Đã có rất nhiều giai thoại về ông. Người ta kể, có lần nhà thơ Huy Cận về nói chuyện ở Cao đẳng Mỹ Thuật, Bùi Giáng xuất hiện, đi tới đi lui ở trước cổng trường và chửi đổng: "Mẹ mày Huy Cận, mẹ mày Huy Cận.” Sinh viên vào báo cho ban giám hiệu, nhưng tất cả đều im lặng. Họa sĩ đồng hương Hồ Thành Đức, phu quân họa sĩ Bé Ký, có lẽ là người biết rất nhiều về Bùi Giáng trong giai đoạn ‘hậu giải phóng’:
Huy Cận, thứ Trưởng Bộ văn hóa, có bài thơ được Bùi Giáng sửa lại khi mang ra giảng dạy. Huy Cận biết được, phục tài sửa thơ của họ Bùi nên lúc vào miền Nam đã cho người tìm Bùi Giáng để thăm.
Nhưng, sau 75 Bùi Giáng đã thành ‘Chủ Cái Bang’, biết đâu mà tìm. Nhân viên ông Thứ Trưởng tìm đến nhờ họa sĩ Hồ Thành Đức, bởi sau 75 nơi ở của họa sĩ xem như chỗ vãng lai của nhiều nhân vật văn nghệ miền Bắc.
Anh Đức chạy kiếm nhà thơ và khuyên ông: “Anh à, đến thăm ông Thứ Trưởng, anh phải ăn mặc cho đàng hoàng, về nhà em tắm rửa rồi lấy áo quần em thay.” Bùi Giáng không nghe cứ mặc nguyên áo quần rách rưới hôi hám, ai đời quần xà lỏn mà thắt cà vạt, lại tòn ten trên người lon hũ linh tinh.
… Huy Cận ra tận cửa đón Bùi Giáng, nhưng thoạt nhìn đã phải quay đi vì không thể nhịn được cười. Huy Cận gọi nhà thơ là Tiên Sinh, chuyện vãn thân mật. Cuối cùng ông hỏi Bùi Giáng:
- Tiên Sinh có cần giúp đỡ gì không xin cho biết?
Bùi Giáng nói như thật:
- Ông Thứ Trưởng giúp cho mấy chữ để tôi trình công an chớ họ gặp là đánh tôi bầm mình bầm mẩy.
Huy Cận viết cho Bùi Giáng mảnh giấy đại ý: Nhà thơ Bùi Giáng, bạn tôi, ông ta có tính hay đi lang thang, các anh em công lực thông cảm giúp đỡ.
Mảnh giấy như lá bùa hộ mệnh, anh Đức bảo đưa photo để cất bản chính, nhưng Bùi Giáng không chịu. Mấy bữa sau, gặp lại, anh Đức hỏi:
- Sao công an còn khó dễ với anh không?
- Nó vẫn đánh tao học máu.
- Sao không trình giấy cho họ?
- Thì tao chưa kịp lấy giấy ra nó đã đánh rồi.
Người ta đồn rằng có hôm nhà thơ lang thang trên đường Lê Lợi, gặp một phụ nữ người Âu, ông thản nhiên… bóp vú cô đầm. Công an can thiệp, ông nói tỉnh bơ:
“Tôi chỉ muốn thử xem hai bầu vú Liên Sô có còn nuôi nổi Việt Nam không.”
Một lần khác trong chợ An Đông, ông giật một chiếc xe đạp của bà bán dạo trên hè. Bà hàng đuổi theo, ông trả lại và nói: “Mất cả nước thì không la, mất cái xe đạp lại la oai oái!”
Xin hãy đọc một trong những bài thơ sau cùng của ông:
Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Ðà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài.
Bao Nguyen Quang ST FB
(30/10/2021)
Comment