Announcement

Collapse
No announcement yet.

Từ Seadrift Đến Seabrook - Hoàng Nam Sơn

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Từ Seadrift Đến Seabrook - Hoàng Nam Sơn

    Nhớ lại ngày 25 tháng 11 năm 1979, khi Ku Klux Klan (KKK) xuất hiện tại vịnh Galveston, họ đe dọa những ngư dân Việt Nam đang cạnh tranh với những ngư dân da trắng địa phương, và yêu cầu các ngư dân Việt Nam phải xuống tàu và rời khỏi thành phố ngay lập tức. Lịch sử người Việt tỵ nạn đã ghi nhận cuộc đấu tranh chống kỳ thị này của người Việt đánh tôm tại vùng vịnh Galveston, Texas, và đã được dựng thành bộ phim truyện Alamo Bay và bộ phim tài liệu mang tên Seadrift.

    Người Việt Nam hiện là một phần của những gì tạo nên thành phố Houston ngày nay. Làn sóng di cư đầu tiên đến Houston là sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Houston là một địa điểm tái định cư chính cho người Việt Nam, vào cuối những năm 1970 vì nó có khí hậu ấm áp, nền kinh tế đang phát triển và vị trí gần biển, và người Việt Nam xuất thân từ đánh bắt cá và đánh bắt tôm coi Houston là một điểm định cư tốt do nằm gần Vịnh Galveston. Để bắt đầu cuộc sống mới, rất nhiều người đã chọn nghề đi đánh tôm bắt cá.


    Click image for larger version  Name:	Seabrook.8.gif Views:	0 Size:	20.9 KB ID:	26014



    Tôm lúc bấy giờ là mặt hàng hải sản có giá trị cao. Những người đánh tôm thành công và trở nên giàu có. Nhiều người Việt, nhất là những người có nghề tôm tại Việt Nam trước đây, kéo nhau về vịnh Galveston để làm ăn khiến cho con số tàu đánh tôm gia tăng nhanh chóng. Nhiều người Việt Nam đến ở Galveston đã phải vật lộn về tài chính, để tích lũy các nguồn lực để đóng thuyền và vật liệu từ đầu. Họ đánh bắt nhiều đến độ khiến những cư dân địa phương, những người xem họ như đối thủ cạnh tranh kinh tế trên mặt nước, phải hoảng hốt. Những người da trắng làm nghề đánh tôm lâu năm cảm thấy nồi cơm của họ bị đám lưu dân lấy mất, và mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Tại các khu vực ở Greater Houston dọc theo bờ Vịnh, một số cư dân da trắng có thái độ thù địch với ngư dân Việt Nam. Sự thù địch đối với người tị nạn Việt Nam được củng cố bởi niềm tin rằng, những người nhập cư nhận được sự giúp đỡ thêm từ chính phủ liên bang một cách không công bằng, một phần của sự kỳ thị ngày càng tăng đối với hỗ trợ của chính phủ, và các mạng lưới an toàn xã hội thời chính quyền Reagan.

    Trong khi nhiều người Mỹ ca ngợi những người Mỹ gốc Á vì đạo đức làm việc của họ, thì chính đặc điểm và khuôn mẫu này đã khiến cuộc sống của người Việt Nam trong ngành đánh bắt cá tôm ở Texas trở nên khó khăn, điều này chứng tỏ rằng sự làm việc chăm chỉ đối nghịch với bản sắc kiểu mẫu thiểu số của người bản xứ. Người da trắng ở vùng vịnh Galveston than phiền là vùng đánh tôm cua của họ bị người Việt xâm chiếm, họ trách người Việt, không hiểu từ đâu tới, càng ngày càng đông, khiến đời sống của họ trở thành khó khăn. Họ nói người Việt Nam bất chấp lề lối hành nghề tại địa phương, đánh cá vớt tôm ngày đêm, không nghỉ, công nhân nhận lương rẻ mạt, khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp. Người Việt Nam thì trách người Mỹ kỳ thị, tìm mọi cách phá hoại thuyền bè, lưới, rọ bắt cá của người Việt, và những hành động khiêu khích, dẫn tới những cuộc đụng độ thường xuyên, không khí Seadrift ngột ngạt, khó thở. Trong cuộc tranh chấp, hai tàu đánh cá của Việt Nam đã bị đốt cháy, sự thù địch và nghi ngờ lan tràn ở hai thị trấn đánh cá Seabrook và Kemah.



    Click image for larger version  Name:	seadrift-texas-fishing-for-a-living-jg-thompson.jpg Views:	0 Size:	215.4 KB ID:	26013



    Cách Houston một trăm bốn mươi dặm và cách Seabrook khoảng 100 dặm là Seadrift, một thành phố nhỏ ở vịnh Galveston, Texas. Vào ngày 3 tháng 8 năm 1979, một ngư dân da trắng tên Billy Joe Aplin gây sự với hai anh em ngư dân Việt Nam tên Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính. Sáu bị Billy Joe Aplin hăm dọa để đuổi “đám người Việt phải đi ra khỏi Seadrift”. Sáu bỏ chạy và bị Billy Joe Aplin chém hai nhát dao vào ngực. Trong cơn phẫn uất, Sáu đã nổ súng đáp trả, khiến Billy Joe Aplin chết liền tại chỗ, Billy Joe Aplin là bạn của một số ngư dân ở Seabrook, cho nên cái chết của Billy Joe Aplin làm cho nhiều ngư dân da trắng tức giận. Vài giờ sau, 4 tàu đánh tôm của người Việt bị đốt cháy, một căn nhà của người Việt bị đánh bom, một cơ sở biến chế cua có nhiều công nhân Việt Nam đang làm việc trở thành mục tiêu đánh bom. Cha của Billy Joe Aplin đã nói, “Còn một tên ‘mọi vàng’ ở trong thị trấn này, thì sẽ còn vấn đề, sẽ có chiến tranh”. Hàng trăm người Việt sinh sống tại Seadrift bỏ chạy đến Houston hay Louisiana vì sợ hãi. Thiếu nhân viên làm việc, hãng đóng cua hộp ở Seadrift phải đóng cửa.

    Em trai của Billy Joe Aplin đã làm việc với cảnh sát để bảo vệ người Việt, làm cho tình hình lắng dịu, và người Việt dần dần trở lại Seadrift. Tuy nhiên người Việt vẫn tiếp tục bị kỳ thị, các bến tàu ở Seadrift không cho người Việt cập bến, các nhà buôn sỉ không được mua tôm của người Việt, nếu không sẽ bị những người da trắng khác tẩy chay. Chính quyền liên bang và giáo hội Công Giáo phải nhảy vào can thiệp. Đại diện bộ tư pháp Hoa Kỳ cho rằng mâu thuẫn giữa người Việt và người da trắng là do bất đồng ngôn ngữ, Giáo hội Công Giáo liền cung cấp một người thông dịch viên. Tòa giám mục sau đó cử một linh mục và một phụ tá đến Seadrift để hòa giải giữa người Việt và người da trắng.


    Click image for larger version  Name:	4-1.jpg?resize=700%2C465&ssl=1.jpg Views:	0 Size:	135.6 KB ID:	26010

    KKK từng có một lực lượng như quân đội tại Texas và đe dọa cộng đồng người Việt



    Tình hình tưởng như đã lắng dịu. Nhưng ngày 02/11/1979, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Chính được toà tha bổng, vì lý do giết người để tự vệ chính đáng. Cả hai sau đó rời khỏi Seadrift. Kết quả việc toà xử Sáu và Chính đã gây nên làn sóng bất mãn nơi người da trắng. Để “giải quyết vấn đề”, các ngư dân da trắng đã mời Ku Klux Klan (KKK) đến Seadrift để trừng trị ngư dân Việt. KKK là một hội kín ra đời cuối thế kỷ 19 ở Mỹ, với quan điểm “người da trắng là thượng đẳng” họ đã thực hiện nhiều hành động phân biệt chủng tộc trước đó. Tổ chức KKK không bỏ qua cơ hội kéo đến vịnh Galveston, và mọi việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 25/11/1979 khi hội kín KKK xuất hiện tại thị trấn Seadrift chuyên nghề đánh bắt hải sản này. KKK hô hào dân địa phương nổi dậy, trừng trị và đuổi hết dân tị nạn ra khỏi nước Mỹ. KKK rêu rao rằng những ngư dân Việt Nam cướp miếng ăn của dân da trắng địa phương và đe dọa nhóm người nhập cư “chân ướt chân ráo” này không được ra khơi, thậm chí phải cuốn gói khỏi Seadrift. Tổ chức KKK xin phép thành phố cho 600 người biểu tình chống người Việt Nam tỵ nạn tại thành phố nhỏ bé nầy. Hội đồng thành phố đã bác đơn xin biểu tình của KKK. Sau khi bị từ chối cuộc biểu tình tại Seadrift, KKK bắt đầu thiết lập được đường dây hoạt động tại đây. Nhóm KKK tổ chức huấn luyện các thành viên cách sử dụng lựu đạn, chất nổ, vũ khí, kỹ thuật phục kích và chiến đấu tay không, thực hành chiến thuật du kích,… tại các trại bán quân sự bí mật của KKK.Tất cả là để chuẩn bị cho những gì mà họ tin là một “cuộc chiến tranh” sắp xảy ra.


    Click image for larger version  Name:	5.png?resize=700%2C465&ssl=1.png Views:	0 Size:	234.5 KB ID:	26011


    KKK đốt thập tự giá để khiêu chiến



    Ngày 14/2/1981, nhân ngày lễ Valentine, Thủ lĩnh KKK Louis Beam dẫn đầu một cuộc biểu tình của KKK đã tổ chức buổi meeting tại thành phố Santa Fe, là một thành phố toàn người da trắng ở vùng Galveston với hơn 150 hội viên gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em mặc đồng phục KKK. Beam thề rằng nếu các ngư dân Việt không rời đi trước ngày 15 tháng 5, thì KKK sẽ “tự giải quyết vấn đề”. Louis Beam đã ra tối hậu thư yêu cầu cộng đồng ngư dân gốc Việt phải rời khỏi Seadrift trước ngày 15/5/1981. Sau đó, Louis Beam tự tay đốt một tàu đánh tôm mà Beam tự đặt tên là “USS Vietcong”. Những ngày tiếp theo KKK cho rải truyền đơn kêu gọi chống người Việt đánh tôm ở vùng vịnh Galveston, và bắt đầu giai đoạn đẩy mạnh hoạt động khủng bố, tấn công, phá hoại. Những cây thập tự giá bị đốt ở trong sân nhà của người Việt, đây là dấu hiệu khai chiến của KKK. Có hai tàu đánh tôm của người Việt bị đốt tại thành phố Seabrook, khiến cho một số gia đình vì sợ hãi, đã phải rao bán nhà, để chuyển đi nơi khác tìm đất sống; có những người khác thì rao bán tàu thuyền đánh cá của họ để chuyển nghề, nhưng không ai muốn mua.

    Ngày 15/3/1981 KKK đã gửi thông điệp trực tiếp đến các ngư dân Việt, họ tiến hành cuộc “diễu hành bằng thuyền” có trang bị vũ trang ở vùng biển gần Seabrook, thực hiện các cử chỉ đe dọa như chạy vòng qua các thuyền Việt Nam, rồi cho thuyền cập bến gần nhà và khủng bố gia đình của cựu đại tá VNCH Nguyễn Văn Nam, người đứng đầu Hiệp hội Ngư dân Việt Nam tại Seabrook – là một làng đánh tôm nhỏ, cách Houston 25 dặm về phía nam, trước năm 1979, không ai từng nhìn thấy người Việt Nam ở đây, nhưng từ 1979, nhiều người Việt đã đến cư trú ở Seabrook và các làng chài khác dọc theo bờ biển vịnh Texas – Trên thuyền đánh tôm của KKK có một hình nộm người Việt được treo trên boong thuyền phía sau, và trên thuyền có một khẩu pháo nhỏ. Cuộc diễu hành đã được chứng kiến ​​bởi các ngư dân Việt và gia đình của họ trên các bến tàu và các tàu thuyền khác trong vùng. Trong các cuộc diễu hành, Louis Beam đã có những bài phát biểu sôi nổi mang tính phân biệt chủng tộc, chính tại đây, Louis Beam đã đặt ra câu khẩu hiệu đầy bạo lực: “Khi lá phiếu không thành công, thì đạn sẽ chiếm ưu thế.” Tháng 4/1981, một ngư dân da trắng kéo thuyền của mình đi ngang qua hai ngư dân Việt, và chĩa súng lục về phía hai người này trong vài giây, như có vẻ rất căng thẳng, rồi bỏ đi. Trong thời gian KKK bắt đầu gây sự và gây chiến, thì cộng đồng người Việt cũng không ngồi yên, họ bắt đầu tổ chức vũ trang chống lại sự uy hiếp của KKK và cộng đồng đánh tôm người da trắng. Khi KKK bao vây một trailer park của người Việt, thì người Việt đã chống trả quyết liệt. KKK đã không hiểu được người Việt là những người đã sống trong chiến tranh, họ biết dùng súng đạn để đối phó và bắn trả lại KKK.



    Click image for larger version  Name:	7.jpg?resize=700%2C465&ssl=1.jpg Views:	0 Size:	144.0 KB ID:	26012

    KKK vũ trang phô trương lực lượng



    Thế nhưng, dưới sự giúp đỡ của một số tổ chức dân sự tại Mỹ, cộng đồng ngư dân Việt đã bất ngờ lựa chọn “phản công” bằng cách đệ đơn lên tòa. Trong đó, Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho người nghèo miền Nam, do một người gốc Do Thái sáng lập, đã tích cực hỗ trợ ngư dân Việt. Ngày 16/4/1981, Hội Ngư Phủ Người Việt cùng với Southern Poverty Law Center tại Montgomery Alabama nạp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mãi không công bằng. Ngày 14/5/1981, ngày xét xử cuối cùng, bà Gabrielle Kirk McDonald, Thẩm phán được phân công trong vụ án – bà đã được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm vào năm 1979; bà là người Mỹ gốc Phi đầu tiên ở Texas và là phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ ba trong nước phục vụ trong cơ quan tư pháp liên bang – đã ra quyết định thuận lợi cho người Việt, tòa đã ban hành lệnh sơ bộ nghiêm cấm các bị cáo đe dọa, uy hiếp, sách nhiễu các ngư dân Việt, hoặc xúi giục người khác làm điều tương tự. Phía ngư dân Việt đã giành chiến thắng pháp lý. Tháng 7.1981, tòa kết luận rằng phía KKK đã có những hành vi không đúng khi chèn ép, cản trở ngư dân Việt hành nghề. Tòa cũng trích dẫn đạo luật chống độc quyền, và cáo buộc phía KKK đã cố ý loại bỏ đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp.

    Vào tháng 3.1982, tòa án cũng đã đưa ra phán quyết cấm chỉ hoạt động của KKK tại vùng vịnh, và đóng cửa trung tâm huấn luyện dân quân, giải tán các tổ chức võ trang của họ. Trước đó, KKK dẫn trích Tu chính án số 2 về quyền sử dụng vũ khí, nhưng tòa cũng đã dẫn trích các quy định về việc cấm quân đội tư nhân để bác bỏ. Sau phán quyết trên, cộng đồng ngư dân Việt ở Texas đã phần nào tránh được việc bị tấn công, phá hoại như trước. Cuộc đứng lên của ngư dân Việt tại đây đã trở thành một điển hình của sự can đảm, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Sau đó KKK đã nhận ra rằng, việc dùng bạo lực để khủng bố tinh thần người Việt là vô ích, và họ đã âm thầm ra đi, từ đó, không còn người da trắng nào lộn xộn với người Việt. Năm 1984, thời báo The Washington Post đã gọi câu chuyện này là “một bản anh hùng ca kinh điển của di trú dân đến đất nước Mỹ. Sau khi đặt chân đến đất nước này, họ chịu đựng sự vất vả, họ hy sinh, họ vượt qua sự thù hằn và bạo lực chống đối họ, và cuối cùng giành được thắng lợi.” Cuộc đứng lên của ngư dân Việt tại đây đã trở thành một điển hình của sự can đảm, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

    Phần lớn nguyên nhân đưa đến đối đầu, xuất phát từ việc dân địa phương lo ngại bị người nhập cư cướp đi công ăn việc làm và kế sinh nhai. Nhưng những người Việt cũng đã thay đổi tập quán đánh bắt để bảo vệ môi trường biển và giữ kế sinh nhai lâu dài. Những người đàn ông mưu sinh trên vịnh không còn phá bẫy cua của nhau nữa. Họ đã đoàn kết chống lại những kẻ thù chung là các quy định nặng nề, sự ô nhiễm của đại dương, và việc nhập cảng tôm giá rẻ. Sau sự kiện bị quấy rối bởi người da Trắng và đạt thắng lợi, người Việt không còn bế tắc, công việc của họ bắt đầu khởi sắc vì cuộc sống không bị quấy rầy như trước. Được đánh tôm với sự bảo vệ của chính quyền liên bang, người Việt dần dần ổn định và thành công. Từ những căn nhà trong khu trailer chật hẹp tối tăm, ngày nay người Việt đã ở trong những căn biệt thự to lớn. Người Việt làm chủ hầu hết các bến tàu tại Galveston; và tại Port Arthur, Texas ngày nay 95% ngư dân đánh tôm là người Việt. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Di cư, người Việt ở Mỹ đang phát triển mạnh. So với những người nhập cư khác, người Việt có thu nhập cao hơn, ít có khả năng sống trong cảnh nghèo đói hoặc thiếu bảo hiểm y tế hơn và có nhiều khả năng nhập quốc tịch Hoa Kỳ hơn, mặc dù họ kém về trình độ tiếng Anh. Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở Mỹ là đáp trả cho những ai kỳ thị họ, trong đó có nhóm theo thuyết người da trắng thượng đẳng KKK.



    Last edited by Hung Nguyen; 12-13-2021, 12:52 AM.
Working...
X