Announcement

Collapse
No announcement yet.

COVID – MỘT NĂM QUA - Vũ Linh

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • COVID – MỘT NĂM QUA - Vũ Linh

    Click image for larger version  Name:	COVID_19_one_year_later.jpg Views:	0 Size:	434.8 KB ID:	24303


    Giờ này năm ngoái là khởi điểm của cuộc tấn công của vi khuẩn corona vào Mỹ, khi đầu tháng 4, 2020, nước Mỹ ghi nhận có gần 300.000 người bị nhiễm và gần 7.000 người chết. Mau chóng leo thang lên tới hơn 30 triệu người bị nhiễm, hơn nửa triệu người chết một năm sau.

    Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử như một năm đúng là… lịch sử, thay đổi rất nhiều chuyện, từ lối sống hàng ngày cho tới cách nhìn vào số phận con người, sự bất lực của con người trước thiên nhiên bất kể khoa học của con người tiến bộ tới đâu. Hậu quả của vi khuẩn chẳng những thê thảm qua số nạn nhân bị nhiễm, bị chết, bị khủng hoảng tinh thần, mà còn lan qua những phạm vi xã hội, khoa học dĩ nhiên, nhưng luôn cả chính trị.

    Một năm đã qua, đã đến lúc ta xem lại để có vài nhận định chung.

    Trước hết, ta nhìn qua quá trình cuộc tấn công của COVID.

    Tiến trình COVID tấn công

    COVID khởi đi từ Vũ Hán, đâu từ cuối năm 2019, mau mắn lan tràn ra khắp thế giới khi chính quyền Trung Cộng hoặc là vì nhu cầu tuyên truyền chính trị cố tình chối bỏ sự nguy hại của vi khuẩn corona, hoặc là thực tình không ý thức được tính lây lan nguy hại nặng của vi khuẩn, đã không có biện pháp nào để giới hạn du hành quốc tế giữa vùng dịch khởi phát với thế giới.

    Ngày 21 tháng Giêng 2020, là ngày nước Mỹ có nạn nhân đầu tiên bị nhiễm COVID: một bà Mỹ gốc Tầu mới đi Vũ Hán trở về Seattle. Hai tuần lễ sau, bà này qua đời. Là nạn nhân đầu tiên của COVID ở Mỹ.

    Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư như vừa nêu trên là tháng COVID thật sự bắt đầu đổ bộ vào Mỹ, qua nhiều yếu tố.

    Thứ nhất là thời điểm đó là sau Tết nguyên đán, dân gốc Tầu từ khắp thế giới lục tục trở về nước đang sinh sống sau khi đã về quê Tầu ăn Tết, trong đó, đáng kể nhất là khối dân Mỹ gốc Tầu và dân Tây Âu gốc Tầu, đặc biệt là Ý Đại Lợi. Ý trở thành tâm điểm phát tác COVID mạnh nhất thế giới. Phải nói ngay, con đường lớn nhất COVID xâm nhập vào Mỹ không phải là con đường thẳng từ Tầu vào Mỹ, mà là con đường từ Tầu qua Ý, từ Ý lan ra Tây Âu, rồi từ Tây Âu vào Mỹ, khi dân du hành Mỹ-Tây Âu lên tới cả mấy chục triệu người mỗi tháng.

    Thứ nhì là trên thế giới, thực tế, chưa ai nhìn rõ hay hiểu rõ mối nguy của COVID. Chưa có xứ nào có biện pháp cụ thể và hữu hiệu chống đỡ. Có một sự thật sẽ được thấy rõ dưới đây, là chính quyền Trump có lẽ đã là chính quyền đầu tiên nhìn thấy rõ mối nguy trước nhất và đã có biện pháp sớm nhất, tuy vẫn chưa đủ. Tất cả những tố giác TT Trump lơ là, chậm trễ, chỉ là viết lại lịch sử phe đảng, hoàn toàn vô căn cứ. Những tố giác dựa trên vài câu tuyên bố trấn an của TT Trump trong khi trốn tránh không dám bàn đến những biện pháp cụ thể chỉ là những bóp méo một chiều, phe đảng, không lương thiện.

    Cuộc tấn công của COVID lên tới cao điểm trong mùa hè, tháng 7, khi mỗi tuần có tới nửa triệu người bị nhiễm, trong khi tỷ lệ chết lên tới 4%-5% số người bị nhiễm.

    Thời gian sau đó, tháng 8-9, vì khí hậu quá nóng, vi khuẩn khó hoành hành hơn, chiều hướng nhiễm dịch bớt dần. Nhưng qua đến mùa thu, trung tuần tháng 10, COVID tấn công mạnh lại. Thứ nhất vì trời mát mẻ, bớt nóng, COVID thấy khỏe hơn, tấn công mạnh hơn. Và thứ nhì, ngay trong khi COVID đang tấn công mạnh nhất thì cũng là lúc dân da đen nổi loạn, xuống đường biểu tình, đập phá, hôi của, hò hét thẳng vào mặt nhau khi xuống đường. Cộng thêm khối Antifa hùa theo, và cả khối dân da trắng cấp tiến cũng ào ạt xuống đường biểu tình hậu thuẫn cuộc nổi loạn của Bờ Lờ Mờ, gần như mỗi ngày trong cả tháng tại nhiều thành phố trên nước Mỹ.

    Qua tháng Chạp năm ngoái, COVID bắt đầu tháo lui. Không phải số người bị nhiễm hay chết đã giảm, mà chỉ là số gia tăng mỗi tuần đã chậm lại. Một phần vì trời trở lạnh, một phần vì giới y khoa Mỹ đã có nhiều dụng cụ máy móc y khoa, cũng như học được nhiều bài học chữa trị hiệu nghiệm.

    Qua cuối tháng Ba năm nay, COVID có khuynh hướng tấn công mạnh lại, nhất là bên Âu Châu, Á Châu và Nam Mỹ. Ở Mỹ có tấn công mạnh lại, nhưng không mạnh như trên thế giới. Đó là vì COVID đã biến thái thành nhiều loại khác nhau, mà các khoa học gia chưa tìm ra cách hữu hiệu để chặn. Tuy nhiên chiều hướng đáng mừng là tuy COVID vẫn tấn công mạnh, nhưng số người chết đã có vẻ ổn định trong khi số người khỏi đã tăng rất nhanh.

    Tin đáng mừng hơn cả là thuốc ngừa nhiều loại đã được phát minh ra, và cả trăm triệu người đang được chích ngừa trên khắp thế giới. Vài tháng nữa, COVID sẽ không còn là mối nguy kinh hoàng nữa. Dĩ nhiên vẫn chưa biến mất hẳn trên thế giới, cũng như các bệnh lao, sốt rét, cúm thường,… có thuốc tới đâu cũng vẫn không diệt tuyệt hẳn được. Thuốc hữu hiệu nhất hiện nay là Pfizer cũng chỉ có hiệu quả cỡ 90%-95%, nghĩa là trong 100 người được chích ngừa, vẫn có thể có 5-10 người không thoát nạn.

    Phản ứng của Mỹ

    Việc hiểu biết thêm về phản ứng và đối phó của Mỹ, đặc biệt là của TT Trump, đã trở thành cực kỳ quan trọng, không phải để bênh hay chống ai, mà vì quá nhiều xuyên tạc, bóp méo, dối trá đã được cài vào vấn đề này, khiến thiên hạ hoang mang, mù mờ, không còn nhìn thấy sự thật nữa. COVID đã bị khai thác, biến thành vũ khí chính trị cực độc.

    Đại khái là phe chống đối TT Trump, đã cố viết lại lịch sử, cố vặn vẹo ra chuyện TT Trump vì bất tài, vì gian trá muốn dấu nhẹm mối nguy của COVID để hy vọng tái đắc cử, đã là thủ phạm gây ra cái chết của hơn nửa triệu dân Mỹ. Thiên hạ quên mất chuyện cả thế giới bị tấn công, khiến hơn 140 triệu người bị nhiễm và hơn 3 triệu người chết, bất kể các nhà lãnh đạo, tổng thống, vua chúa, thủ tướng giỏi hay dở.

    Kẻ này xin tóm gọn lại phản ứng của Mỹ, từ TT Trump đến đảng đối lập DC, TTDC cho rõ:

    - Tháng Giêng 2020:

    Chính quyền Trump là chính quyền đầu tiên trên thế giới -ngoại trừ Trung Cộng, đã có biện pháp ngay: từ ngày 17/1/2020, kiểm tra gắt gao các du khách từ TC vào Mỹ, bộ Y Tế ban bố tình trạng y tế khẩn trương, gần cuối tháng, ra lệnh tất cả những người đã ghé qua TC trong vòng 14 ngày trước đều bị cấm vào Mỹ. Bất đắc dĩ phải vào Mỹ sẽ bị cấm cung 14 ngày. Cụ Biden nặng lời công kích biện pháp “bài ngoại cuồng điên” của Trump.

    Hạ Viện rồi Thượng Viện Mỹ vẫn chìm ngập trong đàn hặc, không biết mà cũng không cần biết chuyện gì đang xẩy ra ngoài phiên tòa đàn hặc, không một người nào lên tiếng gì về dịch.

    TTDC cũng vẫn đang chúi mũi vào đàn hặc, không loan tin gì về dịch mới, ngoài vài tin khẳng định không có dịch lớn đáng lo sợ, hàm ý tố cáo TT Trump phóng đại tin về dịch để lái dư luận ra khỏi vụ đàn hặc. Trong khi ngay từ ngày 18/1, Diễn Đàn Trái Chiều đã có mẫu tin cảnh giác dân tị nạn về quê ăn Tết (https://diendantraichieu.blogspot.com/p/tin-tuc-a.html).

    Tất cả các tiểu bang, kể cả Washington State là nơi ghi nhận người Mỹ đầu tiên bị nhiễm, không có tiểu bang nào có biện pháp nào hết.

    Gần cuối tháng Giêng, bác sĩ Fauci còn khẳng định dịch có “mức rủi ro rất rất thấp” (“very very low risk”), không ai cần đeo khẩu trang, sau khi ca ngợi TC đã có biện pháp hữu hiệu chặn vi khuẩn.

    - Tháng Hai 2020:

    Trong tháng này, chính quyền Trump lo thảo kế hoạch đối phó, nâng cấp Ủy Ban Đặc Nhiệm, bổ nhiệm PTT Pence cầm đầu, bắt đầu họp báo mỗi ngày để báo cáo tình hình.

    Cho đến cuối tháng Hai, đảng DC không có bất cứ phản ứng nào ngoài việc công kích TT Trump có chính sách kỳ thị, bài ngoại,…

    TTDC trong suốt ba tuần lễ đầu của tháng Hai vẫn không chú tâm đến dịch, có nhiều bài viết nhưng đều cho rằng dịch không trầm trọng hơn cúm thường; chỉ bắt đầu từ tuần cuối cùng của tháng Hai thì tin tức và bình luận về dịch mới thấy trên TTDC Mỹ.

    - Tháng Ba 2020:

    TT Trump lấy những quyết định quan trọng nhất như ban bố tình trạng khẩn trương, tung ra hai gói cứu trợ 8,5 tỷ và 50 tỷ, triển hạn khai thuế, tái động viên cựu quân nhân, gửi tàu y tế của hải quân đi New York cứu trợ,… Đề nghị cấm cung cả nước, nhưng bị các thống đốc các tiểu bang DC chống đối và bất tuân. Thống đốc New York công khai tuyên bố TT Trump không có bất cứ quyền nào ra lệnh cấm cung hay cách ly gì ở New York, nếu TT Trump có ra lệnh, ông sẽ kiện Trump ra tòa. Đến cuối tháng Ba, ông thống đốc vẫn cho phép các xe buýt và xe metro New York hoạt động như bình thường, với cả triệu người chen chúc nhau mỗi ngày. Hàng ngàn máy thở được TT Trump gửi giúp New York nhưng bị thống đốc cất vào kho vì cho rằng chưa cần thiết. Kết quả, New York sau đó là tiểu bang bị nạn lớn nhất Mỹ, và thống đốc đổ thừa New York đã không nhận được giúp đỡ đầy đủ của chính quyền liên bang.

    Đảng DC tiếp tục công kích bất cứ quyết định nào của TT Trump, trì hoãn gói cứu trợ cả tuần lễ để kỳ kèo thêm quà cáp vớ vẩn linh tinh chẳng liên quan gì đến bệnh dịch, nhưng giúp đảng DC kiếm phiếu cử tri.

    TTDC bắt đầu chú tâm vào bệnh dịch, phóng đại những tin xấu nhất, rồi biểu diễn màn mặt dầy, chuyển mũi dùi chỉ trích TT Trump đã lơ là, chậm chạp trong cách đối phó với dịch, trong khi TTDC ngủ gật trong suốt hai tháng Giêng và Hai.

    Tới giữa tháng Ba, các tiểu bang mới lục đục bắt đầu có các biện pháp cấm cung giới hạn.

    Muốn biết thêm chi tiết, để nhìn thấy rõ cái ‘mặt trơ trán bóng’ của phe DC và TTDC đã nặn ra chuyện đổ thừa TT Trump, cũng như để thấy rõ cái tính vẹt của vài con vẹt tị nạn, chỉ biết nhai lại những tố giác của TTDC mà bất cần tìm hiểu thực hư, xin quý độc giả đọc lại bên dưới trên DĐTC:
    https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/04/bai-121-tom-luoc-dien-tien-oi-pho-dich.html

    Tranh cãi

    COVID đã là đề tài nhiều tranh cãi liên tu bất tận, hầu hết chỉ vì tính phe đảng, không chính đáng.

    COVID xuất phát từ tỉnh Vũ Hán của Trung Cộng, là thực tế lịch sử không ai chối cãi được, kể cả chính quyền Trung Cộng. Cũng như nhiều bệnh dịch khác, đã được mang tên của vùng xuất phát, thay vì tên khoa học rắc rối và khó nhớ đối với quần chúng, chẳng hạn như dịch Cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu), hay dịch Ebola là tên một con sông xứ Congo bên Phi Châu,… Nhưng khi TT Trump gọi đó là dịch Vũ Hán hay dịch Tầu thì khối cấp tiến nhẩy dựng lên, tố đây là chuyện khích động tính kỳ thị da vàng, “bài ngoại cuồng điên” theo ngôn ngữ cụ Biden. Kẻ này thắc mắc không biết việc cụ Biden phản ứng như vậy có phải đã là chuyện trả nợ của cha con cụ, đã được Tầu cộng đấm mõm cả trăm triệu trước đó hay không?

    Một đề tài tranh cãi nhỏ là thời điểm COVID xuất hiện. Trên chính thức, thì chính quyền TC nhìn nhận và loan tin về vi khuẩn corona đầu tháng Giêng 2020, khi họ cho biết đã có dịch mới phát hiện tại Vũ Hán tháng Chạp 2019, qua việc ăn thịt dơi. Sau này, đã có nhiều tin cho biết dịch COVID đã xuất hiện ít ra từ tháng Chín rồi, cả ba tháng trước khi chính quyền TC nhìn nhận.

    Nhưng đề tài tranh cãi lớn nhất là vi khuẩn corona này từ đâu ra. Cho đến nay, đã có ít nhất ba giả thuyết:

    1. Giải thích chính thức của chính quyền TC: vi khuẩn phát xuất từ một loại dơi trong các hang động vùng Vũ Hán, và chính quyền TC đã không kiểm soát hay ngăn cản được.

    2. Nghi ngờ của nhiều khoa học gia trên thế giới: đó là vi khuẩn do các nhà khoa học TC vô tình tạo ra qua các cuộc thử nghiệm tại bệnh viện nghiên cứu vi khuẩn lớn nhất Tầu tại Vũ Hán, rồi vì một tai nạn nào đó, đã sơ ý để vi khuẩn thoát ra ngoài, sinh ra nạn dịch lây lan ra cả thế giới.

    3. Thuyết âm mưu cho rằng vi khuẩn corona chính là một thứ vũ khí sinh học chính quyền TC cố tình phát minh ra để đánh đối thủ, tuy chưa rõ CS Tầu đã cố tình tung ra bây giờ hay vô tình để thất thoát ra ngoài khi chưa đến lúc.

    Kẻ này nhìn nhận không đủ khả năng hay dữ kiện để nhận định giả thuyết nào thật, giả thuyết nào giả. Chỉ biết bất cứ những gì CS nói là không thể tin được, bất kể CS Tầu hay Việt.

    Điều đáng tiếc là thế giới có Tổ Chức Y Tế Quốc Tế WHO, đáng lẽ ra phải là nguồn tin trung lập khách quan đáng tin cậy nhất, nhưng thực tế WHO đã chỉ là cái loa phát thanh lại những thông cáo chính thức của chính quyền Tầu cộng mà không một ai trên thế giới có thể tin được.

    Tóm lại, bất kể giả thuyết nào, chính quyền TC với sự đồng lõa của WHO, vẫn là thủ phạm lớn nhất trong đại nạn lịch sử này.

    Bài học

    Qua một năm cả thế giới đấu đá với dịch, ta đã có thể rút tỉa được vài bài học.

    - Những quốc gia Tây Phương, trong đó có Mỹ, đã là những xứ bị đánh nặng nhất, trong khi Á Châu, lạ lùng thay, lại bị tương đối nhẹ, trong khi Nam Mỹ bị vừa vừa và Phi Châu gần như thoát nạn. Mỹ và Tây Phương bị nặng nhất vì là những xứ với khí hậu mát mẻ tốt cho COVID nhất, lại cởi mở nhất, thiên hạ khó chịu với các biện pháp ngừa dịch, giới hạn tự do cá nhân quá nhiều. Bằng chứng hiển nhiên, những xứ ‘vô kỷ luật nhất’ bị đánh nặng nhất, điển hình là Mỹ, trong khi những xứ kỷ luật cao, tôn trọng những biện pháp cấm cung, cách ly của chính quyền địa phương bị nhẹ nhất, điển hình là Đức. Tinh thần kỷ luật chung của cả nước đã là yếu tố tối quan trọng.

    - Dịch cũng đã bị kềm chế chặt chẽ hơn tại các xứ độc tài, nhất là CS. Chẳng hạn ở VN, một người dân bị phát hiện có bệnh, cả khu phố bị công an cấm cung, nhốt hết trong nhà ngay, bất tuân lệnh, bị bắt về đồn công an dần cho nhừ tử ngay, không chết vì COVID thì chết trong đồn công an. Hay ở Vũ Hán, chính quyền TC cấm cung nguyên một tỉnh với cả trăm triệu dân, không ai dám hó hé. Quyền hành của Nhà Nước đóng vai trò cực quan trọng. Trong khi tại Mỹ, bất kể những đổ thừa lên đầu TT Trump, ai cũng biết ông này chẳng có bao nhiêu quyền hành, khi các biện pháp như cấm cung, cách ly, chữa trị, các phương tiện như nhà thương, bác sĩ, máy thở,… tất cả đều thuộc thẩm quyền các thống đốc, thị trưởng hay quận trưởng. Cụ nào chỉ nhìn vào con số Mỹ để chửi Trump, có quyền nhìn vào các con số của CSVN và ca tụng Tổng Trọng.

    - Hiển nhiên vi khuẩn corona không thích khí hậu nóng, có khuynh hướng phát tác mạnh khi khí hậu mát mẻ, không nóng quá như Phi Châu, Nam Mỹ và Nam Á, hay lạnh quá như Siberia và Bắc Âu, hay ngay cả Canada. Ấn Độ vào mùa nóng, đang bị COVID đánh tàn bạo.

    - Những nơi quá đông dân sống chen chúc, thiếu vệ sinh, thiếu y tế sẽ dễ là nạn nhân như các khu da đen và da nâu ở Mỹ, hay các xứ quá đông dân như Ấn Độ, Mexico, Brazil.

    - Việc các xứ Tây Phương bị nặng nhất, bất kể những tiến bộ y khoa hơn xa các xứ chậm tiến, dường như củng cố ý kiến dân các xứ tân tiến này có sức khỏe ‘yếu’ nhất, với sức đề kháng yếu hơn sên, trong khi dân các xứ chậm tiến, thiếu vệ sinh hơn, có sức đề kháng mạnh hơn, vì cơ thể đã thường xuyên đụng trận với đủ loại vi khuẩn. Dân Á Châu, nhất là dân Tầu, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan và VN, phần lớn cũng có thói quen đeo khẩu trang từ hồi nào đến giờ.

    Thống kê và ý nghĩa

    Nghiên cứu cho kỹ con số bị nhiễm và con số tử vong vì COVID, dường như vi khuẩn corona cuối cùng không kinh khủng như TTDC hù dọa.

    Nhìn vào thống kê Mỹ, tổng số người bị nhiễm cho đến nay là hơn 32 triệu người (9,6% dân số), số chết là hơn người 580.000 (1,7% số người bị nhiễm) và số khỏi bệnh là 25 triệu (78% số người bị nhiễm).

    Trung bình 80% số người chết vì COVID là trên 65 tuổi. Con số này thay đổi tùy tiểu bang, từ 70% (Texas) tới 94% (Idaho). Trong số 20% còn lại, hầu hết đều là những người tuy dưới 65 tuổi, nhưng có bệnh nặng trước, hay dân sống trong những khu nghèo nàn nhất, thiếu vệ sinh nhất, y tế tồi tệ nhất, phần lớn là dân da đen trong các ổ chuột của các thành phố lớn, và dân da nâu trong cái tỉnh nhỏ biên giới Mễ.

    Nói cách khác, trong 100.000 dân Mỹ, có hơn 90.000 người không bị gì, chưa tới 10.000 người bị nhiễm, trong đó có 7.800 người khỏi, và 2.200 người đang điều trị, và 170 người chết trong đó có tới 140 cụ trên 65 tuổi.

    Một cách nhìn lạc quan khác nữa: trong 100.000 người dân, chỉ có chưa tới 30 người dưới 65 tuổi chết vì COVID, hầu hết là dân nghèo hay có bệnh trước.

    Nôm na ra, mức rủi ro bị nhiễm khá cao, gần 10% dân Mỹ, ngang nhau, bất kể lứa tuổi, nhưng chỉ có các cụ lớn tuổi hay những người bệnh hoạn với sức đề kháng yếu mới chết, hay những người sống khổ sở, chật vật thiếu thốn nhất, phần lớn là dân nghèo da đen và da nâu, trong khi tuyệt đại đa số dân trẻ hay trung niên, sức khỏe vừa phải, có phương tiện vệ sinh và y tế bình thường, có thể bị nhiễm, nhưng chẳng mấy ai chết, hầu hết đều khỏi bệnh.

    Đây là những con số không có gì là kinh hoàng như TTDC hù dọa, và là lý do giải thích tại sao phần lớn dân Mỹ, nhất là thanh niên khỏe mạnh, đã bắt đầu hết sợ COVID, đã bất chấp cảnh giác cũng như các biện pháp ngăn ngừa của các chính quyền tiểu bang và địa phương, coi thường COVID, tụ họp ăn nhậu thoải mái, điển hình là trên các bãi biển Florida và Cali.

    Con số 170 người chết, 80% là cao niên, trong số 100.000 người bị nhiễm cũng là những con số nhiều thống đốc nghiên cứu và thấy không đáng để đóng cửa kinh tế cả tiểu bang gây thiệt hại tài chánh bạc ngàn tỷ cho cả chục triệu người không bị đe dọa, hay đóng cửa tất cả trường học gây thiệt hại tinh thần cho học sinh, nhất là học sinh mẫu giáo và tiểu học là khối dân không bị nhiễm dịch, và thiệt hại văn hóa cho cả nước không thể tính bằng tiền được nữa. Việc các trường học đóng cửa trên nguyên tắc được biện giải để bảo vệ trẻ con, nhưng trên thực tế chỉ là để bảo vệ các giáo chức, khai thác cơ hội đòi tăng lương như các nghiệp đoàn giáo chức đang đòi, không hơn không kém, dựa trên ‘mối nguy đi dạy học’.

    So sánh với Tây Âu là những xứ gần với Mỹ nhất trên phương diện phát triển kinh tế và tiến bộ y tế, thì Mỹ tương đối có số nhiễm cao hơn một chút vì dân Mỹ phóng khoáng, vô kỷ luật hơn dân Tây Âu, nhưng tỷ lệ chết thấp hơn nhiều nước vì hệ thống y tế Mỹ hữu hiệu hơn. Riêng Đức là trường hợp đặc biệt, đối phó hữu hiệu, phần lớn nhờ tinh thần kỷ luật cực cao của dân Đức.




    Những hô hoán Mỹ chết nhiều nhất thế giới không sai, nhưng chỉ vì dân số Mỹ rất lớn. Tính theo tỷ lệ, Mỹ tương đối chết ít hơn rất nhiều nước Tây Âu. Nhưng vì nhu cầu hù dọa, các cụ cuồng chống Trump vẫn la hoảng thôi.

    Hậu quả

    COVID đã để lại những dấu vết không xóa nhòa được, di hại vĩnh viễn.

    Nạn nhân đầu tiên dĩ nhiên là các cụ cao niên, đã bị chết nhiều nhất. 80% hay hơn 450.000 cụ, tuyệt đại đa số trong các viện dưỡng lão trong các tiểu bang DC vùng đông-bắc Mỹ như New York, New Jersey, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut,…

    Nạn nhân kế tiếp là những khối dân nghèo như trên đã bàn.

    Khối nạn nhân lớn thứ ba, ít người để ý hơn vì không có người chết, là đám trẻ con tuy là khối không bị nhiễm, nhưng lại là nạn nhân lớn khi các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học nhất loạt đóng cửa hết. Sau đó phần lớn các em được dạy qua mạng, ngồi nhà học qua computer. Nhưng các em, nhất là các em con nhà nghèo, khi mà bố mẹ đầu tắp mặt tối lo công ăn việc làm, hay không có khả năng kèm việc học, đã coi như mất nguyên một năm học, chưa kể tác hại tinh thần một cách khủng khiếp nhất.

    COVID cũng đã để lại dấu ấn cực tai hại trên những phạm vi ngoài y tế.

    Nạn nhân lớn nhất đã là… ‘sự thật’. COVID đã giết một phần lớn sự thật khi các tin fake news đã hoành hành mạnh mẽ trong suốt cả năm trời. Hàng vạn tin phịa, cố tình hay vô ý, đã lan tràn khắp nước.

    Nguồn tin phịa lớn nhất đầu tiên phát xuất từ Bắc Kinh dĩ nhiên, với hàng loạt thông báo láo của bộ máy tuyên truyền của CS Tầu. Đã vậy lại còn được WHO làm loa phóng thanh lại cho cả thế giới.


    Tại Mỹ, nguồn tin fake news lớn nhất chính là từ Cơ Quan Kiểm Dịch CDC, với bác sĩ Fauci, ngày ngày ra trước truyền thông tuyên bố vung vít, mà lại hoàn toàn bất nhất. Lúc thì ‘không có gì nghiêm trọng’, khi thì ‘nguy lắm’. Hôm trước nói vầy, hôm sau nói ngược lại. Cả nước mù mờ, không ai hiểu gì. Ông Fauci đã không còn là bác sĩ, mà đã thành một chính trị gia, tuyên bố ‘theo chiều gió chính trị’.

    Bên cạnh các tin phịa hoàn toàn, là những tin xuyên tạc, bóp méo, đặc biệt là do phe đối lập DC và TTDC tung ra để hại TT Trump.

    Khi TT Trump trấn an thì bị tố là cố tình nói láo, lừa dân. Khi TT Trump cho biết nghe nói vi khuẩn không chịu được khí hậu nóng nên qua tháng Tư có thể sẽ hết đe dọa, thì TTDC xuyên tạc, tố Trump bảo đảm tháng Tư dịch sẽ biến mất hết. Khi Trump nói các thuốc khử trùng thông dụng có thể được dùng làm căn bản để chế thuốc chữa trị thì TTDC xuyên tạc, nói Trump khuyên dân nên uống thuốc khử trùng, khiến vài người tin, làm theo, lăn ra chết.

    Sau này là hàng loạt tin fake news khác như Trump chống việc đeo mặt nạ, chống lại các biện pháp cấm cung, cách ly, thuốc ngừa,… Oai hùng hơn cả, cụ Biden sau cả tháng nhậm chức, vẫn hùng hổ tuyên bố trước khi cụ nhậm chức, không có thuốc chích ngừa. Cho đến khi hình cụ ngồi chích ngừa khi chưa tuyên thệ được bung ra mới im. Cụ Biden cũng rất hoành tráng khoe khoang việc cả trăm triệu dân đã được chích ngừa sau khi cụ nhậm chức, mà lại không đủ lương thiện để thông báo cho dân biết đó là nhờ TT Trump đã tung ra 18 tỷ đô để giúp sáng chế ra thuốc trong thời gian ngắn kỷ lục, và để mua 800 triệu liều thuốc ngừa cho cụ Biden xài.

    Nói về cá nhân, thì không ai có thể chối cãi, TT Trump đã là nạn nhân lớn nhất khi ông mất job.

    Bỏ qua những tranh cãi về gian lận bầu cử, không ai có thể chối cãi một số không nhỏ dân Mỹ đã hoặc là thiếu kiên nhẫn, hoảng sợ lo tìm bác sĩ khác khi thấy dịch tấn công quá mạnh, nhất là trong vài tháng trước ngày bầu cử, hoặc là đã bị TTDC mê hoặc trong cái rừng xuyên tạc, bôi bác của họ.

    Điều hiển nhiên không ai có thể chối bỏ được là cụ Biden nếu không có dịch COVID tấn công, giờ này vẫn còn đang ngủ gật trong nhà, không có phép lạ nào có thể khiến cụ hạ được ông Trump.

    Cái thiếu lương thiện thô bỉ của cụ Biden là tuần rồi đã hiên ngang khoe công đã chích 200 triệu liều thuốc ngừa. Việc chích thuốc ngừa qua 4 giai đoạn:

    1. Giúp sáng chế thuốc: công của các nhà khoa học với sự trợ giúp tài chánh của TT Trump.

    2. Mua thuốc: TT Trump đặt mua 800 triệu liều thuốc ngừa.

    Cả hai việc trên đều xẩy ra TRƯỚC khi cụ Biden nhậm chức. Chưa kể việc đặt sản xuất cả mấy trăm triệu ống chích.

    3. Phân phát thuốc ngừa cho các tiểu bang: theo kế hoạch của TT Trump khi mới đặt mua thuốc.

    4. Chích ngừa cho dân: theo các kế hoạch khác biệt của các thống đốc vì đó thuộc phạm vi quyền hạn thống đốc, chẳng liên quan gì đến tổng thống liên bang.

    Nhìn vào 4 bước trên, đâu là đóng góp hay công của cụ Biden mà cụ khoe một cách hết sức… mặt trơ trán bóng?

    COVID chẳng những đã là đại họa lớn nhất, gây tang tóc và thiệt hại vật chất lớn nhất trong lịch sử nhân loại, mà còn là vi khuẩn đã thay đổi nhân loại như chưa bao giờ thấy. Thay đổi xã hội, văn hóa, lối sống và cả chính trị thế giới.

    Những người xúm lại đổ lỗi tất cả lên đầu Trump chỉ là những con kiến, con ong bàn chính trị theo phe phái, không hơn không kém.

    Nhìn dưới khiá cạnh tích cực hơn, ít ra COVID cũng giúp thiên hạ coi trọng vấn đề vệ sinh hơn, rửa tay thường xuyên hơn, nói chuyện bớt dí sát mặt, ra đường đeo khẩu trang cũng bớt phải hít bụi.



    Vũ Linh - 24/4/2021
    (Nguồn: diendantraichieu)
    Last edited by TuNguyen; 04-24-2021, 06:20 PM.
    Best wishes,

  • #2
    Cảm ơn anh Tư đã luôn đăng những bài với nhiều tin tức trung thực. Thật ra , vì nước Mỹ và những nước có trong danh sách là bị nhiều vụ Covid và số tử vong cao, bởi vì những nước đó chính phủ thành thật và thống kê rất chính xác.

    Click image for larger version

Name:	IMG_7743.jpg
Views:	241
Size:	83.7 KB
ID:	24309

    Nếu có thống kê những vụ Covid và số người bị tử vong của những nước như Trung Quốc, nhất là tại thành phố Vũ Hán .....để so sánh chắc là hay lắm.

    ĐH
    Đình Hương

    Comment


    • #3

      Cảm ơn Đinh Hương đã comment với nhận xét tinh tế. Có lẽ tác giả không muốn nhắc đến hay so sánh những con số ca nhiễm Covid hay số người chết được cung cấp bởi Trung quốc hay chính quyền thành phố Vũ Hán mà đã có nhiều thắc mắc về tính trung thực, thay vào đó tác giả viết:

      Dịch cũng đã bị kềm chế chặt chẽ hơn tại các xứ độc tài, nhất là CS. Chẳng hạn ở VN, một người dân bị phát hiện có bệnh, cả khu phố bị công an cấm cung, nhốt hết trong nhà ngay, bất tuân lệnh, bị bắt về đồn công an dần cho nhừ tử ngay, không chết vì COVID thì chết trong đồn công an. Hay ở Vũ Hán, chính quyền TC cấm cung nguyên một tỉnh với cả trăm triệu dân, không ai dám hó hé. Quyền hành của Nhà Nước đóng vai trò cực quan trọng”.


      Click image for larger version  Name:	COVID_19_one_year_later2.jpg Views:	0 Size:	245.8 KB ID:	24313


      Một bài viết mới đây 20/4/2021 của tác giả Đậu Ngọc Xuân có nhiều nhận định hay. Mời đọc một trích đoạn:

      Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 và đã đẩy phương Tây vào một cuộc khủng hoảng. Nhưng hiện giờ tình thế đã đảo ngược.

      Trung Quốc đã ghi được những bàn thắng quyết định trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh lạnh COVID. Nước này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa với mức độ khắt khe từng chi tiết khi buộc người dân phải ở nhà. Sau khi đã gần như hoàn toàn kiểm soát được dịch COVID-19 ở trong nước, Trung Quốc đã kích hoạt cỗ máy công nghiệp của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với hàng hóa nội địa. Tiếp đó là một chiến thắng ngoại giao với Mỹ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Và trên hết là chiến thắng về mặt tâm lý khi Bắc Kinh hân hoan vì ngăn chặn thành công dịch bệnh COVID-19 theo cách của Trung Quốc, còn phương Tây thì ủ rũ trong tình trạng phong tỏa.

      Tuy nhiên, giờ đây chiến lược vaccine tệ hại và sự phục hồi kinh tế giả tạo đang trở lại ám ảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phương Tây vốn chìm trong một năm khủng hoảng tồi tệ có thể tự hỏi: Rốt cuộc thì quyền lực của một nhà nước độc tài tập trung có cạnh tranh nổi với sự nhanh nhạy đầy sáng tạo của xã hội tư bản tự do hay không?

      Thật ngạc nhiên khi quan chức kiểm soát dịch bệnh hàng đầu của Trung Quốc đã thừa nhận vaccine ngừa COVID-19 của nước này có hiệu quả thấp. Các thử nghiệm ở nước ngoài cho thấy tỷ lệ phòng bệnh của vaccine Trung Quốc chỉ thấp ở mức 50% và nước này hiện đang xem xét khả năng kết hợp các vaccine khác nhau nhằm tăng hiệu quả. Đây là một thảm họa đối với Trung Quốc. Nước này đang kẹt trong bẫy miễn dịch COVID-19 không bền vững và chỉ có thể kiểm soát dịch bằng cách đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài và hạn chế du lịch trong nước. Bắc Kinh có thể bị bỏ lại phía sau trong vòng vài tháng tới, khi các đối thủ phương Tây đạt được miễn dịch cộng đồng và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế toàn cầu.

      Về điểm này, ngay cả giới bình luận Trung Quốc cũng tỏ ra rất thẳng thắn. Các nhà dịch tễ học Trung Quốc đã cảnh báo trên truyền hình rằng tỷ lệ phòng bệnh của vaccine Trung Quốc không đủ để nước này đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, chứ đừng nói là đến cuối mùa Hè này. Các chuyên mục bình luận trên báo chí Trung Quốc, vốn phê phán “những tham vọng thối nát” của các lực lượng chống Trung Quốc, giờ đây lại phân tích những tiến bộ của Anh, Israel và Mỹ với sự nể phục đúng mực.


      Link của bài viết tại đây:
      Trung Quốc đang thua sau cuộc chiến chống COVID - Đậu Ngọc Xuân

      https://www.rfa.org/vietnamese/news/...021114008.html
      Last edited by TuNguyen; 04-27-2021, 09:14 PM.
      Best wishes,

      Comment

      Working...
      X