Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng – Nguyễn Ngọc Chính

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng – Nguyễn Ngọc Chính



    Click image for larger version  Name:	106+1+nguyenthihoang.jpg Views:	0 Size:	29.1 KB ID:	24857




    Sau Nhã Ca và Túy Hồng, lại một nhà văn nữ nữa có xuất xứ từ vùng đất Thần Kinh: Nguyễn Thị Hoàng. Người đọc có thể sẽ nhíu mày, “Lại Huế!!!”.

    Tuy nhiên, xét cho cùng, họ là những nhà văn sinh trưởng tại Huế nhưng không sống ở Huế suốt đời. Họ đã xuôi Nam, về Sài Gòn và thành công trong việc tìm một chỗ đứng trên văn đàn. Cũng không sai khi nói họ “mất gốc” nhưng có lẽ bản chất “gái Huế đa tình” đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Và đó là một trong những lý do khiến họ thành công trong nghề viết.

    Chất Huế (bao gồm ngôn ngữ và không gian) trong các tác phẩm của 3 nhà văn nữ này ngày càng giảm dần: từ đậm nét trong truyện của Nhã Ca như Cổng trường vôi tím, Giải khăn sô cho Huế… sang đến bàng bạc chút Huế trong Túy Hồng và hình như mất hẳn 'nét Huế' trong Nguyễn Thị Hoàng. Điều này cũng dễ hiểu. Những nhà văn nữ, một khi đã đạt được phần nào sự nổi tiếng, họ sẽ là nhà văn của cả nước chứ không còn là của một địa phương nào.

    Điểm qua các tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng ta thấy “lý lịch” của các nhân vật thật phong phú và đa dạng. Nhân vật đó có thể là cô giáo trên Đà Lạt tạo nên Vòng tay học trò hoặc người nữ tu trong nhà thương với những nuối tiếc trần tục trong Cho những mùa xuân phai…

    Thậm chí trong số nhân vật đó còn có một cô gái liêu trai ám ảnh cuộc đời một tài tử điện ảnh trong Bóng lá hồn hoa tận bên Đài Loan hoặc một người phụ nữ Việt Nam nào đó (Nguyễn Thị Hoàng?) có liên quan đến hai vợ chồng người họa sĩ Nhật trong Tan trong sương mù, một truyện tình có nhiều ẩn dụ.
    Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời… rồi ráp thành chuyện.

    Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về 'Vòng Tay Học Trò', nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là… phải thản nhiên”.

    Vòng tay học trò được coi như tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Hoàng, xuất hiện nhiều kỳ trên Bách Khoa và được tái bản nhiều lần sau bản in đầu tiên năm 1966. Chính tác giả trong một cuộc phỏng vấn với Mai Ninh năm 2003 đã nói về việc viết Vòng tay học trò (VTHT):

    “Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt.

    Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách Khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng.

    Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết”.

    Tác giả xác định một cách nửa vời về Vòng tay học trò: “…nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì…cũng chẳng phải là thế”. Như đã nói, những nhà văn nữ thường “tự thuật” về cuộc đời mình và chính những kinh nghiệm bản thân khiến tác phẩm của họ dễ đi vào lòng người đọc. Dĩ nhiên việc “thêm mắm thêm muối” còn tùy thuộc vào sự khéo léo của mỗi đầu bếp để có một món ăn ngon hay dở.

    Vòng tay học trò là câu chuyện có thật tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và cậu học sinh đệ nhị cấp Mai Tiến Thành. Tôi vốn là bạn học rất thân với Thành từ năm Đệ Ngũ trên Ban Mê Thuột nên biết rõ chuyện tình của Thành. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngoài đời thực có phần nào khác với Vòng tay học trò, đó là kỹ thuật “thêm mắm thêm muối” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Nói khác đi, phần 'hư cấu' trong tiểu thuyết được giữ ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được.

    Hình như để giữ cho mối tình cô giáo - học trò thi vị hơn, tác giả đã để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời. Đứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài. Mai Tiến Thành đã trở thành người thiên cổ tại Hoa Kỳ và câu chuyện tình làm nên tác phẩm rồi cũng đi vào quên lãng.

    Trước khi lên Đà Lạt dậy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào một 'scandal', một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển.

    Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên, giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thi Hoàng gần ba mươi tuổi. Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời thú nhận can đảm của người trong cuộc:

    “Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!”.

    Đứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị.

    Nguyễn Thị Hoàng trong bài Về thư gửi con của Thái Kim Lan đăng trên Da Màu có đoạn viết về tình mẫu tử:

    “Mỗi phụ nữ có con đều được là mẹ và làm mẹ, nhưng trên mẫu số chung là thương con, hàng tỉ tử số khác nhau cho tự tính là và làm mẹ ấy, tùy thuộc dân tánh, căn chất, đẳng cấp, thể loai khác nhau của phụ nữ. Cái là xác định tính cách sinh sản, sáng tạo và hoàn thành một công trình, tuyệt phẩm”.

    Sau này, người chồng chính thức của Nguyễn Thị Hoàng là Nguyễn Phúc Bửu Sum, có họ hàng với họa sĩ Nghiêu Đề. Ông Bửu Sum trong thời VNCH đã qua nhiều giai đoạn cùng cực: trốn lính rồi bị bắt, đào ngũ rồi cũng bị bắt lại… Nguyễn Thị Hoàng ngoài việc viết lách còn phải chăm sóc 5 đứa con, lo việc nhà cửa, bếp núc.

    Truyện dài Cuộc tình trong ngục thất là “tự truyện” của Nguyễn Thị Hoàng trong giai đoạn khó khăn này. Truyện kể lại việc Bửu Sum trốn lính, bị bắt, làm 'lao công đào binh' tác chiến ngoài Quảng Ngãi và rồi lại đào ngũ. Cuốn truyện không mang tính cách phản chiến nhưng lại mang nhiều suy nghĩ trung thực của người phụ nữ trong cuộc chiến vừa qua. Nguyễn Thị Hoàng viết:

    “Những gì đáng mất đi vẫn còn. Những gì đáng lẽ còn đã phải mất. Những kẻ được, lại thua lỗ bỏ đi. Kẻ đáng thua lỗ, lại ngồi trì, ăn có. Mọi chuyện như cái con vụ. Con ếch nhường chỗ cho con gà. Con tôm nhường chỗ cho con heo. Cái vụ tròn bé thơ quay tít trong bao nhiêu con mắt khắc khoải đợi chờ”.

    Hai nhân vật chính trong truyện hoàn toàn không có tên, thay vào đó là Người Vợ và Người Chồng, nhiều đoạn chỉ được giới thiệu vỏn vẹn Vợ hoặc Chồng. Ta hãy đọc đoạn văn ngắn viết về sự căng thẳng, phập phồng trong tâm trạng của người trốn lính:

    “Người chồng ngồi lặng yên nhả khói thuốc. Khói thuốc ấm áp toả vòng tròn trên hai con mắt nâu đã đục vàng vì những đêm liên miên mất ngủ. Thỉnh thoảng, những ngón tay dài đã gầy gò lồng trong mái tóc cắt ngắn lô nhô sợi buồn rã rượi, cào một vòng, trút bỏ bụi mù của đường xa đã đi.

    Chồng không nói gì. Vợ cũng im hơi, nhưng hai người nghe rõ trong nhau những tiếng thở dài thầm kín pha lẫn những tiếng kêu gào náo nức quắt quay của phút đợi chờ phập phồng kéo dài tưởng đến hết một đời người chưa dứt”.

    Có thể nói, văn phong của Nguyễn Thị Hoàng cũng tựa như của Mai Thảo: rất “điệu đà”, rất “bay bướm” và rất “làm dáng”… đến độ nhiều khi trở thành sáo rỗng. Chẳng hạn như trong Người yêu của Đấng Trời, một tiểu thuyết đã được viết từ hơn một chục năm nay nhưng chưa hề xuất bản. Hợp Lưu trích đăng một chương có những đoạn viết:

    ‘‘Tất cả đều in bóng lên nền xanh bát ngát của lòng trời, và những đôi mắt linh hồn mãi mãi tìm nhau, vẫn dồn trút niềm yêu và nỗi đau trong cái nhìn đáy thẳm tuyệt vời của im lặng và bóng tối.’’


    ‘‘Khoác lên trái tim chưa yêu của Chúa một vầng hoa nguyệt quế nghìn thu. Và trái tim nào đã yêu đến tan nát cả chân như thể tánh mình, hãy lấy búa kim cương đóng lên một chiếc đinh vàng, để dưới bóng Chúa lung linh nến hồng thuở trước, trên tình yêu không bao giờ có thực của chúng ta, một giọt máu trường sinh nhỏ xuống.’’

    Trước khi nổi tiếng trong nhóm nhà văn nữ trước 1975, Nguyễn Thị Hoàng là một nhà thơ của xứ Huế với hai tập thơ Sầu riêng (1960) và Sau phút đam mê (1961). Nổi bật hơn cả là bài thơ Chi lạ rứa với 40 câu thơ mang đặc những ngôn từ của miền Trung như chi lạ rứa, bởi vì răng, bên ni bờ, đau chi mô, hiểu chi mô…

    Những vần lục bát là thế mạnh trong thơ Nguyễn Thị Hoàng với những câu thơ rất da diết nhưng cũng rất tự nhiên như văn viết:

    “Em mười sáu tuổi tơ măng
    Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu”

    “Trong cơn chăn gối rã rời
    Im nghe từng chuyến xe đời đi qua”

    “Đường về không nhịp trùng lai
    Chúa ơi con sợ... ngày mai một mình"

    “Nhìn lên thành phố không đèn
    Âm u còn một màn đêm cuối cùng
    Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng
    Mình xa nhau đến muôn trùng thời gian”

    “Lênh đênh tiếng hát kinh cầu
    Ăn năn cổ thụ cúi đầu ngẩn ngơ
    Trên cao tháp cũ nhà thờ
    Hồi chuông tưởng niệm bây giờ còn vang”

    Lối gieo vần trong thơ 8 chữ cũng là một thể nghiệm mới lạ của nhà thơ nữ:

    “Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
    Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
    Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
    Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”

    “Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
    Có nhạc phòng trà có lá me bay
    Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
    Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay”

    Và cuối cùng là những vần thơ 5 chữ trong bài Lời rêu:

    “Uống cùng nhau một giọt,
    Đắng cay nào chia đôi
    Chung một niềm đơn độc,
    Riêng môi đời phai phôi.

    Say dùm nhau một giọt!
    Chút nồng thơm cuối đời.
    Vướng dùm nhau sợi tóc,
    Ràng buộc trời sinh đôi”.

    Người ta thường nói “lắm tài nhiều tật” hay “hồng nhan đa truân”. Ở Nguyễn Thị Hoàng có lẽ cả hai câu đều đúng. Trong số các nhà văn nữ nổi tiếng của Sài Gòn xưa, Nguyễn Thị Hoàng là người có nhan sắc nhất nhưng cuộc đời cũng nhiều sóng gió nhất.

    ***

    Chú thích:

    Nguyễn Thị Hoàng còn có bút hiệu Hoàng Đông Phương sinh ngày 11/12/1939 tại Huế. Đã theo học trường Đại học Văn Khoa Saigon, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Bách Khoa…

    Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng có hai quyển tiểu thuyết từng gây sôi nổi trước năm 1975: Vòng tay học trò và Tuổi Saigon. Ngoài văn xuôi, bà còn làm thơ và in thơ (trước khi viết văn), đó là hai tập thơ Sầu riêng (1960) và Sau phút đam mê (1961). Sau Vòng tay học trò còn xuất bản trên 30 tiểu thuyết trước 1975. Năm 1990 xuất bản Nhật ký của im lặng, cùng lúc là Người yêu của Đấng Trời (chưa xuất bản).

    Tác phẩm đã xuất bản:

    Vòng tay học trò (1966)
    Trên thiên đường ký ức (1967)
    Tuổi Saigon (1967)
    Vào nơi gío cát (1967)
    Cho những mùa xuân phai (1968)
    Mảnh trời cuối cùng (1968)
    Ngày qua bóng tối (1968)
    Về trong sương mù (1968)
    Ðất hứa (1969)
    Một ngày rồi thôi (1969)
    Vực nước mắt (1969)
    Tiếng chuông gọi người tình trở về (1969)
    Vết sương trên ghế hồng (1970)
    Nhật ký của im lặng (1990)



    Vòng Tay Học Trò: https://vietmessenger.com/books/?tit...ay%20hoc%20tro
    Last edited by Hung Nguyen; 07-13-2021, 02:44 PM.

  • #2
    Click image for larger version

Name:	nguyen-thi-hoang0-750x375.jpg
Views:	100
Size:	81.7 KB
ID:	24869


    Ngày xưa cũng nghe nhiều về tác phẩm nỗi tiếng "Vòng Tay Học Trò" của nhà văn Nguyễn thị Hoàng nhưng chưa có cơ hội đọc qua. Ngày nay nếu có thời giờ mọi người có thể đọc online trên mạng thoải mái. Cảm ơn anh Hùng giới thiệu bài viết về nữ văn sĩ từ xứ Thần kinh.

    Vài năm trước đây một chuyện tình có thật nổi tiếng tận trời Âu cũng được báo chí bàn tán sôi nổi. Cậu học trò yêu nữ giáo viên hơn mình 24 tuổi, đến khi 30 tuổi chàng cưới nàng làm vợ và vài năm sau chàng đưa vợ mình trở thành đệ nhất phu nhân của nước Pháp.
    Có lẽ Vòng Tay Học Trò đã được dịch ra tiếng Tây và có độc giả nổi tiếng ở xứ này
    ;-)

    Một bài viết 4 năm trước đây, không biết đúng sai, chia sẽ dưới đây đọc cho vui
    :


    ~~~ ooOoo ~~~
    Bật mí nghệ thuật quyến rũ của Phu nhân Tổng thống Pháp 64 tuổi
    Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Pháp Brigitte Macron đã nắm giữ bí quyết gì mà có thể giữ chân người chồng đào hoa, tài giỏi và kém mình 24 tuổi? Bí quyết quyến rũ đó là cả một nghệ thuật mà bất cứ phụ nữ nào cũng nên học hỏi.

    Nhiều người hoài nghi về cuộc hôn nhân giữa Tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ- bà Brigitte Trogneux Macron hơn chồng 24 tuổi, đã có một đời chồng và 3 người con riêng trước khi ông Macron đắc cử là một chiêu trò thu hút sự chú ý của truyền thông nhằm tăng phiếu bầu cho ông.

    Suốt quá trình tranh cử, mọi người đa phần tập trung chú ý vào ứng cử viên Tổng thống Pháp- người đàn ông trẻ tuổi, tài giỏi, gương mặt quyết đoán và đầy tham vọng chứ ít “ngó ngàng” gì đến người phụ nữ giỏi giang, quyến rũ luôn đứng sau lưng ủng hộ vị Tổng thống tương lai. Nhưng sau khi ông Emmanuel Macron đắc cử và trở thành Tổng thống Pháp trẻ tuổi nhất trong lịch sử thì ngược lại, mọi điều hướng lại chuyển sang Đệ nhất Phu nhân của ông, năm nay đã 64 tuổi.
    Bà Brigitte đã cùng chồng viết nên lịch sử nước Pháp

    Bí quyết nào giúp Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Pháp năm nay đã U70 có thể giữ chân người chồng trẻ tuổi, đào hoa, tài giỏi? Hãy xem nghệ thuật quyến rũ của bà Brigitte Macron để thấy rằng trong cuộc sống không phải điều gì cũng đạt được nhờ sự may mắn.

    Trình độ học vấn cao

    Đối với nhiều người, việc trở thành Phu nhân Tổng thống ở độ tuổi 64 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà Brigitte và mọi sự đều do may mắn khi bà lấy được người chồng trẻ và tài giỏi.

    Tuy nhiên trên thực tế, trong suốt quá trình vận động tranh cử thành công của ông Macron, bà Brigitte có công không nhỏ. Với trình độ học vấn và kiến thức sâu rộng của mình, bà Brigitte- cựu giáo viên trung học luôn là người quản lý chương trình nghị sự của chồng, biên tập các bài diễn văn và đưa ra lời khuyên cho chồng về các các buổi diễn thuyết trước công chúng.

    Ngay thời điểm hiện tại, ở một đất nước mà vai trò của Đệ nhất Phu nhân không được coi là chính thức và các vị Đệ nhất Phu nhân thường xa lánh các sự kiện của công chúng thì bà Brigitte Macron luôn tự tin đứng cạnh chồng, kề vai sát cánh và chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho chồng trong mọi sự kiện. Sẽ không quá lời khi cho rằng chính bà Brigitte Macron sẽ là một nhân tố đóng vai trò tích cực trong sự nghiệp chính trị vừa mới sang trang của ông Macron.

    Luôn chăm chút cho vẻ bề ngoài

    Dù hơn chồng đến 24 tuổi nhưng bà Brigitte luôn toát lên vẻ trẻ trung, khoẻ khoắn và rạng rỡ khi sánh bước bên chồng. Những người tinh ý có thể nhận thấy bà rất chú trọng và chăm chút cho vẻ ngoài của mình.
    Phu nhân Tổng thống Pháp luôn chú trọng chăm sóc da và tóc.

    Bí quyết chăm sóc tóc của Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Pháp là không gội đầu mỗi ngày, một tuần gội khoảng 2-3 lần. Mỗi lần không gội quá nhiều dầu gội đầu vì có thể gây kích ứng cho tóc. Bên cạnh đó, luôn tìm kiểu dáng phù hợp với khuôn mặt và sửa sang tóc trong vòng 2-3 tháng, luôn bảo vệ mái tóc khỏi ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, bà Brigitte thường xuyên làm mặt nạ tóc hàng tuần với dầu ô liu hoặc dầu argon, bơ và vài giọt chanh, và ủ trong 20 phút trước khi gội.

    Còn về phần dưỡng da, để giữ cho da luôn tươi trẻ, Phu nhân Tổng thống Pháp đã sử dụng các sản phẩm chống lão hóa từ khi còn trẻ, dùng sản phẩm chống tia UV vào ban ngày. Bà không bao giờ đi ngủ mà chưa tẩy trang và luôn thực hiện theo quy trình chăm sóc da 2 bước: làm sạch da và dưỡng ẩm. Bà Brigitte ngăn ngừa các nếp nhăn bằng cách tránh ánh nắng nhất là buổi trưa, không thuốc lá; giữ da ẩm và tẩy tế bào chết 1 tuần/ lần.

    Duy trì tập luyện để giữ gìn sức khoẻ

    Phu nhân Tổng thống Pháp là người rất quan tâm đến vấn đề sức khoẻ và luyện tập. Bà khéo léo kết hợp các hình thức tập thể dục trong suốt ngày làm việc, đơn giản như đi lên xuống cầu thang, đi bộ, đạp xe, tập yoga hoặc pilate.
    Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Pháp khoe thân hình quyến rũ bên cạnh người chồng kém mình 24 tuổi.

    Hơn nữa, bà Brigitte cho biết, một trong những hình thức tốt nhất của tập thể dục là “yêu” thường xuyên vì nó mang lại các lợi ích không ngờ cho hệ thống tim mạch.

    Ngoài ra, ngủ đủ giấc 8-9 tiếng/ngày gồm cả ngủ trưa cũng là một bí quyết để giữ tinh thần minh mẫn, sảng khoái.

    Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

    Theo bật mí, Đệ nhất Phu nhân uống 8 ly nước mỗi ngày, bà nhấn mạnh đây là loại “thần dược” chống lão hóa ít tốn kém nhất.

    Không loại bỏ bánh mì ra khỏi khẩu phần ăn vì bà cho rằng đây là nguồn cung dồi dào các carbon phức hợp tốt cho sức khoẻ. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hoá và ít calo như hải sản, rau bina, chuối, mật ong và tỏi.

    Bên cạnh đó, bà Brigitte uống rượu với một lượng vừa phải vì rượu chứa nhiều chất dinh dưỡng và có thể làm giảm huyết áp và hỗ trợ các giác quan nhận thức.

    Cuối cùng, điều quan trọng nhất khiến Đệ nhất Phu nhân Tổng thống Pháp luôn giữ được sự trẻ trung, đó là nụ cười. Theo bà, hạnh phúc bắt nguồn từ cuộc sống. Vì thế, hãy cố gắng nhận diện, thưởng thức và nuôi dưỡng chúng bởi khi bạn cười nhiều, niềm hạnh phúc sẽ tự động lan tỏa trên khuôn mặt bạn.


    Ngọc Dư
    Theo tạp chí Sống Khỏe
    Best wishes,

    Comment

    Working...
    X