Thơ Nguyên Sa trong trẻo, trữ tình và mát lành như một dòng suối tắm mát đẫm tâm hồn cả một thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt là giới trí thức và sinh viên học sinh Sài Gòn thập niên 1960-1970. Từ khi Anh Bằng phổ bài thơ Cần thiết thành bản nhạc Nếu vắng anh, Ngô Thụy Miên phổ những nhạc phẩm từ thơ của Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Tình Khúc Tháng 6, Tuổi Mười Ba, Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Paris Có Gì Lạ Không Em, thơ của Nguyên Sa mới đi vào lòng tất cả mọi người, cả trí thức lẫn bình dân ở miền Nam thời trước.
Một trong 3 bài thơ chia ly được Nguyên Sa viết tặng cho vùng đất mà ông đã nương náu để trọ học và tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình( nơi ấy đã ngập tràn kỷ niệm thời trai trẻ và ray rứt mãi trong lòng khi sắp phải lìa xa) lần lượt là Tiễn Biệt viết năm 1953, Paris viết năm 1954 và Paris Có Gì Lạ Không Em viết năm 1955 và phải đến gần 20 năm sau đó, một nhạc sĩ trẻ mang tên Ngô Thụy Miên đã đồng cảm khi cũng sang Pháp du học, lấy bài thơ này mang phổ nhạc và ngay lập tức ban nhạc phổ thơ này trở thành một hiện tượng gây sốt trong giới trẻ miền Nam thời ấy.
Vào năm 71 khi Tập thơ Nguyên Sa được Tổ hợp gió ở miền Nam xuất bản trong đó có bài thơ tựa đề Cần thiết đã lọt mắt xanh của nhạc sĩ Anh Bằng và một thời gian sau ông đã lấy ý của bài thơ này để soạn bản nhạc Nếu vắng Anh được công chúng miền Nam ái mộ bởi nhạc sĩ đã sáng tạo nên một tình cảm thương nhớ của cô gái có người tình đang hành quân xa ngoài biên ải. Motif này đã lấy nước mắt của biết bao nhiêu thiếu nữ ở miền Nam có hòa cảnh tương tự.
Hơn năm mươi năm qua đi và những bản nhạc này (phổ thơ của thi sĩ Nguyên Sa) vẫn còn lôi cuốn người nghe mỗi khi giai điệu của nó chợt vút lên...