Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đứt Dây Đàn - Nguyễn Thiện Toản (74KCN)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đứt Dây Đàn - Nguyễn Thiện Toản (74KCN)

    Đứt Dây Đàn

    Nguyễn Thiện Toản (74KCN)



    Khi nói về âm nhạc, người ta thường nghĩ đến nhạc cụ và nhạc công. Đối với những nhạc cụ có nhiều dây, thì phần nghệ thuật nằm ở những ngón tay của nhạc công. Những ngón tay nầy liên tục móc lên dây đàn giống như người đang gãi. Có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn có một thời nếu nghe ai nói, anh ấy đang học Guitar hoặc chị ấy đang đánh đàn Ta Lư, thì chúng ta phải nghĩ cả hai người đang đau khổ vì bệnh ghẻ, một loại ghẻ rất ngứa, phát xuất ở giữa những ngón tay rồi lây ra từ người nầy qua người khác. Đến khi ra đầu ngõ gặp toàn nhạc sĩ, thì cả thành phố chẳng thấy ai lo lắng gì, các nhạc sĩ cứ tự nhiên đứng đâu đàn đó, một cách mê ly như chỗ không người.

    Hôm nay nhớ về trường xưa bạn cũ, tôi tự biên những kỷ niệm tự diễn thời đó để gởi đến bạn đọc. Tuy nhiên viết bài nầy cũng khó như người lên sân khấu thi kể chuyện vui, chắc chắn sẽ có khán giả không cười nhưng “anh ta” hy vọng sẽ không bị cả hội trường phản đối.

    Khoảng đầu năm 76, lúc tôi bị nổi những đốm nước nhỏ ngứa ngáy và dễ vỡ ở kẻ tay thì chẳng ai biết nó là cái gì. Vì bị căng thẳng khi thấy nó lan từ từ qua bàn tay kia, tôi tức tốc phóng xe đạp lên trường, đến phòng Y tế gặp vị y sĩ để khám bệnh và xin thuốc.

    Cầm tay tôi, trở qua trở về xem xét một lúc, vị nầy hỏi tôi một câu rất ít liên quan đến sự mong chờ của bệnh nhân:

    - Anh có tắm không, bao lâu thì tắm một lần?

    Tôi nín cười, nghiêm túc trả lời vị y sĩ nầy, nhưng xem ra câu trả lời cũng ít liên quan đến vấn đề sức khỏe:

    - Dạ em tắm thường xuyên. Nếu hôm nào nước bị cúp thì hôm sau em sẽ tắm với xà bông Cô Ba. Xà bông nầy bây giờ chỉ còn loại dài như khúc củi màu xanh lá cây, do công ty Trương Văn Bền sản xuất, mua ở phường về cắt ra được ba cục thật lớn để giặt đồ, giặt hai ba lần nó nhỏ lại vừa cầm để đi tắm và gội đầu, gội hai ba lần nó nhỏ lại thành một cục nhỏ tí để rửa chén...

    - Thế thì anh yên tâm, chỉ là gan của anh có vấn đề. Tôi cho anh nguyên vỉ 12 liều thuốc chích của Trung Quốc, để lọc chất độc trong gan. Thuốc chích mỗi ngày một lần. Học xong anh đến đây xăn tay áo lên, tôi nấu kim sát trùng rồi chích cho anh.

    Tôi vốn không sợ kim nhưng thật tình là không khoái bị chích chút nào. Thế nhưng hồi đó chẳng còn phương pháp nào khác để lọc gan, cho nên tôi đành phải nhắm mắt lãnh đủ 12 mũi. Gặp thuốc tốt nên sau hai tuần tôi đoán gan của tôi đã được lọc hoàn toàn sạch sẽ. Đám mụt ngứa trên tay vì không nằm trong gan nên còn y nguyên. Tuy thất vọng nhưng tôi được vị y sĩ nầy an ủi với một câu khá hợp lý:

    - Bệnh tình của anh không có gì phải lo lắng. Đây chỉ là một loại của bệnh ngoài da, tôi viết giấy giới thiệu cho anh đi khám ở bệnh viện da liễu, ở đó người ta có đầy đủ máy móc, thuốc men để trị cho da của anh.

    Tôi cầm giấy giới thiệu, trong lòng mừng thầm cho cái may mắn ngoài da của mình và phấn khởi đạp xe đi tìm bệnh viện da liễu. Khi đến nơi, biết chắc mình không lầm địa chỉ, lòng tôi thật sự chùn xuống trước cái tên nổi tiếng, không dính dáng gì ngoài da của bệnh viên nầy.

    Nó chính là bệnh viện Hoa Liễu nằm trên đường Hồ xuân Hương, dân Sài Gòn ai mà không biết. Bệnh viện nầy nổi tiếng là chỗ của trai tứ chiến gái giang hồ đến đây để chữa bệnh phong tình. Tôi rối bời với nhiều suy tư đến cùng một lúc. Một mặt tôi thấy mình xui xẻo, chỉ ngứa một tí ngoài tay lại bị gởi đến chỗ chuyên môn chữa bệnh trong quần, mặt khác, tôi lại thấy mình may mắn chưa ra trường, học sinh mà thấy thầy đi vô đây thì thanh minh kiểu nào, tụi nó vẫn nghĩ ông thầy ham vui. Cuối cùng cũng chẳng còn cách nào khác để chữa bệnh ngoài da, tôi cúi mặt bước nhanh, cố lẩn vào trong đám anh chị đi đứng kiểu hai hàng như cao bồi rút súng, hoặc khập khểnh như bị trúng đạn vào mông.

    Khu chờ đợi người ta chia làm hai, nữ và nam ngồi riêng biệt. Khu nữ ồn ào hơn, phần đông không phải gái giang hồ, cho nên bà nào cũng có nhu cầu kể lể, từ đổ lệ đến đổ tội cho người chồng mất nết. Khu nam yên lặng hơn, toàn trai tứ chiến, nhìn nhau lo âu, bất giác cố nở một nụ cười thông cảm. Phần còn lại toàn là nữ y tá bận áo choàng trắng, mặt mày nghiêm nghị đi qua đi lại.

    Tôi ngồi chờ khá lâu thì được kêu tên. Trong phòng khám, người ta sơn một ô vuông trên nền nhà, bệnh nhân đứng trong ô đó mà khoe hàng theo lời yêu cầu của bác sĩ. Bác sĩ ngồi cách đó 2m, khám bằng mắt như người ta coi ti vi rất an toàn, vi trùng có muốn nhảy qua cũng không tới.

    Tôi khẳng định vị trí xã hội của mình:

    - Thưa bác sĩ, em là thanh niên đàng hoàng, trước giờ chỉ có ăn rồi học chưa kip yêu ai, bây giờ biết thêm lao động, biết thêm bàn tay ta làm nên tất cả, nhưng làm chưa xong thì bàn tay ngứa quá đành phải vào đây xin chữa bệnh ngoài da.

    Bác sĩ nghe xong phán một câu nghe rất bình đẳng nhưng thiếu bình yên cho bệnh nhân:

    - Ở đây không có phân biệt người đàng hoàng với không đàng hoàng. Bệnh của cậu phải thử máu mới biết chính xác ai đàng hoàng ai không! Mấy hôm nay cái máy thử máu của bệnh viện không làm việc đàng hoàng nên phải gởi đi chữa trước. Nhìn những vết lở trên tay, tôi nghi cậu bị Giang Mai thời kỳ thứ hai. Tuy nhiên thấy cậu không phải là dân ăn chơi nên tôi rất phân vân tại thuốc còn ít.

    - Thưa bác sĩ, với kinh nghiệm đầy mình mà bác sĩ đã nghi là thời kỳ thứ hai, thì cho em được chữa trị càng sớm càng tốt. Đợi cái máy thử máu, lỡ bệnh của em tăng lên thời kỳ thứ tư thì còn gì em nữa.

    - Thôi được, cậu cầm giấy nầy qua khu chữa trị.

    Tôi cầm tờ giấy trong đó có chữ Peniciline “một triệu” mà không biết nên vui hay buồn. Giang Mai mới thời kỳ thứ hai mà đã như vậy, nếu không được chữa trị, đến thời kỳ thứ tư chắc là ngứa khủng khiếp lắm.

    Trong phòng Điều Trị của bệnh viện Hoa Liễu, nhìn quanh chỉ thấy một cái bàn và một cái giường trải chiếu. Cô y tá đầy kinh nghiệm nghề nghiệp, thấy mặt mày tôi sáng sủa sạch sẽ dễ có cảm tình nên đem luật nhân quả ra an ủi:

    - Có sức chơi có sức chịu, đã lỡ dính rồi thì chịu khó leo lên giường nằm xấp, kéo quần bày mông ra cho tôi chích. Mấy anh có đau thì mới nhớ mà chừa cái tật ham của lạ!

    Tôi tức hộc xì dầu, nóng bừng cả tai. Thế nhưng nhìn cây kim to tổ bố trên tay cô ta thì không ai dại dột mà đi tranh luận làm gì, cứ nằm yên nuốt hận vẫn yên tâm hơn.

    Penicilline là một loại thuốc bột nằm trong một lọ nhỏ, khi dùng phải cưa một ống nước cất, hút vào ống chích (syringe) rồi tiêm vào lọ bột đó để lắc mà trộn, sau đó mới hút lại vào ống chích để tiêm cho bệnh nhân.

    Tôi có một ông anh rể, trước 75 là đại úy không quân VNCH, một binh chủng nổi tiếng hào hoa. Anh ta cũng thuộc loại gan dạ, dám vô tận nhà xếp, tán con gái đầu lòng của xếp mình về làm vợ, lại còn hùng hồn tuyên bố với đám em vợ rằng: “Đàn ông mà chưa bị nếm mùi Penicilline thì chưa phải là đàn ông”.

    Trong lúc cô y tá làm thuốc, tôi nằm phơi mông chờ trở thành đàn ông mà nghe tim mình đập thình thịch. Bất giác tôi so sánh mình với cô dâu hiền trong đêm tân hôn, nằm trên giường chờ chú rể quý thay quần áo, có lẽ cũng vất vả hồi hộp đến toát cả mồ hôi hột như vậy là cùng.

    - Anh nằm yên cho tôi chích ha, đừng có sắn bắp thịt lại mà cong kim của tôi.

    Tôi nhắm mắt để nghe cái gì nhọn đâm thấu tim! Bàn tay tôi nắm lại để chịu đựng. Cái đau tăng dần theo lượng thuốc đi vào cơ thể. Tôi gồng cả tay lẫn chân để chịu đựng, cái đau vẫn cứ tăng dần theo thời gian. Khi nó vượt qua sức chịu đựng, tay chân và cả thân thể tôi cong lại cứng ngắc thì cô y tá tuyên bố:

    - Xong rồi.

    Khi cô y tá rút kim ra, hết đau tôi chợt nhận ra mình đã tự động chuyển từ tư thế nằm qua tư thế bò hồi nào không hay. Các bạn thân mến, sau đó ít lâu thì cả thành phố người ta trị ghẻ nầy bằng một loại thuốc nước màu vàng nghệ có chất lưu huỳnh, xức đâu lành đó. Cũng có người xức thuốc đỏ hoặc ngâm tay trong thuốc tím và tìm cách ăn thêm rau trái có chứa nhiều vitamin C. Tuy nhiên nếu trị nó bằng Penicilline một triệu units thì giống như dùng búa tạ để đập nát một con ruồi. Câu chuyện đứt hết dây đàn của tôi đáng lý cũng phải chấm dứt ở đây, để các bạn muốn nghĩ sao thì nghĩ.

    Thế nhưng vì họa vô đơn chí cho nên bạn nào thích nghe tiếp, tôi cũng còn một khúc nữa để kể nốt cái phần gãy luôn cây đàn.




    Sau đó hai ba tuần, mặc dầu không còn ghẻ nữa nhưng tôi cũng quay lại Bệnh Viện Hoa Liễu để thử máu cho chắc ăn. Thử máu xong tôi hí hửng ra về thì nghe tiếng cô y tá gọi giựt lại:

    - Ê .. ê.. anh kia đứng lại! Vì chưa có kết quả thử máu, kỳ trước anh đã chích một “bi” bây giờ phải tiếp tục! Anh theo tôi qua phòng điều trị!

    Trở lại phòng điều trị, ngoài cái bàn và cái giường cũ ở giữa phòng, tôi gặp một người nữ y tá mới. Cô ta là sinh viên đại học Y Khoa Sài Gòn, khuôn mặt dễ có cảm tình, nói giọng miền Trung vào đây thực tập.

    Lần nầy bệnh nhân đã biết vanh vách chuyện phải làm, chuyện gì sẽ tới nên không hồi hộp bằng cô y tá. Tôi ngắm cô ta làm thuốc, không rõ nguyên nhân tại sao cô ta hồi hộp, chỉ thấy cô ta hơi vụng về nhưng lại xong nhanh.

    Anh hùng lỡ vận đành nín thở chịu mũi kim đâm lút cán! Cái đau kế tiếp là bơm thuốc, tôi đã sẵn sàng nhưng nó không đến. Tay tôi buông ra, người nhẹ nhõm, chưa kịp khen thầm cô ta mát tay thì nghe cô ấy nói: “Chi lọa rứa” rồi rút kim ra. Tôi tính mở miệng hỏi “cái gì lọa rứa cô” thì bị ngay một mũi đâm lút cán ở mông bên kia! Lần nầy tôi nằm yên không dám nhúc nhích và vái trời cho cái đau kế tiếp nó đến. Trong lúc tôi thành tâm khấn vái, thì cô sinh viên trước giờ có lẽ chỉ thực tập trên xác chết, nên vẫn không thấy nét nào quen trên cái mông còn sống của tôi. Cô ta tiếp tục than “chi lọa rứa” hai ba lần nữa rồi rút kim ra.

    Tôi tê tái nghe cô ấy “À” lên một tiếng rồi tự giải thích cho chính cô ta nghe:

    - Nghẹt kim! Tựa cây kim ni, hén hơi nhỏ!

    Sau hai lần thất bại cô sinh viên y khoa tỏ ra kinh nghiệm và tự tin hơn, cô ta bơm thuốc lại vào lọ rồi lắc rất lâu, như tự nhắc mình lần sau đừng quên lắc cho kỹ.

    Trên đường về, đi qua quán nước đầu ngõ, nghe cô em bán nước mía gọi:

    - Anh T! Trời nắng chang chang, anh làm gì mà cái mặt nhăn nhó, đi đứng nghiêng nghiêng giống như cao bồi bị bắn trúng mông dzậy?

    NTT (74KCN)

    ---------------------------

    **Comments (8)

    Bravo! Vừa được bài là đọc ngay, vừa đọc vừa cười, vui thật!

    Bảo đảm cả hội trường cùng cười. Bài viết hay và vui lắm.

    Thừa thắng xông lên!! Anh Toản nhớ thêm gì, kể chuyện cho bạn hữu đọc tiếp nữa nhé.

    Tham ghê hén!

    Thân,

    YT-74KNN

    --------------------------------------------------------------------------------



    Câu chuyện rất vui và rất thật, cho dù tác giả đến phút chót vẫn không chịu tiết lộ nguyên nhân bị ngứa của mình. Tuy nhiên nếu có bạn nam nào cảm thấy không “thoải mái” với nội dung của câu chuyện thì hãy chịu khó đọc đoạn kinh thánh sau đây:

    Jesus responded to that crowd of stone throwers by responding; "He that is without sin among you; let him first cast a stone at Her"

    Hùng Nguyễn-72CKO

    --------------------------------------------------------------------------------



    Đọc bài tác giả viết kể về chuyện đánh đàn và nghĩ chỉ có một mình độc diễn, nhưng không đâu anh Bạn ơi. Tôi không biết trình độ biểu diễn đánh đàn guitare hay đàn Ta Lư của anh Bạn đến đâu, nhưng tôi bảo đảm khả năng chơi đàn của tôi lúc đó cao và hơn hẵn bạn nhiều lắm vì tôi chơi toàn nhạc classic không hà, chứ đâu có đàn tưnng tưng như bạn đâu.

    Đừng giận nhen, để tôi kể tiếp bạn nghe.

    Cũng thời gian đó đầu năm 76, lúc mà chúng ta đi lao động nhiều. Một hôm đi học về tôi bổng cảm thấy ngứa… “đít” quá (xin lỗi nha, nhưng đó là sự thật, không nói bậy đâu), nên phải “đờn”. Bạn cứ tưởng tượng khi người nhạc sĩ chơi nhạc classic, họ đánh thật nhanh tiếng nhạc nghe réo rắc trầm bổng, thì cảm giác của tôi là như vậy, ngứa đến nóng bỏng, càng gải càng ngứa. Không mấy chốc những mụn nước nhỏ nổi lên đầy mông đít. Ngày sau là bàn tay tôi đã bị lây, trong người tôi bị lây lan thật nhanh chóng.

    Tôi cũng xuống phòng y tế, đối diện với phòng 101 của YThu ngày đó. Tôi gặp bác Kính, chỉ đưa bàn tay cho bác ấy xem thôi (hên quá bác ấy không có khám người tôi) những kẽ tay bắt đầu nung mủ. Bác làm giấy giới thiệu đi khám ở bệnh viện Da Liễu và xin phép cho tôi nghỉ học đễ không lây lan. Đến nơi bệnh viện, tôi thấy hỗn loạn người lẫn người. Tôi không dám ngồi vì sợ lây cho người khác hay sợ bị nhiễm thêm thứ khác…nên đành đi về.

    Những ngày sau đó, cơ thể tôi ngứa, những mụn nước vàng, nung mủ nhìn ghê lắm. Người nhà phải đút cơm cho tôi vì bàn tay không co lại được, giúp lau chùi mủ cho tôi, chỉ 15 phút sau nước vàng, mủ nung lên nữa. Đến nỗi tôi không dám mặc đồ lót, vì nước vàng chảy ra rồi khô. Đồ lót dính vào gở không ra…

    Lúc đó, tôi đã nghỉ học, không bạn nào hay biết tình trạng ghẻ của tôi lúc đó.

    Cả nhà sợ quá, bà ngoại đưa tôi về quê. Bà cho tôi ngủ một mình trên bộ ván gõ. Bà nấu nước lá sả, lá khế, lá ổi lá bần…để cho tôi tắm, mỗi ngày hai ba lần. Mỗi lần tắm, tôi rát muốn chết. Bà ngoại đưa tôi ra trạm y tế xã BC xin điều trị. May mắn làm sao, thời gian đó sao lại có Penicillin cũng lạ.

    Họ chích cho tôi mỗi ngày, đau lắm. Tôi hiểu được nỗi đau bạn kể.

    May mắn là sau một tháng điều trị tôi thoát khỏi nghiệp vĩ đàn ca để trở lại trường đi học tiếp…

    Xin làm người ẩn danh.

    --------------------------------------------------------------------------------

    Toản mến,

    Cảm ơn bài viết của Toản đã làm tôi gợi nhớ lại không gian và thời gian xa xưa ở ĐHSPKT.

    Đọc hết bài và xem qua 2 tấm hình mới thấy thông cảm cho nổi nhọc nhằn mà Toản phải chịu đựng. Đàn đứt cả dây đàn Ta Lư, lại còn đập vỡ cây đàn nữa. Hy vọng là ở Miền dưới (Down under), Toản không còn nhu cầu sử dụng đàn nữa.

    Tôi thắc mắc là các mủi chích ở bệnh viện Da liểu thì Toản kể rất là chi tiết. Thế còn 12 mủi chích Hửu Nghị ở phòng Y Tế trường ta thì Toản chỉ nói phớt qua lấy lệ. hay họ là nam y tá nên không có gì đáng nhớ. Tôi nhớ lại lúc đó phòng Y tế có 2 nam y tá: chú Xuân, người thấp, mắt hơi le lé, người miền Nam gốc Bắc và anh Đồng (chồng chị Bính, thủ kho xưởng Máy Dụng Cụ, thủ kho to hơn thủ trưởng). Tôi không nhớ chắc anh Đồng là y tá hay y sĩ. Hai anh chị này là người miền Bắc vào Nam công tác. Nhắc đến đây tôi sực nhớ lại hồi ở trại Tỵ nạn, nghe đồn có người khai man lý lịch. Trung sĩ y tá mà lại cố tình khai là Trung tá y sĩ, thế mà cũng có người tin mà bị mắc lừa.

    Trở lại chuyện bệnh viện Da Liểu. Theo tôi nghỉ chức năng của nó là trị mọi bệnh về da không có gì xấu cả. Có lẻ vì đa số bệnh nhân của họ bị bệnh của tệ nạn xả hội nên dần dà mọi người có ý nghĩ xấu về nó. Hơn nữa, chính nhân viên của họ chưa biết chính xác nguồn bệnh của bệnh nhân đã vội xếp chung vào cá mè một lứa. Trong trường hợp này cũng oan cho Toản??

    Tôi cũng có nhận xét như anh Hùng là Toản chưa cho biết lý do chính xác nguyên nhân của sự cố Trăm hoa đua nở trên tay bạn. Thế Toản có trở lại bệnh viện lần thứ ba để nhận kết quả thử máu? Có trở về phòng Y tế trường ta báo cáo kết quả để họ rút tỉa kinh nghiệm hầu phục vụ tốt hơn? Thôi thì câu chuyện năm xưa của Toản kể ra được cũng đỡ ấm ức. Hãy nhìn vào cái tích cực của nó. Trước mắt là nhờ cái “mông” của Toản mà cô sinh viên Y khoa có phương tiện thực tập; một cách gián tiếp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ Y sĩ..

    TN-73CTM

    --------------------------------------------------------------------------------



    Tôi rất vui để viết một vài cảm nghĩ của mình xoay quanh những ý kiến nghiêng về khía cạnh y khoa của các bạn trong phần comment của bài nầy.

    Trước hết là anh Hùng Nguyễn 72CKO: Như anh đã biết, đây là một bệnh dịch lây lan cả thành phố cho nên trong trường cũng không phải là chỗ ngoại lệ. Vấn đề ở chỗ hên hay xui của mỗi người mà thôi. Khi bị nhiễm, người ta chỉ chú tâm chữa bệnh mà có lẽ ít ai để ý đến nguyên nhân. Tuy nhiên nếu tìm nguyên nhân cũng có thể đoán do 3 nguồn : Một, bị lây lan từ người khác. Hai, trực tiếp với đất đai cây lá bị nhiễm hóa chất độc hại từ bom đạn, thuốc khai quang... Ba, do nguồn thực phẩm dinh dưỡng trong thời kỳ khó khăn.

    Vấn đề là kể ra những kỷ niệm vất vả riêng tư nầy có được sự thông cảm của mọi người hay không. Cảm ơn anh Hùng đã lấy đá trong kinh thánh để bênh vực cho nội dung bài viết!.

    Đối với tác giả “xin là người ẩn danh“. Đọc comment của bạn có lẽ ít ai nín được cười cho cái văn chương vừa chân thật, vừa chính xác, lại vừa lịch sự của bạn.

    Comment của bạn không những đã chứng tỏ khả năng đánh đàn tuyệt vời của mình mà còn trực tiếp thể hiện tình cảm của hai cựu nhạc sĩ tình cờ gặp nhau trên cùng một bản nhạc, cùng nhau viết phần hòa âm gởi đến mọi người đọc cho vui. Tôi hy vọng sẽ có dịp được gặp lai những đoạn văn rất vui, thân mật, gần gũi của bạn trên web YThu.

    Sau cùng là vài suy nghĩ gởi đến anh TN-73CTM: Qua chi tiết của người ẩn danh, có lẽ anh cũng thấy cái mức độ trầm trọng của bệnh dịch nầy, trong đó anh và anh Hùng 72 CKO là những người may mắn có cơ thể miễn nhiễm.

    Quay về bài Đứt dây Đàn, 12 mũi chích ở phòng Y tế trường và 1 mũi thử máu ở vein tay, đều thuộc loại không có gì đáng nhớ nếu so sánh với mũi Penicillin, loại bơm nguyên một lọ bột vào giữa bắp thịt. Lần trở lại bệnh viện lấy kết quả thử máu, tôi rất mừng khi bị vị bác sĩ đó vui vẻ trách: “cậu phí của tôi hai lọ thuốc quý“. Thế nhưng có phí hay không, không ai biết vì đã chích penicilline trước rồi thử máu sau.

    Trên khía cạnh Y khoa, tôi đồng quan điểm với anh về chức năng của Bệnh viên da liễu là không có gì xấu. Tuy nhiên tại thời điểm 1976, lần đầu tiếp xúc, những suy nghĩ hạn hẹp đó đã đủ mạnh để lưu lại hơn 30 năm.

    Cám ơn webmaster YThu, cám ơn các bạn đã comment cho bài nầy.

    Thân ái chúc các bạn vui.

    NTT

    --------------------------------------------------------------------------------

    Liulo74KNC

    Cám ơn Ngọc Lan đã viết về lao động Bưng 6 xã, và anh Toản với bài Đứt dây đàn đã giúp cho Líu Lo nhớ được thêm nhiều về 5 năm đi học ở trường xua. Chuyện khảy đàn hổng phải chỉ có mấy bạn nam bị khảy đàn mà thôi. Đám nữ sinh tụi naỳ cũng có người đau khổ như vậy. Líu Lo khi ấy nhớ lời mẹ dặn dò nếu lở may có bị con gì cắn, hay có mụn nhọt gì đó mà sinh ngứa thì không được gãi, tuyệt đối không được gãi cho dù có ngứa ngáy khó chịu. Nếu ngứa quá xá thì biện pháp tốt nhất là dùng tay đập, tát thật mạnh vào chỗ ngứa hay lấy chanh chà vào...nếu gãi thì chỗ ngứa dễ bị trầy trụa thêm, và lan ra tùm lum, càng tệ hơn...Có lẽ nhờ vào chiêu chỉ dẫn của mẹ hiền mà Líu Lo cùng 1 số bạn bè đựoc thoát qua cơn hiểm họa khảy đàn ngày xưa...

    Liulo

    --------------------------------------------------------------------------------



    NgọcLan

    Hello anh Toản,

    Đọc bài "Đứt dây đàn" của anh Toản ,NL cười quá chừng và nhớ lại ngày xưa, mới giải phóng thì các anh bộ đội vào Nam nên đem theo bệnh ghẻ Tàu theo vào luôn . Thành thử ra cả miền Nam và đặc biệt dân SG bị nhiều , NL may mắn không bị , nhưng cô của NL bị , lúc đó NL lên phụ cô đi làm"dược sĩ De La Hiên" ngoài chợ trời thuốc tây Huỳnh Thúc Kháng SG , mua thuốc tây ngòai chợ trời về bỏ cho các phòng mạch BS.Năm đó dịch ghẻ lan tràn , NL trụ ở viện bào chế là tư gia của dược sĩ Chi Hương để chế thuốc trị ghẻ vào chai , đó là 1 loại thuốc như phẩm xanh , bôi vào rất có hiệu quả .Không biết anh Toản còn nhớ bài văn "Bà Mẹ Lê" trong tập truyện ngắn của Nhất Linh trong Tự lực văn đoàn , có kể về đàn con của bà đứa nào cũng bị ghẻ và bôi phẩm xanh đó đầy người cứ như hát tuồng. Được dịp đó hai cô cháu bán hàng đắt như tôm tươi , NL ngồi chế thuốc vào chai không kịp để cô đi bán . Hai cô cháu cứ xe đạp mini mà chạy.Có hôm đang đi giữa đường , cô NL bảo " mày đứng đây chờ cô một chút" tưởng chuyện gì , ai dè cô trốn vô đường hẽm đứng gãi thoải mái , đã đời, mới trở ra nói " Ngứa muốn điên lên , chịu không nổi" Thấy mà tội nghiệp. Sau cũng nhờ thuốc trị ghẻ ngứa đó mà giúp được biết bao nhiêu người, NL cũng tự hào là mình cũng đã góp công vào việc chữa trị cho thiên hạ đó chứ. Giá mà lúc đó NL biết anh Toản thì đâu đến nổi nếm muì "Bi 1 triệu " nhỉ. Nhưng mà không sao anh Toản cứ nghỉ như thế này " Ngứa ghẻ là của trời cho , ai mà không gãi thì ốm o gầy mòn" Đúng không?

    NL cũng học thêm được của XL thêm về cách trị ngứa là không gãi sẽ bị lở ra nhiều hơn. Nếu ngứa quá , chạy vô phòng tắm , cứ dội nước thật nóng , đừng để phỏng , hết ngứa, xong dội nước lạnh trở lại rồi bôi lotion vào là hết ngưá. Vì thời tiết lạnh này nhiều người cũng hay bị allergy ngưá ngáy khó chịu .

    Riêng bệnh ngưá của người dấu tên thì hơi nặng , giống y chang trường hợp ông anh con bác của NL , ảnh cũng bị như vậy , Ba NL đi học tập được người ta chỉ cho bài thuốc "cây mật nhân" đắng lắm , đun lấy nưóc uống , "trong uống ngoài thoa" còn cái bã thì đun lấy nước tắm , chỉ trong vòng tuần lễ hay ba ngày gì đó là sạch trơn . Vài hàng chia xẻ kinh nghiệm vơí các anh chị và các bạn .

    NL.

    --------------------------------------------------------------------------------



    Aug 17, 2011 at 00:36:48 From: Đinh Tiến Ân (74Điện)

    Hi anh Toản,

    Bài viết vui và làm Ân suy nghĩ rất nhiều về "phạm trù triết học giữa Kinh Nghiệm và Tri Thức ". Chả là mình trưởng thành ở Đà nẵng nhưng bố già là dân di cư từ Bắc vô Nam truyền kinh nghiệm thương đau nên nhà mình không bị ghẻ nước, kinh nghiệm của bạn và can đảm viết ra và truyền bá sẽ là kiến thức cho thế hệ mai sau. Còn kinh nghiệm của Líu Lo chắc không có dịp ứng dụng vì ngày nay đất nước ta đã khá hơn trước về mọi mặt, dinh dưỡng, y tế... vì đã quá nhiều kinh nghiệm cười ra nước mắt.

    Chúc anh Toản luôn an mạnh.

    Ân



  • #2
    Cám ơn anh Toản đã tiếp đưa thêm tấm hình vào bài.

    Thu cũng có cùng ý nghĩ với Trúc Lâm là đọc lại những bài viết cũ này vẫn không thể nín cười được, vui ôi là vui, những người / ngày xưa thân ái!!!!!

    Do đó, phải khuân vác về thôi bác Toản ơi, Tết Nguyên Đán tui sẽ lì xì bác một tá “salon thuốc dán” cho cái lưng của bác nhé!

    Comment

    Working...
    X