Chuyện Ông Đạo Dừa khá ly kỳ do việc hành đạo kỳ quặc của ông. Tuy vậy, nó lại thu hút một số người tự nguyện, nghe đâu đến năm 1975, số tín đồ có trên 40 ngàn người, nhiều hơn tín đồ đạo Tin Lành cùng thời đó.
Ông Đạo Dừa cùng các đệ tử
Từ lúc lên Trung học Ðệ Nhất cấp, tôi nghe rất nhiều chuyện về Ông Ðạo Dừa. Chuyện do những người lớn trong xóm kể, chuyện được đăng trên báo, nói về một kỹ sư du học bên Pháp về nước nhưng lại đi tu và lập ra một tôn giáo cho riêng mình. Hình thức tôn giáo này thật sự kỳ lạ, thu hút sự tò mò tìm hiểu của nhiều tầng lớp dân chúng tại Sài Gòn và các tỉnh ở miền Nam.
Nhớ có lần theo ba tôi về Phú Lâm, từ xa nhìn thấy ngọn tháp cao mà người ta gọi là Tháp Hoà đồng Tôn giáo, ba tôi bảo tôi nhìn lên đỉnh tháp xem coi có Ông Ðạo Dừa ngồi thiền ở đó không. Tôi dõi mắt lên đỉnh tháp, chẳng thấy ai, ngoại trừ lá phướn màu vàng bay phất phới trên đỉnh. Ông Ðạo Dừa thỉnh thoảng mới về Sài Gòn, hầu hết thời gian, ông tu tại chùa Nam Quốc Phật có sân Chín Rồng trên cồn Phụng, thuộc tỉnh Kiến Hoà (Bến Tre).
Kiến Hoà là quê hương của Ông Ðạo Dừa, tên thật là Nguyễn Thành Nam, sinh năm Kỷ Dậu (1910) tại xã Phước Thạnh, tổng An Hòa, huyện Trúc Giang. Ông xuất thân trong một gia đình giàu có, được cha mẹ cho lên Sài Gòn học trường Taberd, Chasseloup-Laubat và sau đó xuất dương qua Pháp học trường Cao đẳng Hoá học tại Rennes và tốt nghiệp kỹ sư hoá học (nghe nói, thực tế ông chỉ có chứng chỉ hành nghề làm xà phòng). Năm 1935, ông về nước. Việc đầu tiên trở về quê hương là ông lập gia đình, sinh con đẻ cái như bao người bình thường khác. Nguyễn Thành Nam bắt đầu sự nghiệp bằng cách mở một hãng xà phòng tại Sài Gòn để làm ăn. Thương hiệu sản phẩm xà phòng của ông có tên là Thiên Nam. Hãng xưởng làm ăn cạnh tranh không nổi với xà bông của gia đình ông Trương Văn Bền nên vào năm 1945, Nguyễn Thành Nam rời gia đình để về vùng Bảy Núi ở Châu Ðốc đi tu. Năm 1963, ông về lại Kiến Hoà, chọn cồn Phụng làm nơi tu hành.
Sân chín Rồng trên cồn Phụng ở Bến Tre, nơi hành đạo của Ông Đạo Dừa
Theo một tài liệu trên báo chí, ông tu khổ hạnh, ngồi suốt 3 năm trên bệ đá trước cột phướn, đêm ngày tịnh khẩu bất chấp gió sương mưa nắng nên thân hình gầy gò chỉ còn da bọc xương. Theo lời người em, ông Nguyễn Thanh Hải, kể lại, thì ông cho đệ tử chặt một cây dừa cao 14m, đóng một nền ván hình bát quái ở trên. Tất cả được dựng sát bờ sông để ngày ngày, cậu Hai lên đó ngồi thiền. Ông hành đạo trên đài ăn mặc đơn sơ, đêm đêm lên ngồi tu niệm, thức ăn chủ yếu là nước dừa vào những ngày lẻ, còn ngày chẵn thì bắp nấu, đậu luộc, trái cây và chỉ ăn đúng giờ Ngọ. Mỗi năm ông chỉ tắm một lần vào ngày Lễ Phật Ðản. Tuy vậy, lại gần chẳng thấy hôi hám (?).
Những năm sau đó, số đệ tử theo hầu mỗi ngày một đông. Ban đầu là một số người địa phương, dần dà có thêm tín đồ từ các tỉnh lân cận, thậm chí có người từ miền Trung về cồn Phụng theo ông phụng sự đạo trời. Bàn Bát Quái nơi ông ngồi thiền được mở rộng ra chung quanh thành sân Rồng leo quanh chín cây cột bê tông sơn màu loè loẹt và một số tháp đài bao gồm có cả phi thuyền Apollo dựng trên một chiếc xà lan hư cũ do các đệ tử và tín đồ bỏ tiền ra mua về, sửa lại làm nơi hành đạo. Không những thế, Ðạo Dừa còn có hai chiếc tàu chở khách để tiện việc đưa rước khách thập phương ghé đến cồn Phụng tìm hiểu Ðạo Dừa.
Nguyễn Thành Nam ít khi tự nhận mình là “giáo chủ”, tín đồ và đệ tử vẫn gọi ông là “Cậu Hai”. Ông thờ Phật, Chúa cả Thánh Ala và thêm những nhà tư tưởng, nhà văn hoá, anh hùng danh nhân xuất chúng. Ðạo Dừa không có một hệ tư tưởng tôn giáo nào hết, hoà đồng tất cả tôn giáo, hoà đồng tư tưởng đạo và đời. Ông viết thư cho TT. Ngô Ðình Diệm đòi công nhận “Hoà đồng tôn giáo” là quốc giáo. Ông tự nhận là “Thiên nhơn giáo chủ”, có nhiệm vụ xuống thế gian để khôi phục lại nền hòa bình vĩnh cửu cho loài người, và “Hòa đồng tôn giáo” do ông lập ra (bao gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo và đạo Thiên Chúa) là cứu tinh của nhân loại.
Các nhà báo và đạo diễn Mỹ chụp ảnh cùng Ông Đạo Dừa
Có một câu chuyện bấy giờ là vào năm 1971, ông Nguyễn Thành Nam và đệ tử từ cồn Phụng, xã Phước Thạnh, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa lên Sài Gòn để vào Tối cao Pháp viện nộp 1 triệu đồng tiền ký quỹ ứng cử tổng thống (sẽ diễn ra vào giữa tháng 9/1971 – 1 lượng vàng lúc ấy giá khoảng 7 ngàn đồng), nhưng toàn loại bạc cắc 1 đồng.
Chuyện nộp tiền ứng cử Tổng thống không phải chỉ một lần, theo nhà báo Wilbur E. Garrett, viết cho tờ LIFE, am hiểu khá nhiều về Ðạo Dừa viết rằng, ông Nguyễn Thành Nam rút kinh nghiệm lần trước, ông lặng lẽ thuê 2 chiếc xe đò chở theo 1 triệu đồng tiền vàng mã lên Sài Gòn ký quỹ ứng cử. Tuy nhiên, do có mật báo nên khi xe vừa đến trạm kiểm soát Phú Lâm thì bị cảnh sát chặn lại, tịch thu.
Các đệ tử ráp chiếc bàn Bát Quái xem thiên ý cho cậu Hai Nguyễn Thành Nam
Sau 1975, Ðạo Dừa bị cấm hoạt động viện lý do truyền bá mê tín dị đoan. Ông Nguyễn Thành Nam bị đưa đi “học tập cải tạo” nhưng chỉ một thời gian sau, do gia đình có đơn bảo lãnh và ông có bệnh tâm thần nên ông được cho về sống tại xã Phú An Hòa. Tín đồ, bá tánh vẫn đến thăm, Ðạo Dừa bắt đầu tái hoạt động. Nơi ở của ông biến thành trụ sở “Hòa đồng tôn giáo”. Việc truyền bá đạo của ông, kéo dài nhiều năm cho đến năm 1990, trong lúc đôi co với chính quyền địa phương, không rõ nguyên nhân ra sao. Hôm sau báo chí đưa tin, Ông Ðạo Dừa Nguyễn Thành Nam, rơi từ trên gác xuống chấn thương sọ não qua đời tại bệnh viện.
Ngay cả chuyện cái chết của ông cũng có nhiều thêu dệt, có tin Ông Ðạo Dừa bị xô té từ tháp Hoà đồng tôn giáo ở Phú Lâm và khi an táng ông người ta đã chôn trong mộ đứng, thân xác cho đến ngày nay cũng không tan rã.
Năm 1995, tôi có dịp ghé cồn Phụng thăm xứ Ông Ðạo Dừa. Sân chín Rồng, thuyền Bát Nhã, tháp thiền Bát Quái vẫn còn đó, người ta biến nơi hành đạo của ông thành khu di tích dành cho khách du lịch tìm hiểu.
Comment