Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bà mẹ Ô Lý ( Chuyện bây giờ mới kể )

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bà mẹ Ô Lý ( Chuyện bây giờ mới kể )



    Mảnh đất trống ở đầu làng có một cây xà cừ cao sừng sững, tỏa bóng mát một góc rộng ước chừng được vài trăm mét vuông. Đó cũng là nơi tụ tập của cánh phụ nữ trong làng vào mỗi buổi sớm từ tờ mờ sáng, quang gánh trên vai, họp chợ để kiếm thêm ít đồng quà bánh cho cuộc sống vốn hiu quạnh ở nơi đây. Sản vật để chạy chợ cũng chỉ là nải chuối vàng ươm trong vườn, vài con gà đang nhảy ổ và mớ trứng gà, lèo tèo dăm con cá tát được đêm qua và mớ rau trong vườn được cắt vội cho kịp buổi họp chợ. Bên này là hàng xén nhỏ bày biện thật bắt mắt với đủ thứ lược, gương, dao, kéo... và những hộp phấn nụ chắc để làm duyên cho những thiếu nữ làng đang độ trăng tròn. Bên kia là gánh mì quảng nghi ngút khói với những chồng tô đất với hình con gà màu xanh dương vẽ trên nền men màu chì và những vốc mì quảng vàng tươi và giá trắng nõn được bà Tư khéo léo bỏ vào chiếc vợt trụng mì (1) và chao nhẹ trong nồi nước sôi đang nghi ngút khói. Mùi thơm của nước nhưn hòa lẫn với mùi thơm của những tấm bánh đúc màu nâu, màu đỏ cam của tôm chấy ở hàng kế bên cũng đủ đánh thức khứu giác và sự thèm thuồng của mọi người. Chợ làng họp sớm và chỉ đông đến chừng nửa buổi. Hình ảnh chợ này gần như lẫn khuất trong tất cả các làng quê nghèo xứ Quảng và đâu đó trong ký ức của những lưu dân Quảng nam xa xứ.



    Trong ký ức mù mờ của tôi về quê cũ, chẳng hiểu vì đâu, thỉnh thoảng chợt hiện lên hình ảnh bà già điên chẳng biết từ phương nào trôi giạt đến làng tôi, với gương mặt già nua, khắc khổ và nghèo nàn, chiếc quần vá víu chằng chịt may bằng vải Nylon đen đã bạc màu sương gió, bị co rút và ngắn trên mắt cá mà bọn trẻ trong làng thường hay trêu chọc là chiếc quần lò xo ủi ly ngang... Đám trẻ thường hò hét, xua đuổi, và trêu chọc mà bà vẫn cười, gương mặt ánh lên tia nhìn ngơ ngác lẫn trong sự hiền hòa ngây dại. Bà từ đâu đến chẳng ai hay, chỉ thấy bà trú ngụ ở túp lều chợ cạnh gốc cây xà cừ và khư khư giữ chặt một bị cói vàng xơ xác chẳng biết che giấu điều chi. Thỉnh thoảng cũng có những lúc bà tỏ ra tỉnh táo và hay ngồi khóc lặng lẽ một mình, đôi mắt dõi nhìn xa xôi và miệng thì lẩm bẩm thầm gọi tên ai về mà chắc chỉ có bà mới biết. Cứ mỗi lần ông Tám xóm trên có dịp họp chợ và thường bán mớ cây trái trồng được mà chủ yếu là bí đao và bầu tươi là bà già điên lại mon men đến, lom lom nhìn và len lét sờ nắn từng trái bầu xanh dài cả thước, ngắm nghía độ dài độ lớn và màu xanh căng bóng của mớ bí bầu với một vẻ say mê... rồi lén vác trộm lên vai đi quanh chợ để hỏi chào bán như một công việc thường ngày, chắc là thói quen của ký ức của ngày xưa còn sót lại...

    Điều làm tôi nhớ mãi về bà già điên này là hình ảnh về cái chết bất ngờ và nhẹ nhàng của bà trong một ngày trời mưa. Hôm đó ông Tám không chạy chợ như thường lệ mà để con rể thay mình đi bán. Như thường lệ bà già điên lại mon men đến, ôm trái bầu đi quanh chợ. Đứa con rể của ông Tám chợt nhìn lên và thấy có người vác trộm lấy một trái bầu của mình, tưởng bị ăn cắp nên đã đuổi theo để lấy lại. Bà già điên và người thanh niên xô đuổi nhau, một phần suốt cả buổi trời mưa lầy lội nên ế ẩm, một phần do bực mình và căng thẳng nên trong lúc giằng co đã xô ngã bà già điên té ngửa xuống đất. Cú té không nặng nhưng xui xẻo là đầu của bà bị đập mạnh vào cái rễ cây xà cừ đang nổi lên trên mặt đất ngoằn ngoèo như một con rắn. Bà giãy giụa một lát thì tắt thở, tay vẫn còn ôm chặc trái bí đao vào lòng, đôi mắt mở trừng trừng ngơ ngác như không tin rằng mình đã chết, giải thoát khỏi một kiếp đời buồn tẻ và cô độc. Cái chết của bà nhanh chóng được dân làng khai tử và chôn cất ngay trong buổi sáng ngày mưa do bà tứ cố vô thân. Điều lạ lùng là khi chuẩn bị khâm liệm, không ai trong làng có thể gỡ tay bà ra khỏi trái bí đao dù đã cố gắng bằng mọi cách. Đôi cánh tay của bà dường như có một lực hút vô hình để giữ chặt trái bí đao to lớn. Đường cùng nên người ta đành bó xác bà già điên cùng với trái bí đao chôn luôn ở đám đất sau vườn chùa, cũng gần với giàn bí đao của ông Tám đang trồng trọt ở đó. Sự việc ồn ào rồi cũng lắng xuống, cái chết của bà già điên rồi cũng dần đi vào quên lãng. Tôi cũng không nhớ đến bà nữa, ngoại trừ có đôi lúc loáng thoáng trong tôi dậy lên gợn nghĩ suy và thương cảm.



    Rồi tôi cũng phải xa quê để ra Đà nẵng trọ học vì ở quê tôi, trường làng chỉ dạy đến lớp chín là cao nhất, muốn học lên nữa phải chọn cách ly hương. Tôi thi đậu vào lớp mười và muốn học lên nữa nên cha mẹ tôi tìm cách gửi tôi cho gia đình Chú Sáu, một người bạn đồng hương thân thiết của cha tôi thời trai trẻ đã bỏ quê nhà từ sớm để ra thành thị sống. Lăn lộn chật vật với cuộc mưu sinh rồi chú cũng mở được một cửa hàng nhỏ bán máy nổ và phụ tùng máy Yanmar. Đó cũng là mối dây liên hệ duy nhất của cha tôi với người đồng hương ở thành phố lớn thủ phủ của miền Trung này. Ba tôi, một nông dân chân chất, người mà cả đời chỉ biết cày sâu cuốc bẩm nên quanh khóe tay chân luôn vàng oạch vì đất phèn từ lâu lưu cữu, miệng nồng nặc mùi thuốc lá vì thường xuyên bập điếu sâu kèn to hơn ngón tay cái được cuốn vội từ nửa lá thuốc lá Cẩm lệ (2) đã ngả màu vàng nâu và tươm nhựa.

    Buổi sáng lên thành thị, trời còn nhá nhem tối, cha tôi ân cần dặn dò đủ diều và giúi vào tay tôi mấy tờ giấy bạc nhàu nát rồi ôm tôi vào lòng, siết chặt tôi vào vòng tay mạnh mẽ và vào lồng ngực nở nang của ông. Tôi như ngạt thở vì vòng tay ôm và mùi mồ hôi ngai ngái của ông lẫn trong tiếng dặn dò thoát ra trầm ấm mà tôi nghe trong tiếng được tiếng mất. Mẹ tôi nắm tay tôi trong nước mắt sụt sùi và gói hành lý nhỏ chỉ vỏn vẹn mấy bộ đồ học trò còn thơm mùi hồ mà để có được từ tháng trước, mẹ phải mất hơn nữa ngày lội bộ ra phố Huyện tìm mua vải và nhờ cô Tư hàng xóm vừa may xong tối qua, thêm một ít sách vở cần thiết gói trong tay nải... Mẹ dặn dò tôi đủ điều và bới theo cho tôi một nải chuối vàng ươm vừa cắt ngoài vườn còn thơm mùi nhựa mủ của cây trái tươi để làm quà cho chú Sáu. Tôi ra đi mang theo khát vọng cháy bỏng được đổi đời cho con của cha và ánh mắt nhòa lệ của mẹ vào lòng. Đó là thứ hành trang vào đời mà mãi sau này khi phải đưa Ba mẹ về trời, tôi đã nuốt nước mắt vào lòng vì chưa thực hiện được ước muốn giản dị nhưng vô cùng da diết đó.

    Chia tay Ba mẹ, tôi men theo vườn đi tắt qua những mương nước quen thuộc. Tôi đi trong mùi hương đồng gió nội thơm ngát của một buổi sáng thanh bình ở đồng quê và mang theo tất cả những háo hức, hiếu kỳ pha lẫn tò mò của tuổi trẻ vừa mới lớn, mang theo cả ánh mắt nhìn tràn ngập tin yêu của cô gái nhà bên len lét tiễn tôi. Em đi cách một quãng ở phía sau trên đoạn đê dài rời làng vì sợ mọi người trong làng nom thấy. Chiếc áo hoa mới mà em mặc với những cánh hoa màu sáng hôm đưa tiễn cứ chấp chới bay và nhạt nhòa dần như cánh bướm trắng nhỏ bay nhập nhọa vào những giấc mơ của tôi về quê hương trong những đêm ngột ngạt và nóng bức của căn phòng chât chội thuê trọ học ở nhà chú Sáu. Tôi xa quê.

    ... Sau vài lần hòa giải trước tòa không thành công và chỉ mang tính pháp lý, rốt cuộc tòa án đồng ý cho ba mẹ của Hòa li dị, thỏa thuận phân chia tài sản và trách nhiệm nuôi dạy con rất chóng vánh. Ba của Hòa được hai viên công an đưa về lại trại cải tạo. Nhà thì đã bán cho chủ mới với giá rẻ mạt sau khi đã gỡ bớt những tấm tole ở hàng hiên để bán lấy tiền sống cầm cự chờ thời... Người đàn bà hương sắc một thời và dòng dõi trâm anh thế phiệt với hai ngoại ngữ lưu loát và ngón đàn piano điêu luyện đã từng làm say đắm bao tướng tá... rốt cuộc cũng bị nhốt trong lồng của một gã đại úy phi công lãng tử và tài hoa với bông mai đen trên ve áo pilot, có giọng hát trầm ấm và quyến rũ đến ru hồn, có gương mặt phảng phất nét trai lơ của diễn viên Marlon Brando một thời làm tan nát biết bao trái tim thiếu nữ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước... Sự kết hợp của đôi trai tài gái sắc một thời đình đám ở Đà nẵng là hai đứa con xinh đẹp và kháu khỉnh: Hòa và bé Phượng. Một cuộc sống trong mơ hầu như của tất cả những cặp thanh niên trai trẻ khi bước vào đời lập thân đã thay đổi một cách đột ngột sau biến cố lịch sử năm bảy lăm mà nói như ông Kiệt : "'...có một triệu người vui và cũng có một triệu người buồn" (3) .Là phi công lái máy bay chiến đấu A37- cha của Hòa phải đi học tập cải tạo, mẹ bỗng dưng thất nghiệp vì không còn những hội quán, sàn nhảy, nhà hàng sang trọng, Bar piano... hàng đêm sáng đèn, không còn cảnh những nam thanh nữ tú hằng đêm diện xống áo xinh đẹp lượn lờ qua các nhà hàng, dập dìu phố xá hàng quán với những ánh đèn neon vàng trắng xanh đỏ nhảy múa như mời mọc và quyến rũ bao người. Tất cả thế là chấm hết, tài sản trong nhà dần đội nón ra đi, kể cả chiếc piano là tài sản quý giá nhất của mẹ Hòa thời con gái, quà tặng của ông ngoại cho con gái yêu khi con mình vừa đến tuổi trăng tròn. Đã từ lâu mẹ Hòa gói hết những chiếc robe và áo đầm dạ hội để len lén mang đi cầm bán nuôi chồng, nuôi con. Người đàn bà còn tràn đầy nhựa sống và tài hoa với một quá khứ huy hoàng đã phải bươn chải đi phiên dịch cho một vài công ty xuất nhập khẩu để kiếm tiền độ nhật và nuôi con. Hòa và em gái được mẹ gửi tá túc cùng gia đình của cô chú em chồng. Cảnh sống chung chạ trong thời buổi quá khó khăn nên dường như chẳng ai dám hào phóng và bảo bọc cho ai, lại thêm cảnh đi khuya về sớm và những cảnh xe đưa xe rước của mẹ cũng bị cô chú và những người thân bên nội xầm xì dị nghị. Đôi lúc trong bữa ăn Hòa và em gái phải lặng lẽ nuốt lệ vào lòng vì phải chịu đựng những lời cay nghiến của bà thím dâu và đám em họ quỷ quái. Bữa ăn nước mắt chan cơm vì bất lực và phải chịu đựng cái không khí ngột ngạt và căng thẳng của những người thân trong gia đình cô chú em chồng, chịu không nổi những điều tiếng và những mối quan hệ phức tạp ở xung quanh nên mẹ Hòa đành phải mang hai anh em Hòa về quê gửi gắm và nương nhờ vào bà nội. Thoát được sự ngột ngạt và cam chịu vì cảnh sống ăn nhờ ở đậu ở nhà cô chú nên khi được về sống với nội ở nông thôn hai anh em rất vui mà chẳng hề cảm thấy buồn phiền, có chăng chỉ là thèm thuồng ánh sáng đèn điện và hình ảnh những bóng cây nhảy múa soi trên nền đường tạo những bóng loang chập chờn ma quái trên mặt đường của những con phố dài tràn ngập ánh trăng soi trong những đêm thành phố bị cắt điện đột ngột...



    “Lâu rồi đời mình cũng qua, lâu rồi đời mình cũng quen...!”(4), cuộc sống vốn có những quy luật của nó mà một trong những quy luật cơ bản là luật sinh tồn. Đứa cháu đích tôn dần tập thích nghi với cuộc sống ở nông thôn và tìm vui với những sinh hoạt dân dã của quê nhà. Chỉ có bé Phượng, tâm hồn vốn quá nhạy cảm với những thay đổi của môi trường xung quanh và vì được sống đầy đủ từ bé nên dần dần trở thành trầm uất dù mới chỉ là đứa trẻ lên mười. Trong thế giới tràn ngập hoa bướm và tình yêu thương của cha mẹ, hình ảnh bà nội già nua và quê mùa không đủ sức thế chỗ vào hình ảnh của cha mẹ và khi đến lớp, đám trẻ trong làng dần xa lánh em vì mỗi bên là một thế giới cách biệt. Dần dần Phượng bỏ trường và chỉ quanh quẩn trong nhà ,trong cái thế giới thực thể giới hạn ở chung quanh của Phượng, chỉ có Hòa vừa là cha, là mẹ, lại vừa là người anh, người bạn... của Phượng. Thương em, nên những lúc rỗi rãnh Hòa chăm chút cho Phượng với tất cả tình cảm của tất cả những người thân trong gia đình cộng lại. Sợ em buồn trong những lúc mình phải đi học, Hòa cặm cụi chẻ tre để đan cho em mình một chiếc lồng xinh xắn rồi lặn lội leo lên tận đỉnh Cà tang (5) lộng gió, rình rập suốt mấy ngày trời mới bẫy được con chim cà cưỡng dại khờ bị dính vào rập, quà tặng này của đứa anh dành cho sinh nhật lên mười của em gái vô tình đã đánh thức cái thế giới nội tâm phức tạp và bệnh lý trong tâm hồn Phượng. Hàng ngày, khi Hòa phải đi học, một mình ở nhà, Phượng quấn quýt bên con chim ,lo lắng chăm nuôi và trò chuyện cùng con cưỡng như một người bạn thân thiết. Thấy em thương quý con chim cưỡng và bệnh tình có phần thuyên giảm, Hòa cũng vui lây , học lóm bạn bè trong làng cách chăm sóc chim và tập chim ăn ớt để lột lưỡi rồi dạy cho chim tập nói. Ngày con cưỡng bắt đầu nói được tiếng đầu tiên với hai từ ngọng nghịu" cha " và " mẹ", Hòa nhìn thấy trong ánh mắt trong veo của Phượng hai giọt nước mắt tuôn rơi như hai hạt ngọc trong suốt, trong bóng của những giọt nước mắt, Hòa nhìn thấy bóng hình của cha mẹ và cảnh ngộ của gia đình ly tán theo thời cuộc nổi trôi...

    Cũng đã lâu lắm rồi, những chuyến thăm viếng của mẹ vơi dần và gần sáu tháng qua hai anh em không thấy mẹ ghé thăm nữa. Nỗi nhớ cha dần nhòa nhạt thay cho nỗi nhớ mẹ càng lúc càng đong đầy vì cha đi học tập khi Hòa mới lên chín nên ký ức còn sót lại có chăng cũng chỉ là trên tấm hình treo ở phòng khách ngày xưa,ảnh một người đàn ông cường tráng đứng bên cạnh chiếc A37, trong bộ đồ bay màu xám đậm màu nhớt, tay ôm chiếc mũ bay màu trắng,cầu vai giắt chiếc calo rất điệu nghệ đã được mẹ cuống quýt gỡ xuống cất từ sau ngày bảy lăm và hình ảnh người đàn ông gầy gò tiều tụy, đôi mắt mệt mỏi đỏ quạch,lờ đờ không còn thần sắc tương phản với người ở trong ảnh hôm gặp lại ở tại phiên tòa bây giờ cũng dần trở nên nhòa nhạt mà Hòa chẳng hiểu được tại sao. Thay vào đó là hình ảnh cặm cụi của bà nội ở sau vườn với giàn trái cây sai trĩu bà gắng chăm sóc để lấy tiền đi thăm con trai và Bà hứa với Hòa chừng nào dành dụm đủ tiền sẽ cho Hòa đi theo cùng để được thăm Cha, trong lòng bà khấp khởi hy vọng một cách mơ hồ rằng sau khi cải tạo,con trai bà sẽ về vun trồng cày xới trên mãnh đất hương hỏa mà bao năm qua dù biết bao khó khăn với cuộc sống tủi cực bà vẫn cố công gìn giữ để giao lại cho con trưởng cùng đứa cháu trai,nghĩ đến cái hạnh phúc mong manh đó, miệng bà thoáng nỡ một nụ cười héo hắt, bà tưởng tượng rồi vào một ngày nắng đẹp, con trai bà sẽ trở về lập gia đình lại, sẽ sum vầy với hai đứa cháu nội để đền bù cho những đêm dài thao thức, cả mấy bà cháu từng héo hon chờ đợi trong vô vọng hình bóng đứa con dâu đã nhẫn tâm bỏ rơi hai đứa con thơ dại ra đi biệt chim tăm cá.

    Văng vẳng ở nhà bên đưa sang tiếng hát não nuột vọng ra từ chiếc cassette cổ lổ sĩ chạy bằng nguồn điện của chiếc bình accu cũ kỹ, trong ánh chiều tà, vài tia nắng yếu ớt còn vương thoi thóp trên mấy luống khoai sau hè, câu hát rã rời, ma mị và ai oán : ”Nửa đêm, thôn xóm không một bóng trai, có tiếng O nghèo thở dài, vỗ về trẻ thơ một niềm...”(6), bấc giác bà nghĩ đến đứa con dâu và lòng chợt dấy lên niềm thương cảm vô biên, ngày xưa vào độ tuổi của nó, bà cũng đã có những đêm cắn chặt gối để ngăn chặn tiếng nấc nghẹn ngào đang thoát ra từ bầu ngực thanh xuân, trải qua bao đêm se sắt nhớ, đong đưa giữa hạnh phúc và nước mắt, giữa chờ và đợi, thi thoảng trong đêm có tiếng chó sủa văng vẳng cuối làng rồi tiếng liếp cửa xịch mở, một bóng người lách vào mang theo cả cái giá rét của sương đêm lùa vào giường bà và mang theo cái hạnh phúc hiếm muộn bất chợt rồi sự sung sướng vỡ òa trong tiếng nấc lịm, cố ngăn không để thoát ra thành tiếng cùng hơi thở dài buồn tênh mênh man như sương khói đưa bà trở về với thiên chức của người vợ. Rồi một ngày, tiếng chó lại sủa giữa đêm cùng với tràng AR-15 giật cục chen lẫn trong tiếng AK rời rạc rồi tắt hẳn theo từng hồi tru của lũ chó nhạy hơi người để rồi đêm đó và biết bao đêm sau nữa, bà vẫn ngồi bên cây đèn dầu leo lét, trên tường hắc lên một chiếc bóng cô đơn lung linh nhảy múa , hiu hắt chờ... nhau.

    ( Còn tiếp )

    Ghi chú :

    (1)Vá trụng mì quảng: Được chế từ chiếc lon sữa Guigoz cắt đôi và đục lỗ ở chung quanh để thoát nước.

    (2) Một câu trong bài không tên số.. của nhạc sĩ Vũ thành An

    (3) Thuộc vùng Quế sơn

    (4) trích dẫn câu nói của thủ tướng Võ văn Kiệt trong cuốn sách Người thắng cuộc đang gây scandal của nhà báo Huy Đức

    (5) Vùng đất ngoại ô nằm ở phía nam của thành phố Đà Nẵng ,đất ở đây trồng thuốc lá rất ngon,có loại thuốc lá nổi tiếng tên là Cẩm lệ.

    (6) Trích trong bản nhạc Quê nghèo viết năm 46 của cố nhạc sĩ Phạm Duy

    Ps:Cám ơn anh Toản và chị Thành đã hỗ trợ cho Tuấn phần edit và những hình ảnh chân thực và sống động.

  • #2
    truyen kem theo hinh anh hap dan qua! anh Ton tiep tuc di nhe ,moi nguoi doi cau chuyen tiep noi cua anh!

    NThuy

    Comment


    • #3
      Cảm ơn anh Tuấn đã tận tình chia sẻ với diển đàn .

      Năm 1975, Không quân VNCH ngoại trừ trực thăng chỉ có 2 loại tàu bay phản lực là A37 và F5 . F5 tối tân và đắt tiền hơn nên Bộ quốc phòng Mỹ muốn lấy lại bằng cách khá đơn giản : cho vợ con của pilots F5 di tản trước . Pilots A37 thì tùy cơ ứng biến và số ở lại cũng nhiều .

      Lon sữa Guigoz được nói nhiều trong văn chương VN . Trước 75 chỉ là hiệu sữa nổi tiếng cho em bé , sau 75 vô tình cái vỏ bằng nhôm, trở nên tiện dụng về nhiều mặt, nên được thiên hạ chế ra đủ kiểu "ca cóng " để chứa đựng thực phẩm



      Tôi đoán câu chuyện của anh Tuấn có thể sẽ hư hư thật thật . Gặp tôi anh Tuấn cười và cho biết sẽ viết theo yêu cầu, ai muốn các nhân vật trong chuyện sẽ xãy ra như thế nào thì chỉ cần viết thư yêu cầu là sẽ được như ý !

      Nghe vậy, tôi đoán sau cơn mưa trời lại sáng, phần kết thúc sẽ khá hơn, các nhân vật trong chuyện sẽ không bị anh Tuấn cho sống trong điên loạn, nghèo khổ hoặc xuống chầu Diêm vương ! Đoán trước như vậy không biết sẽ đúng mấy phần trăm .

      Thân ái

      NTT

      Comment


      • #4
        Mấy chục năm rồi bây giờ mới được thấy lại lon sữa Guigoz ngày xưa. Cám ơn anh Toản đã post hình cho xem .Hồi nhỏ pha sữa cho cô em út NL hay xúc sữa ăn lén , ngon ơi là ngon . Cái lon không, một thơì theo chân các SV và thầy cô giaó mỗi ngaỳ , sau năm 75.

        Chuyện anh Tuấn kể rất cảm động lại kèm hình ảnh rất phong phú sống động , nhìn tô mì quảng hấp dẫn quá . Anh Tuấn ơi "Nước nhưn" trong Nam ngươì ta gọi là "nước lèo" đó, chứ hổng phải "nước Lào"bị hồi đó NL cũng tưởng dzậy,ủa sao lại gọi là nước lèo , mình gọi nước "súp" .Đang chờ để đọc tiếp chuyện anh kể , thân mến ,NL.

        Comment


        • #5
          NL! Không biết NL có bị mắc nghẹn khi ăn vụng sữa bột không, chứ tớ thì 'yes' vì lúc đó nhỏ quá (5 tuổi), chưa đủ trình độ để nuốt trộm cái loại bột quá mịn này: nuốt cũng không chịu xuống mà thở thì cũng không được! Trong nhà có 9 anh em thì hết 8 người bú sữa mẹ, chỉ có mỗi đứa em út là được nuôi bằng sữa bột vì phải mỗ để lấy ra.

          Comment


          • #6
            Tuấn nhờ anh Toản liên lạc với admin của diễn đàn để đưa bản nhạc Bà mẹ ô lý của TCS ( đã viết năm 72) chờ minh họa cho Bà mẹ ô lý của Tuấn viết bốn mươi năm sau đó.He he.Cám ơn Anh nhiều nhiều.Tuấn

            Comment

            Working...
            X