Bà mẹ ô lý (phần tiếp)
"...Mẹ nhớ mái nhà,hàng cau sau hè
Còn riêng trái bí nhớ giàn đầy hoa!"
Trịnh công Sơn
Con chim cưỡng của Phượng kiếp trước không biết có phải là người bị mắc đọa hay sao mà khôn ngoan và lém lĩnh đáo để, nó làm cho lũ trẻ làng thích thú đến mê mẫn khi đám trẻ chọc phá nó và chờ đợi hoài chẳng thấy nó nói gì cả thì đột nhiên những tràng dài cất lên : “Mi nói đi, mi nói đi!” , ”Thưa chị có khách, thưa chị có khách..!” hay câu : “ Mới sáng đứng đái bậy...!” chẳng biết nó học lóm từ đâu, đã làm bọn trẻ cười ngặt nghẽo và nhờ đó mối quan hệ giữa chúng với Phượng cũng được cải thiện dần, chúng không còn xét nét với Phượng như hồi hai anh em mới về sống ở làng nữa ngoại trừ thằng Bình con lão Nghĩa công an xã ở nhà bên cứ tìm cách chia rẽ và đố kỵ anh em Hòa với đám trẻ làng, có lẽ vì Hòa quá thông minh, lanh lẹ trong việc học hành cũng như nổi bật trong các trò chơi với đám trẻ ở cái làng buồn tẻ này và dường như ở đâu đó đã hình thành sự đối kháng mơ hồ giữa mấy đứa trẻ có xuất thân quá khác biệt?
Con cưỡng đã thành một phần đời sống của Phượng từ dạo đó, Phượng lo lắng chăm sóc cho nó như một đứa em nhỏ và ngược lại nó cũng biết lặng thinh hoặc nói câu :”Vui lên,đừng buồn !” ( của Hòa chỉ dạy nó )mỗi khi Phượng ủ ê ngồi rù rì tâm sự,nó biết đập cánh chia sẽ hay nổi lên cười khinh khích lúc thấy Phượng vui. Một buổi sáng mùa Đông, như thường lệ Phượng dậy sớm cho chim ăn và tìm vải mùng bọc để che rét cho con cưỡng thì thấy cửa lồng bị bật mở, vài cái nan tre gãy còn lung lay với mấy sợi lông chim còn vương trong lồng... nước mắt ràn rụa tuôn rơi giữa ánh mắt trân trân nhìn vô vọng, Phượng ngã khuỵu xuống bậc hiên nhà bên cạnh cái lồng chim tung tóe gạo và nước. Bên ngoài trời chuyển gió và mưa nặng hạt từ đâu chợt rơi rụng trước hiên nhà.
Nằm liệt giường suốt cả tuần không ăn uống và trong cơn mê sảng, Phượng cứ lảm nhảm khi thì gọi mẹ, khi thì gọi anh, gọi nội, lúc thì bật cười trong cơn mơ vì đã tìm thấy lại con cưỡng yêu quý..., trong ánh mắt bất lực của Bà vì thương cháu trong cảnh nhà quá túng quẫn, Bà ra sau vườn hái vội mấy bụi hành hương rồi giã nát, rịt vào (đắp vào) lòng bàn chân Phượng để hạ sốt mỗi khi Phượng lên cơn co giật, chườm khăn ướt trên trán Phượng và lau khắp chân tay cháu mình rồi..thẫn thờ đứng lên ôm Hòa vào lòng để mặc cho nước mắt lả tả tuôn rơi ,cô chú của Hòa cũng chẳng thấy bóng dáng nơi đâu dù Hòa đã tìm cách bắn tin qua cánh phụ xe ở gần nhà của cô chú hàng ngày vẫn đưa khách về làng. Rồi thì Phượng cũng tỉnh dậy, dù cơ thể suy nhược và hay rơi vào những cơn trầm uất mà Hòa đã tinh ý nhận ra. Buổi sáng chủ nhật trời hững nắng, Hòa đưa em ra sau vườn xem giàn bí sây trái mà nội bỏ bao công sức chăm tỉa, bao nhiêu vốn liếng dành dụm của nội có lẽ là từ đây vì hàng ngày đi làm cỏ lúa thuê và bươi quào miếng rau,đọt bí trong vườn mang ra chợ bán,cả ba bà cháu chỉ đắp đổi qua ngày bữa đói bữa no...,nội khoe với Hòa đã dành dụm được đủ tiền đi xe đò, để dành thêm chút nữa mua ít đồ khô thăm nuôi là bà cháu Hòa có thể thăm cha còn trong trại cải tạo
Tiếng kêu quen thuộc của con cưỡng mỗi lúc nó bị bỏ đói đã làm anh em Hòa giật mình sững sốt.Trên giàn bí ,con cưỡng đang nhún nhảy và ngúc ngoắc đầu, đưa đôi mắt láo liêng dõi tìm cái lồng của mình sau hơn một tuần xa vắng ,thoáng chốc nó nhảy xuống đậu trên vai của Phượng rồi dụi đầu vào má của em gái, Hòa như thấy cả mùa xuân ấm áp hiện ra trong đôi mắt em, lòng thoạt nghĩ chắc có đứa trẻ nào trong làng tinh nghịch ăn cắp về nhưng nuôi dạy không được nên đã thả con cưỡng bay về, nghĩ thế nên Hòa đi tìm cái lồng cũ để sửa soạn lại cho chắc chắn hơn .Đón con cưỡng từ tay Phượng và chuẩn bị bỏ con cưỡng vào lồng thì đột nhiên một câu nói xa lạ từ miệng con cưỡng chợt cất lên ngay bên tai của Hòa và Phượng : ”Cha ngụy,mẹ điếm,đồ con hoang..!”, ở góc vườn nhà bên có tiếng cười hô hố của Bình vừa cất lên từng tràng đắc thắng... cơn giận đột ngột bốc lên làm gương mặt Hòa tím tái lại co giật từng cơn, chiếc cằm bạnh ra hết cỡ,tay nắm chặc mà quên mất đang giữ con chim làm cho con cưỡng kêu ót lên rồi chết ngay tức khắc.Chưa hả giận Hòa leo rào nhảy qua nhà Bình, chặn Bình lại ở ngay sau vườn rồi xông vào đấm đá túi bụi, bao nhiêu uất ức bấy lâu nay Hòa trút hết vào mặt vào người của Bình, Hòa thoi như điên dại bằng tất cả sức lực và sự căm hận của một thiếu niên cường tráng cho đến khi buông tay ra, thì Bình đang nằm thoi thóp thở,môi má sưng vều và máu vương khắp người, khắp trên miếng đất mà cả hai đứa trẻ đang độ tuổi lớn hăng máu quần thảo.
Qua phút giận dữ và nóng máu của tuổi trẻ kèm với sự dồn nén của cảnh ngộ gia đình, Hòa như sực tỉnh và đỡ Bình vào nhà nằm rồi len lét trở về nhà mình, đầu óc Hòa như muốn nổ tung trước các diễn biến vừa xảy ra đồn dập và rồi, khi tỉnh trí thì nỗi lo sợ bị gã công an xã báo thù càng lúc càng lớn dần. Thi thoảng trước đây lúc Hòa vun mấy luống khoai vườn sau, nhìn sang nhà bên bắt gặp tia nhìn gườm gườm không mấy thiện cảm của gã và đôi lúc thấy gã chăm chú nhìn qua mãnh đất phía vườn sau của nhà Hòa với ánh mắt thèm muốn,Hòa đã cảm thấy bất an lắm, Hòa biết đây là dịp may trời cho mà chắc chắn gã sẽ tìm cách làm tình làm tội bà nội và tìm cách đẩy Hòa vô trại giáo dưỡng. Bất giác Hòa tưởng tượng đến cảnh khi mình trốn đi, bà nội sẽ rất khổ cực vì vừa phải lo miếng ăn vừa phải lo chăm sóc cho Phượng, lòng Hòa bị dằn xé giữa việc nên dắt Phượng đi theo hay để Phượng ở lại cùng Bà nội, rồi cả đến việc mai đây ai sẽ thay Hòa chăm lo cho nội khi trở trời trái gió, càng nghĩ đầu óc Hòa càng bấn loạn, Hòa than trời trách đất rồi tự trách thân mình vì một chút thiếu kiềm chế, nhẫn nhịn đã để sinh ra hậu hoạn. Thoáng nghe nhà bên có tiếng ồn ào càng lúc càng to, biết không thể chần chừ được nữa, Hòa lần ra phía sau buồng thờ của bà nội, lục tìm trong đám bát đĩa sứt mẻ trong tủ thờ rồi lôi ra con heo đất nhỏ thỉnh thoảng Hòa thường thấy bà nội hay dắm dúi cất nhặt. Đập vỡ con heo đất và vơ vội nắm giấy bạc nhàu nát rách rưới mà nội dành dụm bấy lâu nay, tim Hòa như thắt lại vì cảm giác uất nghẹn dâng trào, thắp vội cây nhang lên bàn thờ rồi lầm rầm khấn vái và nhìn lên khung thờ trống rỗng, chỉ có một mãnh vải đỏ phủ bên ngoài, bất giác trong Hòa trào dâng tình thương bà nội tới tận tâm cang .
Hòa rón rén ra sau vườn, một tay dắt em, tay kia chụp lên miệng Phượng không để cho em kịp thốt ra lời nào, cả hai lần mò tìm đường tắt chạy phía sau vườn, lần mò leo lên đỉnh Cà tang rồi cuốc bộ hơn chục cây số đường mòn tìm đường qua Trung Phước đón xe đò đi xa khỏi làng mà cũng chưa biết phải đi về đâu, chỉ cần tránh xa con đường độc đạo vào làng mà mới hôm qua còn lắm thân thiết giờ đây đã trở nên quá nguy hiểm với Hòa. Hai anh em ngồi nghỉ mệt ở một bụi cây bên vệ đường, đột nhiên tiếng hỏi của Phượng cắt ngang dòng suy nghĩ của Hòa: ” Anh Hai ơi, cái máy nổ của bác Nghĩa công an tại sao lại nổ ở trên trời vậy?”,Hoà ngước nhìn lên trời cao, phía đỉnh Cà tang, một chiếc máy bay vừa bay qua, tiếng nổ nhỏ dần rồi tắt hẳn, đã lâu lắm rồi Hòa mới thấy lại hình ảnh một chiếc máy bay, Hòa chợt bật cười trước câu hỏi ngộ nghĩnh của Phượng rồi buông tiếng thở dài...trong đầu Hòa lóe lên một quyết định dứt khoát bằng mọi cách phải nhanh chóng đưa Phượng trở lại thành phố, trở lại Đà nẵng,trở lại mãnh đất mà mẹ Hòa đã dắt anh em Hòa dứt áo ra đi trong một ngày mùa hạ gió lào nóng ngốt thở.(7)
Lần mò mãi rồi hai anh em Hòa dắt díu nhau phiêu dạt đến bến cá Thanh Bồ (8)của khu Thuận Phước,hằng ngày hai anh em phụ khuân vác cá và xớ rớ phụ dọn bong sau những lúc thuyền về bến để mót những con cá nhỏ còn sót lại trên tàu, cuộc sống cực khổ đã dạy cho Hòa tính xoay xở và tự lập, ban ngày hai anh em ra bến, buổi tối kiếm chỗ học bổ túc và tá túc ở nhà một chị làm công như anh em Hòa đã tốt bụng cưu mang. Vốn sẵn sự thông minh, lanh lợi và chịu khó học hỏi, chỉ sau hơn sáu tháng học lóm và mày mò Hòa có thể sửa chữa và độ chế những chiếc máy nổ Yanmar ở trên tàu mà không cần phải thuê thợ máy bên ngoài sửa chữa mỗi khi máy hư, dần dần Hòa được thuê làm thợ máy chính trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi và số tiền kiếm được đủ đắp đổi để sống và để nuôi em tiếp tục ăn học. Rồi một hôm, nhận lời sửa chữa cho một chiếc tàu đánh cá bị hỏng bánh lái, Hòa phải xuống hầm tàu và tình cờ phát hiện ở dưới hầm máy lố nhố rất nhiều người không phải là thuyền viên đang nấp,linh tính báo cho Hòa đây chỉ là tàu đánh cá trá hình để tổ chức đưa người vượt biên, biết bị lộ và biết Hòa cũng là một tài công giỏi,ông chủ tàu thỏa thuận với Hòa sẽ cho em gái Hòa cùng đi theo, chủ tàu tìm cách giữ Hòa lại trên tàu và trong lúc Hòa sửa chữa bánh lái chân vịt thì chủ tàu đã cho người tìm Phượng đưa lên tàu, đêm đó hai anh em bỏ ra đi với một tâm trạng ngổn ngang khác hẳn với lần đào thoát khỏi quê nội nhưng với một niềm hy vọng khấp khởi về một cuộc sống tương lai sẽ khác với những cảnh ngộ mà mình đang sống và đang phải trải qua. Trong Hòa chỉ đau đáu một điều là không cách nào báo tin cho Bà vì sợ rằng nội sẽ vì chuyện mình mà liên lụy theo, Hòa không hề biết rằng ngay trong hôm Hòa dắt Phượng bỏ làng đi trốn, nhận được tin báo của người quen trong làng, từ làng bên bà đã bước thấp bước cao tấp tễnh trở về, lòng nóng như lửa đốt,bà băng đồng đi tắt về nhà, dọc đường ruộng những cánh gai tre lòa xòa cào xước hết mặt mà bà chẳng hề hay biết.
Trước sân ,những người dân làng đang tụ tập bàn tán và tò mò nhìn vào nhà với vẻ hiếu kỳ vốn có của người dân quê, họ cảm thấy xa lạ với những chuyện khủng khiếp đang và sắp sửa xảy ra với bà, ở cái góc làng quê hẻo lánh bé nhỏ và yên bình này ?
Báo tin xong, họ hấp tấp leo lên chiếc xe Uoat rồi đột ngột lăn bánh rời khỏi nhà bà, bỏ lại đám đông đang tản mác dần vì sợ bị lụy vào thân để rồi cuối cùng còn lại mình bà với đôi mắt ngơ ngác ráo hoảnh đang trong tâm trạng bị kích động dữ dội vì nhận được một lúc nhiều hung tin. Bà lần mò bước đến bàn thờ, thắp nén nhang rồi lần mò tìm con heo đất dấu trong tủ thờ,chợt bà thấy giữa nền đất chỗ đặt chiếc tủ thờ, còn vương vãi những mãnh vỡ nằm chỏng chơ, bà biết chắc chắn đó là những mãnh vỡ từ con heo đất mà bao tháng qua bà đã cật lực vun trồng giàn bí để dành dụm và tích cóp được ít tiền cho việc chuẩn bị đi thăm con. Bà nhìn lại căn nhà gạch tuềnh toàng mà giờ đây trống huơ trống hoát vì thiếu vắng hai đứa trẻ chẳng biết đã dắt díu nhau đi đâu rồi bà nhìn ra sau vườn, trên giàn bí, những bông hoa bí vàng thắm đang trãi đầy trên giàn, nằm ẻo lả trong cơn gió đông sang và dưới giàn cây, những trái bí đao xanh bóng, căng da, trùi trũi như những chú lợn con đang nằm chờ bàn tay mẹ về nâng niu, chăm bẵm. Bà đưa tay ve vuốt từng trái bí trên giàn, thầm ước lượng tuổi lớn của từng đứa con, rồi đột ngột Bà vung dao cắt trái bí đao to nhất để hạ xuống đất, ở chỗ cuốn trái bí vừa cắt, từng giọt nhựa thơm nồng tứa ra như sữa thong thả giọt xuống mãnh đất nâu xốp mà bà đã chăm tay cày xới suốt năm tháng qua, lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào thoát ra từ tấm thân gầy còm xiêu vẹo của bà đang rung lên từng chặp, nhập nhoạng trong ánh chiều đang lặng lẽ tắt dần sau đỉnh Cà tang mù xám của một ngày đông, cái bóng tấp tễnh của Bà với trái bí đao trên vai in lên nền trời chiều đang dần tím thẫm.Sau đó và sau đó nữa,bà còn đi qua không biết bao nhiêu hàng quán phố chợ xơ xác của những vùng quê xứ Quảng, hàng trăm lần bà ngơ ngác hỏi bán trái bí để kiếm tiền đi nhận xác đứa con trai và mấy đứa cháu đang lưu lạc nhưng hỏi chỉ để mà hỏi vì bà cũng chẳng cần nhớ phải đi đâu và phải đón ai nữa.... Một chuyến đi xa quá đắt cho một kiếp người...(!)
....Cuộc sống ở thành thị dạy tôi nhiều điều mà trước đó tôi còn rất mù mờ khi sống ở nông thôn, chú Sáu chỉ tôi cách thích nghi với cuộc sống thành thị và tôi mau chóng hội nhập vào môi trường mới.Trọ học ở nhà chú Sáu những lúc rãnh rỗi, tôi tham gia vào việc đi giao máy và được Chú tận tình chỉ dẫn việc sửa chữa các loại máy nổ như Yanmar,Kubota.. nổi tiếng của Nhật bản . Tôi siêng năng học hỏi và dần dần được theo Chú đi ra ngoài sửa mỗi khi động cơ của các tàu cá hỏng hóc mà đám thợ máy không làm được.Những lần như vậy,trong tôi lâng lâng cảm giác sung sướng pha lẫn tự hào vì là học sinh phổ thông mà vẫn kiếm tiền ngon ơ trước mặt các anh thợ máy lâu năm,điều này đồng nghĩa với việc tôi có thể tồn tại được ở cái mãnh đất đầy rẫy sự cạnh tranh này chớ không đến nỗi “trói gà không chặc” như mấy đứa con gái của chú Sáu thường hay chế diễu.
Mùa hè năm đó, tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền ăn học, tôi được chú Sáu tin tưởng giao cho một ca khó ở bãi Mân thái (9), do xa thành phố, tôi phải ở lại để làm ráng cho xong việc.Sửa máy xong tôi được mấy bác tài công và chủ ghe chiêu đãi, lần đầu tiên bị ép nếm thử rượu, tôi xỉn lăn quay và nằm dúi dụi trong cabin, đầu nhức như búa bỗ.Trong cơn say, tôi nghe có tiếng chân chạy lập rập bên ngoài, tiếng la hét huyên náo rồi tiếng súng AK khô giòn...rồi tôi thiếp đi chẳng biết gì nữa. Khi bừng tỉnh cơn say, tôi nhìn ra ngoài và thấy một màu đen mịt mùng bao trùm chung quanh và trong tiếng ậm ì của chiếc F4 (10) bị bịt ống bô, đang nổ rất tức, đẩy chiếc tàu đi băng băng trong đêm giữa tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn tàu nghe thật dữ dội. Đêm đó chiếc tàu bị động ổ vì đám bộ đội biên phòng quầng rất dữ, chủ tàu phải nhổ neo sớm bỏ lại một số người chậm chân vì chưa đến giờ mật định xuất phát, riêng tôi lẫn lộn trong tâm trạng không biết buồn hay vui vì còn cha mẹ già bỏ lại ở quê nhà,còn cả những ước vọng của cha và tia nhìn đau đáu của mẹ ngày xa quê và còn đó ánh mắt của cô gái nhà bên đang mong chờ tôi sẽ trở về lúc thành danh ... Có lẽ chú Sáu rồi cũng sẽ báo tin động trời này đến gia đình tôi và cha mẹ tôi rồi sẽ có nhiều đêm trằn trọc thở dài vì mất ngủ,nghĩ đến đây bất giác tủi thân, dòng nước mắt chợt lăn dài trên gò má...
Sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển và ói mửa mật xanh mật vàng cọng với cái rát của nắng nóng đốt cháy mặt ,cháy lưng, đôi môi khô rộp vì thiếu nước, điều may mắn lớn nhất đến với chiếc thuyền của chúng tôi là đã được những ngư dân Mã lai tốt bụng kéo vào đảo Pulau Bidong và thả trôi theo giòng hải lưu cho tàu tấp vào đảo.Ở bến tàu của trại tị nạn, những người trong cùng chuyến đi ôm nhau mừng rỡ vì tin chắc mình còn sống sót và đã vượt qua được thử thách nghiệt ngã mà cái giá phải trả chính là sinh mạng của mình.Tại đây tôi đã sống qua hơn hai năm trước khi được thanh lọc rồi được nước Úc nhan như một tổ quốc thứ hai và sẽ là tổ quốc đầu tiên của các con tôi sau này.
Bidong là trại đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm của tình bạn, tình đồng hương trân quý và nhất là mối tình thực sự của tuổi hoa niên mà tôi cố công gìn giữ, mối tình mà sau này tôi đã vượt qua biết bao khó khăn trắc trở và thử thách để rồi sau đó quà tặng của cuộc sống mà thượng đế mĩm cười trao cho tôi chính là những đứa con xinh xắn và kháu khỉnh của tôi ngày nay, kết tinh từ mối tình trong sáng,tuyệt vời mà tôi đã có ở Bidong.
Lần đầu tiên gặp Hòa và khi nhận ra giọng nói đặc trưng của dân vùng núi Quế sơn quê tôi, chúng tôi ôm chặt lấy nhau.Là đồng hương cùng lưu lạc ở đất người ,chúng tôi mau chóng kết thành tình thân, tôi nhỏ hơn Hòa bốn tuổi và đến trại sau Hòa ba năm nên tự nhận làm em kết nghĩa vì trong lòng tôi đã chớm nở hoa khi nhìn vẻ thơ ngây yêu kiều trên nét mặt mơ màng của Phượng.
Một năm sau,anh em Hòa được Ủy ban tỵ nạn LHQ lọc đi Mỹ vì qua thanh lọc hồ sơ họ đã xác định được Ba của Hòa là phi công ngày xưa đã được đào tạo ở Mỹ,còn tôi thì xin được định cư vào Úc. Đêm chia tay đẫm nước mắt vì chúng tôi sắp phải xa nhau mà chẳng biết khi nào có cơ hội gặp lại.Trong tiếng sóng biển rì rào và dưới ánh nến lay động của "bàn tiệc" dã chiến được tổ chức sơ sài nhưng ấm áp trên bãi biển Bidong, Hòa đã kể hết nỗi thăng trầm của cuộc sống gian truân mà anh đã trải qua, gương mặt nhạt nhòa nước mắt, Anh kể đến nỗi đau thắt lòng của mình khi phải vét những đồng tiền của bà nội dành dụm để đi thăm nuôi ba anh.Cay đắng hơn, cho đến nay anh vẫn không hề có chút tin tức gì về bà nội lẫn cha của anh mà lúc trốn ra thành phố cũng như lúc ra đi anh chẳng dám thông báo cho nội vì sợ nội bị liên lụy . Ở Bidong, những bức điện tín được anh gửi mấy lần cho nội nhưng chẳng biết có đến được tay nội hay không, biết thế nhưng anh vẫn cứ gửi đi trong vô vọng và mệt mỏi, Hòa kể lể rồi nấc lên trong tiếng khóc nghẹn ngào và cay đắng. Tôi lắng nghe câu chuyện của Hòa và đang thả hồn về quá khứ để mường tượng lại các sự kiện buồn vui cũng đã trải qua trong cuộc đời mình, cố gắng sắp xếp lại cho gãy gọn trước khi chia sẽ với Hòa, chợt bừng lên trong tôi cái hình ảnh khó quên mà, biết đâu nhờ đó sẽ có chút hy vọng nào khả dĩ cho Hòa ráp nối vào bức tranh cay đắng và nghiệt ngã trong một phần đời của Anh đã trải qua, đang còn là ẩn số chưa giải ra được_hình ảnh bà già điên tứ cố vô thân,đôi tay ôm chặt trái bí đao mà dân làng quê tôi đã chôn lấp vội vàng trong một ngày mưa...
Ngoài kia tiếng sóng xô bờ lúc triều lên của Bidong vỗ về cho những suy nghĩ tản mạn khác nhau chợt bùng lên trong mỗi chúng tôi. Xa về phía đường chân trời ,một vệt sáng mỏng len dần vào màn đen của trời đêm báo hiệu lại một ngày sắp tới..../.
Tuấn Tôn
Sydney, May 2013
Ghi chú:
(7) Ngốt thở: Phương ngữ của người miền Trung chỉ về cái nóng của gió lào.
(8) Cảng cá lớn của TP Đà nẵng, sát với cửa sông Hàn trước khi đổ ra biển,nay vẫn còn hoạt động
(9) Mân thái:làng chài ở chân núi Sơn chà,Đà nẵng.
(10) F4 :Máy tàu bốn block để đi biển.
Người mẹ Ô Lý , nhạc phẩm của cố nhạc sĩ TCS viết vào năm 72 , ca sĩ Khánh Ly trình bày
Xin mời anh chị nghe ca khúc Bà mẹ ô lý và xem những hình ảnh xúc động mà anh Toản cất công sưu tập để minh họa và làm sinh động thêm câu chuyện này .Cám ơn anh Toản và chị Tùng đã edit lại cho bài viết gọn gàng và sáng sủa hơn.Chúc các anh chị một ngày có thêm niềm vui từ diễn đàn.
"...Mẹ nhớ mái nhà,hàng cau sau hè
Còn riêng trái bí nhớ giàn đầy hoa!"
Trịnh công Sơn
Con chim cưỡng của Phượng kiếp trước không biết có phải là người bị mắc đọa hay sao mà khôn ngoan và lém lĩnh đáo để, nó làm cho lũ trẻ làng thích thú đến mê mẫn khi đám trẻ chọc phá nó và chờ đợi hoài chẳng thấy nó nói gì cả thì đột nhiên những tràng dài cất lên : “Mi nói đi, mi nói đi!” , ”Thưa chị có khách, thưa chị có khách..!” hay câu : “ Mới sáng đứng đái bậy...!” chẳng biết nó học lóm từ đâu, đã làm bọn trẻ cười ngặt nghẽo và nhờ đó mối quan hệ giữa chúng với Phượng cũng được cải thiện dần, chúng không còn xét nét với Phượng như hồi hai anh em mới về sống ở làng nữa ngoại trừ thằng Bình con lão Nghĩa công an xã ở nhà bên cứ tìm cách chia rẽ và đố kỵ anh em Hòa với đám trẻ làng, có lẽ vì Hòa quá thông minh, lanh lẹ trong việc học hành cũng như nổi bật trong các trò chơi với đám trẻ ở cái làng buồn tẻ này và dường như ở đâu đó đã hình thành sự đối kháng mơ hồ giữa mấy đứa trẻ có xuất thân quá khác biệt?
Con cưỡng đã thành một phần đời sống của Phượng từ dạo đó, Phượng lo lắng chăm sóc cho nó như một đứa em nhỏ và ngược lại nó cũng biết lặng thinh hoặc nói câu :”Vui lên,đừng buồn !” ( của Hòa chỉ dạy nó )mỗi khi Phượng ủ ê ngồi rù rì tâm sự,nó biết đập cánh chia sẽ hay nổi lên cười khinh khích lúc thấy Phượng vui. Một buổi sáng mùa Đông, như thường lệ Phượng dậy sớm cho chim ăn và tìm vải mùng bọc để che rét cho con cưỡng thì thấy cửa lồng bị bật mở, vài cái nan tre gãy còn lung lay với mấy sợi lông chim còn vương trong lồng... nước mắt ràn rụa tuôn rơi giữa ánh mắt trân trân nhìn vô vọng, Phượng ngã khuỵu xuống bậc hiên nhà bên cạnh cái lồng chim tung tóe gạo và nước. Bên ngoài trời chuyển gió và mưa nặng hạt từ đâu chợt rơi rụng trước hiên nhà.
Nằm liệt giường suốt cả tuần không ăn uống và trong cơn mê sảng, Phượng cứ lảm nhảm khi thì gọi mẹ, khi thì gọi anh, gọi nội, lúc thì bật cười trong cơn mơ vì đã tìm thấy lại con cưỡng yêu quý..., trong ánh mắt bất lực của Bà vì thương cháu trong cảnh nhà quá túng quẫn, Bà ra sau vườn hái vội mấy bụi hành hương rồi giã nát, rịt vào (đắp vào) lòng bàn chân Phượng để hạ sốt mỗi khi Phượng lên cơn co giật, chườm khăn ướt trên trán Phượng và lau khắp chân tay cháu mình rồi..thẫn thờ đứng lên ôm Hòa vào lòng để mặc cho nước mắt lả tả tuôn rơi ,cô chú của Hòa cũng chẳng thấy bóng dáng nơi đâu dù Hòa đã tìm cách bắn tin qua cánh phụ xe ở gần nhà của cô chú hàng ngày vẫn đưa khách về làng. Rồi thì Phượng cũng tỉnh dậy, dù cơ thể suy nhược và hay rơi vào những cơn trầm uất mà Hòa đã tinh ý nhận ra. Buổi sáng chủ nhật trời hững nắng, Hòa đưa em ra sau vườn xem giàn bí sây trái mà nội bỏ bao công sức chăm tỉa, bao nhiêu vốn liếng dành dụm của nội có lẽ là từ đây vì hàng ngày đi làm cỏ lúa thuê và bươi quào miếng rau,đọt bí trong vườn mang ra chợ bán,cả ba bà cháu chỉ đắp đổi qua ngày bữa đói bữa no...,nội khoe với Hòa đã dành dụm được đủ tiền đi xe đò, để dành thêm chút nữa mua ít đồ khô thăm nuôi là bà cháu Hòa có thể thăm cha còn trong trại cải tạo
Tiếng kêu quen thuộc của con cưỡng mỗi lúc nó bị bỏ đói đã làm anh em Hòa giật mình sững sốt.Trên giàn bí ,con cưỡng đang nhún nhảy và ngúc ngoắc đầu, đưa đôi mắt láo liêng dõi tìm cái lồng của mình sau hơn một tuần xa vắng ,thoáng chốc nó nhảy xuống đậu trên vai của Phượng rồi dụi đầu vào má của em gái, Hòa như thấy cả mùa xuân ấm áp hiện ra trong đôi mắt em, lòng thoạt nghĩ chắc có đứa trẻ nào trong làng tinh nghịch ăn cắp về nhưng nuôi dạy không được nên đã thả con cưỡng bay về, nghĩ thế nên Hòa đi tìm cái lồng cũ để sửa soạn lại cho chắc chắn hơn .Đón con cưỡng từ tay Phượng và chuẩn bị bỏ con cưỡng vào lồng thì đột nhiên một câu nói xa lạ từ miệng con cưỡng chợt cất lên ngay bên tai của Hòa và Phượng : ”Cha ngụy,mẹ điếm,đồ con hoang..!”, ở góc vườn nhà bên có tiếng cười hô hố của Bình vừa cất lên từng tràng đắc thắng... cơn giận đột ngột bốc lên làm gương mặt Hòa tím tái lại co giật từng cơn, chiếc cằm bạnh ra hết cỡ,tay nắm chặc mà quên mất đang giữ con chim làm cho con cưỡng kêu ót lên rồi chết ngay tức khắc.Chưa hả giận Hòa leo rào nhảy qua nhà Bình, chặn Bình lại ở ngay sau vườn rồi xông vào đấm đá túi bụi, bao nhiêu uất ức bấy lâu nay Hòa trút hết vào mặt vào người của Bình, Hòa thoi như điên dại bằng tất cả sức lực và sự căm hận của một thiếu niên cường tráng cho đến khi buông tay ra, thì Bình đang nằm thoi thóp thở,môi má sưng vều và máu vương khắp người, khắp trên miếng đất mà cả hai đứa trẻ đang độ tuổi lớn hăng máu quần thảo.
Qua phút giận dữ và nóng máu của tuổi trẻ kèm với sự dồn nén của cảnh ngộ gia đình, Hòa như sực tỉnh và đỡ Bình vào nhà nằm rồi len lét trở về nhà mình, đầu óc Hòa như muốn nổ tung trước các diễn biến vừa xảy ra đồn dập và rồi, khi tỉnh trí thì nỗi lo sợ bị gã công an xã báo thù càng lúc càng lớn dần. Thi thoảng trước đây lúc Hòa vun mấy luống khoai vườn sau, nhìn sang nhà bên bắt gặp tia nhìn gườm gườm không mấy thiện cảm của gã và đôi lúc thấy gã chăm chú nhìn qua mãnh đất phía vườn sau của nhà Hòa với ánh mắt thèm muốn,Hòa đã cảm thấy bất an lắm, Hòa biết đây là dịp may trời cho mà chắc chắn gã sẽ tìm cách làm tình làm tội bà nội và tìm cách đẩy Hòa vô trại giáo dưỡng. Bất giác Hòa tưởng tượng đến cảnh khi mình trốn đi, bà nội sẽ rất khổ cực vì vừa phải lo miếng ăn vừa phải lo chăm sóc cho Phượng, lòng Hòa bị dằn xé giữa việc nên dắt Phượng đi theo hay để Phượng ở lại cùng Bà nội, rồi cả đến việc mai đây ai sẽ thay Hòa chăm lo cho nội khi trở trời trái gió, càng nghĩ đầu óc Hòa càng bấn loạn, Hòa than trời trách đất rồi tự trách thân mình vì một chút thiếu kiềm chế, nhẫn nhịn đã để sinh ra hậu hoạn. Thoáng nghe nhà bên có tiếng ồn ào càng lúc càng to, biết không thể chần chừ được nữa, Hòa lần ra phía sau buồng thờ của bà nội, lục tìm trong đám bát đĩa sứt mẻ trong tủ thờ rồi lôi ra con heo đất nhỏ thỉnh thoảng Hòa thường thấy bà nội hay dắm dúi cất nhặt. Đập vỡ con heo đất và vơ vội nắm giấy bạc nhàu nát rách rưới mà nội dành dụm bấy lâu nay, tim Hòa như thắt lại vì cảm giác uất nghẹn dâng trào, thắp vội cây nhang lên bàn thờ rồi lầm rầm khấn vái và nhìn lên khung thờ trống rỗng, chỉ có một mãnh vải đỏ phủ bên ngoài, bất giác trong Hòa trào dâng tình thương bà nội tới tận tâm cang .
Hòa rón rén ra sau vườn, một tay dắt em, tay kia chụp lên miệng Phượng không để cho em kịp thốt ra lời nào, cả hai lần mò tìm đường tắt chạy phía sau vườn, lần mò leo lên đỉnh Cà tang rồi cuốc bộ hơn chục cây số đường mòn tìm đường qua Trung Phước đón xe đò đi xa khỏi làng mà cũng chưa biết phải đi về đâu, chỉ cần tránh xa con đường độc đạo vào làng mà mới hôm qua còn lắm thân thiết giờ đây đã trở nên quá nguy hiểm với Hòa. Hai anh em ngồi nghỉ mệt ở một bụi cây bên vệ đường, đột nhiên tiếng hỏi của Phượng cắt ngang dòng suy nghĩ của Hòa: ” Anh Hai ơi, cái máy nổ của bác Nghĩa công an tại sao lại nổ ở trên trời vậy?”,Hoà ngước nhìn lên trời cao, phía đỉnh Cà tang, một chiếc máy bay vừa bay qua, tiếng nổ nhỏ dần rồi tắt hẳn, đã lâu lắm rồi Hòa mới thấy lại hình ảnh một chiếc máy bay, Hòa chợt bật cười trước câu hỏi ngộ nghĩnh của Phượng rồi buông tiếng thở dài...trong đầu Hòa lóe lên một quyết định dứt khoát bằng mọi cách phải nhanh chóng đưa Phượng trở lại thành phố, trở lại Đà nẵng,trở lại mãnh đất mà mẹ Hòa đã dắt anh em Hòa dứt áo ra đi trong một ngày mùa hạ gió lào nóng ngốt thở.(7)
Lần mò mãi rồi hai anh em Hòa dắt díu nhau phiêu dạt đến bến cá Thanh Bồ (8)của khu Thuận Phước,hằng ngày hai anh em phụ khuân vác cá và xớ rớ phụ dọn bong sau những lúc thuyền về bến để mót những con cá nhỏ còn sót lại trên tàu, cuộc sống cực khổ đã dạy cho Hòa tính xoay xở và tự lập, ban ngày hai anh em ra bến, buổi tối kiếm chỗ học bổ túc và tá túc ở nhà một chị làm công như anh em Hòa đã tốt bụng cưu mang. Vốn sẵn sự thông minh, lanh lợi và chịu khó học hỏi, chỉ sau hơn sáu tháng học lóm và mày mò Hòa có thể sửa chữa và độ chế những chiếc máy nổ Yanmar ở trên tàu mà không cần phải thuê thợ máy bên ngoài sửa chữa mỗi khi máy hư, dần dần Hòa được thuê làm thợ máy chính trên tàu trong mỗi chuyến ra khơi và số tiền kiếm được đủ đắp đổi để sống và để nuôi em tiếp tục ăn học. Rồi một hôm, nhận lời sửa chữa cho một chiếc tàu đánh cá bị hỏng bánh lái, Hòa phải xuống hầm tàu và tình cờ phát hiện ở dưới hầm máy lố nhố rất nhiều người không phải là thuyền viên đang nấp,linh tính báo cho Hòa đây chỉ là tàu đánh cá trá hình để tổ chức đưa người vượt biên, biết bị lộ và biết Hòa cũng là một tài công giỏi,ông chủ tàu thỏa thuận với Hòa sẽ cho em gái Hòa cùng đi theo, chủ tàu tìm cách giữ Hòa lại trên tàu và trong lúc Hòa sửa chữa bánh lái chân vịt thì chủ tàu đã cho người tìm Phượng đưa lên tàu, đêm đó hai anh em bỏ ra đi với một tâm trạng ngổn ngang khác hẳn với lần đào thoát khỏi quê nội nhưng với một niềm hy vọng khấp khởi về một cuộc sống tương lai sẽ khác với những cảnh ngộ mà mình đang sống và đang phải trải qua. Trong Hòa chỉ đau đáu một điều là không cách nào báo tin cho Bà vì sợ rằng nội sẽ vì chuyện mình mà liên lụy theo, Hòa không hề biết rằng ngay trong hôm Hòa dắt Phượng bỏ làng đi trốn, nhận được tin báo của người quen trong làng, từ làng bên bà đã bước thấp bước cao tấp tễnh trở về, lòng nóng như lửa đốt,bà băng đồng đi tắt về nhà, dọc đường ruộng những cánh gai tre lòa xòa cào xước hết mặt mà bà chẳng hề hay biết.
Trước sân ,những người dân làng đang tụ tập bàn tán và tò mò nhìn vào nhà với vẻ hiếu kỳ vốn có của người dân quê, họ cảm thấy xa lạ với những chuyện khủng khiếp đang và sắp sửa xảy ra với bà, ở cái góc làng quê hẻo lánh bé nhỏ và yên bình này ?
Báo tin xong, họ hấp tấp leo lên chiếc xe Uoat rồi đột ngột lăn bánh rời khỏi nhà bà, bỏ lại đám đông đang tản mác dần vì sợ bị lụy vào thân để rồi cuối cùng còn lại mình bà với đôi mắt ngơ ngác ráo hoảnh đang trong tâm trạng bị kích động dữ dội vì nhận được một lúc nhiều hung tin. Bà lần mò bước đến bàn thờ, thắp nén nhang rồi lần mò tìm con heo đất dấu trong tủ thờ,chợt bà thấy giữa nền đất chỗ đặt chiếc tủ thờ, còn vương vãi những mãnh vỡ nằm chỏng chơ, bà biết chắc chắn đó là những mãnh vỡ từ con heo đất mà bao tháng qua bà đã cật lực vun trồng giàn bí để dành dụm và tích cóp được ít tiền cho việc chuẩn bị đi thăm con. Bà nhìn lại căn nhà gạch tuềnh toàng mà giờ đây trống huơ trống hoát vì thiếu vắng hai đứa trẻ chẳng biết đã dắt díu nhau đi đâu rồi bà nhìn ra sau vườn, trên giàn bí, những bông hoa bí vàng thắm đang trãi đầy trên giàn, nằm ẻo lả trong cơn gió đông sang và dưới giàn cây, những trái bí đao xanh bóng, căng da, trùi trũi như những chú lợn con đang nằm chờ bàn tay mẹ về nâng niu, chăm bẵm. Bà đưa tay ve vuốt từng trái bí trên giàn, thầm ước lượng tuổi lớn của từng đứa con, rồi đột ngột Bà vung dao cắt trái bí đao to nhất để hạ xuống đất, ở chỗ cuốn trái bí vừa cắt, từng giọt nhựa thơm nồng tứa ra như sữa thong thả giọt xuống mãnh đất nâu xốp mà bà đã chăm tay cày xới suốt năm tháng qua, lẫn trong tiếng nấc nghẹn ngào thoát ra từ tấm thân gầy còm xiêu vẹo của bà đang rung lên từng chặp, nhập nhoạng trong ánh chiều đang lặng lẽ tắt dần sau đỉnh Cà tang mù xám của một ngày đông, cái bóng tấp tễnh của Bà với trái bí đao trên vai in lên nền trời chiều đang dần tím thẫm.Sau đó và sau đó nữa,bà còn đi qua không biết bao nhiêu hàng quán phố chợ xơ xác của những vùng quê xứ Quảng, hàng trăm lần bà ngơ ngác hỏi bán trái bí để kiếm tiền đi nhận xác đứa con trai và mấy đứa cháu đang lưu lạc nhưng hỏi chỉ để mà hỏi vì bà cũng chẳng cần nhớ phải đi đâu và phải đón ai nữa.... Một chuyến đi xa quá đắt cho một kiếp người...(!)
....Cuộc sống ở thành thị dạy tôi nhiều điều mà trước đó tôi còn rất mù mờ khi sống ở nông thôn, chú Sáu chỉ tôi cách thích nghi với cuộc sống thành thị và tôi mau chóng hội nhập vào môi trường mới.Trọ học ở nhà chú Sáu những lúc rãnh rỗi, tôi tham gia vào việc đi giao máy và được Chú tận tình chỉ dẫn việc sửa chữa các loại máy nổ như Yanmar,Kubota.. nổi tiếng của Nhật bản . Tôi siêng năng học hỏi và dần dần được theo Chú đi ra ngoài sửa mỗi khi động cơ của các tàu cá hỏng hóc mà đám thợ máy không làm được.Những lần như vậy,trong tôi lâng lâng cảm giác sung sướng pha lẫn tự hào vì là học sinh phổ thông mà vẫn kiếm tiền ngon ơ trước mặt các anh thợ máy lâu năm,điều này đồng nghĩa với việc tôi có thể tồn tại được ở cái mãnh đất đầy rẫy sự cạnh tranh này chớ không đến nỗi “trói gà không chặc” như mấy đứa con gái của chú Sáu thường hay chế diễu.
Mùa hè năm đó, tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền ăn học, tôi được chú Sáu tin tưởng giao cho một ca khó ở bãi Mân thái (9), do xa thành phố, tôi phải ở lại để làm ráng cho xong việc.Sửa máy xong tôi được mấy bác tài công và chủ ghe chiêu đãi, lần đầu tiên bị ép nếm thử rượu, tôi xỉn lăn quay và nằm dúi dụi trong cabin, đầu nhức như búa bỗ.Trong cơn say, tôi nghe có tiếng chân chạy lập rập bên ngoài, tiếng la hét huyên náo rồi tiếng súng AK khô giòn...rồi tôi thiếp đi chẳng biết gì nữa. Khi bừng tỉnh cơn say, tôi nhìn ra ngoài và thấy một màu đen mịt mùng bao trùm chung quanh và trong tiếng ậm ì của chiếc F4 (10) bị bịt ống bô, đang nổ rất tức, đẩy chiếc tàu đi băng băng trong đêm giữa tiếng sóng vỗ oàm oạp vào mạn tàu nghe thật dữ dội. Đêm đó chiếc tàu bị động ổ vì đám bộ đội biên phòng quầng rất dữ, chủ tàu phải nhổ neo sớm bỏ lại một số người chậm chân vì chưa đến giờ mật định xuất phát, riêng tôi lẫn lộn trong tâm trạng không biết buồn hay vui vì còn cha mẹ già bỏ lại ở quê nhà,còn cả những ước vọng của cha và tia nhìn đau đáu của mẹ ngày xa quê và còn đó ánh mắt của cô gái nhà bên đang mong chờ tôi sẽ trở về lúc thành danh ... Có lẽ chú Sáu rồi cũng sẽ báo tin động trời này đến gia đình tôi và cha mẹ tôi rồi sẽ có nhiều đêm trằn trọc thở dài vì mất ngủ,nghĩ đến đây bất giác tủi thân, dòng nước mắt chợt lăn dài trên gò má...
Sau năm ngày đêm lênh đênh trên biển và ói mửa mật xanh mật vàng cọng với cái rát của nắng nóng đốt cháy mặt ,cháy lưng, đôi môi khô rộp vì thiếu nước, điều may mắn lớn nhất đến với chiếc thuyền của chúng tôi là đã được những ngư dân Mã lai tốt bụng kéo vào đảo Pulau Bidong và thả trôi theo giòng hải lưu cho tàu tấp vào đảo.Ở bến tàu của trại tị nạn, những người trong cùng chuyến đi ôm nhau mừng rỡ vì tin chắc mình còn sống sót và đã vượt qua được thử thách nghiệt ngã mà cái giá phải trả chính là sinh mạng của mình.Tại đây tôi đã sống qua hơn hai năm trước khi được thanh lọc rồi được nước Úc nhan như một tổ quốc thứ hai và sẽ là tổ quốc đầu tiên của các con tôi sau này.
Bidong là trại đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm của tình bạn, tình đồng hương trân quý và nhất là mối tình thực sự của tuổi hoa niên mà tôi cố công gìn giữ, mối tình mà sau này tôi đã vượt qua biết bao khó khăn trắc trở và thử thách để rồi sau đó quà tặng của cuộc sống mà thượng đế mĩm cười trao cho tôi chính là những đứa con xinh xắn và kháu khỉnh của tôi ngày nay, kết tinh từ mối tình trong sáng,tuyệt vời mà tôi đã có ở Bidong.
Lần đầu tiên gặp Hòa và khi nhận ra giọng nói đặc trưng của dân vùng núi Quế sơn quê tôi, chúng tôi ôm chặt lấy nhau.Là đồng hương cùng lưu lạc ở đất người ,chúng tôi mau chóng kết thành tình thân, tôi nhỏ hơn Hòa bốn tuổi và đến trại sau Hòa ba năm nên tự nhận làm em kết nghĩa vì trong lòng tôi đã chớm nở hoa khi nhìn vẻ thơ ngây yêu kiều trên nét mặt mơ màng của Phượng.
Một năm sau,anh em Hòa được Ủy ban tỵ nạn LHQ lọc đi Mỹ vì qua thanh lọc hồ sơ họ đã xác định được Ba của Hòa là phi công ngày xưa đã được đào tạo ở Mỹ,còn tôi thì xin được định cư vào Úc. Đêm chia tay đẫm nước mắt vì chúng tôi sắp phải xa nhau mà chẳng biết khi nào có cơ hội gặp lại.Trong tiếng sóng biển rì rào và dưới ánh nến lay động của "bàn tiệc" dã chiến được tổ chức sơ sài nhưng ấm áp trên bãi biển Bidong, Hòa đã kể hết nỗi thăng trầm của cuộc sống gian truân mà anh đã trải qua, gương mặt nhạt nhòa nước mắt, Anh kể đến nỗi đau thắt lòng của mình khi phải vét những đồng tiền của bà nội dành dụm để đi thăm nuôi ba anh.Cay đắng hơn, cho đến nay anh vẫn không hề có chút tin tức gì về bà nội lẫn cha của anh mà lúc trốn ra thành phố cũng như lúc ra đi anh chẳng dám thông báo cho nội vì sợ nội bị liên lụy . Ở Bidong, những bức điện tín được anh gửi mấy lần cho nội nhưng chẳng biết có đến được tay nội hay không, biết thế nhưng anh vẫn cứ gửi đi trong vô vọng và mệt mỏi, Hòa kể lể rồi nấc lên trong tiếng khóc nghẹn ngào và cay đắng. Tôi lắng nghe câu chuyện của Hòa và đang thả hồn về quá khứ để mường tượng lại các sự kiện buồn vui cũng đã trải qua trong cuộc đời mình, cố gắng sắp xếp lại cho gãy gọn trước khi chia sẽ với Hòa, chợt bừng lên trong tôi cái hình ảnh khó quên mà, biết đâu nhờ đó sẽ có chút hy vọng nào khả dĩ cho Hòa ráp nối vào bức tranh cay đắng và nghiệt ngã trong một phần đời của Anh đã trải qua, đang còn là ẩn số chưa giải ra được_hình ảnh bà già điên tứ cố vô thân,đôi tay ôm chặt trái bí đao mà dân làng quê tôi đã chôn lấp vội vàng trong một ngày mưa...
Ngoài kia tiếng sóng xô bờ lúc triều lên của Bidong vỗ về cho những suy nghĩ tản mạn khác nhau chợt bùng lên trong mỗi chúng tôi. Xa về phía đường chân trời ,một vệt sáng mỏng len dần vào màn đen của trời đêm báo hiệu lại một ngày sắp tới..../.
Tuấn Tôn
Sydney, May 2013
Ghi chú:
(7) Ngốt thở: Phương ngữ của người miền Trung chỉ về cái nóng của gió lào.
(8) Cảng cá lớn của TP Đà nẵng, sát với cửa sông Hàn trước khi đổ ra biển,nay vẫn còn hoạt động
(9) Mân thái:làng chài ở chân núi Sơn chà,Đà nẵng.
(10) F4 :Máy tàu bốn block để đi biển.
Người mẹ Ô Lý , nhạc phẩm của cố nhạc sĩ TCS viết vào năm 72 , ca sĩ Khánh Ly trình bày
Xin mời anh chị nghe ca khúc Bà mẹ ô lý và xem những hình ảnh xúc động mà anh Toản cất công sưu tập để minh họa và làm sinh động thêm câu chuyện này .Cám ơn anh Toản và chị Tùng đã edit lại cho bài viết gọn gàng và sáng sủa hơn.Chúc các anh chị một ngày có thêm niềm vui từ diễn đàn.
Comment