Announcement

Collapse
No announcement yet.

Chiến tranh Ukraina : CIA cảnh báo nguy cơ Putin dùng vũ khí hạt nhân

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Chiến tranh Ukraina : CIA cảnh báo nguy cơ Putin dùng vũ khí hạt nhân

    Click image for larger version

Name:	hatnhan.jpg
Views:	93
Size:	57.3 KB
ID:	27008
    Một tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga được phóng đi từ một hầm chứa bí mật. Ảnh do Cơ quan Báo chí bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. AP


    Lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ, William Burns cảnh báo sau nhiều thất bại về quân sự trên chiến trường Ukraina, tổng thống Nga có nguy cơ sử dụng « vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí có sức công phá thấp ». Tuyên bố được đưa ra vào lúc Matxcơva thừa nhận soái hạm Moskva bị đánh chìm ở Biển Đen.

    Tham dự hội thảo tại đại học Georgia Tech- thành phố Atlanta, hôm 14/04/2022 giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ông William Burns giải thích từ khi khởi động chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin đã đặt « lực lượng nguyên tử » Nga trong tình trạng « báo động », nhưng Hoa Kỳ không thực sự phát hiện dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Matxcơva có ý định triển khai loại vũ khí này, và cũng không có dấu hiệu nào khiến các giới chức quân sự Mỹ « lo ngại tình hình đang trở trên xấu đi hơn ».

    Vẫn theo lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden thậm chí « quan ngại sâu sắc về nguy cơ nổ ra Chiến Tranh Thế Giới lần thứ ba và ông đang làm tất cả » tránh để thế giới lao vào một « cuộc xung đột nguyên tử ».

    Tuy nhiên, giám đốc CIA không loại trừ khả năng tổng thống Putin và một số lãnh đạo Nga do « lâm vào tuyệt vọng với hàng loạt những thất bại về mặt quân sự » sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử. Nhưng sẽ giới hạn ở những loại « vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc có sức công phá thấp ». Đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng mà Mỹ « không thể coi nhẹ ».

    Hãng tin AFP giải thích thêm : Nga hiện đang nắm giữ nhiều bom nguyên tử với sức công phá nhẹ hơn so với quả bom được thả xuống Hiroshima năm 1945 và Matxcơva có thể sử dụng đến loại vũ khí này để « chiếm lại thế thượng phong trong một cuộc đọ sức quy ước với phương Tây ».


    Tuy nhiên vẫn theo lời William Burns, trong trường hợp mà Matxcơva sử dụng vũ khí hạt nhân thì « NATO bắt buộc phải can thiệp quân sự trên lãnh thổ Ukraina và đó là điều đó nằm ngoài dự kiến của ông Biden ». Trước khi được chỉ định làm lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ, William Burns từng là đại sứ Mỹ tại Matxcơva.

    Source RFI
    Have a nice day!!

  • #2
    Ngoại trưởng Nga cảnh báo "Đệ Tam Thế Chiến": Thực hư ra sao ?
    Click image for larger version

Name:	2022-04-28_Ukraine2.jpg
Views:	54
Size:	120.1 KB
ID:	27194

    Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (P) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Ảnh chụp trong cuộc họp báo chung tại Matxcơva, ngày 26/04/2022, một ngày sau tuyên bố của ngoại trưởng Nga về nguy cơ “Đệ Tam Thế Chiến”. © AP

    Căng thẳng liên quan đến chiến tranh tại Ukraina dâng thêm một nấc vào lúc cuộc chiến bước sang tháng thứ ba. Ngày 25/04/2022, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov cảnh báo nguy cơ « Đệ Tam Thế Chiến » và chiến tranh hạt nhân. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ cùng các đồng minh kiên quyết hậu thuẫn Ukraina về quân sự trong cuộc kháng cự chống lại Nga trên lãnh thổ Ukraina.

    Chiến tranh thế giới thứ ba thực sự có nguy cơ bùng nổ hay không ? Luật pháp quốc tế liên quan đến xung đột vũ trang giúp gì cho việc hạn chế nguy cơ ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

    ***
    Ngoại trưởng Nga : NATO gián tiếp « gây chiến » chống Nga


    Căng thẳng giữa phương Tây và Nga đột ngột dâng cao vào tuần lễ cuối cùng của tháng 4/2022 khi hai bên đều tỏ rõ dấu hiệu cương quyết hơn về cuộc chiến tranh tại Ukraina. Đài Pháp France Inter hôm 26/04/2022 có bài tổng thuật về vấn đề này.

    Ngoại trưởng Nga phát biểu cụ thể thế nào ? Trong một cuộc phỏng vấn dài trên truyền hình nhà nước Nga ngày 25/04/2022, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov khẳng định Đệ Tam Thế Chiến có nguy cơ « thực sự » bùng nổ. Ông Lavrov cáo buộc chính quyền Ukraina « giả bộ » đàm phán tìm giải pháp hòa bình, và cảnh cáo phương Tây xung đột leo thang trong cuộc chiến tranh tại Ukraina.

    Khi được phóng viên nhắc đến cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân Cuba năm 1962 (khi nguy cơ bùng nổ xung đột hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong bối cảnh Matxcơva đưa tên lửa hạt nhân đến Cuba để trả đũa Washington bố trí tên lửa hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ý), và nguy cơ dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến, ngoại trưởng Nga khẳng định Matxcơva sẽ « nỗ lực hết sức » để tránh việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

    Ông Lavrov nói nguyên văn như sau : « Lập trường của chúng tôi là chiến tranh hạt nhân là điều không thể chấp nhận được. (…) Về phần mình, tôi không muốn kích động thêm nguy cơ này. Nhưng nhiều người lại muốn làm như vậy. Nguy cơ hiện nay là nghiêm trọng, là có thực. Và chúng ta không thể đánh giá thấp ».

    Theo ngoại trưởng Nga, « khối NATO, thực chất đang tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga thông qua một thế lực trung gian, và liên minh NATO đang cung cấp vũ khí cho thế lực trung gian này. Điều này có nghĩa là chiến tranh ». Tuy nhiên, ông Lavrov cũng bảo đảm là Matxcơva muốn tránh chiến tranh thế giới thứ ba, đồng thời hứa hẹn sẽ tiếp tục tiến hành thương thuyết.
    Hơn 40 nước bàn giúp Kiev vũ khí, Lavrov đe dọa « Đệ Tam Thế Chiến »


    Ngoại trưởng Nga đưa ra các tuyên bố nói trên trong bối cảnh nào ? Về bối cảnh tuyên bố của ngoại trưởng Nga, có ba diễn biến đáng chú ý. Thứ nhất là tuyên bố được đưa ra ngay hôm sau chuyến công du Ukraina của hai quan chức cao cấp Mỹ, ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin. Đây là lần đầu tiên giới chức Hoa Kỳ ở cấp này đến Kiev, kể từ khi Nga tấn công Ukraina. Ngày hôm sau của chuyến công du Kiev, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định : nếu được trang bị các vũ trí và trang thiết bị « tốt », Ukraina có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống xâm lược Nga. Tuyên bố được đưa ra sau khi người đứng đầu Lầu Năm Góc gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

    Tuyên bố của Hoa Kỳ đi kèm với hành động mạnh mẽ. Trong những ngày gần đây, Washington gia tăng cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraina, đặc biệt lần đầu tiên cung cấp các « vũ khí hạng nặng » giúp Ukraina kháng cự hiệu quả với Nga.

    Diễn biến quan trọng thứ hai là cuộc họp ngày thứ Ba 26/04, của hơn 40 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và các đồng minh NATO và ngoài NATO. Hội nghị họp lần đầu tiên tại một căn cứ quân sự Mỹ tại Đức. Mục tiêu của cuộc họp là tìm cách phối hợp gia tăng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Trước cuộc họp này, chính quyền Đức cũng đã quyết định thay đổi lập trường lưỡng lự lâu nay, chuẩn bị cung cấp cho Ukraina nhiều xe thiết giáp phòng không « Guerpard », được đánh giá là rất có uy lực trong việc phòng thủ chống trực thăng và máy bay tầm thấp. Ngay trước cuộc họp bàn về hỗ trợ quân sự cho Ukraina, ngoại trưởng Pháp sau cuộc gặp với đồng nhiệm Ukraina, khẳng định Paris tiếp tục gia tăng hỗ trợ Ukraina « về mọi mặt », kể cả về quân sự.
    Lãnh đạo LHQ đến Nga: Một dấu hiệu hòa dịu nhỏ ?


    Hoa Kỳ và các đồng minh cương quyết không để Nga lấn tới trong cuộc xâm lược Ukraina, ngoại trưởng Nga đe dọa bùng nổ Đệ Tam Thế Chiến. Trong lúc hai bên đều tỏ ý không xuống thang, có một diễn biến hòa dịu đáng chú ý là chuyến đi của lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đến Matxcơva ngày 26/04, cùng ngày với cuộc họp của hơn 40 quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraina.

    Đây là lần đầu tiên tổng thư ký Antonio Guterres đến Matxcơva kể từ đầu chiến tranh. Trong cuộc họp với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại điện Kremlin, tổng thống Nga đã đồng ý « về nguyên tắc » việc Liên Hiệp Quốc và hội Chữ Thập Đỏ tham gia vào việc sơ tán thường dân Ukraina đang trú ẩn trong nhà máy luyện kim Azovstal, ở thành phố Mariupol, bị quân Nga bao vây và tấn công từ nhiều tháng nay.
    Anh: Ukraina « có quyền » tấn công sang lãnh thổ Nga để tự vệ


    Điểm được truyền thông Pháp đặc biệt chú ý là tuyên bố đầy đe dọa của ngoại trưởng Nga đã nhận được phản ứng dứt khoát từ phía nước Anh. Thứ trưởng Quốc Phòng Anh James Heappey hôm 26/04 đã thẳng thừng bác bỏ lập luận của ngoại trưởng Nga. Theo ông, các nước NATO không hề can thiệp vào Ukraina mà chỉ hỗ trợ Kiev chống ngoại xâm, trên thực tế quân đội Nga đã « xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền », « mọi lời lẽ đao to búa lớn của Matxcơva, theo đó cuộc tấn công Ukraina nhằm trả đũa cho hành động gây hấn của NATO, là hoàn toàn phi lý ».

    Vừa bác bỏ lên án tính phi nghĩa của chiến dịch quân sự Nga, thứ trưởng Quốc Phòng Anh thậm chí còn đưa ra những bình luận mạnh mẽ hiếm thấy, như công khai ủng hộ quyền của Ukraine, để tự vệ trước cuộc xâm lặng Nga, Kiev cần « tấn công các tuyến hậu cần, nguồn cung cấp nhiên liệu, kho đạn »… nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Thứ trưởng Quốc Phòng Anh nhấn mạnh là, việc tấn công vào các cơ sở hậu cần quân sự của Nga là cần thiết để « ngăn chặn các hành động giết người và hủy diệt » của quân đội Nga tại Ukraina. Tuyên bố của thứ trưởng Quốc Phòng Anh có thể coi như một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của một lãnh đạo phương Tây sau lời đe dọa Đệ Tam Thế Chiến của ngoại trưởng Nga. Ông James Heappey cũng khẳng định việc vũ khí của Anh giúp Ukraina có được sử dụng trong các cuộc tấn công sang đất Nga hay không « không nhất thiết là vấn đề ». Hay nói cách khác, Anh không thể bị coi là một bên tham chiến.
    Luật quốc tế: Hỗ trợ vũ khí hạng nặng không thể bị coi là « bên tham chiến »


    Tránh để bị Nga coi là « các bên tham chiến » hay « các bên tham gia xung đột » (« parties in conflict / parties au conflit », theo tên gọi chính thức trong luật pháp quốc tế liên quan đến chiến tranh) (1) là chủ trương rõ ràng ngay từ đầu của Hoa Kỳ và các đồng minh. Đầu tháng 3, truyền thông Pháp đã có nhiều bài viết hướng đến làm sáng tỏ vấn đề này. Vào lúc Nga mở màn cuộc can thiệp quân sự chống Ukraina, các quốc gia NATO – trước hết là các nước châu Âu - thoạt tiên đã rất lưỡng lự trong việc cung cấp vũ khí hạng nhẹ, sau đó là vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Trên thực tế, theo giới chuyên gia quân sự, giới luật gia, việc cung cấp vũ khí cho một bên tham chiến không đồng nghĩa với việc trở thành bên tham chiến. Nước Nga bán vũ khí khắp thế giới, và các vũ khí Nga cũng có thể được sử dụng trong chiến tranh, nhưng không thể coi Nga là một bên tham chiến.

    Trả lời BFM TV, đô đốc Hervé Bléjian, tổng giám đốc của bộ Tổng Tham Mưu của Liên Hiệp Châu Âu, khẳng định rõ: « Theo luật quốc tế và luật về xung đột vũ trang, các quốc gia cung cấp vũ khí cho một nước khác để tự vệ, không phải là bên tham chiến. Như vậy các nước Liên Âu và các quốc gia khác hỗ trợ (Ukraina) trong cuộc chiến tranh này không thể bị coi là bên tham chiến » (1). Đô đốc Hervé Bléjian cũng chỉ trích « nhiều thông tin bóp méo » về vấn đề này, cũng như cảnh báo « các luận điệu tuyên truyền » từ phía chính quyền Nga.

    Luật gia Sylvain Vité thuộc Hội Chữ Thập Đỏ nói rõ là, theo các quy định về xung đột quốc tế hiện nay, việc một bên được coi là tham gia vào xung đột vũ trang chỉ khi nào bên liên quan « đưa các lực lượng vũ trang của mình tham chiến », hoặc trực tiếp « tổ chức các hoạt động chiến tranh từ xa » (2). Hoạt động cung cấp dịch vụ tình báo của Mỹ cho Ukraina chẳng hạn không khiến Hoa Kỳ trở thành một bên tham chiến, vì Mỹ không chính thức tham gia vào việc tổ chức các hoạt động quân sự. Đây chính là lý do khiến NATO không chấp nhận thành lập « vùng cấm bay » (no-fly zone) tại Ukraina (3), theo đề nghị của Kiev, cũng như rất dè dặt trong việc trực tiếp cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraina, cất cánh từ sân bay của một quốc gia thành viên. Hành động có thể bị phía Nga coi là hành động tham gia chiến tranh (4).
    Hai bên đang tiến gần đến « lằn ranh đỏ »


    Cần khẳng định rõ là Liên Âu đã thay đổi hoàn toàn « học thuyết » của khối liên quan đến vũ khí. Lần đầu tiên trong lịch sử, Liên Hiệp Châu Âu tài trợ cho việc mua, cung cấp vũ khí sát thương, trang thiết bị quân sự cho một quốc gia, theo nhà sử học Sylvain Kahn, Học Viện Sciences Po. Ngay cả thời gian chiến tranh Nam Tư (1991 – 2000), Liên Âu cũng chưa bao giờ làm việc này. Đây là một quyết định có « ý nghĩa lịch sử ». Thoạt tiên là cung cấp vũ khí hạng nhẹ, và giờ đây các nước châu Âu đang cung cấp cho Ukraina các vũ khí tối tân hơn. Việc Liên Âu không còn trung lập về mặt quân sự, trên thực tế trở thành các đồng minh mật thiết của Ukraina trong cuộc chiến tự vệ chống xâm lược Nga, không đồng nghĩa với việc Liên Âu hay NATO tham chiến. Việc Liên Âu cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ Nga cũng không đồng nghĩa với việc tham chiến chống Nga.

    Phương Tây nhìn chung không hề coi nhẹ tuyên bố của ngoại trưởng Nga. Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích về phát biểu nguy cơ Đệ Tam Thế Chiến, được ngoại trưởng Nga đưa ra, có thể coi như một lời báo động : « Hãy cẩn thận, chúng ta đang ở không xa lằn ranh đỏ ». Tướng Dominique Trinquand nhấn mạnh là « tình hình vốn đã rất căng thẳng từ lâu », nhưng hiện giờ đang có xu hướng đi đến chỗ tới hạn, cụ thể là cuộc chiến tại vùng Donbass, nơi chính quyền Nga đã xác định một số mục tiêu cần đạt được, trong lúc Ukraina với sự hậu thuẫn của NATO quyết liệt chống lại tham vọng của Matxcơva. Theo tướng Dominique Trinquand, các đồng minh phương Tây đang « gia tăng áp lực để xem xem đến mức nào thì Putin còn có thể chấp nhận được ».

    Chuyên gia về quan hệ quốc tế Cyrille Bret, Học Viện Sciences Po – Paris, cũng kêu gọi cần nghiêm túc xem xét cảnh báo bùng nổ Đệ Tam Thế Chiến. Trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn về quân sự, không đạt được các mục tiêu dự định, với việc can dự nhiều hơn, Hoa Kỳ và Anh Quốc chẳng hạn có thể bị Matxcơva coi là các bên tham chiến. Đụng độ bùng nổ trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân có thể xảy ra vì vậy. Có một điều khá nghịch lý là chính « vị thế suy yếu của Nga không phải là một điều tốt lành cho an ninh của châu Âu, tình thế này có thể dẫn điện Kremlin đến những hành động, nếu không nói là tuyệt vọng, thì có thể nói là cực đoan », theo ông Cyrille Bret.
    Cuộc chiến trên chiến trường và cuộc chiến pháp lý


    Các nước đồng minh với Ukraina trong cuộc chiến tự vệ chống xâm lược Nga quả không dễ tìm giải pháp với cường quốc nguyên tử số một thế giới, một quốc gia xâm lăng – bị cộng đồng quốc tế lên án - nhưng luôn lớn tiếng khẳng định mình là nạn nhân, và sẵn sàng treo lơ lửng trên đầu nhân loại, nguy cơ sử dụng loại vũ khí khủng khiếp nhất.

    Châu Âu cũng như các quốc gia khác rõ ràng « có quyền sử dụng các biện pháp chống trả hợp pháp (như cung cấp vũ khí cho bên bị tấn công) để đáp lại kẻ xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế » (theo luật gia Alain Pellet, giáo sư danh dự Đại học Paris – Nanterre, cựu chủ tịch Ủy Ban Luật Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên cũng có một điều rõ ràng là chế độ Nga của Putin và các nước châu Âu có cách hiểu rất khác nhau về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, khi « tổng thống Nga không xem luật pháp quốc tế là điều đáng kể, và thể hiện quan điểm này một cách công khai » (chuyên gia về xung đột và an ninh quốc tế Julien Théron) (5).

    Dù sao ngay cả trong lĩnh vực mà bạo lực dường như được sử dụng tràn lan và không giới hạn này, luật pháp quốc tế vẫn còn có phần ý nghĩa. Cuộc chiến tranh của chính quyền Putin chống lại Ukraina không phải là một cuộc chiến tranh toàn diện. Chính quyền Putin, dù muốn dùng bạo lực chiến tranh là phương tiện chính để đạt được các mục tiêu về lãnh thổ tại Ukraina, cũng không thể chà đạp toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế, mà chính họ cũng phần nào phải dựa vào để biện minh cho tính chính đáng của mình. Đọ sức trên chiến trường, đấu tranh về pháp lý là hai cuộc chiến song hành. Xét về nhiều mặt, đông đảo người trong cuộc tin tưởng là cuộc chiến về pháp lý, cũng như cuộc chiến về kinh tế chống lại thủ phạm cuộc xâm lăng Ukraina có thể góp phần mang lại một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

    Ghi chú

    (1) Mặc dù Hiến chương Liên Hiệp Quốc (năm 1945) cấm sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các xung đột quốc tế, chiến tranh vẫn xảy ra trên thực tế. Từ khi Liên Hiệp Quốc thành lập, đã ra đời một số bộ luật quốc tế liên quan đến chiến tranh, trước hết nhằm để bảo vệ các nạn nhân, trong đó có hai nghị định bổ sung (ra đời năm 1977) của Các Công Ước Genève về bảo vệ nạn nhân trong xung đột vũ trang (năm 1949).

    (2) Nhận xét của luật gia nói trên được rút ra từ một án lệ, trong một vụ án của Tòa Hình sự Quốc tế TPI, xét xử các tội ác chiến tranh của Dusko Tadic (một cựu thành viên lực lượng dân quân người Serbia) tại Bosnia, ban hành ngày 15/07/1999 (« Cung cấp vũ khí cho Ukraina có khiến chúng ta biến thành ‘‘các bên tham chiến’’ ? », Le Figaro, 07/03/2022).

    (3) Theo tướng Jean-Paul Paloméros, một cựu chỉ hưu khối NATO (Allied Command Transformation) (2012- 2015), khối NATO chỉ lập vùng cấm bay theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ví dụ như tại Bosnia (1992 – 1995) (bài « Khi nào một quốc gia trở thành một bên tham chiến ? », La Croix, 08/03/2022).

    (4) Ranh giới thế nào được coi là « bên tham chiến » và thế nào thì không phải là « bên tham chiến » không chỉ chịu sự quy định của luật pháp quốc tế. Theo các chuyên gia, có những vùng « mờ », nơi những diễn biến « không rõ ràng » có thể khiến một bên tham chiến giải thích khác hẳn bên kia (Le Figaro, ngày 07/03/2022, bài đã dẫn). Cụ thể như, theo tướng Jean-Paul Paloméros, một cựu chỉ huy NATO, việc phi công Ukraina tiếp quản máy bay Ba Lan giao tặng, cất cánh từ một sân bay Ba Lan, có « nguy cơ » bị phía Nga coi là một hành động tham chiến của Ba Lan, một quốc gia NATO.

    (5) Bài « Invasion russe : la France et les pays qui fournissent des armes à l'Ukraine peuvent-ils être considérés comme des "co-belligérants" ? », France Info, 05/03/2022.
    Have a nice day!!

    Comment

    Working...
    X