáng Chúa nhật đi nhà thờ là khoảng thời gian quý báu của em. Được mời đi chơi, mời đi ăn sáng là em tích cực hưởng ứng. Trở ngại duy nhất là xin phép chồng! Một sáng Chúa nhật do dịch bệnh Covid bùng phát bất ngờ, nhà thờ không tổ chức lễ, thế là em tháo giày cao gót đi bộ với chúng tôi, chân không vào quán uống nước và chân không đi về nhà mặc dù tôi lấy từ cốp xe đôi vớ mỏng mang theo phòng h cho em mang. Dù tôi nói thế nào, em vẫn nhất quyết từ chối, tôi chỉ còn cách lấy bao gói đôi giày cho em xách về. Hôm sau lúc cùng đi bộ thể dục em than, “Đi bộ chân không quanh công viên thì không sao, nhưng trên đường đi về nhà ven đường đá tai mèo lót đường đâm đau chân lắm!” Tôi nói, “Người ta dùng của che thân. Anh đưa em đôi vớ nói em mang vào, nhưng em nhất quyết từ chối, tại sao vậy?” Em nói, “Em không nhận đôi vớ đó vì anh mang chúng ra cho cô tập thể dục bị phồng gót chân mang mà anh đã chỉ cho em xem.” Hy vọng là em nói đùa. Khi đã quen thân, em hỏi tôi một số điều hay gặp trên facebook, cách tạo địa chỉ mail, gửi mail. Tôi biết gì chỉ nấy. Em đăng hình, viết bài trên facebook nhiều hơn. Con gái tặng iPhone 11, em tập chỉnh sửa ảnh theo tính năng hiện đại của iPhone 11. Để em làm quen việc đọc và viết email, tôi gửi vài bài cho em đọc. Và để tăng phần hấp dẫn, tôi gửi bài về chuyện tình, trong đó có chuyện tình thời trẻ của tôi. Vài hôm sau khi đi b thể dục chung em hỏi: “Nếu chị N.H. còn sống và trở về, anh có cưới chị ấy không?” Tôi lập tức trả lời: “Anh sẽ cưới ngay.” Hôm sau em gửi hình em đang khóc, rồi mấy hôm sau lại gửi tin nhắn: “Anh có biết anh đang quen một người hay khóc không?” Tôi bàng hoàng.
    Rồi em gửi hình chụp tin nhắn trên điện thoại những lời tỏ tình và hứa hẹn của họa sĩ, kiêm nhà thơ, cộng tác với cơ quan chồng em làm trước đây, em cũng kể về những sự việc đã xảy ra giữa tay họa sĩ người Huế và em. Sau cùng em hỏi tôi: “Trong mối quan hệ giữa anh và em như hiện nay, đọc những tin nhắn ấy anh cảm thấy thế nào?” “Chắc chắn là không vui rồi,” tôi thành thật nói. Và nhận được câu trả lời: “Phụ nữ như em nhạy cảm hơn thế nhiều!” Tôi nghẹn lời.


    Em là con thứ 5 trong gia đình có 9 con nhưng một người mất từ nhỏ. Em có cặp mắt rất đẹp nhưng ươn ướt buồn, như sắp khóc. Cô của em có chút hiểu biết nhân tướng đã đoán, “Cuộc đời con bé này rồi sẽ khổ!” Lời cô của em đoán rất đúng.
    Lúc em 10 tuổi, gia đình phải dọn ra khỏi khu cư xá trong bệnh viện nơi ba em đang làm việc. Nơi ở mới của gia đình là trong một phường tận cùng của quận vùng ven với những cánh đồng cói, nhiều kênh rạch và hoang vu, thưa vắng người. Rồi em cũng quen với nơi ở mới, được tiếp tục đến trường với thầy, với bạn, Chúa nhật được đi lễ nhà thờ, được đến ngôi nhà của Chúa, được nghe giảng đạo dù giọng nói cha xứ có lạ tai, khó nghe.
    Thời gian trôi qua, em bước vào thời con gái, cơ thể bắt đầu nảy nở, hứa hẹn sẽ là một đóa hoa hương sắc. Bạn nam trong trường, thanh niên trong xóm, trong họ đạo, và cả “chú bộ đội” đóng trong kho bên kia đường mà mỗi ngày đến trường, mỗi sáng Chúa nhật em phải đi ngang, tất cả đều nhìn em thầm mong ước một ngày nào đó sẽ được sở hữu cánh hoa hương sắc. Và “chú b
    ộ đội” (cách em gọi khi nói đến chồng) đã làm chủ cành hoa hương sắc đó nhờ thủ đọan và sau đó là sự ra đời của một bé gái.

    Con gái của em lớn lên tính tình hoàn toàn khác em. Bé có tài, tính tình quyết đoán, giỏi nắm bắt cơ hội lại có khiếu thẩm mỹ. Tốt nghiệp đại học bé vào làm cho một công ty nước ngoài 2 năm “để học hỏi cách làm việc”, sau đó mở công ty riêng và ra ngoài sống tự lập. Thấy mẹ sống như bị quản thúc trong nhà: sáng 6 giờ mở cửa (cửa rào vẫn đóng), chiều 6 giờ đóng cửa, tắt đèn, không được ra ngoài, không được giao tiếp hàng xóm, muốn gặp bà con, họ hàng cũng rất khó khăn mới được gặp dù có việc. Thương mẹ, năm bé thuê mặt bằng mở cửa hàng ở tầng hầm công viên 23/9 giới thiệu và bán sản phẩm thời trang công ty, và nhờ mẹ ra cửa hàng “phụ trông nom trong những ngày đầu mới thành lập nhiều khó khăn!” Được đi ra ngoài, được tận mắt chứng kiến những cảnh đời, rồi nhớ lại “cái lồng son” đang chờ đợi ở nhà, em chỉ mong đường từ cửa hàng về nhà thật xa, nếu xa vô tận càng tốt! Trên đường về em phải đi ngang cầu chữ Y, đã nhiều lần em dừng xe trên cầu ngắm cảnh mặt trời lặn phía xa, nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn dưới cầu. Lúc này em chỉ bị ngăn trở bởi hàng lan can thành cầu cao hơn mét!



    Click image for larger version

Name:	image_2259.jpg
Views:	51
Size:	72.7 KB
ID:	23506


    Sau 2 năm buôn bán, cửa hàng cho thấy không mang lại hiệu quả, trong khi công ty của con gái phải chuyển hướng để nâng tầm hoạt động, của hàng đóng cửa, em không còn lý do để ra khỏi nhà được hơn 8 tiếng mỗi ngày. Sẽ phải tiếp tục cuộc đời trong “lồng son.”
    Ngày cuối cùng đến cửa hàng thanh toán công nợ, trả lại mặt bằng cho cơ quan chủ quán, trên đường về em đi thật chậm để đến cầu chữ Y lúc mặt trời đã xuống đến chân trời. Em dựng xe, bước lên lề, đi đến hàng lan can phóng tầm mắt về phía xa. Mặt trời đang phát những tia sáng cuối cùng trong ngày, dưới cầu, lúc này nước ròng đang chảy cuồn cuộn về hướng bến Bạch Đằng. Dưới hàng lan can thành cầu là một gờ xi măng cao hơn 2 tấc. Em chỉ cần bước lên gờ xi măng, nhoài người qua thành cầu…

    Trong một lần dự tiệc sinh nhật bạn đãi nhà hàng buffet chiều tối, vì quá vui nên em vui chơi với các bạn khá lâu, phải hơn 10 giờ mới lấy xe về. Các bạn ra về theo nhiều ngã, chỉ có tôi và em về chung đường. Trên đường về em lo, “Giờ này chú bộ đội chưa ngủ, còn đang thức đợi em. Không biết chú sẽ làm gì?” Lòng tôi tê tái, tôi không biết nói gì để an ủi em. Em lại nói tiếp, “’Trong một bài facebook anh viết, ‘Quen em anh có thêm một thất bại, thêm một tuyệt vọng.’ là sao?” Được lời của em tôi như mở tấm lòng bấy lâu chất chứa: “Thì em thấy rồi đó, đi chơi có em anh rất vui nhưng làm sao vui trọn vẹn khi không biết tiếp theo, khi về đến nhà em sẽ phải chịu đựng những gì. Và điều quan trọng là anh biết quan hệ của hai đứa ngày chỉ càng một tệ, không thể hơn hiện nay!” Trong im lặng, hai chúng tôi chạy xe song song suốt quảng đường về. Có thể rất gần nhau nhưng không bao giờ có điểm chung! Còn biết nói gì đây?

    Một chị bạn vong niên đã khuyên tôi:
    Hãy xem như một kỷ niệm đẹp tuổi xế chiều
    Nước mắt đôi khi lại là hạnh phúc.

    Em là người Công giáo, tôi không có đạo, nhưng hình như số mệnh gắn tôi với phụ nữ Công giáo.
    Chúa đã tạo ra chúng ta, đã mang chúng ta đến với nhau, để cùng rong chơi trong cuộc đời này, hay để chứng kiến, để nhìn nhau bị khổ hình?
    Đó là ý Chúa!



  • #2
    Bài đọc rất lôi cuốn!

    Comment


    • #3
      Cám ơn Hồng Nhung đã đọc. Thật ra bài này mình viết khá dài (cho đến giờ đã hơn hai mươi ngàn chữ và vẫn còn đang viết), hiện tại chỉ đăng được thế.

      Comment

      Working...
      X