Ngày nay máy hàn điện đã trở thành một dụng cụ phổ biến rộng rãi trong dân chúng . Hàn song sắt cửa , cổng , hàng rào, hoặc sửa dụng cụ làm vườn ...Người chưa có kinh nghiệm, nếu hiểu được nguyên tắc cũng có thể tạo được một mối hàn đạt yêu cầu mà không tốn nhiều thời gian thực tập như xưa . Bài nầy viết về một vài nguyên tắc hàn điện để các bạn đọc cho vui nhất là khi có ý định sắm cho mình một cái máy hàn điện gia dụng .
Giả sử có bạn hỏi trong kỹ thuật hàn điện, có gì mới lạ so với ngày xưa ? Có lẽ tôi sẽ chọn cái mặt nạ hàn điện để trả lời . Bài học hàn đầu tiên là cách chấm, quẹt để mồi và duy trì hồ quang . Hồ quang là cái đốm lửa điện rất sáng khi hàn (electric arc) . Chính vì nó rất sáng cho nên phải có kính đậm màu để che . Khổ nổi khi che kính đậm màu sẽ không thấy đường để hàn . Nếu mở ra để nhìn mà đóng lại không kịp, mắt sẽ bị chóa sáng, cũng không thấy gì khoảng 1-2 phút . Kết quả sau một ngày học hàn, người nào cũng bị “khóc ròng bái tổ ” vì bị nhức mắt, đỏ mắt ,chảy nước mắt một hai ngày.
Cám ơn những tiến bộ về điện tử , ngày nay người học hàn không còn phải khóc ròng nhập môn nữa . Với mặt nạ điện tử , khi có ánh sáng hồ quang kính sẽ đổi màu từ trong suốt sang màu đậm và ngược lại rất nhanh chóng . Có loại độ đậm còn có thể điều chỉnh được .
( mặt nạ hàn xưa và nay )
Như bạn đã biết khi đề cập đến điện, ngoài AC ( điện nhà : xoay chiều ) và DC (điện pin : một chiều ) , người ta còn nói đến hiệu số điện thế (Voltage : cao thấp ) và cường độ dòng điện ( Ampere :mạnh yếu ) . Trong hàn điện người ta cần Ampere rất lớn, khoảng từ 40-170 , còn voltage càng nhỏ càng tốt để khỏi bị điện giật. Dòng điện AC mối hàn sẽ bám sâu hơn DC tuy nhiên, DC thì dể hàn hơn AC .
Nói cho vui về máy móc dụng cụ , có lẽ chúng ta nên chia ra làm hai loại : loại thứ nhất là loại tốn tiền tạm gọi là máy gia dụng ( nếu dùng nhiều máy sẽ hư ) và loại thứ nhì là loại đủ bền đủ mạnh để làm ra tiền, dùng trong sản xuất . Máy hàn đề cập trong bài nầy thuộc loại... thứ ba ! Ai sử dụng được sẽ thấy rất có lý vì đơn giản, nhanh gọn và tiết kiệm được khá nhiều .
Thật ra bất cứ nguồn điện nào cung cấp cường độ dòng điện lớn ( 80A trở lên ) đều có thể hàn được . Clip video dưới đây cho thấy trong trường hợp ở những vùng xa hẻo lánh không có điện, không có máy hàn, người ta vẩn có thể hàn điện được, bằng cách nối 2 hoặc 3 bình điện xe hơi . Dĩ nhiên cách nầy rất dể hàn vì là DC , tuy nhiên chỉ có thể hàn trong vài phút với bình điện thật tốt (mới và mạnh).
Tóm tắc : cực âm bình số 1 nối với cực dương của bình số 2 . Cực dương của bình số 1 nối với vật hàn , cực âm của bình số 2 nối với đũa hàn .
Nếu các bạn hỏi về máy hàn dân dụng hiện nay có gì tiến bộ hay không ? Xin thưa một cách ba phải là CÓ và KHÔNG . CÓ (tiến bộ ) nhưng chưa hoàn hảo và KHÔNG vì loại cũ còn quá tốt , cho nên trên thị trường cả hai đều hiện diện để khách hàng chọn lựa .
Máy hàn kỹ thuật cũ là loại AC rất đơn giản, chỉ là một cái biến thế ( transformer) khá to gồm hai cuộn dây đồng cuốn quanh một lỏi sắt . Cuộn sơ cấp có nhiều vòng, nối với điện nhà AC ( Volt cao , Ampere thấp ) . Cuộn thứ cấp dây khá to, ít vòng ( volt thấp , Ampere cao ) nối ra dây để hàn . Vì đơn giản (không có gì để hư) nên máy rất bền , chỉ cái tội là rất nặng, máy nhỏ nhất cũng cở 12 - 16 ký .
Máy hàn kỹ thuật mới , dùng khá nhiều linh kiện điện tử , đại khái gồm mạch tắt bật ( switching), mạch nắn điện ( rectifier), mạch khuyếch đại ( amplifier) và mạch ổn định ( regulator) . Máy nầy có thể cung cấp dòng điện AC hay DC để hàn . Với dòng DC , mối hàn không ăn sâu, cường độ dể điều chỉnh để có thể hàn trên sắt mỏng ( 1 mm ) mà không bị thủng . Vì máy làm việc ở tần số rất cao cho nên biến thế sẽ nhỏ . Biến thế nhỏ cộng với các đồ điên tử sẽ tạo ra hai điểm lợi so với máy cũ : giảm được trọng lượng , máy nhỏ chỉ còn cở 4 – 6 Kg và giảm đi năng lượng biến thành nhiệt ở trong máy , máy sẽ xài ít điện hơn điều nầy cho phép cắm một cái máy hàn rất mạnh vào ổ điện nhỏ ( 10A) ở quanh nhà .
Nhược điểm của máy có lẽ các bạn cũng đoán được : giá bán đắt hơn; cơ nguy máy hư rất lớn vì phụ thuộc vào chất lượng và tuổi thọ "vô thường" ( không đoán trước được ) của từng linh kiện điện tử .
Kỹ thuật hàn điện có thể tham khảo rất nhiều trên internet hoặc sách dạy hàn trong thư viện thế nhưng ‘mấu chốt nhà nghề ‘ xem ra khá đơn giản, chỉ cái tội làm biếng một tý lúc đầu ( trước khi hàn ) mới gặp nhiều khó khăn lúc sau . Các bạn cần chú ý các điểm sau :
1. Cố gắng đưa tất cả mối hàn về vị trí nằm ngang . Tỉ dụ cần hàn ở góc hình chữ L , các bạn nên để ngữa nó lên thành hình chữ ‘V’ để hàn .
2. Hãy chùi sạch sơn , nếu gặp sắt tráng kẽm ( gavanized ) hãy mài hết lớp tráng kẽm những chổ sẽ hàn .
3. Chổ bắt dây ‘mass’ trên vật hàn phải tiếp xúc ,dẩn điện tốt và gần với vị trí hàn
4. Phải gỏ cho tróc và chải hết xỉ (slag from welding ) trước khi hàn đường kế tiếp . Xỉ là lớp vỏ bọc trên mối hàn sau khi hàn . Điểm cần biết là không moi sạch xỉ , không trám được lỗ !
5. Khoảng cách A đến vật hàn bằng cở đường kính đũa hàn và góc độ B khi hàn khoảng 70 độ ( xem hình ) .
Chúc các bạn thành công . Sắm được một máy hàn như ý, hàn được mối hàn tuy không đẹp lắm nhưng đạt yêu cầu ( không có rớt ra !) .
Từ từ khi quen máy, “nghề sẽ dạy nghề”, 5 điểm trên sẽ giúp mối hàn của bạn đẹp không thua gì thợ hàn chuyên nghiệp .
Sau cùng, những đề tài về kỹ thuật như vậy chắc chắn sẽ hấp dẩn nếu được các bạn bổ túc thiếu sót hoặc đóng góp thêm kinh nghiệm .
Thân ái
NTT
Comment