Các Bạn Của Tôi.
Nguyễn Thị Ngọc Lan (74KNN)
THỦ KHOA KHÓA 74KNN
Tôi còn nhớ ngày ông anh tôi dẫn tôi đến trường Trung Học Thủ Đức để thi vào trường Đại Học Giáo Dục (ĐHSPKT Thủ Đức). Tôi thấy một anh chàng học sinh đang bắt dế ở bãi cỏ sát hành lang lớp học. Nhìn anh ta trong bộ quần áo đồng phục học sinh trung học, quần xanh áo sơ-mi trắng ngắn tay, với bộ mặt non choẹt như học sinh lớp 8 lớp 9, tôi nghĩ bụng, “Ủa hôm nay là ngày học sinh thi vào đại học mà sao lại có một anh học sinh Đệ Ngũ vào đây bắt dế vậy cà, hay là hắn ta đi với anh hay chị vì chắc ở nhà không có ai nên phải dẫn theo”. Nhìn anh ta với mái tóc húi cua, cái mặt trông tếu tếu và hơi ngố ngố. Tay ôm một cái cặp to đùng, chân đi xăng-đan, mặc cái quần xanh học trò ngắn lên tới mắt cá chân, tôi nghĩ bụng chắc chó táp bảy ngày không tới.
Anh tôi đưa tôi vào phòng thi và tìm số báo danh, dắt đến đúng chỗ, bảo tôi ngồi đó, thi xong anh tôi đến dẫn về. Vì là từ bé đến lớn tôi chưa đi đâu bao gìờ một mình cả, mà lại chân ướt chân ráo từ ngoài Qui nhơn mới vào Saigon, nên cứ ngơ ngơ ngác ngác như thằng "mán" ở trên rừng mới về thành phố. Ngồi chưa đựơc bao lâu thì tôi thấy “Anh chàng bắt dế” cũng vào phòng thi của tôi, ngồi cách tôi một bàn. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đến khi thầy đọc tên điểm danh tất cả các học sinh đi thi tôi mới biết tên anh ta cùng vần L với tôi. Cái tên cũng là lạ “Hồ Chấn Lâm”, tôi còn nhớ là vì cái chữ “Chấn“ bạn ạ, bạn có biết “Chấn bốn cho” là gì không ? À thì ra anh ta cũng đi thi vào ĐHGD chứ không phải học sinh Trung học đệ nhất cấp như tôi nghĩ, “Bé cái lầm“.
Hồ Chấn Lâm
Nhìn anh ta làm bài lanh lẹ, nộp bài trước nhất trong khi các bạn khác và tôi đang còn cắn bút suy nghĩ. Thầy Giám thị nhận bài mà còn ngạc nhiên phải nói với anh ta, ” Em còn thì gìờ, cứ ngồi xem lại bài từ từ nộp cũng không sao”.
Rồi ngày thi cũng qua mau. Chờ kết qủa. Tôi cũng không hồi hộp lắm vì lúc đó tôi còn đang mơ ước thi vào trường Dược hoặc học một năm ở Đại Học Khoa học rồi thi vào Nha; mới thi đậu Tú Tài mà, còn mơ cao lắm chứ chưa chịu thi một trường đâu. Lúc đó tôi nghĩ nếu đậu được vào trường ĐHGD ngành Nông Lâm Súc thì học, vì mỗi tháng được học bổng trợ cấp của chính phủ $2700, đủ tiền may một cái áo dài bạn ạ. Đậu cũng đựơc mà rớt cũng không sao, không có gì là buồn cả. Cũng may mắn cho tôi anh tôi đi xem kết quả và đến cho tôi biết tôi đậu. Mười giờ đêm anh tôi và một anh bạn tôi đến cho tôi hay, tôi cũng chả vui mà còn hơi buồn vì phải xa Saigon, xa hai bà chị bà con cũng ở Qui Nhơn vào SG học. Nếu học ở ĐHGD là phải về Thủ Đức ở với bác tôi, buồn và chán chết, ở SG vui hơn. Anh tôi bảo, ”Em suy nghĩ đi, sáng mai anh đến dẫn em đến coi trường rồi làm thủ tục “.
Sáng hôm sau anh tôi dẫn tôi đến xem trường, từ ngoài cổng bước vào trường không có gì đặc biệt, vì chưa có cổng trường. Nhưng vào trong trường rồi, đi một vòng xem trường, với các phòng học thoáng mát; trường mới khánh thành và được chính phủ Mỹ xây nên nhìn chỗ nào cũng thấy mới lạ và đẹp cả. Đặc biệt là trường có đặt nhiều máy nước đá đạp, khát nước ra đó đạp chân xuống chỗ bàn đạp gần dưới đất, có nước mát lạnh uống khỏi phải cần đi đâu xa. Các bạn gọi là nước “Bà Tư Khòm “ vì phải khom lưng xuống mà uống. Các máy nước lạnh này cũng làm cho chúng tôi buồn cười không ít. Đến năm 1975 các anh sinh viên bộ đội vào trường chúng tôi học, thấy các bạn khom lưng xuống tự nhiên có nước phun ra để uống, các anh SV bộ đội nhà ta không để ý đến cái chân mình phải đạp vào cái càng dưới đất. Thế là hai, ba anh cứ chắp tay sau đít đi vòng vòng xem cái máy nước, mà tự nói với nhau, “Quái lạ, tớ cũng khom lưng như thằng đó mà sao không thấy nước chảy ra các cậu ạ”. Bọn mình ngồi gần đó cười qúa chừng. Một anh bạn trong lớp còn tới chọc nữa chứ, “Vì tụi tôi biết làm ảo thuật, anh xem đây”, anh ta cũng để hai tay sau đít, cúi xuống uống nước trong khi cái chân thì đạp vào cái càng ở dưới đất. Các anh bộ đội lúc đó mới ngớ ra và reo to, “A Tớ biết rồi, tớ biết rồi“.
Trở lại chuyện nhập học của tôi, đến trường thấy vừa mới, vừa thoáng, lại đẹp và tân kỳ nữa, nên tôi quyết định học ở ĐHGD mà không mơ cao nữa bạn ạ. Nghề đã chọn người chứ không phải ngưòi đã chọn nghề. Mà một điều ngạc nhiên nữa khi xem danh sách trúng tuyển, tôi thấy tên cái anh chàng bắt dế hôm nào đứng đầu danh sách bạn ạ. Té ra anh ta đậu thủ khoa khoá tôi.
Năm đầu tiên tụi tôi phải lên trường Đại Học Bách Khoa Phú Thọ để học các môn như Toán, Lý Hóa và Sinh Vật. Phải học ở giảng đường, đông lắm vì gồm cả khoa Công Nghiêp, Khoa Nông Nghiệp trường tôi cùng với sinh viên năm thứ nhất của trường ĐH Bách Khoa nên phải đi sớm thì mới có chỗ gần bục giảng và mới nghe rõ đựơc. Thầy phải dùng micro thì các bạn ở xa mới nghe được, nhiều khi hệ thống âm thanh không được hoàn chỉnh nên nghe cứ rè rè làm sao ấy, nhưng ngồi xa thì lại khó tập trung để nghe giảng bài .
Đặng Vũ Thu Hà, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Lê Thị Hoàng Loan, Phạm Thị Bạch Cúc
Tụi tôi có năm đứa là Bạch Cúc và Hoàng Loan ở Bình Dương, thuê nhà gần trường; Thu Hà và Kiều Hạnh thì ở SG; riêng tôi ở Thủ đức với bác tôi. Thu Hà nhà ở SG nên sáng nào nó cũng đạp xe đến sớm và dành chỗ cho tụi tôi. Còn tôi ngày nào cũng phải dậy sớm đón hai chuyến xe buýt mới đến trường, thật là một cực hình. Chả bù với những ngày học ở trường của mình, tôi cứ tà tà sáng đạp xe đạp đến trường, không phải chen lấn trên xe buýt. Học ở đó chỉ có ba ngày thôi nhưng thầy dạy nhanh quá , tôi cứ như “Mai-Ca từ trên trời rơi xuống”, chả hiểu gì cả bạn ạ. Sợ nhất là môn toán cuả thầy Võ Thế Hào, môn Lý thầy Võ thế Hùng, môn Hoá thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Các thầy giảng nhanh như chớp, cứ một tay vừa xoá một tay vừa viết, học trò ghi đâu có kịp nên ai cũng phải mua cours về để mà học chứ không thì chịu, không cách gì làm bài được. Hồi Trung học học Tân toán học, rồi Đại số, mấy môn này tôi cũng đâu có tệ lắm. Ấy vậy mà lên tới năm thứ nhất học Hàm số Tich Phân, tôi chả hiểu gì cả bạn ạ, cứ như mình đang ở một hành tinh nào. Không riêng gì tôi, tôi hỏi các bạn tôi cũng vậy, ”Thầy ra bài tập về nhà làm, mày làm chưa?”. “Chưa, còn mày? Tao có hiểu gì đâu mà làm”.
Thế là trong khoa đề cử ra một người dạy phụ đạo Toán và các bạn thay phiên nhau giải các bài tập làm ở nhà. Các bạn có biết ai là người phụ đạo Toán và giải các bài tập làm ở nhà cho tụi tôi không? Cái anh chàng bắt dế năm xưa đó bạn ạ. Lâm rất là nhiệt tình và thông minh, giảng giải rõ ràng tất cả các bài tập làm ở nhà; tụi tôi chỉ việc chép vào. Học phụ đạo này chỉ là một nhóm nhỏ, ai không hiểu và cần giúp đỡ thì đến; còn Lâm là tình nguyện viên, không thù lao mà cũng chả có đựợc ly nước uống nhưng Lâm vẫn rất vui vẻ và nhiệt tình. Tính Lâm lại nói nhanh nữa chứ, nhiều khi tụi tôi cứ ngồi ngớ ra chả hiểu gì cả mặc dù Lâm đã chịu khó giảng hai, ba lần. “Thông minh mà chậm hiểu”, Bạch Cúc nói, “Mày cứ chép đại vào đi, miễn là mình có làm bài tập ở nhà là đựơc rồi, về nhà xem lại”.
Năm thứ nhất tôi học lơ tơ mơ lắm bạn ạ, chỉ mong đủ điểm để lên lớp là may lắm rồi. Mà thật “Quới nhơn đãi kẻ khù khờ”, ngày thi môn toán Tích phân, thầy lại xếp ngồi theo vần tên, sinh viên ngồi cách nhau một cái ghế để khỏi cọp-dê, Lâm ngồi hàng ghế trên xéo với ghế tôi ngồi. Đề bài ra năm câu, tôi mới làm đựơc hai câu rồi cắn bút ngồi đó trong khi thấy Lâm ngồi làm và viết lia liạ; chỉ còn 15 phút nữa nộp bài, điệu này chắc phải thi lại qúa, mà thi lại chưa chắc gì đậu Trời ạ! Chắc thấy tôi tội nghiệp, Lâm quay lại hỏi, “NgọcLan làm xong chưa?”, tôi lắc đầu. Khi đi ra nộp bài trước và không thấy giám thị để ý, Lâm chuyền tờ giấy nháp của Lâm cho tôi chép vào. Đựơc tờ giấy nháp của Lâm tôi mừng như vớ được vàng như thế là tôi đỡ lo. Nhưng mà trời ạ, tờ giấy nháp mà Lâm đưa Lâm lại viết tùm lum, tôi chả biết câu nào đúng câu nào sai cả. Thế là tôi cứ “sao y bản nháp" của Lâm, nhìn vào biết ngay là cọp-dê. Trời thương mà thầy cũng thương tình, kết qủa Lâm thì đựơc điểm tối đa, học sinh xuất sắc mà lị. Tôi may mắn đựơc 5/10 là mừng hết lớn, khỏi phải thi lại thầy ạ, cám ơn Lâm, “thần hộ mạng toán năm thứ nhất của tôi”. Xong năm thứ nhất tụi mình đâu phải học toán nữa, thoát nạn. Cám ơn Lâm lắm lắm.
Ngô Hữu Nhuận, Hồ Chấn Lâm
Ba mươi năm sau ngày ra trường, tôi cũng được biết tin “Thủ khoa khoá tôi” qua các buổi họp mặt các bạn cùng khoá hàng năm, là Lâm cũng có hai cô con gái đang học Bác sĩ y khoa ở Saigon. Đúng là “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” “Hổ phụ sinh hổ tử” phải không các bạn? Chúc mừng cho Lâm có được cuộc sống tốt đẹp và gia đình hạnh phúc. Xin Lâm nhận nơi đây lời cám ơn hơi muộn, chắc Lâm không còn nhớ chuyện ngày xưa , nhưng dẫu sao có còn hơn không nói phải không?
TỔ TRƯỞNG TỔ HỌC TẬP CỦA TÔI.
Trong khoá 74 Kỹ thuật Nông nghiệp tụi tôi, một số các bạn từ trường Nông Lâm Súc các tỉnh thi vào, khoảng một lớp, còn đa phần là học sinh các lớp phổ thông. Trong đám sinh viên tụi tôi có vài chị lớn tuổi hơn như đàn chị vậy đó. Chị Mai Hương đã ra đi làm và bây giờ thi đậu đại học nên chị đi học lại. Chị Tuyết Mai cũng đã học một năm Đại Học Khoa Học và chị Tống Kiên Mỹ đã học năm thứ ba ở Đại học Khoa học. Tôi cũng đã vào học thử ở Đại học Khoa học, thấy sinh viên đông và chen lấn dành chỗ ngồi mỗi ngày nên tôi thấy sợ. Ở ĐHKH mà lên được năm thứ ba không phải là dễ đâu bạn ạ. Tôi thật phục ý chí ham học của chị Tống Kiên Mỹ. Trời thương sao tôi được xếp vào tổ học tập của chị Mỹ và chị là tổ trưởng tổ học tập cuả tôi gồm có ba người - tôi , Hoàng Loan và chị Mỹ, bạn ạ.
Chị Tống Kiến Mỹ và Ngọc Lan
Chị Mỹ người nhỏ con nhưng rất là tốt bụng, luôn thương yêu và giúp đỡ bạn bè, không phải tôi qúa lời khen chị đâu, ai ở Ký túc xá cũng biết chị. Chị Mỹ gốc người Hoa, đọc tên là cũng biết rồi. Người Trung Hoa, nói theo tiếng Nam là người “chung qwua”; chị chun qua , còn tôi thì chun lại phải không? Người Hoa không thích được gọi là người Tàu. Nhà chị ở Biên Hoà nên chị ở lại trong Ký túc xá. Chị nấu ăn rất ngon, hôm nào tôi phải ở lại Ký túc xá để học nhóm, chị lại nấu “nui” cho ăn. Chỉ ít tôm khô, nui và một ít rau húng quế chị nấu một nồi tổ chảng, cả bọn cùng ăn, ngon đáo để . Chắc lúc đó đời sinh viên nghèo đói ăn cái gì cũng thấy ngon cả.
Bây giờ thỉnh thoảng nấu lại món đó tôi lại nhớ đến chị Mỹ. Thích nhất là món nước tương phi mỡ hành của chị mà mỗi tuần chị về nhà đem lên để thêm vào đồ ăn của bếp ăn tập thể. Chị Mỹ rất siêng học và học rất giỏi bạn ạ. Hầu như môn nào cũng điểm mười tròn trĩnh, chữ viết của chị rất đẹp, bài vở của chị rất sạch sẽ và rõ ràng nữa cơ. Giờ giấc ăn ngủ học hành đâu ra đó, chả bù với tôi trái ngược lại với chị. Hoàng Loan thì học hành bài vở đàng hoàng, chị Mỹ không có điều gì phaỉ phàn nàn về nó cả. Còn tôi thật may mắn có chị là tổ trưởng học tập để noi gương. Giờ giấc ăn học và ngủ cuả tôi nó cứ lộn tùng phèo lên. Tôi ở ngoại trú nên gìờ tối người ta coi TV thì tôi đi ngủ, gìờ thiên hạ đi ngủ thi tôi dậy học bài vì yên tĩnh. Tối nào tôi cũng thức từ 10 giờ đêm cho đến bốn, năm giờ sáng để học, chợp mắt ngủ lại khoảng một, hai tiếng đồng hồ là phải dậy sửa soạn đi học. Bởi vậy khi vào lớp, nhất là những hôm học ở giảng đường có gió ngoài cửa hiu hiu thổi, tôi cứ một tay che mặt, một tay giả bộ viết, chứ thực ra tôi vẽ rồng vẽ rắn và viết gì tôi cũng chả hiểu. Hồn tôi đang lãng đãng ngoài cửa lớp, đâu biết đựơc thầy đang đứng bên cạnh, chị Mỹ cứ phải nhắc, ”Ngọc Lan, thầy đang nhìn mày kìa”. Tỉnh ngủ, hoàn hồn lại, mình đang viết cái gì vậy cà, đang học môn sinh vật mà lại có cái gì mà “Giương cao ba ngọn cờ cách mạng” đây. Bị mấy cái môn “chính chị chính em” chi phối qúa tôi đâm ra hoảng, chữ viết của tôi thì lúc lên đồi, khi xuống biển , đến tôi mà tôi còn chả đọc đựơc thì ai mà đọc được, vào lớp ngồi được dăm ba phút là tôi bắt đầu “thăng” bạn ạ. Bởi vậy tôi phải sắm hai cuốn tập , mỗi tuần phải vào KTX ngủ lại một tối để mượn tập chị Mỹ chép lại bài mới có bài mà học. Nghĩ cũng tôị nghiệp chị Mỹ, chị lo cho tôi như một đứa em nhỏ, “Ngọc Lan ơi , mày học dùm tao chứ sao mày cứ ngủ hoài vậy”. Nói các bạn đừng cười, đâu phải có mình tôi ngủ trong lớp đâu. Tôi ngồi đầu bàn “luôn đồng ý nhất trí với thầy”, thì cuối bàn cũng có một đồng minh luôn “đồng ý nhất trí với tôi” bạn ạ, đó là Lò thị Minh Hoa. Vừa tỉnh giấc, nhìn sang thấy cô bạn mình đang gật gù, bất chợt tôi tự cười khan với mình. Ngủ gật trong lớp cũng có cái thú của nó bạn ạ.
Ngày tôi bảo vệ luận văn ra trường, chỉ có mình chị Mỹ quan tâm tới kết quả học hành của tôi, chị hỏi tôi “Mày bảo vệ đựơc mấy điểm?” Tôi trả lời”Có 8 điểm à chị”.Chị nói “8 điểm mà còn có”. Tôi định giải thích cho chị biết là thầy Chính hướng dẫn đề tài của tôi nghĩ là tôi sẽ được điểm 10. Bởi vì cuốn Luận văn tôi làm đã đưọc 10 điểm , còn phần trình bày và các bảng vẽ cũng rõ ràng dễ thấy, chữ to như con gà mái , các thầy trong ban Giám khảo đều cho tôi điểm tối đa, nhưng tôi bị trục trặc phần trả lời.
Thầy BS. Vũ Đình Chính
Chả là thầy đã “gà” cho đệ tử cuả thầy “Con phải chú ý các phần này “. Đúng như thầy đã tiên đoán 10 câu các thầy trong ban giám khảo hỏi tôi biết rõ ràng , nhưng xui cho tôi hôm đó chị Tuyết Mai làm cùng đề tài với tôi , nhưng chị trình bày phần A , còn tôi thuyết trình phần B, chị lại trả lời câu hỏi phần cuả tôi mà chị trả lời trật lất , tôi ‘giận quá mất khôn “đáng lẽ ra tôi phải đính chính câu trả lời đó , nhưng tôi đã quên và chỉ trả lời 4 câu còn lại phần tôi bảo vệ , bởi vậy khi ra ngoài gặp thầy bị thầy dzũa ngay tại chỗ “Thầy đã nói con rồi “ Đành phải xin lỗi thầy con quên chứ còn biết nói sao hơn. Bởi vậy tôi nói với chị tôi được có 8 điểm là vậy. Cũng nhờ làm đề tài của thầy Khoa trưởng Khoa Nông Nghiệp và được điểm cao , nên ra trường tôi được thầy viết thư giới thiệu đến các cơ quan mà tôi đã đến thực tập . Thật may mắn cho tôi 3 nơi tôi nộp đơn, họ đều nhận. Nên thầy nói tôi phải chọn chỗ nào tốt nhất. Tôi đã được làm ngay tại thành phố mà cơ quan trực thuộc Trung ương. Tôi sẽ kể cho bạn nghe vào dịp khác “Tại sao tôi chọn ngành Gà”.
Thế rồi mấy năm học cũng trôi qua nhanh, đáng lẽ ra thì tụi tôi chỉ phải học bốn năm thôi nhưng vì khóa 74 vào trường được vài tháng thì đất nước thay đổi. Năm 75 cả trường đều phải học chính trị Chủ Nghiã Mác Lê, tụi tôi phải học thêm một năm nữa cho đến 1979 mới ra trường. Thật không may cho chị tổ trưởng của tôi vì chị là người Việt gốc Hoa nên ngày ra trường chị không được bổ nhiệm. Những năm 77-78 có chiến tranh biên giới giữa VN và Trung cộng nên cũng có sự phân biệt quan hệ giữa người Việt và người Hoa. Thấy thương chị Mỹ thật nhiều vì suốt thời gian đi học chị cố gắng rất nhiều để vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn, ấy vậy mà bao nhiêu năm đèn sách ngày ra trường chị lại không có được việc làm . Thất chí chị phải quay về ở với gia đình rồi lo buôn bán sống qua ngày. Chị không muốn liên lạc với ai cả ngoại trừ Bạch Cúc vì chồng của Cúc bịnh nên chị lui tới thăm nom và an ủi Cúc.
Năm ngoái 2009, nhờ qua Internet và website của Yến Thu, tụi tôi cũng đã liên lạc và biết tin bạn bè. Tôi có về VN và gặp lại đựơc một số các bạn trong lớp, nhất là gặp lại được chị Mỹ sau 30 năm xa cách, tôi rất mừng.
Chị Mai Hương và Ngọc Lan
Chị vẫn như ngày xưa rất là nhiệt tình và năng nổ, chị lái xe Honda đi từ sáng sớm từ Biên hòa đến chở tôi đi chơi. Chị thấp người mà điều khiển xe gắn máy thì phải nhón chân, thấy tôi hơi ngại vì không biết chị chở mình có nổi không đây. Biết ý tôi chị nói liền, “Mày đừng lo tao lái xe rành lắm, đường xa lộ tao chạy ào ào, tao đi Bình Dương thăm con Cúc thường , rồi đi chở hàng”, tôi thật phục chị, thấy chị lái xe rất vững tôi cũng yên tâm. Chị chở tôi tới thăm bạn thân của chị là chị Qúy, ra trường chị Quý được giữ lại trường và là chủ nhiệm Khoa Kinh tế Gia Đình. Tụi tôi hẹn vợ chồng anh Nhu và chị Mai Hương vào trường thăm lại trường cũ và ghé thăm thầy Hoành nhưng không gặp vì thầy đi vắng. Một buổi đi chơi với chị rất vui và nhớ hoài. Cầu chúc cho chị luôn khoẻ mạnh, làm ăn phát tài và luôn vui vẻ lạc quan yêu đời.
Chị Mai Hương 74KNN và anh Phạm văn Nhu 72CKO
Cô Phạm Phi Hoành , Mai Hương, Tống Kiến Mỹ, Ngọc Lan
Nguyễn Thị Ngọc Lan-74KNN
**Comment** (1)
Bài Các Bạn của Ngọc Lan cũng rất vui và hay, làm dân 74 nhớ lại cái thời học chung rất buồn ngủ ở TTKT Phú Thọ . Nhớ lại người bạn Hồ chấn Lâm . Sau 30 năm trí nhớ nhạt nhòa lại khác lớp khác ban nên chỉ còn lại vài nét của người bạn lanh lẹ ,năng động ,vui vẽ và nói rất nhanh nầy. Xem hình , anh ta cũng không thay đổi nhiều lắm, cái miệng trời cho hồi nào cũng như đang cười . Rất tiếc không có địa chỉ email để " hello" mặc dầu có thể anh ta không biết mình là ai.
Thân ái
NTT-74KCN[/color]