Một nghiên cứu mới được Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố gần đây cho thấy người Việt tại Hoa Kỳ là sắc dân có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất trong số những người Mỹ gốc Á, và cao hơn cả tỷ lệ sở hữu nhà của người Mỹ nói chung.
Theo nghiên cứu của Pew, có đến 67% người gốc Việt sở hữu nhà cửa tại Mỹ, trong khi tỉ lệ chung của cả dân Mỹ chỉ có 64%, dựa theo số liệu tính đến năm 2019.
Con số trên càng có sự cách biệt cao hơn khi đem so sánh với các sắc dân gốc Á khác tại Mỹ, chẳng hạn chỉ có 45% người Mỹ gốc Bangladesh, 46% người Mỹ gốc Miến Điện và khoảng 1/3 người Mỹ gốc Nepal là sở hữu nhà, vẫn theo nghiên cứu của Pew.
“Đầu tiên là yếu tố văn hoá ‘An cư’, phải có nơi ăn ở vững chãi thì mới ‘lạc nghiệp’”, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ California lý giải với VOA về nguyên nhân nhiều người Mỹ gốc Việt muốn sở hữu nhà.
Thứ hai, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người Việt sở hữu nhà cao tại Mỹ là yếu tố đầu tư, đầu cơ.
“Điều này cũng phải cẩn thận”, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa lưu ý, “nhiều người Việt Nam không theo dõi kỹ tình hình thị trường gia cư, khi thấy giá nhà lên thì ngoài yếu tố đầu tư để có cái nhà ở, thì còn có yếu tố đầu cơ, tức là mua thêm nhà để cho thuê, cho share phòng để kiếm thêm tiền”.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, việc “đầu cơ” vào nhà đất mà không có sự nghiên cứu và hiểu biết nhất định về “kinh tế thị trường của một xứ phức tạp như Mỹ” của người Việt trong thời gian qua cũng đã gây ra những tổn thất đáng kể cho một số người, đặc biệt là vào thời điểm xảy ra bong bóng bất động sản dẫn đến suy thoái kinh tế vào những năm 2008 – 2009.
Tìm cách lý giải cho việc chọn đầu tư vào nhà đất của người Việt, cựu trung tá lục quân Hoa Kỳ Trần Quốc Anh, người hiện giữ chức Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Các Vùng Phụ Cận, cho rằng “Người Việt Nam mình thường không biết invest (đầu tư) vào nhiều thứ khác như stock (cổ phiếu)… nhưng họ biết invest vô nhà thì có lợi hơn”.
Theo ông Quốc Anh, với tâm lý “lo xa”, cộng với tình trạng tài chính của phần đông người Việt Nam khi đến Mỹ đều nghèo, nên họ thường tập trung cho việc kiếm tiền, dành dụm để có thể đạt được mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu ưu tiên nhất: mua nhà, và xem đây như một gia tài để lại cho con cháu sau này.
Nhận định về yếu tố này, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói: “Thế hệ những người đi sau, sau khi gặp những điều xảy ra không tốt đẹp tại Việt Nam, thí dụ như thế hệ HO, thì họ coi chuyện phải có nhà cửa là một ưu tiên”.
Nghiên cứu của Mỹ cho thấy trong số 44,6 triệu người thuê nhà ở Mỹ, thì chỉ có 214.000 người Việt trong số 2,5 triệu người gốc Á. Giải thích về con số ít ỏi này, ông Trần Quốc Anh cho rằng
“Người Việt Nam mình khi thích chỗ nào là muốn ở chỗ đó lâu dài nên người ta tính đến mua nhà. Nếu khi qua đây phải thuê nhà thì người ta chỉ thuê một thời gian thôi. Người Việt mình thích mua nhà hơn thuê nhà”.
Ngoài yếu tố thích “an cư”, không chọn lối sống “nay đây mai đó” như nhiều sắc dân khác, người Việt cũng dễ dàng chịu “hy sinh thêm một chút” các nhu cầu hằng ngày khác để có tiền trả thêm cho việc sở hữu nhà thay vì đi thuê.
Lấy ví dụ như tại Houston, Texas, ông Trần Quốc Anh cho biết giá thuê một căn hộ tương đối vào khoảng 1.000 USD, trong khi nếu mua một căn nhà rộng rãi, có 3-4 phòng với giá khoảng 200.000 USD thì mỗi tháng họ chỉ phải trả thêm 300 – 400 USD. Vì vậy, nhiều người Việt thường chọn mua hơn là thuê nhà.
Nghiên cứu của Pew cho biết người gốc Á là nhóm sắc tộc phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ, với hơn 20 triệu người, chủ yếu có nguồn gốc từ Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ. Nhưng các nhóm sắc tộc gốc Á tại Mỹ có rất nhiều khác biệt đáng kể về thu nhập, giáo dục và các đặc điểm khác, tạo ra một sự đa dạng nổi bật và trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận cách thức thu thập dữ liệu về họ ở các cơ quan chính phủ, trường học hay các trung tâm nghiên cứu.
Riêng người Mỹ gốc Việt, với dân số gần 2,2 triệu người (tính đến năm 2019), người Việt tập trung nhiều nhất ở Los Angeles, kế đó là Houston, San Jose, Dallas, San Francisco và một số nơi khác. Thu nhập bình quân của người gốc Việt là 69.800 USD/năm, trong đó người gốc Việt sinh ra tại Mỹ có mức thu nhập bình quân 82.400 USD/năm và người Việt sinh ra ở ngoài nước Mỹ là 66.000 USD/năm.
Theo VOA
Comment