Announcement

Collapse
No announcement yet.

Nguồn gốc của hủ tíu mỹ tho

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguồn gốc của hủ tíu mỹ tho

    ..
    Click image for larger version

Name:	Image2.png
Views:	187
Size:	435.8 KB
ID:	26088



    NGUỒN GỐC CỦA HỦ TÍU MỸ THO

    Tên hủ tíu Mỹ Tho xuất hiện vào đầu thập niên 60, khởi đầu từ các xe, các quán hủ tíu bên đường, ở bến xe với các tên nghe rặt Tàu như là : Phánh Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký, Nam Sơn, Diệu Ký, Quang Ký, Oai Ký, Gia Ký, Tuyền Ký... trải rộng từ Mỹ Tho đến Gò Công vào tận các quận Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy. . .

    Chủ nhơn các tiệm hủ tíu Mỹ Tho lúc này hầu hết là người Việt gốc Hoa, nhưng chủ lò sản xuất bánh hủ tíu lại là người Việt chánh gốc. Bánh hủ tíu Mỹ Tho là loại bánh khô, được chế từ gạo thơm địa phương như gạo Nàng Hương, gạo Nanh Chồn, gạo Nàng Út và có lò dùng gạo Nàng Thơm Chợ Ðào (gạo ngon số một). Hiện nay có hai trung tâm sản xuất bánh hủ tíu khô nổi tiếng (loại hủ tíu Mỹ Tho): Một ở thị trấn Mỹ Tho và một ở Gò Công, sản xuất hầu hết hủ tíu khô Mỹ Tho cung cấp cho cả nước.

    Sợi hủ tíu Mỹ Tho có mùi thơm của gạo, trụng nước sôi thì mềm nhưng không bở, nhai nghe dai dai, nên gọi là hủ tíu dai, ăn không có mùi chua. Sau khi trụng, cho vào tô, trộn với ít mỡ hành phi, nhìn sợi hủ tíu trong bóng, ẩn đục bên trong thấy bắt thèm.

    Sợi hủ tíu Mỹ Tho không bả như hủ tíu Tiều, làm nên hương vị riêng cho cái tên hủ tíu Mỹ Tho; và nước lèo cũng góp phần làm cho danh tiếng hủ tíu Mỹ Tho vang lừng, níu kéo người ăn phải ghiền. Nước lèo ở đây nấu bằng thịt ống nguyên chất, đặc biệt là có thêm tôm khô, khô mực nướng và củ cải trắng, củ cải đỏ.

    Ăn hết tô hủ tíu, húp cạn hết nước lèo, nếu chưa thấy đã, thực khách có thể kêu thêm một chén nước lèo nữa và luôn được chủ chiều lòng, không có hề gì.

    Các món phụ gia góp phần làm nên danh hiệu hủ tíu Mỹ Tho là giá sống, chanh, ớt, hẹ, nước tương (sau này còn có thêm rau cần). Ăn hủ tíu dai Mỹ Tho với giá sống, chút hẹ cắt khúc, nặn miếng chanh, thêm chút nước tương và nhớ cắn trái ớt hiểm thì mới “tới chỉ”, mới gọi là biết ăn hủ tíu Mỹ Tho. Hủ tíu Mỹ Tho nấu với thịt heo bầm, có điểm con tôm thẻ, lột xẻ đôi, có người đòi thêm đồ lòng heo, sườn heo và trứng cút nữa. Hủ tiếu Mỹ Tho như vậy quả không thấy hơi hám gì của người Tàu cả, mà rặc là hủ tíu Việt Nam.
    Ghé Mỹ Tho, phải tìm đến mấy quán hủ tíu trên đường Trưng Trắc, dọc bờ sông thì mới đúng là hủ tíu Mỹ Tho chánh gốc.

    Kêu một tô hủ tíu Mỹ Tho, ngồi nhìn người chủ trổ tài, thao tác thành thạo mà thấy đã. Ngắt một nhúm hủ tíu khô, chỉ một lần không thêm không bớt, nhét sâu vào cái vợt cán tre, trụng vào nồi nước sôi, dạo lên dạo xuống mấy lượt. Xốc lên xốc xuống, cho vào tô, cho ít mỡ hành phi, trộn nhẹ cho đều, rồi cho lên mặt nào thịt, tôm, sườn. . . Múc một vá nước lèo sôi bóc khói, rưới đều vào ngập đầy tô hủ tíu … Nhìn theo động tác, thực khách phải ba lượt nuốt nước miếng để dằn cơn thèm muốn trần tục.

    Tô hủ tíu Mỹ Tho bự hơn hủ tíu Tiều, nên vừa có phẩm vừa có lượng. Ăn một tô là vừa đủ không cần ăn thêm gì nữa. Sau khi ăn hủ tíu, giải khát bằng trà nóng, trà đá hoặc cà phê đá thì đã miệng và đã khát.

    Dọc đường Trưng Trắc đến vườn bông Lạc Hồng, ngược qua cầu Quây vào Chợ Cũ, nơi nào có hủ tíu Mỹ Tho thì khách ra vào “nườm nượp”, không có ghế ngồi. Mỗi nơi, mỗi tiệm chủ thêm bớt gia giảm khác nhau tùy theo “ngón nghề gia truyền”. Sự khác nhau chỉ là một chín, một mười và người ăn khó phân biệt.

    Hủ tíu Mỹ Tho với tên gọi đến nay trên 50 năm đã làm nên danh hiệu. Nay hủ tíu Mỹ Tho trở thành thương hiệu làm cho người Mỹ Tho hãnh diện. Cái làm cho hủ tíu Mỹ Tho trở thành danh tiếng là nước lèo và hủ tíu khô. Chính điều đó làm cho hủ tíu Mỹ Tho khác hủ tíu Tiều và giờ đây trở thành một món ăn dân tộc, mà người Mỹ Tho đã cống hiến cho ẩm thực Việt Nam.


    Tác giả: Huỳnh Hoàng Linh

    Suu tâm Fb


  • #2
    "Hủ Tiếu hay Hủ Tíu"


    Click image for larger version  Name:	images?q=tbn:ANd9GcTDwuStMWobmMmcKs9sQ4AMCdn8vIZxBranlg&usqp=CAU.jpg Views:	0 Size:	26.8 KB ID:	26090 Click image for larger version

Name:	images?q=tbn:ANd9GcSFar3R2jurjN3LiH-zssyhUmSLVmto5V4Ovg&usqp=CAU.jpg
Views:	133
Size:	27.4 KB
ID:	26119



    Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hủ tiếu (chữ Hán viết 粿条 đọc âm Hán Việt là quả điều; tiếng Khmer: kuy teav hoặc ka tieu) là món ăn dùng chế phẩm gạo dạng sợi của người Triều Châu và người Mân Nam, có nhiều điểm tương tự như sa hà phấn của người Quảng Phủ và bản điều của người Khách Gia, được truyền nhập tới nhiều vùng ở trong và ngoài nước Trung Quốc, trở thành món ăn thường gặp ở vùng Hoa Nam Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á như ở miền Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Singapore...

    Theo Wikipedia, tại miền Nam Việt Nam do ảnh hưởng của ngữ âm phương ngôn tiếng Việt vùng miền Nam nên hủ tiếu hay bị viết thành hủ tíu, sau này hủ tíu trở thành từ thông dụng và thường được dùng nhiều bởi các xe bán hủ tíu trên đường phố.

    Tác giả An Chi, trong bài Hai tiếng “hủ tíu” có phải do tiếng Quảng Đông mà ra? đăng trên honvietquochoc.com.vn (Tạp chí điện tử Hồn Việt), hình thức ngữ âm ban đầu của hủ tíu là củ tíu và củ tíu là hình thức phiên âm từ hai tiếng mà người Triều Châu dùng để chỉ món ăn này. Họ gọi hủ tíu là quể tiéo, ghi bằng hai chữ 粿條 (âm Hán Việt là quả điều như đã nói trên). An Chi cũng hoàn toàn tán thành cách viết hủ tíu vì người Nam Bộ luôn luôn phát âm -iêu thành -iu.

    Cũng theo Wikipedia, hủ tiếu thịnh hành ở miền Nam Việt Nam, và có nhiều loại: Hủ tiếu Nam Vang (hủ tiếu khô và hủ tiếu nước); hủ tiếu Sa tế có nguồn gốc từ người Hoa ở Tiều Châu (hay Triều Châu); hủ tiếu Mỹ Tho có thêm tôm, mực, hải sản, ốc; hủ tiếu Trung Hoa có mùi xì dầu; hủ tiếu Sa Đéc; hủ tiếu gõ bán dạo bình dân, gồm hủ tiếu bò viên, hủ tiếu nạc (thịt heo), giò.

    Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu của người Hoa có sự khác biệt rất rõ rệt. Nếu như hủ tiếu Nam Vang tôn trọng phụ liệu chính là lòng heo thì hủ tiếu Mỹ Tho lại có thêm tôm, mực, hải sản, ốc. Còn hủ tiếu Trung Hoa lại có vị béo của nước béo và thơm thơm của xì dầu. Dần dần, hủ tiếu Nam Vang dần mất đi cái hương vị ban đầu của nó, vì vậy muốn ăn hủ tiếu Nam Vang “gin” chỉ có đến... Nam Vang (Phnôm Pênh) mới đúng gốc.

    Hủ tiếu gõ, sở dĩ có tên thế, vì hủ tiếu bán di động trên xe đẩy, xe đạp, xe máy... và rao hàng bằng hai thanh gỗ hoặc kim loại đập vào nhau. Hủ tiếu gõ thường có thành phần ít hơn một tô hủ tiếu trong quán, mỗi thứ một chút, một chút hủ tiếu (sợi trắng mịn, nhỏ như sợi mì vằn thắn nhưng mềm hơn nhiều), ít giá, vài lát thịt thăn thái mỏng hoặc bò viên, hẹ, hành khô và miếng tóp mỡ bùi thơm chỉ bé bằng hạt đậu Hủ tiếu gõ không bán buổi sáng mà thường từ khoảng 14 – 15 giờ đến 0 giờ hoặc 1 giờ ngày hôm sau. Nghề bán hủ tiếu gõ tuy không quá nặng nhọc nhưng cũng không nhẹ nhàng, người bán phải đi chợ từ sớm, chuẩn bị mọi thứ cho việc bán buổi chiều, rồi thức đêm bởi đây là món ăn khuya. Đa số những người bán hủ tiếu gõ là người từ miền Trung, nhất là ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

    Theo Đà Nẵng online
    Last edited by Hung Nguyen; 01-05-2022, 12:17 AM.

    Comment

    Working...
    X